Nghe tiếng tôi gọi, nhóc Trung Hiếu lòm còm bò dậy. Nó dụi dụi con mắt đỏ ửng vừa tỉnh ngủ rồi hốt hoảng nhìn tôi:
- Dạ thưa cô…
- Đang giờ học, ngủ gì mà ngủ! Định dạng hai đoạn văn bản này giống y như mẫu cho cô xem nào!
Vừa nói, tôi vừa trỏ tay vào ba đoạn văn bản nằm ở ba vị trí khác nhau trong bài. Gần như ngay lúc đó, nhỏ Bảo Ngọc nhanh nhạy trong việc hiểu ý cô đã lập tức đứng dậy, nhường cái ghế dễ thao tác vi tính nhất cho bạn. Chẳng chút ngần ngừ, Trung Hiếu ngồi vào vị trí ấy. Trước máy tính, thằng bé há miệng và ngáp một hơi thật dài.
Nhìn dáng vẻ rề rà đó, tôi càng tin chắc hơn vào phỏng đoán của mình rằng Trung Hiếu sẽ không phải là một đứa trẻ thành thạo về công nghệ. Cũng dễ hiểu thôi, mẹ thằng bé thậm chí còn chẳng có nổi một cái điện thoại cảm ứng thì thằng bé đâu có nhiều cơ hội tiếp xúc với máy tính nhiều như các bạn! Tuy vậy, những gì thằng bé làm sau khi bị tôi gọi dậy đã khiến tôi phải thay đổi cái nhìn hoàn toàn. Bằng một loạt thao tác thành thạo, thằng bé đè phím Ctrl, gom các phần văn bản rời rạc cần được định dạng giống nhau lại và thao tác một thể.
“Này mà còn gọi là không thông thạo thì cái gì là thông thạo nữa chứ!” Tôi nghĩ thầm trong lòng. Tuy tốc độ có phần chậm hơn một tí so với Bảo Ngọc, nhưng tính về độ bài bản thì còn có phần nhỉnh hơn.
- Được rồi, biết làm thì cô tạm tha cho. Lần sau không được ngủ trong giờ học nữa.
Thằng bé lúng túng gãi đầu rồi dạ một tiếng. Tôi thủng thẳng rời chỗ bọn nhỏ, tiếp tục quan sát tình hình làm bài của mấy đứa học sinh xung quanh. Nhưng giọng nói của bọn nhỏ vẫn còn văng vẳng sau lưng tôi:
- Ái chà, ông cũng giỏi dữ.
- Chứ sao!
Có vẻ như, thằng nhóc nhỏ xíu và ngoan ngoãn trong mắt tôi cũng có một bộ dạng hoàn toàn khác khi giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa. Cơ mà tôi nghĩ như vậy cũng tốt, việc thằng bé hồn nhiên theo đúng độ tuổi là rất nên. Chẳng thể nào cứ bắt một đứa trẻ mới mười hai, mười ba tuổi đầu già dặn như một ông cụ mãi được. Hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa cũng nên mà.
Đi một vòng, tôi thấy các nhóm đều đang hối hả làm bài tập thì thong thả trở về máy chủ ngồi nhìn. Tụi nhỏ đều đang dốc hết sức lực làm bài thật nhanh để còn có thời gian chơi máy theo ý thích. Vắt chéo chân dưới bàn vi tính, tôi lẳng lặng quan sát máy chủ. Tôi nhận thấy một số nhóm đã làm xong bài tập và bắt đầu tận hưởng những giây phút giải lao thú vị của mình. Hiển nhiên, nhóm Trâm - Ngọc - Hiếu là bọn xong trước tiên, cả ba đứa nó đang xem phim hoạt hình “Tom & Jerry” phiên bản không có tiếng. Ngoài ra thì cũng còn có vài nhóm khác cũng đã hoàn thành hết, chúng nó bắt đầu tranh thủ chút thời gian ít ỏi này để… chơi game.
