Tập duy nhất
Chương 10: Nhân một ngày dạy thay môn Tin học.
2 Bình luận - Độ dài: 2,078 từ - Cập nhật:
Kể cả khi tôi yêu công việc giảng dạy và thích thú với việc gặp gỡ bọn nhỏ, song điều đó không có nghĩa là tôi không thấy chán. Ngược lại là khác, tôi có nhiều giây phút thấy nhàm chán trong công việc lắm. Tôi chán việc phải soạn ra những cuốn giáo án chẳng để làm gì ngoài việc kiểm duyệt, tôi chán đến việc phải cuống cuồng chạy theo cái thứ quỷ tha ma bắt có tên là phân phối chương trình. Tất nhiên là, tôi cũng chán luôn sự cố định trong cách tính lương, chán cả việc giờ làm cố định từng giây từng phút một cách cứng nhắc.
“Quế Hoa ơi, đừng có như vậy nữa.” Tôi tự khuyên nhủ chính mình. Dù không muốn thừa nhận nhưng có một thực tế đang diễn ra: tôi chán môi trường công lập.
Ổn định - hai chữ thoạt nghe thì có vẻ hay ho song trên thực tế, nó lại là thứ công cụ hữu ích để trói buộc người khác. Ổn định có nghĩa là lương thấp, có nghĩa là bị kiểm soát gắt gao bởi các cấp trên mà gần như không có cơ hội thay đổi môi trường. Ổn định cũng có nghĩa là phải dạy học trong một khuôn khổ có sẵn, không dám mảy may vượt thoát. Như đã nói, tôi chẳng muốn chê bôi gì cả - tự tôi cũng thấy biết ơn khi có một công việc trong thời buổi kinh tế khó khăn như thế này. Nhưng cùng lúc đó, tôi cũng cảm thấy bất an, khủng hoảng, căng thẳng. Tôi có cảm giác như môi trường này đang mài mòn mình từng giây từng phút.
Liệu nó sẽ mài dũa tôi để trở thành một linh kiện hoàn hảo cho bộ máy lớn? Nó sẽ tiêu diệt cái tôi của tôi, bẻ cong chuẩn mực đạo đức của tôi để phù hợp hơn với những người xung quanh? Ừ thì tôi có thể kháng cự, đó là quyền mà về lý thuyết là tôi đang sở hữu. Song trên thực tế, tôi có thể bảo vệ bản thân mình khỏi con quái vật khổng lồ có tên là thể chế à? Tôi đã phải im miệng khi người khác sao chép giáo án của mình, chấp nhận một nỗi oan chừng ấy. Thế thì nếu thời gian tới lại có chuyện oan sai gì khác, liệu tôi có dám đứng lên để nói câu công bằng?
“Chắc là không rồi.” Tôi nghĩ thầm. Vì hơn ai hết, tôi hiểu rõ nếu chống đối thì dễ bị đói lắm, lựa chọn lý trí hơn cả vẫn là hèn hạ từ hôm này qua hôm kia thôi. Thực tế phũ phàng đó khiến tôi không thể không chán nản, tôi nằm người ra chiếc bàn giáo viên trong phòng nghỉ trưa.
- Cô Hoa ơi, thầy Tuấn có việc tìm cô nè!
Đúng lúc này, một giọng nam gấp gáp vang lên bên tai tôi. Thầy Phong - một giáo viên trẻ trong tổ Tin học vội vã chạy đến và đưa cho tôi một cái điện thoại. Cuộc gọi vẫn đang diễn ra, tôi vội vã áp nó vào tai và hỏi lại:
- Em Hoa đây, có việc gì thế hả thầy?
Bên kia truyền qua một loạt âm thanh hỗn loạn. Tiếng kêu quác quác của lũ gà lũ vịt vang lên ngộp trời. Thầy Tuấn nói bằng giọng ngắt quãng:
- Em… em giữ lớp chiều ... nay… giúp thầy nhé!
Tròn xoe đôi mắt, nhưng tôi vẫn đồng ý:
- Dạ được.
Đang định mở miệng hỏi tiếp nguồn cơn cớ sự, nào ngờ thầy Tuấn cúp máy ngay. Tôi thở dài thườn thượt, đưa điện thoại trả thầy Phong:
- Trông lớp thì được thôi, nhưng chìa khóa đâu để cho bọn nhỏ vào phòng Tin đây nhỉ?
Thầy Phong cười, để lộ ra hàm răng trắng như bông bưởi:
- Chiều nay anh cũng có tiết dạy, để anh mở cửa cả hai phòng.
Tôi gật đầu. Nghe thầy Phong nói vậy, tôi đã hiểu vì sao thầy Tuấn gọi cho anh ta nhưng lại nhờ tôi giúp đỡ. Xem ra là cả tổ Tin đều bận, không trâu nên đành bắt chó là tôi đi cày.
- Cơ mà nay thầy Tuấn bận gì mà đột ngột vậy nhỉ?
Là một thầy giáo cũng chỉ lớn hơn tôi chừng năm tuổi, Phong lúng túng đưa tay lên gãi đầu. Bộ mặt nghiêm nghị lạnh lùng thường ngày biến mất, để lộ một biểu cảm bối rối trông thấy:
- Thầy ấy… phải bắt gà…
Rồi Phong kéo ghế, ngồi xuống ngay bên cạnh tôi. Anh ta kể cho tôi nghe về kiếp nạn của thầy Tuấn: Một mảng lưới mà nhà thầy giăng cao để nuôi gà chẳng hiểu sao lại có một lỗ thủng lớn. Thế là lũ gà thừa cơ chạy tán loạn, thầy và gia đình đang hớt ha hớt hải truy đuổi khắp nơi. Gì chứ việc này thì phải nhanh, chứ chậm thì lũ ấy sẽ khỏa thân và nằm trên mâm cơm người khác mất!
Lòng tôi âm thầm cầu nguyện cho đàn gà, à nhầm, cho gia đình nhà thầy Tuấn. Chính thầy cũng từng tỉ tê với đồng nghiệp rằng mỗi lương giáo viên thôi thì căng quá, nên nhà thầy mới tăng gia sản xuất bằng việc nuôi thêm gà. Với đạo đức vốn có của một người giáo viên, thầy nuôi rất có tâm. Dù vẫn dùng cám công nghiệp nhưng một tuần, lũ gà nhà thầy cũng có hai bữa rau xanh và không bao giờ bị ăn kháng sinh quá độ. Tôi và các đồng nghiệp khác cũng hay đặt trứng gà nhà thầy về cải thiện bữa tối, đằng nào thì trứng nhà thầy nuôi cũng ngon hơn ngoài chợ, giá còn rẻ hơn đôi ba đồng. Thế nên, xin trời cao hãy phù hộ cho lũ gà nhà người anh thân mến của tôi, hãy để chúng trở về an toàn để còn đẻ thêm những mẻ trứng mới!
Chiều hôm đó, tôi vui vẻ xách cặp đến với phòng Tin học của trường. Trường tôi có cả thảy ba phòng Tin học, hai phòng đã cũ với mớ máy tính lạc hậu và một phòng mới toanh do vừa được xây dựng sau. Là người mở cửa nên tất nhiên là thầy Phong ưu tiên cho lớp mình phòng “xịn” nhất ở đây. Tôi thấy đám trẻ lớp thầy mặt mày rạng rỡ ra hẳn. Đối lập với bọn chúng, lũ trẻ lớp tôi lại xụ mặt rất buồn. Tuy vậy, đứa nào cũng nhanh chân bước vào trong phòng máy.
Thấy lớp nhốn nháo, tôi quát to:
- Im lặng.
Đối mặt với tiếng quát của bà cô chủ nhiệm, đám trẻ con lớp 6/3 lập tức im bặt. Chúng lần lượt chia nhau ngồi vào vị trí của mình. Do số máy tính trong phòng chỉ có hạn - mỗi hai mươi lăm máy - dù lớp có đến tận bốn mươi bảy học sinh, thế là lũ nhỏ lớp tôi cứ phải hai đứa dùng chung một máy. Và có vẻ như lớp đã ngầm chia cặp từ trước, nên lũ trẻ chẳng cần tốn bao nhiêu thời gian đã lần lượt ngồi cạnh nhau.
Như bình thường, Ngọc Tâm ngồi cạnh Bảo Ngọc. Còn Nguyên Khôi, à không, hôm nay Nguyên Khôi không ngồi cùng Trung Hiếu. Nó ngồi với một đứa con trai khác trong lớp tên là Khải Anh. Chẳng biết hai đứa nó nói gì với nhau mà lại đang làm động tác vỗ vai, thoạt nhìn có vẻ thân tình khắng khít lắm. Còn thằng nhóc Minh Hiếu của tôi thì đang lủi thủi trong một góc, vừa vào đã ụp mặt xuống bàn.
Tôi tiến lại gần thằng bé và mở miệng hỏi thăm:
- Sao vậy con?
- Dạ máy tính con hay dùng mới hư nên…
Nhìn cái máy tính có cố khởi động cách mấy cũng không có tiến triển, tôi thở dài. Đảo mắt nhìn một vòng lớp, tôi hỏi nó:
- Thế con có muốn dùng chung máy với bạn nào không?
