The Third Booklet: Sha'abiyya
Chương 28.5: Giao đoạn thứ ba
0 Bình luận - Độ dài: 2,202 từ - Cập nhật:
“Cảm ơn các bạn đã theo dõi tập đầu của chuyến hành trình này, rất mong được gặp vào lần sau!”
Đứng giữa phố phường nhộn nhịp, Phú cười thật tươi trước khi tắt chiếc máy quay. Anh đã hoàn thành chuyến đi buổi chiều ngày hôm nay, đi khắp tám ga chính xung quanh thành phố để quay những địa điểm nổi tiếng nhất. Cũng không quá khó khăn để Phú hoàn thành chuyến hành trình dài ba mươi cây số này, từ khi hạ tầng tàu điện của mẫu quốc rất tốt, chưa kể các địa điểm quay cũng chỉ loanh quanh khu vực ga chừng vài trăm mét. Chủ yếu trong số chúng là những cửa hàng bán bánh kẹo hoặc đồ lưu niệm. Duy chỉ có một đài tưởng niệm nạn nhân của những cuộc nổi dậy là Phú quay ít nhất, mấy nơi còn lại cũng phải mất chừng mười, hai mươi phút quay.
“Nó đẹp thật đấy, vậy mà mình lại không được quay quá nhiều.”
Phú hơi thất vọng khi nhìn bức ảnh đài tưởng niệm do chính tay mình chụp. Đó là một bức tượng đồng cao mười mét, khắc họa một người chiến sĩ cầm cao ngọn cờ liên bang giữa đống đổ nát. Hai mắt chủ thể như cháy lên ngọn lửa diệt bè lũ cực đoan, nét mặt thì khắc khổ, nén chịu nhiều vết thương vì đạn bắn. Ngọn cờ cũng rách mất một phần, song hình dạng của quốc kỳ vẫn có thể dễ dàng nhận ra được. Quả là hình mẫu vĩ đại của một người anh hùng xã hội chủ nghĩa.
“Cũng không hẳn là xã hội chủ nghĩa. Đất nước này tuy được lấy cảm hứng từ Marx - Engel, nhưng kinh tế thì nghiêng về tư bản nhiều hơn. Thậm chí, mình chỉ thấy có mỗi hồn dân tộc là thuần túy, còn đâu vào tay tài phiệt hết rồi.”
Chàng nhà báo nhận định như vậy mỗi khi phải nói về tính xã hội chủ nghĩa của đất nước này. Nhưng dù sao thì kinh tế của đất nước này vẫn có một phần thuộc sự kiểm soát của chính phủ, nhằm tối thiểu sự cách biệt giàu - nghèo. Lương tối thiểu cũng khá tốt so với sinh hoạt phí, đến mức lương một giờ làm bồi bàn cũng đủ để mua thức ăn cho cả tuần. Tuy không tới nỗi tự do như cái tinh thần được nêu lên ở hiến pháp Vương quốc Âm Phủ, nhưng Phú cũng chẳng quá bất mãn chỉ vì sống tại đó mười năm. Anh còn yêu sự tự do trong khuôn khổ này hơn cả ấy chứ!
Bây giờ đã là năm rưỡi chiều. Người dân bắt đầu lũ lượt ra về trên những chuyến tàu điện ngầm. Và Phú cũng vậy, cũng đã đến lúc anh phải rời nơi này rồi. Nhưng trước khi đi, anh cũng cần phải nhìn lại nơi này thêm một lần nữa, để khỏi phải nhớ về chốn Hải Mộ đầy nắng và gió biển mặn chát. Những tòa cao ốc bao trùm các khu phố, cùng với các bảng quảng cáo giăng khắp hang cùng ngõ hẹp. Và rồi, theo một cách ngẫu nhiên, Phú hướng về chốn hoa lệ ấy.
Mình biết bản thân cần gì lúc này, Phú vừa đi vừa cười. Chiếc ba lô đựng đồ nghề cứ xóc lên xóc xuống theo nhịp chân sáo của anh. Hiếm khi nào một người lớn như Phú lại có thể hành xử như thế.
Đường phố đã bắt đầu đông đúc xe cộ. Phú băng qua những cửa hàng đang thắp ánh đèn ấm áp, lướt qua ngọn gió của sự thường nhật để đến một ngôi nhà siêu rộng ngay trước mặt đường. Khác với nhà của Phú, nó chỉ có duy nhất một cửa garage làm lối ra vào. Với lại, những bức tường quanh ngôi nhà đều bị che phủ bởi các tờ rơi quảng cáo, chỗ nào không có thì cũng đã lộ ra vết nứt, vỡ theo thời gian. Nhưng chỉ cần một cái bấm chuông, Phú đã được tận mắt chứng kiến những gì bên trong đó.
“Ồ, chào… anh…”
Người đứng sau cánh cửa cuốn lí nhí. Đó là một chàng trai trẻ nhưng râu tóc rậm rạp, như thể đã mấy tháng rồi chưa động đến bộ giao diện của mình. Anh ta mặc một bộ quần áo bảo hộ đã bạc màu theo năm tháng, tay còn đang cầm chiếc mỏ lết đang mở to hết cỡ.
“Xin chào, đã lâu lắm rồi không gặp nhỉ. Là tôi, Phú đây.”
Phú cúi đầu chào rồi bước vào trong garage. Một mùi nhớt thải bốc lên, hòa cùng mạt kim loại. Xung quanh anh là những chiếc xe nát bươm đang chờ được sửa chữa, xếp hàng nhường cho những chiếc lành lặn đang nằm trên giàn treo. Dạt sang bên trái là những dụng cụ và máy tính nhằm phục vụ cho việc sửa chữa. Và đó là tất cả những gì mà một xưởng máy của Tổng Cục Tình báo có. Đây là nơi mà những phương tiện của cơ quan hoặc nhân viên trực thuộc tình báo hoặc bên cảnh sát phải sẽ đến sau một cú húc mạnh, hoặc đại loại thế. Tuy to là vậy, song đây mới chỉ là một trong số hàng trăm cơ sở sửa chữa trên toàn quốc.
Và cũng như bao người xui xẻo khác, Phú có gửi sửa một chiếc xe tại đây. Tất cả chi phí đã được cơ quan chi trả, thành ra anh cũng nhẹ người khi nghĩ đến việc này.
Phú tiếp tục đi vào sâu bên trong garage. Nhưng chưa đi được bao xa thì thứ cần sờ đã hiện ra trước mặt anh rồi. Ẩn trong bóng tối, chiếc Porsche 959 hiện lên một cách bóng bẩy. Lớp sơn đen không chút trầy xước. Mâm xe sáng choang, cảm giác như có thể soi gương ngay trên đó vậy. Vậy mà ít ai biết được, nó đã bị lật ngửa giữa phố mười hai năm trước.
Bất chợt, Phú, người chủ của chiếc xe, quay sang nhìn anh thợ máy râu rậm kia.
“Anh đã lái nó mỗi ngày đấy à?”
“Ừ, tại anh có đến lấy đâu, nên tôi phải lái để các chi tiết không bị han gỉ.”
Người thợ đáp. Phú trao cho anh ta một nụ cười rồi mở nắp ca pô phía đuôi xe lên. Một vẻ đẹp tuyệt tác! Động cơ đã được nâng công suất lên bằng cách gắn một chiếc turbo to bằng đầu người. Giảm xóc thì đã được thay bằng loại của Bilstein. Ngoài ra còn cả đống chi tiết khác đã được sửa đổi hoặc thay thế bằng loại của các hãng đồ chơi nổi tiếng.
“Đúng như đơn đặt hàng của tôi mười hai năm trước. Anh làm tốt lắm, cảm ơn nhé.”
Phú quay sang nhìn anh thợ máy bằng ánh mắt trìu mến. Sau đó cả hai người cùng nhau ký biên bản nhận xe rồi lấy chìa khóa. Cầm lái chiếc xe mà mười hai năm mới được sờ lại, anh không giấu khỏi sự sung sướng. Thậm chí, trước khi rời garage, Phú còn boa cho anh thợ kia một chút tiền, coi như thay lời cảm ơn vì đã chăm sóc hộ anh trong suốt thời gian qua.
Trong khoang lái, Phú bật đài lên để không bị lỡ nhịp với xã hội. Tiếng nhạc chờ du dương trong lúc chờ chương trình phát sóng. Vì không muốn phải chôn chân giữa hàng trăm chiếc xe hơi đang đùn đẩy nhau từng ly nên Phú quyết định đi đường cao tốc cho thoải mái. Con đường ấy cũng không quá xa. Chàng trai chỉ cần đi ngược ra ngoài rìa thành phố là sẽ có lối dẫn lên đường cao tốc.
Chiếc 959 bắt đầu gầm lên khi nhập làn. Rất nhanh, công tơ mét đã chỉ lên con số trăm hai cây số một giờ. Cả phản hồi lái nữa, vô lăng như đang kết nối trực tiếp với mặt đường vậy. Lúc này, Phú nở một nụ cười mãn nguyện. Giờ chỉ còn quãng đường hơn ba mươi lăm cây là hàng rào cuối cùng.
Khi chiếc xe của Phú vượt qua tấm bảng chỉ dẫn hướng về thành phố thì cùng lúc đó, đài phát thanh cũng bắt đầu chương trình đàm đạo thường nhật.
