The Second Booklet: Hail to the Chief
Chương 22: Conference: Engagement
0 Bình luận - Độ dài: 4,083 từ - Cập nhật:
"Các quý ông, đã đến lúc chúng ta cần phải tỏ ra thẳng thắn rồi."
Kiều Văn Ba, trưởng phái đoàn ngoại giao giơ cao ngón trỏ trước những đồng nghiệp. Cơ mặt ông co lại, hai mắt lùi vào sâu bên trong, tạo thành một nét nghiêm nghị, song cũng không kém phần hung dữ. Đúng, đấy chính là chiến thuật mà ông Ba đã bàn với các thành viên trong đoàn, ngay từ lúc còn chưa diễn ra hội nghị. Những ngày qua chỉ là màn kịch để lừa đối phương vào tròng, hôm nay mới là đòn quyết định.
Trước khi có được ngày hôm nay, ông Ba đã phải thân chính đi đàm phán bí mật với viên thủ tướng Quốc vài lần, chủ yếu tại những nơi mà công chúng chẳng thể ngờ tới được. Dù lần trước đã lùa vị này vào bản hiệp ước dưới danh nghĩa xuất khẩu lao động các tù nhân, nhưng kể từ đó tới nay vẫn chưa thấy có gì tiến triển thêm. Dường như vị nguyên thủ của vương quốc ấy đang muốn cô lập mình, hay nói cách khác là xù lông nhím. Ông Ba biết những điều khoản hoặc cáo buộc mình đưa ra sẽ gây tổn hại đến danh tiếng của Vương quốc m Phủ, nhưng ông vẫn muốn phơi bày thêm. Mục đích cuối cùng vẫn là hù doạ trên phương diện "một nửa sự thật", sau đó cuỗm về những thứ cần thiết. Hơi bẩn thỉu, nhưng nếu muốn thu hồi từng thứ một thì chẳng còn cách nào hay hơn.
Những thành viên trong phái đoàn sau khi nghe lời căn dặn của vị trưởng đoàn cũng cùng giơ ngón trỏ lên. Đây là biểu tượng cho sức mạnh của người nhập cư, cùng nhau chống lại sự chuyên quyền và cổ hủ của Diêm Vương. Một ngón có thể không làm được gì nhiều, nhưng nhiều ngón hợp lại sẽ tạo thành sức mạnh vô song. Tất cả vì một nhà nước thống nhất, xã hội công bằng cho hai chủng tộc.
Song, một thành viên đã lên tiếng.
"Chúng ta có thể trên cơ họ, nhưng nếu họ quyết thắt lưng buộc bụng thì sao? Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra."
Các thành viên khác trong phái đoàn cũng bắt đầu tỏ ra nghi ngại. Tất nhiên họ không ngờ vực tài lãnh đạo của ông Ba, vì điều họ bận tâm lúc này là một trường hợp giả định. Một kịch bản rất có thể sẽ khiến công sức đi tong.
Người ta nói "con giun xéo lắm cũng quằn", ở đây cũng như vậy. Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả chứng kiến một chủng tộc vùng lên đấu tranh và ly khai, tạo nên Vương quốc Âm Phủ. Và chắc chắn, không ai muốn chọc giận và làm bùng thêm một ngọn lửa nào nữa.
"Anh nói đúng đấy", ông Ba xác nhận. "Nhưng chúng ta bắt buộc phải khiến họ rơi vào cái bẫy được đặt sẵn. Viện trợ không hoàn lại, miễn trừ lãi suất vay hay cử chuyên gia sang, ngài Toàn quyền đều sẵn sàng đánh đổi."
Trong đầu mỗi thành viên của đoàn đều nghĩ như vị trưởng đoàn. Chỉ cần vương quốc buông lỏng, họ sẽ đầu tư mạnh tay vào các lĩnh vực, cũng như tăng cường xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu đi theo kịch bản xấu nhất được nêu trên, Vương quốc Âm Phủ sẽ trở thành vùng đất chết theo đúng nghĩa đen. Nhân dân sẽ lâm vào nghèo khó, sinh ra cảnh đầu trộm đuôi cướp, kinh tế bị băng hoại nghiêm trọng. Khi đó, lòng căm phẫn sẽ ngày một dâng cao, và sẽ chẳng còn ai muốn thống nhất nữa. Đúng là trong thời kỳ đầu ly khai, chính phủ do Toàn quyền Thọ đã lập ra bản kế hoạch như vậy. Tuy vậy, thời gian trôi qua, thế cục đã dần thay đổi. Có thể sức mạnh quân sự hai bên chênh lệch rất nhiều, nhưng nếu lòng dân không thuận thì cũng chẳng khác nào thuộc địa hoá. Giờ đây, mọi thứ đều tập trung vào quyền lực mềm. Chỉ có lôi kéo, khiến kẻ khác phụ thuộc mới thoả mãn các vấn đề nan giải.
