Quê chúng tôi nằm ở phía nam, vùng Kyushu, tỉnh Kagoshima. Nơi đây được biết đến với rất nhiều thứ, như các địa danh nổi tiếng hay các món ăn địa phương đa dạng. Đặc sắc nhất có lẽ phải kể tới những bãi biển nhiệt đới, hay ngọn núi lửa Sakurajima hùng vĩ với các khu Onsen nổi tiếng bao quanh. Ai đã đến một lần hẳn sẽ không thể quên. Nhưng tôi lại thấy tiếc, vì đa phần khách du lịch đến với Kagoshima sẽ chỉ biết tới những danh lam thắng cảnh, mà vô tình bỏ qua các viên ngọc quý bị ấn giấu dưới lớp vỏ mang tên “thôn quê”. Như nơi tôi sống là một ví dụ điển hình.
Thành phố Tatsugo nằm ở vùng ngoại ô của tỉnh Kagoshima, thuộc quần đảo Amami Ooshima mà tiếng địa phương chúng tôi gọi là Uushima. Khoảng cách từ đây vào tới đất liền khá xa, tầm 380 cây số. Nếu đi bằng phà có thể phải mất cả nửa ngày, hoặc nhanh hơn nếu đi bằng máy bay thì chỉ tốn tầm một tiếng. Với lý do đó nên Tatsugo rất ít khi có khách du lịch, vì không ai lại muốn tốn công sức và tiền bạc để tới cái chốn khỉ ho cò gáy này bao giờ cả, thậm chí cả người bản địa ở đây cũng vậy. Ai rồi cũng rời đi, từ lớp trẻ tới những người thành niên và trung niên, trong đó có cả cha mẹ tôi. Họ rời đi tìm kiếm một cơ hội để đổi đời, tìm kiếm một công việc ở chính đảo có thể giúp họ trở nên khá giả hơn. Và rồi theo năm tháng, Tatsugo chỉ còn là cái bóng của chính nó.
Ở đây đa phần là người già đã có tuổi và những đứa nhóc như tôi. Ai có sức, có tài, có trí và dũng cảm đều đã rời bỏ quê hương. Đôi khi họ vẫn quay về thăm gia đình, một năm một hai lần, có năm lại không thể về được vì bận. Riêng gia đình tôi thì khác, cha mẹ tôi mất sớm vì tai nạn giao thông. Theo như ông bà tôi kể lại, trên đường đi làm, chiếc xe hơi nhỏ cà tàn mà họ vẫn sử dụng thường ngày bỗng dưng bị thủng bánh. Nó chao đảo và lao thẳng vào cột điện bên đường, họ qua đời ngay sau khi được đưa vào cấp cứu. Kể từ đó, tôi cũng không nghe gì thêm, cũng chẳng rõ sự sống và cái chết là gì, chỉ biết rằng, từ giờ mình vẫn sẽ cô đơn… Như bao đứa trẻ khác trong xóm.
Tôi sống với nhà ngoại sau khi cha mẹ qua đời. Ngày qua ngày vẫn như thế, trước giờ vẫn như thế, không có gì thay đổi. Ông tôi là ngư dân, bà tôi thì ở nhà quán xuyến gia đình. Mỗi ngày, ông ra khơi từ sớm và về nhà khi mặt trời đã lặn sâu dưới đường chân trời. Tôi đi học, về nhà và ngồi phụ bà những việc lặt vặt. Cuộc sống tôi vẫn luôn như thế, và tôi ước nó vẫn cứ mãi như thế… Cho tới một ngày kia.
Hôm đó là một buổi trưa hè nắng nóng. Lúc ấy tôi mới chỉ là một đứa nhóc lớp bảy. Sau khi đạp xe với lũ bạn cùng xóm về, tôi bắt gặp bà ngoại đang nằm co ro trên sàn ngay thềm cửa nhà trong bộ đồ bộ thun, với cây chổi rơi kế bên. Tôi hoảng sợ, nghe dồn dập dòng máu nóng trong người mình chảy đi khắp thân. Tôi vội lại gần để nhìn cho kỹ. Bà vẫn chưa bất tỉnh, nhưng cơ thể run lật bật, dường như đang rất đau. Gương mặt hiền hậu của bà nhăn nhó hết lại, trông thật tội nghiệp. Tôi nhớ, bà gắng gượng với lấy tay tôi, khẽ thì thầm điều gì đó rồi chỉ tay về phía chiếc điện thoại bàn trong phòng khách.
