Súng, tro cốt và âm binh...
Nguyễn Văn Mười, Bé Vỉa Tôm Chiên Kùwu
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

The Second Booklet: Hail to the Chief

Chương 23: Hồi kết trên bàn đàm phán

0 Bình luận - Độ dài: 3,048 từ - Cập nhật:

“Nếu các ông cần dầu của chúng tôi thì không cần phải vẽ chuyện!”

Thủ tướng Quốc nói bật nước miếng, bộ mặt thể hiện sự tức giận tột cùng. Trưởng phái đoàn nước cộng hòa sững người vì không hiểu chuyện quái gì đang xảy ra. Rốt cuộc ai là kẻ đã tác động lên vị nguyên thủ, để rồi vị ấy phải thốt ra những lời này?

“Thôi nào, thôi nào. Đây chỉ là một số gói viện trợ thôi, chúng tôi còn chưa đả động gì hết. Chẳng nhẽ trong bụng những tù nhân ấy có vàng?”

Ông Ba phân trần với vị thủ tướng. Nhưng những gì ông ấy nhận về chỉ là ánh mắt hình viên đạn từ tất cả các thành viên của đoàn nước láng giềng. Ừ, viên thủ tướng đã động vào đúng tim đen của ông Ba và Toàn quyền, và có vẻ như không hề muốn ký kết gì thêm. Tuy vậy, ông Ba cũng đã có cho mình một chữ ký của vị ấy, thành ra nếu muốn thì tung đòn cũng được. Song cái mà ông cần chú ý bây giờ là làm hài lòng các vị quan nước chủ nhà, chứ không phải chăm chăm ép buộc, dí dao vào cổ họ. Như thế thì mọi thứ cũng chẳng đi đâu về đâu, gạo cũng không xuất khẩu được, mà chủ nghĩa dân tộc cực đoan vẫn cứ tiếp diễn.

Chính vì lẽ đó nên giờ ông Ba, dưới cương vị của một nhà ngoại giao, sẽ phải đóng vai một vị doanh nhân. Tất nhiên là rắc thêm chút tình hữu nghị cho nồng thắm rồi.

“Thực sự thì… chúng tôi chỉ đơn giản là đưa đến các vị một giải pháp. Các vị cung cấp cho chúng tôi nhân công, chúng tôi mở cửa nguồn cung lúa gạo. Những khoản vay kia, nếu các vị muốn thì có thể ký kết, vì nhìn chung thì kinh tế của các vị vẫn sống tốt. Vấn đề vì sao lại là các tù nhân ở Mười tám tầng địa ngục cũ…”

“Bởi vì các người không thể kiếm được một nguồn nhân công nào khác cho hành vi bóc lột, đúng không?”

Thủ tướng Quốc đáp lại trong hậm hực. Vị nguyên thủ cũng nói thêm.

“Mặc dù đã ký kết từ ngày hôm trước, nhưng chúng tôi hoàn toàn có quyền từ chối. Tù nhân cần phải chấp hành án phạt, không phải món hàng để các ông đem ra mặc cả cùng giá dầu!”

“Ô hay, chúng tôi bàn về giá dầu hồi nào? Các vị thực sự đang quá khép kín với chúng tôi, chỉ vì chúng tôi là một cường quốc? Không, chúng tôi đến đây với thiện chí và cũng sẽ ra về trong hòa bình. Sẽ chẳng có một trái tên lửa nào bay về Hải Mộ, trừ phi các vị thực sự muốn tự rước họa vào thân.”

Trưởng đoàn Kiều Văn Ba đáp gọn lỏn. Trong khi đó, Đại ra sức thuyết phục vị thủ tướng đằng kia. Anh ta đứng dậy và lớn tiếng.

"Xin lỗi, nhưng chúng ta sẽ nghỉ trong mười phút. Thủ tướng muốn bàn lại một số công chuyện, trước khi đi đến kết quả cuối cùng."

