• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Route AC: Chi Hoa, Thủy Tiên, ???

Chương 01

0 Bình luận - Độ dài: 2,139 từ - Cập nhật:

Tôi không cảm thấy muốn gặp lại Thư Anh một lần nữa, và mời Uyên giữa không khí thế này thì cũng thật kì lạ. Vậy thì tại sao không mời Hải? Khả năng cao hắn sẽ không đi, nhưng nếu hắn chấp nhận thì coi như tôi đã làm được việc với em gái mình.

Bấm điện thoại, tôi gọi điện cho Hải. Hắn mất ít lâu để bắt máy.

Tôi nói, “Tôi có hai vé đi triển lãm thứ Sáu này. Rảnh đi không? Xong ra net làm ván CS.”

Hải im lặng một lúc rồi đáp, “OK. Nhắn giờ giấc địa chỉ đây.”

“OK.”

Thế là hắn tắt máy, và tôi gửi địa chỉ qua.

Đấy. Con trai rủ nhau đi đâu nó đơn giản như vậy. Chứ muốn rủ con gái đi chơi cứ phải vắt óc tìm câu từ với nghĩ lí do, nó mệt.

Hôm đó, Uyên và tôi không nói chuyện nhiều. Tôi cảm thấy như chúng tôi có khoảng cách, và có thể tôi đã bỏ lỡ cơ hội làm lành khi không mời cô đi triển lãm.

Vài ngày sau thì cô thông báo rằng cô đã tìm được việc mới. Vị trí làm việc sẽ tương đối xa so với nhà của tôi, thế nên cô sẽ dọn ra ngoài trong thời gian sớm nhất có thể. Tôi ngỏ ý giúp cô tìm chỗ ở mới, nhưng cô chỉ đơn giản nói là cô sẽ tự tìm được.

***

Để chọn được một bộ cánh đi triển lãm là một điều không hề đơn giản: bạn cần phải ăn mặc chỉn chu, nhưng không được nổi bật một cách diêm dúa như thể muốn chiếm sóng các tác phẩm nghệ thuật. Đồ của bạn nên có tông màu trầm, như vậy thì các phụ kiện hay quần áo phía trong có thể phối với màu sắc sặc sỡ hơn được. Nếu bạn muốn trông mình bụi bặm thì cũng phải bụi bặm một cách có văn minh; muốn lòe loẹt thì cũng phải lòe loẹt có kiểu cách.

Đó là lý do vì sao tôi đã phải mất cả tiếng mới chọn được bộ trang phục hôm nay, nhưng cuối cùng nó lại đơn giản đến không ngờ: một chiếc áo măng tô trắng trùm bên ngoài áo sơ mi trong với họa tiết thổ cẩm. Tôi quyết định đi đôi Dr Martens đen chấm bi trắng. Nếu bộ trang phục của tôi đủ chìm thì một chút cách điệu phía dưới cũng không sao.

Khi tôi chuẩn bị đi thì Uyên từ bên ngoài về nhà. Cô chưa bắt đầu đi làm, nhưng vì một lý do nào đó dạo này vẫn ra ngoài nhiều hơn.

Nhìn thấy tôi vận đồ, cô hỏi, “Ông đi đâu à?”

“Tôi đi triển lãm với thằng Hải.”

“Ông mặc đẹp quá nhỉ. Vậy đi chắc vui lắm. Ông có hay đi triển lãm không?”

“Cũng không hẳn. Chỉ là em gái tôi cho vé nên tôi đi cho đỡ phí thôi.”

“Ồ. Ở đó mà có gì hay thì chụp lại cho tôi nhé. Tôi cũng muốn xem đó.”

“Được rồi.”

Uyên trông như muốn nói gì nữa, nhưng cuối cùng cô chỉ cởi giày, bước vào nhà và lập tức bắt đầu mở tủ lạnh để chuẩn bị bữa tối, dù mới là giữa chiều. Cô hỏi tôi muốn ăn gì, và tôi đáp gì cũng được trước khi bước ra ngoài.

***

Sau một quãng thời gian đi theo Google, tôi cũng tìm được nơi tổ chức triển lãm. Tôi tìm chỗ để xe xong rồi gọi điện cho Hải nhưng hắn không nhấc máy. Thế nên tôi quyết định vào trước.

Nhìn từ bên ngoài, VV Artroom, với cánh cổng sắt sơn vàng gợi nhớ tới những khu nhà văn hóa hợp tác xã, nhỏ hơn so với tưởng tượng của tôi về một nhà trưng bày triển lãm. Bước vào trong là sân bê tông quang đãng, với cây cối xung quanh cùng với những kệ tranh được đặt ngoài trời, dưới bóng râm nhân tạo. Không có nhiều người đang ở ngoài lắm. Tôi xem qua vài bức tranh trên các kệ, thì có vẻ như đó là tranh từ thiện do trẻ em vẽ. Nhìn các biển chỉ dẫn thì phần hội họa đương đại nằm ở trong căn nhà đằng xa cơ. Có thể Hoa sẽ ở đó.

