Ngục Thánh
Get Backer
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Quyển 3 - Tuyệt Tưởng Thành

Chương 59 - 777

4 Bình luận - Độ dài: 5,711 từ - Cập nhật:

Hỏa Nghi ghét họ Hỏa, ghét Đảo Sắt Thép nhưng rốt cục vẫn chẳng thể rời bỏ chúng. Bố nằm viện, việc dòng họ đổ xuống đầu, gã coi như mất năm mới. Những ngày này gã thèm ngủ một giấc đã đời. Nhưng tất cả đều muốn làm phiền Hỏa Nghi từ mấy lão già đồng tộc, anh trai tới người giúp việc. Gã nhận ra con người có sở thích bệnh hoạn là khoái đánh thức người ngủ say. Họ sung sướng khi thấy khổ chủ mắt nhắm mắt mở, miệng thở không ra hơi. 6 giờ sáng ngày thứ hai của năm mới, chuông điện thoại đập vào tai Hỏa Nghi. Gã nghe điện, miệng làu bàu:

-Đừng có giở trò bệnh hoạn đó với tôi chứ, tóc đỏ? Gọi sớm thế này... oáp... không làm ăn gì được đâu! Để trưa hẵng nói chuyện... oáp... Hả? Cái gì? Nhà cũ? “Bản danh sách”? Rồi, rồi, lên đây!

Lát sau Vô Phong đến, trên tay là chiếc hộp đen lấy từ căn hộ cũ. Hắn kể ngắn gọn chuyến trở về chợ rác, những hình ảnh ký ức hỗn loạn và người tên Ái Nữ. Nghe xong, Hỏa Nghi nói:

-Tóm lại thế này: năm năm trước, không, giờ là sáu năm trước, cậu sống cùng Liệt Trúc ở chợ rác. Một người nữa thường đến thăm cậu là Ái Nữ?

-Đại khái thế. Thậm chí anh ta từng sống trong căn hộ đó. Hồi tháng 12 năm 7510, hình như thế, tôi có nói với anh ta về chuyện lên biên giới...

-Và đúng năm sau xảy ra chiến tranh biên giới Phi Thiên – Lưu Vân. Nhớ những bức ảnh chụp chiến trường chứ? Chúng được chụp vào năm 7511(*).

Vô Phong gật đầu. Sự kiện chiến tranh trùng khớp mẩu đối thoại giữa hắn và Ái Nữ. Hỏa Nghi hỏi:

-Tại sao Liệt Trúc không nói ngay từ đầu rằng Ái Nữ quen biết cậu?

-Con bé bảo trước khi đưa nó vào cô nhi viện, tôi đã dặn không được nhắc về Ái Nữ. Bất cứ ai hỏi cũng không được nói, kể cả tôi. Trừ phi tôi đưa Liệt Trúc quay lại căn hộ cũ.

Hỏa Nghi nhíu mày nhìn hắn, sau xem xét chiếc hộp. Nắp hộp có mười nút bấm thứ tự từ 0 đến 9, phía trên là ba màn hình nhỏ xíu, mỗi màn hình nhập ba số. Hỏa Nghi lắc lắc chiếc hộp, cảm giác bên trong rỗng không. Hắn giải thích:

-Thứ này là hộp bảo mật, thường dùng ở trung tâm ký gửi hoặc ngân hàng. Tùy tính chất đồ ký gửi, nó có bốn loại chia theo số lượng mật khẩu: 6 số, 9 số, 12 số và 16 số. Nhập sai năm lần hoặc dùng ngoại lực tác động, hộp sẽ tự hủy đồ bên trong. Nó có hệ thống nén nhằm cố định đồ vật, tránh rung lắc. Kim loại được sơn nhiều lớp chống bước sóng, thế nên máy quét vô dụng. Hộp hoạt động theo nguyên tắc cơ học, không dùng máy tính can thiệp được. Cậu thử nhập mật khẩu chưa?

Vô Phong lắc đầu. Hỏa Nghi gật gù:

-Tốt, vậy chúng ta còn đủ năm lần! Như thường lệ, mật khẩu cá nhân phải là thứ gì đấy dễ nhớ và thân thuộc. Liệt Trúc không biết sao? Con bé có gợi ý không?

Vô Phong lắc đầu tập hai. Hắn đã cố hỏi nhưng Liệt Trúc hoàn toàn không biết. Con bé thậm chí chưa bao giờ quan tâm chiếc hộp dùng vào việc gì. Hỏa Nghi lật qua lật lại, ngắm nghía từng mi-li-mét hộp bảo mật. Ngoài lớp vỏ kim loại màu đen, hắn chẳng thấy điểm nào đáng chú ý. Ngẫm nghĩ một lát, Hỏa Nghi đem chiếc hộp ra quét dấu vân tay. Gã muốn biết ngoài gã và Vô Phong còn ai đụng vào nó.

-Ái Nữ là người cuối cùng đụng vào hộp. Hẳn vậy rồi! Hy vọng dấu vân tay vẫn còn. Nhưng thời gian quá lâu, nhiệt độ quá nóng, có thể dấu vân tay đã mất. Tôi không chắc lắm... – Hỏa Nghi nói.

