‘Tớ có thể dẫn theo một đàn anh đến cùng được chứ? Anh ấy có hứng thú về việc chúng ta đang tìm hiểu á!’
‘Được, không sao đâu!’
‘OKELA! Canteen C3 nhé!’
…
Trăm triệu lần tôi cũng không ngờ tới, người mà Alda gọi là đàn anh đó lại chính là bác sĩ Thyme với gọng kính bạc lấp lánh - người đã giúp tôi rất nhiều khi còn ở lục địa Mistletoe. Tôi liếc nhìn thẻ đeo trên cổ hắn, cái tên Thyme Lamiace đập vào khiến tôi vô thức có cảm giác mắt mình chướng lên mấy cục lẹo vậy.
Ráng kiềm chế không bày ra vẻ mặt ‘nà ní’, tôi mỉm cười lịch sự bắt tay chào hỏi Thyme và giới thiệu bản thân, rồi mời cả hai ngồi xuống.
Canteen C3 nằm ở toà nhà số 3, đây địa điểm làm việc dành cho Khoa Tâm thần, Khoa Thần kinh và Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng II. Khoa Tâm thần nằm chễm chệ trên hai tầng có vị trí cao nhất của toà nhà, tầng năm và tầng sáu. Mọi lần tôi ghé qua thì thấy nơi này không quá đông đúc như hai khoa ở các tầng dưới, nhưng hôm nay đặc biệt lạ thường. Trên các dãy ghế, dưới sàn gạch lạnh lẽo, chen chúc trên các bậc cầu thang,… đâu đâu cũng thấy bệnh nhân. Họ trầm mặc ủ rũ, nhìn bộ dạng hệt như ngủ gật. Cả hai tầng này ngoại trừ tiếng gọi tên từ các y tá và những bước chân vội vã chạy của các hộ sĩ thì không hề có tiếng âm thanh xì xào nào như các khoa khám khác. Mặt ai nấy đều trắng bệch, đôi mắt hững hờ với hai bọng đen. Dù thế thật may họ vẫn có phản ứng nhường đường khi có ai đi ngang qua, mặc dù chỉ là nhường trong im lặng.
Đúng như Alda nói, đa số bệnh nhân ở khoa này là thanh thiếu niên và trẻ em tuổi dậy thì. Tôi để ý, những đứa trẻ tụ tập ngồi với nhau không hề có phụ huynh nào đi theo để cùng theo dõi bệnh trạng của chúng. Vấn đề này tôi hỏi Alda.
Alda nhai nuốt nhanh miếng cơm nắm, đáp: “Nói tới vụ này là tức! Cậu biết không, bọn họ đem con mình tới, làm hết thủ tục xong thì giao cho bọn tớ rồi sủi mất tăm. Chỉ dặn khi nào chúng khỏi thì gọi họ đến đón. Nhớ lại mà tớ chỉ muốn lao đến nắm đầu họ lại thôi! Cha mẹ kiểu gì thế chứ?!”
Tôi nhìn hàng người lờ đờ chờ mua thức ăn ở quầy bán, nhíu mày: “Cậu có để ý biểu cảm của các phụ huynh khi đưa con mình tới đây không?”
Bác sĩ Thyme lên tiếng trả lời thay: “Nói sao nhỉ, chắc dùng từ vô cảm để hình dung chăng?”
“Đúng theo nghĩa đen luôn ấy ạ!” – Alda gật đầu, tiếp lời: “Mọi lời nói cùng biểu cảm của họ đều chẳng có chút cảm xúc nào, bộ dáng thì cứng đờ, khác quái gì người máy đâu!”
Bộ dáng cứng đờ…? Đưa ngón tay cào cào chóp mũi, tâm trí tôi tung qua tung lại để sắp xếp một vài ý nghĩ điên rồ.
Alda thở một hơi: “Chuyện cậu nhờ ấy, tớ có tổng hợp lại này.” – Cô ấy đưa cho tôi một cái USB: “Trong này có cảnh quay cùng bản ghi âm quá trình thôi miên, còn có bản tóm gọn lý lịch của các bệnh nhân trong buổi sáng hôm nay. Anh Thyme còn giúp tớ soạn một bản tóm tắt việc điều trị các bệnh nhân của những ngày trước đó nữa.”
