The Second Booklet: Hail to the Chief
Chương 19: Conference: First showdown
0 Bình luận - Độ dài: 5,246 từ - Cập nhật:
Vậy là cuối cùng, ngày 06-09-2045, thời điểm mà hội nghị đàm phán giữa Vương Quốc Âm Phủ và Cộng Hòa Liên Bang Âm Phủ đã đến.
Ngay từ lúc năm giờ sáng, Tổng Tư lệnh cảnh sát Nguyễn Văn Đại đã bật dậy ở một nơi mà mình đã nằm không biết bao nhiêu lần. Khóe mi anh tiết ra những giọt lệ nhỏ, làm ướt đôi mắt vừa trải qua một đêm sóng gió. Nhưng không giống một người lính, khi mà anh ta có thể bật dậy và chạy đi bảo vệ căn cứ hệt cái máy được lập trình sẵn, Đại vẫn cần dựa người vào đầu giường để cơ thể quen dần với sự thiếu hụt máu não.
Sau một hồi, chàng trai rời khỏi chiếc giường trắng và ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Một màu u tối, nhợt nhạt. Cũng phải thôi, bởi đây đâu phải căn nhà thân yêu của anh. Căn phòng mà Đại đang đứng đây chính là gác mái của tòa nhà tổng hành dinh cảnh sát hoàng gia, đầu não của lực lượng hành pháp. Chính xác hơn thì ở phía bên phải căn phòng nơi mà anh làm việc thường ngày, có một cầu thang bí mật dẫn lên chỗ này đây. Được trưng dụng như nơi nghỉ tạm thời trong trường hợp Đại làm việc quá sức, hoặc thời tiết chuyển biến xấu, anh ta đã ngủ không biết bao nhiêu ngày rồi. Chính thế nên dù chỉ được xây dựng tạm bợ, căn phòng này cũng được trang bị tương đối tiện nghi theo ý của vị tổng tư lệnh.
Bước vào phòng tắm phía đối diện, Đại thay quần áo ngủ màu cháo lòng của mình bằng một bộ quân phục vô cùng đặc biệt, vốn chỉ được sử dụng trong các dịp mang tính chất nghi lễ. Thay vì màu xanh quân đội, nó có màu trắng tinh khiết làm chủ đạo, cùng các dải chỉ đỏ được thêu chi tiết. Nơi ngực trái, những tấm huy chương cùng tước vị của người mặc cũng được sắp xếp rất đẹp mắt. Chưa kể tới đôi giày da bóng lộn với một giá trị ẩn cao tới tận mây xanh. Tất cả, tất cả chỉ để cho đối phương thấy được sự giàu sang và quyền quý của thể chế vua - tôi.
“Hờ… Vậy là mình còn một tiếng nữa để chuẩn bị.”
Ngồi gác chân chữ ngũ trên ghế bành, Đại xem lại toàn bộ kịch bản cho hội nghị đàm phán. Chúng bao gồm lời giới thiệu, dẫn thuyết và cả cách để thao túng tâm lý của đối thủ. Nhưng với vị thế của mình, đối thủ của Vương Quốc Âm Phủ cũng không phải dạng vừa. Nói trắng ra thì họ là đàn sói lọc lõi đang săn tìm những chú cừu non. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Đại không phải bảo vệ quốc gia mình đang phụng sự, mà là soi đường chỉ lối cho nước đối địch - nơi mà anh được sinh ra lần thứ hai nhằm từng bước trao họ quyền chi phối và phá nát mọi thứ. Nghe thì thâm độc và đáng chết thật đấy, song làm thế nào để biến nó thành sự thực thì còn khó hơn lên trời.
Với một túi bản sao nữa trong tay, Đại cầm bút thỏa sức gạch, vẽ nguệch ngoạc lên tờ giấy, cốt là để tìm ra lỗ hổng. Não anh ta cố gắng phân tích từng câu chữ một, rồi đảo trật tự từ, sau đó ghép lại nhau để đánh lừa quan chức hai bên. Nhưng khổ nỗi làm sao, văn bản này lại được viết bởi những tay chơi vô cùng tinh khôn, nên chỗ nào có thể lừa được cũng chẳng mang lại giá trị lợi ích cao.
Đại túm mũi lại, nhắm mắt thốt lên đầy đau khổ.