Dưới ánh sáng máy quét, các lớp vân tay dần xuất hiện. Hỏa Nghi soi kỹ từng mặt, phát hiện mép trái hộp có vài vết vân tay lạ rất mờ. Máy quét phân tích, xác định nó đã tồn tại năm năm, tức là từ năm 7512. Hỏa Nghi kiểm tra bảng nút bấm, hy vọng sẽ thấy thứ tự mật khẩu nhưng vô ích. Có thể thời gian quá lâu nên dấu vân tay bị phai, hoặc ai đấy đã xóa sạch dấu vết để ngăn chặn việc dùng máy quét. Hỏa Nghi khoanh tay, rốt cục gã phải mở hộp bằng cách suy luận, giống hồi giải thẻ dữ liệu của Tiếu. Chín chữ số, số nào mới dễ nhớ, dễ thuộc? – Gã ngẫm nghĩ đoạn nói:

-Mật khẩu có thể liên quan đến cậu hoặc Liệt Trúc. Có ý tưởng nào không? Ngày tháng năm sinh? Số nhà? Hay số tài khoản cá nhân hay gì gì đấy?

Vô Phong gãi đầu, tâm trí chẳng có ấn tượng nào về những con số. Hỏa Nghi gãi cằm suy tính. “Bản danh sách” rõ ràng là vật quan trọng, chẳng ai đặt ngày sinh làm mật khẩu – nó quá dễ lộ. Gã nghiêng về giả thuyết mật khẩu là ngày Vô Phong ra mặt trận biên giới. Nhưng dù ngày sinh hay ngày ra mặt trận, chúng cùng lắm chỉ có tám chữ số. Loại bỏ hai khả năng trên, Hỏa Nghi tiếp lời:

-Trong ký ức, cậu nói với Ái Nữ rằng “nhớ mật khẩu rồi chứ gì?”. Nếu đúng vậy thì cậu đã tìm ra “bản danh sách”, cất nó vào hộp rồi thiết lập mật khẩu. Cậu hiểu mật khẩu hơn ai hết. Chín con số phải rất thân thuộc với cậu!

Tên tóc đỏ lắc đầu. Thân thuộc cỡ nào cũng là chuyện quá khứ, mà hắn chẳng biết gì về quá khứ. Hỏa Nghi tiếp lời:

-Dẹp cái mật khẩu đi, giờ hãy xem dấu vân tay này. Chúng ta cần xác định nó là của Ái Nữ hay ai khác? Cậu nói Ái Nữ đỗ trường sĩ quan? Nếu thế, hồ sơ của anh ta vẫn lưu ở trường. Nhưng tôi không chắc mình có thể xâm nhập kho dữ liệu. Cậu biết đấy, trường sĩ quan cung cấp nhân lực cho quân đội, hồ sơ học viên cũng quan trọng như hồ sơ binh sĩ. Sợ phải mất vài ngày mới xong.

Nhắc đến kho dữ liệu trường sĩ quan, Vô Phong ngẩn ra một lúc rồi cười:

-Không cần xâm nhập đâu! Tôi biết một người, gã sẽ giúp.

...

Cận, lù đù, không bạn gái, sở thích dị thường, không biết pha trò cười, tính tình hậu đậu khó chữa – chừng ấy thứ đẩy Vinh Nghĩa xuống cuối danh sách mời dự tiệc. Gia đình, cấp trên, nhân viên cấp dưới, hết thảy vô tình bỏ quên gã mỗi dịp năm mới đến. Thế nên không khó để Vô Phong mời gã về nhà mình làm một bữa. Chút đồ ăn, vài lon bia rồi lai rai suốt buổi trưa, Vinh Nghĩa vỗ vai tên tóc đỏ:

-Cảm ơn cậu, Vô Phong! Cậu không biết chuyện này có ý nghĩa thế nào đâu! Người ta chỉ mong nhờ vả cái chức trưởng phòng kỹ thuật trường sĩ quan của tôi thôi! Không nhờ được, họ nghỉ chơi với tôi liền!

Vô Phong chột dạ. Hắn mời ăn Vinh Nghĩa cốt để nhờ vả, giờ gã nói thế, tên tóc đỏ hơi gai mồm. Nhưng việc tới nước này, Vô Phong chẳng thể lùi bước. Cà kê chuyện phiếm một lúc, hắn lái chủ đề về trường sĩ quan:

-Anh công tác ở học viện lâu rồi, đúng không? Vậy anh có biết người nào tên Ái Nữ?

Vinh Nghĩa lắc đầu:

-Không, chắc chắn không có. Cái tên kỳ cục quá! Mà sao cậu hỏi chuyện này?

Gã cận thị săm soi tên tóc đỏ. Tuy ngô ngố lù khù nhưng Vinh Nghĩa không phải kẻ dễ dụ. Vô Phong giả bộ tự nhiên:

-Hồi cuối năm công chúa nhờ tôi tìm thêm một hộ vệ. Anh biết đấy, công chúa không thích dạng hộ vệ hợp đồng. Cô ấy muốn một người làm việc lâu dài. Tôi tính tìm các học viên xuất sắc của trường sĩ quan, nhưng hồ sơ ở chỗ anh nên hơi ngại...