Tôi há hốc mồm nhận lấy USB, không nghĩ tới Alda và Thyme lại chú tâm đến từng chi tiết như vậy. Nhìn bộ dạng uể oải của họ, tôi vô cùng áy náy: “Xin lỗi hai người, trong lúc cả khoa đang bận rộn thế này mà tớ lại…”
“Không, nhờ việc em nói với Alda mà cả khoa mới nhận ra vấn đề này nên xử lý từ đâu và nhanh chóng hành động đấy.” – Thyme lắc nhẹ đầu, giọng êm dịu giải thích: “Theo quy định thì việc điều trị ở khoa Tâm thần này phải được thực hiện trong kín kẽ, không được sử dụng các thiết bị ghi hình nghe lén đối với bệnh nhân. Nhưng những bệnh nhân gần đây thật sự rất kỳ lạ, họ khó hiểu đến mức mang đến áp lực rất lớn cho các bác sĩ và y tá ở tầng này. Tối qua Alda nhắn cho anh với trưởng khoa xin phép lấy thông tin buổi điều trị sáng nay, trưởng khoa đã đồng ý với điều kiện phải lưu lại một tệp riêng cho ông ấy và tài liệu đưa cho em phải tiêu huỷ sau khi em sử dụng xong, không được tiết lộ ra ngoài đâu đấy.”
“Các bác sĩ khác cũng đang tiến hành lấy thông tin từ máy quay và ghi âm, tối nay bọn tớ sẽ tiến hành một cuộc họp để tìm điểm phản ứng chung của họ và định ra hướng giải quyết.” – Alda nói: “Cậu có cần thêm các file khác không? Tớ có thể hỏi các đồng nghiệp cùng ca sáng nay.”
Tôi lắc đầu, cười: “Vậy được rồi, những chuyện còn lại tớ sẽ sắp xếp. Cảm ơn hai người rất nhiều!”
Trong lúc tôi quan sát cái USB trên tay, bác sĩ Thyme lên tiếng: “Bác sĩ Ailuray, anh có thể hỏi những suy nghĩ hiện giờ của em không?”
Tôi ngẩng đầu nhìn hắn, người đàn ông với chiếc áo blouse luôn nở nụ cười ôn hoà này gần như đồng nhất với vị bác sĩ ở thế giới bên kia. Nói sao nhỉ, nhiều lúc tôi ghét nụ cười này lắm, nhưng lại nghĩ người này làm việc cho gia tộc Vill Panthera nên cũng tự trấn an bản thân rằng Thyme là kiểu người thích tỏ ra bí hiểm. Cơ mà, đó là ở lục địa Mistletoe, còn người này thì…
Nhớ đến cuộc gọi của người này với ‘Hellima’, tôi híp mắt, chậm rãi hỏi: “Bác sĩ Thyme, anh có từng nghe đến truyền thuyết đô thị chưa?”
Người đàn ông hình như hơi ngạc nhiên với câu hỏi không liên quan, đoạn ngẩng đầu nhìn trần nhà, đẩy mắt kính ngẫm ngẫm vài giây, rồi gật đầu: “Không nhiều lắm, anh chỉ nghe loáng thoáng từ các y tá với các bệnh nhân. Đôi khi nhàm chán do không được sử dụng đồ điện tử, họ sẽ tụ tập lại và kể cho nhau nghe những câu chuyện như vậy.”
“Truyền thuyết đô thị là gì vậy?” – Vẻ mặt Alda ngớ ra, chen vào: “Sao đột nhiên chuyển hướng sang nó vậy?”
Trong lúc ngồi chờ ở canteen, tôi có lấy sách ra đọc một chút, những chỗ quan trọng liền dùng thẻ kẹp sách chuyên dụng của bản thân tự làm để đánh dấu lại. Tôi mở một trang sách giới thiệu về truyền thuyết đô thị cho Alda xem, còn mấy mẩu báo thì đưa cho Thyme.
Cả hai chăm chú vừa đọc vừa nhíu mày nghĩ ngợi. Đôi khi tôi sẽ lén nhìn phản ứng của họ, phần lớn thời gian chờ này tôi vừa ăn sandwich vừa quan sát bệnh nhân trong canteen. Ngoại trừ bàn của chúng tôi líu ríu nãy giờ, canteen gần như im lặng tập thể. Họ từ tốn ăn, thao tác gọn gàng sạch sẽ, ai cũng ăn sạch phần ăn của mình, không chừa lại chút nào, dùng xong sẽ rời đi trong im lặng. Tôi nhìn những cái đĩa vét sạch được nhân viên dọn đi, âm thầm bỏ thêm trong lòng một dấu hỏi chấm nữa.
Phản ứng chậm chạp, không đến mức gọi là mất phản ứng với thế giới xung quanh.
Người đến đây ăn đều dùng bữa rất từ tốn, không chừa lại chút gì. Thế giới ấy mà, trăm người trăm sắc thái từ phong cách cho đến tư thế. Canteen này có đa dạng các loại thực phẩm, nhưng bệnh nhân từ trẻ em đến thanh niên đều lựa chọn dùng cơm khay. Nhìn họ ngay hàng thẳng lối cầm sẵn khay đợi lượt lấy cơm khiến tôi hình dung như đang ở trại tập huấn nào đó. Không ai lên tiếng lựa chọn món ăn mình muốn, người đứng phục vụ cũng không hỏi họ muốn ăn gì, cứ múc ngẫu nhiên lên khay. Bỏ mứa đồ ăn là chuyện không có gì xa lạ, vì vốn dĩ cơm bệnh viện không ngon cho lắm, nhưng họ đều ăn sạch sẽ, ai cũng vậy. Trên khay có những món mà trẻ em thường ghét như cà rốt, cà chua, củ cải, ớt xanh,… tôi chứng kiến chúng ăn sạch sẽ, không đứa nào chừa cái gì cả. Thức ăn không bỏ mứa là chuyện tốt, cơ mà phản ứng khi ăn của họ thật sự khiến tôi thấy hơi hoài nghi nhân sinh một tẹo.
Một phỏng đoán không chắc chắn lắm, đó là họ có phản ứng kỳ lạ với màu trắng. Ánh mắt họ trông như vô định, tuy nhiên nhìn phản ứng non nớt của bọn trẻ là rõ ràng ngay. Chúng không nhìn thẳng vào những vật thể trắng, bức tường trắng, càng không nhìn thẳng vào các nhân viên ở bệnh viện. Ánh mắt chúng dáo dác nhìn những vật thể có màu sắc hơn, màu đen cũng được.
“Cha mẹ ơi!” – Nghe tiếng rên rỉ của Alda, tôi quay đầu. Mặt mày cô ấy tái mét: “Không thể nào đâu nhỉ…?”
Bác sĩ Thyme là người đã làm việc ở đây từ những ngày đầu thành lập bệnh viện, nếu thẳng thắn nói nơi nay bị thứ gì đó ám chắc ai cũng không dễ chịu gì. Trong lúc tôi còn đang ngẩn người lựa lời để nói thì hắn đã cất lời: “Thú vị.”
Hể? Cái gì thú vị?
Tôi khều nhẹ bàn tay trong không khí, nói ngắt quãng: “Bác sĩ Thyme, chuyện này vô tình tôi biết đến nó và ờm…, thấy trùng hợp. Tôi không phải là người theo chủ nghĩa duy tâm đâu!”
Làm sao có thể nói thẳng chuyện này có sự xuất hiện của thứ không có chút khoa học nào như ‘không gian bóng tối’ được chứ?
“Ý em là sự ám ảnh đáng sợ đối với màu trắng, đúng chứ? Trong quá trình trị liệu, các bệnh nhân đúng là có phản ứng kỳ lạ với màu trắng. Ban đầu họ chỉ là e dè không dám nhìn, dần dà biến thành sợ hãi đến mức cứng đờ cả người, không dám liếc ngang liếc dọc đi đâu cả.” – Thyme đẩy gọng kính bạc, từ tốn nói.
“Nghĩa là tình trạng của họ ngày càng tệ nhỉ?”
“Đúng vậy, tệ theo cách âm thầm.”
“Có người nhà nào đến hỏi thăm tình trạng không ạ?”
“Như Alda đã nói đấy, bản thân con cháu của chính mình bệnh nhưng họ phản ứng quá hời hợt. Một hay hai người thì không nói, đằng này là tất cả.” – Thyme nhúng vai.
Alda nhìn chăm chăm quyển sách, hoang mang: “Hellima, tớ biết tại sao cậu lại liên kết chuyện này với truyền thuyết đô thị rồi! Rõ ràng mọi người đều sợ màu trắng, nhưng ai cũng đều hướng đến bệnh viện để điều trị, còn chủ động đăng ký nội trú. Giống như có thứ gì đó thôi thúc buộc họ phải ở lại đây vậy!”
“À này, chỉ là suy nghĩ của tớ thôi. Chuyện này mà nói với mấy vị trưởng khoa là ăn dép vào mặt đấy nhé!”
“Tớ biết mà, tớ có ngu đâu!” – Alda lầm bầm: “Chuyện này rất vô lý, nhưng sao lại hợp lý đến thế này được. Khốn thật!”
“Thôi nào, đừng quá tin tưởng nó.” – Tôi mỉm cười: “Hãy tin vào khoa học!”
Bác sĩ Thyme bật cười: “Đúng rồi đấy! Dù chuyện này có vô lý đến mức nào, chúng ta cũng phải tiến hành làm việc theo trình tự khoa học. Không thể mời các cha xứ hay thầy pháp để làm lễ trừ tà được, đặc biệt là thời điểm tương đối nhạy cảm như thế này.”
Ngừng một chút, Thyme nói tiếp: “Với lại, nếu thật sự đây là hiện tượng của truyền thuyết đô thị, vậy thì sẽ khiến mọi chuyện phát triển theo hướng rất tiêu cực.”
“Ơ, sao lại tiêu cực ạ?” – Alda lo lắng.
“Anh chỉ biết vài câu chuyện thôi. Hầu hết các câu chuyện mà anh nghe, ma quái nơi đó đều rất đáng sợ, các mục tiêu bị nhắm tới đều không ai có kết cục nào tốt lành cả. Không bị giết thì cũng bị làm cho phát điên. Anh chưa nghe đến nạn nhân trong câu chuyện truyền thuyết đô thị nào may mắn chạy thoát được.”
Không khí lạnh dần theo lời kể âm trầm của hắn, tôi lạnh sống lưng, siết chặt bàn tay đặt dưới gầm bàn.
Bởi vậy, nên tôi hy vọng đây là không gian bóng tối. Nếu là không gian bóng tối thì chắc chắn sẽ có lối thoát. Còn nếu là truyền thuyết đô thị thật sự, tôi vẫn chưa hình dung được cách thức nào để bẻ cong sự hiện diện siêu nhiên này.
Tôi ôm mặt chán nản, nhìn hai người đối diện cũng đang rơi vào trầm mặc. Dù trang phục của hai người đối diện tương đối còn gọn gàng, nhưng đôi mắt đã có dấu hiệu lờ đờ, tóc tai có chút bù xù. Tôi bảo: “Hai người nên nghỉ trưa một chút đi thôi. Trông cả hai chẳng ổn chút nào, cũng vất vả cả buổi sáng rồi còn gì.”
Alda cười hờ hờ: “Nói thật với cậu, nhìn chuỗi diễn biến giấc ngủ của bệnh nhân, tự nhiên tớ có chút gặp chướng ngại với việc nhắm mắt ngủ.”
Tôi chớp mắt, khó hiểu: “Hôm qua cậu bảo nhìn họ ngủ ngon đến mức muốn ngủ cùng, hôm nay lại bảo họ ngủ khiến cậu gặp chướng ngại. Bộ giấc ngủ hôm nay của họ có gì khác với hôm qua sao?”
“Cậu… về xem quá trình ghi hình là biết ấy mà.” – Alda đau khổ ôm mặt, dặn: “Đừng có lựa vào đêm khuya mà xem đấy.”
“Alda này.”
“Hửm?’
Tôi chỉ chỉ vào cái đầu của mình.
Alda ngẩn người, rất nhanh liền méo mặt, nhìn tôi bằng vẻ mặt khinh bỉ: “…”
Thyme nhìn tôi rồi nhìn Alda, tò mò: “Giải nghĩa cho anh với nào.”
“Em quên mất, đàn anh à. Con bạn này của em là đồ thần kinh thô! Là cái loại có thần kinh miễn dịch với các tình huống hú hồn con chồn ấy!” – Alda cười co giật, kể: “Hồi đại học, tụi em rủ một đám sinh viên cùng khoa đi tới cung điện ma ám ở khu vui chơi. Trong khi mọi người bị mấy cái bẫy với mấy con ma dọa đến mất vía, Hellima với… ai đó nữa ấy, đi dạo trong đó cứ như thưởng thức danh lam thắng cảnh vậy đó! Em còn nhớ có con quỷ cơ bắp nào đó vỗ vai cô bạn kia, con bạo lực này liền đấm ổng không trượt phát nào!”
Thyme tròn miệng trầm trồ: “Dữ dội!”
“…Tớ bị giật mình nên mới lỡ vung tay ấy chứ.”
“Nhân viên đó doạ người đi kế cậu, cậu phản ứng mạnh vậy làm gì? Hửm?”
Phản xạ tự nhiên ‘gà mẹ bảo vệ gà con’ thôi mà, tôi gãi má xấu hổ. Chợt, tôi sửng sốt, đứng bật dậy: “Alda, cậu nói ai đi với tớ khi đó?”
“Hả? Thì… bạn của cậu mà, nhỉ? Hình như đâu học chung khoa với chúng ta?”
“Cậu nhớ tên cậu ấy không? Hay ngoại hình?”
“Ơ hay con bé này, bạn cậu mà sao cậu lại hỏi tớ?” – Alda cào đầu, lẩm bẩm: “Mà khoan, sao tớ không nhớ được cậu ấy trông thế nào ta? Chỉ nhớ khi đó cô ấy luôn theo sát cậu.”
Tôi căng thẳng nói ra một cái tên: “Shirley Felis.”
“Ể, tên cậu ấy à? Hình như đây là lần đầu cậu giới thiệu tên cậu ấy đúng không?”
Tôi líu lưỡi, chán nản ngồi lại vị trí cũ.
Khi đó tôi có giới thiệu mà, đám con trai trong khoa đều đỏ mặt e thẹn khi nhìn Shirley, cả Alda cũng khen lấy khen để.
‘Không có sự tồn tại nào bị xoá sổ, chỉ có bị ém lại đâu đó thôi.’
Tôi sực nhớ tới sự tồn vong bị xem như là một bối cảnh của gia đình ngài Nam Tước. Có lẽ nào, ở thế giới của tôi cũng như vậy? Shirley – con mèo đen nhỏ của tôi không bị xoá bỏ khỏi ký ức của những người ở đây, chỉ là bị ém đi thôi?
Bác sĩ Thyme nhìn đồng hồ, chợt lên tiếng: “Ailuray nói đúng đấy, chúng ta nên nghỉ một chút. Buổi chiều vẫn còn trận chiến dài, còn cả cuộc họp buổi tối nữa.”
“Ôi trời ơi…” – Alda gục đầu xuống bàn, vò đầu bứt tai.
Tôi cười khẽ, xoa đầu cô ấy: “Được rồi, hai người đã giúp tớ nhiều lắm đấy. Đi nghỉ đi nào!”
Chần chừ mãi, cuối cùng Alda cũng đồng ý. Thyme và tôi trao đổi số liên hệ, có người quen cũng là chuyện tốt, cơ mà nhớ tới cuộc gọi đêm khuya của hắn với ‘Hellima’, tự nhiên tôi có chút rén.
Trước khi đi, Alda quay đầu hỏi tôi: “Nè Hellima, cậu định làm gì vậy?”
Dưới ánh mắt tò mò của Thyme và gương mặt bất an của Alda, tôi mỉm cười: “Đừng lo, hãy tin rằng mọi chuyện đều sẽ có kết thúc tốt đẹp.”
‘Hellima’ ấy cũng đã muốn tin tưởng vào điều đó.
‘Sau mọi đau khổ, câu chuyện của tôi đều mong muốn được đi đến HE…’
TIME - 13:09 PM.
Sau khi họ rời đi, tôi vẫn đóng đô tại canteen, lấy USB cắm vào máy tính xách tay cá nhân, xem tệp tin mà Alda lưu lại bên trong.
File video, file ghi âm, file hồ sơ, mỗi file 3 mục. Một file tổng hợp bệnh án của các bệnh nhân những ngày trước, đây là cái của bác sĩ Thyme, phía cuối trang còn nêu một chút nhận xét.
