Nếu như trên đời này ai cũng có một căn nhà, hẳn đó sẽ phải là nơi tuyệt nhất trong tâm trí họ. Nhất định, hoặc có thể, chốn an cư lạc nghiệp đó sẽ là một cung điện rực rỡ sắc màu, nằm trên một ngọn đồi nơi chỉ có chim muông làm bạn. Không còn bất cứ một mối đe dọa nào có thể làm tổn hại tới gia đình nhỏ mà họ vun đắp nên.
Nhưng đời không như là mơ. Trong hằng hà sa số những linh hồn lang bạt lẫn những kẻ có đầy đủ thân xác, nhà ở là một giấc mơ hết sức xa vời, nói gì đến cung điện nguy nga lộng lẫy kia. Cũng giống như trần thế thôi, nhà ở vẫn luôn là vấn đề nan giải đối với xứ sở người chết. Ở Vương quốc Âm Phủ, người ta cố bám trụ lại nơi thành thị, chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn, đổi lại là chất lượng sống tồi tàn và có thể bị đuổi bất cứ lúc nào.
Phú, ngay từ đầu đã phải đánh đổi lấy khả năng tiếp cận thông tin cho một căn hộ tốt. Khôn ngoan hay không, anh ta cũng chẳng biết, nhưng chỉ có thể nói rằng thành phố là nơi bóng đêm che mờ thực tại, là chốn phồn hoa đầy giả dối và nước mắt. Càng vào sâu trung tâm, dân chúng, nhất là thành phần xuất thân từ quê nghèo, càng phải đấu tranh chỉ để kéo dài thời gian được ngủ trong một xó. Rất nhiều đồng nghiệp của Phú đã phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, tranh giành nhau để được xin ngủ ở tòa soạn báo Dân Chủ, cho dù sự thật là nghề của họ đem về thu nhập rất ổn định. Nhưng giá nhà tăng phi mã, con người chi biết cầm chừng từng ngày, từng giờ, rồi sau đó lặng lẽ rời khỏi trung tâm hoa lệ, sau đó tiếp tục chờ đợi tin tức mới. “Dường như con người ta sợ bị ruồng bỏ tới mức chết cũng không cam lòng”, Phú từng ghi như vậy trong một bài đánh giá xã hội.
Có thể nói rằng Phú là đứa trẻ may mắn. Nhưng cũng không hẳn là vậy. Trước khi chấp nhận an bài ở rìa thành phố, Phú đã trải qua biết bao phen nguy khốn, tới mức suýt bị cảnh sát hoàng gia bắt. Và mỗi lúc ấy, anh lại nhớ về mẫu quốc…
Nhà ở là quyền tối thiểu của nhân dân, hiến pháp của chính thể Cộng hòa Liên bang Âm Phủ đã ghi rõ như vậy. Không công dân nào xứng đáng trở thành người vô gia cư, cũng như không có nhà để ở. Tại mọi thành phố và quận huyện nhỏ lẻ toàn cõi liên bang, nhà ở được nhà nước xây dựng hoặc hỗ trợ chi phí cho dân chúng xây với mục đích định cư. Nghe như một phép màu vậy, Phú liên tục nhận xét như vậy mỗi khi nghĩ tới chính sách tuyệt vời ấy.
Nhưng có nhà để ở không đồng nghĩa với di dân ồ ạt. Mỗi ngôi nhà được xây đều có ý nghĩa của riêng nó. Người dân không thể cứ thế díu dít dắt nhau lên thành phố được. Họ buộc phải ở nơi được cấp nhà và cống hiến trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc chí ít là cho tới khi nào Hội đồng nhân dân cấp giấy phép chuyển hộ khẩu. Với lại, sau khi một gia đình chuyển nơi định cư, nhà của họ sẽ được mua lại và chờ người tiếp theo đến ở. Chính vì sự bắt buộc nên dân số của mỗi vùng có vẻ rất ổn định, tuy rằng nền kinh tế ở đó có thể không được phát triển.
Ngoài ra, bất động sản là mặt hàng hiếm hoi bị chính phủ liệt vào “cấm tiệt tư hữu” và do các tập đoàn thuộc quản lý của nhà nước quản lý. Vì thế nên mặc dù mang tiếng là mua đất, nhưng trên thực tế công dân chỉ đang thuê dài hạn, còn quyền định đoạt và quản lý là của nhà nước. Trừ một số trường hợp như quan chức chính phủ thì sẽ không phải làm vậy. Tuy không được dân chủ cho lắm, nhưng điều này đã giúp giá bất động sản giảm đi đôi chút, ít nhất là đủ tới khi nhà nước điều chỉnh.
Nguyễn Phạm Gia Phú, dù thân không phải một người con của đất âm phủ, nhưng cũng không quá nhiệt thành để đưa ra mớ lý luận ủng hộ nhà nước ấy. Chúng là sự thật, điều mà nên được phơi ra cho dân chúng đọc và ghi nhớ, khác hẳn những tên mạo danh hoàng tộc bên kia chỉ biết ỉm đi.
Căn nhà mà anh ở kể từ khi tốt nghiệp trường tình báo cũng đã phải hơn chục tuổi rồi. Nó cao hai tầng, sừng sững trước mặt đường một con phố tương đối đông đúc. Thiết kế theo kiểu một văn phòng thám tử tư hiện đại, nhưng luôn nằm trong tình trạng kín cổng cao tường. Do nằm lọt thỏm giữa nội đô, trong một thành phố chỉ toàn những nhà cao tầng, nên những gì nằm cạnh ngôi nhà này cũng đều mang tính thương mại. Cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nhà nghỉ và những văn phòng nhỏ, tuy yên ắng nhưng lại rất độc đáo trong chốn Minh Ti này.
Phú đứng trước mặt tiền ngôi nhà hồi lâu rồi quan sát giờ. Đã là mười giờ sáng. Có lẽ anh nên vào trong, để được nhìn lại kỷ niệm thêm một lần nữa. Bên phải cánh cửa bằng sắt dày là garage, nơi mà Hùng đang loay hoay đưa chiếc xe hơi vào.
Bước vào trong, một cảm giác ấm cúng liền ôm lấy cơ thể Phú. Nó đến từ lớp sàn gỗ dày, không trơn trượt và bốn bức tường sơn màu kem. Rất nhanh thôi, cảm giác ấy bao trùm khắp người anh, từ chân lên tới cổ, căng tràn hai lá phổi. Có gì đó sai, Phú thầm nghĩ, nó quá quen thuộc, đến nỗi có thể đoán ra được nơi nó đến. Nhưng so với căn hộ ở Hải Mộ, nó là một sự rạch ròi. Phú đến nơi đấy là vì hai chữ mái ấm, là vì đó là nơi cung cấp chỗ ăn nghỉ cho anh. Còn ngôi nhà này, phải, nó chính là một gia đình, một phần không thể tách rời khỏi anh trong suốt quãng đời còn lại.
Một căn phòng khách hiện lên trước mắt Phú. Trông nó thật ngăn nắp làm sao. khác hẳn với phong cách “bừa bộn nghệ thuật” của anh. Một chiếc ghế bành đặt dựa vào tường, đối diện là chiếc bàn gỗ để sẵn hai hộp kẹo chờ khách tới chơi. Nhưng có gì đó không ổn. Phải rồi, đó là chiếc tivi vẫn còn đang bật kia. Phú toan tiến đến, với lấy chiếc điều khiển nhưng lại bị một dòng tin ngăn lại.
“Mới đây, Vương quốc Âm Phủ đã ký kết với Cộng hòa Liên bang Âm Phủ hiệp định kinh tế. Đây là bước tiến lớn trong suốt gần mười năm qua của cả hai nước, kể từ sau cuộc chiến tranh gây ra sự tan rã…”
Ồ, thì ra là tin tức về cái cuộc đàm phán hôm nọ đây, Phú thầm nhủ. Chính anh là người đã theo dõi chi tiết cuộc cãi tay đôi của hai gã lớn trong trò chơi chính trị, hơn bất kể gã nhà báo nào có thể thu thập được. Thật là đáng thương làm sao. Chưa kể anh còn có thước phim quay lại toàn bộ quá trình bên kia bàn tới bàn lui trước khi ra quyết định cuối cùng.
“Hê hê, hê hê...”
Chỉ cần nghĩ đến đó thôi là Phú đã chảy nước dãi rồi. Nếu thích, anh hoàn toàn có thể bán mấy cuộn băng đó cho vài tay phóng viên tập sự, sau đó để họ phát tán chúng trên mạng. Khi đó, anh chẳng khác nào một anh hùng thầm lặng, vì bản thân đã cho dân chúng thấy được sự khốn nạn của chính thể ấy. Nhưng thôi, nghĩ gì thì cứ để yên trong lòng, Phú cũng chẳng dại mà đi làm thế. Điều đó chắc chắn sẽ bóc trần vai diễn hơn chục năm nay của anh, sau đó là đến cái mạng, rồi tới cả đất nước này.
“Ấy chết, lỗi em, em quên chưa tắt tivi.”
Từ trong gara, Hùng vội chạy đến và vơ lấy cái điều khiển. Sau khi tắt xong, anh nhìn vẻ mặt khả ố của Phú một cách đáng quan ngại, trong đầu nghĩ về những điều khủng khiếp. Anh băn khoăn, không biết vị tiền bối của mình đang tính về thứ gì mà phải để lộ dáng mặt của những tên tâm thần. Hùng ngồi phịch xuống ghế bành, nghĩ ngợi thêm một hồi rồi mới hỏi Phú.
“Anh đang nghĩ về điều gì thế, nói cho em biết đi.”
Phú choàng tỉnh từ cơn mơ ngày, nhìn Hùng một cách hững hờ rồi đáp.
“Ồ, chú sẽ không muốn biết đâu.”
Đoạn chàng trai loanh quanh phòng khách. Dường như đoán được ý của Phú, Hùng liền chỉ tay về phía lối vào sau phòng khách.
“Bếp ở trong kia, nếu anh muốn ăn gì thì cứ lấy đi nhé.”
Nhưng hóa ra đó lại là một phép đoán sai.
“Chú bị hâm à, anh đang quên mất lối lên phòng của mình kia kìa.”
Thế là Hùng lại dẫn Phú lên. Thực ra việc tìm ra nó cũng khá đơn giản, chỉ cần lùi năm bước là đã tới cầu thang rồi, chẳng qua do chàng trai của chúng ta đang nghĩ vẩn nghĩ vơ về một điều gì đó nên mới không để ý tới.
Phú không mấy vất vả để xách chiếc vali nặng vượt qua chục bậc thang. Trái lại, anh còn thấy bản thân khỏe hơn chút. Và khi bước tới cánh cửa gỗ khắc tên mình và người anh em chí cốt kia, anh mới nhận ra mình đã trở về nhà. Trước khi bước vào phòng, anh quay lại và nhìn Hùng.
“Thật là một hành trình dài để có thể quay trở lại căn nhà yêu dấu của mình. Anh chưa từng nghĩ rằng mình có thể quay trở về nước với một lý do ngớ ngẩn tới chừng này. Nhưng dẫu sao thì nhà cũng đã về rồi, tại sao chúng ta không ngắm nhìn lại nó thêm một lần nữa nhỉ?”
Cũng chẳng cần Hùng phải động tay động chân, Phú liền mở cửa bước vào. Quả nhiên, căn phòng vẫn như ngày anh rời đi. Một chiếc bàn gỗ liền giá sách đã được phủ một tấm bạt dày, tuy vẫn không thể che giấu được phần lớn tài liệu và chiếc máy in hiệu Canon trên đó. Thực ra nếu để ý kỹ thì dưới chân kệ sách vẫn có một chiếc két chuyên dùng để đựng tài liệu, chỉ là nó quá nhỏ để đựng tất cả, cũng như chỉ sử dụng cho những tài liệu thuộc hàng tối mật hay được đóng mộc đỏ thôi.
Chàng nhà báo đặt chiếc vali cạnh bàn, rồi nhìn chung quanh căn phòng. Sơ sơ thì đây cũng là một căn phòng dùng chung cho hai người, nên gần như thứ gì cũng có đôi cả. Nếu chiếc bàn làm việc của Phú có nguyên một giá sách, thì bên kia cũng vậy, thậm chí còn nhiều sách hơn của anh chàng. Cách đó không xa là hai chiếc tủ đồ cỡ lớn và một chiếc gương, tất cả đều được treo bảng tên rõ ràng để tránh trường hợp dùng nhầm. Ngoài ra, còn có một chiếc giường tầng bằng gỗ, có cầu thang dạng bước, tất nhiên cũng là cho Phú và Hùng sử dụng rồi.
Khi nhìn lại mọi thứ, Phú đã buộc phải ngạc nhiên khả năng của mình. Anh đã thu nạp một “đệ tử”, sau đó đưa nó trở về nhà của mình và sống chung từ đó cho đến tận bây giờ. Đó hoàn toàn không phải là một điều đơn giản, đặc biệt khi cả hai còn là nhân viên của bên tình báo hải ngoại. Nhưng khi chuyển qua góc nhìn hoài niệm, đến cả Phú và Hùng cũng phải bật cười vì cả hai trông chẳng khác sinh viên đại học là mấy, tuy hơn chục năm đã trôi qua rồi. Và từ ăn, ở, ngủ, nghỉ, hai con người đã cùng nhau nắm tay vượt qua để càng ngày trở nên thân thiết hơn thế.
Phú mỉm cười, lắc hai tay Hùng và nói.
“Thật là tốt khi được trở về nơi này thêm một lần nữa.”
“Chào mừng anh về nhà.”
Đến Hùng cũng phải xúc động theo. Rồi cả hai người lại ngồi xuống, hàn huyên tâm sự với nhau về câu chuyện ở hai bờ chiến tuyến…
0 Bình luận