Cơ mà thắc mắc thì thắc mắc thế thôi chứ tôi ngày hôm nay thì không thể tiếp tục đi tìm sự thật. Nếu tôi tiếp tục đi theo tụi nhỏ mà chẳng may bị chúng phát hiện thì chúng nó dễ nảy sinh nghi ngờ. Huống hồ, hôm nay tôi bận sẵn.
Đoán xem, một người giáo viên như tôi có thể bận gì nào? Thường thì việc chiếm nhiều thời gian ngoài giờ nhất là chấm bài kiểm tra - nhất là khi tôi dạy Văn - một môn học thường không có đáp án cố định. Tuy vậy, nhưng lúc không chấm bài, tôi vẫn cứ bận thôi. Đủ loại báo cáo, sáng kiến cho các chuyên đề từ đâu ập đến thân phận giáo viên, ấy là chưa kể đến việc tôi thỉnh thoảng lại bị nhà trường phân công viết bài cho các cuộc thi “Tìm hiểu” các thể loại để đảm bảo về mặt phong trào. Còn lễ, còn hội… những hoạt động như thế vẫn cần giáo viên chung tay góp sức.
Cơ mà chừng ấy công việc tuy mệt mỏi nhưng chưa phải là khủng khiếp nhất. Cái việc đáng sợ nhất là việc mà tôi sắp làm đây này: soạn giáo án. Do cải cách giáo dục, những bộ sách giáo khoa cũ không còn được sử dụng nữa. Điều đó cũng có nghĩa là giáo viên phải soạn lại những bộ giáo án mới hoàn toàn. Tôi đã mất bao nhiêu thời gian và sức lực, suốt ngày sửa tới sửa lui mới xong được bộ giáo án lớp 6 theo chương trình “Chân trời sáng tạo” - bộ sách mà trường tôi chọn dùng. Hôm nay là ngày tôi mang nó ra in ấn.
Thú thật là, với một giáo viên phải dạy nhiều khối lớp như tôi, việc soạn một bộ giáo án hoàn toàn mới như vậy khiến tôi mệt lữ. Nội dung còn mới quá, trên mạng chẳng có tài liệu tham khảo chất lượng, hầu như tôi phải tự mày mò hoàn toàn. Nên hôm nay, sát ngày nộp rồi mà tôi cũng chỉ mới xong phần giáo án của lớp sáu, riêng chương trình lớp tám, tôi đã xin chị Tổ trưởng cho khất đến tuần sau. May mắn cho tôi là chị Tổ trưởng cũng là một người đồng cảnh ngộ, chị ấy biết tôi kham không xuể chứ chẳng phải lười biếng chi hết nên đồng ý “du di” cho tôi nộp muộn.
- Miễn là em nộp bộ giáo án lớp sáu sớm để chị thẩm duyệt đàng hoàng, xem năng lực soạn bài của em có ổn không thì cũng tạm rồi. Nếu bộ này ổn thì chị mới dám “thả cửa” cho em bộ lớp tám chứ!
Trước một yêu cầu rõ ràng là hợp lý đó, tôi chẳng thể nói lời từ chối. Thế nên, tôi đã tranh thủ dồn hết tâm sức cho bộ giáo án lớp sáu trước tiên. Hôm nay là ngày mang nó đi in, thú thật là lòng tôi vẫn cứ hơi thấp thỏm. Dù tôi đã kiểm đi kiểm lại mấy chục lần, tôi vẫn lo sợ rằng bộ giáo án ấy chưa hoàn chỉnh.
- In ra đã, rồi mình sẽ dò lại thêm một lần nữa.
Tôi hít một hơi thật sâu rồi tự lẩm bẩm như thế. Dừng xe trước một tiệm photo lớn, tôi thở một hơi thật dài.
- A, nay cô giáo đi photo đề nữa à?
Thấy khách quen, ông chủ tiệm photo đon đả chào. Tôi lắc đầu nguầy nguậy:
- Dạ không, con in giáo án.
Ông chủ nhìn tôi, cười khanh khách:
- Thế cô giáo chờ chút nhá. Giờ này chưa in giáo án được đâu!
Tôi cười cười, quẹo sang tiệm hủ tiếu gõ ở phía đối diện tranh thủ ăn một tô. Không có gì khó hiểu khi bác chủ tiệm bảo tôi chờ, vì lần nào ra tiệm in, tôi cũng ngồi kiểm đi kiểm lại văn bản hết vài chục phút. Trong khi đó, số máy tính để sẵn của tiệm in chỉ có hạn, tôi chiếm máy lì như thế thì các khách hàng khác in ấn kiểu gì? Đó là lý do phải đợi khi vãn khách bớt, bác chủ mới cho tôi in giáo án.
Và dù bất tiện như thế, tôi vẫn cứ phải chờ. Máy in cá nhân là thứ mà tôi ước mơ từ lâu nhưng thú thật, với tôi, nó khá là xa xỉ. Một chiếc máy in tốt và có thể in hai mặt cũng phải tầm bốn năm triệu, chưa kể chi phí tiêu hao cho mực in và giấy in nữa. Nên dù tiện, việc mua máy in vẫn rất tốn kém về khoảng tiền nong. Nên dù đã đi dạy hai năm, tôi vẫn chọn gắn bó với tiệm in lớn nhất trong khu vực. Tiệm này in rẻ, lại đa dạng về giấy, hoàn toàn có thể chọn loại giấy dởm một chút để tiết kiệm thêm mấy chục nghìn. Bác chủ tiệm nhìn vậy chứ thân thiện lắm, lần nào cũng chủ động thay giấy trước cả khi tôi dặn. Có lẽ, bác sợ tôi ngại khi hô to rằng mình chọn loại giấy dởm chăng?
Mà ừ, tôi ngại thật. Nên tôi rất cần một chủ tiệm in chu đáo như bác.
Khi tôi ăn xong tô hủ tiếu chẳng có gì đặc sắc ngoài việc nhiều tinh bột ở bên lề đường, tiệm photo cũng dẫn trở nên trống trải. Thế là tôi xách cặp, dắt xe sang in. Mất tận một tiếng ba mươi phút cho cả thời gian kiểm tra tài liệu lẫn in, tôi mới được cầm thành phẩm trên tay. Tuy vậy, khi cầm được quyển giáo án đã được đóng bìa đâu vào đấy, tôi thấy vô cùng hạnh phúc.
Về nhà, tôi lập tức tiến hành soát lỗi. Thật ngạc nhiên, lần này tôi không mắc lỗi nhiều. Cả bộ giáo án chỉ có bốn lỗi typo rải rác trong các trang, ít đến độ có thể làm lơ được. Nhưng tôi là kẻ cầu toàn nên vẫn gửi file, nhờ ngoài tiệm in lại giúp tôi các trang có sai sót đó. Sáng hôm sau, tôi tranh thủ dậy thật sớm và chạy một mạch ra ngoài tiệm để thay các trang có lỗi này. Thế là cuốn giáo án mới tinh tươm lại hiện ra như thể nó chưa từng có cái lỗi nào trong đó. Vui sướng, tôi vội vã mang nộp giáo án cho chị Tổ trưởng.
Vừa đi, tôi vừa ngâm nga một bài ca yêu thích. Hăng hái quá, tôi quên mất cả chuyện phải nhìn đường. Thế là tôi vô tình va trúng cô Huệ ngay gần phòng giáo viên. Cuốn giáo án cũng vì vậy mà hôn lên mặt đất.
- Ồ, soạn xong giáo án rồi ấy hả?
Cô Huệ nhặt quyển giáo án lên, phủi bụi trên mặt giấy kính rồi trả lại cho tôi.
- Dạ thưa cô.
Cô Huệ là giáo viên già nhất trường. Cô đã vượt qua tuổi hưu mà nhà nước quy định, tuy vậy, do yêu trường mến trẻ quá nên cô vẫn cứ đi làm chứ chẳng chịu nghỉ hưu như bao nhiêu đồng nghiệp khác. Cô là một người hiền hậu và sâu sắc, lại có tuổi tác cao nên luôn được mọi người trong trường nể trọng. Khi tôi mới làm việc tại trường này, cô đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Từ những việc nhỏ nhất như đối nhân xử thế hay mẹo trong cư xử với học sinh, cô đều nhiệt tình truyền thụ cho tôi cả. Nhờ thế mà tôi mới mau chóng thích nghi với môi trường công sở như hiện giờ.
- Chăm chỉ và biết lo như vậy là tốt nha nhỏ.
Cô hay gọi tôi là nhỏ. Một cách gọi thật trìu mến. Ánh nhìn của cô cũng vậy, cô luôn nhìn tôi bằng một ánh mắt thương yêu đến lạ kì. Dù chẳng có chút huyết thống nào nhưng cách cô đối xử với tôi chẳng thua gì con cháu ruột thịt. Nên hơn ai hết, tôi rất quý cô.
- Dạ bổn phận thôi mà.
Được người lớn khen, nhất là người lớn mà mình luôn rất ngưỡng mộ, tôi vui vẻ đưa tay gãi đầu. Rồi tôi chạy một mạch đến lớp 9/1 tìm gặp chị Tổ trưởng. Chẳng rõ vì lý do gì nhưng chị Tuyết Vân đã dặn tôi từ trước rằng hôm nay chị ấy sẽ không có mặt trên phòng giáo viên mà sẽ ngồi chờ tôi ở trên lớp 9/1. Nhưng cũng được thôi, chỉ xa thêm có hai tầng lầu thôi mà, tôi còn trẻ, tôi leo nổi.
Bằng tốc độ nhanh nhất có thể, tôi chạy một mạch lên hai tầng cầu thang. Khi tôi đẩy cửa tiến vào thì thấy chị Tuyết Vân đã ngồi ngay đó. Đó là một người phụ nữ nhìn chừng ba lăm tuổi, với mái tóc dài thướt tha và làn da căng mịn. Nếu không nhìn kĩ mấy vết chân chim ở đuôi mắt thì sẽ có người nghĩ chị mới đôi mươi. Nói chung, chị là một người phụ có nhan sắc ưa nhìn. Mũi đẹp, miệng đẹp, da đẹp, chỉ tiếc là đôi mắt hơi dài và hẹp, nhìn cứ thiếu đi vài phần đoan chính.
- Chà, xong rồi đó hả em?
Chị hỏi, giọng ngọt xớt như mía lùi. Tôi vui vẻ lấy giáo án ra đặt trước mặt chị:
- Dạ vừa xong là em mang đến cho chị ngay.
Chị nhìn tôi, gật gù như thể rất hài lòng. Tôi gượng ghịu mở miệng nhờ vả:
- Chị xem và duyệt bộ này giúp em nhé. Chứ em không làm bộ kia kịp thật, phải nhờ chị du di cho em chút đỉnh thôi.
- Rồi rồi, chị biết mà. Chị cũng giáo viên, thừa hiểu tụi em vất vả thế nào, đâu có cần khách sáo với chị kiểu đó.
Được hứa chắc, tôi vui sướng quay về lớp học. Gánh nặng đang mang trên vai tôi cũng vơi đi bớt, vì dù than thở thế thôi chứ tôi đã làm gần xong luôn bộ giáo án lớp tám. Giờ có thêm một tuần để xem lại thì cơ bản là yên tâm rồi. Thế nên, buổi hôm đó, tôi yên tâm dồn hết năng lượng vào tiết dạy và ra sức tương tác với đám học trò. Chính bọn học trò cũng rù rì với nhau rằng:
- Sao hôm nay cô vui quá thể vậy nhỉ?
Ba ông thợ giày bằng một Gia Cát Lượng, bọn trẻ bàn tán một hồi thì tung ra đủ loại tin đồn. Thậm chí, có đứa còn cả gan đồn đoán rằng cô giáo nó đã có người yêu nên mới sướng vui đến thế. Tôi nghe mà cay cú lắm, thà là mình có thật cũng chẳng buồn. Đằng này, phận độc thân chỉ có gió heo may như tôi mà bị đồn như vậy thì tủi lắm. “Trời ơi, cái bọn nít ranh này, cô chúng bây đã ế mà bây còn đồn bậy nữa thì chắc ế chỏng chơ luôn đó!” Tôi thầm nghĩ. Cho nên, tôi quyết tâm ngăn chúng lan truyền mấy tin đồn vớ vẩn này. Bằng cách nào? Đơn giản thôi, chỉ cần tỏ ra bực dọc và cho chúng thêm vài bài tập là đủ. Hừm, tôi sẽ bắt chúng phải ôn thêm về biện pháp tu từ nữa vậy, dạng này cực kì quan trọng, lên đến lớp mười hai vẫn cần.
Thế là một buổi học vui vẻ đã kết thúc trong tiếng kêu rên thảm thiết. Tôi cười thầm trong bụng, bảo rằng bọn học trò này còn “xanh và non”. Tôi đâu mảy may hay biết rằng cũng ngay trong lúc đó, chính mình cũng đang vướng vào một rắc rối to khác. Và cái kẻ hại tôi, người đó cũng đang cười tôi non và xanh y như cái cách mà tôi cười bọn nhỏ.
0 Bình luận