“G-gọ…i c…ho… c-cậ-u…” Giọng bà run rẩy, ngắt quãng.
Tôi lập tức nghe theo, chạy vào trong nhà bấm số gọi. Một lát sau, bên kia đầu dây có người bắt máy. Tôi nhanh chóng tường thuật lại mọi chuyện cho cậu.
“Hình như bà bị té trong lúc dọn nhà. Chân phải bà bị đau do đập phải thềm cửa, cậu tới nhanh xem thế nào.”
Nghe tôi nói vậy, cậu cũng hốt hoảng bảo sẽ đến liền rồi tắt máy. Đường xá của Tatsugo lúc ấy còn chật hẹp, nhà tôi lại nằm ở vùng rìa hẻo lánh nên xe cấp cứu phải mất rất lâu mới tới được. Và tận mười lăm phút sau, cậu mới lái chiếc bán tải trắng tới trước nhà cùng dì. Cả hai người hối hả xuống xe và đi vào nhà nơi bà đang nằm. Chúng tôi phụ nhau dựng bà ngồi dậy. Bà tôi nhăn mặt, rên lên trong đau đớn khi phải co duỗi chân. Trước giờ bà vẫn đi lại rất bình thường, nhưng đột nhiên nhìn thấy bà bước đi lựng khựng, chân phải khó khăn để giữ thăng bằng như vậy khiến tôi hoảng sợ tột cùng.
“Mẹ có sao không mẹ? Có bị đau chỗ nào khác không? Đầu có bị đập vào đâu không?” Dì tôi luôn miệng lo lắng hỏi han.
“K-không…” Bà ngoại thì gắng gượng đáp lại.
“Mẹ đau ở chỗ nào, mẹ chỉ vào đi.” Cả cậu cũng không khỏi lo lắng, sốt sắng hỏi. “Có đau lắm không?!”
“K-không… Ở đùi ph-phải!!!” Bà tôi thốt lên trong đau đớn, tiếng la sởn gai ốc khi cậu chạm nhẹ vào chỗ mà bà chỉ. “Đ-đau!!! Đ-đừng… chạm…”
“Mong là không bị gãy xương, gãy là chết mất. Tuổi này rồi mà không đi lại được thì chết con cháu…” Dì tôi ngồi sụp xuống bên cạnh, xoa xoa vào chỗ bị thương. Tôi nhớ lúc ấy nó vẫn chưa sưng bầm lên.
“Thôi, đưa mẹ vào bệnh viện trước đã. Phụ anh nâng mẹ ra xe. Cả con nữa, phụ cậu một tay.”
Tôi gật đầu, góp chút sức ít ỏi của mình nhấc lưng bà lên, hai cánh tay ốm yếu, liêu xiêu như cành liễu run bần bật, muốn gãy ra khi chống chịu sức nặng của người bà. Tôi nhớ, cơ thể bà ngoại không quá phì cũng không quá ốm, chỉ vừa vặn, như những người có tuổi cùng xóm. Nhưng đó là lần đầu tiên tôi chợt nhận ra, một con người lại có thể nặng đến như vậy… Một sinh mạng, lại có thể mong manh đến như thế.
Sau khi đặt được bà lên ghế trước, tôi và dì đứng thở phì phò. Lồng ngực tôi co thắt lại, đau quặn lên. Cậu thì xoa đấm lưng, luôn miệng than đau nhức.
“Con báo cho ông chưa?” Cậu chợt nhớ ra và hỏi tôi.
Tôi lắc đầu. Và thế là cậu với dì bảo tôi ở nhà để chờ ông về rồi báo tin, vì ông ngoại làm việc ngoài khơi nên không mang điện thoại di động theo. Nhưng tôi phản đối, tôi muốn được đi cùng bà tới bệnh viện. Ở nhà một mình trong cái không gian rộng lớn trống vắng đó về đêm làm tôi bất an. Tôi sợ nó sẽ nuốt chửng mình, sợ rằng bà sẽ đi, và không bao giờ trở về… như cha mẹ tôi.
“Con sẽ không làm phiền đâu… Cậu cho con đi chung với.”
Cậu chần chừ, nhưng quay sang nhìn bà đang đau đớn cũng đành gật đầu đồng ý. Tôi leo lên xe, ngồi khép nép vào ghế sau với dì. Đằng sau hơi chật do chứa những món đồ điện tử lỉnh kỉnh. Rồi chiếc xe bắt đầu lăn bánh. Con đường đá gồ ghề, lởm chởm đầy ổ gà nên cậu tôi không lái nhanh được. Ngoài trời hôm đó cũng rất nóng, mồ hôi trên người tôi nhiễu nhễ nhại từ lúc đạp xe với lũ bạn, và nó còn đổ nhiều hơn sau khi phụ khiêng bà lên xe. Bình thường cậu chỉ mở cửa sổ để gió trời thổi mát, nhưng hôm nay có bà ngoại nên cậu đóng hết cửa lên, bật máy lạnh. Trong xe mát mẻ như mùa đông đến sớm.
Trên đường đi, tôi lo lắng và đôi khi chồm lên ghế trước chỗ bà đang ngồi. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên vai bà, xoa xoa bờ vai gầy gò xương xẩu ấy, hy vọng sẽ giúp được chút ít.
“Bà có còn đau không…?” Tôi khẽ hỏi.
Tuy bà không thể thốt lên lời, nhưng tôi nhớ bà vẫn gắng sức để mỉm cười và quay ra sau nhìn tôi. Như thể, tôi mới là người đang được an ủi.
“Còn xăng không anh?” Dì tôi bấm điện thoại, hỏi.
“Không còn nhiều, đổ luôn không?”
“Chắc đổ chút đi, có cây xăng ngay đây.”
Tôi nghiêng đầu ngó lên trước nhưng không thể nhìn thấy kim xăng. Bây giờ là mười hai giờ ba mươi phút, chúng tôi đã xuất phát được một lúc lâu nhưng mãi vẫn chưa thấy bệnh viện trong tầm mắt, lại còn phải dừng để đổ xăng. Tôi sợ bà sẽ gặp chuyện không may. Tôi lo quá, nhưng cậu dì thì trông vẫn quá bình thản. Cả bà cũng vậy, bà mỉm cười, nhưng tôi thấy tay bà siết chặt lại và đang run lên. Rồi không lâu sau đó, chiếc xe tấp vào tiệm xăng ven đường. Cậu kéo kính xe, hối nhân viên đổ xăng gấp rồi tiếp tục lái đi.
Đường xá trong trung tâm được trải nhựa, bằng phẳng và rộng rãi hơn, không có nhiều ổ gà hay đất đá như vùng ngoại ô. Tới đây thì cậu tôi liền đạp ga phóng nhanh, lúc đó đường cũng vắng vẻ, dù là đang giữa trưa. Cậu và dì sống trên thành phố nên những khúc đường này hẳn phải rất quen thuộc trong mắt họ. Còn với tôi, khung cảnh xung quanh khác lạ và nguy nga như ở chính đảo mà trên tivi thường hay chiếu. Tôi thấy có những tòa nhà cao chót vót đứng san sát nhau, có những chiếc xe hơi với kiểu thiết kế hiện đại trông bắt mắt, và người đi đường khoác lên mình những bộ quần áo sặc sỡ rất phong cách, thời thượng. Tội bị choáng ngợp, bị thu hút bởi sự sinh động của thành phố, mãi mê dõi theo cảnh vật vụt qua cửa kính xe.
Thời gian dường như đang trôi chậm lại. Nhìn ngắm cảnh đẹp rồi cũng chán, tôi lại bắt đầu nôn nao. Và tôi chợt nghe thấy bà khẽ rên rỉ trong đau đớn, nghe tiếng răng nghiến ken két. Nỗi sợ hãi dần len lỏi vào tâm trí, tôi mất kiên nhẫn, nhướn người về trước để nhìn đường. Chiếc xe vẫn di chuyển rất nhanh.
“Mà dạo này con sao rồi? Lúc nào cậu với dì xuống chở con với ông bà đi ăn tối. Ở đây có quán sushi ngon lắm.” Cậu tôi cười nói.
Tôi chỉ gật đầu và “dạ” một tiếng. Bây giờ, tôi lo cho bà ngoại hơn. Tại sao cậu vẫn còn thoải mái giỡn như vậy được? Còn dì, dì không nói gì từ lúc rời trạm xăng, nhưng cũng không mấy tỏ ra căng thẳng.
“Hay chỉ mỗi mình là đang sợ?”
Đồng hồ trên radio bây giờ hiển thị một giờ chiều. Đã ba mươi phút trôi qua từ lúc rời trạm xăng mà chúng tôi vẫn chưa đi đến đâu. Tôi muốn hối cậu chạy nhanh lên, nhanh hơn nữa… Nhưng cũng chẳng biết nhanh hơn nữa là phải như thế nào. Và cứ như vậy, tôi ngồi lặng im, nhìn bà, nhìn cảnh, rồi quay lại nhìn đồng hồ. Trong không gian chật hẹp của chiếc xe, tôi thấy nóng nực và người nhiều mồ hôi nhễ nhại.
“Tới rồi, xuống con với dì đưa bà lên băng ca. Cậu đi đậu xe rồi vào.”Rồi cậu quay sang nhìn bà. “Tới viện rồi mẹ, ráng tí nữa nha.”
Bà ngoại vẫn còn tỉnh táo, chậm rãi gật đầu, hạn chế những cử động nhiều nhất có thể.
Một lúc sau, chiếc xe giảm tốc độ lại dần, rẻ vào một con đường lớn và dừng lại hẳn trong khuôn viên của bệnh viện. Tôi nhớ lúc đó khu cấp cứu vẫn còn khá thô sơ, chỉ có mỗi một bác bảo vệ và nhân viên y tá đứng trực. Họ thấy tôi và dì xuống xe nên chạy lại hỏi. Dì tường thuật lại mọi chuyện rồi nhanh chóng nhờ mọi người đưa bà nằm lên băng ca, đẩy vào trong.
Tôi đứng chờ trong lúc dì làm giấy tờ. Hình như dì quen với cô ý tá đứng trực nên hai người cứ nhởn nhơ nói chuyện một lúc. Tôi quay sang người bà nằm trên băng ca, chân phải co lên không thể duỗi thẳng, gương mặt càng lúc càng nhăn hơn, đau quằn quại hơn, hai bàn tay siết chặt trong bất lực. Tôi sót, nhìn bà ngoại mà cảm thấy lòng như cắt, thấy đau thay cho bà. Nhưng dì vẫn cứ mãi đứng nói chuyện khiến tôi nóng máu. Rồi cậu cũng chạy vào quầy thủ tục sau khi đậu xe xong, lúc này dì cũng vừa hoàn thành giấy tờ và giao lại cho nhân viên. Chúng tôi đẩy bà vào khu số ba để nằm chờ.
Trong bệnh viện không đông đúc, nhưng cảm giác thật chật chội và gò bó. Không khí nóng nực và hôi nồng mùi mồ hôi. Ngoài chúng tôi ra còn có khoảng hơn mười cái băng ca khác với người bệnh nằm trên đó, chỉ trong mỗi khu số ba, những khu vực khác có thể còn nhiều hơn không chừng. Cậu và tôi đứng bên bà chờ trong khi dì lại bàn làm việc để đưa hồ sơ cho bác sĩ. Lát sau, dì quay lại bảo phải chờ một chút vì bác sĩ đang bận. Cả hai người trấn an bà rồi đi ra dãy ghế gần đó ngồi nghỉ, tôi đứng lại với bà.
“Không sao đâu bà, bác sĩ sẽ khám cho bà nha. Bà ráng chịu một lát là hết đau thôi. Chắc không sao đâu bà.” Tôi khẽ cười, cúi người nói thầm với ngoại.