Tôi vào phía trong. Triển lãm được tách thành nhiều căn phòng nhỏ hơn, phòng nào phòng nấy đều có ánh đèn vàng nhạt đổ bóng lên các bức tường trắng. Ở căn phòng chính diện là những bức trang chân dung với nét vẽ giống nhau; khả năng cao là cùng một bộ sưu tập của một họa sĩ nào đó.

Tôi rẽ sang căn phòng nhỏ bên trái và tìm thấy Hoa đứng bên một góc, nói chuyện với một vài người đang thưởng mãn một bức tranh phong cảnh đường phố xưa được đóng khung vô cùng lớn. Nó buộc tóc sau gáy, mặc áo vest ngoài màu trắng khoác lên chiếc váy đen, kín đáo che hết các hình xăm trên người mình. Ít khi nào tôi thấy nó chỉn chu như vậy, nhưng đúng là tôi cũng chẳng mấy khi đi những sự kiện do công ty nó tổ chức. Tôi đứng đợi cho tới khi nó nói chuyện xong và vẫy tay khi nó nhìn về phía tôi. Nó mở mắt to tròn, đơ ra một hai giây rồi mới vẫy tay lại.

Sao nó trông bất ngờ vậy? Chính nó chẳng phải là người nhờ vả tôi mời Hải tới sao?

“Ủ ôi, không ngờ anh tới thật đấy.” Hoa bước tới và vỗ vào vai tôi, trước khi nhìn xuống giày tôi. “Anh đi cái gì thế này?”

Tôi lờ câu thứ hai của cô và chỉ trả lời câu đầu, “Mày mời chẳng lẽ anh mày không đi? Mày nghĩ anh là con người bội bạc vậy sao?”

“Thế cái lần đi Vĩnh Phúc thì sao?” Nó nhướn mày, chống tay, rướn mặt vào gần hơn.

Tôi gãi đầu. “Lần đó anh bận.”

“Lần đi hoạt động trường thì sao?”

“Bận.”

“Lần rủ anh đi dạ tiệc thì sao?”

“Bận . . .” Được rồi, có thể tôi là một con người bội bạc thật.

“Vậy lần này vì sao anh mò ra được khỏi nhà vậy? Hẳn phải có ai lôi đi cùng đúng không?”

Tôi chưa kịp trả lời thì từ phía cửa phòng, Hải bước vào. Dáng vóc cao lớn và bộ áo khoác da bóng lộn khiến khó mà lẫn được hắn với bất cứ ai khác. Tôi vẫy tay với hắn và hắn ra dấu OK. Tôi quay lại nhìn Hoa thì nó đã kịp đơ ra như bức tượng rồi. Nó chỉ kịp quay sang tôi rồi thì thầm bằng khẩu hình như thể hét lên, “ANH LÀ SỐ MỘT.” Tôi có thể tưởng tượng ra tiếng rít như fangirl của nó giống lần nó đi concert của Paraless.

Sau khi Hải tiến tới, tôi nói, “Đến hơi muộn đấy. Em gái tôi vừa dẫn khách đi xong một tour luôn rồi.” Tôi còn chả biết điều tôi nói có đúng không, nhưng cứ phải chém gió cái đã.

“Em chào anh.” Hoa gật đầu. “Chúng mình đang đứng trong phòng trưng bày tranh phong cảnh của họa sĩ Điều Lâm. Không biết anh đã nghe qua chưa và có hứng thú tìm hiểu thêm không?” Khác với vẻ phấn khích ban nãy, nó trông hoàn toàn bình thản và chuyên nghiệp, như thể nó đã biến thành một con người khác.

“Nói thật với em thì anh không biết hiểu biết lắm đâu.”

“Em cũng không hiểu biết đâu cho tới khi em được giới thiệu đấy ạ. Tranh phong cảnh cũng là thể loại dễ thưởng mãn với mắt nhìn đại chúng rồi đó anh. Nếu anh qua gian bên kia, em chỉ cho anh những bức đầu tiên trong bộ sưu tập của chú Điều Lâm. Anh sẽ thấy rất rõ ràng sự khác biệt trong tông màu mà họa sĩ đã sử dụng và sự thay đổi phong cách qua năm tháng ạ.” Xong nó quay sang tôi. “Anh trai, chẳng phải anh bảo anh muốn qua bên kia xem tranh của Nguyễn Sỹ sao?”

“Hả? Anh . . .”

Nó nhíu mày lên xuống, cặp lông mày của nó như đang viết mật hiệu cho tôi.

