Tạo ra một kẻ phản diện hoàn hảo - Phân Tích Joker
Members

File bản Word dễ đọc hơn nếu có ai cần: https://docs.google.com/file/d/18RZLDwnTW2DwGZ1pPjBdw5ejSQT4uhkr/edit?usp=docslist_api&filetype=msword

 

-----0o0----

  Kẻ phản diện hoàn hảo - Joker | The Dark Knight

-----0o0----

 

  Những phân tích sau đây không hoàn toàn là của tôi. Ngoài suy nghĩ của riêng tôi, đây là sự tổng hợp và thêm thắt tập hợp từ nhiều nguồn:

-The Dark Knight - How to Begin a Movie | Film Perfection

-The Dark Knight - Creating The Ultimate Antagonist

-JOKER | Anatomy of the Perfect Antagonist

-Understanding Joker | The Dark Knight (2008) | Character Analysis

-The Dark Knight’s Duality of Good and Evil

-Batman Meets Two-Face

 

-----0o0----

 

Joker là ai?

  Hôm nay, chúng ta sẽ nói về Joker. Chính xác hơn là Joker từ phim The Dark Knight (2008) do diễn viên quá cố, Heath Ledger thủ vai.

  Kẻ được gọi là Joker hẳn đã không quá xa lạ với các fan của dòng phim siêu anh hùng. Đây là kẻ thù truyền kiếp của Batman. Và hầu hết mọi người có thể đồng tình rằng một trong những phiên bản ấn tượng nhất, có sức tác động lớn nhất đối với truyền thông đại chúng chính là Joker từ dòng phim The Dark Knight của đạo diễn Christopher Nolan.

  Joker của phim này được cho là một trong những kẻ phản diện đáng nhớ nhất trong toàn bộ lịch sử điện ảnh. Nhiều người, trong đó có tôi, cho rằng Joker của The Dark Knight chính là kẻ phản diện hoàn hảo.

  Tuy nhiên, có nhiều người không hiểu được Joker của The Dark Knight. Không thể hiểu được điều gì đã tạo ra một kẻ phản diện vĩ đại như vậy. Và chỉ cố tạo ra một gã điên và làm mọi thứ một cách random, khùng khùng, người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm… Khụ, khụ… chú-ma hề Jared Letdown… Khụ, khụ… suicide trash 2016…

  Vậy, tại sao mà Joker của The Dark Knight lại có thể làm được điều đó? Nhờ vào diễn suất xuất chúng của Heath Ledger thôi sao? Có lẽ, nhưng không hoàn toàn. Dông dài đủ rồi, giờ tôi sẽ đi vào phân tích cách mà Christopher Nolan và Heath Ledger đã tạo nên Joker. Và cách mà chúng ta có thể ứng dụng hình mẫu này để tạo cho riêng câu chuyện của mình… một kẻ phản diện hoàn hảo.

 

-----0o0----

 

Chương 1:

Sau khi đã thiết lập tình thế hiện tại của thế giới, kẻ phản diện sẽ thay đổi nó.

 

 “Introduce a little anarchy. Upset the established order, and everything becomes chaos. I'm an agent of chaos…”

“Hãy đưa vào một chút hỗn loạn. Lật đổ trật tự đã được thiết lập, và mọi thứ trở thành hỗn mang. Tao là hiện thân của sự hỗn mang…”

                                  -Joker-

 

  Trong định nghĩa văn học, từ “antagonist”, hay kẻ phản diện, kẻ đối địch ngoài việc là kẻ thù gây xung đột với nhân vật chính, còn có nghĩa là người mang lại một sự thay đổi không mong muốn đối với hiện trạng thế giới của nhân vật chính (Protagonist).

  Tuy nhiên, để kẻ phản diện có thể làm thay đổi hiện trạng, trật tự của thế giới một cách hiệu quả, để lại ấn tượng với khán giả thì họ cần phải nắm được bối cảnh và tình thế hiện tại của thế giới trước đã. Hay nói đơn giản hơn, tác giả cần phải thể hiện, phải show “một ngày thường nhật trong cuộc sống” của các nhân vật chủ đạo/thế giới là như thế nào trước khi xảy ra xung đột.

  Và đây chính là điều mà 20 phút đầu của The Dark Knight đã làm rất thành công.

  Cảnh đầu tiên của phim, vụ cướp ngân hàng. Cảnh này sẽ làm nhiều người không hiểu vì sao một cảnh hành động dữ dội thì sao lại là một “ngày thường nhật” được? Đó là vì… vụ cướp này chẳng liên quan gì tới Batman cả. Đây là một ngày thường nhật của hắn, cướp nhà băng của lũ xã hội đen.

  Đây là một cảnh đơn dành riêng cho Joker. Để show cho người xem thấy rằng về mặt cơ bản nhất, Joker là ai, và hắn ta là một mối đe doạ như thế nào. Từ đây mà người xem đã có tiền đề để biết chuyện gì có thể xảy ra khi Joker và Batman chạm trán.

  Bằng cách cho người xem thấy những hành động, lựa chọn của Joker, bộ phim đã giới thiệu rằng đây là một kẻ ích kỉ, không quan tâm đến người khác, nguy hiểm, bạo lực, vô cùng quyết đoán, cực kỳ thông minh, biết lên kế hoạch, rất giỏi trong việc mình làm và chẳng ai đoán được hắn sẽ làm gì.

  Những cảnh tiếp theo giới thiệu tình trạng của Gotham dưới sự tác động của Batman. kẻ phản diện sợ hãi người thực thi công lý kia tới mức chẳng dám phạm pháp. Và người dân thì tin tưởng Batman, đứng lên chống lại cái ác bằng cách này hay cách khác. Đây chính là “một ngày thường nhật” của thành phố Gotham vào lúc này đây, dưới sự bảo hộ của Batman.

  Và rồi, chúng ta được thấy Batman hành động, thực sự tận mắt chứng kiến cách anh làm cho kẻ địch sợ hãi. Và rồi sau đó là khi anh ta trở về thì ta được thấy Bruce Wayne, con người bên dưới lớp mặt nạ anh hùng kia. Từ những cảnh này, ta biết được Batman là một người thực thi công lý, không giết người, có kỹ năng chiến đấu vô cùng bài bản, rất giàu có, kiểm soát tội phạm bằng nỗi sợ và tin rằng mình không có giới hạn.

  Nhưng ta cũng biết rằng việc phải làm Batman đang huỷ hoại Bruce Wayne, cướp đi cơ hội để anh ta có một cuộc sống bình thường. Bruce không muốn phải mãi làm Batman, nhưng anh ta không có lựa chọn nào khác ngay lúc này, chừng nào Gotham vẫn còn cái ác. Đây là “một ngày thường nhật” của Batman/Bruce.

  Sau 20 phút, người xem hiểu đây chính là tình thế hiện tại, bối cảnh của phim. Và Joker trong xuyên suốt bộ phim sẽ lật đổ toàn bộ, làm thay đổi mọi thứ. Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào những gì hắn làm ở các chương sau. Nhưng nói chung, nhờ vào đoạn mở đầu của Joker, chúng ta có ấn tượng và biết hắn có thể làm gì, tình thế ra sao, và vì vậy mà những thay đổi thực sự có sức nặng.

 

  Vậy, điều ta rút ra được từ chương này chính là:

=> Trước khi xảy ra xung đột giữa kẻ phản diện và anh hùng, hãy xây dựng, giới thiệu bối cảnh và các nhân vật chủ đạo trong xung đột sắp tới bằng lựa chọn, hành động của họ một cách thú vị nhất có thể. Và kẻ phản diện sẽ là người làm thay đổi tình thế hiện tại này, tạo ra xung đột và thúc đẩy câu chuyện di chuyển về phía trước.

 

-----0o0----

 

Chương 2:

Muốn hắn trở nên đáng sợ hơn? Hãy “hype up” kẻ phản diện của bạn.

 

“I know why they call him the Joker.

“Tao biết vì sao người ta gọi hắn là Joker.”

                                  -Chuckles-

 

“...some men aren't looking for anything logical, like money. They can't be bought, bullied, reasoned, or negotiated with. Some men just want to watch the world burn.

“…có những kẻ chẳng hề theo đuổi những thứ hợp lý, như tiền bạc. Chúng không thể bị mua chuộc, bắt nạt, thuyết phục, hay thương lượng. Có những kẻ chỉ muốn ngắm nhìn thế giới chìm trong biển lửa mà thôi.

                                  -Alfred Pennyworth-

 

  Một phần khiến cho những kẻ phản diện từ nhiều câu chuyện hay trở nên đáng sợ một cách hiệu quả chính là nỗi sợ và sự tôn trọng mà các nhân vật (chính) dành cho chúng. Nói sơ qua thì… vì chúng ta nhìn thế giới của câu chuyện qua lăng kính của nhân vật chính, thế nên nếu họ sợ hãi và tôn trọng kẻ phản diện, chúng ta cũng sẽ thấy sợ hãi và tôn trọng kẻ đó.

  Để có thể tạo cảm giác đó, ta cần ”hype up” một kẻ phản diện, chúng ta có hai cách… show và tell.

  Trước tiên, về show, hãy thể hiện kẻ phản diện của bạn làm được gì. Và trong đó thì trước tiên, hãy thiết lập một thế lực tạm thời có sức mạnh đáng kể, và sau đó thì cho kẻ phản diện của bạn đánh gục nó, chứng tỏ hắn mạnh hơn. Ngoài ra, hãy để cho khán giả thấy là những nhân vật khác tỏ ra sợ hãi hoặc chấp nhận rằng kẻ này là một mối đe doạ nghiêm túc.

  Trong The Dark Knight, Joker làm điều này trong xuyên suốt nội dung phim khi mà liên tục đón đầu, gậy ông đập lưng ông những kế hoạch của Batman. Tuy nhiên, tôi sẽ nói về ba cảnh mà ít ai nhận ra ngay được.

  Cảnh đầu tiên, vẫn là về vụ cướp ngân hàng. Khi mà lũ cướp đang làm việc rất trơn tru, đe doạ mọi người, phá két, gã quản lý ngân hàng vẫn ngồi bình thản như đây là chuyện hàng ngày. Và rồi với một phát súng, gã quản lý ngân hàng bắn hạ một tên trong số bọn cướp, khiến cho đám còn lại tháo chạy và trốn tránh, và đến cả cái máy khoan đang phá két cũng bỗng dưng gặp trục trặc. Cứ như toàn bộ mọi thứ đã hỏng bét vì sự xuất hiện của gã quản lý. Ngay lúc này, gã quản lý nắm sức mạnh lớn hơn cả băng cướp.

  Và sau đó thì Joker đã dễ dàng lật ngược thế cờ, vậy là hắn trở thành mối hiểm hoạ lớn hơn. Cùng một lý thuyết này đã được áp dụng với gã tay sai Grumpy trong vụ cướp ngân hàng này và hầu hết những gì xảy ra với Joker trong cả phim. Hắn vượt qua những kẻ tưởng chừng đã nắm hắn trong lòng bàn tay.

  Ngoài ra, một phương pháp hype up khác chính là để cho các nhân vật xung quanh, và càng tốt nếu họ quan trọng, có uy tín ngoài kẻ phản diện nói về hắn, tỏ ra xem họ sợ hắn cỡ nào. Bởi vì người xem chỉ sợ và chấp nhận kẻ phản diện là một mối đe doạ nghiêm túc khi nhân vật họ đang theo dõi cũng thế. Đừng nên để kẻ phản diện tự khen Hype up mình quá, chả ai thích một thằng huênh hoang.

  Trong The Dark Knight, kể từ phút thứ 20, hơn phân nửa những lời thoại được các nhân vật nói ra đều tỏ ra rằng họ sợ hãi Joker cỡ nào, Joker có thể làm gì, Joker, Joker, Joker.

 

=> Hãy chơi trò power scaling với kẻ phản diện của bạn, và để nhiều nhân vật quan trọng bàn tán nghiêm túc rằng kẻ này đáng sợ cỡ nào.

 

-----0o0----

 

Chương 3:

Mỗi lời nói của một kẻ phản diện đều phải có sức nặng.

 

Why so serious?”

Sao nghiêm trọng thế?

                                  -Joker-

 

  Một trong những điều khiến cho kẻ phản diện trở nên đáng nhớ và nổi bật chính là những lời thoại của hắn. Bạn phải làm sao khiến cho lời thoại của hắn trở nên ấn tượng nhất có thể.

  Để làm được điều đi thì cần nhớ năm điều:

  -Giới hạn số lời thoại của kẻ phản diện lại một chút, đừng để cho hắn phải nói trong quá nhiều cảnh vô nghĩa. Gần như mọi lời nói của Joker đều có ý nghĩa, mục đích gì đó.

  -Lời thoại phải phù hợp với bản chất, tính cách của kẻ phản diện. Mọi lời thoại của Joker đều có gì đó bỡn cợt, coi thường mạng sống kẻ khác.

  -Lời thoại của kẻ phản diện phải chất chứa đầy cảm xúc của hắn. (Hoặc tỏ rõ, nhấn mạnh vào sự vô cảm, kỳ quặc, thiếu tự nhiên để tạo ra một kẻ rùng rợn, không giống con người) Joker luôn luôn lồng cảm xúc của mình vào từng lời thoại.

  -Quan trọng là lời thoại của kẻ phản diện phải có sức nặng, giống trọng lực, kéo hết sự chú ý của mọi nhân vật có mặt tại đó lẫn người xem về những lời hắn đang nói. Ngoài ra, mỗi lời hắn nói phải tạo một phản ứng, cảm xúc (sợ hãi, phẫn nộ, tuyệt vọng, bối rối,…) từ các nhân vật khác. Vài câu khích bác của Joker khiến Batman cũng mất bình tĩnh, mỗi lần hắn đe doạ gì đó thì cả thành phố như chìm trong tuyệt vọng, chỉ cần hắn dọa thôi không cần cho chứng cớ thì chẳng ai dám rời thành phố nữa.

  -Trong lời thoại, hãy cho người xem thông tin họ muốn biết, nhưng lại truyền đạt nó theo cách mà họ không ngờ tới. Đây là một cách để khiến lời thoại trở nên thú vị, có sự đa chiều và thu hút hơn. Một trong vô số ví dụ từ phim The Dark Knight là cảnh nói chuyện với lũ xã hội đen, sau khi cướp tiền từ ngân hàng của cả bọn, Joker đã bảo:

  “Ồ và nhân tiện, cái bộ vét này, nó chẳng rẻ đâu. Mày phải biết chứ nhỉ, chính mày mua nó mà?”

  Joker đã có thể nói thẳng ra rằng hắn mua bằng tiền của bọn chúng. Nhung bằng cách nói ẩn ý như vậy, thì thông tin khô khan, có thể bị ngó lơ dễ dàng đã trở nên thú vị hơn bội phần. Nếu bạn cho người xem đủ hết manh mối rõ ràng, cho họ suy nghĩ một tí tẹo để sắp xếp và hiểu được rằng thông tin đang truyền đạt là gì, thì họ sẽ bị cuốn hút vào lời thoại ấy. Đây là một thủ thuật không chỉ dùng trong thoại mà cả story telling nữa.

 

=> 5 bước để lời thoại của kẻ phản diện trở nên ấn tượng.

-Giới hạn lời thoại không cần thiết.

-Viết lời thoại phù hợp với bản chất.

-Làm cho lời thoại tràn đầy cảm xúc.

-Làm cho lời thoại có sức nặng, sức ảnh hưởng

-Lời thoại phải ẩn ý chứ không nói thẳng ra thông tin.

 

-----0o0----

 

Chương 4:

Kẻ phản diện không chỉ ngồi đó nói suông, hắn sẽ tự tay mình nhúng chàm.

 

“I’m a man of my word!”

“Tao nói được là làm được!”

                                  -Joker-

 

 Tuy lời thoại rất quan trọng, như đã nói ở trên, nhưng kẻ phản diện nói mà chẳng làm thì cũng vô nghĩa. Nói thì phải đi đôi với làm. Chẳng có gì đáng chán và đáng ngán hơn là nhìn một kẻ phản diện hợm hĩnh chỉ toàn nói.

  Thế nên, bất kỳ một lời nào kẻ phản diện nói ra, hắn phải có đủ khả năng để thực hiện được điều đó. Và hắn nhất định phải thực hiện điều đó.

  Ngoài ra, một kẻ phản diện chỉ ngồi đó chỉ tay năm ngón sẽ tạo một ấn tượng không tốt rằng hắn không thể tự mình làm gì.

  Như đã nói ở trước, một antagonist (kẻ phản diện) là kẻ tạo ra sự thay đổi không mong muốn, còn anh hùng mới là người phản ứng lại. Tức về vai trò, kẻ phản diện là chủ động, còn anh hùng là bị động (đây chỉ là khách quan, hoàn toàn có thể viết về nhân vật chủ động nếu muốn đó là tác phẩm với anh hùng làm chủ đạo)

  Một kẻ phản diện (có thể nhân vật chính) chủ động thực hiện kế hoạch và đẩy diễn biến của câu chuyện về phía trước sẽ khiến cho nhịp của cốt truyện trở nên cuốn hút hơn. Bởi vì khi mà người ta có mục đích rõ ràng, và họ thực sự chủ động theo đuổi thực hiện nó, mọi hành động của họ đều có ý nghĩa và mọi trở ngại đều gây cấn hơn vì chúng đều có thể ảnh hưởng tới kết quả, mục đích.

  Joker trong phim The Dark Knight luôn có mặt và nhúng tay vào việc thực hiện mọi tội ác hắn gây ra. Hắn trà trộn trong đám cướp ngân hàng. Một mình hắn đi vào phòng và nói chuyện với những tên xã hội đen cộm cán. Chính hắn lộ mặt ra và đưa ra đe doạ với người dân Gotham. Chính hắn đi ám sát Harvey Dent. Chính hắn đưa mình ra làm mồi để bị bắt và làm cho cảnh sát thiếu cảnh giác… toàn bộ đều một tay hắn thực hiện, hắn kiểm soát diễn biến của phim.

 

=> Hãy để kẻ phản diện của bạn chủ động theo đuổi, thực hiện kế hoạch của hắn.

 

-----0o0----

 

Chương 5:

Kẻ phản diện phải thực sự hùng mạnh và đáng sợ… đối với anh hùng.

 

“You have nothing! Nothing to threaten me with. Nothing to do with all your strength."

“Mày chẳng có một cái gì cả! Chẳng có gì để đe doạ tao! Chẳng thể làm được một điều gì với ngần ấy sức mạnh của mày.”

                                  -Joker-

 

  Trong cuốn “The Anatomy of a Story”, John Truby đã viết:

  “Hãy tạo một đối thủ… vô cùng giỏi trong việc nhắm vào điểm yếu lớn nhất của một anh hùng.”

  Bạn thật sự không cần phải tạo ra một kẻ thù với sức mạnh thần thánh gì cả, mà chỉ cần có thể khiến anh hùng của bạn phải khốn đốn vì biết đánh vào chỗ nào thực sự đau.

  Ngoài ra, từ lý thuyết cơ bản này có thể hiểu xa hơn là:

  -Kẻ phản diện phải là một kẻ có thể khiến sức mạnh của anh hùng trở thành vô nghĩa.

  -Kẻ phản diện có thể tìm ra điểm yếu của anh hùng.

  -Kẻ phản diện có thể làm được ít nhất một điều anh hùng có thể, nhưng còn tốt hơn nhờ vào bản chất của chúng.

  Trong The Dark Knight, Joker thực sự giỏi vô cùng trong việc đánh vào mọi điểm yếu của Batman, đẩy anh tới giới hạn.

  Hầu hết sức mạnh của Batman đến từ khả năng đe doạ kẻ địch. Hay nói đơn giản hơn, từ sức mạnh thể chất của anh. Và Joker tìm thấy niềm vui trong việc tạo ra những tình huống mà sức mạnh thể chất của anh là vô ích. Ví dụ như khi hắn bắt cóc Harvey Dent và Rachel.

  Vào cái ngày Batman xả thân cứu Rachel, anh đã để lộ điểm yếu lớn nhất của mình cho Joker lợi dụng rồi.

  Trong cảnh tra hỏi, chúng ta thật sự cảm thấy sự bất lực của Batman, khi mà mỗi nắm đấm anh giáng xuống đều là vô ích.

  “Mày chẳng có một cái gì cả! Chẳng có gì để đe doạ tao! Chẳng thể làm được một điều gì với ngần ấy sức mạnh của mày.”

  Khoảnh khắc đó, sức mạnh lớn nhất của Batman trở thành điểm yếu của anh. Joker có thể làm điều này là vì hắn không sợ đau đớn hay cái chết. Ngược lại, Joker còn muốn Batman giết hắn. Bởi vì hắn biết rõ rằng đạo lý của Batman được hình thành từ một luật đơn giản… Batman… không giết người. Dù đó là cách nhanh nhất và dễ dàng nhất để chấm dứt sự điên rồ của Joker.

  Thế nên, Joker càng gây ra hỗn loạn, càng giết thêm nhiều người, chúng ta càng nhận ra, đạo lý của Batman… cũng là một điểm yếu.

  Ngoài ra, Joker cũng đã sử dụng sức mạnh của Batman, đe doạ, nhưng với hiệu quả vượt xa anh.

  Bởi vì Batman “chơi theo luật”, điều tồi tệ nhất anh có thể làm là cho chúng vào tù hoặc viện. Nhưng Joker? Joker không hề chơi theo luật, Chúa mới biết hắn có thể làm gì.

  Và thế là toàn bộ thế giới ngầm của Gotham đã nằm trong tay Joker, bởi vì hắn đã trở thành biểu tượng của sự sợ hãi thay vì Batman.

 

=> Hãy tạo ra một kẻ phản diện cực giỏi trong việc khiến anh hùng phải khốn đốn.

 

-----0o0----

 

Chương 6:

Kẻ phản diện phải ép buộc anh hùng đưa ra những lựa chọn khó khăn.

 

Choose between one life or the other. Your friend, the district attorney, or his blushing bride-to-be…”

Hãy lựa chọn một trong hai mạng sống ấy. Bạn mày, thằng công tố viên, hay là con vợ sắp cưới với đôi má hồng của nó…”

                                  -Joker-

 

“Don't worry, I'm gonna tell you where they are. Both of them. And that's the point. You'll have to choose.

“Đừng lo. Tao sẽ nói cho mày nghe bọn nó ở đâu. Cả hai đứa nó. Và đó chính xác là cái điều quan trọng. Mày sẽ phải đưa ra lựa chọn.

                                  -Joker-

 

  Con người ta chỉ thể hiện rõ nhất mình là ai khi họ đưa ra quyết định dưới áp lực, áp lực càng lớn thì quyết định càng thực với bản chất của họ. Thế nên đây là một cách tốt để không chỉ xây dựng sự nguy hiểm của kẻ phản diện, mà còn để khán giả thấu hiểu anh hùng của bạn là người như thế nào.

  Trong bất kỷ câu chuyện nào, Kẻ phản diện cũng phải liên tục dồn ép người anh hùng, đẩy họ tới giới hạn và bắt họ phải đưa ra những lựa chọn càng lúc càng khó khăn hơn.

  Và kế hoạch của Joker trong cả bộ phim hả? Đẩy Batman tới giới hạn, bắt anh đưa ra những lựa chọn càng lúc càng khó khăn hơn.

  Vào trong tầm phút thứ 40 của phim, Joker đã trở thành tay lái cho diễn biến của cốt truyện. Với hành động đầu tiên là yêu cầu Batman phải cởi bỏ mặt nạ, nếu không hắn sẽ nhấn chìm Gotham vào hỗn loạn.

  Ban đầu, việc Batman không chấp nhận nghe theo lời của Joker làm chúng ta thấy anh là người có đủ khả năng để chống lại tên khủng bố này, nhưng trong xuyên suốt bộ phim, Joker là một kẻ gần như không thể ngăn chặn, luôn luôn đi trước anh một bước, mọi đầu mối, mọi hi vọng, đều chỉ là một phần kế hoạch của hắn để khiến Batman nằm trong lòng bàn tay mình.

  Trong xuyên suốt bộ phim, áp lực đè lên người Batman càng lúc càng nặng nề hơn khi mà mỗi ngày đều có thêm người chết.

  Đến cả những người dân Gotham được Batman bảo vệ cũng đã quay mặt lại với anh.

  Một Batman luôn tự cho mình là không có giới hạn… đã thực sự ngậm quả đắng.

  “Không, hôm nay tôi đã biết rằng Batman không thể làm được gì… Anh ấy không thể chịu được chuyện này.”

  Batman đã chịu thua và đưa ra quyết định khó khăn là lột bỏ lớp mặt nạ ấy đi trước công chúng. Điều duy nhất ngăn anh làm thế chính là việc Harvey Dent đứng ra thay anh nhận danh tính là Batman.

  Tuy nhiên, cái khoảnh khắc, cái lựa chọn thật sự cho ta thấy con người Batman, không, Bruce Wayne bên dưới lớp mặt nạ ấy là khi anh phải chọn giữa việc cứu lấy Harvey Dent, tương lai tươi sáng của Gotham và Rachel, cơ hội duy nhất để anh có một tương lai hạnh phúc bình thường.

  Và vào lúc ấy, ta đã biết rằng giới hạn mà Batman có thể sẵn sàng hi sinh những gì vì điều tốt hơn cho Gotham. Anh không thể hi sinh Rachel. Thế nên anh đã chọn cứu lấy cô ấy.

  Trong cả bộ phim, Joker ép Batman phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, để lộ ra con người của anh, ép buộc anh phải đối mặt với sự thật về bản thân mình.

  Vậy muốn tạo ra một lựa chọn khó khăn và quan trọng hơn, thu hút đến mức người xem thắt chặt cơ đít lúc nào không hay à? Bạn phải cần có sự kết hợp hoàn hảo của ba yếu tố:

  -Mục tiêu rõ ràng: mục tiêu ngắn gọn dễ hiểu cần đạt được nếu đưa ra lựa chọn này.

  -Thứ mà anh hùng đang đặt cược: Điều tồi tệ gì sẽ xảy ra nếu anh hùng đưa ra quyết định nào, thất bại hoặc không đưa ra quyết định. Hay nói đúng hơn, tại sao mà anh hùng phải đưa ra lựa chọn đúng và thành công. (Một lời khuyên, hãy làm mục tiêu bị đe doạ này nó cá nhân hoá đối với anh hùng, như người thân hay lý tưởng chẳng hạn, và có khả năng thực sự xảy ra, mấy thứ như nổ tung Trái Đất sẽ có thể khá khó thu hút vì ta biết cốt truyện vẫn phải còn tiếp, nổ banh Trái Đất thì còn gì mà tiếp?)

  -Sự khẩn cấp của vấn đề: Anh hùng có một thời gian ngắn tới mức không có chỗ cho dù chỉ một chút đắn đo suy nghĩ.

  Cảnh chọn giữa Harvey Dent và Rachel hội đủ ba yếu tố ấy và chúng được làm tới mức hoàn hảo.

  -Mực tiêu: Cứu lấy Harvey Dent hoặc Rachel

  -Thứ bị đe doạ: Tương lai của Gotham hoặc tương lai của Bruce Wayne có thể bị nổ tung nếu chọn một trong hai.

  -Sự khẩn cấp: Batman chỉ có vừa đủ thời gian để cứu một trong hai mà thôi.

  Mà thực sự đây không chỉ áp dụng được cho một phân đoạn lựa chọn khó khăn, bạn nên áp dụng cả ba điều này cho cả cốt truyện của bất kỳ cảnh nào muốn tạo sự hứng thú của độc giả.

 

=> Bắt anh hùng đưa ra lựa chọn khó khăn, với sự kết hợp của ba yếu tố bị đẩy tới cực hạn: mục tiêu, mối đe doạ, sự khẩn cấp.

 

-----0o0----

 

Chương 7:

Kẻ phản diện phải là anh hùng trong câu chuyện của chính hắn.

 

“I’ll show you. When the chips are down, these... these civilized people, they'll eat each other. See, I'm not a monster. I'm just ahead of the curve.”

“Tao sẽ cho mày thấy. Khi gặp tình thế dầu sôi lửa bỏng, những kẻ… những con người văn minh này, bọn chúng nó sẽ cấu xé nhau mà sống. Nghe này, tao nào phải một con quái vật. Tao chỉ là kẻ đi trước thời đại mà thôi.”

                                  -Joker-

 

  Nhiều người cứ nghĩ rằng kẻ phản diện chỉ cần làm điều ác vì hắn là người độc ác. Nhưng xin thưa với các bạn, thằng kẻ phản diện nhạt nhẽo hai xu một chiều ấy chẳng ai thèm nhớ đâu. Một kẻ phản diện đích thực thì phải đa chiều và có chiều sâu về nhân cách cơ. Vậy bước đầu tiên để thực hiện điều này là gì? Hãy để cho kẻ phản diện tin vào điều hắn làm, rằng hắn không phải kẻ phản diện, hắn là anh hùng thầm lặng, là một kẻ bị xã hội hiểu nhầm trong suy nghĩ của kẻ phản diện.

  Vậy để làm việc này, thì ta cần phải cho người xem hiểu được tại sao hắn làm thế nhưng không có nghĩa là nhất định phải đồng ý với điều hắn làm. Nhớ nhé, họ phải hiểu được lý do tại sao, một lý do rất con người mà kẻ phản diện lại sẵn sàng làm những điều trái với đạo lý con người, thay vì một điều gì đó rỗng toác và làm cho có như “vì hắn ác”. Có thế thì họ mới “đồng cảm” và thấy rằng một kẻ như vậy có thật trên đời.

  Về cách để viết một kẻ phản diện mà ta thực sự đồng cảm và ủng hộ (và rợn người sau khi nhận ra mình làm thế), tôi có thể sẽ viết rõ ràng sau khi đã xem lại Joker của Joaquin Phoenix. Nhưng nói đơn giản nhất thì cứ kết hợp kỹ năng viết “chọc chó, chó cắn đừng than”, hay “hành hạ nhân vật chính, để nhân vật chính chống trả”.

Anh Ocean Nguyen đã viết:

 

"Muốn người ta ủng hộ lý tưởng của phản diện thì phản diện phải đại diện cho ý thức hệ (ideology) chứ ko phải ý thức cá nhân.

 

Bi kịch thì có thể là bi kịch cá nhân.

 

But why stop there? (Mà sao phải dừng ở đó?)

 

Bi kịch cá nhân của phản diện có thể chỉ là one in a million (một trong hàng triệu) những bi kịch tương tự mà ko ai đứng dậy chống trả ngoài anh phản diện.

 

Tới lúc đó thì hành động chống trả nó mang tính ý thức hệ rồi chứ ko còn cá nhân nữa.

 

Lúc này bảo đảm anh phản diện sẽ có fan.

 

Bạn bị người ta giật mất cây kẹo mút? Boo hoo hoo poor you~

 

Nhưng có rất nhiều người bị giật kẹo mút thì lại khác."

 

  Và chúng ta cũng có thể chứng minh rằng kẻ phản diện đúng (có thể là trong một những trường hợp nhất định hoặc góc nhìn phiến diện trong vài tình huống), tuy là nghe có hơi trái chiều. Nhưng khi mà những lời phê bình xã hội của kẻ phản diện là đúng, thì cả thế giới quan của câu chuyện sẽ rất có chiều sâu, và hành trình chứng minh rằng những gì hắn làm là sai sẽ còn có sức rung động hơn.

  Trong The Dark Knight, Joker tin rằng mọi người đều giống như hắn thẳm sâu bên dưới. Và nhất là Batman, người đại diện cho tất cả nhũng gì hắn không phải: luật pháp, sức mạnh, nhân tính, đạo đức, sự kiểm soát. Hắn muốn đẩy anh tới giới hạn và cho anh thấy rằng cả thế giới này cũng đầy rẫy những kẻ như hắn, những kẻ mà chỉ cần một ngày tồi tệ thôi là cũng đã đủ để biến họ thành hỗn loạn, những con thú đang vận trang phục trên người và diễn một màn kịch xã hội mà thôi.

  Hắn không nghĩ những gì mình đang làm là sai, vì quả thật, ngay cả Hiệp Sĩ Trắng, Harvey Dent cũng là một người dựa dẫm vào sự bất công. Và có nhiều người sẵn sàng lên tiếng đòi lấy mạng người khác khi mạng sống của họ và người thân họ bị đe doạ.

 

=> Một kẻ phản diện đa chiều là một kẻ phản diện đáng nhớ, một kẻ phản diện vì hắn ácthằng nào ai nhớ? Có ai nhớ Malekith là ai, của phim nào không?

 

-----0o0----

 

Chương 8:

Muốn xung đột xảy ra, mục tiêu của kẻ phản diện và anh hùng phải xung đột lẫn nhau.

 

“It’s not about money… it’s about sending a message.

“Mục đích của tao nào có phải là vì tiền… mà là để gửi một thông điệp.

                                  -Joker-

 

“You didn’t think I would risk losing the battle for Gotham’s soul in a fistfight with you?”

“Mày không nghĩ là tao sẽ mạo hiểm việc thua cuộc chiến giành lấy linh hồn của Gotham trong một trận đánh tay đôi với mày đó chứ?”

                                  -Joker-

 

  Anh hùng và kẻ phản diện đối đầu nhau, thì cả hai phải va chạm với nhau trước đã. Nếu miêu tả mục đích của cả hai là hai đường thẳng, chúng phải giao vào nhau chứ không song song. Đây là một bước cần thiết để tạo ra một kẻ phản diện đặc biệt dành riêng cho anh hùng của bạn.

  Và để làm được điều này thì không chỉ kẻ phản diện, mà cả nhân vật chính đều phải có một mục đích được thiết lập từ trước mà cả hai đều đang cố thực hiện xuyên suốt cốt truyện. Và lý do hai mục đích này giao nhau, gây ra xung đột phải thật tự nhiên và có phần cá nhân nếu được.

  Đây phải là kiểu xung đột mà chỉ một trong hai mục đích có thể được thực hiện. Và nếu một bên thành công, thì mục đích của bên còn lại sẽ bị huỷ hoại. Hoặc tốt hơn nữa, mục đích của một bên là viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với bên kia và ngược lại.

  Khi mà ta biết rằng cả hai phe cần triệt hạ nhau để thực hiện mục đích của mình, như đã nói ở chương 7, bất kỳ điều gì họ làm cũng có ý nghĩa và sức nặng hơn vì nó trực tiếp làm ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện mục đích của đối phương.

  Joker và Batman thực sự có chung một mục tiêu là nhào nặn Gotham theo ý của riêng mình.

  Batman muốn sự trật tự và yên bình.

  Joker muốn sự hỗn loạn và huỷ diệt.

  Và trong cả trận đấu cuối cùng giữa cả hai, Joker cũng có một lời thoại cho thấy hắn hiểu rõ cả hai đang tranh đấu vì cái gì.

  “Mày không nghĩ là tao sẽ mạo hiểm việc thua cuộc chiến giành lấy linh hồn của Gotham trong một trận đánh tay đôi với mày đó chứ?”

  Cả hai đang chiến đấu để giành lấy linh hồn của Gotham. Và chỉ một trong hai người có thể chiến thắng.

 

=> Mục tiêu của cả anh hùng lẫn kẻ phản diện phải giao nhau thật tự nhiên để tạo nên xung đột.

 

-----0o0----

 

Chương 9:

Mối quan hệ mật thiết giữa kẻ phản diện và anh hùng.

 

“You complete me!”

“Mày hoàn thiện tao!”

                                  -Joker-

 

  Đây là điều quan trọng nhất của một kẻ phản diện, mối quan hệ giữa hắn và người anh hùng. Hai thằng ất ơ chả liên quan gì tới nhau đánh nhau nó đáng chán và nhạt nhẽo lắm.

  Anh hùng và kẻ phản diện sinh ra là dành cho nhau, số phận quyết định cả hai phải xung đột. Cả hai như hai mảnh của một câu đố, không hoàn chỉnh và đầy lỗi khi ở riêng nhưng lại ghép thành một khối hoàn hảo, một cuộc xung đột bù trừ lẫn nhau kéo dài tới vĩnh viễn.

   Đây là lý do tại sao tôi không thích kiểu nhân vật Marie Sue, Gary Stu làm được mọi thứ, không điểm yếu lẫn lỗi về nhân cách, vì rất khó để có một kẻ phản diện thú vị dành cho kẻ như thế. Và ngoài ra, đây là lý do tôi luôn khuyên trước khi viết truyện, bạn phải thấu hiểu nhân vật chính của mình là người như thế nào, đại diện cho lý tưởng nào. Biết nhân vật là ai thì mới tạo được một kẻ phản diện tối thượng cho người đó. Bởi vì kẻ phản diện và anh hùng là hai mặt của một đồng xu.

  Ok, nói về mối quan hệ giữa kẻ phản diện và anh hùng nào. Mối quan hệ ở đây có thể là tư thù, hoặc quan hệ người quen, gia đình, vv…

  Tuy nhiên, đó chỉ là cơ bản, là bề nổi và chưa đầy đủ, mối quan hệ giữa kẻ phản diện và anh hùng phải có chiều sâu hơn nữa, về bản chất của cả hai, về những gì họ đại diện.

  Có năm dạng liên hệ chính thường thấy ở một kẻ phản diện với anh hùng:

  -Kẻ phản diện đối nghịch hoàn toàn với anh hùng: anh hùng có những phẩm chất gì, đại diện cho bất kỳ thứ gì, thì kẻ phản diện phải có những bản tính ngược lại, đại diện những thứ đối nghịch.

  -Kẻ phản diện là lời cảnh tỉnh cho anh hùng về tương lai của mình: Kẻ phản diện có thể đã từng có cùng lý tưởng với anh hùng hiện tại, nhưng biến đổi trên con đường thực hiện nó, là đại diện cho những gì mà người anh hùng có thể trở thành nếu không chịu thay đổi hoặc để bản thân sai một bước nào đó.

  -Kẻ phản diện chính là hiện thân của những sai lầm trong quá khứ mà anh hùng đã gây ra: Một cú nhắc nhở từ quá khứ, kẻ phản diện này có thể giống với anh hùng trước đây, hội tụ đủ những lỗi lầm đó, hoặc bị trực tiếp (hay gián tiếp) tạo ra bởi một quyết định sai lầm của anh hùng trong quá khứ, trở lại để ám ảnh.

  -Kẻ phản diện rất giống anh hùng, nhưng lại có những điểm khác về lý tưởng, với những đặc điểm của anh hùng bị biến dị hoặc đẩy tới cực hạn: Gần giống như ta nhìn một tấm gương bị nứt vậy, kẻ đó giống anh hùng, nhưng lại có chút gì đó sai sót về mặt nền tảng, một kiểu quan hệ sẽ mang lại nhiều phản ứng thú vị

  -Kẻ phản diện là hiện thân của tất cả những gì anh hùng muốn chống lại: câu này nó đã tự giải thích rồi, biến kẻ phản diện trở thành kẻ hội tụ mọi thứ mà anh hùng cho là sai thôi.

  Ngoài ra, còn có một kiểu quan hệ tương quan đối lập nữa, gọi là đối nghịch kép, là tiến hoá của tương quan đối nghịch: Khi mà bề ngoài và cá tính của anh hùng và kẻ phản diện không chỉ đối lập nhau, mà còn đối lập với chính bản thân. Ví dụ một người tốt bụng vô cùng lại trông giống một thằng du côn du đảng trong khi kẻ thù truyền kiếp lại là một tên giết người khoác trên người bộ quần áo công sở đàng hoàng, đứng đắn. Đây là một cách làm vô cùng thú vị đến từ tác phẩm JoJo’s Bizarre Adventures Part 4.

  Anh Ocean Nguyen đã có góp ý thêm một kiểu quan hệ tương quan giữa anh hùng và kẻ phản diện nữa, đó là:

  Kẻ phản diện và anh hùng là hai mặt đồng xu: Tức là nhân vật A và B cùng hứng chịu một bi kịch như nhau nhưng cách họ phản ứng lại thì khác nhau hoàn toàn, thậm chí mâu thuẫn.

 

  Joker là một sự đối nghịch hoàn toàn trên hầu hết mọi phương diện đối với Batman.

Batman sử dụng công nghệ tiên tiến trị giá hàng triệu đô, hắn sử dụng mấy thứ rẻ tiền như súng, thuốc nổ và xăng. Batman cực kỳ giỏi võ thuật và biết kiểm soát bản thân, Joker thì đánh đấm không quá nổi bật, đến một gã quản lý ngân hàng cầm súng cũng đủ khiến hắn lui xuống.

Batman đại diện cho trật tự, Joker là hiện thân của sự hỗn mang. Batman che đi danh tính của mình bên dưới lớp mặt nạ ấy, Joker không hề có một danh tính nào khác, hắn là Joker, hắn phô diễn điều đó với mọi người. Batman có nhiều điểm yếu, Joker thì không quan tâm bất kỳ thứ gì để có thể thực sự gọi là điểm yếu.

  Batman tin vào lòng tốt của con người, Joker tin rằng mọi người đều là những con thú tồi tệ.

  Đây là một sự tương quan đối lập rõ ràng.

  Ngoài ra, giờ sẵn đang nói về mối quan hệ, tương quan của anh hùng và kẻ phản diện, tôi sẽ nói về cách để viết một trận chiến cuối cùng đầy căng thẳng.

  Đó chính là sử dụng thật tốt ba yếu tố đã nhắc đến trong chương 7.

  Trong cảnh đối đầu của The Dark Knight, Joker đã gài bom hai con thuyền, một bên chở người dân, bên kia chở tội phạm. Mỗi bên có công tắc để kích nổ tàu đối diện, chỉ cần một tàu phát nổ hắn sẽ tha cho bên còn lại. Và nếu trước 12 giờ đêm mà không có tàu nào nổ, hắn sẽ cho cả hai chiếc tàu nổ tung.

  -Mục tiêu: Đánh bại Joker, cứu con tin.

  -Thứ bị đe doạ: mạng sống của những con tin trên hai con thuyền.

  -Sự khẩn cấp: Batman chỉ có chưa tới 10 phút để làm mọi thứ, trước nửa đêm, khi hai con thuyền sẽ nổ tung cùng lúc. Nhưng tồi tệ hơn, một trong hai con thuyền có thể phát nổ bất kỳ lúc nào nếu có một bên chịu không nổi áp lực.

  Trong đó, yếu tố thứ bị đe doạ là một hiểm hoạ có tầm nhỏ hơn và cô đọng hơn. Không phải là một cỗ máy gì đó chuẩn bị cho nổ tung Trái Đất (thứ mà chúng ta khó tin là có thể xảy ra vì câu chuyện vẫn cần tiếp tục, nổ thì còn gì mà tiếp). Mà là một điều rất có khả năng xảy ra, bộ phim có thể cho một hoặc cả hai con thuyền nổ tung và còn phần tiếp giải quyết vấn đề này nên khán giả phải nín thở thấp thỏm. Đây là một mối đe doạ nhỏ hơn, cá nhân hơn, hoàn toàn có thể xảy ra.

  Ngoài ra, trong trận chiến cuối cùng, hãy làm cho nó có chủ đề, có sự đại diện cho hai lý tưởng đấu đá nhau thay vì chỉ là một trận đánh chay nhàm chán.

  Lý tưởng của Joker như đã nói rằng con người ai cũng xấu xí về tâm can như hắn.

  Lý tưởng của Batman thì tin vào lòng tốt của con người, tin vào công lý.

  Joker không thực sự thua vì hắn bị Batman đấm ra bã. Joker thua vào cái khoảnh khắc 12 giờ đã đến và qua, chẳng một thuyền nào phát nổ cả, khi mà những điều hắn tin tưởng… là sai. Khi mà một tên phạm nhân, một kẻ đáng lẽ là tồi tệ, đã dũng cảm vứt kích nổ của tàu đối diện đi. Khi mà một người đàn ông không thể xuống tay giết phạm nhân, không muốn để máu thấm tay mình.

  Đó là một trận chiến có chủ đề, một cuộc đối đầu của hai lý tưởng. Một trận chiến có sức thu hút, rung động hơn chỉ đơn giản là hai thằng ăn mặc dị hợm đấm nhau.

 

=> Anh hùng và kẻ phản diện không thể thiếu nhau, hãy tạo ra một kẻ phản diện phù hợp dành riêng cho anh hùng của bạn.

 

-----0o0----

 

Chương 10:

Kẻ phản diện… thắng sao?

 

“Don't talk like one of them, you're not! Even if you'd like to be. To them, you're just a freak, like me. They need you right now. But when they don't, they'll cast you out, like a leper.”

“Đừng có nói chuyện như thể mày là một kẻ giống chúng, mày không phải đâu! Dù là mày muốn được giống như chúng đấy. Đối với chúng, mày chỉ là một thằng bệnh, hệt như tao. Giờ thì chúng nó đang cần mày. Nhưng khi mà chẳng cần nữa, chúng sẽ hắt hủi mày đi, như một thằng bệnh cùi.”

                                  -Joker-

 

“I took Gotham's white knight and I brought him down to our level. It wasn't hard. You see, madness, as you know, is like gravity. All it takes is a little push!”

“Tao đã nắm lấy hiệp sĩ trắng của Gotham và kéo hắn xuống ngang hàng với hai ta. Cũng chẳng khó lắm đâu. Mày biết đấy, sự điên loạn cũng giống như trọng lực vậy. Tất cả những gì mày cần chỉ là một cú huých nhẹ!”

                                  -Joker-

 

  Chương cuối cùng, cách để tạo ra một kẻ phản diện đáng nhớ, một kẻ phản diện tuyệt vời chính là… để cho hắn thắng, hoàn toàn hợp lệ và đầy thuyết phục.

  Kể từ khoảnh khắc một kẻ phản diện tối thượng xuất hiện, hắn phải thắng, thắng càng nhiều càng tốt. Chỉ khi kẻ phản diện thắng thì hắn mới đứng ở một mức cao hơn anh hùng, và chúng ta cần điều này để khán giả quan tâm khi theo dõi hành trình chống lại kẻ thù của anh hùng.

  Ngay cả những chiến thắng mà anh hùng đạt được trước trận chiến cuối cùng cũng phải cảm thấy thật nhỏ nhoi, và hụt hẫng khi so sánh với những gì anh hùng đã phải đánh đổi. Hoặc chính kẻ phản diện để anh hùng thắng để có một lợi thế hơn.

  Kẻ phản diện càng mạnh mẽ, càng tước đi nhiều thứ của anh hùng, thì khán giả càng muốn theo dõi trận chiến cuối cùng giữa cả hai.

  Anh hùng chỉ nên thực sự chiến thắng trong cuộc đối đầu cuối cùng. Và ngay cả thế, những điều tồi tệ mà kẻ phản diện đã gây ra cũng không hoàn toàn bị xoá đi được, mọi thứ đều có hậu quả. Vết thương thì có thể lành, nhưng sẹo sẽ chẳng tài nào biến mất.

  Tuy nhiên, cũng phải thật khéo léo đừng khiến người xem ức chế. Để làm được điều này thì cần đến từ cả hai phía là kẻ phản diện và anh hùng.

  -Từ kẻ phản diện: Mọi chiến thắng của hắn đều phải thật thuyết phục, không hề có plot armor nếu được, chẳng ai than phiền được gì cả. Nếu được thì hãy để cho hắn cũng phải hi sinh nhiều thứ để đạt được mục đích này. Ngoài ra nếu được thì áp dụng chương 4, để kẻ phản diện chủ động tự đặt mình vào nguy hiểm để theo đuổi mục đích sẽ giúp người xem chấp nhận nỗ lực của hắn. Và đừng để hắn làm gì quá thiếu tôn trọng với trải nghiệm người xem như r*pe, vv… Một kẻ phản diện đáng tôn trọng còn có giá trị hơn một kẻ phản diện đáng căm thù đối với một tác phẩm.

  -Từ anh hùng: Anh hùng thất bại, mất mát có thể đau khổ, có thể tức giận, nhưng không được giãy khóc như con nít, chẳng ai muốn thấy một đứa trẻ lớn xác khóc và than vãn cả, nuốt ngược nước mắt vào trong đi, cắn răng chịu đựng đi, dù nó đau đớn cỡ nào đi nữa. Dù cho có bị đánh bại bao nhiêu lần thì cũng không được để những điều tốt trong nhân cách sụp đổ. Người ta bảo lửa thử vàng, gian nan thử sức. Một anh hùng phải vững vàng đứng dậy, mạnh hơn, thông minh hơn sau mỗi lần ngã xuống. Không bao giờ để một lỗi lầm lặp lại lần nữa. Nếu anh hùng có thể cắn răng chịu đựng được thì người xem có quyền gì để nói hay than phiền chứ? Và người xem sẽ càng thấy gắn bó, muốn cổ vũ anh hùng nữa.

 

  Vào khởi đầu của phim, Batman tin rằng mọi kẻ phản diện đều chỉ theo tiền bạc, rằng có một quy luật logic đối với mọi thứ. Nhưng anh đã học rằng không được coi thường kẻ địch của mình, rằng chính sức mạnh của anh cũng có thể trở thành điểm yếu. Batman trở nên thông minh hơn nhờ vào Joker.

  Batman hiểu ra rằng, khi ở một mình, bản thân anh có giới hạn. Nhưng với những đồng đội phù hợp và đáng tin cậy, họ có thể vượt qua mọi thử thách. Quyết tâm của Batman trở nên vững vàng hơn nhờ vào Joker.

  Và trong trận chiến giành lấy “linh hồn của Gotham”, Batman đã học được rằng anh có thể đưa ra một quyết định khó khăn mà không một ai khác có thể. Anh huỷ hoại hình tượng của Batman để giữ hình tượng hiệp sĩ trắng Harvey Dent đẹp mãi trong lòng người.

 

  “Con người ta hoặc là chết như một anh hùng, hoặc sống đủ lâu để thấy chính mình trở thành kẻ phản diện. Tôi có thể làm những điều này vì tôi không phải là anh hùng. Tôi là bất kỳ thứ gì Gotham cần tôi trở thành.”

                    -Batman-

 

  Batman có thể trở thành một người như vậy nhờ vào Joker.

  Dù cho Joker đã thắng, hắn đã đúng, Batman bị Gotham hắt hủi, truy lùng, anh thực sự đã phá quy tắc duy nhất của mình, anh đã tự tay giết chết Harvey Dent.

  Nhưng… Batman… là một anh hùng mà Gotham xứng đáng có, nhưng không phải là người anh hùng nó cần ngay lúc này… Anh là một người bảo hộ thầm lặng… một người bảo vệ luôn dõi theo… một Hiệp Sĩ Bóng Đêm.

 

  -----0o0----

 

  Bộ phim The Dark Knight là một ví dụ điển hình về chuyện gì sẽ xảy ra khi thế lực thù địch phát triển từ chính bản thân nhân vật chính. Khi mà cả hai đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Khi mà… chúng chỉ là hai mặt của một đồng xu.

  Joker không phải là một kẻ phản diện hoàn hảo vì hắn có điệu cười điên rồ hay hành động không thể dự đoán được.

  Hắn là một kẻ phản diện hoàn hảo vì hắn có một tác động sâu đậm đến cốt truyện và nhân vật chính.

  Joker là kẻ phản diện hoàn hảo dành riêng cho The Dark Knight.

  Thế nên nếu muốn tạo ra một kẻ phản diện hoàn hảo, đừng bắt chước Joker. Đừng bắt chước điệu cười, đừng bắt chước sự điên rồ.

  Hãy tạo ra một kẻ phản diện khuấy đảo, gây ra sự kinh hoàng với thế giới.

  Hãy tạo ra một kẻ phản diện với những lời thoại ấn tượng và lạnh sống lưng.

  Hãy tạo ra một kẻ phản diện nói được là làm được.

  Hãy tạo ra một kẻ phản diện khiến anh hùng của bạn khốn đốn, ép buộc người đó lộ ra bản chất của mình là ai trong hành trình tranh đấu vì mục đích.

  Hãy tạo ra một kẻ phản diện hoàn hảo… dành riêng cho anh hùng của bạn.

 

-----0o0----

 

File bản Word dễ đọc hơn nếu có ai cần: https://docs.google.com/file/d/18RZLDwnTW2DwGZ1pPjBdw5ejSQT4uhkr/edit?usp=docslist_api&filetype=msword

 

Truyện sáng tác

32 Bình luận

Theo tui một phản diện hoàn hảo là khi người xem không hề ghét phản diện mà thậm chí có thể sẽ yêu luôn cả nhân vật đấy ---ý kiến riêng thôi trước giờ xem chỉ thấy mấy phản diện hay mình chả có ác cảm gì cả
Xem thêm
AUTHOR
when you realize the villain make sense*
Xem thêm
How about Anton Chigurh? Và thêm một câu nữa, phản diện như hắn có tính là hoàn hảo không?
Xem thêm
haizz điều đáng buồn cũng như đáng trách của tôi là khi tôi coi The Dark Knight của Christopher Nolan tôi đã hoàn toàn chìm vào cơn buồn ngủ vào nữa sau của phim. Tôi cứ tưởng lúc đấy mình mệt lúc đấy tôi chỉ ngủ được tb 5h một ngày nên mới ngủ nhưng về sau khi tôi coi lại lần 2 tôi cũng đã chìm vào giấc ngủ tiếp T_T theo tui thì do phim nói nhiều quá nên dẫn đến chán nản buồn ngủ tui xin lỗi
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
?
Box này chưa sửa xong một lỗi nghiêm trọng mà đàn anh chỉ ra nên chưa hoàn chỉnh rồi.
Xem thêm
TRANS
Bình luận đã bị xóa bởi ヨ000
TRANS
bravo bravo làm thêm bài về thượng tá Landa và cách để tạo ra một người hùng nào
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Thượng tá Landa là áp dụng hết từ chương 1 đến 9 rồi. Chẳng qua ít đối mặt với nhóm của Raine nên không gọi là xung đột hoàn toàn. Nếu có viết về Landa, thì sẽ là cách tạo ra kẻ ác đáng sợ.
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Người hùng thì tuỳ mỗi người viết, nên không thể gộp chung quy vào “người hùng hoàn hảo” được, nhưng nói chung thì sử dụng chương 2, chương 3 chương 4 với mục tiêu là anh hùng. Chương 6 tới 10 thì là mối quan hệ cộng sinh giữa anh hùng và kẻ ác cứ theo đấy mà làm.
Xem thêm
Xem thêm 5 trả lời
AUTHOR
Not gonna lie, khi hỏi Malekith là ai thì mị lại nhớ đó là ai lol don't kill me.
Dù sao thì cái bài phân tích này thật sự giúp ích và phân tích khá rõ những điều cần có để tạo ra một kẻ phản diện đủ "mạnh". Mị học hỏi được kha khá và thấy khớp kha khá vài thứ mình đã dựng sẵn kẻ phản diện của truyện mình :> good work.
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Kill cái gì, đến tui còn nhớ vì meme thằng này là nhân vật kẻ ác nhạt nhẽo cỡ nào :)))
Xem thêm
Số 6 làm tôi suy nghĩ 873714980049023006.gif?v=1 kha khá
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Thực sự số 6 rất là quan trọng đó.
Xem thêm
AUTHOR
Tâm đắc nhất chương 9 ạ. Làm anh phải ngẫm lại về phản diện trong truyện mình để định hình họ rõ hơn. Trước giờ anh theo chủ nghĩa gray area nên phản diện với chính diện ai cũng ác và đáng thông cảm như ai. Có lẽ giờ phải làm ra ngô ra khoai rồi, dù sao cũng đã tới quyển 2.
À, anh bổ sung thêm một kiểu phản diện nữa (hơi trừu tượng xíu). Tạm gọi là hai mặt đồng xu nhé. Tức là nhân vật A và B cùng hứng chịu một bi kịch như nhau nhưng cách họ respond lại thì khác nhau hoàn toàn, thậm chí mâu thuẫn. Từ đó, A là phản diện trong mắt B, và B là phản diện trong mắt A. Còn ai là phản diện trong mắt độc giả thì tác giả sẽ để cho mỗi người đọc tự quyết định (và cãi lộn cho vui). Lollll~
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Ồ, cái đó là em đang diễn đạt trong dạng quan hệ tương quan thứ 4, mà viết hơi thiếu ý :v
Để em thêm vào như một cái khác biệt luôn, cảm ơn anh đã đọc nhiều lắm :)
Xem thêm
AUTHOR
Trước giờ build phản diện rất tâm đắc cái này
" Ngoài ra, một phương pháp hype up khác chính là để cho các nhân vật khác ngoài kẻ ác nói về hắn, tỏ ra xem họ sợ hắn cỡ nào. Bởi vì người xem chỉ sợ và chấp nhận kẻ ác là một mối đe doạ nghiêm túc khi nhân vật họ đang theo dõi cũng thế. Đừng nên để kẻ ác tự khen Hype up mình quá, chả ai thích một thằng huênh hoang. "
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Chuẩn luôn ấy, một bước cực kỳ quan trọng và hiệu quả để làm kẻ ác đáng sợ
Xem thêm
AUTHOR
@volatile: chính ra t nghe cái này đầu tiên ko phải bài viết về Joker, mà là về John Wick
Xem thêm
Xem thêm 1 trả lời
CHỦ THỚT
AUTHOR
Vì muốn được bằng anh bằng chị với anh Giáo và lão Muối nên tôi mạn phép đăng một thứ tôi có hứng thú với cũng nghiên cứu một thời gian rồi, cách để tạo ra một kẻ ác tối thượng.
Xem thêm
TRANS
AI MASTER
joker%2Bquotes.webp
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Lộn người rồi
Xem thêm
TRANS
AI MASTER
@volatile: sory topic dài quá nên ko đọc
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Hallo babe
Xem thêm