Một buổi đêm nhàm chán.
Chiếc Viper màu đỏ sọc trắng, sau một hồi vật lộn trong bãi đỗ ở sân bay quốc tế Hải Mộ, cuối cùng cũng tìm được cho mình một chỗ trú chân, một cách bất đắc dĩ. Cách bãi đỗ rộng hàng ngàn mét vuông không xa là một hệ thống xoay vòng đứng. Đó là nơi chiếc xe hơi sẽ dừng. Trong khoang lái, người tài xế - một chàng trai trẻ lấy ra tấm thẻ từ rồi cho xe từ từ tiến về phía ô đậu trống.
“Phù, cuối cùng cũng đến kịp lúc. Sát thời gian luôn.”
Chủ nhân chiếc Viper xuống xe trong trạng thái mệt mỏi. Anh ta lảo đảo bước ra đằng sau xe, đá một cái thật mạnh vào cốp. Bộp, ngăn chứa bật lên, để lộ ra hai chiếc vali. Không nói nhiều, người đàn ông đó lấy chúng rồi nhanh chóng tiến vào trong sân bay. Nhưng khi đi được một lúc, ngay giữa bãi đỗ rộng thênh thang, người đó chợt dừng lại, rồi thọc tay vào túi quần lấy điện thoại ra.
“Xin chào mọi người. Lại là Phú đây, bây giờ tôi sẽ tiến vào sân bay để làm thủ tục xuất ngoại nhé.”
Khuôn mặt tuy tươi tỉnh, nhưng giọng nói lại đến từ một kẻ đang hấp hối không chừng. Sự kết hợp này dễ làm người ta tưởng tượng đến một nhà báo đang chạy giữa cơn loạn lạc, nguy biến nào đó. Nhưng hôm nay, anh ta đã chuyển qua quay phim du lịch. Gia Phú, người đang cố làm mặt thoải mái nhất có thể trong suốt hai phút qua, ngừng quay rồi tiến tiếp vào sân bay.
Nhà ga quốc tế của sân bay là một thứ gì đó thật hiện đại. Chẳng cần nhìn đâu xa, dễ thấy mái vòm bằng kính khổng lồ trên nóc ga. Xung quanh rộng thênh thang, đến mức đủ chứa cùng lúc chục nghìn người. Tuy vậy, vẫn có các lối dẫn từ hành lang chính tới các sảnh khác nhau. Trên cao thì có một thang máy xây bằng kính. Đặc biệt, hầu như không có dấu vết của bụi quanh các ngóc ngách, sàn nhà bằng đá lát sáng bóng hơn gương.
Đằng sau các quầy đăng ký bay là những máy bán vé tự động. Ngoài ra, rải rác xung quanh Cũng phải thôi, vì có mấy ai bay sang nước ngoài đâu, phần lớn là quan chức, chức vụ to nhỏ gì đó. Vậy nên thật khó để bắt gặp những tay nhà báo như Phú lảng vảng trong này. Nhưng trong nhà ga này, ai có tiền thì cũng đều được phục vụ tới chân răng, nên anh chàng cũng chẳng cần phải ngại ngần chi.
Bước tới quầy đăng ký, Phú trình ra thẻ định danh và tấm vé của mình. Anh đưa ánh nhìn già dặn đến với nhân viên tại đó. Và phản ứng lại, nhân viên thực sự khá sửng sốt với cách ăn vận với cái ngữ của anh. Ngày thường, họ gặp rất nhiều thành phần trong xã hội đến và đi, nhưng phần lớn đều khoác trên mình một vẻ vương giả nhất định. Tài phiệt thì bận vest sang chảnh, trung lưu thì học đòi bằng áo hoa vằn vện. Ngay cả bác sĩ thuộc hội chữ thập đỏ cũng phải mặc như đi dự hội nghị mới chịu cơ. Nhưng Phú thì khác. Anh chỉ mặc sơ mi đóng thùng, hai tay kéo hai vali đi như mấy gã blogger thích đi lại đó đây. Ngữ điệu thì nhã nhặn khủng khiếp, không hề bị pha trộn trong cái sĩ diện và bỗ bã của mấy tay trọc phú.
“Xin mời anh đặt hành lý lên cân ạ.”
Nhân viên quầy chuyển sang dùng giọng thường thấy. Phú cũng không có ý kiến hay bắt bẻ gì cả, chỉ đơn giản xách hai vali lên trên cân. Sau một hồi, anh bỏ đi với hai tay trống không.
Giờ đây mới là lúc để Phú biết được sức mạnh của quyền lực và sự giàu có. Đi lên bằng chiếc thang máy trong suốt, anh ta không ngừng đưa mắt về phía ngoài cửa.
“Bầu trời đêm kia thật chán nản làm sao, nhưng cũng thật kỳ lạ khi phải rời khỏi nơi này.”
Một cảm giác làm Phú phải suy nghĩ lại về chính mình. Thân là một nhà báo đã từng tung hoành ngang dọc khắp nơi, từ thành thị cho đến sa mạc nóng bỏng, đã vậy còn từng là lính mũ nồi xanh ở tiền kiếp nữa. Vậy mà sao cho đến hôm nay, anh lại cảm thấy buồn khi phải rời xa mảnh đất vốn dĩ không phải quê hương mình? Phải chăng do bản thân anh quá yếu đuối để đối mặt với sự thật, rằng anh không có một chỗ đứng cụ thể trong xã hội rối ren trong ly khai này?
Vì có vé hạng thương gia nên Phú được vào phòng chờ riêng. Anh đi bộ dọc hành lang vắng tanh, chỉ có mùi thuốc tẩy và da giả đang dần bong tróc, đầu nghĩ về những điều chẳng ra đâu vào đâu cả. Rồi lại đến những vấn đề liên quan tới công việc nữa. Rốt cuộc, anh vẫn không hiểu vì sao mình lại xin tổng biên tập được quay chương trình thực tế này. Tại các điệp viên khác khuyên anh nên quay trở về mẫu quốc để báo cáo nhiệm vụ? Không, Phú ngay từ đầu cũng có ý định từ chối rồi, nhưng chỉ là tại sao lại quá khó để có thể làm việc ấy. Giờ thì ít nhất anh cũng đã có lý do cho mình, một sợi cáp trong máy tính bị đứt, nhưng vẫn không phải điều thực sự anh muốn để rời khỏi nơi này. Vương quốc Âm Phủ như quê hương thứ hai của Phú vậy, mười năm lập nghiệp đã gây dựng cho anh một nền tảng dù không vững như bàn thạch, nhưng là quá đủ để tạo thanh thế.
“Có lẽ mình không nên thắc mắc gì nữa.”, Phú thở dài. Anh chẳng muốn đầu óc phải mệt thêm nữa, vì bản thân chuyến đi này cũng đã đủ mệt mỏi rồi. Trước đó vài giờ đồng hồ, anh đã phím lệnh cho Giang để gửi thông tin về đầu não rồi. Nếu theo quy trình làm việc của tổng bộ thì chắc tầm đôi ba hôm nữa, tính từ lúc Phú đặt chân xuống đất cộng hòa thì anh sẽ được gọi về trình diện. Đó là một việc bắt buộc phải làm, kể từ sau vụ của Phạm Huy.
Phòng chờ khá đẹp. Tứ bề được ốp gạch cao cấp, chia ra thành hai khu ăn và ngủ. Các đầu bếp thì tất bật xào nấu để đủ đồ phục vụ, trong khi các doanh nhân thành đạt thì nằm ngủ ngay trên ghế mát xa. Thay vì chọn thảnh thơi, Phú lại chọn ngay cho mình chiếc sofa cũ chỗ góc phòng.
Xì. Tấm lưng ép vào lớp đệm hơi một cách chậm rãi. Quá ư mệt mỏi cho cả một ngày trời chạy việc. Phú lấy cuốn sổ tay trong túi áo sơ mi, ngắm nghía hồi lâu. Anh cảm nhận được sự lạ lẫm của buổi đêm này, khi đáng ra giờ này bản thân phải quăng tấm phản bự lên chiếc giường quá khổ và nghĩ về những gì cần làm hôm sau. Ừ thì đúng là cũng có những đêm Phú phải lái xe về tỉnh, hay đơn giản là lang thang giữa phố phường, song chúng đều bắt cơ bắp phải cử động. Còn đây thì…
“Chẹp, chắc mình không cần phải nhắc lại nữa đâu… Dù gì thì đầu óc mình, sao nó căng thẳng thế nhỉ?”
Một cách vô tri, Phú nói đủ to chỉ để cho một góc tường nghe thấy. Lời than thở ấy hết sức ủ rũ, như thể chủ nhân của nó sắp tan thành mây khói vậy.
