Sau buổi học ngày hôm đó, tôi gọi Bảo Ngọc ra nói chuyện riêng. Đó chỉ là một cuộc tâm sự thân tình giữa hai cô trò mà thôi - ít nhất thì tôi nghĩ thế. Tôi đã cố gắng giải thích cho Bảo Ngọc hiểu rằng lý do lớn nhất để tôi chấm bài con bé thấp điểm như vậy là vì bài này có nhiều đoạn sao chép từ người khác. Chứ hơn ai hết, tôi tin rằng con bé có năng lực đạt số điểm cao hơn như thế này nhiều.
- Con có thắc mắc gì về bài kiểm tra lần này nữa không ạ?
Tôi hỏi lại một lần nữa.
- Dạ không.
Miệng nói không nhưng tay con bé lại bấu chặt vào cái váy đồng phục mà vò lấy vò để. Tôi xoa đầu Bảo Ngọc, an ủi nó rằng:
- Không sao đâu, lần sau làm tốt hơn là được rồi.
Chẳng hiểu sao, sau khi nghe câu an ủi nhẹ bâng của tôi lại làm Bảo Ngọc rơm rớm nước mắt. Xuyên qua cái cặp gọng kính tròn màu hồng nhạt, tôi thấy đôi mắt trong veo của con bé lóng lánh thứ chất lỏng trong veo kia. Vừa mếu máo, nó vừa cất giọng lí nhí:
- Con xin lỗi cô ạ.
Nhìn đứa trẻ ngây ngô trước mặt, tôi thở dài. Tôi đâu cần những lời xin lỗi để làm chi. Điều tôi thật sự cần là con bé đừng chép văn người nào khác mà không trích dẫn. Cơ mà, điều quan trọng không kém là dù có cần tham khảo thì cũng cần chọn lọc tài liệu nữa chứ. Tham khảo cái thứ văn chương tưởng chừng như là hoa mỹ nhưng lại rỗng tuếch như thế thì cũng đâu để làm gì!
- Nhưng con phải nói cho cô biết tại sao con lại chép văn mẫu vào bài thế kia?
Tôi hỏi luôn cái điều mà bản thân đang thắc mắc suốt cả đêm qua. Là giáo viên đã dạy môn Văn ở lớp 6/3 vài tháng, tôi thừa biết sức học của học trò mình ở mức nào. Bảo Ngọc là một đứa viết văn chắc chắn, luôn đáp ứng chính xác yêu cầu đề bài một cách ngắn gọn và súc tích nhất. Tuy văn chương chưa hẳn là thật sự xuất sắc nhưng có thể đánh giá là con bé viết tốt, dễ đọc, dễ chịu. Đâu có giống cái bài văn mẫu vớ vẩn kia…
- Tại… tại mẹ con nói con làm văn dở ẹc, câu cú khô khan lại còn ngắn củn nên bắt con phải học mấy bài văn mẫu để chép…
Mới nghe thôi mà khóe miệng tôi đã giật giật rồi. Muốn chửi ghê, tôi là đứa chúa ghét mấy người cứ giữ mãi tư duy giáo dục hồi thế kỷ trước! Đúng là vài chục năm trước, các giáo viên thường thích những bài văn bay bổng, dài ngoằng thật. Không hay thì ít ra cũng phải dài, cả người học Văn lẫn viết Văn đều tuân theo cái luật ngầm… hết sức vớ vẩn có tên là “đo gang chấm điểm”. Nhưng giờ là năm nào rồi, ai còn học cái thứ văn chương vô nghĩa ấy nữa! Văn thời nay chỉ cần diễn đạt một cách trực quan, sáng sủa và dễ hiểu là được. Làm gì có ai quan tâm đến mấy câu từ sáo rỗng và đi đo gang bài văn nữa đâu!
Cơ mà thú thật, tôi rất cảm thông với câu chuyện mà Bảo Ngọc vừa kể ra. Tôi tự cho mình cái quyền xem bản thân là một kẻ thấu hiểu để bày tỏ sự đồng cảm với con bé. Tôi ôm chầm lấy nó, vuốt ve cái mái tóc đen và xù hết sức đặc trưng của Bảo Ngọc. Trong lúc ôm con bé, tôi vô thức nhớ đến câu chuyện của mình. Ừ thì tôi có một người cha hết sức lạ lùng: ông ta là một kẻ say sỉn từ sáng đến tối. Việc một người vô dụng như ông ta thích nhất là khoe con trên bàn nhậu nên chỉ cần tôi bị điểm thấp, ông ta sẽ phát điên lên. Những lúc thế ấy, ông ta sẵn sàng buông mọi lời nặng nề nhất để mắng nhiếc cả hai mẹ con tôi, rằng mẹ tôi là cái đồ đổ đốn, mỗi chuyện dạy con cũng không được, còn tôi là cái thứ ngu đần, đã không biết học còn chẳng biết “lật bùa”.