Nghe chữ “công chúa”, Vinh Nghĩa hỉ hả:

-À, tưởng gì?! Mấy cái hồ sơ thì đơn giản thôi!

Nói rồi Vinh Nghĩa rút ra một chiếc thẻ. Thẻ này lưu trữ toàn bộ thông tin quan trọng của trường sĩ quan, đề phòng máy chủ gặp sự cố mất hết dữ liệu. Vinh Nghĩa luôn mang nó bên người, trân trọng hơn cả tính mạng mình. Gã chưa từng trưng vật này trước mặt ai, Vô Phong là ngoại lệ đầu tiên (công chúa đóng góp không nhỏ).

Giữa sắc xanh của máy chiếu ba chiều, rất nhiều thư mục từ thẻ dữ liệu xuất hiện. Vinh Nghĩa tìm mục “Hồ sơ”, sau đó chọn phần “Học viên”. Số lượng hồ sơ rất lớn, bắt đầu từ khi Học Viện Sĩ Quan hình thành cho đến bây giờ. Vinh Nghĩa giới hạn tìm kiếm khóa học trong khoảng 7511 tới 7515, mỗi học kỳ lựa ra mười tập hồ sơ rồi nói:

-Bốn mươi người xuất sắc nhất của từng khóa. Họ đạt điểm cao nhất, có nhiều cơ hội đến với Tiểu Đoàn Kiếm Sắt nhất. Tôi sẽ in ra cho cậu. Xin lỗi vì không thể cho cậu mượn thẻ, nhiều thông tin quan trọng lắm! Nếu cần gì cứ gọi tôi!

Tên tóc đỏ nhờ Vinh Nghĩa tìm người tên Ái Nữ. Vinh Nghĩa thử đi thử lại nhiều lần nhưng cái tên đó chẳng hề tồn tại. Vô Phong đoán “Ái Nữ” chỉ là biệt danh, giống như những cái tên trong Thổ Hành. Khi vào trường sĩ quan, Ái Nữ phải dùng tên thật và nó nằm đâu đấy trong bốn mươi tập hồ sơ này. Hắn soi kỹ từng tập song không thấy người nào quen mặt. Dù vậy mỗi tập hồ sơ đều có dấu vân tay, chỉ cần đối chiếu với dấu vân tay trên hộp bảo mật, hắn sẽ biết ai là Ái Nữ.

Như nhớ ra chuyện gì, Vinh Nghĩa lần đống hồ sơ nọ, phóng to một tập rồi nói:

-Nếu tôi không nhầm thì người này đã chết. Để tôi nhớ... đúng rồi, là anh ta! Hắn chết lâu rồi! – Gã chỉ tập hồ sơ – Hắn đứng cuối cùng trong mười người xuất sắc nhất khóa 7509 - 7512 vì điểm kiếm thuật thực hành khá thấp. Nhưng hắn được tuyển thẳng vào Tiểu Đoàn Kiếm Sắt vì khả năng bắn tỉa. Tiểu Đoàn cần người yểm hộ các kiếm sĩ. Nhưng cuối cùng hắn từ chối. Chuyện ấy xôn xao học viện mấy tháng liền rồi chẳng ai biết anh ta đi đâu nữa. Hình như về đội hậu cần nào đấy, chẳng rõ lắm! Năm ngoái năm kia, tôi nghe tin hắn chết.

Tập hồ sơ ghi người này tên Đam Thu Dạ, thường gọi là Đam Dạ. Anh ta trẻ trung, tóc màu cam, đôi môi hay cười và ánh mắt biết nói – một chàng trai dễ mến. Tuy không rõ mặt Ái Nữ thế nào, nhưng nhắc đến “khả năng bắn tỉa” và “đội hậu cần”, tên tóc đỏ không khỏi nghĩ Đam Dạ là Ái Nữ. Hắn hỏi:

-Anh ta bắn tỉa giỏi lắm sao?

-Đạt điểm tuyệt đối mọi bài kiểm tra! – Vinh Nghĩa đáp – Chưa người nào ở Phi Thiên làm được vậy, thậm chí thế giới! Nhưng rốt cục người giỏi nhất không phải người có kết cục đẹp nhất.

Tiễn Vinh Nghĩa ra về, tên tóc đỏ chẳng dọn dẹp mà chạy một mạch đến Đảo Sắt Thép. Bốn mươi hồ sơ được kiểm tra kỹ càng. Nhưng rồi không cái nào khớp dấu vân tay trên hộp bảo mật, kể cả vân tay của Đam Dạ. Hỏa Nghi kiểm tra lần hai song kết quả vẫn như cũ. Hỏa Nghi lắc đầu:

-Khó rồi đây! Giờ chúng ta không chắc dấu vân tay trên hộp bảo mật là của Ái Nữ hay ai khác, càng không chắc anh ta học tại trường sĩ quan. Có khi nào cậu tưởng tượng ra đoạn đối thoại giữa mình và Ái Nữ không?

-Tôi biết mơ và ký ức khác nhau chỗ nào, ông bạn. – Vô Phong đáp lời – Nó có thật! Tôi chắc chắn Ái Nữ đã vào trường sĩ quan. “Ái Nữ” chỉ là cái tên giả, mọi thành viên Thổ Hành đều dùng tên giả. Tôi cũng thế, “Vô Phong” cũng chỉ là tên giả, tên thật của tôi là 117, phải chứ?

-Thế Liệt Trúc có biết tên thật của Ái Nữ không?

-Không. – Vô Phong lắc đầu – Con bé nói ngay từ ngày đầu gặp, “anh hai” đã tự xưng là Ái Nữ.

Hỏa Nghi cầm tập hồ sơ, gãi gãi cằm:

-Có khi nào Ái Nữ không nằm trong bốn mươi người này?

-Ở trường sĩ quan, chỉ mười học viên đứng đầu mới có cơ hội đến Quân Doanh Bờ Tây. – Vô Phong đáp – Nếu không Ái Nữ sẽ chẳng bao giờ tiếp cận được Thổ Hành.

Hỏa Nghi đưa hồ sơ Đam Dạ cho tên tóc đỏ:

-Vậy cậu dám chắc gã này là Ái Nữ không?  

Vô Phong nhìn kẻ đã chết, lòng rối bời. Nhiều điều chứng tỏ Đam Dạ là Ái Nữ, nhưng cũng nhiều lý do để nói rằng hai con người ấy hoàn toàn khác nhau, chỉ giống công việc và nơi công tác. Ký ức quá mơ hồ, hắn không thể chắc chắn chuyện gì. Vô Phong đọc thông tin cá nhân của Đam Dạ, lần tìm nơi sinh rồi hỏi:

-Đả Thải thành ở đâu?

...

Đả Thải thành thuộc Bờ Tây – một trong hai trung tâm công nghiệp lớn nhất Phi Thiên quốc, nơi khai sinh đảng Liên Hiệp Bờ Tây. Được mệnh danh là “thủ phủ tái chế”, Đả Thải thành thu gom rác thải công nghiệp từ các thành phố lân cận, tái chế và sử dụng chúng. Chưa tới thành phố này bao giờ nhưng Vô Phong mường tượng nó như một chợ rác phiên bản hai.

Vô Phong tới nơi sau ba tiếng đi tàu siêu tốc. Trước mắt hắn, thủ phủ tái chế hiện lên với đại lộ đầy xe cơ giới, đường nhỏ đông đúc khách bộ hành cùng nhiều ngõ ngách hẹp dẫn tới khu dân sinh. Nơi này ít tháp cao tầng, mang dáng dấp đô thị xưa cũ với những tòa nhà thấp phục vụ cuộc sống dưới mặt đất. Trừ khu vực công cộng hay cơ quan chính phủ, mọi công trình đều sử dụng kim loại tái chế. Chúng nằm san sát nhau, hình dáng kỳ lạ, phả mùi kim khí khắp không gian khiến toàn thành phố như công xưởng khổng lồ. Lần đầu đến đây, tên tóc đỏ thực sự bị ngộp.

Nơi nào lắm rác thải, nơi ấy không yên bình. Dù không đến nỗi giống chợ rác nhưng Đả Thải thành cũng lắm vấn đề khiến giới cầm quyền đau đầu. Bước trên phố đi bộ, Vô Phong thấy rất nhiều người phải đeo khẩu trang vì không khí bụi bẩn. Hắn chẳng lạ khi bắt gặp đám lưu manh đeo mặt nạ phòng độc, đầu tóc đính đầy trang sức kim loại cùng ánh mắt thiếu thân thiện. Ô nhiễm và tệ nạn vốn là đôi bạn thân thiết. Vô Phong không nghĩ một anh chàng vẻ ngoài dễ mến như Đam Dạ lại sinh trưởng ở thành phố cộc cằn kém hiếu khách này.

Với khách lạ, đi lại ở Đả Thải thành không dễ. Phố xá chằng chịt lắm ngõ ngách là nguyên nhân. Tên tóc đỏ lần mò gần nửa tiếng rồi hỏi người bản xứ mới tìm được nơi ở cũ của Đam Dạ. Đó là một tòa chung cư tái chế từ mui tàu thủy cỡ lớn, trông xa nó như trồi lên từ lòng đất với chiếc mỏ neo lủng lẳng ngoài lan can tầng năm. Trên hành lang mà trước kia vốn là tầng hầm tàu thủy, Vô Phong rảo bước lên tầng năm. Hắn dừng lại trước phòng 530 rồi gõ cửa. Mãi không thấy ai, hắn gõ cửa tiếp thì có giọng cất lên:

-Ra đây! Tôi ra đây!

Ổ khóa kêu lạch cạch, sau đấy một người phụ nữ xuất hiện trên bậc thềm. Bà ta thấp và đậm người, da ngăm tóc đen, trông chẳng có nét nào giống Đam Dạ. Người phụ nữ hỏi:

-Xin chào, tôi có thể giúp gì cho cậu?