Mãi một lúc sau, cuốn sổ tay yêu quý của Phú mới được mở ra. Giở tới trang mới nhất, dễ thấy những dòng ghi chú chằng chịt trên nền giấy vàng nhạt. Đó là kịch bản mà Phú đã soạn sẵn cho chuyến đi kéo dài một tháng này. Theo đó, trong tuần đầu, dưới vai trò của một blogger hay đại loại như vậy, Phú sẽ dắt chiếc máy quay tham quan một vòng thành phố Minh Ti. Tất nhiên, các địa danh cũng đã được chọn lọc và ghi lại cẩn thận, nên sẽ không có chuyện quay trúng các địa điểm tối mật. Cũng may là trong khoảng thời gian này, Phú được phân công cho một biên tập viên. Người này sẽ chăm chỉ chỉnh sửa, thêm thắt và lo hậu kỳ cho các đoạn phim, trong khi Phú đi làm mấy chuyện mờ ám. Đó là một phước lành mà có lẽ chỉ Gia Phú đây mới được hưởng, đến nỗi anh ta phải nhảy cẫng lên vì vui sướng.
Sang tuần thứ hai, Phú sẽ lái xe đi về các vùng nông thôn được mệnh danh là yên bình nhất, cố gắng quay những cảnh đẹp tự nhiên. Tiếp đến, anh sẽ dành ra ba ngày để đi thăm các đền thờ đạo Âm, cũng như các địa danh tâm linh nhằm đáp ứng nhu cầu cho dân Tnú. Đây không hẳn là chủ ý, mà là một chi tiết phụ được chủ tọa sắp đặt nhằm kỷ niệm ngày hai quốc gia ký kết hiệp định kinh tế.
Tuần thứ ba và tuần thứ tư sẽ là khoảng thời gian dài đằng đẵng. Phú sẽ bay tới các nước cộng hòa tự trị thuộc khối liên bang, quay và phỏng vấn về phong tục, tập quán của từng quốc gia. Nói dài đằng đẵng là cứ mỗi hai đến ba ngày, Phú lại phải lên đường đến nước tiếp theo để tác nghiệp. Nhưng dù sao thì anh cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần rồi, nên có khó khăn thì cũng phải chấp nhận.
Và đó là kịch bản sơ bộ cho chuyến thăm Cộng hòa Liên bang Âm Phủ kéo dài trong một tháng của Phú.
Nhưng!
Thật là một bức màn đẹp đẽ làm sao, khi nó có thể che kín những mưu đồ mà chàng trai đã vạch ra sẵn. Thực sự, Phú quay về là để báo tin cho tổ chức và dẹp các mưu đồ phản loạn đang có trong nước, chứ không phải phục vụ cho tư bản. Đó là điều mà anh đã biết từ lúc các đồng đội khuyên nhủ về nước. Nhưng kế hoạch ra sao, họp vào ngày nào, gặp mặt những ai thì vẫn còn là ẩn số.
Đến đây, Phú lật trang cuối cùng của cuốn sổ, nơi có ghim một mẩu giấy nhỏ. Nó chỉ ghi dòng chữ “mật lệnh” kèm theo những con số cộc lốc mà thô cứng tới khủng khiếp. Ngay cả trẻ con cũng không thể làm được như vậy! Chàng nhà báo mở tờ giấy ra và được một phen bất ngờ. Tờ giấy khi gập lại bé tí ti, vậy mà khi mở ra đã to bằng hai bàn tay ghép lại. Nội dung thì cũng không có nhiều, đại ý là đang xuất hiện một số thành phần phản loạn quanh các vùng đô thị của đất nước. Loanh quanh thì cũng đã xảy ra chừng hai, ba vụ nổ súng và gây rối, nhưng truyền thông không đưa ra quá nhiều thông tin về chúng. Và giờ thì y như cái chức danh của mình, nhiệm vụ của Phú sẽ là tìm và diệt chúng. Và như mọi khi, chẳng có tên người đánh máy, địa điểm hay giờ hẹn gặp. Y như cái ý nghĩa của nó, mật lệnh.
Cùng lúc này, loa sân bay phát thông báo đến mọi hành khách, rằng chuyến bay rời Hải Mộ đã sẵn sàng để cất cánh. Phú đứng dậy, hít một hơi thật sâu và thầm nhủ.
“Đã đến lúc rồi!”
0 Bình luận