Tập duy nhất
Chương 01: Căng thẳng quá, chắc phải chơi game thôi.
7 Bình luận - Độ dài: 2,230 từ - Cập nhật:
“Căng thẳng quá, chắc phải chơi game thôi.” Đó là tất cả những gì tôi nghĩ sau một ngày đến trường mệt mỏi. Vừa về đến nhà, vừa buông cặp xuống, tôi ngả lưng ra giường, tay quơ lấy cái điện thoại thông minh nhanh nhảu bật game.
Chỉ trong giây lát, giao diện trò chơi điện thoại quen thuộc đã hiện ra. Trò tôi đang chơi là một dạng game nhảy theo nhạc tương tự như trò Audition kinh điển, nhưng là phiên bản điện thoại. Nên thay vì gõ lốc cốc điên cuồng trên các phím mũi tên, khoảng cách, giờ đây, mấy ngón tay tôi liên tục vuốt lấy vuốt để cái màn hình. Lúc chạm chỗ này, khi chạm chỗ kia, khi nhả ngay, khi giữ một lúc, khi dùng nhiều ngón, có bao nhiêu thứ để người ta phải làm trong vài giây ngắn ngủi. Bởi khi tiếng nhạc xập xình vang lên, những phím nhạc trôi từ nơi xa cứ liên tục ùa về mắt, cả bộ não và cơ thể tôi đều được huy động để có thể phản ứng nhanh chóng nhất. Chạm, nhả, chạm, nút kép. Vuốt chữ z, nhả, chạm và giữ phím dài. Mấy ngón tay tôi lướt trên màn hình điện thoại nhanh như bay, tim đập thình thịch khi các phím đã chạy đến thật gần ngay trước mặt. Và bùm, nhạc vào hồi kết, những phím sáng không còn vồn vã nữa mà bắt đầu chậm rãi, êm trôi. Tôi thở phào, thong thả nhấn nốt những phím cuối cùng và chờ đánh giá chung cho toàn màn chơi xuất hiện.
[Tên: Lấp La Lấp Lánh
Màn chơi: Hatsune Miku no Shoushitsu
Điểm: 552304.
Combo: 1375.
Đánh giá: B.]
“Thật là sảng khoái quá đi mất!” Tôi vừa vươn vai vừa nghĩ thầm như thế. Nhưng khi vừa thả đôi tay xuống, tôi vô thức thở dài. “Thôi nào, đừng uể oải nào, thời gian hạnh phúc luôn ngắn ngủi lắm. Giờ là lúc phải làm việc rồi.” Tôi tự dỗ dành mình như thế. Và dù có không muốn cách mấy, tôi vẫn lôi một xấp bài kiểm tra từ trong cặp ra ngay.
Bạn đã nhận ra chưa? Rằng một đứa nghiện Game Online như tôi lại là giáo viên đó! Tôi, Nguyễn Quế Hoa là một giáo viên thứ thiệt vừa kết thúc một ngày giảng dạy tại trường. Công việc hiện nay của tôi là giảng dạy bộ môn Ngữ Văn tại một trường công lập trong tỉnh nhà, ngoài ra còn kiêm luôn vai trò làm giáo viên chủ nhiệm một lớp 6. Tôi nghĩ, nếu để phụ huynh biết cuộc sống thường ngày của tôi thì kiểu gì họ sẽ kêu gào om tỏi vì nghĩ rằng tôi sẽ là tấm gương xấu cho con họ cho mà xem!
Tự biết là phụ huynh không thích, bản tính cũng là một người công tư rõ ràng nên tôi luôn rất kỷ luật trong việc chơi game. Tôi chỉ chơi đôi chút trong thời gian rảnh rỗi ở nhà chứ chẳng bao giờ đụng đến cái điện thoại trong những lúc đang làm công việc giảng dạy của mình cả. Thậm chí là đến cả khung giờ nghỉ trưa của giáo viên - khoảng thời gian mà bao nhiêu thầy cô đều đang bận xem Facebook hay Tik Tok thì tôi cũng chẳng chạm đến điện thoại làm gì hết. Tôi thường cố gắng giải quyết cho bằng hết các việc trường, việc lớp trong thời gian đó, vì tôi muốn có thời gian riêng cho bản thân khoảng thời gian sau giờ làm. Khổ nỗi, chẳng phải lúc nào tôi cũng được toại nguyện.
Ví dụ như hôm nay đấy, một ngày thuộc tuần lễ kiểm tra chất lượng đầu năm. Cứ đi đến lớp nào, tôi lại phải giao cho đám trẻ những tờ đề kiểm tra thẳng tắp ngay cho bọn chúng. Phát đề, thu bài, quy trình ấy lặp lại từ lớp này đến lớp khác. Thế là tôi có một chồng những bài kiểm tra chất cao lên tận đầu, chấm mãi cũng không thể nào hết. Dù đã rất cố gắng, tôi vẫn cứ phải mang việc về nhà. Để đảm bảo tiến độ trả bài cho học sinh nên tôi đã tự cam kết với bản thân rằng trước khi chấm xong chừng ấy bài kiểm tra, tôi sẽ chỉ chơi duy nhất một màn game. Một màn là con số vừa vặn đủ để tôi giải khuây, nhưng chưa đến nỗi lên cơn nghiện, vẫn còn tỉnh táo để chấm chừng ấy bài kiểm tra đang chồng chất. Vả lại, dù không muốn thừa nhận cho lắm nhưng tôi không thể phủ nhận rằng, việc chấm bài cũng khá vui.
Ừ thì việc tôi cứ không thích chấm bài kiểm tra ngoài giờ làm là vì vấn đề cảm giác thôi. Cái cảm giác mà mình cứ phải tăng ca không lương khiến tôi không được vui cho lắm, dù bản thân việc chấm bài nhiều khi cũng vui lắm. Là một giáo viên dạy Văn, quá trình chấm bài của tôi không cần tuân theo khuôn khổ như các bộ môn chỉ có duy nhất một đáp án. Học sinh của tôi thường viết hết tất cả những thứ trên trời dưới đất mà nó nghĩ được vào trong bài kiểm tra, nên không ít lần, tôi nhận được những sản phẩm hết sức dở khóc dở cười. Ví dụ như đề hỏi “xanh xao là từ láy hay từ ghép”, có đứa đã thản nhiên ghi cho tôi vào câu trả lời hai chữ “từ phức”. Bảo sai thì cũng không hẳn, rõ ràng là cả từ láy lẫn từ ghép đều là từ phức. Nhưng bảo đúng thì đúng vào đâu được, chả liên quan gì đến yêu cầu đề thế cơ mà! Thế là khi phát bài ra, tôi đã ghẹo con bé đó cả nửa ngày. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ gương mặt đỏ ửng của nó, trông yêu gần chết.
Mới phần Tiếng Việt thôi mà đã vậy, bạn có hình dung được phần viết Văn còn “thê thảm” đến mức nào không? Than ôi, phải nói là muôn hình vạn trạng. Bọn trẻ hay mắc lỗi chính tả và ngữ pháp, rất nhiều khi, những lỗi ấy trông khá buồn cười. Ví dụ như “Nhân vật Sọ Dừa có số phận đáng thương”, bằng cách thần kì nào đó, dấu nặng trong chữ phận của chúng bay mất tiêu. Thế là câu văn trở nên… bốc mùi đến khó đỡ. Hay một đứa nhóc khác, sau khi đọc “Sự tích Hồ Gươm” thấy văn bản kể rằng giặc Minh cướp lương thực của người dân thì hồn nhiên viết rằng “Giặc đến nước ta để cướp lúa.” Những lỗi sai hồn nhiên như thế khiến Nguyễn Quế Hoa tôi không nhịn được mà bật cười.
Tôi nghĩ đây cũng là ưu điểm lớn của tôi: rất dễ cười. Tôi ít khi bực dọc khi thấy học trò viết ra những câu văn ngớ ngẩn mà thường ngồi cười khanh khách. Bởi tôi quan niệm rằng, mọi câu chữ mà con trẻ viết ra đều phản ánh khả năng tư duy và độ hiểu bài của chúng. Những lỗi sai hồn nhiên của chúng chính là cảnh báo to lớn nhất cho tôi, rằng tôi vẫn chưa dạy đủ tốt nên học sinh chưa hiểu kỹ bài. Hoặc có khi, lũ học trò của tôi đã hiểu rồi nhưng vẫn quên luôn. Không sao cả, tuy tôi không thể cho những bài văn như thế điểm cao nhưng tôi không hề khó chịu. Kể cả khi là tôi luôn nhắc bọn trẻ rất kĩ về những lỗi sai mà chúng mắc phải thì cũng chỉ vì tôi muốn chúng không tái phạm các lỗi cũ. Bởi vì tôi luôn quan niệm rằng việc mắc cùng một lỗi nhiều lần rất nguy hiểm - bởi đó là biểu hiện cho thấy một thói quen xấu đã được hình thành - trong khi sai nhiều lần nhiều lỗi khác biệt thì lại chẳng sao. Làm gì có ai sống trên cõi đời này mà không sai, nói chi là bọn nhóc. Phải cho bọn trẻ con đó mắc sai lầm để chúng còn biết đâu mới là điều đúng đắn chứ!
Cho nên, tôi thà chấm một bài văn ngớ ngẩn vẫn vui vẻ hơn cầm một bài văn mẫu trên tay. Điển hình là bài văn tôi đang cầm đây, câu từ xơ cứng sáo rỗng, vừa nhìn là đã biết do một người lớn nào đó viết. Xét về mặt văn bản, rõ ràng là nó đáp ứng đầy đủ bố cục và các ý cần thiết trong bài. Nhưng xét về mặt ngôn ngữ, sự xơ xác, khô khan của nó làm tôi phát tởm. Ôi điên tiết thật, đây chính xác là cái thứ khiến học sinh của tôi dốt hơn mỗi ngày. Biết sao được, chỉ cần bọn trẻ quen với việc chép văn mẫu thì khả năng viết câu, dùng chữ của chúng sẽ ngày một thoái hóa. Xa hơn nữa là tư duy, chúng sẽ chẳng thể dùng cái đầu của mình để nghĩ mà cứ phụ thuộc vào cuốn sách in sẵn nào đó.