Những lời mắng nhiếc đó đã khiến tôi hoài nghi bản thân trong suốt nhiều năm ròng rã. Vì chẳng ai khen ngợi tôi bao giờ cả nên rất nhiều lúc, tôi thật sự cảm thấy bản thân mình tệ hại vô cùng. Cho đến khi gặp người cô giáo dạy Văn lớp mười một, người giáo viên mà tôi thương quý nhất đời, tôi mới biết là mình không làm gì sai. Cô ngợi khen sự trung thực, dám không học và dám chịu điểm thấp của tôi - dù vẫn khuyên nhủ bảo ban tôi hãy chăm chỉ hơn để xứng đáng với sự thông minh trời phú. Cô chỉ cho tôi thấy những điểm mạnh của tôi - như tiếp thu kiến thức nhanh chóng, khả năng đọc nhanh và sự nhạy cảm - bên cạnh việc nhắc nhở tôi về những điểm yếu như hay chểnh mảng, mất tập trung, lơ là. Trong một năm ngắn ngủi được học với cô, tôi thấy mình khác hẳn: nhiều tự tin hơn, ít âu lo và hoài nghi hơn. Mãi sau này, tôi mới biết người ta thường dùng từ “chữa lành” để nói về trạng thái kia. Khi ấy, tôi đã là một sinh viên ngồi trên ghế giảng đường ngành Sư Phạm.
Đúng vậy, kể cả khi không thể gọi tên được cái cảm giác mà mình vẫn luôn hồi tưởng, tôi vẫn muốn và luôn muốn giúp đỡ cho những đứa trẻ từng giống như tôi. Không gì có thể ngăn tôi thực hiện giấc mơ ấy, kể cả đồng lương bèo bọt đặc trưng của ngành nữa.
Nghĩ đến lương, tự nhiên tôi xúc động đến độ nước mắt lưng tròng luôn. Nhưng tôi vẫn không quên rằng ai mới là người cần được an ủi ở đây:
-Thôi, cô hiểu rồi. Nhưng từ nay về sau đừng chép nữa, con tự viết hay hơn nhiều.
Mấy tiếng hu hu vang lên đột ngột. À, thì ra là Bảo Ngọc, con bé đã òa khóc trong khi cô nó chỉ dám âm thầm rơi nước mắt trong lòng. Và tiếng khóc trẻ con nhanh chóng khiến đầu tôi ong ong lên theo. Biết quá rõ rằng việc dỗ một đứa con nít ngừng khóc tốn nhiều công sức đến cỡ nào nên tôi phải can thiệp ngay trước khi quá muộn.
Nhờ vào bốn năm học hành nghiêm túc tại Sư Phạm, tôi đã nghĩ ra ngay một giải pháp hết sức thần thánh mang tên “đánh trống lảng”.
- Ê, Bảo Ngọc, con biết gì không?
- Gì vậy cô?
Đang khóc, con bé bỗng ngóc đầu dậy, đôi mắt sáng nhìn tôi với sự tò mò không thể giấu nổi. Tuy vậy, khi nó hít thở, vài tiếng sụt sịt từ mũi vẫn phát ra làm tôi không thể không thấy buồn cười.
- Cô đã chọn con vào trong danh sách tham gia “Văn hay chữ tốt đó” cấp trường đó!
Sắc mặt của con bé thay đổi liên tục, chuyển từ ngạc nhiên sang mừng rỡ. Rồi nó lại quay sang hỏi tôi bằng cái giọng thấp thỏm:
- Nhưng mà con…
Không muốn thấy con bé tiếp tục tỏ ra tự ti, tôi lập tức cắt ngang:
- Nhưng cái gì mà nhưng. Cô thấy con viết văn ổn nên mới chọn chứ bộ. Về vấn đề nét chữ thì cũng không cần ngại, nhà trường đã phân công cho cô Phấn rèn thêm cho các con rồi. Từ tuần này trở đi, sáng thứ bảy nào con cũng đến trường để luyện chữ, còn chiều thì đến trường ôn Văn, được chứ?