Tôi lướt qua một chút, xác định trình tự rồi bắt đầu từ file của bác sĩ Thyme.
Bệnh nhân đầu tiên tìm đến bệnh viện bắt đầu từ ngày 1 tháng 9, đó là một nữ sinh lớp mười. Cô bé gặp phải ác mộng từ một tuần trước khi đến đây, cứ ngủ trưa hay ngủ tối đều gặp chúng. Nội dung ác mộng không rõ, dùng thôi miên lên cô bé thì cũng chỉ nhận được những kết quả mơ hồ: ‘trắng’, ‘đến bệnh viện’, ‘chữa trị’…
Những bệnh nhân cùng ngày đến bệnh viện đều có triệu chứng hệt như nhau. Thiếu nữ, thiếu niên, trẻ vị thành niên,… hôm ấy có tất cả bảy người.
Cho đến một tuần sau, tức ngày 8 tháng 9, một loạt bệnh nhân có dấu hiệu tương tự kéo đến đăng ký điều trị. Lần này không chỉ đến từ bên ngoài, một số người vốn đang nội trú ở các khoa khác cũng gặp ác mộng ‘trắng’ này nên họ cũng muốn điều trị. Lần trước bảy người, lần này là mười lăm, hết thảy trước sau là hai mươi hai người. Dùng tất cả biện pháp thôi miên, trò chuyện, tham gia hoạt động co giãn tâm lý,… ác mộng vẫn đến với họ. Họ ngủ rất yên bình, nhưng khi tỉnh lại thì biểu cảm và mạch đều nhảy mãnh liệt.
Lại tiếp đến một tuần, ngày 15 tháng 9, số người đến điều trị là ba mươi hai. Và mới ngày hôm qua – ngày 22 tháng 9, số lượng đã nâng thành bốn mươi sáu.
Tổng số người hiện đang ở nội trú khoa Tâm thần là 100 người, chưa tính đến những bệnh nhân nội trú đã ở đây từ trước.
Khiếp, tròn phết!
Mặc dù cứ cách một tuần bệnh nhân mới ồ ạt tìm đến, cơ mà những bệnh nhân trước đó chưa ai ra viện được, chưa ai điều trị xong. Việc tiến hành điều trị phải thường xuyên nên mỗi ngày các bác sĩ ở đây đều thở không ra hơi, đầu tuần của họ như cơn ác mộng vậy.
Tôi xoa cằm, để ý đến các bệnh nhân đầu tiên.
Một tuần trước ngày 1 tháng 9 là ngày 25 tháng 8. Tại sao ‘màu trắng’ lại bắt đầu tìm đến họ vào ngày này?
Nghĩ mãi vẫn không biết đến sự kiện trọng đại nào đã diễn ra vào ngày này, tôi đành gõ ngày tháng lên công cụ tìm kiếm.
Kết quả đầu tiên hiện lên là lịch điện tử, kết quả nổi bật thứ hai là một sự kiện lớn gần đây nhất, Toà nhà Thánh ở trung tâm Thủ đô đã tiến hành một buổi lễ cầu nguyện với quy mô cực lớn quy tụ hàng trăm nghìn tín đồ. Họ đã tổ chức một buổi cầu nguyện, nghe lời giảng dạy của Giám mục và uống nước Thánh, sau đó còn tổ chức một buổi lễ diễu hành trên phố.
A, tôi có nghe loáng thoáng cuối tháng tám bên ngoài có lễ hội, hoá ra là cái này.
Toà nhà Thánh, hửm?
Lễ cầu nguyện, hửm?
Giám mục, hửm?
Nước thánh, hửm?
Nụ cười trên môi tôi nở rộng ra.
Tôi di chuyển ngón tay trên bàn phím, tìm trang wiki về Toà nhà Thánh này.
Toà Thánh Iachawdwriaeth, thành lập từ thế kỷ 14, ban đầu chỉ là một nhà thờ cầu nguyện nhỏ bé – nơi các bệnh nhân của Cái Chết Đen đến cầu xin đau khổ hãy biến mất. Cho đến ngày nay, với uy tín của mình, Iachawdwriaeth đã mở rộng hơn, còn có thêm mấy chi nhánh khác.
Giáo hoàng hiện tại là Bios Lik Caches.
Đức Hồng Y Charu Mustel.
Giám mục là Zephaniel Nathan…
Tôi: “…”
Được rồi, cầm dao đi xiên hết bọn chúng, chuyện này chắc chắn sẽ kết thúc.
Ý định xấu xa này vừa nảy ra liền được kiềm lại, tôi ngửa đầu hít một hơi lấy bình tĩnh, niệm đi niệm lại: “Tôi ơi, xiên chúng chưa chắc là giải pháp tốt nhất, chưa phải giải pháp tốt nhất…”
Vò đầu bức tai một lúc, quay trở lại với những thông tin trong các tệp, tôi hít sâu, chuyển sang xem file hồ sơ của ba bệnh nhân sáng nay của Alda.
File hồ sơ đầu tiên là một thanh niên mắc chứng tự kỷ vốn đã vào bệnh viện từ hai tháng trước. Thật lạ, những người mắc chứng tự kỷ hiếm có ai đồng ý chia sẻ suy nghĩ và góc nhìn của mình cho người khác biết. Người này còn phải buộc điều trị bằng thuốc, nghĩa là mức độ tự kỷ khá cao. Làm sao mọi người phát hiện cậu ta vướng phải cơn ác mộng ‘trắng’ kia?
Tôi kết nối với tai nghe bluetooth, rồi dùng thao tác chia đôi màn hình, một nửa trình chiếu hình ảnh, một nửa bật ghi âm, tôi nhấn máy cho file của chàng thanh niên tự kỷ này chạy cùng lúc.
Góc máy quay từ trên cao, có thể quan sát rõ toàn bộ biểu cảm cũng như từng ngón tay ngón chân của bệnh nhân. Cậu ta nhắm mắt, dường như đang ngủ rất an tĩnh. Ghi âm rè rè được vài giây, bỗng chất giọng êm dịu của Alda vang lên như tiếng chuông ngân: “Jone, chào buổi sáng.”
Môi thanh niên khẽ mấp máy, không đáp lại. Chút nhấp nhẹ này trong mắt tôi khá tốt, ít ra cậu ta có một chút phản ứng với giọng nói của Alda.
Alda chậm rãi hỏi thăm sức khoẻ, kể một vài việc lặt vặt liên quan đến đời sống sinh hoạt của cậu ta, tự mình độc thoại như một người bạn tâm giao, rất kiên nhẫn chờ đợi từng phản ứng nhỏ bé của thanh niên. Cậu ta vẫn không đáp lại câu nào, nhưng có một vài câu sẽ nhẹ gật đầu để đáp lại, cơ mặt đã thả lỏng hơn so với ban đầu.
“Jone à, hôm nay là một ngày nắng đẹp đấy, cậu có định ra ngoài không?”
Vừa tới câu này, vầng trán của thanh niên khẽ nhăn lại, môi mím chặt một chút rồi há nhỏ miệng ra. Cậu ta xoay nhẹ đầu sang bên trái, vài giây sau lại xoay nhẹ sang phải. Hai hàm răng của cậu ta cử động, va chạm liên tục tạo ra tiếng ‘cạch, cạch’. Biểu hiện này giống như đang hoang mang tột độ, phải lén quay đầu tìm kiếm thứ gì đó.
“Jone à, chúng ta đi chứ?”
“…Hướng nào?” – Cậu ta cuối cùng cùng há miệng nói.
“Đằng này, đi lên phía trước vài bước, cửa ngay đây.”
“…Nói dối… đằng trước… bức tường… không thể đi.”
“Ôi xin lỗi, là đằng này, phía bên trái mới đúng!”
“…Không thể đi.”
Alda im lặng một chút. Tôi cũng tập trung suy nghĩ. Nơi như thế nào mà phía trước và một mặt bên đều không thể đi? Nếu là một góc cua hành lang thì có thể được! Có lẽ Alda cũng đã nghĩ đến, cô ấy nhẹ nói: “Bên phải đi được này, đi nào!”
“…Đi.”
Cơ mặt của cậu ta thả lỏng, có lẽ đã bắt đầu di chuyển.
“Jone này, ngoài trời nắng đẹp lắm, nhỉ?”
Không một dấu hiệu báo trước, cơ mặt đang thoải mái của cậu ta bất ngờ nhăn nhó khiến người ta phải hú hồn. Cậu ta đột ngột mở to đôi mắt trắng dã với những đường gân đen đang dần dần bò lên từ khoé mắt, đồng tử đã teo lại chỉ còn một chấm đen, lông mày dựng thành chữ V sắc bén, mũi phình, môi bạnh rộng trề ra lộ cả hàm răng đang nghiến chặt, da cằm da trán bị ép lại thành ba bốn lớp nhăn. Sắc mặt cậu ta dường như trắng bệch hơn, hai vành mắt dưới và môi lại có xu hướng xám dần đi. Gương mặt giống như một mảnh giấy vốn đang phẳng phiu bất ngờ bị ai đó đó bóp đến nhăn nhúm, tạo thành một gương mặt chẳng khác nào bức tượng hung thần.
File ghi âm còn vang lên tiếng hô nho nhỏ của Alda và một số y tá khác, có vẻ họ đã bị doạ đến giật mình. Cũng đúng thôi, thần kinh thô như tôi đây cũng bị gương mặt biến dạng đột ngột này làm lệch mất một nhịp tim mà.
Gương mặt nhăn nhúm này giữ mãi như vậy, qua một phút vẫn không đổi. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, Alda và các đồng nghiệp khác đang vội thảo luận, nên đánh thức hay tiếp tục quá trình thôi miên gợi hình này. Tôi cũng chăm chú quan sát, cảm thấy gương mặt này đã thấy ở đâu rồi.
Alda cố gắng kiềm sự run rẩy, mở lời: “Jone làm sao vậy? Ngoài cửa sổ có gì sao?”
Hàm răng của cậu ta bắt đầu va lập cập, khuôn miệng vẫn bạnh rộng ra như vậy.
Tiếng lập cập trôi đều theo từng giây, tôi và Alda vẫn kiên nhẫn chờ. Gần ba phút, cậu ta nói từng chữ: “Không… có…”
“Cái gì không có?”
“Cửa… sổ…”
“Vậy, cậu đang đứng ở đâu thế?”
“Hành… lang…”
“Nó trông thế nào?”
“Trắng…”
“Jone, cậu có thấy căn phòng nào không?”
“Rỗng…”
“A, vậy…” – Alda nuốt nước bọt: “Cậu có thể nói cho tôi biết, cậu đang nhìn gì không?”
“…”
“Jone?”
Khuôn mặt cậu ta từ từ giãn ra, cơ mặt trở lại như bình thường. Duy chỉ có đôi mắt có đồng tử bị teo thành một chấm vẫn mở to giữ nguyên đấy.
“Một… gương… mặt…”
“Nó trông thế nào?”
“Thế… này….”
Miệng cậu ta như miếng đất sét mềm dẻo, mở ra thành hình trăng lưỡi liềm, lộ ra cái mồm đen kịt không thấy răng lưỡi ở đâu, hai bên khoé kéo rộng đến tận tai. Đôi mắt đáng sợ kia cũng híp nhẹ lại. Tổng thể gương mặt bây giờ còn quái dị hơn cả ban nãy. Tôi nghe tiếng các nữ y tá hét lên thất thanh. Giọng Alda trấn tĩnh vang lên, cố gắng đánh thức thanh niên kia tỉnh lại.
May mắn, đánh thức được. Chỉ là, vừa tỉnh giấc, cậu ta ngơ ngác chưa được bao lâu, tự nhiên lại nở nụ cười quái dị kia.
Đoạn quay phim kết thúc.
“…” – Hèn gì Alda bảo không nên xem cái này lúc nửa đêm.
Tôi chẹp miệng, khoanh tay ngửa đầu nhìn trần nhà, thi thoảng lắc lắc cái đầu để lôi mớ ký ức đóng bụi ra ngoài.
Gương mặt biến dạng này tôi đã thấy rồi. Quen lắm!
Ừ thì, có doạ người khác giật mình đấy! Nhưng tôi cảm thấy nó vô hại.
Vậy là sao ta?
3 Bình luận
Thì truyện ko có sợ lắm nma tui đọc đến mấy cảnh miêu tả hay tự tưởng tượng trong đầu lắm. Tự tưởng tượng xong tự doạ chính mình :)))