“Xin chào tất cả quý vị và các bạn.”
Phát thanh viên bắt đầu bằng giọng chào hết sức cuốn hút. Đã bao lâu rồi mình chưa được nghe một giọng nói có sức hút đến thế nhỉ, Phú tự hỏi. Mất thêm một hồi giới thiệu nhân vật khách mời nữa, chương trình mới đi vào trọng tâm: Chủ nghĩa ái quốc và trách nhiệm của giới trẻ ngày nay.
Nhắc đến đây, Phú lại chợt nhớ về câu chuyện mà Hùng tâm sự hồi sáng. Anh ta kể rằng, biển hiệu và khẩu ngữ về việc thống nhất đất nước đã không còn, thay vào đó là những khẩu hiệu phát triển kinh tế. Thậm chí, môn học quý giá nhất, thứ nhắc nhở về nguồn gốc của người trần gian cũng như tộc Tnú, lịch sử, đã trở thành một món tự chọn. Tức là ai thích, ai có đam mê thì có thể chọn, không học cũng chẳng sao. Kết quả là cả một thế hệ người Tnú lẫn người trần gian đã quên đi nguồn gốc của mình, cũng như lý do vì sao họ lại chung sống với nhau trong hòa bình.
“Tivi đưa tin rằng chỉ đâu đó năm mươi mươi phần trăm người trẻ là còn nhớ ngày chia cắt đất nước thôi, anh ạ.”
Hùng nói vậy với Phú trong sự bùi ngùi. Và cũng chính vì sự lỏng lẻo đó nên một số đối tượng thân hoàng gia đã lan truyền thông tin sai lệch, xuyên tạc rằng chính âm phủ là của người Tnú, người trần gian chỉ là bọn ăn cướp. Thêm vài câu kích động trên mạng xã hội nữa, và bùm, nó đã tạo ra sự nghi kỵ giữa hai sắc dân lớn nhất vùng đất linh hồn này. Người Tnú thì khăng khăng tất cả đất đai là của mình, trong khi người trần gian, một số thì bị lôi kéo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, một số thì ủng hộ “thuyết thực dân”, “trần gian ta muôn đời thịnh”. Nhưng rất may đó chỉ là một phần nhỏ, chỗ còn lại thì nghi ngờ về thân xác và chính số phận của mình, một linh hồn bị mang mác cướp đất. Đen đủi hơn, một số trí thức người Tnú khi có động thái chống lại thì liền bị chụp mũ là phản bội dân tộc. Tuy không bùng lên thành ngọn lửa lớn, song chúng cuộn lại thành những cơn sóng trong lòng sông, nên lại càng khó giải quyết hơn.
“Nhưng nhìn chung thì dân xứ mình khó trị lắm anh ơi, bao đời nay, dẫu có tẩy đi viết lại đến rách cả hiến pháp thì cũng không thể xóa nhòa được ranh giới giữa hai sắc dân. Là một người làm tình báo, em cũng chỉ biết phụng sự cho thứ gì mình cho là chính nghĩa thôi.”
Đó là sự bất định mà Phú chưa bao giờ nghĩ tới. Suốt chục năm qua, anh đã phải chống lại định kiến của những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng thời tìm cách leo cao trong bộ máy của địch. Vậy mà giờ tình hình trong nước cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Phú biết mình không phải là điệp viên duy nhất, nhưng sẽ là người cuối cùng chứng kiến một thế hệ sụp đổ vì phân biệt chủng tộc.
“Giờ thì mình đã hiểu nhiệm vụ của lần quay trở về này rồi.”
Chàng trai bừng tỉnh. Chắc chắn anh sẽ bắt những kẻ cực đoan đó phải trả giá đắt.
"Giới trẻ ngày nay cần phải biết ơn công sức xây dựng tổ quốc, di sản của các bậc cha anh đã để lại. Và điều quan trọng nhất, họ cần phải hiểu được nỗi đau mà sự chia cắt đã để lại, từ đó phấn đấu dựng xây một xã hội tốt đẹp hơn. Hoặc xa hơn nữa là tiến tới thống nhất nước nhà."
Trong khi đó, vị khách mời trong chương trình vẫn ra rả về trách nhiệm của những công dân trẻ, mà vốn dĩ đã lụn bại từ trong tư tưởng.
Trước khi tắt đài để tập trung cho chuyến về nhà, Phú tự lập luận:
"Nhưng chính xác thì âm phủ là nơi sinh sống của người Tnú, đồng thời là nơi chứa linh hồn của những người đã khuất. Hai tộc người, hai nhiệm vụ, một vùng đất, chẳng nhẽ lại gây khó khăn cho nhau đến vậy sao? Lạy Chúa!"
0 Bình luận