Nghe tôi bảo là sẽ còn ôn luyện, con bé có vẻ yên tâm hẳn. Tôi thấy mặt nó ửng đỏ, có vẻ như rất phấn khích và liên tục gật đầu:
- Dạ được dạ được.
Rồi như chợt nhớ đến điều gì đó, con bé giương cặp mắt lúng liếc nhìn về phía tôi rồi nói bằng giọng dò xét:
- Mà cô ơi cô, buổi chiều mình học đến mấy giờ là về vậy?
Vừa nghe câu hỏi đó, trực giác của tôi lập tức hóa thành cái còi hú hét liên tục trong tâm trí. Không quan tâm đến chuyện “bị” đi học thứ bảy mà chỉ quan tâm đến chuyện buổi chiều tan học lúc mấy giờ ư? Điều đó có nghĩa là buổi chiều con bé đã có lịch bận sẵn. Tôi không rõ rằng đó là lịch gì, khéo là phụ huynh của Bảo Ngọc đã thuê gia sư phụ đạo cho con bé trong khung giờ ấy cũng không chừng. Cơ mà, chẳng hiểu sao, linh tính mách bảo tôi rằng cái lý do khiến con bé nghĩ ngợi chẳng phải là chuyện học…
- Như bình thường thôi con, khoảng năm giờ mình về. Con có lịch học ngoài trường à?
Tôi giả vờ như chẳng phát hiện ra điều gì, nói một cách chậm rãi. Quả nhiên, sự rạng rỡ trên gương mặt Bảo Ngọc vơi đi đôi chút. Vô thức, con bé cử động mấy đầu ngón tay nhỏ xíu rồi lí nhí hỏi:
- Có về sớm hơn một chút được không cô?
Việc con bé cố tình đánh trống lảng rõ ràng là một biểu hiện hết sức khả nghi. Điều đó càng củng cố niềm tin ở tôi, rằng Bảo Ngọc đang giấu giếm một bí mật gì đó. Tôi tò mò nhưng không tiện hỏi, đành hắng giọng, giả vờ ho:
- Buổi đấy không phải là giờ học chính thức trên trường nên nếu con hoàn thành tốt bài học sớm thì tan sớm cũng được.
Như một cái cây khô vừa được tưới nước, con bé lập tức tươi roi rói. Nó vui vẻ gật đầu chào tôi, hứa rằng nó sẽ đến học ôn đúng giờ. Rồi nó chạy như bay về phía cổng, thoăn thoắt và nhí nhảnh như một con chim sẻ đang chạy lấy đà trước khi vỗ cánh. Tôi nhìn theo bóng lưng của nó, không khỏi bật cười.
- Cái con bé này!
Vừa lấy xe, tôi vừa ngầm cảm thán về sự dễ buồn, dễ vui hết sức hồn nhiên của bọn trẻ con. Nhưng rồi, hai khuôn mặt quen thuộc bỗng xuất hiện trước mặt tôi khiến tôi sửng sốt. Ơ kìa, hai đứa đó chẳng phải là Khôi Nguyên và Trung Hiếu lớp tôi ư? Thằng Khôi Nguyên thì tôi chẳng lạ gì, con nhà giàu, hơi ngông nghênh nên không hợp tính với bạn bè trong lớp cho lắm. Nhưng hôm nay mặt trời mọc ở đằng Tây hay sao mà nó lại chịu cho Trung Hiếu ké xe thế kia?
Chợt nhớ đến tiếng la về nhân vật “đại ca Trung Hiếu” nào đó mà mình tình cờ nghe ở tiệm net lúc trưa, tôi lập tức leo lên xe máy đuổi theo bọn trẻ. Để tránh bị bọn trẻ phát hiện, tôi cố không lái xe đến quá gần. Chiếc xe đạp điện của Khôi Nguyên chạy băng băng, có vẻ như chúng không hề phát hiện ra tôi đang âm thầm theo dõi. Khi xe dừng lại, thằng Trung Hiếu nhảy bịch xuống ngay.
Nhìn địa điểm mà hai đứa chúng nó ghé lại, tôi không khỏi thở dài. Đó chính là cái tiệm net mà ban trưa tôi nhìn thấy. Vô thức, tôi thở một hơi thật dài. Xem ra mọi thứ đúng y như những gì mà tôi nghĩ.
0 Bình luận