Tác phẩm không hoàn hảo
Dưa Hấu Yêu Mùa Hè
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Quyển I: Phát sinh

Chương 15: Manh mối

0 Bình luận - Độ dài: 1,863 từ - Cập nhật:

Đường Hoài Văn - người bị cảnh sát hỏi chuyện nhưng vẫn bình an vô sự - vừa đi tới, vừa cười nhạo: “Chạy đi chứ, lần trước chạy hay lắm mà. Sao bây giờ không bỏ chạy đi?”

Hắn bước tới trước mặt Phùng Sương, nhìn thẳng vào gương mặt sợ sệt của cô bé, rồi giả bộ ngạc nhiên: “Chà, tiếc là lần này Cao Bằng không cứu cưng được ha.”

Hai chữ “Cao Bằng” nhất định đã tác động vào dây thần kinh của Phùng Sương, cô nhóc chợt gom hết dũng khí, ngẩng đầu, trừng mắt nhìn Đường Hoài Văn, tiếc thay, sự can đảm ấy chỉ như một quả bóng được bơm phồng, nhanh chóng xẹp xuống, chưa kịp doạ dẫm Đường Hoài Văn thì cô bé đã lặng lẽ rơi nước mắt.

Phùng Sương chưa bao giờ ghét sự yếu đuối của mình như lúc này.

Năm thằng con trai áp sát lại, vây kín Phùng Sương với vẻ mặt khinh thường. Theo lý thì, bắt nạt một “cô gái nhỏ” tay không tấc sắt khiến bọn họ thật sự “mất giá”, nhưng “cô gái nhỏ” này cũng chả ngoan hiền gì nên phải cùng nhau dạy dỗ một phen mới được. 

Đường Hoài Văn hỏi: “Nghe nói, hôm bữa cưng tới cục cảnh sát nhỉ, định nói gì với mấy chú cảnh sát à?” Mấy chữ sau cùng sặc mùi ác ý.

Phùng Sương mím môi, đưa tay chà mặt, run rẩy quát lên: “Mày chính là hung thủ!”

“Hung thủ?” Đường Hoài Văn cợt nhả: “Nói có sách mách có chứng chứ, dựa vào đâu mà nói người khác giết người hả?”

Nghe được câu hỏi của Đường Hoài Văn, đám người đi cùng hắn la ó: “Tại Cao Bằng cướp mất người mày thích.”

Đường Hoài Văn phỉ nhổ: “Thích hả? Chơi đùa chút thôi mà.”

Hắn cau mày, quay sang Phùng Sương. “Tao chỉ nói một lần thôi, mày nghe cho rõ đây. Hồi trước theo đuổi mày chẳng qua chỉ muốn chơi đùa một chút, thế mà, mẹ nó, mày với thằng đó lại đi báo cho hiệu trưởng làm tao mất hết thể diện, bởi vậy tao mới kéo người tới dạy mày một bài học đấy.”

“Hơn nữa, chuyện Cao Bằng xía vào ngày hôm đó, cùng lắm chỉ làm tao tức giận, có tới mức phải giết chết nó đâu. Nếu mày dám nói năng linh tinh với cảnh sát thì…”

Đường Hoài Văn lên tiếng, không màng người trước mặt là một thiếu nữ đang tuổi dậy thì mà xách cổ áo cô nàng lên, như thể muốn kéo vào lòng: “Mày có tin tao sẽ khiến mày biến mất khỏi cái trường này không.”

Hắn quát vào mặt Phùng Sương, do khoảng cách quá gần nên Phùng Sương cảm giác được Đường Hoài Văn đang đặt tay trên ngực mình.

“Đi.”

Nói xong, Đường Hoài Văn dẫn đám anh em đi mất, Phùng Sương lập tức ngồi sụp xuống đất, khóc suốt một hồi.

Ở đằng xa, có vài học sinh tình cờ nhìn thấy Đường Hoài Văn nên hoảng sợ, đồng loạt lảng đi.

Xung quanh chỉ còn lại mỗi Phùng Sương.

Đã không bao giờ còn một chàng trai sẽ tới gần và đánh lạc hướng đám đó, rồi quay sang, thình lình kêu cô: “Chạy lẹ đi!”

Cậu chàng lại nằm mơ.

Mơ thấy máu me lênh láng, nhớp nháp, tanh tưởi như thể dính hết vào tay. Nhưng khi đưa tay lên xem thì hoàn toàn sạch sẽ.

Cái mùi gớm ghiếc đó ở đâu ra vậy chứ? Cậu ngước lên, nhìn xa xăm.

Một mảng trắng xoá, chẳng có gì cả. Khi nhìn lần nữa, cậu chàng thấy trước mặt toàn là máu, máu trào ra, chảy lại gần mình.

Chàng trai trẻ sợ hãi, muốn bỏ chạy nhưng chân như thể cắm rễ, toan hét lên thì chợt thấy một người đàn ông ở cuối tầm mắt.

Người ấy đứng sau bức màn máu, chẳng cách nào thấy rõ mặt mũi hay dáng vẻ, nhưng chàng trai trẻ bỗng dưng thấy bình tĩnh hẳn. Giống như đã gặp được người đáng tin cậy nhất.

Cậu chàng nghĩ rằng thầy mình đã tới.

Người đàn ông nhìn cậu, dù không nói gì nhưng ánh mắt vẫn ấm áp như cũ.

Cậu nhóc bật cười, đứng dậy, bước về phía thầy mình, đúng lúc từ phía sau lưng thầy giáo lại xuất hiện thêm một nam sinh.

Cậu học sinh đó vừa kéo tay người đàn ông vừa cười nói: “Thầy ơi, em đạt giải nhất Olympic, chắc chắn sẽ vào được trường danh giá. Em nên nhập học ở trường nào đây thầy?”

Dứt câu, cậu chàng kéo thầy giáo đi, và thầy nhìn học sinh mình, sau đó cũng bước theo mà không hề nhìn chàng trai trẻ lấy một cái.

Thiếu niên lặng lẽ đứng tại chỗ, trong lòng như thể có một hạt giống nảy mầm, nở rộ. Cậu hoảng loạn, lờ mờ biết được nó là thứ gì, nhưng không thể nào khống chế, từng nhánh cây vươn dài ra, khiến nỗi sợ tột cùng dần hoá thành cảm giác hưng phấn.

Dường như bản thân cậu tách thành hai, một người trong số đó nhìn thấy bản thể khác của chính mình. Và bản thể đó đang đi đến gần cậu…

Chàng thiếu niên biết rõ bản thể khác đó muốn làm gì nên nỗi sợ trong lòng cứ dâng lên như thuỷ triều, khiến cậu không tài nào thở nổi, chỉ trơ mắt nhìn bản thân tiến về phía người kia…

Bên tai chợt vang lên tiếng gõ cồm cộp.

Nam sinh giật mình, bừng tỉnh, xung quanh là lớp học sáng trưng và bạn bè thân quen. Còn người đang gõ tay trên bàn chính là Thi Dịch.

Hoá ra chỉ là ác mộng, cậu học sinh thở phào, trái tim vẫn không ngừng đập thình thịch.

Thi Dịch không phải kiểu giáo viên sẽ chỉ trích người khác, nhưng việc nhắc nhở cậu học trò này hết lần này đến lần khác đã xem như cậu ta đặc biệt thiên vị rồi. Cậu ta chỉ nói: “Tan học thì tới văn phòng cho thầy.”

Phải mất một lúc lâu sau, tai của chàng trai trẻ mới hết ong ong nên cũng hiểu sơ sơ ý Thi Dịch và ậm ừ đáp lại.

Sau giờ học, Quách Gia Uyên đi theo Thi Dịch xuống văn phòng.

Hiện tại, trong văn phòng chẳng có ai, Thi Dịch ngồi vào chỗ của mình, sau đó tự rót một ly nước ấm: “Dạo này có chuyện gì à?”

Cốc giữ nhiệt trên bàn được đổi mới rồi, do cái cũ khi bị rơi xuống đất đã để lại những vết xước ở bên ngoài, khiến một người mắc bệnh cầu toàn không tài nào chịu nổi, thế là vứt đi thôi.

Mắt Quách Gia Uyên in rõ quầng thâm, mặt mày uể oải, tinh thần trì trệ. Thực lòng thì cậu chàng không muốn trả lời, nhưng người hỏi lại là Thi Dịch nên chỉ đáp qua loa: “Dạ tối hôm qua em cãi nhau với mẹ.”