“Lạy chúa, nếu cứ như thế này thì kế hoạch sẽ đổ sông đổ bể hết. Mà nếu như cố tình đọc chệch nội dung thì lại càng sai thêm nữa, cánh báo chí, mà nhất là thằng cha Phú sẽ nhạo báng mình thật lực dưới sức mạnh đồng tiền. Khi đó, e rằng sự sẽ khó lường, mạng sống cũng chẳng có gì để bảo toàn.”
Việc cứ để đấy thì cũng chả tự xong được, buộc Đại phải tiếp tục vạch lá tìm sâu. Thật là khốn nạn làm sao! Đại lấy một điếu thuốc lá hạng sang, đốt nó lên rồi ngửi chứ không hút, chỉ nhìn vào làn khói mỏng rồi nghĩ ngợi.
Tiếng bút quệt vào nền giấy trắng vang lên khắp căn phòng, đến nỗi tưởng như có ai đó đang làm việc chăm chỉ. Trong sự vô vọng, gián điệp của nước Cộng Hòa Liên Bang phải tìm mọi cách để bên mình đạt được lợi thế, cũng như hiệu suất cao, tránh rơi vào tình thế khó xử. Nếu đã không thể làm được gì trên giấy rồi thì thôi, đành phải chuyển qua lời nói vậy. Vừa mới dứt suy nghĩ xong, anh lại lấy một tờ giấy A4 ra và viết những dòng chữ nguệch ngoạc.
“Để xem nào. Trước tiên, mình cần phải có những dấu hiệu nhắc nhở các quan bên kia chiến tuyến. Cũng chả khó mấy đâu, cơ mà phải làm thế nào để không bị phát giác mới là quan trọng.”
Ấy là điều thứ nhất mà não Đại nảy ra. Muốn làm điều gì lén lút thì bao giờ cũng phải nghĩ tới tính bí mật, sau đó mới tính đến mấy thứ khác. Để xử lý vấn đề này thì cũng không tới độ là khó, từ khi Đại đã có thâm niên nằm trong hàng ngũ địch tận mười năm. Anh hoàn toàn tự tin vào khả năng của mình, song lúc nào cũng phải ém hàng để đề phòng chuyện bất trắc.
Đi tới vấn đề thứ hai, cách truyền tải thông điệp. Mặc dù đã có nguyên kịch bản trong tay, song Đại không thể cứ thế mà nói thẳng toẹt vào tai vị trưởng phái đoàn bên kia, hay thậm chí là lén tuồn thông tin ra bên ngoài được. Vào những ngày gần đây, an ninh mạng đã được siết chặt hơn, nên nếu xảy ra sự cố trong lúc truyền thông tin thì coi như mạng sống của Đại chỉ còn tính bằng phút. Hết cách rồi, chỉ còn có thể tùy cơ ứng biến mà thôi, chàng điệp viên thầm nghĩ.
Chuyển qua vấn đề thứ ba, Đại nhận thấy có nhiều đất để áp dụng hơn. Với một hội nghị mang tính chất quan trọng tới mức này, việc đem những vấn đề hay tranh chấp đang xảy ra giữa các đất nước lân cận có thể là nước đi đúng đắn. Không thiếu những cuộc chiến ngầm đang xảy ra giữa các quốc gia thuộc phe Cộng Hòa Liên Bang và Vương Quốc, nên gọi đây là “chiến tranh không tên” cũng chẳng sai.
Tất cả đều được ghi lại một cách chi tiết, từ chiến thuật ngoại giao cho tới cách ứng phó, rồi cả lời cố vấn của chính Đại. Mọi thứ chỉ gói gọn trong hai mặt giấy khổ vừa.
Sau cùng, để đảm bảo cho các lãnh đạo nhà mình có thể nắm thóp được ý của đối phương, cũng như sớm lật kèo, Đại đã nghĩ ra một kế hoạch vô cùng táo bạo: gọi điện cho Giang.
“Phải rồi, tại sao mình không nghĩ ra chứ, ha ha!”
Đại có vẻ phấn khởi hơn hẳn khi cầm chiếc điện thoại trên tay. Đầu dây bên kia vừa nhấc máy, anh đã vội xổ ra một tràng.
“Nghe đây, Giang. Tôi muốn anh nhắn với ông Ba, trưởng đoàn ngoại giao rằng hãy tới và chờ tôi ở trước cổng Lãnh sự quán. Nhanh lên đấy, chỉ còn chưa đầy ba tiếng nữa là hội nghị đã bắt đầu rồi.”
Ở phía bên kia, tuy hãy còn đang ngái ngủ, nhưng Giang đã phải nháp chúng vào mục ghi chú của điện thoại. Trước khi anh có thể kịp hỏi Đại thêm bất cứ điều gì, tiếng cúp máy đã cất lên trong sự vội vã, để lại tiếng à ờ đầy ngẩn ngơ của người điều hành black site.
Quay trở về với nhân vật đang đứng giữa lằn ranh của sự sống - cái chết. Đại thở dài nhìn vào tờ giấy mà mình đã viết từ nãy tới giờ rồi nhét nó vào túi áo trong.
“Phù, như vậy là mọi thứ đã tạm ổn thỏa rồi. Đến lúc đi ăn sáng rồi, chẹp.”
Cánh cửa đóng sập lại, để mặc mùi khói thuốc đang bao trùm lấy toàn bộ căn phòng.
…
Một tiếng bốn mươi lăm phút trước khi hội nghị diễn ra.
Âm thanh động cơ như xé nát sự yên tĩnh của tòa đại sứ nước Cộng Hòa Liên Bang. Và trong chiếc Corolla đang gầm rú đó, Đại trầm ngâm ngồi chờ trưởng phái đoàn ngoại giao xuất hiện. Sở dĩ anh ngại tự tay đưa tờ giấy này cho đối phương là vì không muốn lọt vào ống kính của một thằng cha nhà báo nào đó. Cách đây chừng ba, bốn con phố thôi, đội nhà báo đến từ đủ nhà đài đang săm soi từng kẽ hở, chụp ảnh từng góc nhà. Ấy là còn chưa kể tới cái thiết bị quay trực tiếp to tổ chảng của tờ Dân Chủ, vốn được lắp đặt trên nóc một khách sạn gần đó.
Cùng lúc đó, bên trong đại sứ quán, trưởng phái đoàn ngoại giao Kiều Văn Ba đang lục tục cầm tách cà phê chạy ra ngoài với một bộ quần áo ngủ dài thượt. Thực sự mà nói thì ông cũng chỉ kịp tỉnh dậy ngay sau cuộc gọi của Giang, phần vì bất ngờ, phần vì tuổi tác đã cao nên khó có thể phản ứng tức thì. Không kịp đánh thức những người khác trong đoàn dậy, ông Ba đã bổ thẳng ra khuôn viên tòa nhà và hối thúc những người lính gác hãy mở cửa cho mình.
Nhưng rồi, khi bước ra khỏi cửa, ông già này lại lên cơn lú lẫn. Ông ấy ngó nghiêng khắp mọi nơi, khuôn mặt hiện một vẻ lo lắng. Cơ mà lạ ở chỗ, sau một hồi, vị ấy lại thản nhiên uống cốc cà phê nóng mà tự hỏi.
“Được rồi, vậy thì người giao hàng ấy đang ở đâu nhỉ?”
Bất ngờ, một tiếng huýt sáo ngân lên như dẫn lối cho vị chính khách già đến đúng địa chỉ. Ông Ba đặt chiếc cốc lên bờ tường cạnh đấy rồi chạy tới chiếc Corolla theo điệu vẫy tay đầy lộ liễu của ai đó.
“Anh là?”
Ông Ba khom người xuống mà hỏi người ngồi trong xe. Anh ta đeo một cặp kính râm thật thời thượng làm sao, thêm cả chiếc áo khoác da màu đen nữa. Ấy thế mà, trông chàng thanh niên này có vẻ giống ai đó nhỉ, một người mà ngài cố vấn đây đã bắt tay rất thân thiết trong buổi chiều tà. Có lẽ chỉ là sự trùng hợp thôi, bởi người đó nay đã làm chức to lắm rồi, hơi đâu mà đi gặp mình, ông Ba thầm nghĩ.
Trở về với thực tại, không kịp để chàng thanh niên ăn mặc sành điệu kia nói thêm lời nào, ông Ba đã nói thẳng luôn.
“Hàng đâu?”
Đôi môi trên khuôn mặt lạnh tanh ấy chẳng mấp máy một chút nào sau câu hỏi của Kiều Văn Ba. Trái lại, đôi phương còn vò nát một tờ giấy rồi chìa ra cho ông ta, sau đó phóng xe đi đầy kiêu ngạo.
“Cái quái gì? Bộ giới trẻ ngày nay hư hỏng và bất kính trước người già đến thế sao?”
Quá đỗi kinh sợ trước hành động của người giao hàng bí ẩn kia, ông Ba mặt tái xanh tái mét quay trở lại tòa đại sứ.
…
Tám giờ mười hai phút, đoàn ngoại giao mới bắt đầu rời khỏi Lãnh sự quán. Chiếc limousine mang biển ngoại quốc chầm chậm lăn bánh xuống phố, với hai chiếc xe nữa đến từ nước tổ chức nhằm bảo đảm an toàn.
Ngồi ở hàng ghế sau, ông Ba hơi co ro một chút. Không phải vì khoảng không gian xung quanh quá chật chội, mà là vì vị trưởng đoàn này muốn đọc lại những gì được viết trong tờ giấy nhàu nhĩ hồi sáng kia. Ông lặng lẽ mở túi áo trong của mình, lấy ra miếng giấy đã được vuốt phẳng, kẹp theo một cây bút đánh dấu. Về mặt nội dung, ông Ba có thể đọc được những lời khuyên và kế sách từ điệp viên mang mật danh Tod, mặc dù nét chữ không được chỉn chu mấy. Đại ý thì cũng không phức tạp mấy, chỉ là ông phải tìm cách che giấu tất cả mọi xung đột mà hai phe đang có, kèm theo một thái độ hết sức “thân thiện” và có phần nhún nhường ở những phút ban đầu. Còn lại, ở hiệp sau thì sẽ có biện pháp can thiệp, nên đoàn càng phải mạnh mẽ và “lật lọng” hơn.
Hừm, vậy những lời cố vấn này cũng có khác gì kế hoạch ban đầu của phái đoàn đâu? Khoan đã, hình như còn có gì ở mặt sau nữa.
Đương lúc suy nghĩ về sự trùng hợp trong chiến lược đàm phán thì thất nhiên, trưởng đoàn Ba thấy một dòng chữ ở mặt sau tờ giấy. Lật lại thì ông mới thấy, hóa ra đây chỉ bề nổi, còn phần chính mới nằm tại đây. Mà khó hiểu ở một chỗ, tại sao tác giả của tờ giấy lộn này lại thích viết bằng Pháp ngữ, vốn là thứ ngôn ngữ mà ông Ba không mấy thông thạo nhỉ? Nhưng rồi ông ta nghĩ, có lẽ đây là phương thức bảo mật mà lớp điệp viên trước được đào tạo, nên thôi thì cứ ngồi mà dịch ra vậy.
À, mình hiểu rồi...
Cuối cùng, sau một hồi chật vật với mớ tiếng Pháp, ông Ba đã lờ mờ hiểu được ý mà điệp viên kia muốn truyền tải, cũng như một phần mưu đồ của phía bên kia bàn đàm phán. Ông không nói gì thêm mà chỉ nhếch mép cười.
Chừng nửa tiếng sau thì phái đoàn đã đặt chân tới địa điểm đàm phán. Nữ đại sứ Huệ xuống trước tiên để mở cửa cho các vị đại biểu, sau đó nhanh chân cùng tài xế lái xe rời khỏi chốn này. Ông Ba nhìn ngắm công trình hội nghị quốc gia, miệng thầm thán phục sự giàu mạnh và phô trương của một quốc gia từng nằm trong sự đói nghèo vì ly khai và xung đột vũ trang. Trước đây, họ dùng vàng thỏi ăn cắp được từ hầm và trữ lượng dầu mỏ khổng lồ để đe dọa, nay chính Kiều Văn Ba và vị nguyên thủ đáng kính của mình sẽ một tay thu phục lại phần lãnh thổ năm xưa này.
Vừa bước vào cửa chính của tòa nhà, hàng loạt ống kính đã chĩa vào mặt họ, phần lớn là của các tờ báo tuyên truyền. Đối mặt với những tay ký giả háu ảnh này, ông Ba cùng đoàn của mình chỉ vẫy tay chào họ, phần còn lại cứ để cảnh vệ lo.
Sảnh tòa nhà thật lớn làm sao. Hàng triệu bóng đèn nhỏ chiếu thứ ánh sáng dịu dàng, ấm cúng xuống nền đá sáng bóng như gương. Những tấm áp phích, pano ghi đầy đủ tên sự kiện bằng cả hai ngôn ngữ được giăng lên để quan khách có thể nhìn thấy rõ phông chữ màu vàng ánh kim lấp lánh ấy. Ông Ba vốn chẳng còn lạ gì với sự phù phiếm này nữa nên cứ lẳng lặng mà đi, nối gót là các thành viên trong phái đoàn.
Ở tầng cao nhất, cánh cửa gỗ mở ra một chương hoàn toàn mới. Một dãy bàn hình oval chiếm khoảng bảy, tám phần căn phòng, với hai chiếc ghế chính dành cho người giám sát xếp ở đỉnh vòng cung. Trưởng đoàn Kiều Văn Ba, đại diện hợp pháp cho nước Cộng Hòa Liên Bang Âm Phủ, cùng đoàn ngoại giao của mình ngồi xuống. Trong khi đối diện bọn họ là Thủ tướng Quốc, trưởng đoàn và đồng thời cũng là người đứng đầu Vương Quốc Âm Phủ.
Thật đáng sợ làm sao.
Ông Ba dường như cảm nhận được sức ép đang thồn vào lồng ngực. Trước mặt ông chỉ vài chục phân thôi là kẻ thống trị giai cấp cầm quyền, một nhân vật có tư duy và cách giải quyết hoàn toàn khác so với ông. Chưa kể tới dàn tùy tùng đi bên cạnh cũng toàn tai to mặt lớn, từ bộ trưởng ngoại giao cho tới cả bộ nội vụ. Liệu rằng ngài cố vấn đây có thể thắng những bộ óc sành sỏi và lọc lõi nhất chỉ với nguồn nhân lực khiêm tốn?
“Xin chào.”
Người đứng đầu nước tổ chức sự kiện chủ động đứng dậy bắt tay ông Ba một cách đầy lịch thiệp. Rồi tới cả những người khác, họ đều nở một nụ cười đầy thánh thiện và nồng nàn tình hữu nghị, dẫu cho trong bụng là nguyên bồ dao găm. Buổi đàm phán, hay đích xác hơn là ván đấu chính thức bắt đầu.
“Kính thưa quý vị đại biểu,
Đầu tiên, chúng tôi, đại diện hợp pháp của chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Âm Phủ, là tiếng nói chung của nhân dân miền đất Âm Phủ, rất thiện chí khi được sang quốc gia thần thánh của các ngài để đàm phán về chủ đề ngày hôm nay. Dưới bối cảnh khi các cuộc nổi dậy, xung đột vũ trang và ly khai mang màu sắc cực đoan, chúng tôi hy vọng được nghiêm túc bàn bạc với ngài Thủ tướng Quốc về chiến lược trong tương lai trên khắp lục địa Âm Phủ.”
Đọc đến đây thì ông Ba bỗng ngừng lại một chút, giả vờ như ho trên tờ giấy để tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng tiếc rằng là không có ai trong căn phòng này hiểu ý đó cả, vậy nên ông chẳng còn cách nào khác ngoài đọc tiếp. Vị trưởng đoàn bình tĩnh vuốt ngực trái rồi tiếp tục đọc.
“Tiếp đến, chúng tôi xin được đem bản công khai yêu cầu của được thu thập từ ý kiến của các đại biểu trong chính quyền, cùng sự sàng lọc từ nhân dân.
Thứ nhất, tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ và quyền tự quyết của người dân tộc thiểu số tại vùng biên giới giữa hai quốc gia.
Thứ hai, quyền được khai khoáng và bình ổn giá vàng. Ngoài ra, nước các ngài cũng cần phải gỡ bỏ lệnh cấm vận kim loại quý và đá hoa cương.
Thứ ba, cùng nhau hợp tác và ngăn chặn phong trào chiến tranh du kích của quân nổi loạn Cộng Hòa.
Và thứ tư, với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, di chuyển và kết nối là một phần không thể thiếu. Chúng tôi, những người đại diện cho chính phủ, những người dân của nước Cộng Hòa Liên Bang Âm Phủ, yêu cầu được cấp quyền tự do di chuyển và đi lại tới Vương Quốc Âm Phủ và các chủ thể liên quan.”