Đúng vậy, là chơi game. Dù máy vi tính của trường đều đã được cài chế độ “đóng băng” - mọi thứ đã được tải xuống trong lần khởi động này sẽ bị xóa sạch trong lần khởi động kế tiếp. Tuy vậy, chẳng gì có thể ngăn chặn sự ham chơi của bọn nhỏ. Không chơi được các trò cần phải tải về, chúng nó chơi mấy trò chơi trên web. Bọn con gái thường chơi mấy trò như nấu ăn, lựa chọn quần áo hoặc vào “Khu vườn trên mây” trồng cây chẳng hạn. Trong khi đó, đám con trai lại thích mấy trò có cơ chế chiến đấu hơn. Tôi thấy khá nhiều đứa chơi Gunny, ngoài ra, cũng có kha khá đứa đang chơi mấy trò điều khiển thú chiến đấu như Đảo Rồng với tất cả sự hăng hái. Cá biệt nhất, nhìn từ trên máy chủ, tôi còn phát hiện có một đứa chơi Zingspeed - một trò đua xe cần phải tải client và cài đặt mới chơi được. Với thời gian của buổi học thì chắc chắn là chẳng thể nào tải kịp, tôi biết chắc bọn học trò này lại lén lút mang USB theo rồi.
Không chút chần chừ, tôi bước thẳng xuống bàn cái đứa tội phạm to gan kia:
- Trương Vũ Trọng Khang.
Đang “đua xe” hăng hái, nghe tôi gọi tên, cậu bé Trọng Khang ấy giật thót lên. Chiếc xe trong trò chơi của nó lập tức tông vào lề và bị một loạt đối thủ khác trong cuộc đua vượt qua mặt. Tuy vậy, thằng nhỏ chẳng còn tâm trí để nghĩ về chuyện đó nữa. Nó giương bộ mặt tái mét mà nhìn tôi:
- Dạ… dạ thưa cô.
- Nói! Ai cho con cắm USB vào máy tính trường?
Tôi nói nhưng không quên gằn giọng thật mạnh ở hai chữ “Ai cho”. Gần như ngay lập tức, gương mặt xanh xao đó chuyển thành màu xám xanh. Thằng bé lúng túng đáp:
- Dạ… không ai…
Thấy nó sợ hãi như vậy, lòng tôi cũng ngầm buồn cười. Dám làm trái quy định mà cũng biết sợ cơ đấy!
Đúng vậy, trường tôi có quy định rất kỹ về các vấn đề xoay quanh việc sử dụng cơ sở vật chất. Dù là phòng thí nghiệm hay phòng Tin học thì cũng có một loạt quy định riêng. Vì lo lắng bọn học sinh nhớ trước quên sau (hoặc nhớ nhưng cứ giả vờ quên để trốn tội), trường còn dán hẳn một tấm bảng mica ghi rõ từng điều một ngay cạnh cửa ra vào. Trong đó có viết rất rõ ràng rằng “học sinh tuyệt đối không được tải hay sử dụng thiết bị lưu trữ để sao chép bất kì tệp tin nào từ những nguồn mà giáo viên không hề cung cấp”.
Nói một cách đơn giản và dễ hiểu hơn, trường tôi cấm học sinh mang USB vào phòng Tin học vì sợ chúng nó sao chép linh tinh. Thật ra mớ thông tin mà chúng nó chép vào cũng chẳng có gì là đáng lo, cuối giờ sẽ được chế độ đóng băng giải quyết, không lo chiếm dung lượng máy tính. Thứ thật sự đáng lo là vô số virus máy tính có hoặc chẳng có tên. Sau khi chứng kiến tình huống dở khóc dở cười của trường đối thủ, khi toàn bộ hệ thống website có đuôi “.edu.vn” của trường họ bị hack và “hóa thân” một trang web bán thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, trường tôi đâm ra cực kì quan ngại về vấn đề này.
Chuyện nhà mình mình biết, chúng tôi thừa hiểu là nhân sự của mình không có tài năng gia cố bảo mật web hay làm những chuyện tương tự. Nên cách tốt nhất để bảo mật vẫn là giảm bớt rủi ro do yếu tố con người. Ngăn học sinh sao chép, tải linh tinh là một trong những biện pháp hàng đầu được nêu ra. Chúng tôi cấm tiệt chuyện học sinh mang USB vào phòng Tin học. Cho nên, việc làm của Trọng Khang hôm nay đã vi phạm điều cấm kỵ.
- Vi phạm quy định phòng Tin học thì bị xử sao nè?
Dẹp mớ suy nghĩ hỗn độn trong đầu, tôi quay sang hỏi đứa học trò nhỏ. Nó run rẩy nói trong khi mặt mày mếu máo:
- Dạ… viết tự kiểm.
- Đúng, nhưng chưa đủ.
Tôi khoanh tay nhìn đứa học trò.
- Thứ hai tuần sau… đứng… đứng cột cờ.
Thằng bé nấc lên bằng giọng nghẹn ngào. Tuy vậy, tôi vẫn không dừng lại:
- Đưa đây.
Vừa nói, tôi vừa xòe cái tay ra. Thằng bé run rẩy đặt cái USB lên tay tôi rồi òa lên khóc. Nhìn gương mặt lấm lem nước mắt y như một con mèo con ăn vạ của nó, tôi cực kì buồn cười. Nhưng bằng tất cả tố chất nghề nghiệp, tôi vẫn giữ cái mặt thật nghiêm:
- Sao, cô có xử oan cho con không mà khóc?
- Dạ không oan ạ.
Liên tục đưa tay quệt nước mắt, thằng bé nói. Tôi thở một hơi thật dài rồi trở về máy chủ, rút mấy miếng khăn giấy từ trong túi ra đưa. Có khăn, thằng bé lập tức vò thành một cục rồi đưa lên lau nước mắt một cách mạnh bạo. Tôi nhìn mà khóe miệng giật giật, haiz, đúng là bọn con trai tuổi này.
Thật lòng thì tôi cũng chẳng muốn làm căng với bọn nhỏ làm gì. Tuy vậy, đối với một người giáo viên, tôi không thể tự ý tạo ra những “ngoại lệ”. Tôi phải dạy cho bọn nhỏ biết rằng quy định là thứ sinh ra để người ta chấp hành, không ai có quyền tự ý làm trái. Và các hình thức thưởng phạt phân minh chính là cách hiệu quả nhất để duy trì cho một loạt quy định này.
Hai năm dạy lớp chính thức, bốn năm làm gia sư cho bọn trẻ con khiến tôi thấm thía một điều rằng bọn nhỏ là loài sinh vật nhạy cảm nhất quả đất. Kể cả khi chúng chưa hiểu được những thứ phức tạp trong thế giới của người lớn, nhưng bọn nhỏ rất nhạy cảm và bản năng luôn dạy chúng cách “giành” nhiều phần lợi nhất về mình một cách ngấm ngầm. Như trường hợp của Trọng Khang đây, nếu hôm nay tôi dễ dãi với thằng bé thì xác suất rất cao là nó sẽ tái phạm nhiều lần nữa để tranh thủ mấy mươi phút chơi tựa game yêu thích. Chưa kể, những học sinh khác trong lớp cũng sẽ đánh giá tôi là một giáo viên “dễ”, chẳng còn e ngại khi vi phạm những điều tôi cấm làm. Cứ như vậy, dần dà, kỉ luật của toàn bộ hệ thống đều sẽ sụp đổ.
“Cho nên ngoan ngoãn chịu phạt nha Trọng Khang.” Tôi nghĩ vậy nhưng vẫn giơ tay phải ra xoa mái tóc ngắn củn của thằng bé. Vốn đang run bần bật, chẳng hiểu sao, thằng bé lại hết run. Tôi còn định nói với nó thêm vài câu nhưng tiếng trống trường lại vang lên, báo hiệu lại một tiết học kết thúc.
Thế là tôi cho lớp tan học ngay, bất chấp bọn nhỏ lớp tôi đang tỏ ra tiếc nuối khôn cùng. Nhiều đứa lưu luyến nhìn cái máy tính trước mặt mình, một số khác lén lút nhìn gương mặt lấm lem của thằng bạn học mà cười trộm. Chỉ có ba đứa là khác biệt, đó chính xác là nhóm Bảo Ngọc, Ngọc Trâm và Trung Hiếu ở bàn cuối. Vừa nghe tôi cho tan lớp, chúng nó đã vội vã xách cặp và chạy ùa ra ngoài ngay lập tức. Nhìn theo hướng bọn nhỏ chạy, tôi không khỏi thắc mắc với thằng nhóc Trọng Khang - kẻ đang khóc tèm lem.
- Ủa, hôm nay các con vẫn còn tiết học mà nhỉ?
Thằng bé vừa sụt sịt vừa giương đôi mắt đen lay láy nhìn tôi:
- Dạ hôm nay cô Trà Mi dạy Anh Văn đi tập huấn nên cô dặn tụi con nghỉ.
Thế là rõ rồi, thảo nào đám trẻ lớp tôi lại đi về phía cửa. Nhìn cả lớp đã tản đi gần hết mà thằng nhóc Trọng Khang vẫn đứng ngay tại vị trí cũ, tôi mở miệng hỏi thăm:
- Sao nào? Còn gì muốn nói với cô không?
Thằng bé lúng túng gãi đầu:
- Con… con muốn xin lại USB ạ!
0 Bình luận