Mẹ Trọng Khang có khổ không thì tôi chẳng rõ, nhưng tôi biết mình và thằng bé thì khổ thật. Nên từ sau bữa đó, tôi đâm ra chú ý đến thằng bé nhiều hơn. Sau khi hỏi thăm các giáo viên dạy bộ môn, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm khi nhận ra thằng bé học rất tốt các môn tự nhiên. Mỗi tội các môn xã hội thường có điểm khá thấp - chắc là vì thằng bé lười học bài. Môn Văn của tôi dạy thì ở mức không thấp không cao, điểm trung bình vừa tròn con số bảy.
Số bảy là một con số khá đánh lừa thị giác. Trước đây, tôi cũng không chú ý lắm, tôi nghĩ một đứa trẻ không có năng khiếu môn xã hội thì đạt điểm thế này cũng ổn rồi. Song sau khi cẩn thận dò lại toàn bộ bảng điểm, tôi mới nhận ra rằng điểm của Trọng Khang rất lệch. Với những bài viết bằng phương thức biểu đạt và tự sự, điểm của thằng bé thường khá khẩm hẳn trong khi với dạng văn biểu cảm hoặc nghị luận thì lại thấp hơn khá nhiều. Thằng bé luôn gặp rắc rối với các dạng đề “nêu suy nghĩ” hoặc “nêu cảm nghĩ”. Cứ mỗi lần va phải những đề kiểu đó, thằng bé cứ ngồi cắn bút mãi. Phải chờ cho đến khi có dàn ý hoặc bài mẫu để tham khảo thì mới đỡ hơn. Khi đó, tôi chỉ tặc lưỡi cho qua, nghĩ bụng thằng bé vốn không có năng khiếu văn chương thì cũng chẳng nên đòi hỏi quá nhiều ở nó. Nhưng giờ tôi mới ngờ ngợ nhận ra, hình như nó chưa bao giờ nêu quan điểm hay cảm xúc của mình mà chỉ đang cố mô phỏng lại những suy nghĩ, cảm xúc mà cô giáo gợi ý.
Phát hiện đó khiến tôi giật mình thảng thốt. Rất có thể, vấn đề của Trọng Khang không nằm ở khả năng diễn đạt như tôi từng phỏng đoán mà nằm ở thói quen tư duy cũng chẳng biết chừng. Thử nhìn hoàn cảnh của thằng bé mà xem, nó sống chung với mẹ - một người phụ nữ quyền lực, độc tài, thường xuyên gắt gỏng. Với một môi trường sống như vậy, làm sao thằng bé dám mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ hay cảm nhận của mình được đây?
“Lại gặp một tình huống mà mình chẳng biết phải giải quyết thế nào.” Tôi nghĩ thầm. Dù chẳng muốn nhưng tôi vẫn phải thừa nhận là mình chẳng thể giúp gì cho bọn nhỏ. Khó khăn về kinh tế tôi cũng không giúp được. Những khủng hoảng trong gia đình của bọn nhỏ cũng không. Tự dưng, tôi thấy mình vô dụng quá thể.
Để rồi sau đó hai tuần, khi tinh thần được vực dậy đôi chút, tôi bắt đầu triển khai một kế hoạch lớn. Đó là kế hoạch thu thập thông tin của đám học sinh lớp mình. Tôi bắt đầu sưu tập các thông tin chi tiết hơn về bọn nhỏ bên cạnh họ tên, họ tên mẹ, họ tên cha. Tôi ghi lại biểu hiện của bọn nhỏ trong thời gian gần đây, sự thay đổi về thành tích học tập cũng như những thông tin mình biết về điều kiện gia đình bọn nhỏ. Vẫn chưa thỏa mãn ở đó, tôi thậm chí còn điều tra những tựa game bọn chúng hay chơi và tần suất chơi nữa cơ. Tôi làm chừng ấy việc cốt là để đảm bảo rằng mình đang hiểu đúng trạng thái tâm lý bọn trẻ, để rồi từ đó nỗ lực tìm ra giải pháp giúp chúng học tập thật tốt.
Nhìn bảng thống kê nằm trên laptop, tôi không khỏi cảm thán rằng gu chơi điện tử của lớp tôi khá thông thường. Đám con gái thích chơi những trò có nhiều quần áo đẹp hoặc các tựa game otome về đề tài tình yêu, trong khi đám con trai lại thích nhào vào những trò mang đến nhiều sự kích thích hơn. Lựa chọn hàng đầu của chúng thường là bắn súng, đua xe hay các trò chơi có yếu tố chiến đấu. Và số đông trong bọn chúng đều chơi game điện thoại, số lượng chơi game máy tính khá ít - tôi đoán là do phụ huynh thời này kiểm soát thời gian con em dùng máy tính chặt chẽ hơn điện thoại thông minh. Cơ mà game điện thoại thì ưa kích nạp nên tốc độ đổi trò chơi của chúng cũng nhanh đến đáng sợ.
Người mà đổi trò chơi và sever liên tục hàng đầu lớp tôi không ai khác ngoài Trọng Khang. Là một đứa trẻ con nhà có điều kiện, có vẻ như tiền tiêu vặt của thằng bé không hề ít. Thế nên, tôi thấy trên trang cá nhân của nó xuất hiện vô số ảnh chụp màn hình nhân vật gắn liền với những cái skin đắt đỏ. Những đứa khác thì ít phô trương hơn, chủ yếu là cày chay cho vui. Thường thì cả nhóm bạn sẽ cùng chơi một trò với nhau để gia tăng tình đoàn kết.
Nói chung thì cũng chỉ mới triển khai nên kế hoạch này của tôi chưa tác động đến được những nhân vật cần nhiều sự quan tâm như Trọng Khang. Tuy vậy, nhờ vào việc điều tra này, tôi lại tình cờ phát hiện ra vài nhân tố “lươn lẹo” trong lớp. Ví dụ như mới sáng nay thôi, nhỏ Thanh Lam đã viện cớ rằng quá đau bụng khi tới tháng để xin miễn trả bài miệng. Nếu là bình thường, tôi đã tin và tha cho con bé bởi tôi cũng là một nạn nhân hay bị hành hạ bởi “bà dì”. Nhưng hôm nay, khi biết địch biết ta, tôi chỉ cười tủm tỉm và lẩm bẩm thật khẽ tên nick mà nó sử dụng trong trò chơi Audition yêu thích. Thế là mặt con bé tái mét, lập tức xin lỗi và hứa không tái phạm lần sau. Hừ, rõ ràng là tối qua online đến tận mười một giờ tối mà dám nói với cô là không khỏe, thật gian dối.
Ngoài con bé đó ra thì lớp tôi còn một nhân vật khác tên là Trí Đức. Thằng nhóc này tuy học bài và làm bài tập đầy đủ nhưng lại… kê khống số tiền phải đóng cho quỹ lớp mỗi tuần. Con số năm ngàn một tuần đã bị kê khống thành hai mươi ngàn để dư ra ít tiền mà nạp cho trò chơi điện tử. Với trường hợp này, tôi hoàn toàn không khoan nhượng. Tôi đã gọi và kể vắn tắt câu chuyện ấy cho phụ huynh nó kèm theo lời nhờ vả “nhờ chị quan sát cháu cẩn thận giúp em”. Nhận được tin từ tôi, phụ huynh nhóc Trí Đức nói lời cảm ơn với tông giọng hơi bực dọc. Không cần phải đoán, tôi cũng biết là tối nay gia đình họ sẽ có một buổi họp “tình thương mến thương” lắm nè. Cũng tội, cơ mà nên như vậy. Cứ nếu gia đình cứ dung túng cho thói quen kê khống như thế này thì thằng bé rất dễ thành người hư hỏng khi đã lớn.
Cơ mà, tôi đã làm sao để sưu tập được chừng ấy thông tin đấy nhỉ?
Đương nhiên là dựa vào kỹ năng sử dụng internet thần sầu của tôi rồi!
Đám trẻ đầu tiên nằm trong danh sách thống kê của tôi là những gương mặt dại khờ đã đăng nhập trò chơi điện tử trong phòng Tin học để Nguyễn Quế Hoa tôi có dịp ghi lại cả trò chơi lẫn tên nick. Những đứa còn lại đã để lộ dấu vết trên các trang mạng xã hội của chúng. Những gợi ý rõ ràng như like, share các bài viết về một trò chơi nào đó là dấu hiệu rõ ràng nhất, tôi có thể dựa vào đó mà lần theo. Thường thì lũ trẻ trong lớp tôi khá thân thiết với nhau nên chỉ cần phát hiện được một đứa thì rất dễ bắt gặp những đứa khác. Ví dụ như trường hợp của Đức Trí, sở dĩ nó bị tôi phát hiện là nhờ thằng bạn thân Minh Kha đăng hình một trận đấu trong game khoe chiến tính và tag tên vào. Có sẵn thông tin, tôi cứ thế mà tạo một tài khoản game và lân la tiếp cận với các gương mặt vàng này. Để rồi, tôi tình cờ nghe thằng nhỏ huênh hoang trên guild mà nó đang gia nhập:
“Xời, kiếm tiền nạp game đâu có khó. Chỉ cần báo tiền quỹ với ông bà già cao lên là có ngay chứ gì. Như tao nè, quỹ lớp tao đóng có năm ngàn thôi nhưng tao báo hai mươi ngàn, thế là có dư ngay.”
Có thể nói, sự lơ là của thằng bé đã hại nó một ván thua trông thấy. Chẳng biết sau buổi học hôm nay, nó có nhận ra rằng chính lời nói vẩn vơ của mình lại khiến “thủ thuật” của bản thân bị lộ chưa? Nếu có, chắc nó sẽ hối hận lắm đây nè!
Cơ mà bảng thống kê của tôi chỉ mới là một bảng tạm thôi, bởi trong bảng này vẫn còn rất nhiều nhân tố đáng được điều tra. Trừ Trung Hiếu ra đầu tiên, thằng bé chắc chắc là không chơi net rồi. Cơ mà Ngọc Trâm với Bảo Ngọc mà cũng không chơi ư? Tôi hơi nghi về điều đấy. Thằng nhóc Khôi Nguyên mà cũng không chơi à? Tin có trời! Tôi chắc chắn là thằng nhóc ấy có chơi, vì có lần tôi nghe nó khoe khoang chiến tích rằng rút ra được SSR gì đấy. Được rồi, quyết tâm lên. Tôi không tin Nguyễn Quế Hoa tôi không bắt được chút sơ hở nào của thằng nhóc đấy!
Thế là suốt một tuần sau đó, tôi thường lén lút lượn lờ quanh mấy tiệm net ở gần trường. Quả nhiên, sau năm ngày rình rập, tôi đã phát hiện được một hang ổ lớn. Một nhóm học sin gồm Khôi Nguyên, Khải Anh, Trọng Khang và cả Trung Hiếu đồng loạt xuất hiện ở tiệm net gần trường. Như thường lệ, chỉ vài phút sau, nhóc Trung Hiếu đã xách cái túi cơ man bao nhiêu chai nước, lon nước bước ra trong khi đám bạn vẫn hãy còn đang ngồi thừ ở đấy. Sau khi do dự vài giây, tôi quyết định liều lĩnh.
Nhưng liều lĩnh không có nghĩa là thiếu chuẩn bị. Tôi vén tóc lên, đeo một cái khẩu trang đen kịt và lấy từ trong cốp xe ra một chiếc mũ lưỡi trai, đội lên đầu. Lại cởi bỏ chiếc áo vest khoác ngoài cái đầm kaki liền thân, tôi đột nhiên trông trẻ trung thêm vài ba tuổi. Vẫn chưa yên tâm lắm, tôi tháo nốt đôi giày cao gót tận bảy phân của mình ra và thay bằng một đôi bata. Thế là Nguyễn Quế Hoa khi đi dạy đã tan biến đâu, người xuất hiện bây giờ là một cô gái trẻ trung ở độ tuổi đôi mươi đang tìm tới quán net để tận hưởng niềm vui cuối buổi.
Tôi rảo bước thật nhanh vào trong quán, ra hiệu chủ quán mở cho mình một máy ở dãy đối diện với đám học trò. Chủ quán nhanh chóng xử lý giúp tôi, tôi ung dung bước vào dãy máy tính. Tuy vậy, tôi không vội ngồi xuống mà cứ đứng nhón chân nhìn sang màn hình máy tính bên kia. Ở đó, ba đứa học trò của tôi đang chơi hết sức hăng say. Chúng liên tục mổ lên mấy cái phím cứng đờ của quán net với tất cả sự nhiệt huyết, thỉnh thoảng lại phun ra vài chữ “đờ mờ” để diễn tả sự quá khích của chúng.
“Mấy cái đứa này…” Tôi thầm trách trong lòng. Toàn là trẻ con mà bày đặt chửi thề, hư quá! Cơ mà không uổng bao nhiêu công sức bỏ ra, cuối cùng tôi cũng đã biết thằng nhóc Khôi Nguyên đang chơi trò gì. Không nghi ngờ gì nữa, cả bọn chúng nó đang chơi Liên Minh Huyền Thoại kia kìa!
0 Bình luận