Tên tóc đỏ cúi đầu:

-Chào bà, tôi là Vô Phong, trợ giảng viên tại Học Viện Sĩ Quan Thủ Đô. – Hắn chìa ra danh thiếp – Xin hỏi đây có phải nhà của học viên Đam Thu Dạ, thường gọi là Đam Dạ?

Người phụ nữ nheo mày đọc tấm danh thiếp, sau nói:

-Đây đúng là nhà Đam Dạ, nhưng cậu ta mất lâu rồi. Mẹ Đam Dạ cũng mất được nửa năm, tôi là bạn bà ấy, mới chuyển về đây sống hai tuần.

-Tôi có vài chuyện muốn hỏi về Đam Dạ, không biết bà có phiền?

Người nọ gật đầu đoạn mời hắn vào. Tại phòng khách, gia đình bà ta đang mở tiệc mừng năm mới. Họ mời Vô Phong chung vui và đối xử với hắn tận tình. Nghe gia đình họ đối thoại, Vô Phong được biết người phụ nữ tên là Tuyết Minh. Được một lúc, hắn và Tuyết Minh nói chuyện riêng. Bằng giọng nhỏ nhẻ, người phụ nữ kể về mẹ Đam Dạ:

-Bà ấy tên Đam Trì. Chúng tôi quen biết nhau khá lâu. Đam Trì lấy chồng và có một đứa con. Chồng bà ấy mất trong chiến tranh với Băng Hóa, con đẻ mất trong chiến tranh với Lưu Vân. Khá bi kịch! Sau đấy vài năm, Đam Trì nhận nuôi một bé trai ở cô nhi viện, đặt tên là Đam Dạ.

-Con nuôi sao? – Vô Phong nheo mắt.

Tuyết Minh gật đầu đoạn chỉ vào những khung ảnh trên giá sách. Bà vẫn giữ lại kỷ vật của bạn cũ. Vô Phong thấy ảnh bên trái chụp Đam Trì cùng chồng cũ, tay ẵm đứa con đẻ. Bức thứ hai chụp lúc bà ta trung tuổi cùng đứa con trai đã lớn. Bức cuối cùng chụp bà ta cùng một đứa trẻ tóc màu cam đang cười; Đam Trì khi đó đã già, còn đứa trẻ là Đam Dạ. Nhìn tấm ảnh cuối, Vô Phong chợt lên cơn đau đầu, vài chớp ảnh xẹt qua mắt. Thấy hắn ôm trán, Tuyết Minh hỏi:

-Cậu ổn chứ?

-Chắc tại tôi chưa quen khí hậu. – Vô Phong đáp.

-Đáng lẽ cậu nên sắm khẩu trang! Mà chúng ta nói tới đâu nhỉ? À, về con nuôi. Khi nhận nuôi bé trai đó, Đam Trì đặt tên thằng bé theo họ mình. Vài năm trước, khi nghe tin Đam Dạ mất, Đam Trì không chịu nổi nên đổ bệnh. Đau ốm liên miên! Bà ấy bán lại căn hộ này cho tôi rồi mất, giờ cũng được nửa năm rồi!

-Bà biết tại sao Đam Dạ mất không?

Tuyết Minh nhún vai:

-Bên quân đội gửi giấy báo tử, nói Đam Dạ mất trong nhiệm vụ, không tìm thấy hài cốt. Tôi chỉ biết thế!

Vô Phong nhìn những bức ảnh một hồi rồi hỏi Tuyết Minh về Đam Dạ. Vẫn chất giọng nhỏ nhẻ, người phụ nữ thở dài:

-Một thằng bé ngoan! Đam Dạ hơi nghịch ngợm một chút, nhưng nó biết nghe lời, đối xử tử tế với tất cả mọi người. Các con tôi thích thằng bé lắm! Đam Trì yêu thương thằng bé, cậu không tưởng tượng được bà ấy suy sụp thế nào khi nghe tin Đam Dạ mất đâu!

-Quan hệ mẹ con tốt đẹp đấy chứ?

-Tất nhiên vẫn có khúc mắc, gia đình mà! – Tuyết Minh lắc đầu – Sau này tôi nghe Đam Trì kể rằng hai mẹ con có mâu thuẫn một thời gian. Nguyên nhân vì việc chọn trường của Đam Dạ. Thằng bé muốn vào Học Viện Sĩ Quan, còn Đam Trì không muốn nó tiếp tục binh nghiệp, nói rằng nhân nhượng lắm mới cho Đam Dạ học trường thiếu sinh quân. Chắc cậu hiểu lý do tại sao. Rồi Đam Trì chịu thua thằng bé. Trước lúc mất, bà ấy nói đáng ra nên ngăn cản Đam Dạ quyết liệt hơn!

-Tự thân Đam Dạ muốn vào Học Viện Sĩ Quan hay ai gợi ý? – Vô Phong hỏi.

Tuyết Minh lắc đầu không rõ. Bà ta mời Vô Phong ít đồ ngọt, sau tiếp lời:

-Chúng tôi vẫn giữ lại phòng của Đam Dạ, tháng sau sẽ chuyển hết đồ đạc. Cậu muốn xem không?

Vô Phong đồng ý, theo chân người phụ nữ vào căn phòng phía sau phòng khách. Nơi này đã được sắp xếp gọn gàng và cũng chẳng nhiều đồ để mà bừa bãi. Phòng chỉ có một tấm nệm ngủ cùng bàn để sách. Sách lèo tèo vài cuốn, chủ yếu quảng cáo về một cửa hàng rèn kiếm. Vô Phong lật qua lật lại, chợt thấy giữa trang sách có một phong thư chép tay – trong thời đại thông tin này, nó thực sự là của hiếm. Tên tóc đỏ xin phép mở thư, Tuyết Minh bảo hắn cứ tự nhiên. Thư gửi cho Đam Dạ, ngắn một mẩu, chữ xấu tệ như viết tháu:

Chào ông bạn. Tôi định gửi thư điện tử, nhưng cứ như ngày trước thì hay hơn, giống hồi chúng ta đi học, nhỉ? Đọc xong thư này, nhớ đến chỗ tôi. Bởi vì... mẹ kiếp, cậu thắng rồi! Tôi đã mở được xưởng rèn! Và như thỏa thuận, tôi đã đặt tên nó theo ý cậu. Nhìn ảnh đi, thấy thế nào, ông bạn?

Vô Phong lục phong bì, tìm được tấm ảnh. Ảnh chụp một gã cơ bắp, khắp người xăm trổ và đeo trang sức kim loại. Phía sau gã là một xưởng cơ khí nhỏ cùng tấm biển đề số 777. Vừa nhìn tấm biển, Vô Phong lại nhức đầu khôn tả. Hắn hỏi về xưởng rèn, Tuyết Minh nói:

-À, nó ở phía đông! Người này tên Trích Khâu, bạn thân của Đam Dạ. Hôm Đam Trì mất, anh ta giúp đỡ chúng tôi khá nhiều.

Tên tóc đỏ ngó nghiêng căn phòng thêm lần nữa rồi cảm ơn Tuyết Minh vì bữa tối. Hắn rời tòa chung cư, thẳng hướng phía đông thành phố. Bước chân của hắn càng lúc càng nhanh. Hắn cảm giác con số 777 không hề bình thường.

...

Cùng lúc ấy tại Đảo Sắt Thép, Phi Thiên thành...

Hỏa Nghi thừ mặt trước hộp kim loại màu đen. Gã đã ngồi như thế hàng tiếng đồng hồ, quên cả ăn tối. Lúc này, dù Thanh Nhi hay bố vợ tương lai cũng đừng hòng xen vào cái nhìn âu yếm mà gã dành cho chiếc hộp. Như hồi ở Thiên Phạn, thử thách vẫn là mật khẩu. Nhưng đợt trước Tiếu đã gợi ý cách mở(**), còn giờ Hỏa Nghi chẳng có thông tin nào ngoài mấy ký ức mơ hồ của Vô Phong. Chín số nào dễ nhớ nhất? – Gã tự hỏi.

Dựa vào số sê ri sản phẩm dưới đáy hộp, Hỏa Nghi đã gọi tới công ty sản xuất. Bằng thanh danh họ Hỏa và ít mối quan hệ, gã dò hỏi được mật khẩu ban đầu. Mật khẩu ban đầu được công ty cung cấp khi mua sản phẩm, khách hàng có thể thay đổi hoặc không. Hỏa Nghi thử nhập số, kết quả là chiếc hộp không nhúc nhích đồng thời cảnh báo hắn còn bốn lần nhập nữa. Công ty sản xuất không cung cấp được tên chủ sở hữu vì người đó dùng thẻ căn cước giả, họ cũng không có cách mở hộp. Tất cả đều phụ thuộc mật khẩu chín chữ số.

Não người nhớ câu, từ, chữ hơn những con số. Những dãy số mà con người nhớ rõ là năm sinh tháng đẻ của mình, tài khoản cá nhân hoặc điện thoại. Hỏa Nghi tra cứu cả chiều, nhận ra chẳng ngân hàng hay dịch vụ viễn thông nào ở Phi Thiên quốc cung cấp tài khoản chín chữ số. Mặt khác mật khẩu phải liên quan đến Vô Phong, các số phải sắp xếp theo trình tự và “có ý nghĩa”. Hỏa Nghi tính toán mọi khả năng rồi... chịu thua. Chưa bao giờ gã thua dễ dàng và nhanh chóng như vậy.

Đương suy nghĩ, Hỏa Nghi chợt thấy anh trai Hỏa Dương về nhà, tay xách túi đồ. Gã giơ tay chào rồi tiếp tục nhìn chiếc hộp. Hỏa Dương đặt trước mặt gã một đĩa bánh ngọt. Hỏa Nghi nhíu mày nhìn anh trai:

-Của khỉ gì đây?

-Mới mua ở tiệm bánh của Tiểu Hồ. – Hỏa Dương đáp lời – Lâu rồi chúng ta không cùng ăn, anh ngồi với chú được chứ?

Hỏa Nghi chép miệng thở dài. Lát sau họ cùng ăn trong im lặng, không ai nói gì ngoài câu “Chúc mừng năm mới”. Hỏa Nghi để ý túi đồ còn một đĩa bánh ngọt khác, liền hỏi:

-Mua cho ai kia?

-Ông già. – Hỏa Dương trả lời.

-Lão giờ mở mồm kêu vệ sinh còn khó, ăn uống nỗi gì?

-Mua đồ cho gia đình phải có phần cho mọi thành viên. Chú không hiểu điều ấy à?

-Tôi không thích chuyện ruồi bu.

Hỏa Dương nhướn mắt nhìn gã em trai:

-Đó không phải chuyện ruồi bu mà là gia đình. Ở Đảo Sắt Thép này, chúng ta là người thân duy nhất của nhau. Khi ông già chết, anh sẽ mua hai đĩa bánh như chú mày mong muốn. Nhưng ông già còn đó, anh phải mua đủ.

Hỏa Dương ăn xong rồi mang túi đồ vào bệnh viện. Hỏa Nghi nhìn anh trai rồi chép miệng thở dài. Vì không làm anh nên gã chẳng quan tâm, cũng chẳng cần hiểu suy nghĩ của Hỏa Dương.

Ngẫm nghĩ một lúc, Hỏa Nghi chợt nhổm dậy. Tình cảnh Hỏa Dương bây giờ cũng giống Vô Phong năm xưa khi chăm lo gia đình. Suy nghĩ của những gã anh cả đôi phần giống nhau: phải đầy đủ cho mọi thành viên. Gã chợt nhớ hộp bảo mật có bốn loại mật khẩu: 6 số, 9 số, 12 số và 16 số. Nếu Vô Phong là người mua, không đương dưng hắn chọn loại hộp 9 số. Bởi chín số chia thành ba ô – tương ứng ba thành viên trong gia đình Vô Phong.

Cái gì khiến Vô Phong, Liệt Trúc và anh chàng Ái Nữ trở thành gia đình? Những con số nào gắn kết ba con người đó? – Hỏa Nghi tự hỏi. Như tìm thấy câu trả lời, Hỏa Nghi tức tốc gọi điện thoại cho tên tóc đỏ.

Trong lúc Hỏa Nghi bận ăn cùng anh trai thì ở Đả Thải thành, Vô Phong đã tới xưởng rèn 777. Nơi này lớn hơn nhiều so với tấm ảnh trong phong thư. Đương năm mới, xưởng nghỉ làm và trở thành chốn tiệc tùng. Vô Phong cứ ngỡ lọt vào hang ổ của một băng đảng đường phố, bởi nó tập trung toàn thanh niên nhuộm tóc đeo khuyên xăm kín người. Khó khăn lắm hắn mới gặp được Trích Khâu – chủ xưởng rèn. Sau vài lời giới thiệu, Trích Khâu nở nụ cười thân thiện:

-Phải, tôi là bạn Đam Dạ. Chúng tôi quen nhau từ một vụ đánh nhau. Mẹ kiếp, hắn đấm đau lắm! Hê hê! Sau đấy Đam Dạ chuyển lên thủ đô học trường sĩ quan, còn tôi ở lại mở xưởng này. Mấy gã ở đây đều là nhân viên xưởng thôi, đừng ngại! Chúng nó hiền lắm!

Vô Phong cười mếu. Cái cách Trích Khâu giới thiệu nhân viên khá giống người chủ phô trương đàn chó dữ “Đừng sợ, chúng nó hiền lắm, không cắn đâu!”. Gã chủ xưởng đưa chai bia cho Vô Phong. Tên tóc đỏ cảm ơn rồi nhìn quanh quất, đoạn nói:

-Xưởng lớn quá nhỉ, chắc làm ăn khá lắm?

-Khá tốt! – Trích Khâu nói – Cũng nhờ Đam Dạ. Nếu hắn không khuyên bảo, khéo tôi đã gia nhập băng đảng rồi lêu lổng ngoài kia rồi. Tôi tập hợp mấy đứa lưu manh về đây và phát hiện nhiều đứa có khiếu rèn. Xưởng này có được là nhờ Đam Dạ, đám lưu manh đổi đời nhờ hắn, không phải tôi. Hắn là người tốt, rất tốt! Nhẽ ra tôi nên gửi thư điện tử và thông báo cho hắn sớm hơn! Đáng tiếc...

Trích Khâu lắc đầu đoạn uống ngụm bia lớn. Vô Phong nói:

-Ban nãy tôi ghé qua nhà cũ của Đam Dạ và thấy bức thư của anh. Xin lỗi vì đã đọc! Nhưng tôi có thể hỏi tại sao anh lại đặt tên xưởng là “777”?

Gã chủ xưởng cười:

-À, là thế này! Hồi học trường thiếu sinh quân, tôi bỏ ngang vì gia đình gặp khó khăn. Sau đấy Đam Dạ khuyên tôi mở xưởng rèn. Tôi học rèn từ nhỏ mà! Nhưng chi phí mở xưởng đắt đỏ, giấy phép phức tạp nên tôi từ chối. Đam Dạ không nghe, mẹ kiếp, hắn cứng đầu lắm! Trước khi lên thủ đô, hắn đăng ký tên tôi tham dự cuộc thi rèn kiếm do thành phố tổ chức, giao hẹn rằng nếu tôi đạt giải, cái xưởng phải đặt tên theo ý hắn. Tôi đạt giải, vậy là đặt tên 777 thôi!

-Tại sao là 777? Nó liên quan gì tới Đam Dạ?

-Tôi không rõ. Hồi năm cuối trường thiếu sinh quân, hắn hay nhắc con số này. Hắn nói số 777 đại điện cho hắn, là một phần đời hắn. Hồi trẻ con, đứa nào chẳng thích xăm hình hay cái gì đấy chứng tỏ cái tôi chứ?

Trích Khâu vừa nói đến đó, Vô Phong lên cơn đau đầu dữ dội, hai mắt đỏ ngầu. Hắn đánh rớt chai bia, tâm trí dày đặc hình ảnh lẫn màn sương đỏ.

                                                                                    *

                                                                                *         *

Vô Phong thấy mình tới Đả Thải thành. Thành phố này khi đó ô nhiễm hơn, lắm tội phạm hơn. Hắn tiến vào tòa chung cư mui tàu thủy, sau dừng lại trước căn hộ số 530. Vài hình ảnh xẹt qua, hắn thấy mình nói chuyện với Đam Trì. Những hình ảnh xẹt qua tiếp, hắn lại nhận ra mình đứng trước căn phòng nhỏ, trước mắt là một cậu bé khoảng 17, 18 tuổi. Cậu ta lên tiếng:

-Anh là ai?

-Người bạn. Người thân. Chúng ta là gia đình. – Vô Phong nói.

-Gia đình? Tôi không hiểu?! Anh tên gì?

-Tôi tên Vô Phong, nhưng đó không phải tên thật của tôi. Tên tôi là 117. Cũng giống cậu thôi. Cậu không phải Đam Dạ, tên thật của cậu là 777. Chúng ta giống nhau, bởi thế chúng ta là gia đình. Này cậu bé, muốn sống với gia đình không? Tôi ở Phi Thiên thành, thích thì cứ đến!

                                                                                    *

                                                                                *         *

-Này anh bạn, không sao chứ?

Nghe Trích Khâu gọi mình, Vô Phong bừng tỉnh. Dưới chân hắn, chai bia vỡ toang sủi đầy bọt. Hắn ngồi lên ghế, cố gắng định thần. Đoạn ký ức ngắn ngủi khẳng định với hắn rằng Đam Dạ chính là Ái Nữ. Nhưng sự việc còn đi xa hơn thế. Vừa lúc ấy, điện thoại trong túi tên tóc đỏ réo vang. Hắn bắt máy trả lời, giọng mệt nhọc:

-Hỏa Nghi hả?

-Tôi đây! – Hỏa Nghi vồn vã – Tôi biết Ái Nữ là cái gì! Cậu là ta Ngục Thánh! Thế nên cậu mới cho Ái Nữ sống cùng mình và Liệt Trúc. Ba người là gia đình, ba người giống nhau và đều chung tế bào của Liệt Giả. Các Ngục Thánh đều có mã số. Liệt Trúc là số “7”, cậu là “117”, còn thiếu mã của Ái Nữ thôi!

-Tôi biết rồi. – Vô Phong đáp – Là 777, tôi vừa tìm ra! Nhưng có chắc chúng là mật khẩu? Với lại Liệt Trúc chỉ có một số “7”, thiếu hai số nữa!

-Không, đủ rồi. “7” và “007” khác gì nhau?

Vô Phong ngẩn người vì không nghĩ ra điều đơn giản ấy. Hắn tiếp lời:

-Nhưng chín số ấy sắp xếp thế nào? Số nào trước, số nào sau?

Ở đầu dây bên kia, Hỏa Nghi vừa nhập mã hộp bảo mật vừa nói:

-Tâm lý anh cả sẽ quan tâm đứa nhỏ nhất rồi đến đứa lớn hơn, cuối cùng mới đến mình. Cậu không phải gã anh tồi, vì thế cậu sẽ xếp mật khẩu theo kiểu em út – anh hai – anh cả, tức là 007 – 777 – 117...

Hỏa Nghi nhập hết đoạn mã, chiếc hộp kêu lách cách, phần nắp tách đôi. Hỏa Nghi nhìn vật bên trong hộp hồi lâu rồi đem ra ngắm nghía. Từ đầu dây bên kia, Vô Phong hỏi:

-Thấy gì chưa?

-Đã thấy! Về đi anh bạn, tôi hiểu “bản danh sách” là cái gì.

Bình luận (4)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

4 Bình luận

Đến r._.
#tieuhothuathedeonaoduoc
Xem thêm
cuốn thế
Xem thêm
vậy nếu tính ra ái nữ cũng là ngục thánh thì khả năng của anh ta là gì? của vô phong là hồi phục+tái tạo cơ thể bonus khả năng tăng sức mạnh đánh đổi thần trí - của liệt trúc là khả năng tấn công bằng sóng âm khi bị kích động. Vậy khả năng của ái nữ chắc hẳn liên quan tới việc bắn tỉa bách phát bách trúng?
Xem thêm
Hoặc hồi sinh từ cõi chết và trở thành thằng hề khủng bố
Xem thêm