Lớp đang ồn ào lập tức im bặt. Bọn trẻ giương đôi mắt nhìn Trung Hiếu với vẻ cảnh giác, dường như, bọn chúng đang thể hiện một thái độ không hoan nghênh ngầm. Sợ làm tổn thương lòng tự trọng yếu ớt của thằng bé, tôi quyết định luôn:
- Được rồi, nay con qua ngồi với bạn Trâm và bạn Ngọc đi.
Tôi nghĩ việc phân công này cũng ổn thôi. Tính Bảo Ngọc và Ngọc Trâm thì tôi biết, cả hai đều là dạng hướng ngoại và hòa nhã, chắc sẽ không đến mức làm bạn thấy bị cô lập.
- Dạ.
Thằng bé bẽn lẽn xách cặp dời chỗ ngồi. Tai nó đỏ ửng lên, có lẽ là vì được cô phân ngồi cùng bọn con gái nên thấy ngại chăng? Nhưng cứ tạm một hôm vậy đi, tin là hôm sau, khi thầy Tuấn đến, thầy sẽ có sắp xếp khác. Còn bây giờ, việc của tôi là giao bài tập cho bọn trẻ:
- Thầy Tuấn nhờ cô gửi file bài tập cho các con. Các con hãy gõ lại văn bản này và định dạng cho giống hệt bức ảnh thầy giao, bạn nào làm xong được phép tự do sử dụng máy vi tính.
Tiếng hoan hô lập tức vang lên, có vẻ như bọn nhỏ đang rất phấn khởi. Tôi cười thầm trong bụng, các con hãy chờ xem có phấn khởi nổi không nè. Từ lúc nhận bài tập mà thầy gửi qua mail, tôi đã phát hiện ra là thầy ấy hơi xem thường bọn học sinh. Thầy gửi cho chúng một file PDF được tạo ra dựa trên file Word gốc, mà nếu dùng cách đó thì bọn trẻ có một ngàn cách để sao chép văn bản. Thế nên, tôi quyết định tăng độ khó cho chúng. Tôi đã chụp màn hình lại các bài tập của thầy gửi, rồi mới lưu chúng lại dưới dạng file PDF một lần nữa. Tuy việc đó cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn hành vi gian lận, song chắc chắn là sẽ nâng cao độ khó hơn.
Thế là tôi ngồi trên máy chủ, lặng lẽ quan sát các máy con để xem trò vui. Đúng như tôi dự đoán, sau khi nhận bài tập từ tôi, lũ trẻ lập tức thử dùng thủ thuật để rồi nhận ra bài tập lần này không “dễ ăn” như những lần trước. Vô số đứa nỗ lực dùng các phần mềm để tách chữ, cơ mà sản phẩm trả ra lại lỗi định dạng thái quá, không thể dùng. Thế là dù không muốn, chúng vẫn phải ngồi gõ lại một đoạn văn bản dài sọc.
Khi hầu hết đám học sinh trong lớp đang gõ những dòng đầu tiên, tôi phát hiện ra đã có một máy tính gõ xong hầu hết văn bản. Nhìn số máy, tôi nhận ra đó là chỗ Ngọc Trâm, Bảo Ngọc đang ngồi. Người đang gõ chữ là Ngọc Trâm, mấy ngón tay con bé lướt trên bàn phím nhanh như múa. Xem ra là một dân gõ chữ lành nghề đây nè!
Tôi rời máy chú, đi đến tận nơi quan sát tình hình. Vừa hay đó là lúc chuyển giao, Ngọc Trâm đã gõ xong liền đổi vị trí với Bảo Ngọc. Có vẻ như hai đứa nhỏ đã phân công từ trước nên một đứa gõ chữ, một đứa định dạng, bài tập được hoàn thành với tốc độ đáng ngạc nhiên. Trong khi đó, thằng nhóc Trung Hiếu thì nằm ì xuống bàn, ngủ một giấc say sưa hết biết.
- Sao tụi con không để bạn làm?
Tôi hỏi hai đứa nhỏ. Bảo Ngọc và Ngọc Trâm vội vã thanh minh:
- Dạ, không phải con không cho bạn làm. Nhưng mà con thấy bạn ngủ, hổng dám kêu…
Nghe lời trần tình chân thật ấy, tôi thở một hơi thật dài. Được rồi, tôi sẽ làm kẻ ác vậy. Nghĩ sao làm thế ngay, tôi với tay, khều Trung Hiếu:
- Dậy, dậy nào con!
2 Bình luận