Thở dài một hơi như cách để bày tỏ sự chán nản, tôi bắt đầu thử gõ một phần nội dung bài văn ấy trên thanh tìm kiếm. Đứa trẻ này khá thông minh, sử dụng một bài văn mẫu có thứ hạng tìm kiếm rất thấp, tôi phải lục lọi hồi lâu mới phát hiện ra. Có bằng chứng rõ ràng, tôi thẳng thừng phê luôn vào bài kiểm tra: “Bài làm tham khảo hầu hết lời văn của người khác”. Về điểm, tôi cho bài này một nửa số điểm của bài văn xem như sự ghi nhận công học bài, làm kiểm tra của học sinh. Tôi nhất quyết không cho điểm số cao hơn vì muốn mượn đây làm một lời nhắc nhở đến đứa học trò ấy, rằng nếu muốn đạt điểm cao thì nhất thiết không được dùng văn mẫu.
Có thể các bạn sẽ lo lắng cho tôi, rằng chắc gì đứa học trò ấy đã cần điểm cao đến vậy cơ chứ? Nhiều khi nó chỉ cần con năm cho môn học này cũng nên! Không, tôi dám chắc là nó cần rất nhiều, cần hơn con tám hoặc thậm chí con chín cơ. Bởi vì đứa học sinh đã nộp cho tôi một bài văn rặt văn mẫu thế kia là Bảo Ngọc - con bé có học lực đứng đầu lớp tôi đang chủ nhiệm hiện nay và cũng đang giữ vị trí lớp phó học tập trong lớp. Dựa theo một tháng làm chủ nhiệm lớp ấy, tôi nhận ra Bảo Ngọc có tính cầu toàn và cố chấp, con bé luôn ám ảnh về số điểm và nỗ lực ngày đêm để đạt được những con điểm mười. Điều đó đã xảy ra ở hầu hết các môn, trừ môn Văn mà tôi đang giảng dạy - vì ngay từ ngày đầu dạy học tại lớp, tôi đã nói thẳng với đám trẻ rằng tôi rất khó trong việc chấm bài và sẽ rất khó để được tôi trao một con điểm chín. Thế nên, với môn học của tôi, mục tiêu của Bảo Ngọc luôn là chín.
Với sự tập trung cao độ, chẳng mấy chốc, tôi đã chấm xong xấp bài kiểm tại lớp 6/3 - lớp mà tôi chủ nhiệm. Ngay ngày mai, tôi sẽ có tiết dạy Văn tại lớp ấy, tôi nghĩ là mình sẽ phát bài kiểm tra luôn. Cẩn thận cất xấp bài kiểm tra vào túi đi dạy, tắt đèn và leo lên giường ngủ, tôi bỗng dưng lâm vào cơn trằn trọc. Tôi không biết Bảo Ngọc sẽ phản ứng ra sao khi thấy con điểm này nữa. Liệu con bé sẽ buồn bã hay giận dữ? Liệu con bé có hiểu rằng tôi đang muốn tốt cho nó không? Những câu hỏi ấy cứ quẩn quanh trong đầu tôi mãi. Cố lắm, tôi mới chìm vào giấc ngủ nông. Ngay đêm ấy, tôi có một chập choạng mơ một giấc mơ hỗn mang, với tiếng khóc rấm rứt của lũ trẻ. Bàng hoàng, tôi giật mình dậy, quơ ngay cái điện thoại ở bên cạnh mình.
Màn hình điện thoại đã sáng lên, nói cho tôi biết chỉ mới năm giờ ba mươi sáng. Tôi hoàn hồn, thở hổn hển một hồi. Rồi ngay sau đó, tôi lấy bài kiểm tra kia ra, thêm cho bài viết đoạn văn của Bảo Ngọc một điểm. Tuy vậy, phần lời phê đã được ghi bằng mực đỏ lại chẳng thể sửa, tôi đành để nguyên.
- Mình sẽ nói chuyện riêng với con bé về vấn đề này. Bảo Ngọc là một đứa trẻ ngoan mà, nhắc nhở là đủ, không cần phải nghiêm khắc với nó đến vậy.
Tôi tự nhủ với mình như thế. Nhưng chẳng hiểu sao, trong lòng tôi vẫn cứ loáng thoáng một cảm giác bất an khó mà tả nổi.
7 Bình luận
T-thợ săn trẻ em...?
Chương này chắc chỉ tóm tắt được thành: I am Nguyễn Quế Hoa. Imma teacher.
Nói thẳng thì chương mở đầu kiểu này hơi hơi... chán.