• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 03: Hiện tại ở tương lai

Chương 27: Mazeppa

38 Bình luận - Độ dài: 10,505 từ - Cập nhật:

Trong đêm trăng sáng, vẻ đẹp của em dường như không ai có thể sánh được.

Đôi mắt ấy là thứ mà tôi không thể dùng bất kì tính từ nào để diễn tả được. Nhưng bằng danh từ, tôi có thể miêu tả nó đẹp tựa như một thứ ánh sáng lấp lánh vượt xa cả vầng trăng trên bầu trời.

Để mỗi khi em cười, lòng tôi cứ ngỡ ánh ban mai, dịu dàng và đẹp đẽ, như đang muốn sưởi ấm và soi rọi thân tôi giữa đêm khuya lạnh lẽo này.

Dù đây là lần đầu chúng ta thật sự ở bên nhau, nhưng cảm giác thân thuộc cùng sự hoà hợp này cứ như thể suốt bao tiền kiếp, chúng ta tồn tại là để luôn dành cho nhau.

“Ta yêu trọn vẹn những gì tạo nên con người em, hỡi Theresa yêu dấu.”

Mọi thứ thuộc về cả hai, chúng ta đều đã trao nhau ở góc sân vườn đêm ấy. Thật hoang dại nhưng lại lãng mạn.

Và cũng thật sai trái.

Chỉ ngay hôm sau, tôi đã bị bắt, bởi chính chồng của nàng ấy. Gã không thể định tội lấy mạng tôi, bất kì ai cũng biết điều ấy. Nhưng đó lại biến thành một móc nối khiến tay công tước già béo nảy ra một ý tưởng trị tội kinh khủng hơn cả lấy đi sinh mạng này.

Tôi bị trói trên con chiến mã mạnh mẽ nhất mà gã công tước có, rồi được thả đi, mặc sức cho sinh vật hoang dại ấy rong ruổi khắp phương và mang bao sự khủng khiếp nhất mà thiên nhiên có, dày vò lên cơ thể trần truồng này.

Thoạt đầu, đó chỉ là những cơn đau nhức, ngứa ngáy.

Rồi dần dần tôi cảm thấy đau đớn, một cách kinh khủng mà không thể nào diễn tả nổi bằng lời. Đến mức từng khớp cột sống như thể muốn phân rã ra. Hai mạn sườn lại lăm le muốn đâm xuyên qua lớp da thịt với từng nhịp lắc lư bập bênh.

Mọi thứ như thế vẫn cứ liên tục hành hạ cơ thể tôi, đến mức thật khó nghĩ rằng mình vẫn có thể sống sót qua cả ngày đầu tiên.

Ấy mà con tuấn mã ấy không hề dừng lại dù chỉ một giây ngắn ngủi. Nó cứ tiếp tục chạy, qua bao con sông, cánh đồng lẫn những bụi gai sắc bén. Tôi dường như đã bỏ cuộc, từ bỏ sự sống này nhưng lại không thể. Cơ thể này của tôi đang cố giành giật lấy sự sống mặc cho chủ nhân của nó muốn cầu xin sự cứu rỗi.

Thế rồi cũng đến một lúc, con tuấn mã dừng lại để trút hơi thở cuối cùng của mình. Còn tôi, cũng cố hít lấy từng hơi mệt nhọc yếu ớt còn sót lại.

Tôi sẽ chết ở đây và trở thành một kẻ vô danh vì tình yêu đã phải mất mạng.

Nhưng tôi không hề hối hận.

Vì em thật đẹp Theresa à.

Tựa như ánh ban mai vậy.

Tỉnh lại sau một đêm khó ngủ, thứ đầu tiên tôi nhìn thấy là trần nhà của căn phòng bệnh.

“Mình vừa mơ cái gì thế này...”

Tôi xoa cái đầu như muốn nổ tung của mình mà thở ngắn thở dài. Mồ hôi thì đổ ướt cả người lẫn chiếc gối đang nằm lên. Nếu bác sĩ mà thấy cảnh này khéo lại bị bắt ở lại đây thêm vài ngày mất.

Để khi tĩnh tâm ngẫm lại, tôi hiểu ý nghĩa của giấc mơ ấy, cũng như lý do vì sao mình lại bị ám ảnh bởi nó.

Vì đó là câu chuyện của “Mazeppa”, bản nhạc mà tôi đã tập luyện suốt một tháng qua cũng như là bài mình đáng lẽ biểu diễn trên sân khấu lần đầu tiên.

Thế mà… tôi lại bỏ lỡ nó.

Thậm chí giờ đây có thể tôi cũng sẽ chẳng thể nào được chạm lên phím đàn một lần nào nữa.

“Khốn kiếp…”

“Mới sáng ra mà anh lại vạ miệng rồi.”

Bỗng ở trước cửa phòng là hình dáng người con gái mà tôi luôn muốn gặp, Mai. Em ấy mặc trên mình bộ đồ đồng phục thể dục của trường, tuy rộng rãi thoải mái nhưng nó cũng làm khá tốt trong việc tôn lên vòng một tuyệt vời của người con gái ấy.

Nhưng điều đáng chú ý nhất, lại là đôi mắt của em. Chúng thật đẹp, đến mức tim tôi như phải chậm lấy một nhịp mà buộc miệng thốt lên một cái tên.

“Theresa…?”

“Giờ anh lại vạ mắt à?”

“À không... Tại… tại em đẹp quá nên…”

“Thôi được rồi em chọc anh thôi.”

Mai nở nụ cười tỏa nắng của mình rồi bước vào phòng khi trong tay là một túi ni lông đựng trái cây cộng với một túi cơm. Quá quen thuộc với cảnh này, tôi cũng ngồi thẳng dậy mà chuẩn bị ăn sáng.

Ngoài gia đình thì Mai ngày nào cũng đến thăm tôi. Dù bản thân có vui là em ấy quan tâm đến mình thật nhưng mà…

“Anh nghĩ em không cần đến thăm anh hằng ngày đâu. Anh vốn cũng khỏe rồi, đến chiều lại là được bác sĩ cho ra viện rồi.”

“Em cứ nghĩ anh lại muốn em đến thăm ấy chứ.” Mai thì chẳng phản ứng gì nhiều mà cứ tập trung gọt trái cây, đôi tay em thật thanh thoát, đến mức phải quan sát kỹ mới theo kịp những chuyển động đầy dứt khoát và linh hoạt kia. “Gặp nhiều quá nên anh thấy chán em rồi à?”

“Không. Anh muốn gặp em. Hằng ngày, hằng giờ luôn.” Tôi ngay lập tức đính chính, thậm chí còn giơ một tay lên tuyên thệ. “Nhưng mà sợ em thấy phiền vì người nhà anh...”

“Người nhà anh ai cũng thân thiện dễ thương cả mà ạ.”

Mai chỉ cười khúc khích cứ như thấy chuyện này nó buồn cười thật. Mà nghĩ lại thì cũng chẳng đáng để nói chuyện này. Vì đằng nào tôi cũng được xuất viện vào chiều nay, chấm dứt tổng cộng đúng một tuần chỉ biết ăn nằm ngủ nghỉ.

Tuy người con gái đang ngồi cạnh mình lúc này đã từng bảo rằng mình không nên để tâm trí bị rối bời mà chuyên tâm dưỡng sức để ra viện. Nhưng tôi lại không thể ngừng suy nghĩ về chuyện sẽ xảy ra sau khi mình về nhà sẽ như thế nào.

Chẳng khó để đoán ra rằng cha vốn tránh mặt không đến đây suốt vài ngày qua vì không muốn phải gây chuyện cãi vã ở nơi đông người, mà chờ đến khi tôi xuất viện. Vì nếu không, cha cũng đã quay về thành phố chứ không ở lại vùng quê này quá lâu đến vậy.

Nghĩ đến cảnh phải đối mặt với người nhà ngay sau khi rời khỏi đây, tôi quả thật lại không muốn quay về lúc nào.

“Anh Tuấn.”

Mai lại nắm lấy tay tôi khi nhận ra có sự tiêu cực ở trong suy nghĩ. Cũng nhờ thế tôi mới có thể bình tĩnh hơn mà thở dài, đẩy hết mọi suy tư trong lòng ra ngoài.

“Không sao, anh chỉ nghĩ vớ vẩn chút ấy mà.”

Chuyện gì đến nó cũng sẽ đến, tôi rồi cũng sẽ vượt qua được mà thôi. Chắc chắn. Vì đằng nào đó cũng là cách duy nhất...

Chiều hôm ấy, tôi được ký giấy xuất viện. Ngồi trên chiếc xe hơi của anh hai, tuy rằng vẫn vui cười nói chuyện cùng mẹ nhưng tâm trí tôi thật nặng trĩu.

Và cũng thật mệt mỏi.

“Chết rồi. Mẹ phải ra chợ mua con heo quay về cúng ăn mừng cái đã.”

Thế là vừa mới về đến nhà, ông anh của tôi lại phải chạy vòng lên chợ dù khi nãy vừa đi ngang qua. Nếu là người khác, ổng hẳn sẽ càm ràm khó chịu nhưng nếu là mẹ thì cũng chỉ biết thở dài mà làm theo.

Tính ra cũng tội, ổng cũng phải nghỉ làm ba ngày vì tôi. Nhiêu đó là bằng tổng số ngày ông anh của tôi đã nghỉ trong hai năm qua.

“Anh mày có năm mươi ngày nghỉ có lương và tám mươi ngày nghỉ bệnh, phí ba ngày cho mày là tốn bà nó 3% cuộc đời tao rồi đấy, lo mà mau khỏi bệnh đi.”

Ổng đã nói thế đấy. Dù có biết ơn nhưng tôi cũng thấy có lỗi vì đã phải để ông anh ham kiếm tiền của mình phải chăm mình suốt mấy ngày qua.

Quay trở lại xung quanh thì tôi nhận ra là không có ai ở nhà. Hiền thì có lẽ đang tận hưởng buổi chiều cuối tuần yên bình trên giường như mọi hôm nên tôi cũng chẳng muốn làm phiền gì mà từ từ, nhẹ nhàng về phòng.

Mọi thứ vẫn giống y hệt như lúc trước khi tôi bị bất tỉnh. Cái mùi gỗ thơm vẫn còn đấy, giường, mền gối đều vẫn ở y đấy và cửa sổ thì được mở sẵn, để từng đợt gió mùa thu cùng tia nắng ban chiều luồng vào từng ngóc ngách.

Và cả chiếc đàn organ của Nhi cũng nằm yên trên bàn gỗ, như thể muốn phát ra từng âm thanh suôi tai vang vọng khắp trí óc, quyến rũ tôi phải đến cạnh ngay lập tức. Bấm lên phím C4, tôi cảm thấy rùng mình khi nghe âm vang của nó vang vọng khắp phòng, rồi dần dần tan biến, lẫn vào tiếng kêu của côn trùng, chim chóc ở ngoài sân vườn. Hít lấy một hơi thật sâu, tôi ngồi yên vị lên chiếc ghế, nhẹ nhàng điều chỉnh tư thế cho thật ngay ngắn.

“Vẫn y như thế nhỉ?”

Hai bàn tay bắt đầu lướt trên phím đàn, một kiểu khởi động hơi lạ đời mà còn giống mấy tên ảo tưởng sức mạnh, theo như cách mà Nhi nói. Nghĩ đến đây tôi chợt phì cười và nghĩ đến một viễn cảnh khác.

Đáng lẽ tôi đã biểu diễn bản “Mazeppa” của Franz Liszt trên sân khấu vào vài ngày trước. Có thể mình sẽ chẳng có giải gì, nhưng đó sẽ lại là lần đầu tiên tôi biểu diễn trước một đám đông có chuyên môn và được họ đánh giá. Một bước tiến quan trọng trong cái tương lai mà mình hằng mong ước.

Thế mà…

“...”

Nhưng tôi lại không có thời gian để đau buồn vì đã mất đi cơ hội. Năm ngày qua tôi chưa bao giờ ngừng nghĩ về nó, về những gì mà mình đã đánh mất với cái tâm trí này. Và giờ thì không còn nữa, tôi bắt đầu tức giận, để mặc cho cái cảm xúc phẫn nộ lấn át chính mình.

Rồi những phím đàn cũng bắt đầu hưởng ứng theo từng đầu ngón tay. Một mở đầu đầy kinh hoàng và căm phẫn. Chiến trường Poltava như hiện ra trước mắt, nơi mà những người lính Carolean bất bại nằm bất động trên nền đất thảo nguyên. Đó là mở đầu của “Mazeppa”.

Đây là câu chuyện về Ivan Mazeppa, tộc trưởng của những người Cossack Ukraine đã chiến đấu cùng quân Thuỵ Điển, một bại tướng.

Bản nhạc bắt đầu tăng nhanh và uy dũng, như cố vẽ thật kỹ càng, rõ từng nét của nhân vật chính trong chiếc áo choàng đỏ, hùng dũng bước xuống nền đất từ trên lưng ngựa.

Tuy là một bại tướng, kỹ năng trên lưng ngựa của Mazeppa quả là không ai sánh bằng. Thế trong đêm đó, khi tiếng đàn vẫn dồn dập, hình ảnh vị vua Thuỵ Điển hiện ra, yêu cầu vị thủ lĩnh kể lại câu chuyện của mình.

Ấy họ chẳng giống ở đây sao? Ngay lúc này, ngay ở đây, khi tôi đang thuật lại viễn cảnh ấy qua bản nhạc được viết bởi Liszt, mình cũng ngồi đối diện với những phím đàn, giao tiếp với nó bằng những cảm xúc bên trong. Chúng cũng đáp lại, bằng những giai điệu mạnh bạo không kém. Phải, những phím đàn đáp lại tôi, như hỏi về câu chuyện mà tôi đã trải qua, câu chuyện khiến tôi bắt đầu trở thành một nhạc công.

Và cũng như Vị thủ lĩnh, cả hai chúng tôi bắt đầu kể. Bản nhạc cũng bắt đầu trùng xuống, nhẹ nhàng hơn ở khung cảnh năm xưa ấy.

Hình ảnh Mazeppa nắm lấy bàn tay người mình yêu thương, ôm ấp và nâng niu cô trong cái đêm định mệnh ấy. Thật nên thơ, thật lãng mạn nhưng cũng đầy trái ngang, tội lỗi.

Bản nhạc khi này bắt đầu chuyển biến nhanh hơn, tiết tấu mạnh mẽ dồn dập ngay lập tức đẩy tan đi giai điệu nhẹ nhàng đầm ấm khi trước.

Mazeppa đã bị công tước bắt giữ. Cứ mỗi khung trang mang hình ảnh phiên tòa lướt qua, giai điệu bản nhạc lại càng trở nên thật đau đớn, cay nghiệt.

Giống như cách mà tôi đã phải đối mặt với gia đình vì ước muốn mãnh liệt của bản thân bên những phím đàn ấy. Nó thật sai trái, và hoàn toàn đi ngược với chuẩn mực sống mà tôi đã được dạy, một công việc thực thụ, là một thứ có thể đong đo tính toán.

Âm nhạc là thứ không thể tính toán, tôi đã biết trước chuyện mình bị cấm cản ngay từ khi Mai nhắc về Nhạc viện lần đầu. Đó cũng là lý do ngay từ đầu mình cũng phải tốn rất nhiều thời gian để đưa ra quyết định. Nhưng tôi cũng như Mazeppa, mặc kệ hậu quả ấy, vẫn tiến tới với tình yêu của mình và nhận lấy cái kết cay đắng.

Tiết tấu bản nhạc dần nhanh dần, tôi có thể cảm thấy nỗi đau mà Mazeppa phải hứng chịu khi bị trói chặt trên lưng ngựa, chúng đau đớn chẳng khác gì những gì mình đã thấy trong giấc mơ đêm qua. Trường đoạn ấy kéo dài như vô tận, lại còn cực kì khó, dồn dập liên tục, không hề có nơi để ngừng nghỉ dù chỉ một khắc ngắn ngủi.

Bản nhạc như muốn nghiền nát thể lực lẫn tinh thần của bất kỳ nhạc công nào. Tôi phải thở rất mạnh và vội vã để không bị bỏ lại. Thế này chẳng khác nào phải ngồi… à không, tệ hơn, giống hệt như phải bị trói chặt như Mazeppa vậy, dồn sốc và bị dày vò một cách đau đớn.

Cứ như thế, tiếp tục vậy đến khi trái tim tôi như muốn nổ tung, đôi tay thì kiệt sức. Cả cơ thể như run lên và bức tranh mình đã vẽ bằng âm nhạc lại trở nên thật xám xịt.

Một khoảng lặng cùng những nốt chậm rãi vang lên.

Bức tranh xám hiện ra hình ảnh con ngựa đã mang Mazeppa khắp vùng đất rộng lớn suốt bốn ngày qua ngã quỵ xuống, kiệt sức, mệt mỏi, không khác gì tôi hay người trên lưng nó.

Nhưng con người mạnh mẽ hơn thế. Tôi vẫn sẽ có thể tiếp tục, Mazeppa, vị thủ lĩnh Hetman tương lai cũng thế.

Dùng hết mọi sức lực còn sót lại từ những nơi sâu thẩm nhất của cơ thể này, tôi bắt đầu đoạn kết, để hoàn thành câu chuyện đang kể dở.

Cái kết viên mãn của hành trình đầy gian nan kéo dài bốn ngày ấy, chính là khi cậu trai trẻ tỉnh giấc trên giường bệnh, nằm cách xa quê nhà hàng ngàn dặm. Một vùng đất mới, nơi mà cậu sẽ chiến đấu, học tập rồi trở thành thủ lĩnh của họ.

Và bản nhạc kết thúc.