“À, ừ. Thế anh đi giờ đây,” tôi nói. Hoa nháy mắt với tôi rồi đi hướng đối diện, để tôi đứng gãi đầu. Tôi còn chả biết tranh của Nguyễn Sỹ ở đâu và trông như nào.

Tiếng Hoa ‘mời chào’ Hải còn vọng lại bên tai tôi cho tới khi tôi bước sang phòng tranh tiếp theo. Tôi soi tên họa sĩ trong phòng tranh này và không có cái tên Nguyễn Sỹ nào cả.

Trong lúc chúng nó hú hí với nhau thì tôi làm gì chứ? Đi tìm tranh của họa sĩ kia sao?

Tôi bước vào một phòng tranh lớn hơn, và cũng nhiều người hơn. Ở đây có những bức họa phong cảnh với chất liệu (hình như là) sơn màu và những gam màu khá tối. Có hai bức họa miêu tả cảnh đồng không mông quạnh, trời nhá nhem màu mực xen lẫn vài đốm sáng ở đây đó. Gần bức họa cánh đồng có tiếng nhạc phát không lời du dương phát ra từ chiếc loa phía trên, đủ to để người ta nghe thấy khi bước tới gần.

Có một người phụ nữ tiến về phía tôi, nhưng không nhìn tôi. Chiếc váy lụa màu đỏ cô mặc khiến cô trông như già thêm năm tuổi, nhưng kể cả không có nó thì có vẻ cô vẫn lớn tuổi hơn tôi. Cô thong dong bước quanh, tay khoanh trước ngực, ngắm nhìn kỹ càng các bức họa.

Chắc là cô ta chỉ đang xem tranh thôi chứ không để ý gì tới tôi đâu nhỉ?

Cô liếc nhìn tôi, và chắc chắn là trong giây lát ánh mắt chúng tôi đã chạm nhau, trước khi tôi quay đi. Não tôi bắt đầu nhảy số.

Cảnh báo, có nguy cơ phải giao tiếp với xã hội! Xã hội đang tiến đến gần. Xã hội đang ngắm bức tranh trước mặt tôi, nhưng chưa mở lời. Mọi chuyện vẫn còn trong tầm kiểm soát—không, không! Xã hội đã bước thêm bước nữa. Khoảng cách này là khoảng cách giao tiếp! Báo động đỏ! Báo động đỏ!

Đừng bắt chuyện với tôi. Đừng bắt chuyện với tôi. Đừng bắt chuyện với tôi . . .

“Cậu nghĩ sao?” Tất nhiên, cô ta bắt chuyện với tôi.

Tôi nhìn quanh. “Cô đang hỏi tôi sao?”

“Còn ai ở đây sao?” Cô hỏi, trước khi quay lại nhìn bức tranh.

“Tôi . . .”

“Quả là một tổng hòa hoàn hảo giữa các cặp màu tương phản qua các nét chấm. Ánh đèn xanh lạnh lẽo như đang chiến đấu để giành giật vị thế với những chấm đom đóm vàng và đỏ vậy.” Cô gật gù. “Cậu nghĩ sao?”

Không nghe thấy câu trả lời của tôi, cô nhìn sang bức bên cạnh và nói, “Họa sĩ hẳn là con người lãng mạn. Nhìn bức họa này, tôi lại nhớ tới một câu nói cũ: Bạn xứng đáng được yêu, dù bạn có muốn vậy hay không.”

Tôi không hiểu cô ta nói gì, nhưng tôi không thể để bản thân mình trông như một con lừa được.

“Bức tranh này trông rất là tranh,” tôi đáp, trước khi ngay lập tức cắn lưỡi và lấy tay đập lên trán. Doãn Chí Kiên, mày là một thằng ngu!

Cô im lặng, không nói gì cả. Tôi khá chắc là tôi không muốn đứng đây bây giờ nữa. Làm thế nào để kiếm cớ rời khỏi đây mà bớt nhục nhã nhất đây?

Bỗng dưng, một cô gái trẻ đeo thẻ nhân viên bước vào, mắt dính vào điện thoại như mọi nhân viên ‘chăm chỉ’ sau năm tiếng làm việc mà không được nghỉ. Tôi nhận ra màu tóc mận đỏ và dáng người đậm đặc trưng của cô. Đây là cô bé cấp dưới của Hoa lần trước tôi đã gặp.

Tốt rồi. Người quen! Từ từ . . . Em ấy tên là gì ấy nhỉ? Không quan trọng! Chắc chắn là em ấy không phải người sẽ bắt tôi bình phẩm về nghệ thuật; thế là được!

“Xin lỗi,” tôi nói với người phụ nữ lạ. “Tôi có việc cần hỏi nhân viên.” Rồi chạy lẹ về phía em gái kia.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận