Trong những lựa chọn xuất hiện trong đầu tôi, chẳng phải Uyên là hợp lí nhất sao? Tôi không biết sở thích và gu nghệ thuật của Lê Phương Uyên là như thế nào, như tôi tin là cô sẽ thích đi một triển lãm. Đây cũng sẽ là một cơ hội để bọn tôi quên đi mấy chuyện tào lao kia trước khi chúng tôi biến thành như mấy couple xàm xí mà giận dỗi vì mấy chuyện cỏn con xong rồi không bao giờ nói chuyện với nhau nữa.
Tôi ra ngoài mua vài quyển truyện rồi ăn trưa luôn ở ngoài, một điều tôi hiếm khi làm nếu như không có việc phải ra ngoài (thế kỉ 21 rồi, Later tồn tại mà).
Lúc tôi quay lại thì Uyên đang kê ghế ngồi bên chiếc bàn nhỏ mà tôi đặt bên giường, trên tay là một bát cơm và tất nhiên là trước mặt lại là chiếc điện thoại của cô được kê dựng chéo lên. Cô cất tiếng chào mà không quay mặt lại khi tôi mở cửa, và tôi chào lại.
Có vẻ như cô đang xem một video mukbang của một nam Metuber tương đối nổi tiếng ăn một món bánh kẹp thịt Venezuela. Tôi không nhớ rõ tên cậu ta là gì, chỉ nhớ là tôi cũng xem cậu này đôi lần khi tôi đang ăn và không có việc gì khác để làm. Không hiểu vì sao người ta lại thích xem người khác ăn khi mình ăn nhỉ? Có lẽ là họ muốn tưởng tượng rằng thay vì mình đang ăn cơm trắng rau luộc thì được ăn một đĩa thịt nướng thơm ngon.
Tôi đợi cô ăn cơm xong rồi hỏi, “Bà đang làm gì thế? Có rảnh không?”
“Ơi, sao thế?” Uyên đáp.
“Tôi vừa mua mấy quyển Attack on Tungsten.” Tôi vẫy một quyển truyện trước mặt cô. “Bà muốn đọc cùng không?”
Cô hơi nghiêng đầu. “Nhưng tôi không biết nó về cái gì và cũng không biết bắt đầu như thế nào.”
“Điều đó đã bao giờ ngăn tôi xem phim với bà đâu?” Tôi cười. “Có chỗ nào bà không hiểu thì tôi giải thích cho.”
Cô suy nghĩ một hồi rồi đáp, “Cũng được.”
Chúng tôi dành một buổi chiều đọc truyện. Tôi ngồi trên giường và cô kê gối ngồi sau lưng tôi, nhỏm mặt qua một bên vai tôi để nhìn xuống. So với một người không biết gì về truyện thì Uyên hỏi khá là ít, và cô điều cô nói nhiều nhất là yêu cầu tôi lật lại trang trước vì cô chưa đọc xong. Tới cuối tập thì cô có hỏi tại sao chỉ có đúng một nhân vật bên phe chính nghĩa có thể hóa thành khổng lồ và vì sao những người bình thường của phe chính nghĩa lại chấp nhận điều đó, và tôi chỉ đợi có thế để xổ cho Uyên một tràng về cốt truyện.
Đọc xong một tập, tôi mới hỏi cô, “Bà thích thể loại này không?”
“Đọc cũng được. Nếu bảo tôi mua ngoài hiệu sách về đọc thì chắc không mua đâu.”
“Nhưng tôi rủ đọc cùng thì bà sẽ đọc?”
“Có đọc. Tôi tin gu của ông. Vả lại bình thường ông cũng không xem phim tình cảm trừ khi tôi rủ đúng không?”
“Ừ, ừ . . .” Tôi sẽ giấu sự thật rằng tôi từng khóc tu tu sau khi đọc một bộ truyện tình cảm mà nhân vật nam chính cuối cùng phải chết.
“Ông còn muốn đọc truyện nữa không?”
“Có, nhưng tôi sẽ để dành tập sau cho hôm khác.”
“Nhưng tôi vẫn muốn nghe truyện.” Cô bĩu môi.
“Tôi không mua truyện nào khác.”
“Ông có truyện nào trong đầu không?” Mặt Uyên hí hửng. “Kể cho tôi đi.”
“Làm sao mà tôi tự nhiên nặn được ra một truyện trong đầu?”
“Ông đọc nhiều thì thế nào cũng giỏi chế ra truyện.” Và thế là Phương Uyên lại bắt đầu kích hoạt logic hệ vũ trụ. Tôi có thể kể cho cô câu chuyện xàm chó tôi viết, nhưng tôi không nghĩ Uyên sẽ là người hứng thú với chuyện ba thằng dở người dành một ngày để ngồi đập đá (theo nghĩa đen) như thế nào.
“Bà muốn nghe chuyện gì?”
“Truyện cổ tích!” Uyên reo lên vui thú. “Tôi thích truyện cổ tích lắm. Cái nào có mấy con gấu, con thỏ, động vật là thích hết.”
“Rồng có được không?”
“Được; được.”
Tôi suy nghĩ một hồi, mới nghĩ ra được một câu chuyện với nội dung vô cùng sâu sắc và giàu tính giáo dục. Tôi mới kể, “Ngày xửa ngày xưa ở một vương quốc nọ có một con ác long hùng mạnh, chuyên ăn thịt trinh nữ.”
Đôi mắt Phương Uyên sáng lên. “Rồi sao nữa sao nữa?”
“Dũng sĩ đến tiêu diệt nó, nhưng con rồng quá mạnh, đánh không lại, dũng sĩ bèn dùng mưu. Một thời gian sau, ác long chết đói.” Tôi ngừng kể.
“Rồi sao nữa?”
“Hết rồi.”
“Hả?” Uyên nghệch mặt ra vài giây, mới nhận ra vài điểm sai sai trong câu chuyện của tôi. “Đây đâu phải truyện cổ tích!” Cô đánh vào vai tôi một cái.
“Nó bắt đầu từ ngày xửa ngày xưa còn gì!”
“Kệ ông! Không chơi với ông nữa. Tôi ra ngoài đây,” nói rồi, Uyên toan đứng dậy.
“Đợi chút . . .” Tôi gãi đầu, rồi rút từ trong túi ra cặp vé triển lãm Hoa vừa đưa tôi vừa nãy. “Tuần sau mới có triển lãm cơ, nhưng mà tôi muốn hỏi trước nhỡ đâu bà có lịch bận.”
Thế là Uyên không đứng dậy nữa. “Ông muốn tôi đi cùng ông á? Thật á?”
“Bà là một trong số những bạn khác giới thân nhất của tôi, và hiện cả hai chúng ta có nhiều thời gian rảnh. Còn ai khác đáng mời hơn chứ?”
“Chẳng phải ông có một cô bạn rất thân sao?”
“Đúng là như vậy, nhưng . . .” Cơ mà chẳng có lí do gì mà tôi không mời Thảo thật. Nó không thích mấy bức họa lắm, nhưng cũng đâu phải là tôi biết nhiều về hội họa đâu. Bọn tôi có thể tung hứng và làm dăm ba trò mèo với nhau nếu như mọi thứ có trở nên nhàm chán. Đi với Thảo thì không thể nào nhàm chán được! Chỉ sợ là bọn tôi làm trò ầm ĩ lên rồi bị bảo vệ tống cổ ra ngoài ấy chứ.
Nếu bây giờ không thấy ngại ngùng gì, tôi có thể mở điện thoại ra và nhắn cho Thảo một tin luôn ấy chứ.
Nhưng Thảo thì bao giờ mời chẳng được. Mối quan hệ của bọn tôi đâu mấy khi trục trặc đâu.
Tôi quay lại, và nhận ra khoảng cách khuôn mặt chúng tôi chỉ cách nhau cỡ mười phân thôi. Nhìn thẳng vào mắt Uyên, tôi nói, “Nhưng tôi muốn đi với bà. Vậy có được không?”
“Ừ-ừm. Để tôi xem lại lịch.”
Lịch gì chứ . . . bà vẫn đang thất nghiệp mà.
Tôi cứ tưởng lời Uyên vừa nói là một lời từ chối khéo, nhưng chính xác là cô ấy ngồi xem lại lịch theo nghĩa đen. Cô ngồi xem lại email trên điện thoại và viết lại lịch trình bao gồm các buổi phỏng vấn công việc cá nhân ra ứng dụng note rồi nói, “Tôi có thể đi vào sáng và chiều thứ Năm.”
“Tuyệt. Vậy sáng hôm đó chúng ta sẽ mua vài bộ kim chỉ nhé. Hôm trước tôi có xem một video làm vòng tay gấu từ len nhung hay lắm.”
“Ông không cần kim và chỉ để làm vòng len đâu.” Uyên cười. Nụ cười của cô có vẻ đã tự nhiên trở lại; tôi cũng không chắc nữa. “Nhưng được thôi, nếu ông muốn.”
***
Để chọn được một bộ cánh đi triển lãm là một điều không hề đơn giản: bạn cần phải ăn mặc chỉn chu, nhưng không được nổi bật một cách diêm dúa như thể muốn chiếm sóng các tác phẩm nghệ thuật. Đồ của bạn nên có tông màu trầm, như vậy thì các phụ kiện hay quần áo phía trong có thể phối với màu sắc sặc sỡ hơn được. Nếu bạn muốn trông mình bụi bặm thì cũng phải bụi bặm một cách có văn minh; muốn lòe loẹt thì cũng phải lòe loẹt có kiểu cách.
Đó là lý do vì sao tôi đã phải mất cả tiếng mới chọn được bộ trang phục hôm nay, nhưng cuối cùng nó lại đơn giản đến không ngờ: một chiếc áo măng tô trắng trùm bên ngoài áo sơ mi trong với họa tiết thổ cẩm. Tôi quyết định đi đôi Dr Martens đen chấm bi trắng. Nếu bộ trang phục của tôi đủ chìm thì một chút cách điệu phía dưới cũng không sao.
Nếu như bộ trang phục khá chăm chút của tôi mất cỡ đâu đó gần nửa tiếng để chọn ra được, thì Phương Uyên phải mất gấp đôi số thời gian đó. Tôi không biết là trong va li của cô có thể chứa được nhiều quần áo đến thế, và cũng không biết là một chiếc áo vest xám ngoài của Uyên có thể phối được với năm bộ outfit phía trong khác nhau mà tạo ra được năm phong cách khác hẳn nhau, nhưng tôi thì biết gì về thời trang chứ. Cô còn hỏi tôi là tường ở khu triển lãm sẽ có gam màu như thế nào, và thực sự thì tôi cũng không để ý tới điều đó. Cuối cùng thì sau một tiếng thử đi thử lại với chiếc áo vest của mình, Uyên quyết định . . . không mặc áo vest mà chỉ mặc một chiếc áo phông form rộng với một chiếc váy dài chân xòe màu đen. Nó khiến cô trông trẻ ra và nhí nhảnh hơn so với khi phải mặc đồng phục công sở. Sau khi nhìn bộ trang phục của tôi thì cô quyết định quấn thêm một chiếc khăn màu xanh than quanh cổ nữa. Tôi hỏi cô trời này quấn khăn làm gì thì cô đáp, “Ông mặc đẹp như vậy làm tôi ngại.” Cuối cùng thì cũng có người chịu công nhận gu thẩm mĩ tuyệt vời của tôi!
Xong rồi Uyên chỉ xuống chân tôi và hỏi, “Ông đi cái gì vậy?”
Chỉ là tôi đi trước thời đại vài chục năm thôi . . . Thời trang luôn thay đổi. Sẽ tới ngày giày chấm bi trở thành mốt! Hãy cứ đợi đấy.
Lúc xong xuôi thì cũng đã là mười giờ sáng rồi. Chúng tôi vừa bước ra khỏi nhà thì Uyên bỗng dưng chạy ngược lại vào trong, rồi trở ra với hộp kim chỉ Sadina.
“Ủa?” Tôi nói.
“Ủa gì mà ủa? Ông không định trả em gái ông hộp kim chỉ sao?”
“Ừ nhỉ.”
“Đằng nào hôm nay chúng ta cũng đi mua kim chỉ mà.”
Bọn tôi thong thả dành thời gian đi qua các tiệm đồ phụ kiện và đồ gia dụng, và tôi được tận hưởng cảm giác của một gã bạn trai lẽo đẽo theo chầu bạn gái khi cô ta mua sắm. Phương Uyên dành thêm một tiếng đồng hồ nữa, không phải là để chọn kim chỉ, mà là để chọn lựa giữa các món đồ lưu niệm trong các tiệm đó. Cô đặc biệt hứng thú với các bộ Mini Lego (chúng giống như Lego nhưng mà mấy mảnh ghép nó bé tí teo), và vì một lí do nào đó nhất định bắt ép bản thân chỉ được mua tối đa hai bộ trong khi cô có thể khoắng cả dọc đó.
Trên kệ có một bộ xếp thành hình con chó lái xe, và một hình xếp thành con mèo. Cô vớ hai bộ và giơ ra trước mặt tôi. “Ông thích con nào hơn?”
Tôi chỉ vào con chó. “Tôi thích chó.”
“Nhưng tôi thích mèo.” Thế là cô đặt con chó lại kệ và cầm bộ con mèo theo.
Thế thì hỏi tôi làm gì chứ . . .
Cuối cùng cô cũng chọn xong vài món linh tinh để mua, tất nhiên là cũng không quên kim chỉ và mấy cuộn len. Cùng thời gian đó thì chắc tôi kể được độ chục câu chuyện về ác long bị bỏ đói rồi. Thỉnh thoảng lại có người vào trong cửa hàng liếc nhìn chúng tôi mấy cái, có thể là bởi vì chúng tôi ăn diện quá mức so với hai người chỉ đơn giản là vào cửa hàng mua đồ. Hoặc có thể họ thấy đôi giày chấm bi của tôi vô cùng sành điệu. Phương án hai chắc chuẩn hơn.
0 Bình luận