Một trận động đất lớn nhất trong vòng 20 năm qua đã xảy ra ở miền núi phía đông vương quốc Pars vào ngày 28 tháng 3.
Rung chấn còn vượt qua cả sông Kaveri, lan đến phía tây lãnh thổ Sindhura. Nhiều vách đá sụt lở, mặt đất bị nứt, nhà cửa nghiêng đổ.
Thành Peshawar cũng rung chuyển.
Cơn chấn động dữ dội đến mức Arslan bật dậy khỏi giường vào giữa đêm khuya. Những con ngựa trong chuồng náo loạn, thậm chí còn đá bị thương binh lính. Những giá nến đổ xuống gây ra vài vụ cháy nhỏ nhưng mau chóng được khống chế. Nhà cửa và tường thành không hư hỏng quá nhiều. Một vài người bị thương nặng, một số khác bị thương nhẹ do ngã cầu thang hoặc bị chai lọ từ trên cao rơi trúng. Đó là tất cả những thiệt hại trong pháo đài. Tuy nhiên, những người kỵ binh ra ngoài kiểm tra và mang về một báo cáo thót tim.
“Có vẻ như núi Demavand là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất trong trận động đất. Toàn bộ bề mặt ngọn núi đã biến dạng. Chúng tôi cố gắng leo lên để kiểm tra xem chuyện gì đã xảy ra nhưng đường đi đã bị đá lở chặn kín. Mưa gió quá lớn nên không thể đến gần được.”
“Núi Demavand à?”
Trong lòng Arslan chợt dâng lên cảm giác khó chịu không sao diễn tả được.
Người ta kể rằng núi Demavand là nơi vua anh hùng Kai Khosrow phong ấn Xà vương Zahhak trong lòng đất từ 300 năm trước. Nhớ lại khi đi được nửa đường về thành Peshawar, nhìn thấy ngọn núi từ xa, Arslan cảm thấy bị bao phủ bởi một luồng không khí quỉ dị khó lý giải. Mỗi lần nghĩ đến, chàng đều thấy lòng dạ không yên.
“Điện hạ, dù sao chúng ta cũng chuẩn bị hành quân về phía tây. Nếu người lo lắng, thần có thể sai người thăm dò để tìm hiểu chi tiết hơn trên đường đi.”
Arslan đồng ý với Dariun.
Arslan không biết được, vào lúc này, dưới lòng đất của thủ đô Ecbatana, cách rất xa thành Peshawar, một người đàn ông trong bộ áo choàng xám đang vui vẻ nói với các đệ tử của mình, “…..Arslan, cậu bé yếu ớt đó đáng lẽ có thể sống lâu hơn nếu tiếp tục chui rúc trong thành Peshawar. Quá trình hồi sinh của Xà vương Zahhak diễn ra nhanh hơn chúng ta nghĩ ! Đừng ai lười biếng. Hãy mau chóng chuẩn bị để cung nghênh người…”
Nhưng kể cả nếu Arslan có nghe được lời ấy đi nữa, chàng cũng không chùn bước.
Lúc này, bên cạnh chàng có Dariun, Narsus, Gieve, Farangis, Kishward, Elam, Alfarid, Jaswant cùng 2 vạn kỵ binh. Với sự hỗ trợ của họ, Arslan chuẩn bị dấn thân vào hành trình giải phóng đất nước và nhân dân Pars.
Cuối tháng 3 năm 321 theo lịch Pars.
Từ thành Peshawar, hai thông cáo mang ý nghĩa lịch sử đã được ban hành nhân danh thái tử Arslan. Cả hai đều do đích thân cựu lãnh chúa Dailam, Narsus soạn thảo.
Thông cáo đầu tiên được gửi đến tất cả các shardaran (lãnh chúa quý tộc), kêu gọi hợp quân dưới trướng hoàng tử Arslan để đánh đuổi bè lũ xâm lược Lusitania.
Thông cáo thứ hai là “Sắc lệnh bãi bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ.” Trong đó ghi rõ rằng sau khi Arslan đăng quang ngai vàng, toàn bộ nô lệ ở Pars sẽ được trả tự do. Việc buôn bán người cũng bị cấm tuyệt đối.
Nhìn chung, hai thông cáo này đã thể hiện rõ quan điểm của Arslan về mặt chính trị và quân sự. Ngài sẽ là vị quân vương đầu tiên trong lịch sử Pars kể từ khi lập quốc bởi Vua anh hùng Kai Khosrow, sẽ giải phóng con người và lãnh thổ khỏi sự thống trị hung tàn của giặc ngoại xâm và cả chế độ cũ nát của chính nước mình.
Năm ấy, Arslan chỉ mới 14 tuổi 6 tháng. Trước mắt chàng thiếu niên còn vô vàn câu hỏi chưa giải đáp được. Khi tháo gỡ hết những bí ẩn này, có thể chàng sẽ khiến cho cái tên “Arslan, vua giải phóng” được lưu truyền thiên cổ.
0 Bình luận