• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập duy nhất

Chương 02: Buổi phát bài kiểm tra tại lớp 6/3

2 Bình luận - Độ dài: 2,232 từ - Cập nhật:

Sau một giấc ngủ không được sâu cho lắm, tôi thức dậy với cơ thể rệu rã khó tả bằng lời. Nhanh chóng ăn vội bữa sáng qua loa, thay chiếc áo dài đã được ủi sẵn từ tối hôm trước, tôi lập tức đến trường để đảm bảo mình không đến trễ. Nhìn vào thời khóa biểu tổng được dán tại phòng giáo viên, tôi nhận ra hôm nay mình có tất cả sáu tiết dạy. Hai trong số chúng sẽ diễn ra tại lớp 6/3 - lớp học mà tôi chủ nhiệm năm nay. 

Xem xong lịch dạy, tôi vô thức thở phào một hơi. May quá, sáu tiết dạy này được xếp gần như liên tục với nhau, buổi chiều hôm nay, tôi sẽ được về sớm. Tại ngôi trường mà tôi đang làm việc, mỗi ngày, bọn học sinh có thể phải học đến chín tiết. Năm tiết buổi sáng, bắt đầu từ lúc sáu giờ ba mươi và kết thúc lúc mười một giờ hai mươi. Bốn tiết buổi chiều sẽ bắt đầu từ lúc một giờ rưỡi và kết thúc lúc năm giờ. Tất nhiên, việc học bao nhiêu trong chín tiết kia xe sẽ phụ thuộc khá nhiều vào việc bọn trẻ đang học lớp nào. Đám học sinh nhỏ tuổi lớp sáu chưa cần phải học quá nhiều nên hầu như buổi chiều nào, chúng cũng được về sớm. Trong khi đó, các đàn anh, đàn chị của chúng - đám trẻ lớp chín lại bị ép học chín tiết năm ngày, còn phải học luôn cả ngày thứ bảy. 

Bốn tiết dạy đầu tiên của tôi diễn ra khá thuận lợi. Cùng một bài giảng, tôi giảng đi giảng lại tại hai lớp 8/4 và 8/5. Điều đó khiến tôi hơi nhàm chán, nhưng nhìn chung thì buổi học đã diễn ra khá trơn tru. Dạy xong, tôi trở về phòng giáo viên ngay lập tức.

Dưới luồng gió mà chiếc máy lạnh liên tục phả ra, tôi tự rót cho mình một ly nước nóng và hớp từng ngụm thật khoan thai. Tự nghĩ về buổi dạy, tôi khá hài lòng. Cơ bản là lũ trẻ đã làm đủ bài tập về nhà, cũng chăm phát biểu và không tạo ra vụ việc phiền phức nào, lẽ ra tôi phải vui sướng mới đúng. Nhưng tôi không vui nổi, người đang hơi mệt, cổ họng cũng bắt đầu đau râm ran. Dễ hiểu thôi, mấy ngày hôm nay thời tiết đều thay đổi đột ngột, hết mưa rồi lại nắng, chưa kể tôi phải dùng cuống họng nhiều quá thì bị bệnh cũng là lẽ thường tình. 

Vô thức, não tôi nhớ đến mấy bình luận vẩn vơ trên mạng bảo rằng làm giáo viên rất nhàn. Lần nào lướt phải mấy cái bình luận như thế, tôi cũng phải rủa thầm trong bụng. Ừ thì nhàn, nhàn ghê luôn á! Nấu cháo phổi mỗi ngày như vậy thì quá là nhàn luôn!

Nước nóng trong ly nhanh chóng vơi đi, cái cổ họng khô khốc và âm ỉ đau của tôi cũng bắt đầu dịu đi đôi chút. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện trưa nay ăn gì. Là giáo viên, hiển nhiên, tôi có thể ăn bữa ăn ưu đãi tại căn tin. Tuy là số tiền tôi bỏ ra sẽ giống y như đám học sinh, nhưng lượng thức ăn nhận về bao giờ cũng nhiều hơn một ít. Cơ mà tôi đã chán ngấy món cơm sườn nướng mà dưới đó bán, sườn lúc nào cũng bị khô, dưa chua lại hăng nồng, khá khó ăn. Tôi nghĩ, hôm nay mình sẽ ra ngoài ăn một bữa.

Thế là tôi đứng dậy, nhanh nhảu rời khỏi phòng giáo viên và bước vội về phía cổng. Tôi không định lấy xe máy đi ra ngoài vì đối diện cổng trường đã có vài quán khá ổn rồi. Đang giữa trưa, sân trường khá vắng người. Nguyên do đến từ việc trường tôi không phải là trường bán trú nên phụ huynh và học sinh phải tự túc chuyện cơm nước. Phần đông các học sinh sẽ được cha mẹ đón về ăn cơm với gia đình và nghỉ trưa một lúc trước khi quay lại buổi học, số còn lại thì sẽ được phát tiền ăn hàng ngày để tự lo thân. Thế nên, chỉ cần vừa tan học là bọn nhỏ đã chạy về nhà hoặc chạy ra các quán ăn cả.

Kéo cái nón rộng vành lại cho ngay ngắn để khỏi bị nắng, tôi bất ngờ phát hiện ra lũ trẻ lớp 8/5. Toàn là những gương mặt thân quen mà tôi mới dạy sáng nay cả thôi. Trông thấy tôi, bọn nhỏ đều mở miệng chào:

- Dạ con chào cô!

Tôi vui vẻ chào lại chúng, sẵn tiện hỏi xem chúng đi đâu giữa trời trưa nắng nóng. Thế là chúng kể cho tôi nghe chuyện chúng định đi ăn ở một cái quán nọ, chuyên bán gà rán và nui sốt cà. Tò mò, tôi hỏi thăm:

- Ngon không tụi con?

Tụi nhỏ gật gù khen ngon. Máu tò mò nổi lên, tôi xin đi chung cùng bọn chúng. Chẳng bao lâu sau, cô trò chúng tôi dừng lại ở một cái quán lề đường bé tẹo, chỉ có vài cái bàn nhựa được đặt chỏng chơ ngoài trời. May mắn là chủ quán có căng tấm bạt ở phía trên nên thực khách cũng không bị quá nóng. Thực đơn của quán đấy khá đơn giản, chỉ có nui luộc sốt cà và các thể loại đồ chiên như gà chiên, xúc xích chiên. Nhìn bảng giá hết sức bình dân chỉ với hai mươi lăm ngàn một hộp cho loại đắt nhất, tôi thở phào, tươi tắn nói với bọn trẻ hai chữ “cô mời”. Dù đồng lương giáo viên cũng bèo bọt chẳng đáng là bao nhưng nhiêu đây thì tôi chi được!

Thế là bốn cô trò chúng tôi ngồi vào bàn, thi nhau gặm lấy gặm để bữa trưa khá hấp dẫn đó. Hộp đầy đủ mà quán này bán gồm hai cục gà viên nho nhỏ đã được áo bằng một lớp bột chiên xù để giòn ngon hơn (và tất nhiên là nhìn đầy đặn hơn nữa). Mỗi hộp cũng có nửa cây xúc xích được áo cùng loại bột chiên xù với món gà. Về phần nước sốt cho nui luộc thì hết sức giản đơn, chủ quán xịt thẳng một ít tương cà và tương ớt từ hai cái chai không rõ nhãn mác vào là xong việc. Tưởng là không ngon, nhưng sau khi ăn, tôi phải công nhận là món này khá bắt miệng. Vị chua, cay vừa vặn hòa quyện, khiến cho món nui nhạt nhẽo và món gà chiên lắm dầu mỡ hấp dẫn đến bất ngờ. 

- Rồi mấy đứa định về trường luôn chưa?

Sau khi ăn xong, tôi quay ra hỏi bọn nhỏ. Bọn chúng dạ, bảo sẽ về trường ngay. Tôi thì cười, nói với chúng là mình phải đi lấy tài liệu ngoài tiệm photo. Thế là bốn cô trò chia tay luôn tại quán. 

Tạm biệt bọn nhỏ xong, tôi đi thẳng đến quán cafe gần đó. Đúng vậy, mục tiêu thật sự của tôi không phải là tiệm photo gì cả, tôi chỉ muốn uống nước dừa cho thanh cổ họng sau một bữa ăn khá là khô khan. Tuy vậy, trên đường đi, tôi tình cờ đi ngang một cửa tiệm khá ồn ào: 

- Mẹ nó, phải thế chứ!

Tiếng hét đầy phấn khích của ai đó làm tôi vô thức chau mày, “gì mà ồn ghê”. Nhưng khi nhìn đến bảng tên, tôi lập tức hiểu ngay vấn đề, bởi chỗ đấy là một tiệm net. Thoạt nhìn thì tiệm khá là bèo, máy móc bàn ghế đều tương đối cũ kỹ. Cơ mà trong tiệm lại đông đúc lắm, chịu thôi, gần trường học quá mà. Đúng như tôi đoán, khi tôi liếc vào, tôi thấy phần lớn người đang chơi trong tiệm là đám học sinh. Toàn những đứa trẻ người mặc áo trắng, cổ đeo khăn quàng, chúng đang bu xung quanh mấy cái máy tính lỗi thời kia và hò reo ầm ĩ. Tôi thử nhìn kỹ, phát hiện ra có kha khá đứa là gương mặt quen thuộc bởi tôi đã từng giảng dạy chúng trong giờ Ngữ Văn rồi. Lòng tôi thầm ghi nhớ tên chúng, vì tôi muốn dành cho đám nhóc này suất trả bài ưu tiên từ cô giáo.

Nói sao ấy nhỉ? Tôi không phản đối việc bọn trẻ chơi game chút nào, chính tôi cũng thích chơi đó thôi. Nhưng tôi sẽ phản đối nếu chúng để việc chơi game tạo ra ảnh hưởng xấu cho việc học. Nên nếu chúng vẫn đảm bảo mình thuộc bài và làm bài trên lớp, tôi sẽ giả vờ như không biết những chuyện này. Còn nếu chúng mãi chơi đến độ bỏ bê bài vở thì đừng trách sao tôi độc ác!

- Đại ca Trung Hiếu ngầu đét!

Giữa lúc mà tôi chuẩn bị rời khỏi, lại có thêm một tiếng hét thất thanh khác vang lên. Nó lập tức thu hút sự chú ý của tôi, khiến tôi nán chân lại. Vì sao ư? Vì ngay lớp mà tôi đang chủ nhiệm cũng có một nhóc học trò tên là Trung Hiếu, một thằng bé rất ngoan và hiểu chuyện. Lại thêm hoàn cảnh nhà nó nữa… chắc là nó sẽ không đến mấy chỗ này đâu…

Nghĩ vậy, tôi lại nhanh chân bước về trường. Trưa nóng quá, mới đi một chút mà mồ hôi đã tuôn ra như suối. Tôi đoán là phần lưng áo dài của mình đã ướt đẫm, may mà tôi luôn mua loại vải rất dày, dù ẩm ướt cũng không lo chuyện hớ hênh. Thở phào nhẹ nhõm, tôi chạy một mạch về trường. Mới nghỉ ngơi hơn năm phút một chút, tiếng trống trường đã vang lên thật giòn giã. Tôi vội cầm cặp sách đi đến lớp 6/3, thấy tôi, lũ học trò nhỏ vội vã đứng nghiêm chào. Đảo mắt nhìn các vị trí hãy còn đang trống trong lớp, tim tôi hẫng một nhịp khi Trung Hiếu cũng là một trong số đó.

- Dạ thưa cô.

Vài phút sau, bọn trẻ hớt hải chạy vào lớp. Đầu tóc đứa nào đứa nấy đều ướt sũng như một lũ chuột vừa mắc mưa. Tôi vừa thấy thương vừa thấy buồn cười, song vẫn cố tỏ ra nghiêm mặt:

- Vào lớp nhanh.

Thế là chúng nhanh chóng ngồi vào vị trí. Thấy lớp đông đủ, tôi lôi một xắp giấy từ trong cặp ra, hắng giọng nói:

- Phát bài kiểm tra nào.

Một loạt tiếng kêu rên lập tức vang lên sau khi nghe tôi nói. Trừ vài đứa trẻ không giấu nổi sự háo hức, hầu hết, đám học sinh trong lớp đều tỏ ra khá chán đời. Lớp trưởng Bảo Ngọc và lớp phó Thu Nhi nhanh nhảu bước đến bàn tôi nhận bài kiểm tra, rồi chia ra làm đôi để nhanh chóng phát cho các bạn trong lớp. Từng bài rồi lại từng bài kiểm tra được phát, tiếng rên rỉ, reo vui trong lớp liên tục truyền ra. Một số đứa trẻ bắt đầu thảo luận đáp án hoặc trao đổi bài với nhau, trong khi đó, lớp trưởng Bảo Ngọc vẫn chuyên tâm phát bài cho các bạn. Khi đã xong xuôi, con bé mới cầm bài kiểm tra của riêng mình nhanh nhảu bước về bàn.

Đã âm thầm dõi mắt theo Bảo Ngọc từ lúc con bé nhận xấp bài kiểm tra, tôi nhanh chóng phát hiện ra những thay đổi về biểu cảm trên gương mặt nhỏ nhắn của con bé. Đang vui vẻ, sau khi nhìn bài, nó trừng to đôi mắt có vẻ như rất kinh ngạc. Rồi nó bắt đầu lúng túng, đôi tay vụng về mở chiếc cặp ra, giấu bài kiểm tra vào sâu bên trong.

- Bảo Ngọc ơi, cho tớ mượn…

- Im lặng.

Thấy có đứa mượn bài con bé, tôi vội vã cắt ngang. Để không ai biết đó là việc làm cố tình, tôi lập tức ghi lại đề kiểm tra trên bản và tiến hành sửa chữa. Tôi đã ghi đáp án đúng lên bảng bằng phấn trắng và không quên nhắc lại các đáp án sai thú vị mà mình phát hiện ra trong lúc giảng bài. Vì tôi chẳng chỉ đích danh ai là tác giả của các đáp án sai kia nên chẳng việc gì phải ngại ngần, cả lớp cùng nhau cười khanh khách. Thậm chí, để giảm bớt nghi ngờ của người khác, một vài đứa trẻ láu lỉnh đã nhanh nhảu tiên phong trong việc tự cười vào sự ngớ ngẩn của mình. Cứ như vậy, buổi sửa bài diễn ra đầy sinh động.

Tất nhiên, không phải ai cũng vậy. Ngồi ở đầu bàn ba, con bé Bảo Ngọc của tôi không tươi cười như các bạn. Nó đang trưng ra một nụ cười gượng gạo đến lạ kỳ.

Bình luận (2)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

2 Bình luận

Đoạn "Phần đông các phụ huynh sẽ được cha mẹ đón về ăn cơm... " Sai kìa bạn
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Cảm ơn bạn, chỗ đó phải là phần đông học sinh mới đúng nè. Mình type nhanh quá nên bị lag, ehehe
Xem thêm