"Được, chúng tôi hy vọng ngài Quốc sẽ suy nghĩ thấu đáo hơn, vì đây không phải cơ hội dễ dàng mà có được. Chúng tôi rất thật lòng, có gì thì đem ra trao đổi thôi, dù gì cũng là nước láng giềng với nhau mà."

Đoạn ông Ba cùng đoàn tùy tùng lục đục bước khỏi phòng. Ông Ba biết và tin vào tài nghệ của Đại, nhưng cũng chẳng biết hiệu quả ra sao. Tình báo có thể là món hời lớn nhất, nhưng cũng có thể là thứ nguy hiểm nhất một đất nước có được. Khi những nhà ngoại giao vừa mới bước khỏi cửa, nó đã bị đóng lại ngay. Những vệ sĩ người bản xứ vạm vỡ, to cao chắn trước đó, tạo thế đứng tấn. Có muốn nói gì, ông Ba cũng chịu chết.

Đối diện trước một đám người mặc vest thắt cà vạt xanh đỏ, Đại sẽ phải trình bày toàn bộ ý tưởng của mình, rồi mong họ chấp thuận trong mười phút. Thật là một nhiệm vụ khó. Dĩ nhiên là trong tập thể ắt sẽ có người đi ngược lại, nhưng làm một kẻ lùi bước ở một nội các hiếu chiến là tự sát. Gã trùm cảnh sát biết điều ấy, nhưng đây là nhiệm vụ đã được giao phó, nếu rút thì còn mặt mũi nào mà nhìn mẫu quốc chứ. Hơn nữa, anh đã chẳng thể nào rút lui nữa rồi. Đã phóng lao thì phải theo lao thôi.

"Các quý ông, chúng ta đã đến lúc cần một cái nhìn khác. Nói trước, tôi không sợ súng đạn đâu, nên không cần phải đem ra hù doạ tôi."

Những vị ngồi trong phòng, từ tay bộ trưởng ngoại giao cho đến tên thư ký thứ trưởng bắt đầu chĩa ánh mắt nghiêm trọng về phía Đại. Họ biết rằng tay này rất cứng cựa, chỉ qua lời nói thôi là đã thấy rồi. Chưa kể hắn còn là tướng cảnh sát nữa, một vị trí mà hàng ngàn ứng viên trong suốt những năm tháng qua đã không leo nổi. Rất nhiều quyết sách, dự luật cũng qua sự tham vấn của tên trùm cảnh sát này, thành ra hắn cũng đã có một chỗ đứng nhất định trong chính phủ rồi. Nói trắng ra thì tên Nguyễn Văn Đại này là một con cáo, chứ không phải một Autospy tầm thường.

Thêm nữa, nếu muốn lật đổ bằng chức vụ thì gã này đã làm rồi. Đó là sự thật mà các vị đại biểu phải chấp nhận. Quyền lực có thể thủ tướng nắm thóp, nhưng cảnh sát cũng thừa sức để hành động. Ấy thế mà hắn ta lại không làm. Hắn ta nghe, hiểu và cố vấn cho thủ tướng nghe, tức là điều đó đã nhấn mạnh cái chất trong hắn rồi. Hơn chục năm trôi qua, giờ là lần đầu tiên hắn thay đổi chính kiến.

“Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ không bắn anh rồi. Anh quan trọng với đất nước đến thế cơ mà. Nhưng tôi, cũng như các đồng sự khác, đang đặt ra một câu hỏi: Trao đổi tù nhân có đồng nghĩa với sự thiếu hụt uy nghiêm?”

Viên thủ tướng Quốc đặt ra đề bài. Không chút do dự, Đại trả lời luôn.

“Không hề, thưa ngài. Dưới cương vị là trưởng cảnh sát hoàng gia, tôi cam đoan rằng đây là nước cờ đúng đắn. Chúng ta đang gặp khó khăn, nên nhả được thứ gì thì nhả, về sau lấy lại được thế chủ động rồi thì làm gì cũng được. Tất nhiên, đó không phải lý do duy nhất mà tôi đưa ra để ngài ký vào bản hiệp định kia.”

Chưa kịp nói hết câu, một người khác đã nhảy bổ vào cuộc trò chuyện, thô lỗ hỏi, rằng liệu vế sau đang nằm ở trên mây sao mà có thể nghĩ ra được. Nhưng cũng không vì thế mà Đại bị lung lay. Anh tiếp nhận luôn câu hỏi đó, trả lời một cách trung thực và công khai nhất có thể.

“Thực ra, tôi đã sớm nhận thấy lỗ hổng trong chính sách của chúng ta. Phải, chúng ta đã quá cứng rắn và bảo thủ, dẫn đến sự trì trệ trong cả nền kinh tế. Dịch vụ du lịch chính quy thì lỗ chổng vó, trong khi các nhóm đưa người di cư sang nước láng giềng thì tràn lan, gây thất thu nguồn thuế doanh nghiệp. Muốn cái gì cũng phải xin phép, từ nhập khẩu cuộn chỉ cho đến các lô hàng lớn, xong còn xem xét. Mà chưa chắc đã được chấp nhận, xong lại hoàn trả hay đổ bỏ, gây lãng phí vô cùng.”

Vị thủ tướng chỉ tay về phía Đại. “Nhưng cái chàng đại biểu bị lôi khỏi cuộc họp ấy, anh ta nói đúng đấy. Chúng ta sẽ trở thành trò cười nếu cứ tiếp tục xuất khẩu tù nhân dưới dạng lao động.”

Đại khảng khái đáp.

“Vậy tại sao không nói thẳng với họ? Chúng ta có thể đang ở thế bị động, nhưng một điều kiện có lẽ sẽ không làm khó họ quá đâu. Tôi tin chúng ta vẫn còn cửa sống, miễn là mở cửa.”

Nhưng đến lúc này thì Đại cũng đang khá lúng túng. Anh không biết hoặc là xoa dịu những cái đầu đầy sỏi kia, hay cứ thế mà phê phán. Mỗi cái đều có lợi và hại. Xoa dịu thì càng tốn thời gian hơn, xong có khi còn chả được đồng thuận. Đó là vấn đề lớn, vì cả cái nội các này, không bôi bác tí nào khi nói rằng cả đám chỉ có ngồi vuốt râu với cười xuề xòa cùng nhau. Họ đâu có quan tâm đến người dân, vì cơm vẫn được bưng tới miệng họ. Họ cũng chả quan tâm cái quái gì tới cách trọng dụng người tài, vì cảm xúc đã lấn át hết lý trí rồi.

Còn về lựa chọn bất đắc dĩ kia, Đại buộc phải thành thật với bản thân. Anh không ngại, nhưng cũng chẳng muốn làm mất lòng các bậc lão làng trong này. Điều đó không tốt cho thân thế, sự nghiệp cũng như vỏ bọc của anh. Đúng là Đại có công lớn từ ngày ly khai, nhưng cái mà anh muốn là sự ổn định, hài hòa cho đến ngày cuối cùng của chế độ này. Muốn được lòng dân thì phải chiều theo họ. Anh đơn giản là không muốn leo cao rồi phá ngay, vì nó sẽ chỉ càng làm dân cảm thấy bất an. Tốt hơn hết vẫn là một cơn sóng ở đáy sông.

Suy cho cùng thì bất đắc dĩ Đại vẫn phải tự mình thực hiện.

“Cổ nhân đã từng nói, kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt. Xin các ngài hãy dẹp cái mộng tưởng sang một bên, giờ kinh tế đang suy thoái thì phải lo cái đó trước đã. Chúng ta có dầu và vàng, nhưng lại thiếu đi sự ổn định. Muốn tạo nền tảng cho lớp trẻ về sau, bắt buộc phải có một thế hệ hy sinh. Và đó chính là chúng ta!”

Phát biểu xong, Đại ngồi xuống, khuôn mặt tỏ vẻ hết sức chán chường. Anh ta nhìn thật kỹ từng vị đại biểu trong đoàn, dung nhan ai nấy cũng đều lạnh như tiền. Họ không nói với nhau câu gì, nhưng sớm thôi, ai thấy cũng bắt đầu suy ngẫm những gì vừa nghe được. Vuốt râu, cấu tóc, nắm gáy, đủ thể loại. Dường như họ đã bắt đầu nhận thức được vấn đề rồi, Đại có thể cảm nhận được nó.

Một người thì thầm vào tai thủ tướng Quốc những điều gì đó, đại loại như đồng tình hay phản đối chẳng hạn, Đại không được thính tai cho lắm. Nhưng anh tin đó là điều tốt lành. Một lúc sau, ngài nguyên thủ quốc gia đứng lên, dáng đĩnh đạc, dõng dạc nói.

“Như các vị đã thấy đấy, tướng Đại nói rất chính xác. Chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn nhận trong thời đại này, nếu không muốn lạc lõng trong một thế giới mất ổn định như hiện nay. Tôi, dưới cương vị là Thủ tướng, xin được lắng nghe, chấp thuận và tuân chỉ những lời cố vấn của nhân dân. Xin hết!”

Tim Đại đập thình thịch. Anh không thể tin được chiêu này lại thành công tới vậy. Một lúc sau, cánh cửa lại được mở ra. Những thành viên của đoàn đại biểu kia lại lục tục ngồi vào.

Qua chiếc thấu kính nhỏ bé gắn trên tường, Phú chậm rãi viết từng lời vào cuốn sổ tay. Anh chú ý vào biểu cảm của từng người, lấy chất xám trong đầu để kết tinh chúng thành một dòng lệnh rồi mới dùng cảm xúc viết vào trang giấy. Những phút vừa qua có thể chưa là gì so với các buổi gặp mặt kín, song nó lại đóng góp công lớn vào việc gỡ nút thắt. Bên cạnh chàng ký giả, còn có My đang cặm cụi viết cùng, phê những dòng nhận xét hết sức trung lập có thể. Ấy là việc cô phải làm, vì chỉ cần nghiêng về một phía thôi thì sẽ rất bất lợi cho thế hệ sau nghiên cứu. Cơ quan này có thể là đầu não quản lý trật tự xã hội, nhưng trung lập vẫn là trung lập, mọi thứ phải được phân định rạch ròi.

Ngừng viết, Phú quay sang hỏi đồng nghiệp.

“Đầu thu vẫn đang hoạt động chứ?”

“Vẫn đang quay đây.”

My chỉ về góc phải màn hình có dòng chữ “Play”. Thế là tốt rồi, Phú cũng chỉ có chờ như vậy. Anh sẽ tạo hai bản sao cho đoạn phim này thành, một cuốn gửi về cho Giang, cuốn còn lại thì dùng dịch vụ bưu tín gửi về mẫu quốc. Bàn đàm phán có vẻ đã nguội bớt so với nửa tiếng trước, khi mà hai bên liên tục gây sức ép cho nhau. Phú dĩ nhiên là đứng về phía mẫu quốc, nhưng dưới thân phận thấp kém, anh cũng chỉ biết gửi gắm chúng cho Đại.

Nhìn kết quả của buổi đàm phán như được báo trước, Phú cảm thấy như có ngọn lửa trong lòng. Một ngọn lửa của niềm tin chiến thắng. Có thể quá trình sẽ kéo dài mười năm, hai mươi năm, thậm chí là cả trăm năm, nhưng chỉ cần sống để nhìn giang sơn thu về một mối đã là quá đủ rồi. Phú rất mong chờ ngày ấy, sẵn sàng hiến dâng cả tuổi trẻ và sức lực để tất cả mọi người được chung sống cùng nhau. Một lời thề danh dự!

Những phút tiếp theo, Phú chọn cách ngồi quan sát. Thực sự, giờ anh chỉ cần nhìn cách Đại và đoàn ông Ba hoạt động, sau đó hy vọng vào một tương lai tươi đẹp.

“Như các vị cũng đã thấy, giải pháp chúng tôi đưa ra là hoàn toàn tối ưu cho cả hai nước. Chúng tôi có thêm lao động, còn các vị có lương thực để nhập.”

Ông Ba xòe hai bàn tay ra, nói với một thái độ rất chân tình. Các đại biểu tuy không ưa gì lắm giải pháp này nhưng cũng phải chấp nhận, vì họ đã tuân theo lệnh của thủ tướng và tên trùm cảnh sát kia rồi. Sau đó, vị trưởng đoàn lại tiếp tục nói về những điều khoản hấp dẫn có trong bản hiệp định. Chỗ nào ai thắc mắc, ông sẽ giải thích tường tận. Bởi vì thực sự, cả ông và đoàn đều rất vui với lựa chọn của bên kia. Họ đã làm một điều đúng đắn, không chỉ theo tư lợi của ông Ba và Toàn quyền, mà còn hợp cả lòng dân nữa.

Trước khi giao bản hiệp định chính thức cho phía bên kia, trưởng đoàn Kiều Văn Ba cúi đầu cảm tạ trước mặt thủ tướng Quốc.

“Chúng tôi xin được cảm ơn Vương quốc m Phủ đã tham gia bản hiệp định này. Hy vọng hai nước sẽ tiếp tục hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, nâng tầm lên đối tác chiến lược.”

Viên thủ tướng không nói gì, chỉ lẳng lặng nhìn bản hiệp định. Không một ai hay rằng vị ấy vẫn đang đắm chìm trong những suy nghĩ của chính trị. Dù Đại có khuyên nhủ hay cố vấn đến đâu, những lo sợ và ảo giác về một tương lai mất đi nền độc lập vẫn hiện lên trong đầu. Đại, vị tướng cảnh sát nhìn thấy thế, biết có chuyện chẳng lành. Thế là anh ta vội xông vào chỗ thủ tướng, ghé sát vào tai vị ấy.

“Tôi xin lấy tấm mề đay Cảnh sát Hoàng gia làm danh dự.”

“Được vậy thì triển.”

Vị thủ tướng đáp. Bản thân ngài ấy cũng biết tấm mề đay đó quý giá và quan trọng đến chừng nào. Đó không chỉ là vật bảo chứng cho chức vụ của Đại, mà còn là danh dự của mỗi cảnh sát khi được đeo nó. Một huân chương vẻ vang cho những người cảnh sát uy vệ. Vậy nên khi một người sẵn sàng đem cả danh dự và nhân phẩm của mình để đánh đổi như vậy, ắt phải là điều lớn lao lắm để hy sinh.

Trong phút chốc, bản hiệp định đã được ký kết. Giấy trắng mực đen lúc này đã rõ. Không còn là những buổi tối căng thẳng, giằng co nhau trên bàn đàm phán nữa. Hai bên như thở phào nhẹ nhõm. Phú cũng vậy. Dù chỉ là kẻ theo dõi qua hệ thống máy quay, anh vẫn cảm nhận được chút sự căng thẳng trong buổi đàm phán ngày hôm nay. Chừng một tiếng sau, cả hai bên rời khỏi phòng, cánh cửa khép lại, bóng đèn tắt tối om. Vậy là phần việc của mình đã hoàn thành, Phú thầm nhủ. Giờ là lúc để anh quay về mẫu quốc.

“Ui chà chà, cuối cùng cũng xong buổi thu hình này. Cột sống cô vẫn ổn chứ My?”

Đáp lại, My chỉ cười rồi vội thu xếp đồ đạc.

“Anh không ổn lắm hay sao mà phải kêu tôi đau cùng?”

Mặc kệ cho My rời khỏi phòng thu phát, Phú vẫn ngồi lại, cặm cụm ghi tên vào cuốn băng. Anh nhìn cuốn băng được ghi chép ngày tháng cẩn thận, không giấu nổi vẻ háo hức.

"Nó đây rồi. Bước nhảy vọt mà mình có thể làm được.”

Đã đến lúc hành động rồi!

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận