Nam bước vào phòng ký túc xá, đầu óc vẫn ong ong với những lời của anh Thành, như thể một hạt giống nghi ngờ vừa được gieo xuống mà cậu chưa biết phải làm sao để nhổ bỏ. Không gian trong phòng vẫn vậy, chẳng có gì nhiều ngoài những chiếc giường tầng bằng sắt sơn trắng đã trầy xước, một chiếc bàn gỗ ọp ẹp đầy vết mực loang lổ, và vài chồng sách vở ngổn ngang. Một cái quạt máy hiệu ASIA cũ kỹ đặt trên kệ, vẫn còn đang chạy lạch cạch như thể than phiền về cái nóng oi nồng giữa trưa.
Nam lôi chiếc Nokia từ túi quần ra, đầu ngón tay bấm số một cách máy móc, như thể chỉ cần nghe được giọng mẹ thì mọi lo lắng sẽ vơi đi. Nhưng khi áp điện thoại lên tai, cậu chỉ nghe thấy giọng tổng đài viên đều đều, vô cảm: "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau..."
Tín hiệu cúp máy cộc lốc vang lên, để lại một khoảng lặng nặng trịch trong lòng Nam. Cậu siết chặt điện thoại trong tay, cảm thấy nỗi bất an trong lòng lại lớn thêm một chút. Từ trước đến nay, dù bận cách mấy mẹ cũng ít khi tắt máy.... Mà giờ, gọi hoài chỉ nghe tiếng tổng đài. Một dự cảm không lành cứ len lỏi vào tâm trí, khiến Nam cảm thấy khó thở hơn bao giờ hết.
Tình lẽo đẽo theo sau, chân vừa bước vào phòng đã lên tiếng: “Mày tính về thiệt hả, Nam?”
Nam khẽ thở dài, đưa tay vò vò mái tóc. Cậu lắc lắc chiếc điện thoại Nokia trong tay như thể làm vậy thì cuộc gọi sẽ tự nhiên kết nối được. "Tao gọi về cho mẹ hoài mà chỉ nghe giọng tổng đài. Tao đang cực kỳ bất an, Tình à…"
Nam lặng lẽ bước đến mép giường, cúi xuống kéo chiếc vali cũ kỹ từ dưới gầm ra. Nó là loại vali nhựa cứng, màu xanh nhạt, khóa kéo đã tróc sơn, góc cạnh sờn rách một chút vì bao lần va đập ở bến xe hay sân ga. Cậu mở nắp vali, rồi bắt đầu gấp quần áo, từng cái một, một cách chậm rãi và có phần lơ đãng.
Tình ngồi bệt xuống mép giường, hai tay chống ra sau, mắt không rời khỏi Nam. “Tao nghĩ có khi điện thoại mẹ mày hết pin, hoặc khu đó tự nhiên mất sóng thì sao?”
Nam hơi khựng tay, ánh mắt thoáng chút dao động, nhưng vẫn không trả lời ngay. Cậu gấp một chiếc áo thun, vuốt phẳng nó rồi đặt ngay ngắn vào trong vali. Cuối cùng, cậu thở ra một hơi thật nhẹ, rồi nói chậm rãi:
“Tao không biết nữa, Tình. Nhưng mà… tao phải về nhà xem thử.”
Tình nhướn mày, giọng pha lẫn ngạc nhiên và khó hiểu: “Bất an cái gì? Mày có bao giờ lo gì đâu. Tự nhiên giờ lại…”
Nam bật cười, nhưng nụ cười nhợt nhạt, chẳng có chút vui vẻ nào. Cậu không đáp, chỉ kéo ngăn tủ, lấy ra một xấp sách vở, cẩn thận xếp lại rồi bỏ vào góc vali. Sau đó, Nam đứng thẳng lên, nhìn Tình bằng ánh mắt nghiêm túc: “Nếu tao không về, lỡ có chuyện gì thì sao?”
Câu hỏi làm Tình nghẹn lời. Cậu cắn môi, lẳng lặng nhìn Nam tiếp tục thu dọn đồ đạc mà không biết nên nói gì thêm. Lần này, không có lời nào hợp lý để phản bác lại cảm giác bất an vô hình đang bủa vây bạn mình.
Sau một lúc, Nam kéo khóa vali lại, rồi đảo mắt nhìn quanh phòng lần nữa như để kiểm tra xem còn gì cần mang theo không. Xong xuôi, cậu lại lấy chiếc điện thoại từ túi quần ra, bấm số gọi cho anh Toàn – quản lý cửa hàng bách hóa nơi cậu làm thêm.
Đầu dây bên kia chỉ đổ chuông hai hồi là có người bắt máy. Giọng anh Toàn vang lên, vẫn trầm ổn và dứt khoát như mọi khi: “Alo, Nam hả? Có gì không chú mày?”
Nam hít một hơi, rồi đáp: “Dạ, anh Toàn. Em xin phép nghỉ vài ngày. Em phải về quê gấp, có chút chuyện gia đình.”
“Ủa? Sao tự nhiên vậy? Ổng bả ở quê có chuyện gì hả?”
Nam do dự vài giây, mắt nhìn chằm chằm xuống sàn nhà, nơi ánh nắng đang in thành một đường chéo cắt ngang vệt bụi bám trên nền gạch hoa cũ. “Dạ… em cũng không rõ, nhưng em thấy không yên tâm. Em xin lỗi anh, đột ngột quá.”
Đầu dây bên kia im lặng một chút. Có tiếng bật lửa tách nhẹ, rồi sau đó là tiếng anh Toàn thở dài: “Thôi được. Chuyện gia đình quan trọng, về thì về. Nhưng xong thì báo anh biết để anh còn sắp xếp lịch làm cho chú.”
“Dạ, em cám ơn anh nhiều.”
“À mà nè…” Giọng anh Toàn chợt trầm xuống, mang theo chút gì đó lạ lẫm. “Em có nhớ thằng Châu, cái thằng tài xế tối qua mém nữa tông anh không?”
Tim Nam khẽ đập lỡ một nhịp. Cậu siết nhẹ chiếc điện thoại trong tay. “Dạ nhớ… Sao vậy anh?”
Anh Toàn chép miệng một cái, rồi nói bằng giọng nặng nề: “Nó chết rồi.”
Cả căn phòng như chìm vào tĩnh lặng. Tình vẫn chưa hiểu chuyện gì, nhưng Nam thì sững người, lòng bàn tay đổ mồ hôi lạnh. Cậu nuốt khan. “Chết… chết rồi?”
“Ừ. Sáng nay tai nạn. Nghe đâu tối qua nó nhậu xỉn, rồi sáng chạy xe không vững, đâm vào cái cột điện ở gần cầu Sài Gòn. Đi ngay tại chỗ luôn.”
Nam không thở nổi. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Tối qua tại cửa hàng, Nam đã có một linh cảm rất tệ về anh ta. Cảm giác như có một lớp sương mù mờ ảo vây lấy người đàn ông này, một thứ gì đó rất xấu, rất tối tăm… Nhưng cậu đã không dám nói ra.
“Nam? Chú mày còn nghe không?”
“Dạ… em nghe.” Giọng Nam nhỏ đi hẳn, như thể vừa bị rút hết hơi sức.
“Ờ, anh báo cho chú mày biết vậy thôi. Nghỉ ngơi đi, về lo việc nhà đi.”
“Dạ.”
Nam tắt máy, ngồi bệt xuống giường, mặt hơi tái đi.
Tình thấy sắc mặt bạn không ổn, liền hỏi: “Chuyện gì vậy?”
Nam mím môi, rồi nói, giọng khàn đi: “Anh Châu… sáng nay chết rồi.”
Tình nhíu mày, ngơ ngác. “Anh Châu nào?”
Nam không trả lời ngay. Cậu nhìn chằm chằm vào chiếc vali đã đóng kín, đầu óc trống rỗng. Một lúc sau, cậu mới chậm rãi nói: “Là người mà… tao từng có linh cảm xấu.”
Nam bỗng bật dậy bước ra ngoài cửa, Tình vẫn còn ngồi đó, mắt chớp chớp, cố tiêu hóa những gì Nam vừa nói. Mới cách đây vài phút, Nam còn lặng lẽ thu dọn đồ đạc, còn đang phân vân giữa ở lại hay đi, vậy mà bây giờ cậu đã đứng bật dậy, như thể đã có quyết định dứt khoát.
Tình hấp háy mắt, ngơ ngác hỏi: “Mày đi đâu vậy?”
Nam không quay lại, chỉ vừa xỏ chân vào đôi dép nhựa màu xanh vừa đáp gọn lỏn: “Xuống văn phòng ban quản lý, xin phép về.”
Nói rồi, cậu bước nhanh ra ngoài, để lại Tình đang vội vã đứng lên đuổi theo. Hai đứa men theo hành lang hẹp, nơi những viên gạch hoa màu xám trắng đã xỉn màu vì năm tháng, những bức tường đầy vết tróc lở và những mảng rêu loang lổ. Dãy ký túc xá cũ kỹ này vốn đã tồn tại từ những năm tám mươi, đến đầu những năm 2000 vẫn còn giữ nguyên nét cũ, chỉ là được sơn lại đôi lần.
Dưới sân, vài nhóm sinh viên ngồi rải rác ở những chiếc ghế đá, có người đang cắm cúi vào một chồng giáo trình photo dày cộm. Ở góc sân, một chiếc xe hủ tiếu gõ với cái nồi nước lèo lúc nào cũng bốc khói nghi ngút đang đón những vị khách quen thuộc là đám sinh viên đói bụng giữa buổi trưa.
Nam và Tình rảo bước qua những cảnh quen thuộc ấy mà không hề dừng lại. Lát sau, cả hai đã đứng trước văn phòng quản lý ký túc xá. Đó là một căn phòng nhỏ với cánh cửa gỗ màu nâu đã tróc sơn, phía trước treo tấm bảng "Ban Quản Lý Ký Túc Xá" viết bằng chữ trắng trên nền xanh lam. Bên trong, chiếc quạt trần cũ đang quay chậm rì rì, phát ra những tiếng cọt kẹt như sắp long ra bất cứ lúc nào.
Sau chiếc bàn làm việc bằng gỗ ép, cô Ngọc – người phụ trách quản lý sinh viên – đang ngồi gõ gõ cái gì đó trên bàn phím máy tính để bàn, một chiếc màn hình CRT đặt chễm chệ trước mặt cô, trông vừa cồng kềnh vừa lỗi thời so với những chiếc laptop gọn nhẹ ngoài kia. Cái màn hình ấy phát ra ánh sáng xanh nhạt, hắt lên khuôn mặt cô, làm nổi bật những nếp nhăn nhỏ trên trán và đôi mắt sắc sảo ẩn sau cặp kính gọng đen. Cô mặc một chiếc áo sơ mi cũ màu kem, tay áo xắn lên để lộ chiếc đồng hồ dây da đã bạc màu, tóc xoăn xù như tổ chim, và đôi môi mím chặt như đang suy tính điều gì đó. Trên bàn, ngoài chiếc máy tính, còn có một chiếc ly sứ cũ kỹ đựng trà đã nguội, vài tờ giấy A4 in đầy chữ, cùng một chiếc điện thoại đặt ngay ngắn bên cạnh.
Thấy Nam bước vào, cô Ngọc chậm rãi đẩy gọng kính lên, ánh mắt sắc sảo của cô lướt nhìn cậu từ đầu đến chân, rồi dừng lại ở khuôn mặt đầy vẻ lo lắng của Nam. Đôi lông mày cô khẽ nhíu lại, nếp nhăn trên trán hiện rõ hơn, giọng cô vang lên nhẹ nhàng nhưng đầy nghi hoặc: “Có chuyện gì vậy em?”
Nam đứng thẳng người, hai tay nắm chặt vào nhau, giọng cậu hơi run nhưng cố gắng giữ bình tĩnh: “Dạ… em xin phép về quê gấp vào sáng mai ạ.”
Cô Ngọc hơi ngả người ra sau, đôi mắt mở to hơn một chút, vẻ ngạc nhiên hiện rõ trên khuôn mặt: “Về quê? Sao gấp vậy em? Đâu có phải Tết hay nghỉ lễ gì đâu?”
Nam khẽ cúi đầu, giọng cố giữ bình tĩnh nhưng trong lòng thì như đang có một cơn sóng ngầm cuộn trào. Cậu đứng đó, trong bộ quần jean rộng thùng thình và chiếc áo thun đã phai màu, hơi thở gấp gáp như vừa chạy vội từ dưới phố lên. Xung quanh cậu, không gian văn phòng ngột ngạt với mùi giấy cũ và mực in, tiếng quạt trần quay đều đều trên cao, và ánh nắng chiều xuyên qua cửa sổ rọi xuống sàn gạch bông loang lổ.
“Dạ… chuyện gia đình, cô ơi. Em xin phép về vài ngày. Em hứa sẽ quay lại đúng thời gian.”
Cô Ngọc nhìn cậu chằm chằm, đôi mắt sắc như dao, như muốn xuyên thấu vào tâm can của Nam. Cô chậm rãi đặt tay lên bàn, ngón tay gõ nhẹ vào mặt kính của chiếc đồng hồ cũ, tiếng lách cách vang lên trong không gian tĩnh lặng.
Cô Ngọc nghiêng đầu nhìn Nam, ánh mắt đầy dò xét, rồi bất giác hạ giọng: “Có chuyện gì nghiêm trọng sao? Ba mẹ ở nhà khỏe không?”
“Dạ khỏe, nhưng… em không yên tâm, cô ạ.”
Cô Ngọc chép miệng, lắc lắc đầu khiến mái tóc xù của cô run run theo nhịp, giọng cô hơi trách móc nhưng cũng không giấu được chút lo lắng: “Thời buổi này, sinh viên mà cứ đi đi về về thì sao mà học hành đàng hoàng được? Nhưng thôi, nếu là chuyện gia đình thì cô cũng không cản. Điền đơn xin phép đi rồi ký vô đây.”
Nam nhanh chóng làm theo, kéo chiếc bút bi xanh có sợi dây buộc lòng thòng trên bàn và cắm cúi điền vào tờ đơn. Chữ viết của cậu có hơi nguệch ngoạc hơn bình thường, phản ánh tâm trạng rối bời lúc này. Khi ký xong, cậu đẩy tờ giấy về phía cô Ngọc và cúi đầu cảm ơn.
“Em cảm ơn cô nhiều ạ.”
Cô Ngọc phẩy tay: “Thôi, về thì về. Nhớ giữ gìn sức khỏe.”
Nam gật đầu, rồi quay bước ra khỏi văn phòng. Tình vẫn lẽo đẽo theo sau, bước chân có phần nặng nề như thể không muốn Nam rời khỏi. Cả hai đi ra ngoài, ánh nắng trưa chói chang tràn xuống khoảng sân bê tông, làm hắt lên những mảng nóng rát.
Tình im lặng suốt đoạn đường, đến khi cả hai dừng lại trước bậc thềm ký túc xá, cậu mới hít sâu một hơi rồi lên tiếng: “Tao hỏi lần cuối, mày chắc chắn về hả?”
Nam quay sang nhìn bạn, ánh mắt cương quyết nhưng vẫn giữ nguyên nụ cười mỉm trên môi. Đó là một nụ cười trấn an, nhưng cũng đầy dứt khoát, như thể cậu đã suy nghĩ kỹ càng và không còn gì có thể lay chuyển được quyết định của mình. “Ừ. Tao chắc chắn.”
Tình thở dài, đưa tay lên gãi đầu lần nữa, vẻ mặt đầy bối rối. Cậu nhìn xuống đôi giày cũ kỹ của mình, rồi lại ngước lên, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng đầy lo lắng: “Thôi được. Tao không cản nữa. Nhưng mà… mày tính đi liền hả? Chiều nay có tiết kiểm tra môn Hóa Vô Cơ đó.”
Hai cậu bước lên cầu thang, tiếng bước chân vang lên đều đều trên những bậc thang cũ kỹ. Ở tầng một, anh Hải đang ngồi trên chiếc ghế nhựa cũ kỹ, tay cầm cuốn sách giáo khoa nhưng ánh mắt lại đăm đăm nhìn lên những đám mây trôi lững lờ trên bầu trời xanh thẳm. Tình liếc nhìn anh Hải rồi quay sang Nam, giọng nói đầy cảm thông: “Tao không muốn giống ổng đâu, học rớt mấy môn xong giờ nợ quá trời nợ.”
Nam mỉm cười, ánh mắt lấp lánh một chút hài hước. Cậu đẩy nhẹ vai Tình, giọng nói nhẹ nhàng nhưng đầy quyết tâm: “Chắc sáng mai tao đi sớm, chiều nay thi xong hai thằng mình ra chợ coi tao mua gì làm quà cho ba má tao nha, dù gì tao bỏ nhà lên Sài Gòn hơn nửa năm rồi mà.”
Tình mỉm cười, ánh mắt lấp lánh một chút ghen tị. Cậu nhìn xa xăm, như thể đang mơ về một cuộc sống khác, một cuộc sống mà cậu không phải gánh trên vai những kỳ vọng của gia đình. “Trời, nhất trí liền, mà thiệt, tao muốn như ba má tao với anh Thành hơn, đi đây đi đó sưu tầm đồ cổ, mấy thứ dị dị, mà ổng bả cứ ép tao đi học Y, kêu là trong nhà có bác sĩ cho nở mặt nở mày.”
Nam nhìn thằng bạn, nụ cười trên môi cậu méo xệch, vừa buồn cười vừa thương cảm. Hoàn cảnh của hai đứa lại hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng chính sự khác biệt ấy lại khiến họ trở nên gắn bó hơn bao giờ hết. Cậu đẩy nhẹ vai Tình, giọng nói đầy khích lệ: “Thôi lo lên ôn bài lẹ lẹ đi ông.”
Rồi hai cậu bước vào phòng, khép lại cánh cửa gỗ cũ kỹ phía sau. Trong căn phòng nhỏ, ánh sáng từ chiếc đèn neon nhấp nháy chiếu xuống bàn học, nơi những cuốn sách giáo khoa và vở ghi chép chất đống ngổn ngang. Tiếng quạt trần quay đều đều, hòa cùng tiếng lật trang sách của hai cậu, tạo nên một không khí yên tĩnh nhưng đầy căng thẳng.
—
Căn phòng thi hôm nay nóng hơn thường lệ, hoặc ít nhất thì Nam cảm thấy vậy. Những chiếc quạt trần cũ kỹ treo lơ lửng trên trần nhà vẫn quay chậm rì rì, phát ra những tiếng cọt kẹt yếu ớt như thể chúng đang gắng hết sức để chống lại cái nóng hầm hập của Sài Gòn giữa trưa. Ánh nắng chiếu xiên qua những ô cửa sổ chớp gỗ, rọi lên những hàng bàn ghế gỗ cũ, nơi lớp sơn đã tróc lở theo năm tháng, để lộ những đường vân gỗ sần sùi bên dưới.
Nam ngồi ở hàng thứ ba, lưng thẳng, cây bút bi Thiên Long màu xanh kẹp giữa hai ngón tay, gõ gõ nhịp nhàng lên mặt bàn theo thói quen. Cậu liếc mắt nhìn qua một lượt, nhận ra đây toàn là những dạng bài quen thuộc mà cậu từng làm qua không biết bao nhiêu lần trước đó. Nhưng hôm nay, sự tập trung của cậu không còn sắc bén như mọi khi. Những con số, những phương trình hóa học lơ lửng trong đầu, không chịu sắp xếp lại thành một dòng chảy mạch lạc như thường lệ.
Ở bàn bên cạnh, Tình cũng đang cắm cúi làm bài, thỉnh thoảng liếc sang Nam bằng ánh mắt dò xét. Cậu có vẻ hơi bồn chồn, không phải vì bài thi, mà vì cách Nam cứ hay ngẩn người nhìn chằm chằm vào một điểm vô định nào đó trên tờ đề.
Thời gian cứ thế trôi qua, chỉ còn lại tiếng sột soạt của bút lướt trên giấy và tiếng gió yếu ớt từ những cánh quạt trần đang quay một cách mệt mỏi trên đầu. Thi thoảng, Nam lơ đãng liếc xuống bàn cuối lớp, nơi thằng Khánh hay ngồi cùng đám bạn. Cái bàn ấy vẫn trống, như mấy ngày nay, làm cậu có chút cảm giác kỳ lạ, như thể có một khoảng không vô hình vừa bị khoét ra khỏi lớp học.
Khi tiếng chuông báo hết giờ vang lên, Nam buông bút, khẽ thở dài. Cậu đóng đề thi lại, nhét vào trong tập, rồi thu dọn đồ đạc một cách chậm rãi.
Tình bước ra trước, đợi Nam ngay bậc thềm trước cửa lớp. Khi Nam vừa bước ra, Tình liền huých nhẹ khuỷu tay vào cậu, giọng không giấu được tò mò: “Sao? Làm bài được không?”
Nam chớp mắt, như thể câu hỏi của Tình kéo cậu trở lại thực tại. Cậu mất một giây để suy nghĩ, rồi gật đầu: “Cũng ổn.”
Câu trả lời nghe có vẻ bình thường, nhưng Tình nhíu mày. Bình thường, Nam không bao giờ trả lời kiểu nửa vời như vậy. Nếu làm tốt, cậu sẽ nói "Dễ như ăn kẹo"; nếu làm không được, cậu sẽ lắc đầu bảo "Tiêu rồi". Chứ cái kiểu "cũng ổn" này, rõ ràng là tâm trí Nam đang treo đâu đó, không phải trong bài thi.
Hai đứa sóng bước đi dọc hành lang, nơi ánh nắng đang hắt lên từ sân trường bê tông tạo thành những đốm sáng loang lổ trên nền gạch cũ. Không khí vẫn còn vương chút oi ả, nhưng có vẻ cơn gió nhẹ vừa lướt qua đã làm dịu đi đôi chút.
Nam lặng lẽ bước đi, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn xuống cuối hành lang, nơi những chiếc bàn ghế gỗ được xếp sát vào tường, cũ kỹ và trầy trụa vì bao thế hệ học trò. Có vài nhóm sinh viên khác đang đứng túm tụm lại, nói cười rôm rả về bài thi, về những câu khó, về những đáp án khác nhau. Nhưng Nam và Tình thì chẳng ai nói gì về chuyện đó.
Một lần nữa, ánh mắt Nam lại lướt xuống dãy bàn cuối lớp khi đi ngang qua cửa sổ. Cái bàn trống ấy vẫn nằm đó, im lìm, không có thằng Khánh tựa lưng vào ghế, không có tiếng cười đùa quen thuộc của đám bạn nó. Chỉ là một khoảng không vô hình, nhưng lại như một dấu chấm hỏi cứ lơ lửng mãi trong đầu Nam.
Tình với tay kéo nhẹ dây đeo ba lô, rồi huých nhẹ vai Nam khi cả hai vừa bước xuống bậc thềm của dãy phòng học. Không khí giữa trưa oi ả, nắng rọi xuống sân trường bê tông làm những mảng sáng loang lổ như thể ai đó vừa đổ một lớp dầu mỏng lên mặt đất. Nam vẫn đang mải mê suy nghĩ đâu đó, ánh mắt vô thức lướt qua hàng cây bàng già cỗi rì rào trên đầu.
“Ê, hay mình ghé chợ An Đông một chút?” Nam lên tiếng, giọng đều đều nhưng không giấu được vẻ trầm tư. “Tao mua gì đó cho ba má tao làm quà”
Tình nhướn mày, thoáng ngạc nhiên. Hồi sáng tới giờ Nam cứ thấp thỏm không yên, bây giờ lại còn nhớ tới chuyện mua quà? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cũng phải. Tình cười, gật đầu một cái: “Vậy thì đi.”
—
Xe buýt số 11 trườn qua từng con phố, rẽ vào những khúc cua mà bánh xe nghiến lên mặt đường kêu kin kít. Nam ngồi cạnh cửa sổ, chống khuỷu tay lên thành cửa, nhìn ra ngoài. Những bảng hiệu cũ kỹ lướt qua trước mắt – những tiệm vàng Kim Ngọc, Đại Phát, những quầy vải, quầy giày dép san sát nhau. Phía xa, có người đạp xe chở theo một chồng bánh mì trong cái thùng gỗ nhỏ phía sau, chiếc nón lá đội nghiêng nghiêng che đi nửa khuôn mặt.
Cảm giác quen thuộc đến mức gần như yên bình. Nhưng trong lòng Nam, sự lo lắng vẫn không thôi gặm nhấm.
Cậu rút chiếc Nokia ra khỏi túi, bấm số gọi về nhà. Tiếng chuông đổ dài vài giây, rồi vẫn chỉ là giọng tổng đài lạnh lùng: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau…”
Nam mím môi, nhấn phím đỏ cúp máy, rồi bấm lại số khác – lần này là số của ba cậu, ông Phong. Một lần nữa, vẫn là câu trả lời vô cảm ấy.
Cậu hạ điện thoại xuống, nhìn chăm chăm vào màn hình đang tối dần. Chiếc điện thoại nhỏ gọn trong tay bỗng trở nên vô dụng đến lạ.
Tình nhìn thấy hết, nhưng không nói gì. Cậu chỉ thở ra một hơi nhẹ, rồi quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi những tòa nhà cũ kỹ đang lướt qua, nơi dòng xe cộ vẫn ào ào trôi đi như chưa từng có gì thay đổi.
Xe dừng lại trước cổng chợ An Đông. Hai đứa bước xuống, đứng trước khu chợ sầm uất nhất quận 5, nơi mà bất cứ ai lớn lên ở Sài Gòn cũng ít nhất một lần ghé qua.
Mặt trời vẫn chói chang trên cao, phản chiếu xuống những mái tôn của khu chợ, tạo thành một thứ ánh sáng gắt gỏng. Phía trước cổng chợ, những bà bán hàng rong ngồi xổm trên vỉa hè, trước mặt là những sàng đậu phộng, me rim, ô mai đựng trong các hũ thủy tinh to. Một chú bé tầm mười hai tuổi, mặc chiếc áo thun rộng thùng thình, cầm xấp vé số đi qua đi lại, giọng rao vang lên giữa dòng người tấp nập.
Tình hít sâu một hơi, nheo mắt nhìn vào bên trong chợ: “Vậy giờ sao, mua gì đây?”
Nam vẫn đứng im, bàn tay vô thức siết chặt chiếc điện thoại trong túi quần. Một cơn gió nhẹ lướt qua, nhưng không đủ làm dịu đi cái nóng hầm hập đang bốc lên từ mặt đường nhựa.
Nam chưa kịp trả lời, cậu chợt cảm thấy một ánh mắt kỳ lạ đang chiếu thẳng vào mình.
Cách đó không xa, sát mé hiên một tiệm vàng cũ kỹ, có một ông lão đang ngồi xếp bằng trên chiếc ghế nhựa thấp, trước mặt bày một bộ bài Tây nhàu nhĩ cùng vài đồng xu xếp thành hàng ngay ngắn. Ông ta khoác một chiếc áo bà ba bạc màu, mái tóc đã hoa râm, râu lưa thưa, nhưng đôi mắt sắc lẻm và sâu thẳm, như thể có thể nhìn thấu lòng người.
Nam có cảm giác như không gian xung quanh bỗng chốc im bặt. Mọi âm thanh ồn ào của khu chợ – tiếng còi xe, tiếng rao hàng, tiếng cười nói – tất cả đều mờ nhạt đi, chỉ còn lại ánh mắt của ông thầy bói đang nhìn cậu trân trối.
Cảm giác khó chịu lan dọc sống lưng. Nam khẽ cau mày, định kéo tay Tình rảo bước vào chợ để tránh đi cái nhìn kỳ lạ đó.
Nhưng ngay khi cậu xoay người, giọng nói khàn khàn của ông lão vang lên, khiến cả hai khựng lại. “Ê, hai thằng nhóc kia.”
Nam giật mình quay lại. Ông thầy bói vẫn ngồi đó, nhưng lần này, bàn tay gầy guộc của ông ta chậm rãi đưa lên, chỉ thẳng vào cậu.
“Mày đó.” Giọng ông lão không lớn, nhưng nghe lạnh buốt như một cơn gió thoảng qua giữa trưa hè. “Tai họa sắp tới rồi đó.”
Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng Nam. Cậu khẽ siết chặt quai ba lô, nhìn ông ta bằng ánh mắt nghi ngờ.
Tình đứng cạnh, cũng thấy khó chịu. “Ông nói gì vậy?”
Ông lão không nhìn Tình, mà chỉ chăm chăm vào Nam. Trong đôi mắt đó có gì đó rất kỳ lạ – không phải ánh nhìn của một kẻ lừa đảo ngoài chợ, cũng không phải kiểu phán linh tinh để kiếm tiền. Mà là một cái gì đó… sâu thẳm hơn.
Nam hít một hơi, cố gắng trấn tĩnh. Cậu bật cười nhạt, lắc đầu: “Cháu không tin mấy chuyện này đâu.”
Nhưng ông lão không hề nao núng. Ông ta nghiêng đầu, ánh mắt sắc bén hơn một chút.
“Mày không tin cũng được.” Giọng ông kéo dài, trầm thấp. “Nhưng cái mạng này… không còn là của mày nữa rồi.”
Cả Nam lẫn Tình đều giật mình.
“Mày có căn.” Ông lão tiếp tục, giọng đều đều như thể đang nói một điều hiển nhiên. “Nếu không theo, thì sẽ mang họa. Chạy đằng trời cũng không thoát.”
Nam mở miệng định nói gì đó, nhưng cổ họng cậu khô khốc. Cậu không phải đứa mê tín, nhưng lời nói của ông lão có gì đó… quá thật. Một cảm giác kỳ quái đang len lỏi vào tâm trí cậu.
Tình nuốt khan, rồi hạ giọng: “Ông là ai? Biết cái gì mà nói vậy?”
Ông lão chậm rãi nhắm mắt, như thể không buồn trả lời. Một lát sau, ông ta thở hắt ra, rồi nói một câu cuối cùng, gần như là thì thầm: “Có những con đường, một khi đã đặt chân vào thì không có quay đầu.”
Tình cau mày, ánh mắt vẫn dán chặt vào ông lão bí ẩn trước mặt. Những lời nói kỳ quái kia như một cơn gió lạnh len lỏi vào tâm trí nó, làm sống lưng cũng rờn rợn. Không kiềm được, Tình định bước tới, ít nhất là phải hỏi cho ra nhẽ ông lão này là ai, tại sao lại nói những điều quái đản như vậy.
Nhưng chưa kịp nhấc chân, một bàn tay đã chộp lấy cổ tay nó kéo giật ra sau.
“Ê, làm gì vậy?” Tình kêu lên, nhưng Nam đã không nói không rằng, túm lấy nó lôi thẳng vào bên trong chợ.
“Trời đất ơi” Tình chưa kịp phản ứng thì chân nó vấp phải bậc thềm thấp trước sạp hàng đầu tiên, và thế là bị kéo ngã ngửa ra sau.
Cả người nó đập xuống nền gạch xi măng cũ kỹ, lưng ê ẩm. Một bà cô bán vải gần đó giật mình, trố mắt nhìn hai thằng nhóc lóng ngóng giữa dòng người tấp nập.
“Mày làm cái gì vậy hả?” Tình càu nhàu, lồm cồm ngồi dậy, phủi phủi quần. Nhưng Nam không trả lời, chỉ nhanh chóng kéo nó đứng dậy rồi tiếp tục kéo nó đi sâu vào bên trong chợ.
Sau lưng tụi nó, tiếng cười khàn khàn của ông lão vang lên. “Haha! Mày không thể tránh được số phận đâu, nhóc con!”
Nam vẫn cúi đầu lầm lũi đi, kéo theo Tình, như thể cố gắng chạy trốn khỏi những lời đó. Nhưng ông lão chưa dừng lại.
“Mày có khả năng cảm nhận được mọi chuyện, đúng không?” Giọng ông ta kéo dài, lơ lửng trên không trung, hòa vào tiếng rao hàng, tiếng mặc cả của mấy bà nội trợ, tiếng kéo lê thùng hàng trên nền gạch. “Mày không theo thì sẽ như tao thôi! Ngồi đây, bói dạo kiếm cơm qua ngày! Một thằng điên lề đường! Haha!”
Giọng ông lão vỡ ra trong một tràng cười lớn.
Nam không quay đầu lại, nhưng Tình thì có. Nó vừa đi vừa ngoái lại, thấy ông lão vừa cười vừa bật dậy khỏi chiếc ghế nhựa, nhảy cẫng lên như một thằng hề.
“Trời đất quỷ thần ơi” Một bà cô bán hàng gần đó la lên, né sang một bên khi ông lão bắt đầu múa. Ông ta xoay vòng vòng ngay giữa lối đi, hai tay vung vẩy, chân nhảy cẫng, vừa múa vừa hát nghêu ngao những câu hát vô nghĩa. Một đám người tò mò bắt đầu tụ lại, chỉ trỏ bàn tán.
“Ê, ổng bị điên hả?” Một người đàn ông xách túi cam sành dừng lại, nhíu mày.
“Hình như vậy… mới thấy ngồi bói bài đây mà?” Một bà thím đeo túi đi chợ cũng quay qua góp chuyện.
Tiếng xì xào mỗi lúc một lớn hơn, nhưng Nam vẫn tiếp tục kéo Tình đi.
“Thôi, đừng để ý mấy ông điên.” Cậu lầm bầm, giọng thấp đến mức gần như lẫn vào tiếng ồn của khu chợ.
Tình lườm cậu, nhưng rồi cũng gật đầu. “Ờ… tao thấy mày nói đúng.”
Hai đứa đi sâu hơn vào trong chợ, xuyên qua những gian hàng chất đầy vải vóc, áo quần, túi xách, đồ khô, bánh kẹo, thuốc bắc… Càng đi xa, tiếng ồn phía cổng chợ càng nhạt dần, cho đến khi gần như không còn nghe thấy gì nữa.
0 Bình luận