Bên ngoài đại sứ quán, tức nơi trú ngụ của cả đoàn đang rất căng thẳng. Hàng chục phóng viên chen lấn, xô đẩy nhau hòng chụp được những tấm ảnh nét nhất. Qua một vài tin đồn trên diễn đàn địa chính trị Trời Đất, một số người đã phấn khích đỗ xe thành hàng bên kia đường, tất cả đều hóng một câu phát biểu nào đó.
Tám giờ sáng, đoàn xe đã đến sẵn cổng toà đại sứ. Phái đoàn rục rịch đi ra ngoài, ai nấy đều hướng mặt lên trời, làm như không quen biết đám phóng viên kia. Duy chỉ có ông Kiều Văn Ba là vẫn đĩnh đạc, từng bước chân hết sức thanh lịch. Khi đoàn đi ra khỏi cổng, phóng viên tạt sang hai bên vỉa hè, chĩa máy thu âm vào các thành viên một cách sỗ sàng, vồ vập, như thể sắp chết đói tới nơi. Hiểu rằng mình là vị đại sứ hòa bình dù bất đắc dĩ, ông Ba từ tốn quay về phía một nam phóng viên mà phát biểu.
"Xin được khẳng định lại, chúng tôi đến đây trong hoà bình và thiện chí. Không ai muốn một cuộc xung đột xảy ra ngay trong nước chỉ vì thiếu gạo ăn cả. Với nghĩa vụ quốc tế, chúng tôi, những người đại diện cho tập thể các nước thuộc Cộng hoà Liên bang Âm Phủ, xin được sẻ chia một phần trách nhiệm tới những người đồng cấp."
Rồi lên xe cùng những thành viên khác mà đi mất, để lại hàng chục phóng viên túa ra đường trong ngỡ ngàng.
Cùng lúc đó, tại trụ sở của RDPSS, Phú đang kiểm tra các thiết bị đầu ra cũng như dây cáp truyền dẫn trong phòng thu phát. Nói một cách đơn giản thì đó là một căn phòng nhỏ, hẹp nằm trên tầng cao nhất của toà nhà và chỉ mới được cải tạo từ một tháng trước. Bên cạnh đống bầy hầy Phú đang phải dọn là một chiếc bàn gắn hai màn hình nhỏ, chuyên dùng theo dõi hình ảnh phát về. Ngoài ra còn có một vài công cụ chuyên dụng nữa.
Những bó dây to cỡ cổ tay, các đầu nối được mạ vàng sáng bóng dưới đủ hình thù, rồi màn hình hiển thị, chỉ nhiêu đấy thôi đã là đủ để vắt sức con người ta rồi. Nhưng Phú thì vẫn bình tĩnh mà hoàn thiện, vì đây là khâu cuối cùng trong chiến dịch theo dõi trực tiếp. Tại toà nhà trụ sở này, ăng ten đã kết nối với nơi đặt hội nghị, ngay tại phòng họp chính nhằm thu về những hình ảnh chân thực nhất. Đáng lý ra phải có tới sáu góc máy cận cảnh, nhưng vì lo ngại việc bị phát hiện có thể gây giảm sút uy tín, thành ra chỉ có bốn ống kính được giấu quanh chiếc bàn trái xoan. Và cũng vì thế nên chỉ có Phú và My là được toàn quyền điều hành căn phòng này.
Kiểm tra xong xuôi, Phú đứng dậy, thở dốc và gọi My đến xem. Cô nàng nhoẻn miệng cười.
"Được rồi, cảm ơn vì đã làm phiền anh nhé."
"Ừm, không sao đâu. Mà đây là tất cả những gì chúng ta cần cho hậu kỳ sao?"
Phú nhìn về phía những đầu thu để trên bàn. Từng bó cáp chạy ngoằn ngoèo từ điểm này sang điểm nọ mà chỉ được cố định bằng dây rút. Trên tấm bảng báo lỗi của căn phòng bé tẹo này, hàng trăm bóng đèn bé li ti lập lòe màu xanh, đỏ. Đó là những thứ vô cùng cần thiết cho buổi thu hình bí mật này.