Ngoại cười rồi lại nằm im re. Chúng tôi kiên nhẫn chờ. Gần đó có một chiếc đồng hồ treo tường. Khi tôi ngước lên nhìn, lúc này đã một giờ mười lăm phút, vẫn chưa có bác sĩ nào bước lại. Phía bên kia, khu số hai đột nhiên có tiếng la hét phát ra. Tôi không nhìn thấy được là ai, nhưng nghe giọng như của một bà lão, giọng hét thất thanh và đau đớn tột cùng. Bà ấy liên tục ca thán, nào là “đau quá!”, “cứu tôi!”, “cái tay tôi!!!”... Những tiếng thét nặng nề và chói tai làm tôi sợ. Tôi nhìn xuống bà của mình đang nằm đó và nghĩ tới viễn cảnh sẽ xảy ra. Chợt, lồng ngực tôi quặn thắt lại, trái tim bị đè nén trước luồng áp lực vô hình. Tôi thấy khó thở, tầm nhìn bị mờ đi.
“Uống nước đi con, nóng quá…” Dì bước lại từ sau lưng đưa cho một chai trà xanh mát lạnh. Chắc dì mua ở máy bán hàng tự động gần đó.
“Dì với cậu uống chưa?” Tôi ngại ngùng hỏi.
“Rồi, dì với cậu có nước riêng, con uống đi.”
Tôi nhận lấy chai trà, cảm ơn dì rồi vặn nắp tu một hơi hết sạch. Có thể là do mất nước nên sau khi nốc cạn chai trà xanh, tôi thấy bình tĩnh hơn, đầu óc thoải mái hơn. Tôi nhìn xuống bà ngoại.
“Ngoại có uống nước không? Con đi mua một chai cho ngoại?”
Bà tôi nhẹ nhàng lắc đầu, không thốt nên lời. Và tôi lại tiếp tục đứng chờ, chờ mãi, dù đôi chân có mỏi mệt, đau nhức vì đứng nãy giờ nhưng tôi vẫn không muốn rời xa bà. Cậu có lại bảo tôi ngồi nghỉ, nhưng tôi không dám. Tôi sợ nếu rời mắt khỏi bà, có thể bà sẽ cứ thế mà biến mất.
Chiếc đồng hồ trên tường vẫn kêu lên những tiếng tích tắc đều đều, kim giây vẫn chạy, thời gian cứ thế trôi. Không biết đã bao lâu trôi qua, tôi cũng đã mất nhận thức về thời gian. Khu vực chờ nóng hừng hực như lò thiêu, người tôi lại vã mồ hôi, vừa mới uống hết một chai trà xanh đây mà giờ cổ họng đã khô ran. Tôi mất kiên nhẫn, ngó nghiêng xung quanh thấy bác sĩ đang đến kiểm tra những bệnh nhân bên cạnh. Khi ấy, tôi đã nghĩ tại sao họ không ưu tiên bà của mình trước. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi thật ích kỷ và trẻ con.
Những người nằm trên băng ca kia, có một chú bị chột mắt, máu me bắn tung tóe lên quần áo đã khô đặc lại một màu đỏ sẫm hung tợn, có cô bé nhỏ tuổi hơn tôi nằm kế bên, băng gạc dán khắp người vì bị bỏng. Khi bác sĩ khám cho họ, ông chú la hét lên, vùng vẫy trong đau đớn, và cô bé thì khóc lóc không ngơi khi bị tiêm ngừa, dịch mủ vàng khè chảy xuống tấm ga trắng tinh tươm làm ô uế đi. Tôi nhìn họ và nhớ tới cha mẹ mình, đấng sinh thành mà tôi không biết mặt, không có một chút ký ức nào về. Không biết lúc bị đưa vào cấp cứu, cha mẹ tôi có la hét trong đau đớn như vậy? Lúc đó, họ nghĩ tới gì? Họ có sợ không? Và chợt, tôi run lên khi nghĩ tới những điều đó. Cuộc sống thật quá mong manh, con người… thật quá mong manh. Cha mẹ tôi, ông chú ấy, cô bé nằm bên cạnh, bà ngoại tôi đang ở đây, và tôi… Tất cả chúng tôi thật quá mong manh trước cái chết.
Bất chợt, ngoại tôi khẽ rên lên, hai nắm tay siết chặt đến run rẩy.
“Bà có sao không?! Có đau không? Sắp rồi, bà ráng xíu nha bác sĩ sẽ tới sớm thôi!” Tôi hốt hoảng cố gắng trấn an bà. Nhưng nhìn bộ quần áo và bàn tay gầy nhom đã ướt nhẹp mồ hôi ấy càng khiến tôi lo lắng hơn.
Không biết tôi đã lặp đi lặp lại cái câu nói đó bao nhiêu lần rồi. Lần nào cũng vậy, bà đều gượng cười, nhưng bây giờ, ngoại đã không còn giữ được nụ cười trên môi nữa. Tôi lo lắng, sốt ruột não nề. Dì và cậu thì vẫn ung dung ngồi chờ ở dãy ghế đằng xa. Bác sĩ vẫn đang khám cho các bệnh nhân gần đó. Tôi muốn chửi lão, muốn chửi dì và cậu, chửi cả đám y tá vô trách nhiệm.
“Tại sao họ không nhanh lên?!”
“Tại sao họ không lo lắng?!”
“Tại sao?!”
Những suy nghĩ dồn dập, nhen nhóm thắp lên trong tâm trí tôi một ngọn lửa, rồi bùng cháy mãnh liệt như gặp phải dầu. Tôi nổi nóng, định chạy tới bàn làm việc của lũ bác sĩ đang ngồi nhởn nhơ bấm máy tính rồi than phiền. Nhưng vừa quay người đi thì bà đột ngột nắm chặt lấy tay tôi. Bàn tay gầy nhom ấy không còn run lên lật bật nữa. Tôi thấy bà mỉm cười rất tươi, một nụ cười hạnh phúc nở rộ trên đôi môi khô nứt nẻ, như thể cơn đau hoàn toàn không hiện diện ở đó. Cứ nghĩ là có bác sĩ khác đang tới nhưng không phải, cả đám bọn họ vẫn ngồi xì xầm gì đó với nhau ở bàn làm việc.
Tôi bàng hoàng và tò mò, dõi theo ánh nhìn chăm chú của bà tới bức tường trắng phía đối diện. Trên đó, tôi nhìn thấy ba bức tranh được trưng bày. Nhưng kỳ lạ thay, ngoại dường như chỉ để ý đến duy nhất một bức, bức tranh mà đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên. Nó được gọi là “Hoa trong bình”, của họa sĩ Pierre-Auguste Renoir vẽ vào năm 1866. Đúng như cái tên, bức họa chỉ đơn giản là một chiếc bình sứ và những bông hoa màu mè hương sắc cắm bên trong. Tôi nhớ có hoa hồng trắng làm chủ đạo, có hoa ly vàng thắp lên một vùng trời sáng, có hoa cúc dại và hoa tulips là những nàng vũ công, xen kẽ với những bông mẫu đơn to lớn màu tím hồng mang mọi thứ lại với nhau một cách mượt mà, hoàn hảo. Sắc màu tươi tắn của chúng như đem tới sự sống và xoa dịu đi cơn đau vô bờ bến trong tâm hồn người xem.
Nhưng lúc ấy, tôi hãy còn quá ngây thơ, đã tự hỏi cái bức tranh không quá đặc biệt đó thì có gì mà lại khiến bà tôi tươi cười hạnh phúc đến thế, trong khi cơ thể vẫn đang chịu sự dày vò của cơn đau? Và thật ra, đến giờ tôi vẫn chẳng thể hiểu vì sao. Chỉ biết rằng, từ khoảnh khắc đó, một hạt giống ước mơ đã vô tình gieo mầm bên trong mình.
Rồi nắm tay của bà cũng dần buông lỏng, nó dịu dàng hơn, ấm áp hơn. Tôi nhìn bà đang mỉm cười mà lòng tràn đầy hạnh phúc và bình an. Cơn nóng cũng đi qua, cơn khát cũng bị bỏ lại, tôi chợt thấy có lỗi khi mang những suy nghĩ không hay vừa nãy trong đầu. Chỉ một chốc sau thì cũng đến lượt bà ngoại. Vị bác sĩ tiến lại gần, ân cần hỏi han bà. Lúc này thì cậu và dì cũng bước tới bên cạnh, bảo tôi ra ghế ngồi nghỉ ngơi. Tôi muốn từ chối, nhưng đôi chân lều khều đang dần bỏ cuộc, run lên bần bật nên đành phải gật đầu mà rời đi.
Và sau đó, phần còn lại là quá khứ.
0 Bình luận