Dứt lời, ông Ba khoan thai ngồi xuống ghế, chờ người đứng đầu chính quyền bên kia đọc xong bản sao của danh sách kể trên. Tuy tỏ ra khá điềm tĩnh và thoải mái, song ông và đoàn cũng không thể tránh né được thực tế căng thẳng. Chính bọn họ là người đã bí mật tài trợ và cổ động cho quân Cộng Hòa tổ chức đánh nhau với quân đội hoàng gia, nên sợ bị đem ra mổ xẻ cũng là lẽ thường tình.
Sau khi đọc xong tờ “yêu sách” mà phía bên kia đặt ra, Thủ tướng Quốc ngạo nghễ cười và uống ngụm nước, thật quỷ dị làm sao. Mặc dù vậy, màn hù dọa đó chẳng có tác dụng gì lên phái đoàn của Kiều Văn Ba. Trái lại, thần kinh của họ còn tăng tốc độ xử lý và phán đoán nữa. Cuối cùng, ngài Quốc đứng dậy và phát biểu mà không cần văn bản nào.
“Kính thưa các quý ngài, chúng tôi có thể hiểu được tình thế các ngài đang đối mặt hiện tại. Nhưng đối với chúng tôi, lợi ích dân tộc vẫn là trên hết. Có thể chúng tôi sẽ đồng ý cùng chống giặc thổ phỉ, có thể chúng tôi sẽ nới lỏng việc buôn bán, song chúng tôi nhất quyết không để dòng giống của mình tuyệt diệt. Chúng tôi đã dựng xây nên mảnh đất này bao đời này, từ trước khi tất cả các ngài tới đây nên tuyệt nhiên không có chuyện gỡ lệnh cấm di chuyển!”
Một câu trả lời khá gay gắt, đánh thẳng vào điều số bốn trong bản kiến nghị của đoàn ông Ba. Hơn hết, nó cũng là một đòn đánh thẳng vào cái vẻ lịch lãm và công bằng mà ông và các cộng sự đã cố gắng xây dựng. Vào những lúc như thế này, ông Ba vẫn cố tỏ ra lịch sự, không bật lại vị thủ tướng kia một lời nào. Ông chỉ đơn giản là ngồi hút một điếu thuốc và đọc bản danh sách hợp tác quân sự đến từ phía bên kia.
Ái chà chà, có vẻ căng thẳng hơn mình nghĩ. Xem ra đến lúc phải tung ra vài ngón nghề rồi!
Khóe miệng ông trưởng phái đoàn nhếch lên một chút. Chưa bao giờ Kiều Văn Ba cảm thấy thử thách đến như vậy, nhất là sau ngần ấy năm trở thành cố vấn Toàn quyền chính thức. Bao nhiêu vấn đề đối nội, đối ngoại cũng chẳng thể so bì được với ngày hôm nay, khi chính ông đang ngỏ lời hợp tác với kẻ thù. Vậy mà giờ hắn ta lại thẳng thừng từ chối những điều khoản đi kèm.
Thôi giờ phải xuống nước vậy, ông Ba nghĩ. Lập tức, ông phẩy tay gọi Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế quốc gia và tạm thời giao lại bàn đàm phán cho vị này. Nếu đồng tiền không thể hiện được hết bản chất của nó, đến lượt mấy thứ khác sẽ lên thay. Nhân vật thứ hai trong đoàn ngoại giao bắt đầu phần giao đấu của mình.
“Vậy, chúng tôi xin phép hỏi ngài Thủ tướng: Có bao nhiêu người dân tộc Tnú đang định cư tại đất nước này?”
“Ba trăm năm mươi triệu sáu trăm lẻ năm nghìn chín trăm mười bảy người.”
Vị nguyên thủ của Vương Quốc đọc không sót một con số nào. Để đáp lại, đối phương vẫn tiếp tục hỏi ông ta.
“Chính là như thế. Nhưng ở đất nước chúng tôi, số người Tnú gấp hai lần rưỡi quốc gia các ngài. Đồng thời, họ cũng đang làm ra lượng của cải chiếm tới gần hai mươi phần trăm tổng sản phẩm quốc nội. Hẳn là ngài thủ tướng đây không muốn nhìn cảnh đất nước mình đì đẹt mãi, với toàn bộ công, thương nghiệp rơi vào tay những kẻ ngoại tộc?”
Đến lúc này thì nguy cơ đã hiện hữu ngay trước mắt Quốc rồi. Nhưng với vị thế của một nguyên thủ quốc gia, hắn ta đời nào chịu khuất phục trước lời dọa suông đó!
“Dĩ nhiên là không rồi. Cơ mà ngài Bộ trưởng đây cũng cần phải học lại tí lịch sử chứ nhỉ? Hy vọng ngài và ngài Toàn quyền hãy hiểu rằng, người dân Tnú cũng chỉ đang làm thuê cho đất nước các ngài thôi. Chúng tôi có một vị cứu tinh bằng xương bằng thịt để dựa vào, còn các ngài vẫn thường đánh nhau sứt đầu mẻ trán chỉ vì ngôi vương của các chúa con, chúa cha…”
Bỗng nhiên, một quan chức ngồi cạnh thủ tướng Quốc huých nhẹ vào vai hắn ta. Khi thủ tướng tạm ngưng thì viên quan ấy liền ghé sát vào tai mà nhắc nhở.
“Ngài cẩn thận, chớ chọc giận bọn họ.”
Quốc như chợt bừng tỉnh. Phải, hắn ta không nên chọc ngoáy một quốc gia khác, nhất là khi quốc gia ấy lại là đối thủ nặng kí, sở hữu cả kho vũ khí đủ để san bằng cả lục địa này. Để chữa thẹn, thủ tướng của Vương Quốc Âm Phủ liền bàn giao lại thế trận cho một ông râu kẽm ngồi cách chừng ba ghế. Rất lịch sự, người đàn ông trung tuổi ấy đứng lên, nhưng chưa kịp phát biểu gì thì đã bị chặn họng bởi trưởng đoàn Kiều Văn Ba.
“Các ngài nghĩ việc phá hoại tình đoàn kết giữa các tộc người chúng tôi là đáng sao? Không hề. Nếu một ngày nào đó, quân Cộng Hòa đánh vào đô thành tráng lệ của các ngài, chính những người đang nắm độc quyền thương mại sẽ là thành phần đi theo sớm và nhiều nhất, từ khi họ chẳng thể chịu nổi sự cực đoan của các người. Suy nghĩ kỹ trước khi nói đi!”
Quả báo nhãn tiền. Chỉ vì một phút buột miệng thôi mà thủ tướng Quốc đã vô hình chung đẩy buổi đàm phán vào thế căng thẳng. Giờ chả ai dám chắc trưởng đoàn Ba sẽ làm gì tiếp theo. Mồ hôi trên trán các đồng sự của ông ta chảy tong tỏng xuống mặt bàn gỗ, lo lắng cho sự an nguy của kế hoạch đã vạch sẵn từ cả tháng trước.
Ở mặt trận bên kia, Đại - nhà tình báo ẩn thân dưới vỏ bọc kẻ đứng đầu bộ máy cảnh sát, vẫn đang trong thế thủ. Anh nhận thấy, xét theo tình hình hiện tại thì cả hai bên đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, tất cả là vì sai lầm mang tên “dân tộc và tôn giáo”. Song bù lại, nếu phía ông Ba sớm thể hiện được đường lối rõ ràng thì thế cục có thể xoay chuyển. Mọi thứ chỉ có thể trông chờ vào bản thân họ, Đại khó lòng có thể can thiệp vào.
Trong khi dầu sôi lửa bỏng thì cách đó cả cây số, tại nóc một khách sạn, có chàng trai đang đánh đàn trên sân thượng. Anh nghêu ngao hát những giai điệu phiêu lãng, hào hoa và đôi chút bồng bột. Dưới kia, chẳng một ai biết điệu nhạc ấy đến từ đâu, nó được chắp cánh bởi giọng hát của ai, hay nói trắng hơn: Họ chẳng quan tâm tới nó.
Cái mũ nồi xanh in dòng chữ “Press” phản chiếu ánh nắng chói chang lúc mười giờ. Cái áo gile màu cát trở nên nhẹ tâng, phấp phới tựa lá cờ bên bờ biển. Một chiếc đàn guitar sậm màu và cũ kỹ, ngân lên những tiếng tình tang rất đưa tai, thế là đã đủ rồi. Chàng trai nọ vẫn ôm đàn hát bằng cả trái tim và khát vọng.
“Lorca Garcia
Lời anh vang mãi trong tâm hồn chúng ta
Trong trái tim của những người yêu nước
Và trong mắt xanh của bao niềm mơ ước
trong bước chân người vũ nữ
và trong tiếng ca người nghệ sĩ giang hồ
Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta!”
Rồi thất nhiên, một tiếng rầm phát ra từ phía cửa ra vào sân thượng. Từ đằng ấy, có người phụ nữ ăn bận rất lịch sự, trông như dân công sở. Đôi mắt màu hồng ngọc lóe lên cùng một giọng đanh thép.
“Phú! Anh đang làm cái quái gì đấy?”
Anh chàng kia lúc này mới buông cây đàn xuống, tháo chiếc mũ sắt nặng nề trên đầu và lại gần cô gái.
“Chào mừng đến với trường quay Chênh Vênh. Cơn gió nào đã đưa cô đến đây thế Huệ?”
Huệ nghiến răng ken két.
“Những cuộc gọi nhỡ đã đưa tôi đến đây. Phú, phép thần thông nào đã làm anh bỏ lỡ tới mười hai cuộc gọi của tôi vậy hả?”
Phú giật mình mở điện thoại lên. Quả thực, đúng là anh đã lỡ hơn chục cuộc gọi từ cô ta. Thôi thì đành xin lỗi theo cách trung thực nhất vậy, Phú thở dài.
“X-xin lỗi cô, tôi không cố ý. Chỉ là cô biết đấy, đôi lúc đánh đàn là cách để giải tỏa tâm trí tốt nhất.”
“Đàn ca sáo nhị cái búa! Anh Giang sống ở dưới hầm cả tháng không lên cũng chả hâm như anh đâu, lều báo ạ!”
Tức tối, Huệ liền thụi một cái vào thẳng hạ bộ của Phú. Song chưa dừng lại đó, trong khi anh ta còn đang gục thì cô lại bồi thêm một cú tát trời giáng, đến nỗi chim chóc quanh đấy cũng hồn phiêu phách lạc. Đợi cho đến khi Phú có thể đứng dậy được rồi, Huệ mới nói tiếp phần còn dang dở.
“Mà thôi, quay trở lại vấn đề chính. Đại vừa thông báo cho tôi rằng hiệp đầu khá căng, phía mẫu quốc có vẻ đã ăn đấm hơi nhiều nên cũng khó lòng giữ được tỉnh táo. Dự là nếu tình hình hiệp thứ bất ổn, báo chí sẽ là công cụ tốt nhất để hỗ trợ. Đây chính là lúc anh tỏa sáng, Phú ạ.”
“Ừ, tôi hiểu rồi, chỉ có vậy thôi à…”
Giống với Phú, Huệ cũng nở một nụ cười rồi đáp lại.
“Đúng rồi đấy, nhiệm vụ chỉ có ngần ấy thôi.”
Và lặng lẽ rời khỏi sân thượng, bỏ lại Phú cùng mật lệnh mới giao vài giây trước.
Gió lay nhẹ qua hiên nhà em, để lại mùi hương thơm ngát. Gió bước qua đời mình, để lại nhiều đắng cay.
Anh nhà báo lầm bầm vài câu rồi đội chiếc nón sắt, quay trở lại khu vực tác nghiệp. Khi này, dàn máy quay bạc tỉ cũng đã bắt được những khung hình đẹp nhất trong buổi đàm phán.
Trở về với điểm xuất phát, khi này thời gian nghỉ cũng đã hết, hai bên lại tiếp tục màn khẩu chiến đầy ác liệt. Trưởng phái đoàn ngoại giao Kiều Văn Ba trừng mắt nhìn dàn đối thủ sừng sỏ với ngọn lửa cháy phừng phực, sẵn sàng hạ đo ván trên bàn đàm phán dù có phải lôi thủ đoạn bẩn thỉu nhất ra. Vì lẽ, mọi thứ đã đi quá giới hạn mà nó được định ra rồi…
Kế hoạch ngoại giao khôn khéo và lịch thiệp đã thất bại. Thực lực mới là điều kiện tiên quyết.
0 Bình luận