Đưa Người Đến Gặp Sao Đêm
Đại Lục Đại Lục
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn Văn

Lời Tác Giả

3 Bình luận - Độ dài: 1,330 từ - Cập nhật:

Ý tưởng của một bộ truyện đến từ rất nhiều nguồn nhưng đôi khi động lực để viết thì chỉ cần một câu nói ngắn gọn, đủ sức ảnh hưởng. Với tôi, với Đem Người Đến Gặp Sao Đêm (ĐNĐGSĐ) thì đó là một bài chia sẻ trên Facebook.

Người viết bài đó nói về tình trạng bị ép phải sinh con sau hôn nhân và bàn về những điều kiện cần phải chuẩn bị trước khi có con như tài chính, thời gian, kiến thức,… Gần cuối bài, người viết đặt ra một câu hỏi thậm chí còn gây tranh cãi hơn. “Liệu có nhất thiết phải sinh con không?”

Ở đây không bàn về tính đúng sai cũng như không trình bày mặt lợi và hại của chuyện đó vì vốn dĩ chẳng có mẫu số chung, một công thức vạn năng, hay một câu trả lời chính xác. Ở đây chỉ muốn nêu tâm sự của tác giả vì sao câu hỏi đó lại là động lực để viết nên ĐNĐGSĐ.

Là một người theo chủ nghĩa phản sinh, mình không tha thiết gì chuyện sinh con đẻ cái nhưng hơn hết, mình lo lắng cho thế hệ tương lai của mình. Lỡ như con mình gặp phải những vấn đề như Thiên và Tú trong câu chuyện thì sao? Lỡ như nó ứng xử như thằng Nhân trong truyện thì sao? Lỡ như môi trường xung quanh của nó giống như Pà Lặk thì sao? Lỡ như bố nó sẽ giống như bố Thiên, mẹ nó giống như mẹ Tú thì sao? Lỡ như nó theo học một ngôi trường giống như trường Trần Vương thì sao?

Đó chẳng phải là những câu hỏi không có cơ sở mà chính bản thân mình đã kinh qua, đã chứng kiến nhiều mảnh đời bên cạnh trải qua những việc không hay đó.

Và thế là mình sợ.

Và mình viết.

ĐNĐGSĐ đặt ra ba vấn đề chính.

Thứ nhất là bạo lực học đường. Cũng chẳng phải là chuyện gì mới mẻ. Ở thời của mình thì giới hạn chỉ ở việc gọi tên trêu ghẹo nhau, ác ôn lắm là những màn hành hung chặn đánh hay trấn lột. Nhưng ngày nay, với sự hỗ trợ vô tình của Internet, sự thoá mạ và sỉ nhục một cá nhân có thể thực hiện nặc danh và với một độ lan truyền nhanh không thể tưởng.

Bạo lực học đường vẫn là bạo lực giữa những cá thể trong trường học nhưng môi trường không còn bị giới hạn trong bốn bức tường đó nữa. Ngày xưa, thằng nhóc học sinh bị trêu ghẹo bị đánh đập có thể sẽ không muốn đi học, có thể chỉ mong được về nhà. Khi thoát khỏi cổng trường, nó cũng thoát khỏi địa ngục trần gian, nhưng bây giờ, nó thoát đi đâu khi trên mạng tràn lan những trò đùa độc địa. Đó là chúng ta đang mặc định ngôi nhà là tổ ấm, là nơi nó có thể trú ẩn lánh nạn với cha mẹ bảo vệ và anh chị em yêu thương nó. Nhưng lỡ như, nó cô độc trong chính căn nhà của mình thì sao?

Đó là những gì xảy ra với Tú.

Thứ hai là internalized homophobia (không rõ thuật ngữ tiếng Việt chính xác là gì nhưng tạm dịch là chứng kỳ thị đồng tính nội hoá). Đại khái, khái niệm này nói về việc tự chèn ép suy nghĩ của bản thân khi một người bị đầu độc bởi tư duy rằng đồng tính là thứ gì đó trái lẽ thường, cần phải bị loại trừ. Để rồi khi phát hiện ra bản thân mình có những đặc điểm, có những dấu hiệu của xu hướng tính dục này thì họ lại căm ghét bản thân, trốn tránh hiện thực, và tự dày vò chính mình, thậm chí vô tình tổn thương cả những người xung quanh. Khi trường lớp, gia đình không chứa chấp họ, họ rút vào nội tâm. Nhưng đến cả nội tâm của họ cũng không phải là nơi an toàn, họ sẽ trốn đi đâu? Mở mắt thấy chuyện đau đớn. Nhắm mắt thấy càng nhói lòng. Thế giới này rộng lớn nhưng thực sự chẳng còn chỗ nào dung thân ư?

Đó là những gì xảy ra với Thiên.

Thứ ba, như các bạn có lẽ đã thấy ở kết truyện, là cách giải quyết một vấn đề. Cuộc đời mỗi con người đều có trắc trở nhưng bị kịch hoá hay biến nó thành động lực vươn lên là tuỳ thuộc vào mỗi người. Dạo gần đây mình có xem phim Sách Kỷ Yếu dựa trên một cô bạn du học sinh bị tai nạn tàu điện dẫn đến việc mất đi cả hai chân. Nghe rất buồn đúng không? Không! Đa số chúng ta không mường tượng được nỗi đau thể xác lẫn tinh thần lớn đến cỡ nào cho đến khi chính mình gặp phải chuyện giống như vậy (hoặc tương tự vậy). Chúng ta chỉ đơn giản nói ra những câu rất công thức như “đừng buồn nữa,” “lạc quan lên nhé.” Buồn và vui không phải là công tắc mà dễ dàng chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Muốn cứu một người, đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và chịu khó để dìu dắt họ.

Sẽ có những sự lựa chọn tiêu cực và ngốc nghếch trong cuộc đời mỗi người. Đôi khi chúng ta chọn như vậy để tự trừng phạt mình, vì nghĩ mình không xứng đáng có được hạnh phúc, hoặc để trừng phạt những người xung quanh vì dám đày đoạ chúng ta. Ước gì khi họ nhìn thấy những đau đớn của chúng ta, họ sẽ tự vấn lại chính bản thân mình.

Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy đâu. Nếu người ta thật tâm biết để ý đến cảm xúc của bạn, người ta đã không hành xử như vậy ngay từ đầu rồi. Cuộc sống mà, họ cũng có những uất ức của riêng họ, nhưng đáng trách thay, họ lại chọn cách trút giận lên những kẻ yếu thế. Chẳng ai có thời gian đọc hết câu chuyện của bạn đâu. Chỉ cần nhìn thấy cái bìa, cái tựa ngứa mắt, họ đã sẵn sàng dìm chết bạn rồi.

Vậy nên, xin bạn đừng tiếp tay cho họ. Hãy yêu lấy bản thân mình nhé! Vì cuộc sống tương lai ai mà biết được sẽ có hoa hồng. Người yêu thương bạn thật lòng có lẽ còn đang chờ bạn ở đâu đó.

Xin gửi một lời tới những người đọc ĐNĐGSĐ.

Nếu bạn là Tú, ngoan cường lên bạn nhé!

Nếu bạn là Thiên, bao dung với bản thân nào!

Nếu bạn là Vân, hãy học cách tha thứ cho chính mình.

Nếu bạn là Nhật, cảm ơn bạn đã đem ánh sáng đến cho người khác.

Có một lý do vì sao mình lại viết chương đầu là Kết và viết chương cuối là Mở. Có những cuộc hành trình cũng nên đóng lại đi thôi để còn bước sang một chặng đường khác.

ĐNĐGSĐ tuy là một câu chuyện về tình yêu đồng giới nhưng thực ra lại mở rộng đến tất cả mọi người. Từ cô bạn thân đồng minh, người giáo viên, người làm cha làm mẹ, cho tới những kẻ xấu tính trong cuộc đời mỗi chúng ta. Vì thế giới đâu phải chỉ có hai người. Chúng ta đều cần phải chung tay mới xây dựng được hạnh phúc. Nhưng xin đừng đạp đổ và dày xéo hạnh phúc của người khác nhân danh những điều vớ vẩn.

“Liệu có nhất thiết phải sinh con không?”

Mười mấy năm nữa, hy vọng mình và nhiều bạn trẻ khác sẽ suy nghĩ lại về câu hỏi đầy tranh cãi này.

Bình luận (3)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

3 Bình luận

Ồ ra là thế 0><0
Xem thêm
Bạn đã phát hiện ra gì à?
Xem thêm