Đằng nào, việc hai mẹ con cậu cãi nhau cũng là chuyện bình thường thôi.

Hồi bé, Quách Gia Uyên và Cao Bằng sống chung một khu, tuy sau đó nhà Cao Bằng chuyển đi rồi, nhưng người mẹ đơn thân của Quách Gia Uyên vẫn biết tình hình của cậu ấy. Chẳng những biết, mà còn gọi Cao Bằng là con nhà người ta và bắt Quách Gia Uyên noi gương.

Cả ngày bị người nhà cằn nhằn “Sao mày không bằng con nhà người ta thế hả con?”, Thi Dịch phần nào hiểu được áp lực mà Quách Gia Uyên phải chịu, nên nghe giải thích như thế cũng không hỏi gì thêm, mà nhắc nhở: “Sắp thi đại học rồi, phải biết rõ mình cần làm gì đấy.” Nói xong, cậu ta cho Quách Gia Uyên về lớp.

Thi Dịch dạy hai lớp, là 12/4 và 12/16.

Dù lớp 12/4 là lớp giỏi, thành tích học tập cũng cao, học sinh cũng rất nỗ lực, nhưng vốn là người lạnh nhạt, nên Thi Dịch không thích thân thiết với ai, việc sau giờ học mà bị lôi lôi kéo kéo hỏi này hỏi nọ khiến cậu ta thực sự khó chịu. Còn lớp 12/16 tuy không thể quấy rầy cậu ta, nhưng trong lớp lại có vài đứa lưu manh trường học, không chấp hành kỷ luật. 

Tóm lại, quả thực Thi Dịch không thích việc dạy học cho lắm.

Lần trước, cậu ta có thể nghỉ việc luôn, nhưng nghĩ rằng mình cũng có trách nhiệm phần nào với cái chết của Cao Bằng nên mới quyết định ở lại trường.

Nghĩ đến đây, trong khi xung quanh không có người, Thi Dịch liền lấy chìa khoá, mở ngăn kéo và lấy ra một tờ giấy.

Đây là bản nháp toàn bộ vụ án mạng mà cậu ta viết ra sau khi Cao Bằng qua đời.

Đành rằng là bản nháp, nhưng nét chữ cực kỳ ngay ngắn, chỉn chu, còn quy củ hơn cả bài tập của học sinh.

Trong bản nháp là một vài nguyên nhân khiến Cao Bằng bị người ta sát hại.

Đầu tiên, Thi Dịch gạch bỏ khả năng Cao Bằng mất mạng một cách vô ý, tức là hung thủ không vô cớ ra tay, mà hắn giết Cao Bằng là hoàn toàn có chủ đích.

Vì kẻ sát nhân đã thu dọn hiện trường hết sức sạch sẽ đến nổi cảnh sát không tìm được bất kỳ chứng cứ nào, việc này nhất định do một kẻ khôn ngoan và bình tĩnh gây ra. Nên nếu thủ phạm vô cớ giết người, thì hắn phải là người có tâm lý điên loạn gì đấy, dạng người xuống tay chỉ để trút giận sẽ không cẩn thận sắp xếp mọi chuyện như vậy. 

Kế đó, Thi Dịch cũng cho qua khả năng do người bên ngoài lẻn vào trường gây án, bởi vì nếu không thân thuộc đường đi nước bước trong trường thì không thể biết rõ lúc nào Cao Bằng sẽ ở trong nhà vệ sinh một mình.

Tất cả đều là ý tưởng ban đầu của Thi Dịch, cậu ta lấy bút, ghi chú vào giấy: Không loại trừ khả năng học sinh bắt tay với người bên ngoài để gây án.

Viết tới đây, Thi Dịch nhận ra mình biết quá ít chi tiết. Có lẽ, cậu ta nên dành chút thời gian để hỏi chuyện Lâm Canh.

Thi Dịch gấp giấy lại, cất vào ngăn kéo và đứng lên, cậu ta nhìn thấy một nữ sinh đang đứng trước cửa.

Cô gái có vẻ do dự, chỉ cúi đầu, loanh quanh trước cửa mà không nhận ra Thi Dịch đã đi tới. Nhưng khi cô bé hối hận vì mình đã nhất thời muốn đến phòng giáo viên, thì Thi Dịch liền lên tiếng ngăn lại…

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận