Tập 07 (cuối) : Đoạt lại kinh đô
Hồi 1 : Gió tanh mưa máu (5)
0 Bình luận - Độ dài: 2,896 từ - Cập nhật:
Sau khi dẹp yên hải tặc hoành hành ở biển nam, thái tử Arslan đã thiết lập quyền cai trị của mình ở thành phố cảng Gilan. Khối tài sản khổng lồ của Gilan nằm trong tay Arslan chi phối. Dù chỉ huy động được không tới 3 vạn quân nhưng lượng ngân sách lại khiến người ta choáng váng, ngay cả vua Andragoras cũng thua xa Arslan về mặt này.
Người chịu trách nhiệm quản lý quân lương, vận chuyển, hậu cần chính là Gurazeh, một thương nhân ở cảng Gilan. Anh ta dùng tuyến đường thủy trên sông Oxus để chuyển hết những vật tư cần thiết cho 2 vạn người dùng trong nửa năm, để họ tiến về phương bắc. Binh lính được chia thành các nhóm 100 người, triển khai ở những nơi quan trọng để tăng cường an ninh. Bản thân Gurazeh cũng chỉ huy 3000 binh sĩ, đóng bên sông Oxus, làm nhiệm vụ tiếp tế cho quân Arslan bằng đường bộ. Nếu binh lính, quân lương hay dược phẩm cần bổ sung thì họ có thể dùng đường thủy liên lạc với cảng Gilan. Ngoài ra, chỉ cần có trong tay 3000 quân thì không cần lo hải tặc tấn công nữa.
Gurazeh chẳng những là thương nhân, mà còn là một thủy thủ, một chiến binh dũng cảm. Anh ta hiểu rõ đối với một đội quân, tiền bạc và lương thực quan trọng ra sao, và việc đảm bảm thông suốt con đường vận chuyển ra tiền tuyến đóng vai trò to lớn như thế nào. Tìm được người này về hỗ trợ, Narsus không thể vui mừng hơn.
Khi còn nhỏ, Narsus theo học tại học viện hoàng gia, nơi dành cho các quý tộc. Có lần thầy giáo hỏi anh “viết ra hai điều kiện tiên quyết để đánh giặc”, câu trả lời của Narsus là “tiền bạc và lương thực” trong khi thầy giáo lại nói là “trí tuệ và lòng dũng cảm.” Narsus bị cho điểm thấp vì trả lời sai. Anh vô cùng thất vọng và lớn tiếng bảo vệ quan điểm của mình.
“Ta biết trên đời này có nhiều kẻ ngu ngốc, cho nên ta dễ dàng thắng trận. Trí tuệ và lòng can đảm có thể xuất hiện từ hư không, nhưng tiền bạc và lương thực thì làm gì có chuyện đó.”
Nhận thức lạnh lùng về hiện thực lẫn lý tưởng cao xa về việc xóa bỏ chế độ nô lệ lúc nào cũng không ngừng đấu tranh trong tâm trí Narsus. Có lẽ thái độ anh với vua Andragoras chính là sự bác bỏ thực tế của anh.
“Dù có trung thành với bệ hạ đến mấy cũng chẳng bao giờ được khen ngợi. Vậy thì chẳng bằng cứ trung thành ở mức vừa phải thôi, rồi làm những gì mình muốn, thế chẳng tốt hơn ư?”
Đó là những gì Narsus nghĩ. Theo anh, trung thành và lòng nhân ái không phải lúc nào cũng song hành với nhau. Thật vô nghĩa khi cứ một mực đi theo kẻ không hiểu nổi lòng trung. Dù anh không xúi giục Arslan một cách trắng trợn như vậy nhưng cuối cùng thái tử cũng đã từng bước rời bỏ cha mình, chuẩn bị cho quyền lực độc lập.
Arslan chưa tròn 15 tuổi, vẫn chỉ là một thiếu niên nhưng đã phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề của thân phận thái tử, và cũng là vị vua tương lai của vương quốc Pars. Chàng từng thảo luận với quân sư Narsus để củng cố niềm tin của mình.
Arslan khẳng định họ phải giải phóng Ecbatana khỏi ách thống trị của người Lusitania bằng chính sức mạnh của Pars. Ecbatana đã từng một lần rơi vào tay địch dưới thời trị vì của phụ vương chàng. Muốn làm nên sự khác biệt thì không thể không khiến vài người mất lòng. Arslan ban hành sắc lệnh “Bãi bỏ chế độ nô lệ”, tức là chàng muốn đạp tan lề lối xã hội cũ của Pars, trong khi vua Andragoras lại muốn duy trì nó.
Nếu Arslan muốn hiện thực hóa lý tưởng cải cách ấy mà vua Andragoras một mực cản trở thì nhất định sẽ có ngày hai cha con phải đối đầu. Đến khi ấy, nếu Arslan có đủ quyền lực khiến vua Andragoras từ bỏ việc tranh chấp bằng vũ lực thì có thể tránh những cuộc đổ máu không đáng. Để đạt được mục tiêu này, họ phải tăng cường huy động quân đội, đảm bảo nguồn tài chính. Muốn cải cách, họ cũng phải có đủ sức mạnh trấn áp những kẻ chống đối. Đây là mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện thực, đồng thời cũng là mâu thuẫn tất yếu khi muốn dựng nên một đất nước tốt đẹp hơn.
Sau khi tạm biệt Kishward, Dariun và Narsus chạy ra rìa ngoài của trận chiến, lặng lẽ quan sát những chuyện diễn ra.
“Hành động của quân Lusitania thật khó hiểu.”
Dariun nghiêng đầu bối rối. Vì bản thân là một chiến binh, cũng là tướng lĩnh nên anh thấy tình hình trước mắt thật vô lý.
“Họ đông quân hơn Pars, đáng lẽ họ có cách để chiến đấu hiệu quả hơn. Nhưng…”
“Nếu là ngươi, ngươi sẽ làm gì, Dariun?”
“Sao ta dám khoe khoang trước mặt ngươi chứ. Nói chuyện chiến lược với cố vấn quân sự chẳng hóa ra múa rìu qua mắt thợ à?”
Nhưng trước những câu hỏi dồn của Narsus, Dariun chẳng còn cách nào, gượng gạo đáp.
“Nếu ta là tổng chỉ huy quân Lusitania, trước tiên ta sẽ chia quân làm hai. Do lực lượng đôi bên chênh lệch như vậy nên ta sẽ để tướng lĩnh đáng tin cậy nhất chỉ huy một nhánh quân tinh nhuệ, đi vòng ra bên ngoài trận địa, tới phía sau phòng tuyến của địch.”
Trong đội quân tinh nhuệ này tấn công địch từ phía sau thì mặt trước sẽ phát động tấn công tổng lực, tạo thế gọng kìm. Trước đó phải giữ vững đội hình, kéo dài thời gian. Đó là ý kiến của Dariun. Narsus cũng gật đầu đồng ý.
“QUả thực không có chiến lược nào tốt hơn cách này. Vì có lợi thế quân số nên hoàn toàn áp dụng được.”
Narsus cũng chung thái độ hoài nghi như bạn mình.
Nói vậy, tại sao quân Lusitania không làm như thế? Không những vậy, họ cứ liên tục cử những đợt tiếp viện lẻ tẻ 1 vạn quân, 2 vạn quân. Cách chiến đấu này chỉ khiến quân ta thiệt mạng vô nghĩa khi mất đi thế mạnh về lực lượng. Nói đơn giản là thứ chiến thuật ngu ngốc nhất trên đời. Nhưng Narsus chưa bao giờ cho rằng công tước Guiscard, tổng chỉ huy quân Lusitania là kẻ bất tài. Có thể hắn đang ôm dự định khác chăng.
Trong lúc chờ Dariun và Narsus, Arslan cũng theo dõi trận chiến từ trên núi. Tuy nhiên, những chuyển biến của tình hình khiến chàng bối rối, không sao nắm bắt được.
“Ta nghe nói công tước Guiscard là người thông thái nhất ở Lusitania. Chẳng phải ông ấy nên chọn phương án có lợi hơn khi chiến đấu với kẻ thù sao?”
Arslan lẩm bẩm một mình. Chàng hát rong Gieve khẽ mỉm cười.
“Có vẻ như Pars sẽ thắng trận này dễ dàng mà chẳng cần chúng ta can thiệp.”
“Dù sao đi nữa, chúng ta ở đây lâu hơn cũng không ích gì. Người có thể lùi bước không, điện hạ?”
Nữ tư tế Farangis thuyết phục thái tử. Arslan gật đầu. Dù sao Narsus cũng sẽ sớm cho chàng câu trả lời thôi.
Narsus và Dariun cùng quay về, mang theo lời “cầu chúc điện hạ luôn bình an” từ Kishward.
“Tiến đến kinh đô Ecbatana thôi.”
Arslan giơ cao cánh tay, dõng dạc hô. Bóng chú chim ưng đen từ trên trời đáp xuống, đậu lên vai chàng.
Lúc này, những người đi theo Arslan bao gồm Dariun, Narsus, Gieve, Farangis, Jaswant, Elam, Alfarid và Merlane. Ban đầu, chàng trai trẻ tộc Zot không hài lòng với tình cảnh này. Vốn dĩ, anh ta muốn đưa em gái về làng làm tộc trưởng, chẳng ngờ cô lại si mê chàng quân sư của thái tử và nhất quyết không chịu đi. Cô đáp.
“Dù sao cũng hãy đợi đến khi đánh tan quân xâm lược đã, anh ạ. Tộc Zot rất thân thiết với thái tử điện hạ mà.”
Alfarid kể cho anh trai mình nghe việc tộc Zot từng hợp tác với thái tử cùng các thuộc hạ để tiêu diệt lũ cướp biển ở Gilan, đồng thời nhận về lá cờ đen danh dự. Chuyện đã thế này, Merlane không thể bỏ mặc em gái. Có lẽ trước khi giành lại kinh đô, anh cũng phải đi theo đội quân này.
Thế là Arslan dẫn quân từ đồng bằng phía nam, tiến về phía kinh đô hoàng gia trong khi trận chiến vẫn đang tiếp diễn.
Tuy nhiên, trong đội hình chính của Pars, vua Andragoras tỏ ra không mấy hài lòng. Ông tin chắc mình sẽ giành chiến thắng như kể cả như vậy, khuôn mặt ông chẳng có một tia vui vẻ nào. Có lẽ ông nghi ngờ Arslan đã tự ý chĩa mũi vào và tổ chức đốt kho lương của địch.
Số lời Kishward muốn nói với nhà vua nhiều như núi nhưng lại chẳng thể mở miệng trách móc gì được. Phần nhiều vì Kishward mang dòng máu võ tướng trung dũng lâu đời, nhưng cũng phần vì sau trận Atropatene, vua Andragoras bị quân Lusitania giam giữ suốt nửa năm, chịu không biết bao nhiêu đòn roi khổ nhục, cho nên tính cách ông ta thay đổi cũng chẳng có gì khó hiểu. Chí ít, cho đến khi giành lại được kinh đô, anh phải kìm nén những lời thật lòng của mình.
Một marzban khác là Kubard thì chẳng hề hay biết nhà vua đang vui hay buồn. Mà làm sao anh ta có thời gian quan tâm đến nỗi niềm của vua? Sau thất bại ở Atropatene, nhà vua đâu phải người duy nhất phải chịu khổ ải? Ai biết người dân Ecbatana đã bị quân Lusitania đàn áp một cách dã man nhường nào? Tất cả là bởi vua Andragoras đã thua trận chiến định mệnh đó, và ông ta nên gánh vác hậu quả, đó chẳng phải trách nhiệm bậc quân vương sao?
Quân Lusitania hết sức bất an, tình trạng ấy lan rộng như sóng biển. Một nửa lực lượng quân Pars vòng ra phía sau quân Lusitania, dường như đang muốn cắt đứt đường lui về kinh đô của chúng.
Lực lượng này gồm 2 vạn 5 ngàn quân do Arslan chỉ huy. Họ cố tình để kẻ thù trông thấy, đơn giản chỉ để làm lung lay tinh thần chiến đấu của địch. Ít nhất chuyện đó cũng giúp ích cho nhà vua.
“Quân Pars xuất hiện ở phía tây trận địa. Đường về thành Ecbatana bị phong tỏa rồi!”
Tiếng kêu sợ hãi lan đi trong quân Lusitania nhanh như một mũi tên bắn.
Trước đó, quân Lusitania dường như đã tan rã nhiều lần nhưng vẫn có thể tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, lúc này, nỗi lo sợ khi bị “cắt đứt đường lui” khiến họ thần hồn nát thần tính. Họ buông bỏ gươm giáo, quay ngựa bắt đầu chạy tứ phía. Quân Pars không bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này. Tiếng tù và vang vọng khắp trời, lính Pars ráo riết đuổi theo quân Lusitania đang bỏ chạy. Họ dùng giáo đâm từ sau lưng kẻ thù, dùng kiếm chặt đầu, dùng vó ngựa giẫm nát những người ngã xuống. Không có lý do gì để họ bày tỏ lòng thương xót với địch.
Thấy cảnh binh lính chạy tán loạn, Guiscard cuối cùng đã ra lệnh cho lực lượng giám sát hành động. Tướng Montferrat đề nghị công tước nghĩ lại nhưng Guiscard chẳng mảy may bận tâm.
“Không sao! Cứ bắn chết những kẻ đào ngũ.”
“Điện hạ…”
“Quân lính vô dụng thì phải chết! Quân đội chúng ta không dư lương thực để nuôi bọn hèn nhát. Cái chết của chúng có thể giảm bớt gánh nặng cho ta.”
Guiscard nói liền một hơi. Montferrat kinh hãi nhìn vị hoàng tử, hoàn toàn cạn lời. Ông tự hỏi có phải em trai nhà vua đã phát điên vì căng thẳng hay không? Nhưng Montferrat đã sai. Lúc này Guiscard hoàn toàn bình tĩnh. Hắn tính toán một cách kỹ lưỡng đến mức lạnh lùng.
“Chúng ta đã thua trận này, nhưng không có nghĩa mọi thứ đã kết thúc. Trái lại, trận chiến thật sự giờ mới bắt đầu.”
Guiscard không nói ra nhưng ý chí và hoài bão của hắn không hề khuất phục. Có thể nói, chính những thành quả nỗ lực của Guiscard đã biến Lusitania từ một nước nghèo vô danh ở phía tây lục địa trở thành đội quân chinh phạt hùng mạnh như ngày hôm nay.
Lệnh được thông qua. Chiến trường lần nữa chìm trong cơn bão máu.
Đội quân giám sát do Elemango chỉ huy bắn hàng loạt mũi tên vào những người lính bỏ chạy. Người và ngựa của quân Lusitania bị chính những đồng đội mình tấn công. Họ ngã xuống trong nỗi tức tưởi.
“Chúng ta là đồng đội mà ! Đừng bắn!”
Những người lính bang hoàng hét lên nhưng cơn mưa tên không dừng lại. Từ Elemango trở xuống, mọi binh sĩ của lực lượng giám sát đều biết kẻ mình đang giết chính là đồng đội của mình. Dù trong lòng phản đối, họ vẫn không dừng tay, thậm chí còn lớn tiếng hét lên.
“Nếu không muốn chết thì quay lại chiến đấu với lũ ngoại đạo đi, đồ hèn nhát! Cơn thịnh nộ của chúa sẽ giáng xuống đầu các ngươi!”
Những người đang bỏ trốn nghe vậy thì sững sờ trong giây lát. Sau đó, họ liền hiểu ra tình hình, lấy lại tinh thần chiến đấu trong cơn tuyệt vọng.
Họ hét vang trời, nhưng nghe giống tiếng than đầy bi ai hơn tiếng hô xông trận. Dù thế đi nữa, quân Lusitania đã ngừng chạy trốn và quay lại để khỏi chết dưới tên của chính đồng bào mình.
Với quân Pars, đó quả là bất ngờ lớn. Không ngờ quân Lusitania tưởng như sắp sụp đổ lại bỗng nhiên phản công với thái độ quả quyết một cách phi lý. Kiếm và giáo của họ áp đảo cả quân Pars. Máu phun lên, kiếm gãy, xác chất đầy đất, tạo nên một cuộc hỗn chiến. Tuy nhiên, trước cuộc phản công ấy, quân Pars vẫn không gục ngã.
“Chẳng kéo dài lâu đâu.”
Kubard một mắt khẳng định. Anh ta nhìn thấu sự bất thường trong vẻ dũng mãnh khác lạ của quân Lusitania. Kishward cũng thấy thế.
“Chúng chỉ bị kích động nhất thời mà phát điên một lúc thôi. Ngay khi cơn kích động lắng xuống, đừng nói là chiến đấu, ngay cả đứng chúng cũng không đứng nổi. Quân ta chỉ cần cầm cự thêm một thời gian.”
Những vị tướng dũng cảm đầy kinh nghiệm ấy đã nắm bắt đúng tình thế. Cuộc phản công dữ dội của quân Lusitania dần lắng xuống khi binh lính bắt đầu kiệt quệ, trước khi kịp thay đổi cục diện. Họ thở hổn hển, thẫn thờ, và quân Pars lần nữa tấn công. Lần này, không gì cản nổi họ.
Chỉ huy lực lượng giám sát Elemango đã bị giết. Ngồi trên lưng ngựa, ngực ưỡn cao, hắn ra lệnh bắn bỏ những đồng đội chạy trốn với tinh thần phấn chấn, nhưng rồi một mũi tên từ đâu bay tới, xuyên từ tai trái qua tai phải hắn ta. Tên của thần Mythra được khắc trên mũi tên lông vũ bằng tiếng Pars, nhưng người Lusitania không đọc được. Họ chỉ thoáng thấy bóng một người cưỡi ngựa rời khỏi ngọn đồi phía xa.
Quân Lusitania cuối cùng đã vỡ trận. Lược lượng 20 vạn quân bỏ chạy về phía tây kinh đô Ecbatana. Họ đến trong ánh bình minh, rồi lại chạy đi khi mặt trời lặn.
Lực lượng giám sát cũng rút lui. Giờ họ là cái gai trong mắt đồng đội, chỉ sợ mình sẽ bị chính bạn bè bao vây giết chết. Họ vứt vũ khí, áo giáp để giảm tải trọng rồi bỏ chạy thục mạng. Không biết từ lúc nào, tổng chỉ huy, công tước Guiscard đã rời khỏi chiến trường. Tướng Montferrat cố gắng thu thập tàn quân trong tuyệt vọng, bỏ trốn dưới sự bảo vệ của vài thuộc hạ.
Một nửa thất bại của quân Lusitania có thể nói là do tự diệt. Vào ngày này, trong trận chiến đồng bằng Shahrud kéo dài từ sáng sớm đến tối, hơn 7200 quân Pars chết trong khi Lusitania thiệt hại tới 42000 người. Vua Andragoras đã tạm thời gột rửa nỗi nhục bại trận ở Atropatene.
0 Bình luận