Tôi lại ngồi đó, đối diện chiếc organ điện nay đã lặng tiếng khi câu chuyện đã kết thúc. Thở từng hơi mệt mỏi khó khăn, thật khó tin là bản nhạc chỉ kéo dài có chín phút ấy lại có thể khiến mình mất sạch sức lực một cách dễ dàng như vậy. Và càng khó tin hơn, là tôi đã hoàn thành nó, lần đầu tiên mà không cần có sự quan sát chỉ dẫn của Nhi.

Quả là một trải nghiệm nhớ đời.

Giống như cái cách mà Mazeppa vẫn còn sống sau bốn ngày trên lưng ngựa vậy.

Thật phi thường.

...

Bỗng tiếng gõ cửa phòng vang lên, khiến tôi giật mình ngoắt người lại, nhìn thấy ở ngay cạnh cửa là cha của mình.

“Tao nhớ đã nói rõ là mày không được đụng vào cái thứ đó mà? Lại không coi lời tao nói ra gì nhỉ?”

Vẫn là cái giọng đầy bình tĩnh nhưng vẫn khiến bất kì ai nghe thấy phải rùng mình. Tim tôi thắt lại, run sợ không biết những lời tiếp theo sẽ là gì. Mà đúng hơn, tôi không muốn phải đoán.

“Con xin lỗi… con chỉ…”

“Đây là lần cuối. Tao không biết cây đàn đó của ai, nếu lần tới mày còn đụng vô nó thì đừng trách tao đập nó.”

Tôi biết rõ đó không phải một lời nói suông. Nếu chuyện vừa xảy ra ở đây lập lại lần nữa, người phải trả giá lớn nhất chắc chắn là tôi. Nên những gì tôi có thể làm là cố tránh đi ánh mắt ấy, cố gắng gật đầu một cách khó khăn.

“Dạ.”

“Hiểu rồi thì mau tắm rửa sạch sẽ chuẩn bị ăn tối đi.” Cha nhẹ nhàng xoay người lại định bước ra khỏi phòng thì dừng lại. “Và mai đem trả cái đàn quỷ kia cho người ta cho khuất mắt tao.”

Tôi không thể trả lời, chỉ khẽ gật đầu rồi thở dài.

Thế là kết thúc.

Âm vang của bản nhạc cuối cùng bỗng vang lên trong đầu, khiến tôi như một lần nữa nhìn thấy Mazeppa, đứng đối chất với vị bá tước.

Câu chuyện của tôi và người vĩ nhân có thể giống nhau phần nào, nhưng đau đớn thay, phần kết lại khác hẳn. Thật hổ thẹn khi vị thủ lĩnh Hetman sau bao biến cố vẫn có thể tiếp tục đứng dậy và chiến đấu, còn tôi thì lại phải bỏ cuộc, ngay tại đây, gục ngã trên chính lưng ngựa của mình.

Sự khác biệt của những kẻ như tôi với những vĩ nhân lưu danh lịch sử là ở đây chăng? Tôi bỏ cuộc, chịu chấp nhận số phận của mình để sống tiếp theo ý nguyện của người khác để mãi không bao giờ có được điều mình muốn.

Không, tôi không muốn như vậy.

Dương cầm đối với tôi như con ngựa mang Mazeppa đi khắp vùng thảo nguyên vậy. Nó khiến tôi phải đau đớn, khổ sở và nhiều lúc cảm thấy thật khốn khổ. Nhưng tôi sẽ chế ngự nó, biến nó thành thứ mình thuần thục nhất như cái cách mà vị thủ lĩnh Hetman đã làm.

Tôi không thể bỏ cuộc.

“Không.”

Nắm chặt đôi bàn tay, tôi đứng lên để đối mặt với nỗi sợ của mình. Tôi sẽ chiến đấu, để bảo vệ điều quan trọng với mình.

“Con sẽ không bỏ tập đàn.”

Tôi nói, cố gắng giữ cho giọng nói không run rẩy hay lộ ra chút sợ hãi nào. Mà cũng chẳng cần phải thế, vì tôi không sợ, không còn nữa. Chiến đấu vì lí tưởng của bản thân thì có chi mà phải sợ!

Cha dừng chân lại ở ngoài dãy hành lang rồi ngoáy đầu lại. Trụ cột của một gia đình không hề có vẻ gì bất ngờ trước hành động này của tôi mà chỉ nhướng mày nhẹ lên, sắc mặt lại chẳng hề thay đổi.

“Giờ muốn cãi hả?”

“Không, con chỉ muốn…”

“Muốn lên mặt, dạy đời ngược lại tao chứ gì? Mày nghĩ tao sống đến cái tuổi này mà không biết bọn con nít tụi bây muốn cái gì à?” Cha đập tay lên cánh cửa gỗ một cách mạnh bạo, nếu pha ấy mà đánh vào tôi thì hẳn rằng mình sẽ chẳng thể đứng vững. “Tụi bây chỉ thích mấy cái thú vui nhảm nhí đó mà chẳng biết nghĩ gì cho tương lai. Rồi đến khi chán thì lại bỏ? Xong đi ăn bám gia đình, xã hội chứ làm được cái gì?”

“Một nhạc công cũng là một nghề…”

“Thế lương cái nghề mày nói là bao nhiêu? Có khả năng thăng tiến không? Kể tao một chỗ mày có thể được nhận vào làm xem?”

“Nếu đã có cái nghề này thì sẽ có việc làm thôi! Thậm chí còn có những người nổi tiếng tầm thế giới!”

“Rồi nếu không có thì sao?! Mày có nghĩa đến chuyện đó chưa?! Mày nghĩ mình hơn người ta chỗ nào mà dám lên mặt? Nghĩ đến chưa?!”

Nếu phải lúc mà cha tôi đánh mất đi cái giọng bình tĩnh mà chuyển qua quát tháo, thì tôi cũng biết là mọi thứ đang dần vượt qua giới hạn.

“Thế cha có nghĩ đến việc con muốn làm cái gì chưa?”

Nhưng tôi cũng thế thôi, nếu mình chịu khuất phục ngay bây giờ, tôi sẽ mãi không thể nào nói một lời nào nữa.

“Mày…”

Tôi nhất quyết không lùi bước vào lúc này. 

“Lúc nào cha cũng phản đối mọi ước muốn của con. Bắt ép con phải học thật tốt, phải biết nghe lời và phải bằng anh hai nhưng rồi cha có cần biết con muốn cái gì chưa?!”

Và tôi sẽ nói, nói ra tất cả những gì mình cần và luôn muốn được bộc lộ.

“Con muốn đánh đàn vì đó là điều con muốn làm. Nếu như tương lai con có phải thất nghiệp hay tồi tệ thế nào như cha đã nói, thì con cũng không từ bỏ.”

Không còn sợ hãi nữa, tôi quyết định nhìn thẳng về đôi mắt đầy sự tức giận kia, không chần chừ cắt lời.

“Thằng mất dạy!”

Bàn tay vừa đập cửa khi nãy giờ vung thẳng về phía mặt tôi. Tôi sẽ không né hay cố đỡ, tôi tự nhủ bản thân như vậy mà nhẹ nhàng nhắm mắt lại.

Những gì cần nói đều đã được nói. Nếu mọi thứ vẫn không thể có một hướng đi tốt đẹp hơn, thì tôi cũng đành chấp nhận mọi trừng phạt mà mình đáng phải nhận lấy.

Cha chưa bao giờ thích thú việc tôi chạy từ khi còn nhỏ. Dù đã đạt bao thành tích, bao lời khen từ người khác nhưng tôi chưa bao giờ nhận được một lời nào từ chính người đã nuôi mình bao năm qua.

Ông ta luôn nói với mẹ rằng, việc chơi thể thao không thể nào là một nghề. Một công việc thực thụ, một thứ có thể kiếm sống phải là một thứ tạo ra vật chất. Chứ không phải chạy để mua vui cho người khác, chẳng khác một thằng hề.

Không hề có một lời động viên hay an ủi gì ngay cả khi tôi buộc phải dừng chạy. Những gì tôi nhận được chỉ là sự mong đợi vốn không phải dành cho bản thân mình, thứ mà cha gọi là như một người bình thường.

Tôi vẫn luôn tự hỏi thế nào là một người bình thường.

Trở thành một người mà những người xung quanh mong muốn chăng? Hay chỉ đơn thuần là trở thành một đứa con ngoan nghe theo mọi lời gia đình chỉ dạy?

Tôi đã cố gắng như thế, suốt cả một thời gian dài. Nếu phải như thế để trở thành một người bình thường, tôi thà trở thành một kẻ bị trói trên lưng ngựa rồi chết hẳn trên đó luôn còn hơn.

Và bây giờ tôi đang đối mặt với chính cha của mình, hệt như cách Mazeppa phải đối mặt với vị công tước trong câu chuyện, sẵn sàng đón nhận sự trừng phạt của mình.

Nhưng kì lạ thay, tôi lại chẳng hề có cảm giác gì.

Để khi mở mắt ra thì mới lại thấy bác Hai đang nắm lấy cổ tay của cha tôi, giữ lại một cách cực kì dứt khoát.

“Hồi nhỏ bây luôn tự hứa là không đánh con cái mà Khải?”

“Buông ra.” Cha tôi trừng mắt với bác Hai bởi sự căm phẫn vốn chưa dứt. “Em phải cho thằng chó đẻ này một trận.”

Bác Hai lại không hề chùn bước mà như thể bóp chặt hơn, thật khó tin khi đây là lần đầu tôi nhìn thấy bắp tay bác ấy khi gồng lên có thể to lớn thế nào. Đến mức tôi phải tự hỏi không biết cha mình có cảm thấy đau hay không.

“Mày nói con gì đẻ ra nó? Vợ mày đẻ ra nó đấy. Rồi mày cưới con chó hả?! Đứa có ăn có học nhất cái nhà này mà ăn nói kiểu gì thế?!”

Và chẳng hiểu sao chuyện ở đây lại thành bác Hai quát mắng cho cha một trận.

“...”

Đến mức người đàn ông tôi luôn kính sợ cũng chỉ biết chật lưỡi mà buông lỏng cả hai tay đầu hàng. Ông bác thấy vậy mới thả tay ra, rồi nhìn qua cả tôi lẫn cha.

“Hai bây nói chuyện gì thì bình tĩnh lại! Đây là ở nhà ta, không phải cái chợ! Còn hai bây là gia đình, là cha con chứ không phải người dưng hiểu chưa? Tối nay ăn uống rồi nằm suy nghĩ thấu đáo lại đi, mai thằng Tuấn đi học về rồi nói tiếp! Giải tán được chưa?”

Nếu dừng ở đây và đợi đến mai, cũng có nghĩa là những gì tôi làm là công cốc cả. Nhưng tôi cũng chẳng còn tí sức lực nào để chống đối, hoặc thậm chí là có tâm trí nào để phản bác lại ý của ông bác.

“Dạ.”

Đó là những gì tôi có thể nói, kèm theo một cái gật đầu.

“Rồi, thằng Khải?”

“Được rồi.”

Cha cũng chậc lưỡi rồi rời khỏi phòng, không nói gì thêm, không bộc lộ bất kì chút gì như tức giận kể cả trong cách di chuyển. Một người đàn ông luôn hoà nhã và lịch thiệp trở nên giận dữ là điều cuối cùng mà bất kỳ ai muốn thấy. Kể cả tôi cũng vậy, thật khó tin rằng mình vẫn còn bình tĩnh đến lúc này.

“Còn bây nữa.” Đột nhiên bác Hai chỉ tay vào tôi, bắt đầu nói sau một cái thở dài. “Ăn học bao năm mà nói chuyện kiểu đó với cha mẹ mình thế hả?”

“Con nghĩ sao nói vậy thôi.”

“Định trả treo cả ta à?”

“...Con xin lỗi.”

Quả thật là tôi cũng chẳng định trả lời như vậy. Nhưng thay vì giải thích dài dòng thì có lẽ, một lời xin lỗi là hợp lý hơn nhiều.

“Con chỉ… không muốn phải dừng lại.”

Có lẽ bác Hai sẽ hiểu, hoặc không. Tôi cũng không chắc và cũng sẽ không ý kiến gì nếu bác ấy thật sự phản đối mong muốn của mình. Nhưng sẽ thật tốt nếu có một lời động viên nhỉ?

“Ờ ta hiểu. Nhưng bây cũng nên hiểu cho thằng cha bây.” Bác Hai đặt một tay lên vai tôi rồi nói. Bờ trán thì nhăn lại thấy rõ. “Nên nhớ là chuyện ra nông nỗi này là do bây ngã bệnh mà ra đấy. Nên trước mắt đừng có kiếm thêm chuyện nữa.”

“Cái đó con biết.”

Và đó cũng là điều khiến tôi thấy hối hận nhất suốt nhiều ngày qua. Bao nhiêu thứ phải bỏ lỡ, bao nhiêu thời gian bị phí phạm, tất cả chỉ vì mình đã cố quá sức. Có lẽ tôi thật sự đã quá tham lam vì muốn đạt mọi thứ theo như đúng ý của mình, và cũng quá vội vàng tập luyện không theo giờ giấc gì như Nhi đã chỉ dẫn.

Đó đúng là lỗi của tôi.

Nhưng điều đó không có nghĩa là mình sẽ phải bỏ cuộc. Vì nếu làm sai một điều gì đó, mình phải tìm cách sửa chữa, chứ không phải vứt đi. Kinh nghiệm rút ra có giá trị gì khi mình không thể dùng để trở nên tốt hơn chứ? Biết sai có tác dụng gì khi lại không thể làm được điều đúng đắn được?

“Tỉnh cái mặt lại coi thằng quỷ này!”

Bác Hai đưa bàn tay vốn đặt trên vai tôi rồi xoa đầu đứa cháu, một cách đầy thô bạo. Nếu không phải vì đã quen với trò này thì hẳn tôi đã đập mặt xuống sàn.

“Nay bây xuất viện là chuyện vui, mà vui thì phải nhậu. Tắm rửa rồi xuống làm với với ta vài xị nào.”

“Dạ…”

Chuyện vui à? Cũng phải. Ai cũng mong đến cái giây phút mà tôi khoẻ mạnh quay về. Thế mà cũng tại một phút nóng vội, tôi đã dường như phá tan đi cái niềm vui đang hân hoan ấy.

Có lẽ hôm nay không phải là lúc thích hợp để nói về tương lai hay điều mình mong muốn. Tôi có lẽ đã sai khi trút giận lên phím đàn, vội vã chống đối lại quyết định của cha.

Chỉ nếu mình bình tĩnh và kiên nhẫn hơn, có lẽ sẽ khác.

Đó là một kinh nghiệm. Nhưng sẽ là một kinh nghiệm mà tôi sẽ chắc chắn dùng để khắc phục lỗi sai của mình, vào ngày mai.

Tối hôm ấy tuy không khí trên bàn ăn rất đông vui, náo nhiệt khi không chỉ mỗi gia đình tôi và bác Hai, còn có nhiều bạn bè, họ hàng mà tôi chẳng biết mặt đến chúc mừng. Dù bảo tôi là lý do để nâng ly, nhưng chẳng ai để ý đến việc tôi đã rời khỏi mà lên phòng chỉ sau mười phút khai tiệc.

Thế lại càng tốt, tôi cần thời gian để nghỉ ngơi và suy ngẫm về việc mình sẽ làm vào ngày mai. Phải có cách nào đó để thuyết phục cha, nhất định phải có.

Sau khi suy ngẫm một lúc, tôi nhận ra là chẳng có cách nào hợp lý cả. Mấy cái trò kiểu bỏ nhà ra đi hay tuyệt thực thì quá tiêu cực, xin xỏ năn nỉ thì cũng chẳng có tác dụng gì với một người như cha tôi. Vòi sự ủng hộ của mẹ cũng là một cách nhưng khả năng cao nó cũng chẳng tác dụng. Đặc biệt khi hẳn ai cũng nghĩ tôi nhập viện là vì tập đàn mà ra nên thật khó mà nhận lấy sự ủng hộ từ người nhà.

“Trời ơi… Mệt ghê…”

Tôi thở dài mà than trời than đất, có lẽ giờ chỉ còn cách là giả vờ đầu hàng cho mọi chuyện bớt căng thẳng. Trong khi đó thì tận dụng thời gian mà lén tập ở nhà Nhi và nhà kho của trường. Thế cũng giống cái cách mà ông anh hai đã mua chiếc xe hơi đợt trước, lỡ mua rồi thì chịu. Nếu tôi tập dần thế và đậu Nhạc Viện thật thì cũng như gạo đã nấu thành cơm, cũng chẳng ai ý kiến được. Tuy có hơi khó khăn, nhưng hẳn đó là cách duy nhất vào lúc này.

Bỗng tôi cảm thấy hơi lạnh bởi gió lùa. Nhìn qua phía cửa sổ thì y như rằng, nó đã được mở ra và Hiền cũng đưa đầu vào nhìn ngược về phía tôi. Do đã quá quen với việc này nên tôi cũng cứ ngồi yên trên giường, không có chút bất ngờ gì.

“Chị tính qua rủ coi phim à?”

Hẳn đó là lý do, dạo gần đây tôi với Hiền cũng ít cùng nhau coi phim nên có lẽ cũng không lạ khi cô chị họ muốn rủ rê khi có thời gian rảnh. Nhưng Hiền lại lắc đầu, nhẹ nhàng luồn người qua cửa sổ, tiếp đất vào trong phòng tôi mà không hề tạo ra bất kỳ tiếng động.

Thế mà trái với vẻ nhịp nhàng vừa nãy, chị ta cứ ngập ngừng đi qua đi lại rồi cuối cùng cũng chịu bước đến chỗ tôi đang ngồi. Có lẽ Hiền đã định ngồi xuống giường, nhưng lại thôi, đứng ngay đối diện mà hỏi thẳng.

“Anh sẽ không nghỉ đàn đúng không?”

“Hả?”

Tôi không nghĩ lại sẽ có ai mang chuyện này ra trong ngày hôm nay nên cũng chẳng hề cảnh giác suy nghĩ.

Ừ tất nhiên là tôi sẽ không nghỉ. Nhưng liệu có nên nói thế với Hiền không? Nếu tôi đã quyết định lén tập thì có lẽ càng ít người biết thì càng tốt. Đặc biệt là không nên để lộ cho người nhà.

“Ừ. Đến nước này thì cũng chẳng còn cách khác.”

Tôi vờ thở dài. Dù nói dối là điều không nên làm, nhưng vào lúc này có lẽ đó là cách duy nhất.

“Không sao đâu, thế thì mình sẽ thêm thời gian coi phim với chơi chung mà.”

Đây là sự thật, nếu tôi không tập ở nhà thì có lẽ buổi tối sẽ có thể giải trí, nghỉ ngơi nhiều hơn.

Thế mà vẻ mặt của Hiền như muốn phản đối điều tôi vừa mới nói. Tôi có thể hiểu cô chị họ không muốn tôi dễ dàng từ bỏ nhưng tình hình lúc này thì đó lại là cách duy nhất. Nếu làm điều gì đó khác, có khi nay mai là ngày cuối cùng tôi được ở lại Vĩnh Long này. Và tôi lại không muốn chuyện đó xảy ra.

“Không được...” Sau một hồi cau có suy nghĩ gì đó Hiền cũng lắc đầu. “Sao anh lại dễ dàng bỏ cuộc thế được chứ?!”

Tôi thật sự bất ngờ trước cách mà cô chị họ của mình phản ứng. Hình như... à phải, nó làm tôi nhớ đến y hệt lần đầu hai chúng tôi nói chuyện trong căn phòng này. Hiền cũng đã nói một điều tương tự thế khi tôi bảo rằng mình sẽ không chạy nữa. Điều này khiến tôi thấy nhói lòng, mặc dù mình cũng không hề có ý từ bỏ thật.

“Cuối cùng thì anh cũng… thế mà…”

Hiền nghiến răng lại mạnh đến mức tôi phải đứng dậy. 

“Tui phải đi nói chuyện với bác Khải.”

“Khoan!”

Tôi nắm lấy tay Hiền kéo lại trước khi lại có chuyện không nên xảy ra. Phải tốn rất nhiều sức để không phải vuột tay, thật không ngờ rằng cô chị họ của mình lại dồn lực nhiều đến vậy.

Rồi Hiền xoay người lại, dùng một tay nắm lấy bàn tay đang níu chặt của tôi. Đôi mắt như đang tràn đầy sự bực tức lại một lần nữa nhìn thẳng về đây.

“Anh buông ra.”

“Không được. Chị giờ mà tranh cãi thì cũng chẳng giúp ích được gì đâu. Có khi còn...”

“Rồi anh cứ thế mà từ bỏ à?!”

Nếu không phải vì tiếng nhạc dưới lầu đang quá lớn, hẳn là bất kì ai trong căn nhà này đều nghe được tiếng la tức giận của Hiền. Tôi đã có lúc thả lỏng tay ra, nhưng cô chị họ lại chẳng phản ứng gì, ánh mắt tức giận kia nay như đã bỏ cuộc mà nhìn xuống mặt sàn.

Cả hai bọn tôi có lẽ biết thừa rằng việc tranh cãi sẽ chẳng giúp ích gì. Nhưng tôi lại không hiểu vì sao Hiền lại phản ứng mạnh đến vậy. Thậm chí còn mạnh bạo hơn cả hồi đầu khi tôi quay về đây.

“Sao… Sao chị lại muốn thằng này tiếp tục chơi đàn đến vậy? Nó thậm chí còn ảnh hưởng đến việc tập luyện với đội điền kinh cơ mà?”

Tuy rằng không ai nói, nhưng tôi có thể biết rằng những người trong đội dạo gần đây có những lời ra tiếng vào về sự mất tập trung của tôi ở sân tập. Thậm chí còn có vài lần ngủ gục nữa chứ.

Thế thì tại sao Hiền, cô gái đam mê với điền kinh hơn bất cứ gì khác lại muốn tôi tiếp tục theo đuổi một thứ hoàn toàn không liên quan và thậm chí làm ảnh hưởng đến việc tập luyện của cả đội chứ?

“Vì...”

Hiền ngước lên nhìn tôi, đã định nói gì đó ngay nhưng cũng ngừng lại. Chị ấy đưa mặt đi, như cố tránh việc phải chạm mặt.

“Vì… cuối cùng anh cũng thật sự trở lại như xưa…”

“Như xưa?”

Tôi buông tay Hiền ra. Chị ấy thì lại lắc đầu một cách vội vã.

“Không… không có gì.”

Và ngay lập tức, cô gái mặc bộ đồ ngủ tối màu kia mở cửa phòng rồi bỏ đi mất. Thấy vậy tôi liền đuổi theo nhưng tiếng chuông điện thoại lại khiến bản thân dừng chân ngay khi vừa tới cửa.

“Mới bắt đầu có tí mà trốn đâu rồi?! Xuống đây mau!”

Rồi bên kia cúp máy ngay. Tôi chẳng kịp nhận ra đó là giọng của ai dù rõ ràng đây là số của anh hai.

Kệ vậy, giờ quan trọng hơn hết là phải hỏi Hiền chuyện vừa nãy...

“Thằng Tứng! Xuống mau!”

Nhưng một ông bác nào đó lại mò lên tận phòng mà nắm cổ tôi xuống lầu.

Đến khi được thả thì cũng gần nửa đêm. Tôi cũng chẳng thể làm gì hơn ngoài nhắn tin hỏi chuyện mà chẳng nhận được lời hồi đáp nào.

Có lẽ cứ để đến mai vậy.

Sáng hôm sau trời khá âm u, gió thổi rất mạnh đến mức không thể mở mắt ra nổi nếu không muốn bị bụi bay vào. Ngoài ra suốt quãng đường đến trường, tôi cứ phải lo rằng trời sẽ đổ mưa. Vì nếu chuyện đó xảy ra thì không chỉ tôi bị ướt mà đến chiếc organ điện trên vai cũng bị ảnh hưởng.

“Mới năm phút trước đâu có vầy…”

Tôi lầm bầm trong miệng thế khi vội vàng chạy đến trường. Cũng vì đã tháng chín, những cánh đồng lúa vốn xanh ngát vào đầu hè nay đã trổ vàng, khiến khung cảnh hiện tại chẳng khác gì một bức tranh tuy tối màu nhưng cũng thật sống động đầy màu sắc.

Nếu là mọi hôm có lẽ tôi sẽ ngắm cảnh một chút nhưng hôm nay thì không, tôi cứ thế vội vàng chạy thẳng một mạch đến trường trước khi thời tiết lại gây chuyện với mình.

May mắn thay, vừa cất cây đàn ở nhà kho và lên lớp thì trời liền đổ mưa.

Nhưng cũng vì mưa thế mà đội điền kinh nay phải nghỉ tập, còn tôi thì ở trên lớp vào lúc năm giờ sáng.

“Giống thằng khùng ghê…”

Thậm chí tôi còn chưa ăn sáng, căng tin cũng chưa mở cửa nên cũng đành xuống thư viện học bài vậy, còn hơn là ngồi ở giữa lớp trong cái trời âm u thế này.

Cố đi quanh những dãy hành lang, men theo tường để không bị mưa bắn vào người, cuối cùng tôi cũng đến thư viện, nơi duy nhất trong trường đang sáng đèn ngoài phòng bảo vệ.

“Có người à?”

Tôi thậm chí còn không thấy thủ thư nên mới thử nhìn ngó quanh tìm xem có ai khác ở đây không thì bắt gặp lấy một bóng người. Một dáng người thon thả trong bộ áo dài trắng nhưng lại đầy đặn khi ở góc nghiêng này làm tôi phải giật mình. Nụ cười nhẹ nhàng trên môi khi đôi mắt liên tục lướt trên mặt sách khiến tôi khó mà tin nổi nó lại thuộc về một người tôi quen biết.

Và cũng phải vì chiếc vải xanh quấn quanh cổ tay kia tôi mới có thể xác định rõ ràng được đó là ai.

“Bà làm gì ở đây sớm vậy?”

“Để đợi gặp ông.” Nhi trả lời mà không rời mắt khỏi quyển sách mình đang đọc. “Bữa nay trời mưa to nên tôi đoán ông sẽ đến trường sớm thay vì ra sân.”

Nghe thế tôi cũng gật nhẹ đầu. Dù gì từ khi Nhi trở thành phó quản lý đội thì lịch trình bọn tôi cũng kha khá giống nhau nên cũng chẳng lạ khi nhỏ lại dậy sớm.

“Sau một tuần nghỉ học thì ông sẽ đến một nơi yên tĩnh để ôn bài lại trước khi lên lớp nên hẳn là sẽ đến thư viện. Với lại gặp nhau trên lớp thì cũng lộ liễu quá.”

Suy luận cũng có lý đấy nhưng mà...

“Lỡ tôi ôn trên lớp mà không xuống đây thì sao?”

“Thì coi như chúng ta không có duyên nói chuyện. Đành phải chia tay mà không thể nói lời tạm biệt.”

Rồi nhỏ đóng quyển sách trên tay mình lại, nhẹ nhàng cất lên kệ tủ trước mặt. Ánh mắt dịu dàng nhanh nhẹn trên trang sách khi nãy giờ lại biến thành cái nhìn sắc bén thường thấy.

“Mà giờ ông định thế nào? Tiếp tục hay từ bỏ?”

“Đương nhiên là tiếp tục rồi. Làm gì có nam chính nào tự bỏ dễ dàng đúng không?”

Tôi cũng chẳng đặt câu hỏi vì sao Nhi biết vấn đề mà mình đang phải đối diện. Có khả năng Mai đã kể cho em ấy, hoặc cũng vì nhỏ cũng dễ dàng suy luận được chuyện gì đã xảy ra khi tôi nhập viện.

Còn tôi thì cũng chuẩn bị sẵn trước tinh thần lẫn câu trả lời cho việc này mà chẳng chần chừ gì để trả lời thêm.

“Thật ra thì có lẽ là phải tập lén. Nên có gì tôi tập mỗi ở nhà bà thôi được không?”

“Không.”

“Cám ơ- Hả?!”

Câu trả lời này hoàn toàn nằm ngoài suy đoán. Thành thể bây giờ tôi phải trố mắt ra nhìn về phía nhỏ con gái đang gõ tay lên kệ sách bên cạnh. Sắc mặt của Nhi chẳng hề thay đổi gì, cứ như là nhỏ không thấy có gì sai trong lời mình nói.

“Tôi không muốn phải lén lút khi không được gia đình đồng tình như thế. Nghe như tình vụng trộm vậy. Nên có bị vỡ lở thì có khi tôi cũng bị ảnh hưởng.”

“Thì không bị phát hiện là được.”

“Nói thì dễ lắm.” Nhỏ trề môi, lắc lư ngón trỏ đang hướng lên trần nhà của mình. “Suốt ngày phải trong cái tâm thế lo lắng bị phát hiện, lén lút không khác gì một con gián, không thể ngẩng mặt lên nói thẳng việc mình đang làm. Như thế mà đáng mặt quân tử sao?”

“Gì vậy?” Tôi ngẩn cả người ra, chớp mắt liên hồi nhìn Nhi. “Chẳng phải lén lút tập luyện nó sẽ giống như điều một nam chính sẽ làm sao?”

Điều này thật kì quái, đáng lẽ Nhi là người thấy thích thú khi tôi nói ra cái ý tưởng đó chứ.

“Còn tùy ông muốn làm một loại nam chính gì.” Nhi đảo mắt một vòng rồi dừng nó lại ngay trước tôi. “Nhưng nếu làm một nam chính… à không, một người thật sự tốt thì phải là một người không ngại đứng ra trước ánh sáng. Vì đằng nào ông có làm gì sai đâu mà phải giấu.”

“Khoan khoan tôi không hiểu.” Chẳng biết vì sao, lúc này tôi lại phì cười, dù rõ ràng mình đang rất là khó chịu trước cái tình huống này. “Chẳng phải bà luôn tạo mấy cái chướng ngại vật để tôi vượt qua còn gì? Cái này rõ ràng là một cái chướng ngại vật hoàn hảo.”

Như là vừa tập đàn vừa ôn bài thuyết trình, phải xem lại lại những lỗi sai của bản thân, học hết quyển nhạc lý cơ bản trong một đêm… tất cả tôi đều làm được cả mà tại sao việc tập luyện lén lút thì không thể?!

“Đúng là chướng ngại vật được tạo ra để vượt qua và trở nên tốt hơn.”

Thấy Nhi gật gù tôi chưa kịp mừng thì nhỏ lại nói tiếp khi tháo dần sợi vải màu xanh trên cổ tay.

“Nhưng tạo ra một chướng ngại mà tuy có vượt qua được, mà không thể khiến bản thân tốt hơn mà lại làm khó khăn trong việc tiến bộ thì chẳng khác nào làm trò con bò cả.”

“Ý bà là sao? Không lẽ đến bà cũng kêu tôi bỏ à?”

Tôi dần mất kiên nhẫn mà lắc đầu chán nản. Không thể ngờ được người đã kéo mình vào việc này lại có thể nói mấy lời kia cơ đấy. Nếu không phải vì đã tiếp xúc đủ lâu để hiểu được phần nào con người của Nhi, thì hẳn là tôi đã nổi điên lên rồi. Phải chăng đến nhỏ cũng yêu cầu tôi từ bỏ thì cùng lắm tôi sẽ tự tập một mình. Nên giờ tôi chờ đợi câu trả lời cuối cùng, với tâm thế chuẩn bị sẵn sàng nhất có thể.

Trong khi đó, cô bạn học của tôi lại rất bình tĩnh đáp lại trong khi đôi bàn tay lại buộc mái tóc đang xõa dài bằng sợi dây màu xanh dài quá cỡ kia.

“Ông hẳn nghĩ rằng nếu tự mình đậu Nhạc Viện rồi thì sẽ mặc nhiên nhận được sự ủng hộ của người nhà đúng không? Như gạo nấu thành cơm, như kem đã ăn trước kẻng chứ gì?”

“Hả? Thì… ừ?”

Nhỏ hất tóc, búng tay một cái, nhẹ nhàng bước đến ngay bên cạnh tôi mà ngước nhìn lên.

“Thế nếu ông rớt thì sao?”

“Hả?”

Nhi nghiêng nhẹ đầu sang phải, môi cong dần lên thành một nụ cười đầy khiêu khích.

“Để tôi xác định cho ông hiểu thì khả năng thi đậu của ông so với mấy đứa tập đàn từ khi mới lên ba nó chênh lệch hơi nhiều đấy. Và nếu ông cố ý làm trái hướng dẫn của tôi để làm trò con bò như lén tập hay ngu hơn là tự tập thì tỷ lệ đó càng thấp hơn. Rồi rớt thì sao?” Nhỏ nhướng mày lên như thể chờ xem tôi sẽ trả lời gì nhưng lại vẫn nói tiếp, xác định rõ như thể đó là câu trả lời duy nhất. “Ông sẽ phải bỏ tập đàn, cái ước mơ biểu diễn trên sân khấu lớn và trở thành nhạc công chuyên nghiệp cũng đi tong. Tất cả chỉ vì ông sẽ không thể nhận được sự ủng hộ nào vì đã chịu thất bại thảm hại.”

Dù không hiểu hết được điều Nhi đang nói là gì. Có lẽ là vì tôi cũng chưa bao giờ thật sự nghĩ quá nhiều về cái viễn cảnh mà mình sẽ không đậu được Nhạc Viện. Nếu chuyện đó thật sự xảy ra, thì tôi hẳn cũng như Nhi nói, chấp nhận từ bỏ nó mà đi theo hướng đi khác mà mình không hề mong đợi.

Và tôi lại không muốn chuyện đó xảy ra.

“Vậy... ý bà là tôi nên nhận được sự ủng hộ từ gia đình à?”

“Ổng phải đổi từ “nên” thành “bắt buộc” mới đúng. Như thế thì ông mới thật sự an toàn theo đuổi ước mơ của mình.” Nhi giơ ngón trỏ lên xác nhận. Đôi môi đỏ hồng kia dần cong đều cả hai bên, tạo nên một nụ cười thật duyên dáng, trái ngược với vẻ thường ngày. “Khi mà ông được những người xung quanh gần gũi nhất ủng hộ, thì dù có bị thất bại, hay đánh mất bản thân mình thì cũng sẽ vẫn tiếp tục được.”

Nhỏ dứt lời thì đi lướt qua tôi được vài bước rồi dừng chân lại, xoay người hẳn một vòng tròn khiến sợi dây màu xanh cũng tung bay một cách vô lý.

“Nếu thật sự muốn thành công và tiến xa, thì ông cũng phải nhìn vào viễn cảnh xấu nhất. Rồi tìm cách làm sao để bản thân sẽ không từ bỏ.”

Sau khi nghe hết mọi chuyện, tôi cũng đành thở dài.

Vì Nhi nói đúng. Khả năng thi đậu của tôi chưa bao giờ là cao cả. Nếu tiếp tục tập trong lén lút và rớt Nhạc Viện, thì mọi thứ coi như công cốc. Nhưng nếu có được gia đình ủng hộ, thì dù có thất bại ở bài thi ấy, tôi cũng sẽ có cơ hội được tiếp tục cố gắng vào những lần sau, hoặc thậm chí vẫn có thể đi theo hướng khác.

Mặc dù đúng là tôi vẫn có thể tự mình chiến đấu dù cho không ai bên cạnh. Mà nếu thế chẳng phải tôi sẽ phải tự làm khó mình hơn sao?

Sau bao chuyện tôi đã có thể nhận ra là mình không thể tự cô lập bản thân mà sống tiếp thoải mái được. Hiền là người đã chứng minh được điều đó đầu tiên và dường như chính nhờ mối liên kết với người khác đã khiến tôi có thêm sức mạnh để chiến đấu đến giây phút này.

“Đến những vĩ nhân nổi tiếng nhất, hay những vị anh hùng cũng phải biết đến thất bại. Nhưng nếu chỉ vì thất bại mà dừng lại, thì ông sẽ mãi chỉ là một kẻ vô danh.”

“Ừ...”

Tôi đã tự so sánh mình như Mazeppa, tự mình chiến đấu vì điều bản thân mong muốn mà chẳng lo ngại đến hậu quả. Nhưng khác với ông ta, nếu tôi cứ tiếp tục lén lút để rồi đến một lúc cũng phải tự từ bỏ thì chẳng khác nào chính mình đã tự trói lên lưng ngựa. Và tôi thậm chí có thể, có khả năng thuyết phục được cha của mình một cách mềm mỏng hơn là phải đứng lên chiến đấu một cách cứng rắn.

Tôi có thể làm được, chiến thắng lấy sự đồng tình và tiếp tục chiến đấu đến tận giây phút cuối cùng mà không phải lo sợ gì.

“Tôi nghĩ ông cũng thấm rồi đấy. Vậy trả lời tôi câu này.” Nhi vỗ hai tay vào nhau như một cách tạo sự chú ý dù rằng tôi hoàn toàn chưa hề rời mắt khỏi nhỏ. “Nếu ông lỡ rớt Nhạc Viện thì ông sẽ làm gì?”

Chẳng cần phải suy nghĩ gì nhiều, tôi liền thản nhiên đáp lại.

“Tôi sẽ tiếp tục tập đàn, và tìm cách khác để tiếp tục ước mơ của mình.”

“Giỏi giỏi.” Nhi vỗ tay liên tục vào nhau cùng vẻ mặt mặt rạng ngời không có tí gì là mỉa mai cả. “Thế ông biết phải làm gì rồi đó.”

“Ừ... Biết rồi.”

Nắm thật chặt đôi tay của mình, tôi cũng đành thở dài chịu thua. Dù không muốn, tôi cũng quyết định đối mặt và thuyết phục cha của mình.

“Hai hai. Thế mới là nam chính của tôi chứ.” Nhi cũng gật đầu đồng tình trước câu trả lời của tôi rồi lục trong cặp, lấy ra một cuốn sổ màu trắng mỏng. “Còn đây là thứ mà ông có thể dùng để ngẩng cao đầu.”

“Sổ báo điểm?” Cầm lấy thứ đó trên tay rồi mở ra, tôi liền hiểu ý nhưng cũng không khỏi bất ngờ. “Tôi lại…”

“Ừ ông tuy nhập viện thế mà cũng nhất khối tiếp đấy, giỏi ghê.”

Dù Nhi khen với vỗ tay thế nhưng nhìn kiểu nào cũng ra một đứa đang cố tình mỉa người khác. Mà cũng chẳng phải đoán, có lẽ Nhi cũng đạt thành tích chẳng kém cạnh gì nên không lạ khi nhỏ tỏ thái độ này.

Cũng đúng lúc cuộc trò chuyện kết thúc là hơn sáu giờ, học sinh cũng sẽ bắt đầu đến trường nên bọn tôi đành chia nhau ra mà lên lớp. Tôi cũng không quên để lại một lời cảm ơn đến Nhi, bên cạnh việc xin nghỉ tập đàn hôm nay.

Nhỏ tuy không trả lời gì nhưng tôi cũng mặc nhiên hiểu là không phản đối. Vì nếu có thì hẳn cô bạn học của tôi sẽ lên tiếng.

Sau giờ học hôm ấy, trời vẫn âm u và ẩm ướt nhưng cũng đã tạnh mưa. Tôi liền vội vàng mang cây đàn organ về nhà lại cùng với hàng tá suy nghĩ nên phải nói gì khi cuộc đối chất bắt đầu.

Vừa vào nhà tôi có thể thấy bác Hai và cha đang ngồi đối diện nhau trên bàn ăn mà không nói gì. Thấy thế tôi mới cúi đầu chào rồi bước vào nhà, cũng không quên đặt bao đàn trên tay xuống một góc.

“Mày mang cái đó về hả?”

Đó hẳn sẽ là lời mà cha tôi sẽ nói khi thấy thứ này nhưng kì lạ, tôi chẳng nghe thấy gì ngoài một cái thở dài.

“Học không lo học, cứ thích đua đòi.”

Ấy mà không ngờ tôi lại nghe cái câu này thay vì xoáy thẳng vào vụ cây đàn. Cũng hay, tôi liền làm theo kịch bản mình soạn trước, lấy ra quyển sổ báo điểm rồi đưa nó cho bác Hai lẫn cha xem.

“Thằng Tuấn nó nhất lớp cơ à?! Giỏi bây!”

Ông bác của tôi vừa mới nhìn vào đã liền quay sang vỗ mạnh vào lưng tôi hai cái rõ mạnh. Đến mức tôi có cảm giác như cặp phổi sắp bị đánh văng khỏi người luôn vậy.

Trong khi đó cha thì cứ im lặng mà xem như phân tích kỹ càng từ con số một ở trong quyển sổ. Vẻ mặt cau có ban đầu giờ dần được nới lỏng ra thì tôi mới nhận ra đây là cơ hội mà nói bồi vào thêm.

“Đúng hơn là con nhất khối, hai tháng liền.”

“Ghê bây!”

Rồi bác Hai lại chuyển sang vỗ đầu tôi bôm bốp.

Nhưng cha lại chẳng phản ứng gì quá nhiều mà chỉ nhìn tôi chằm chằm trong khi ông bác đang cười ha hả một cách khoái trá. Phải tầm hai phút sau bác Hai dừng cười mới nhìn cha tôi.

“Thằng Tuấn nó học giỏi thế mà bây không cười khen chút đỉnh gì được à?”

“Anh thừa biết nó khoe điểm để làm gì mà.” Cha cuối cùng cũng chịu lên tiếng và đặt sổ báo điểm lên mặt bàn. “Vẫn còn muốn học đàn đến cùng à?”

“Dạ.”

Tôi gật đầu một cách chắc chắn. Không biết cha sẽ định nói gì tiếp theo nhưng tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần. Nếu hôm nay không thuyết phục được, tôi cũng sẽ tiếp tục cố gắng vào ngày mai, rồi ngày kia nữa cho đến khi thành công mới thôi.

“Thế ngồi xuống đi.”

Tôi “dạ” đáp lại cái rít thuốc lá dài của cha rồi ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Cảm giác bây giờ cứ như là đang chuẩn bị phỏng vấn xin việc dù tôi chưa từng trải qua việc đó bao giờ.

“Rồi tại sao con muốn tập đàn?”

Tôi khẽ nhướng mày lên trước câu hỏi này của cha. Nó vốn chẳng có gì lạ, chỉ là không ngờ rằng cách xưng hô với thái độ này chẳng giống gì là đang chất vấn cả, mà như đang tâm sự mỏng hơn. Rồi tôi cũng nhìn qua bác Hai, người cũng đang cười khì khì mà rít điếu thuốc của mình.

“Tại con nghĩ… à không vì nó là điều con muốn làm, cho đến cuối đời.”

Đáp lại phía bên kia là một cái thở dài ngán ngẩm. Tôi cũng đoán được cha sẽ phản ứng như vậy khi tôi trả lời thật lòng nhưng những lúc thế này, những câu trả lời không chút giả dối mới là thứ gây thuyết phục nhất.

Có lẽ cũng vì thế tôi mới qua được ải đầu tiên, để đến câu hỏi tiếp theo.

“Tỷ lệ chọi của Nhạc Viện là bao nhiêu?”

“Dạ một chọi hai trăm, có khi hơn.”

Và cha tôi xoa trán, như thể muốn cáu lắm mà không thể. Phải tầm nửa phút sau thì người đàn ông gầy ốm mới có thể hỏi tiếp.

“Nếu rớt thì sao?”

Câu hỏi này y hệt Nhi khi sáng, nên tôi cũng chẳng ngần ngại mà trả lời ngay.

“Thì còn vẫn sẽ tiếp tục tập đàn mà không từ bỏ. Nếu có thể thì con sẽ xin được thực tập ở những phòng ghi âm, phòng trà để lấy thêm kinh nghiệm.”

“Làm cái việc đó thì sao đủ sống? Gia đình không thể chu cấp cho con mãi mãi đâu biết không?”

“Con biết.” Tôi cương quyết gật đầu. “Nên con sẽ đi làm thêm, việc gì cũng được để tự nuôi mình.”

Đoạn, bác Hai cũng cười khì khì xen vào.

“Thằng con bây quyết tâm phết nhở? Y hệt như bây khi xưa đòi...”

“Anh để em dạy con.”

Cha lườm bác Hai với vẻ khó chịu trong khi ông bác thì lại cười rất khoái trá. Phải sau một cái hít vào thở ra thật sâu, cha mới tiếp tục nhìn qua bảng điểm trên bàn, rồi lại liếc sang tôi.

“Thế được rồi.”

“Dạ?”

Tôi ngớ người nhìn về cha, liệu mình có nghe nhầm gì không? Trong khi đó thì bác Hai lại rít mạnh một hơi cháy sạch điếu thuốc rồi cười khà khà nhả khói từ miệng lẫn mũi chẳng khác gì một đầu tàu hoả thời xưa.

“Thằng cha bây cho bây tập đàn tiếp rồi đó, hiểu chưa?”

Tôi không biết phải nói hay làm gì mà chỉ nhìn sang cha, người đang cau mày lại nhìn tiếp bản điểm của tôi.

“Ừ muốn tập đàn hay cái gì đó cứ làm đi, cha không cấm nữa.”

“Thật ạ?!”

Đây quả là điều tôi luôn muốn nhưng không ngờ lại dễ đến vậy. Thậm chí tôi còn cứ ngỡ là phải kéo dài cái việc này đến hai ba ngày nữa chứ!

“Mà nghe đây.” Cha tôi cũng lấy một điếu thuốc mới ra rồi gõ nó lên mặt bàn. “Mai mốt không được về nhà sau sáu giờ chiều, mười giờ là phải ngủ hiểu chưa? Bác Nghĩa mà thấy vi phạm thì mặc nhiên ổng đuổi đánh thì đừng có than trời.”

“Ha ha ta không đánh đâu mà khoá cửa nhốt bây khỏi ra đường luôn!”

Dù nghe qua điều kiện trên lẫn với phản ứng của ông bác thì tôi cũng méo miệng mà cười theo. Mấy yêu cầu này cũng dễ hiểu nên tôi chẳng lý do gì để phản đối nên liền chấp nhận.

“Dạ con biết rồi. Con cám ơn cha và bác Hai!”

Vừa cúi đầu xuống thì tôi đã bị ông bác mình vò đầu một cách thô bạo.

“Có thì cám ơn con Hiền ấy! Cả buổi nó xin thằng cha bây cho bây tập đàn tiếp.”

“Chị Hiền á?”

“Ờ.” Cha tôi cũng bù vào bằng một cái đảo mắt. “Chứ đừng nghĩ có quyết tâm với học giỏi thì muốn cái gì cũng được. Mấy cái này ra đời cũng chả ai quan tâm.”

“Thôi bớt xạo!” Rồi đến ông bác vò đầu cha tôi. “Có mà bây đang khoái trá cười thầm trong bụng nãy giờ thì có! Khen thưởng nó một tiếng đi mậy!”

Tôi lúc này cũng chẳng quan tâm chuyện gì đang xảy ra trước mặt mà chỉ thắc mắc tại sao Hiền lại xin giúp cho mình. Lại kèm với chuyện tối qua nữa.

Nhưng kệ, bây giờ lên thẳng phòng chị ấy hỏi với cám ơn luôn cũng chẳng sao.

“Mà con lên phòng thay đồ cái.”

Tôi cúi đầu chào rồi vội vàng mang cây organ điện lên lầu. Nhưng thay vì đến thẳng phòng mình, tôi lại đến cánh cửa của Hiền mà gõ.

“Ai đó?”

“Hàng xóm đây.”

Tôi nói đùa rồi cũng mở cửa vào sau khi Hiền kêu mình làm thế. Lâu rồi tôi mới vào phòng cô chị họ “đơn giản” của mình, và nó cũng chẳng thay đổi nhiều lắm. Nếu có thì nơi này lại xuất hiện một vài tấm poster tranh vẽ dang dở được đính trên tường. Dựa vào cách trang trí thì tôi có thể nhận ra chúng là những bức minh hoạ cho báo tường sắp tới.

Còn chủ nhân nơi này, Hiền thì đang khoá nút cuối cùng trên tà áo dài trắng của mình mà không cần nhìn gì đến tấm gương ngay bên cạnh. Dù biết là không nên có kiểu suy nghĩ này nhưng tôi cũng phải công nhận là Hiền hợp với bộ đồ thể thao hơn là mấy kiểu quần áo này.

Những ai nói con gái đẹp nhất khi mặc áo dài thì đúng là chưa thấy hội con gái đội điền kinh mặc đồ thể thao rồi ướt mồ hôi rồi.

Mà thôi quay về vấn đề chính.

“Cám ơn chị.” Tôi liền cúi đầu trước Hiền rồi nói với toàn bộ tấm lòng thành của mình. “Cám ơn vì đã nói giúp vụ chơi đàn...”

“Không cần đâu.”

Tôi liền thẳng người dậy sau khi nhận được câu trả lời kia. Tuy rằng đang có chuyện vui, đúng là thế nhưng chẳng hiểu sao tôi thấy người con gái đối diện mình trông thật… buồn? Kì lạ thật.

“Mà chuyện tối qua. Chị nói giống như xưa là thế nào?”

“...”

Đúng như tôi đoán, Hiền không trả lời. Người con gái trong tà áo dài ấy chỉ lắc nhẹ đầu, đưa mắt nhìn về phía cửa sổ đã được đóng lẫn kéo màn.

“Anh...”

Rồi Hiền nhìn sang tôi.

Chẳng khó để có thể thấy được chút gì đó chần chừ trong cách cư xử của Hiền. Chắc là một điều gì đó rất khó nói, hoặc có thể là một điều khiến tôi bị tổn thương chăng? Nhưng dù có tệ hơn nữa thì cũng chẳng hề gì, vì tôi sẵn sàng lắng nghe.

“Anh nghỉ đội điền kinh đi được không?”

Nhưng điều này… thật vô lý.

Bình luận (38)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

38 Bình luận

Nó cứ tiếp tục chạy, qua bao con sông, cánh đồng lẫn những bụi gai sắt bén.
*sắc
Xem thêm
Main bớt chơi Honkai lại đê :)) mơ như thế thì chịu đấy =))
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Kêu tác bớt chơi chứ. 829977594010533919.png?v=1
Xem thêm
@Tinker: cái icon đã nói lên mức độ của con nghiện :))
Xem thêm
“Mai mốt không được về nhà sau sáu giờ chiều, mười giờ là phải ngủ hiểu chưa? Bác Nghĩa mà thấy vi phạm thì mặc nhiên ổng đuổi đánh thì đừng có than trời.”
Wait, bác Hai tên Nghĩa?:-?
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Từ chương 2 đã nói rồi.829977594010533919.png?v=1
Xem thêm
@Tinker: có ai gợi nhớ đâu mà thuộc:))
Xem thêm
Xem thêm 9 trả lời
“Ổng phải đổi từ “nên” thành “bắt buộc” mới đúng.Như thế thì ông mới thật sự an toàn theo đuổi ước mơ của mình.”
Chỗ dấu chấm thiếu dấu cách.
Xem thêm
“Nói thì dễ lắm.” Nhỏ chề môi, lắc lư ngón trỏ đang hướng lên trần nhà của mình.
*trề môi
Xem thêm
Mấy cái trò kiểu bỏ nhà ra đi hay tuyệt thực thì quá tiêu cực, xin xỏ năng nỉ thì cũng chẳng có tác dụng gì với một người như cha tôi.
*năn nỉ
Xem thêm
Cơ mà sao tui cứ tưởng tượng bác Hai như ông bác hói đầu bụng bia nào đó trong phim Upin & Ipin ấy:v
Thấy hợp vl luôn:v
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Nghe hơi vô lý mà cũng có lý.
Xem thêm
@Tinker: nhưng khác ở chỗ bác Hai trong này hơi bị lực điền:))
Xem thêm
“Không.”
Nắm chặt đôi bàn tay, tôi đứng lên để đối mặt với nỗi sợ của mình. Tôi sẽ chiến đấu, để bảo vệ điều quan trọng với mình.
“Con sẽ không bỏ tập đàn.”
Ăn lone time:))
Xem thêm
“Anh mày có năm mươi ngày nghỉ có lương và tám mươi ngày nghỉ bệnh, phí ba ngày cho mày là tốn bà nó 4% cuộc đời tao rồi đấy, lo mà mau khỏi bệnh đi.”
Tui tưởng 6%:v
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
3/130 ấy mà. Và ổng tính "tròn" hơi mạnh tay.
Xem thêm
@Tinker: 3/50 thôi:v
Ổng có nghỉ bệnh đâu mà lo:v
Xem thêm
Xem thêm 10 trả lời
Thậm chí giờ đây có thể tôi cũng sẽ chẳng thể nào được chạm lên phím đàn một lần nào nữa.
“Khốn khiếp…”
*khốn kiếp
Xem thêm
Wait a minute, có gì đó không ổn... Từ khi nào cái truyện này có thể loại chất lừ tới từ kiếp trước thế này?
Xem thêm