Tiến về chiếc bàn điều khiển, Phú cắm chiếc chìa khoá vào trong ổ, kích hoạt toàn bộ hệ thống, trong khi My thì theo dõi các đèn tín hiệu. Phút chốc, chiêc màn hình khổng lồ gắn trên tường phát sáng, rồi hiện lên khung cảnh phòng họp hội nghị. Lúc này, các vị đại biểu đã lục tục bước vào trong phòng, đủng đỉnh chọn lấy chỗ ngồi được đánh dấu.
"Vậy là tất cả đã ổn định rồi nhỉ? Máy thu âm và thu hình đã hoạt động chưa My?"
Một cách có chủ ý, Phú quay sang hỏi My. Cô ấy như nghẹn bứ cổ họng, không thốt nổi nên lời. Rõ ràng Phú đang quá gần gũi với My khi cứ mỗi giây lại càng nhích gần hơn. Mặc dù trông anh chàng không có vẻ gì như một kẻ háo sắc, nhưng chính thứ biểu cảm trung tính kia lại khiến mặt cô gái đỏ lựng như gấc. Cảm thấy nếu cứ càng như thế này sẽ không ổn chút nào cho trái tim đang ngày một thình thịch, My lập tức đẩy Phú ra xa.
"Phú… Phú… Phú!"
Tiếng hét đó như lôi cả người Phú lên trở lại. Anh bừng tỉnh, khuôn mặt như chú nai vàng ngơ ngác. Thôi chết rồi, phải kiếm cớ gì để biện minh cho hành vi bồng bột vừa rồi, Phú thầm nhủ. Thế là chàng ta vội vàng chắp tay xin lỗi.
"Xin lỗi, đó mấy ngày nay thiếu ngủ quá nên tôi mới…"
"Ôi trời ạ, đáng ra anh nên tập trung nhiều hơn vào việc giữ gìn sức khoẻ chứ. Thật là…"
Lần này thì My tung ra đòn đáp trả. Cô nhẹ nhàng đưa bàn tay nõn nà ra gãi cằm Phú. Chiếc chằm dày vừa phải, chen giữa lớp da dày là chút cơ. My cứ thế gãi thật nhẹ nhàng, chậm rãi. Đối mặt với tình thế hiểm nguy này, Phú có muốn dứt ra cũng chẳng được, vì lẽ nó quá sướng. Xưa kia, Tuyết cũng thường gãi cằm anh trên bờ đê. Thân áp trên nền cỏ ấm, đầu gối trên đùi mềm, thật khó để cưỡng lại được; thậm chí không ngoa khi nói rằng đó chính là điểm yếu của anh chàng.
"My… Bỏ ra đi, tôi không chịu được…"
Chàng trai cúi người xuống, nhưng cằm vẫn ngẩng, hai tay giơ lên như cầu xin một phước lành. Phải khó khăn lắm anh ta mới có thể thoát khỏi bàn tay mềm như nệm cao su non ấy.
Và cả hai bắt đầu thực sự nghiêm túc.
"E hèm."
Phú hắng giọng, mắt hướng về phía màn hình lớn. Giọng anh trở nên nghiêm nghị hơn bao giờ hết.
"Chúng ta nên làm việc này ở chỗ không phải chốn công sở. Ý tôi là, nó sướng thật đấy, song chúng ta vẫn phải tiết chế lại. Cô nghĩ sao nếu vị sếp già thấy hai người trẻ chim chuột với nhau?"
"Ừm, tôi hiểu rồi. Nhưng thực ra tôi cũng chẳng biết gì hết đâu, cứ ngứa tay là làm thôi mà."
Trái lại, My có vẻ đang tỏ vẻ ngốc nghếch. Mẹ trẻ đang đùa với con đấy à, Phú như gào thét nội tâm. Nhưng khoan, mọi chuyện như một đồng xu vậy, cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu đây là mặt đáng yêu của một cô hậu bối chăm chỉ nhưng hơi nhút nhát, Phú hoàn toàn có thể tận dụng nó để khám phá sâu hơn về con người của cô ấy. Qua đó, biết đâu lại tìm ra được một người vợ đảm? Phú xin từ chối được nghĩ đến trường hợp của một gián điệp thuộc cận vệ hoàng gia, vì nó đã khiến anh quá ngán ngẩm rồi.
"Thôi thì ta làm việc tiếp nào", Phú nghiêm giọng rồi quay trở lại bàn làm việc. May mắn làm sao khi cùng lúc đó, buổi họp cũng vừa mới bắt đầu.
Trong phòng họp, trưởng đoàn Kiều Văn Ba đứng dậy, tay cầm một tờ giấy đầy những chữ. Ông nhìn mọi người, vạn vật xung quanh một cách thận trọng rồi mới dám phát biểu.
“Thưa ngài Thủ tướng, như chúng ta đã bàn bạc từ trước, đây là bản hiệp định về việc chuyển đổi mục đích sử dụng lao động từ cưỡng bức sang tự do. Như các ngài có thể thấy, nó nói rõ về sơ khảo, mục tiêu và ăn chia lợi nhuận giữa hai quốc gia. Ở đây, tức mục thứ nhất, chúng ta có cam kết về nhân quyền và lợi ích, cũng như nghĩa vụ mà những tù nhân sẽ có được.”
Mấy vị đại biểu phía bên vương quốc có vẻ không vừa lòng lắm. Họ chau mày, nghiến răng kèn kẹt, trông vừa thô thiển mà lại khó gần. Những vị này đều là người nằm trong nội các của thủ tướng Quốc, nên họ cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi tư tưởng thượng đẳng. So sánh từ góc nhìn của quốc gia đối địch, cả đoàn bên Vương quốc m Phủ trông không khác gì những tay buôn nô lệ. Họ biết nhặt nhạnh, chọn lựa những người đến từ trần gian rồi ép “chúng” phải bán sức lao động với cái giá của một bát cơm thừa. Thật không ngoa khi gọi họ là những nhà buôn xuất sắc, biết tận dụng tài nguyên người nếu bỏ qua các vi phạm về quyền con người.
Ông Ba bắt đầu để ý được thái độ của những con người này. Họ không khác vị thủ tướng kia một ly nào. Nhưng trong cái đêm định mệnh đó, dưới sự cố vấn có thể nói là khôn ngoan của trùm cảnh sát Đại, vị ấy cũng đã phải hạ mình. Thực sự thì ông không hiểu, giữa danh dự và sự ấm no của quốc gia, phái đoàn kia sẽ chọn cái nào. Tuy rằng chỉ cần chữ ký của nguyên thủ quốc gia là đủ, song nếu muốn quá trình được diễn ra trơn tru hơn thì buộc phải khiến cả đám đồng tình thì mới được. Vị trưởng đoàn không biết phải làm sao, dụ dỗ bên địch thủ bằng những chính sách hấp dẫn, hay để con sói đầu đàn tự thuyết phục?
“Chúng tôi cảm thấy thật phi lý khi phải điều chuyển các phạm nhân từ nhà tù Đại Hồng Bào tới chỗ các ông. Để đảm bảo được sự an toàn, chúng tôi buộc phải bỏ tiền túi ra để lo chi phí di chuyển và ăn uống. Mà như ông thấy đấy, đất nước chúng tôi đang lâm vào tình trạng khó khăn, lương thực không đủ ăn, tỷ giá đồng tiền thì trượt xuống. Đó không phải một điều hợp lý để gọi mời đâu, xin ông qua chỗ khác giùm.”
Một trong số những thành viên của phái đoàn bên vương quốc chất vấn. Ra là vậy, ông Ba đã hiểu những gì họ cần. Một nguồn tiền ổn định và đài thọ chi phí vận chuyển những người tù. Điều này không hề khó chút nào, chỉ cần tập trung là sẽ giải quyết được hết. Ông Ba đặt hai bàn tay xuống bàn, khoan thai đáp lại.
“Nếu chúng tôi nói rằng sẽ tài trợ toàn bộ chi phí di chuyển, cũng như tăng xuất khẩu lúa gạo trở lại, đi kèm với cho vay vốn thì sao?”
Quả nhiên, biện pháp này đã có tác dụng. Sắc mặt của những vị quan có chức có quyền trở nên tươi tắn hơn. Dù một số vẫn còn giữ nguyên sắc mặt lạnh, song họ cũng đã bắt đầu gật gù, đắn đo về chuyện này. Được thế, trưởng đoàn Ba lại tiếp tục.
“Chúng tôi đã có sẵn văn bản cam kết bằng pháp lý ở đây, chỉ đợi các vị ký. Thực sự, chúng tôi rất mong muốn được nhập khẩu nguồn nhân lực từ quốc gia các ông, vì tình trạng thiếu công nhân đang trở nên đáng báo động. Đây là một nước đi tốt cho cả hai bên, khi chúng tôi có thể tiếp tục xuất khẩu, còn các vị thì có đòn bẩy kinh tế.”
Kỳ lạ thay, một người khác ở phái đoàn vương quốc lại đứng bật dậy, miệng gay gắt những lời sỉ vả.
“Đừng có nói những điều hoang đường đó! Chúng tôi thừa biết các ông đang muốn nhăm nhe lấy đi nguồn sống quý giá của chúng tôi! Nếu không có tù nhân, luật pháp sẽ chẳng còn nghĩa lý gì cả, nhà tù Đại Hồng Bào sẽ lại trở thành trò hề cho các ông đăng lên mục truyện cười của tờ Địa Tín mà thôi!”
Nhưng rồi vị thủ tướng đã búng tay. Lập tức, những người bảo vệ trong bộ comple miễn cưỡng lôi đại biểu đó ra ngoài. Tất cả mọi người đều hiểu đó không phải chuyện giỡn, vì quý ngài nguyên thủ đã thực sự sôi máu. Đứng dậy một cách hết sức bình thản, người đứng đầu nội các thanh minh.
“Thứ lỗi cho thành viên kia trong đoàn chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng những ưu đãi mà các vị đề xuất là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của hai nước. Còn về nhân quyền, chúng tôi đang ngày một cố gắng để tuân thủ hiệp ước ký kết các năm trước, đồng thời đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Xin mời ngài nói tiếp.”
Phải thế chứ, ông Ba thầm nghĩ. Không biết Đại đã nói câu gì đủ sâu sắc để biến một vị bạo chúa chuyên quyền hóa đầy tớ của nhân dân, khiêm nhường và ôn hòa tới vậy nhỉ. Phải chăng sức mạnh của đồng tiền đã làm lu mờ của một ông vua dầu mỏ đang tới hạn? Dù gì thì điều này cũng là một tín hiệu đáng mừng. Vị đại diện của nhà nước cộng hòa tiếp tục nói.
“Điều mà chúng tôi muốn trình bày tiếp theo là các cam kết cho cả hai bên…”
Thông qua chiếc màn hình khổng lồ gắn trong phòng, Phú chăm chú nghe từng lời Kiều Văn Ba nói. Đại loại thì đó là những khoản tiền vô cùng hấp dẫn, như gói viện trợ kinh tế, vay vốn lãi suất thấp và đầu tư phát triển giáo dục. Tất nhiên trong đó cũng bao gồm thứ mà vương quốc đang rất cần, xuất khẩu lương thực trở lại với giá siêu rẻ. Xem ra thì đây là cơ hội ngàn năm có một mà hiếm có một đất nước, thể chế nào trong lịch sử tồn tại của âm giới được nhận lấy. Thậm chí, ngay cả những quốc gia mà Hoa Kỳ từng rót vốn cũng chả ồ ạt đến mức gọi là đặc ân thế này.
Phú quay nhìn My, người đang cặm cụi ghi chép lại vào cuốn sổ tay từ nãy đến giờ, nói:
“Lần đầu tiên tôi thấy một đất nước hào phóng tới vậy đấy.”
Đúng, hào phóng tới mức này thì chỉ có gọi là cổ tích. Kể từ thời hậu ly khai đến bây giờ, Cộng hòa Liên bang m Phủ đã mất tới một phần sáu diện tích công nghiệp, khu công nghệ cao vào tay Diêm Vương. Nhưng ngần ấy vẫn chưa là gì khi so với triệu triệu mét vuông đất chứa vàng và dầu mỏ. Khi cơn ác mộng bắt đầu, cuồng phong kéo tới và đánh sập gần như tất cả các ngành mũi nhọn, xé nát nền kinh tế thị trường. Và cũng vì lý do đó nên rất nhiều phong trào ly khai nổ ra, yêu cầu quyền tự quyết của một số sắc dân thuộc khối Đông Á.
Nhưng bằng khối óc của mình, Toàn quyền Thọ đã đồng ý trao cho họ một số quyền tự chủ, song vẫn bị ràng buộc bởi chế độ chính trị và tiền tệ. Và như một phép màu, tư sản đã vực dậy cả nền kinh tế trì trệ. Song kể cả có cứu vãn được thì vẫn quá đau xót cho một khối lượng tài nguyên lớn bị chiếm. Như hồi còn theo học tại trường tình báo, Phú đã được dạy về giá trị của lao động, cũng như cách để biến những thứ còn sót lại thành công trình vĩ đại. Phải, vị nguyên thủ đã làm điều đó. Giá trị đồng tiền có thể thấp hơn vài chục lần so với nước láng giềng, song công nghiệp bắt buộc phải phát triển. Đặc trưng của miền Bắc chính là đất hiếm và kim loại màu, hai thứ đủ để xây dựng một đế chế xí nghiệp.
Sau một quãng hào hùng với mẫu quốc, Phú lại nhìn My một lần nữa. Cô nàng viết thật nắn nót làm sao, từng chữ từng chữ đều tăm tắp, kẻ đầu dòng cũng đầy đủ nữa. Nó không giống chữ của một tay nhà báo ngồi trong tòa soạn thì ít, mà hít khí trời thì nhiều tí nào. Trông nó giống của thư ký hơn, khi suốt ngày phải làm bảo mẫu cho chủ tịch, nhắc giờ nào ra giờ nấy, chữ viết ngay thẳng. Chính xác hơn, nó gợi về cho Phú một kỷ niệm xưa. Một kỷ niệm mà anh đã cất giữ từ trong đáy lòng hơn chục năm.
Ngày ấy, khi Phú mới chỉ là một cậu nhóc, anh đã biết tài viết chữ của Tuyết. Cô bé ấy đoạt giải vở sạch chữ đẹp cấp thành phố ở cấp tiểu học, sau lấn sân sang lĩnh vực văn học. Vẫn là những giấy khen treo đầy trên tường nhà, kèm theo bức ảnh chụp Tuyết cùng đội tuyển. Nó tỏa ra sự ấm áp đến mức xoa dịu Phú sau mỗi trận đòn của bố. Cùng với một nụ cười, chúng như liều thuốc chữa lành cho tâm hồn anh. Và cũng từ khoảnh khắc ấy, Phú nhận ra mình phải bảo vệ nụ cười ấy, vì chỉ có thế thì yêu thương mới mãi phủ dày.
Tiếc là giờ bản thân đã qua đời rồi, Phú chỉ biết chua chát cười cho cái sự đời. Kẻ lông bông thì mãi sống nhởn nhơ, còn người yêu thương lại về với trời. Cát bụi rồi cũng bay biến theo dòng thời gian, có lẽ đó cũng là điều mà anh chàng học được qua bao năm lăn lộn dưới chốn này. Thôi thì quy y mà bái biệt vậy, chứ biết làm sao bây giờ.
Quay trở về với thực tại. Không khí của phòng họp như đang giãn ra. Phú có thể cảm nhận được sự thoải mái đang lướt trên lông mày các vị đại biểu. Dường như cả hai bên, bên nào cũng đã đạt được mục đích cho riêng mình. Cả Kiều Văn Ba nữa, ông ấy cũng đã đứng dậy, chuẩn bị đọc thật to mục thứ ba trong bản hiệp định.
Nhưng rồi một thứ đã phá vỡ sự cân bằng đó.
Trong một khoảnh khắc, vị thủ tướng đứng phắt dậy. Nét mặt vị ấy trông rất nghiêm trọng, mắt lườm sắc như hai lưỡi kiếm, sẵn sàng chém lìa bất cứ kẻ ngáng đường nào. Môi cũng mím chặt lại, như đã chuẩn bị từ trước để phun ra những lời chỉ trích cay nghiệt nhất. Còn ở phía sau, các vị đại biểu thuộc phái đoàn của ông Ba đang mắt chữ O mồm chữ A, loay hoay tìm cách bàn với nhau. Chắc chắn họ đã tin vào một chiến thắng tuyệt đối, khi mà có thể đưa được vương quốc này vào thế cờ mình đặt trước. Mọi thứ còn trở nên căng thẳng hơn nữa khi thủ tướng Quốc đập tay xuống bàn cái sầm.
Phú, từ góc nhìn của một kẻ theo dõi, không hề hiểu chuyện này là sao, như thế nào. Rốt cuộc, lý do gì đã khiến vị nguyên thủ phải ứng xử như vậy?
0 Bình luận