Lúc tới cục cảnh sát, Lâm Canh mới hiểu vì sao Lý Mân lại bảo là không kiểm soát được tình hình.
Lâm Canh vốn tưởng tình cảnh phải là một cô gái nhỏ khóc lóc ầm ĩ, nói năng không rõ ràng, còn những viên cảnh sát sẽ đứng xung quanh dỗ dành, thuyết phục này nọ. Tới nơi mới thấy, hoá ra anh đã nghĩ quá đơn giản.
Phòng tiếp dân là chỗ cực kỳ rộng rãi và được dùng trong trường hợp khẩn cấp. Hiện tại, trong phòng tiếp dân toàn người là người.
Đội của Lâm Canh chỉ có vài người, còn lại đều là người của các đội khác, tất cả đang háo hức đứng xem náo nhiệt đến chật kín cả phòng.
Lâm Canh toan đuổi hết đám đông, thì từ giữa tường người dày đặc vang lên thanh âm đau khổ tột cùng.
“Nói cho mấy người biết, chuyện này chẳng liên quan gì tới con gái tôi cả, nếu các người dám bắt giam con tôi thì tôi sẽ kiện các người đấy! Về thôi con.” Người phụ nữ trung niên vừa dạt những cảnh sát đứng cạnh vừa kéo cô gái đang ngồi trên sô pha đi.
“Con không đi, con không đi đâu.” Cô gái bị mẹ lôi lôi kéo kéo khóc không ra hơi. “Là con hại chết Cao Bằng, là con hại chết cậu ta.”
“Im đi!” Người mẹ gào lên, liều mạng kéo con mình đi.
Cô con gái quỳ dưới đất, ôm chặt sô pha, khóc đến khàn giọng. Vệ Anh đứng cạnh định đỡ cô bé dậy, thì đã bị bà mẹ đẩy ra. “Ai cho cô động vào con tôi!”
Do đó, Vệ Anh - người duy nhất có ý giúp đỡ - đành rút tay về và im lặng đứng yên.
Lâm Canh nghệt mặt, lặng lẽ vẫy tay với Lý Mân. Thấy vậy, Lý Mân lon ton chạy đến, kiễng chân thì thầm bên tai Lâm Canh để giải thích sự tình.
Khoảng 4 giờ, cô gái tên Phùng Sương này đã một mình tới cục cảnh sát.
Ban đầu Phùng Sương rất bình tĩnh, cảnh sát hỏi chuyện vẫn nhất quyết không hé môi, sau đó chẳng hiểu đã nghĩ đến chuyện gì mà bắt đầu rơi nước mắt, khóc lóc thảm thương, các đồng nghiệp còn tưởng em ấy bị ai ức hiếp, nên không để ý nhiều, chỉ định rót cho cô bé ly nước rồi an ủi đôi câu.
Lúc này, mẹ cô bé chạy tới, thấy người liền kéo đi, nhưng Phùng Sương không chịu mà khóc lóc: “Mẹ đừng kéo con, là con hại chết Cao Bằng, con muốn tự thú!”
Sau đó, Vệ Anh đi tới, đúng lúc nghe được câu này nên biết họ có liên quan đến vụ án mạng. Vì vậy, cô ấy giữ cả hai mẹ con lại, định hỏi thăm Phùng Sương xem cô bé có manh mối gì hay không, ai ngờ mới hỏi hai câu thì người mẹ bỗng tức giận, nói cảnh sát vu oan cho người tốt, rồi bảo cảnh sát là vô dụng, kế đến thì hai mẹ con cùng nhau oà khóc.
Chờ họ khóc xong, Nhiếp Tùng toan hỏi tình hình chi tiết thì Phùng Sương lại không chịu nói gì hết, còn bị mẹ cô bé ngăn cản nên chả hỏi han được gì.
Lâm Canh gật gù như thể đã hiểu sơ sơ tình huống. Đang định mở miệng, thì Tống Nham vốn im ru từ lúc về đến cục cảnh sát, thình lình có phản ứng và thắc mắc: “Làm sao anh đảm bảo mình chắc chắn nhìn thấy Thi Dịch?”
Ban nãy ở trong xe, Tống Nham luôn cân nhắc vấn đề này, tuy phạm vi mười mét cũng không quá lớn, nhưng nếu vẽ thành đường tròn thì đường kính cũng khoảng 20m rồi, làm sao Lâm Canh đảm bảo mình vẫn sẽ nhìn thấy Thi Dịch chứ?
Một câu hỏi không đầu không đuôi, thậm chí còn qua một khoảng thời gian rồi nhưng lạ thay, trong nháy mắt, Lâm Canh đã hiểu ý. Thế là đội trưởng đội điều tra hình sự có vẻ khôn ngoan vẫy tay ra hiệu cho đội phó rồi trả lời một cách bí ẩn.
“Đoán xem.”
Tống Nham: “...”
Trêu Tống Nham xong, Lâm Canh vỗ tay, lớn tiếng: “Được rồi, đâu phải cảnh lạ chưa từng thấy chứ, nào nào, ai về chỗ nấy đi.”
Quần chúng nhiều chuyện đang xem trò hay đồng loạt tản đi, chỉ còn đội của Lâm Canh và hai mẹ con ở lại. Lâm Canh nói tiếp: “Còn mọi người thì đi lên tầng trên đi, chuẩn bị lát nữa họp đấy.”
Đám người Nhiếp Tùng đi lên lầu theo mệnh lệnh, căn phòng to lớn chỉ còn mỗi Lâm Canh và hai mẹ con.
Không biết anh lấy đâu ra hộp khăn giấy, mở nó và đưa cho Phùng Sương. Phùng Sương ngước mặt lên, nhận hộp khăn giấy từ Lâm Canh.
Bây giờ, Lâm Canh mới chú ý tới mặt mũi Phùng Sương, đó là một gương mặt trái xoan trắng trẻo, xinh xắn vô cùng. Vốn là người mê cái đẹp, nên khi thấy mỹ nhân, trái tim Lâm Canh như mềm ra, lời ăn tiếng nói cũng nhỏ nhẹ đi nhiều: “Có chuyện gì đâu mà khóc chứ. Nào, lau nước mắt đi nhe.”
Sau đó, anh quay sang mẹ của Phùng Sương và nói: “Chút nữa cô cứ đưa con gái mình về, để em ấy ngủ một giấc ngon thật ngon. Thật đó, cô không nên để con mình đi ra ngoài đâu.”
Nói xong, chẳng bận tâm đến sự ngỡ ngàng của hai mẹ con Phùng Sương, anh tiếp tục lên tiếng: “Ở đây không còn chuyện gì nữa, nếu đã khóc xong xuôi thì hai người có thể về rồi.”
Dứt lời, anh lập tức chuẩn bị đi lên lầu.
Mẹ của Phùng Sương không nén nổi tò mò: “Cậu không định hỏi gì à?”
“Có chứ.” Lâm Canh ngẫm nghĩ rồi nói: “Tối hôm Cao Bằng mất, con gái của cô đang ở đâu?”
“Hôm đó nó không khoẻ, nên ở nhà ngủ.”
Lâm Canh gật đầu coi như thật: “Vậy thì không còn gì để hỏi nữa.” Nói xong, thấy mẹ của Phùng Sương có vẻ không tin tưởng nên anh bổ sung: “Điều tra vụ án là nhiệm vụ của cảnh sát chúng tôi, cô có trả lời hay không cũng không thành vấn đề, chúng tôi sẽ điều tra dần dần thôi.”
Anh dừng một chút rồi tiếp tục: “Chẳng qua quá trình chậm một xíu, còn hung thủ thì ung dung ngoài vòng pháp luật lâu một tí, và người nhà với nạn nhân thì tốn thêm thời gian chờ đòi lại công bằng thôi. Nhưng không sao đâu, để con gái cô khóc vài lần nữa là ổn rồi.”
Người mẹ liếc nhìn Phùng Sương, người phụ nữ gay gắt ban nãy đã bình tĩnh trở lại.
Lâm Canh đứng đợi ở chân cầu thang một hồi, thấy họ sẽ không chịu nói thêm gì, xác định chiêu lấy lùi làm tiến này đã sai nên anh đành đi lên lầu.
Vừa bước vào văn phòng, anh đã bị Nhiếp Tùng hỏi: “Anh để họ đi thật hả?”
“Nếu không thì sao hả, cậu đi hỏi họ nhé?” Lâm Canh vừa đi vừa trả lời: “Rõ ràng bây giờ họ có định nói đâu, càng ép càng phản tác dụng. Có lẽ Phùng Sương muốn nói, nhưng còn lo ngại gì đấy, nên đừng hỏi han lúc này, khiến cô bé hạ thấp đề phòng, chờ lúc không có người mẹ ở cạnh thì hỏi lại.”
Lâm Canh đánh mắt sang Tống Nham đang cầm thìa khuấy cà phê. “Tôi giao việc này cho anh đấy, cơ mà đừng quá trông đợi ở chỗ Phùng Sương, nhân tiện hãy điều tra xem tối đó vì sao Phùng Sương lại xin nghỉ, cũng như chuyện đã xảy ra trước và sau lúc ấy.”
Vệ Anh chen ngang: “Anh định làm cách nào để Phùng Sương chịu nói?”
Tống Nham mỉm cười rạng rỡ: “Một cô gái chưa rõ sự đời như Phùng Sương, chỉ cần tôi tìm người tống tiền rồi “trùng hợp” giúp đỡ, chơi trò anh hùng cứu mỹ nhân ấy, rồi trò chuyện với em ấy như một người bạn thì thể nào cũng moi tin được thôi.”
Đồng nghiệp đồng thanh: “Xì~”
Tống Nham không phục: “Cách tuy cũ nhưng rất hiệu quả mà.”
Sau đó, cảnh sát bắt đầu công tác điều tra của riêng từng người.
Hôm nay, tan học đã là chiều tối, mặt trời lấp ló sau những tầng mây và cả bầu trời cũng âm u đi. Một cơn gió thổi tới, khiến cảm giác lạnh lẽo thấm vào da thịt.
Có vẻ trời sắp mưa.
Phùng Sương ôm cặp sát vào người, băng qua sân thể thao của trường thì sẽ tới ký túc xá.
Trên con đường duy nhất dẫn đến ký túc xá, có một dãy hoa quế và hàng cây bách sum suê cành lá dù trời đã vào đông lạnh giá, nên trông chúng rực rỡ lạ thường.
Nhưng hiện tại, trong mắt Phùng Sương những cái cây đầy sức sống đó như thể đang bị bóng tối bao trùm, toàn bộ cảnh vật xung quanh đều tăm tối.
Phùng Sương ôm chặt cặp sách, dường như làm vậy khiến cô bé thấy an toàn. Từ sau chuyện lúc trước, cô nàng không dám đi một mình trên con đường này nữa và thầm nghĩ, biết vậy vừa nãy đã đi chung với bạn cùng phòng rồi.
Phùng Sương nghiến răng, củng cố thêm can đảm cho chính mình, khoảng hơn một phút sau, cô nàng mới đi tiếp về hướng những hàng cây.
Tuy nhiên, như thể ông trời trêu ngươi, ngay lúc Phùng Sương chưa kịp đi ngang hàng cây rậm rạp, thì một âm thanh chết tiệt vang lên khiến cô nàng sợ sệt.
“Đứng yên, đi đâu đấy?”
Sau lưng Phùng Sương vang lên một giọng nói.
Với đôi mắt đỏ hoe, Phùng Sương cắn răng, ôm chặt cặp sách và không nói tiếng nào.
Sáu thanh niên tóc tai màu mè bước tới từ phía sau cô nàng, tên nào tên nấy đều xỏ khuyên chói loá đầy tai, xăm kín người lên tới tận cổ, nói chung là nhìn vào thì thấy rõ đây toàn thành phần bất hảo.
Phùng Sương đứng yên như phỗng.
0 Bình luận