• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập duy nhất

Chương 06: Phong ba 002.

0 Bình luận - Độ dài: 2,273 từ - Cập nhật:

Tôi vẫn nhớ như in cái ngày này, ngày mà tôi đi dạy như bao nhiêu ngày bình thường khác. Tự dưng, một đứa học trò lạ mặt chạy đến chỗ tôi. Nó nói với tôi rằng cô Ly hiệu phó có việc cần tôi lên văn phòng gấp.

Dù trong lòng có ngàn vạn thắc mắc, nhưng người gội là cấp trên nên tôi cũng chẳng dám chần chừ. Vội vã cầm túi tài liệu, tôi chạy một mạch lên văn phòng ngay. Để rồi, ngay khi vừa mở cửa, tôi đã thấy mặt cô Ly đằng đằng sát khí:

- Dạ cô gọi em có chuyện gì ạ…

Tôi thấp thỏm hỏi. Mắt tôi đã liếc nhanh trên bàn Ban giám hiệu, phát hiện ra cuốn giáo án của mình đang nằm chễm chệ trên bàn. Tim tôi đập nhanh như trống giục. Chết rồi. Chẳng lẽ giáo án tôi soạn có sai sót gì nghiêm trọng ư? Không lý nào, tôi đã kiểm tra đi kiểm tra lại rất cẩn thận, chắc chắn không thể có một sai lầm nghiêm trọng thế!

- Em nói xem, em soạn bộ giáo án này đúng không?

Cô Ly nói, bao nhiêu sức mạnh dồn hết vào chữ soạn. Tôi rùng mình, hỏi lại:

- Đúng vậy. Nó có vấn đề gì hả cô?

- Đừng có giả bộ nữa, tham khảo đến độ sao y giáo án của người khác mà còn dám trưng cái vẻ mặt này ra à!

Tôi chưng hửng. Hoàn toàn ngơ ngác. Chuyện quái gì đang xảy ra thế này? Tham khảo? Tôi tham khảo ai cơ? Ai là người đã đưa tài liệu cho tôi tham khảo thế!

- Dạ đây là giáo án em soạn mà…

- Đừng có mà ăn nói bằng cái giọng đó. Cô Tuyết Vân gửi giáo án cho em tham khảo là em nghĩ mình được chép y hệt của người ta ư? Bớt cái thói ăn sẵn đó lại!

Bà Ly hiệu phó tuôn ra một tràng mắng chửi té tát. Rồi bà ta nhếch môi cười khẩy, cái nụ cười vừa đặc sệt mùi khinh bỉ vừa có sự cay nghiệt tột cùng. Ngay sau đó, bà ta cầm giáo án - cái cuốn giáo án mà tôi đã dốc công biên soạn, cẩn thận từng ly từng tí mà ném thẳng xuống nền gạch. Ừ thì văn phòng trường tôi cũng đã được lót gạch men rồi, lẽ ra cũng sạch sẽ, khổ nỗi lượng người ra vào hàng ngày là quá nhiều nên việc có cát, bụi là khó mà tránh khỏi. Thế nên, khi cuốn giáo án của tôi chạm đất, khi những trang giấy toe ra và bị mặt đất lạnh tanh bẻ thành vô số vết hằn xấu xí, hàng tá mớ cát bụi đã chớp lấy cái thời cơ đó để nhào vào và làm ô uế đi trang giấy trắng tinh. 

Thời khắc đó, một vụ nổ đã xảy ra trong đầu tôi. Trắng xóa. Tôi hoảng hốt đến độ quên mất mình phải tự biện bạch, chỉ biết cúi người xuống, nhặt giáo án như một bản năng. Và đầu tôi bắt đầu đau, cơn đau đột ngột ập đến, vô số thông tin thi nhau ập về não. Tâm trí nhắc tôi về cái cảnh nộp giáo án riêng tư cho bà Tổ trưởng, nhắc tôi nhớ về những lần gặp bà ta nói cười thân thiết với bà Ly hiệu phó - người đang hùng hổ mắng chửi mình. Tự nhiên, giờ phút đó, tôi tỉnh táo lạ. “À, thì ra là thế này. Thảo nào bà ta chẳng thèm hỏi mình một câu đã lao vào kết tội.”

Dù chính tôi cũng chẳng có bằng chứng cụ thể nào cả, nhưng hơn bao giờ hết, tôi lại tin rằng bà Ly hiệu phó và bà Tổ trưởng đã cấu kết với nhau trong việc đổ hết tội lên người tôi - một kẻ vô tội hoàn toàn. Thế là tôi mất hẳn động lực biện bạch, tôi chẳng còn muốn giải thích bất cứ điều gì. Dù việc tìm lại lịch sử soạn thảo trên máy tính của tôi là một điều dễ dàng, tôi có liên kết word với google drive nên quá trình biên soạn, chỉnh sửa của tôi đều được cập nhật đủ. Cơ mà mấu chốt của vấn đề bây giờ là đâu có ai muốn nghe tôi minh oan.!

Uất hận. Tôi cực kì uất hận. Chưa bao giờ tôi ý thức rõ cái thân phận mình hóa ra lại bé mọn và thấp hèn đến thế. Chưa bao giờ tôi thấy cái cõi đời này vô lý và vớ vẩn đến vậy. Tôi thấy xung quanh mình lúc này toàn là những thứ nhơ uế, từ cái sàn nhà, cái giọng lảnh lói của mụ hiệu phó cho đến cái bộ mặt gớm ghiếc của mụ ta. Thậm chí là kể cả cái không khí ở đây cũng tột cùng dơ bẩn. Nó khiến phổi tôi nghẹn lại, đau nhói, nó khiến tôi không thể chịu đựng thêm bất kì một phút, một giây nào nữa. Thế nên, không chút do dự nào, tôi ôm chầm cuốn giáo án yêu quý của mình, chạy một mạch sang chỗ cô Huệ dạy.

Bằng giọng hằn hộc, tôi kể cô nghe câu chuyện vô lý mà mình vừa phải chịu đựng trong mấy mươi phút vừa rồi. Rằng tôi, người đã đích thân soạn từng câu từng chữ của bộ giáo án lớp sáu lại bị mắng mỏ vì “giống hệt giáo án của cô Tổ Trưởng”.

- Rõ ràng là bộ giáo án ấy là do con làm. Con có đầy đủ mọi thứ để chứng minh mà. Con có file mềm ghi lại quá trình soạn thảo của con, tuy giáo án của con được in trên chất giấy xấyu hơn nhưng rõ ràng là nó nhìn sắc nét hơn của cô Tuyết, lại còn có footnote. Ai nhìn vào cũng biết ngay người nào là kẻ sao chép luôn đó!

Cô Huệ không nói gì cả. Cô ấy chỉ im lặng, khẽ khàng vỗ nhẹ vào lưng tôi. Những nhịp vỗ thật đều, mềm mại và êm dịu như khi một người mẹ vỗ về đứa con sơ sinh vừa ợ sữa. 

- Con phải phanh phui vụ này ra để cho mọi người biết bộ mặt tởm lợm của hai người họ.

- Rồi sao nữa nào?

Có lẽ là vì tôi bướng bỉnh quá, cô Huệ đành lên tiếng. Khác với những hành động đầy yêu thương và trìu mến từ đầu buổi, cái nhìn của cô giờ phút này thật lạnh lùng và cô nói như thể đang nói một chuyện bâng quơ:

- Chứng minh được giáo án đó là do con soạn thì sao? Chứng minh được họ đang đổ oan cho con thì sao?

“Thì sao ư?” Tôi lẩm bẩm mấy chữ này. Phải rồi, tôi còn chưa kịp nghĩ đến những chuyện sau đó sẽ như thế nào nữa. Tôi chỉ biết mình bị oan ức và muốn giải oan bằng mọi giá. Tôi thậm chí còn quên mất cái người sao chép kia đang là Tổ trưởng bộ môn, là người quản lý trực tiếp của tôi. Tôi thậm chí còn quên cái người vừa mới mắng mỏ mình bất chấp đúng sai kia là Hiệu phó chuyên môn của nhà trường. Cô Huệ nói đúng, dù tôi có chứng minh được là mình không làm gì sai thì sao chứ?

Họ, những con người có chức vụ, những người lãnh đạo trực tiếp của tôi có ba ngàn cách để khiến cho tôi xấc bấc xang bang, không có nổi một năm học yên ổn. Họ có thừa quyền lực, dù những người đồng nghiệp khác có biết tôi bị oan đi chăng nữa thì cũng sẽ chẳng có ai lên tiếng cho tôi. Những người thương tôi cũng chỉ dám ngậm miệng là cùng. Trong khi đó, những kẻ nịnh hót sẽ tha hồ mà kiếm chuyện giày xéo tôi để lấy lòng “bề trên” của chúng.

- Vậy thì con phải làm sao?

- Làm những gì mình có thể làm.

Cô Huệ nói với tôi, giọng vẫn từ tốn y như cũ. Rồi cô nhẹ nhàng gỡ lấy cuốn giáo án nhăn nhúm từ tay lôi, lật giở từng trang một:

- Này, con thấy đấy, để tên ở bên dưới bài giảng là chưa đủ. Con chèn thêm chữ chìm đi, chèn thật to và chèn ngay giữa trang ấy. 

Tôi gật đầu một cách chết lặng. Cô Huệ không mảy may nói gì đến chuyện bị cướp giáo án, đó là một thông điệp quá rõ ràng rằng tốt nhất là tôi đừng nên nói gì thêm. Cứ để cái chuyện này chìm, những người kia cũng muốn tôi phản ứng như vậy, trận mắng chửi ban nãy cốt là để thị uy và ngăn tôi nói nhăng nói cuội. Miễn là tôi biết điều, không làm lớn chuyện, chuyện lớn sẽ hóa nhỏ và rồi sẽ hóa thành không. Còn nếu tôi dám đứng ra phanh phui, cứ chờ xem, họ có vô số cách khiến tôi gặp rắc rối.

Tôi lại nhìn quyển giáo án lần nữa. Nhìn trang giấy trắng ngà chi chít chữ, tôi thở một hơi thật dài. Việc chèn chữ chìm có vẻ như là một cách ổn, người ta sẽ không thể dùng băng keo che lại tên của tôi rồi mang đi photo một cách ngon ơ như những gì họ vừa làm nữa. Nhưng nghĩ đến chuyện mình đã bị cướp đồ, còn bị vu oan, tôi vẫn cứ thấy uất ức vô cùng. 

Rồi tôi lửng thửng rời khỏi phòng cô Huệ như một bóng ma. Những thứ vừa xảy ra thật kinh khủng, hệt như một cơn ác mộng. Ước gì đây là mộng thật, tiếc là cảm giác chân thật trê đầu ngón tay đang miết vào cuốn giáo án cho tôi biết mình chẳng hề nằm mơ chút nào. Buộc lòng, tôi phải đối mặt với một sự thật dã man: bà chị Tổ trưởng có vẻ rất thân thiện của mình hóa ra lại khốn nạn sẵn sàng cướp lấy chất xám của người khác. 

Nghĩ đến đây, tôi vô cùng tức giận, một kẻ cướp, một kẻ sẵn sàng vu oan giá họa cho người ngay như chị ta thì làm gì có tư cách dạy ai? Đám trẻ thơ trong trẻo, hồn nhiên mà tôi hằng dấu yêu phải học dưới một bà cô có nhân cách đốn mạt như vậy ư? Tôi lại càng uất hận hơn nữa. Tôi tin là một người vớ vẩn như bà ta chẳng thể dạy học sinh một cách đàng hoàng. Cứ coi như bà ta dạy ổn về kiến thức đi, rồi sao nữa? Môn Văn đâu phải chỉ là câu chuyện kiến thức, nó còn là câu chuyện làm người. Bà ta sẽ dạy học trò mình như thế nào đây? Rằng cứ sống bất nhân bất nghĩa, miễn là bản thân được lợi? Rằng hãy làm người xấu, hãy nhầm vào khớp gối của bọn người tử tế mà đập, đập cho nát vụn để chúng chỉ còn cách quỳ gối trước những kẻ xấu xa, đốn mạt như mình? Ôi, hỏng cả một thế hệ mất!

Khó chịu quá, khó chịu đến chết mất! Lòng tôi đau lên từng cơn, từng cơn. Cơn đau khiến não tôi tê liệt, tôi cứ đứng thừ ra đó, chẳng hề hay biết là đã bao nhiêu giây phút trôi qua. Cho đến khi có một đứa nhỏ chạy đến chào tôi:

- Dạ con chào cô Hoa.

- Ừ, cô chào con.

Tôi vô thức trả lời theo bản năng. Để rồi, khi hoàn hồn lại, tôi chợt nhận ra con bé vẫn chưa hề rời khỏi. 

- Cô ơi, sao mắt cô hôm nay đỏ vậy?

Tâm cất tiếng hỏi. Tôi không dám nhìn vào cặp mắt trong veo của con bé, lập tức lảng đi chỗ khác rồi bịa ra một lý do vu vơ:

- Cô bị cát thổi vào mắt đấy!

- Thế cô khụy gối xuống đi, con thổi bụi cho cô.

Nhỏ Tâm nói bằng giọng hết sức hồn nhiên. Tôi bối rối tột cùng. Hơn ai hết, tôi thừa biết là chẳng có hạt bụi nào trong mắt mình, nhưng tôi cũng chẳng biết phải từ chối con bé thế nào nữa. Thành thử ra, tôi vẫn cứ khụy gối xuống để con bé thổi bụi cho tôi.

Phù, phù.

Làn gió từ cái miệng của Tâm thổi vào mắt tôi, xoa dịu những nóng rát trong tâm trí. Tôi cười cười với con bé:

- Được rồi đó con, mắt cô hết rát rồi.

- Dạ.

Con bé lúng túng đưa tay gãi đầu. Rồi nó cười hì hì:

- Hồi nãy con nhìn kĩ lắm mà hổng thấy hột bụi nào hết. Cơ mà chỉ cần cô hết thấy khó chịu là được ạ.

Tôi đưa tay xoa đầu con bé. Dây thần kinh ở mấy đầu ngón tay tôi truyền về não một xúc cảm êm dịu, đó là điều mà những sợi tóc mây của con bé mang lại cho tôi. Nhưng hơn cả thế, sự hồn nhiên của con bé còn góp phần đáng kể vào việc xoa dịu cái linh hồn khô khốc của tôi.

- Cảm ơn con.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận