Đó không phải là lần duy nhất tôi chạm trán với người đàn bà lạ mặt, dù trong thâm tâm tôi ước gì đó là lần duy nhất. Tôi ước như vậy vì tất nhiên tôi sợ cái thái độ điên rồ bất chấp mọi thứ của mụ, sợ cả những cơn động rồ mất kiểm soát hay lo lắng về hành động tiếp theo mụ sẽ làm với tôi - như những người khác sẽ lo lắng khi bị vướng vào một tình huống tương tự. Nhưng hơn hết là bởi vì tôi có cảm giác việc này đang dần dần dính dáng đến những người không liên quan khác, những người mà cả đời này tôi chưa hề và có khi tương lai sắp tới cũng sẽ không có khả năng quen biết họ và họ cũng không có lý do gì để quan tâm đến tôi, nhưng họ vẫn quan tâm vì họ đã vô tình xem đoạn clip đó.
Tất nhiên là các bạn cũng đoán ra tôi hẳn phải kể chuyện này với gia đình, đúng là tôi đã dành chút thời gian để trình bày tất cả với cha, từ việc người đàn bà ấy đã quấy rối tôi chẳng vì lý do gì, chửi cha mắng mẹ tôi, kết tội tôi là một tên sát nhân máu lạnh thích hành hạ các nạn nhân của mình đến chết và việc mụ có liên quan đến một giáo phái lớn mạnh nào đó. Bởi vì an tâm là người trong gia đình sẽ luôn đứng về phe tôi, và cha tôi thật sự sẽ hiểu cho tôi và sẽ có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ tôi vượt qua tình huống này, thế nên tôi cố gắng trình bày mọi thứ chi tiết nhất có thể và đảm bảo những thông tin quan trọng đều được đưa ra đầy đủ. Nhưng thực tế tôi đã chưa thể kể cho cha về chi tiết người đàn bà đã dùng điện thoại để phát sóng trực tiếp hình ảnh của tôi lên mạng, do chỉ vừa kể đến đoạn “tôi vẫn ngồi trên xe buýt đợi đến trạm mà mình muốn đến” thì ngay lập tức cha tôi, từ vẻ mặt lắng nghe một cách bao dung và thấu hiểu của một người trưởng thành đã chuyển thành thái độ chán ngán, mệt mỏi và tiệm cận với sự tức giận - cũng của một người trưởng thành.
“Tại sao lúc đó con không chịu xuống xe, cùng với mọi người, thoát khỏi đó?” Cha tôi kiên nhẫn hỏi.
“Bởi vì xe chưa chạy đến trạm gần nhà mình.” Tôi trả lời thật lòng.
Và sau câu trả lời ấy, có lẽ là bởi vì quá thật lòng, nên cha mới càng thêm ngán ngẫm.
“Vậy thì tất cả là tại con, tất cả là lỗi của con.” Ông đưa ra kết luận, kèm một chút giọng điệu thất vọng.
Lỗi tại tôi? Tất cả là tại tôi? Tại sao lại có chuyện vô lý như thế được. Người đàn bà tấn công tôi trên xe buýt và mắng chửi tôi thậm tệ, còn phát tán hình ảnh của tôi với mục đích xấu lại không có lỗi, ấy thế mà hành động không xuống xe buýt của tôi vì chưa đến trạm cần đến lại thành ra có lỗi.
“Đúng vậy, bởi vì con biết rõ là mụ ấy bị điên. Lẽ ra con nên tìm cách thoát ra khỏi chỗ đó. Nhưng con là một đứa bướng bỉnh, giống mẹ con, nên con đã không làm theo đúng những gì mà một người bình thường trong tình huống đó sẽ làm. Con vẫn nghĩ là mình không có lỗi nên nhất quyết chỉ hành động theo cảm tính. Con giống mẹ con và đó là lỗi của con!”
Lỗi của tôi khi tôi giống mẹ tôi?
Tôi cố gắng kiềm chế lại những câu trả đũa trong đầu, vì tức giận tại sao cha lại không chịu đứng về phía mình mà ngược lại đi kết tội mình. Bởi vì hiện tại đang có một vấn đề lớn hơn cần phải làm rõ, rằng cha tôi nói như thế, nói ra những lời nhẫn tâm đó, chỉ đơn giản do ông muốn trút giận lên mẹ. Tôi hít sâu một hơi, nói thật nhẹ nhàng, rằng cha nói như vậy bởi vì cha vẫn chưa tha thứ cho mẹ về việc mẹ bỏ đi năm ấy, rằng vấn đề bây giờ không đơn giản là tôi bị một người đàn bà lạ mặt quấy rối mà là vấn đề về cuộc hôn nhân thất bại của cha với mẹ, vấn đề về thành kiến của ông áp lên tôi vì tôi giống mẹ, vì ông nghĩ rằng trút mọi tội lỗi lên tôi là cách để ông trả thù vợ mình.
Nhưng cha tôi tất nhiên không đồng ý với quan điểm này.
“Con chỉ đang bướng bỉnh nên mới tự mình hiểu những lời cha nói theo hướng đó.” Ông vẫn ôn tồn bảo rằng tôi chỉ đang tự lấp liếm cho lỗi lầm của mình bằng cách cố tình hiểu sai ý của ông. Rằng chuyện này không liên quan gì đến cuộc hôn nhân của họ.
“Vậy thì cha làm ơn đừng mang mẹ vào đây!”
“Không phải sao! Mẹ con cũng bướng bỉnh như vậy và con cũng giống mẹ nên con mới gây ra rắc rối.”
Tuy ông bảo rằng ông không hề có ý gì nhưng rõ ràng là ông có ý, vì cách ông nói như thể ông đang khẳng định việc tôi giống mẹ là một sai lầm. Thế nên tôi không nghĩ theo hướng khác được ngoài hướng là cha đang mượn chuyện này để công kích mẹ.
“Nói chung là như vậy, con phải bình tĩnh suy nghĩ thật kỹ và cố gắng xem xét mọi chuyện theo hai hướng. Rằng mình cũng có lỗi trong chuyện này vì mình đã hành động quá cảm tính.” Và cha nói rằng ông biết là sẽ có ngày hôm nay, bởi vì - ôi Trời lại một lần nữa - tôi giống mẹ tôi và điều đó chắc chắn sẽ gây rắc rối lớn, bởi vì tôi và mẹ đều gây rắc rối cho cuộc đời cha. Rồi để kết thúc, ông lại khẳng định tiếp mình không có ý lái câu chuyện theo một hướng khác để công kích bất cứ ai, nếu tôi nhất quyết nghĩ theo hướng đó thì chỉ đơn giản bởi vì tôi đang muốn trốn chạy lỗi lầm của bản thân.
Thật đáng buồn là tôi không nhận được sự giúp đỡ nào từ cha, tôi đành một mình giải quyết tất cả mọi thứ và tất nhiên là tôi vẫn phải tiếp tục sử dụng xe buýt đi học, chuyến xe số 40 đó, dù chuyện xảy ra có khiến tôi e ngại đến mức nào đi chăng nữa.
May mắn là tôi vẫn đi đến trường an toàn, dù trong đầu vẫn hết lần này đến lần khác tưởng tượng viễn cảnh người đàn bà lạ mặt ấy sẽ đột ngột xuất hiện và làm gì đó với mình. Mọi thứ vẫn bình thường như nó vốn vậy, hoặc là do ngay thời điểm đó tôi đã quá tự tin, tôi đã loại bỏ hết những dấu hiệu xung quanh để tập trung vào việc của bản thân, bởi vì tôi chẳng rảnh hơi để mà quan tâm đến người khác hay “không khí chung”, “môi trường chung”.
Và ngay cả trên chuyến xe buýt lượt về, tôi cũng không chạm trán người đàn bà đó, bởi vì mụ đã ở ngay trong trường tôi rồi. Nhưng trước khi kể đến chuyện ấy thì tôi phải nhắc đến một dấu hiệu ngờ ngợ mà tôi đã bỏ qua dù nó cũng có sự ấn tượng của riêng nó. Giờ nghĩ lại, lẽ ra tôi nên để ý nhiều hơn mới phải.
Một bạn gái đến và ngồi đối diện với tôi trong nhà ăn của trường, vào giờ cơm trưa, dù cho xung quanh vẫn còn chỗ trống. Tôi thì không có vấn đề gì với việc này, tất nhiên là cũng cảm thấy kỳ lạ nhưng xét lại chuyện cũng không đến mức kỳ lạ như thế, cho đến khi bạn gái ấy bắt chuyện với tôi, một cách tự nhiên, rồi cảnh báo cho tôi về một chuyện tồi tệ đang diễn ra và nó sắp sửa tồi tệ hơn.
“Một chuyện tồi tệ?” Tôi hỏi lại, cảm thấy nghi hoặc.
Nhưng ngay lúc đó, từ phía bàn bên cạnh chúng tôi, chỗ của một hội nhóm nào mà tôi không quen biết, vang lên tiếng tách của máy ảnh. Tôi giật mình nhưng không thể nhìn qua phía đó để kiểm chứng, bởi vì nếu nhìn qua thì người khác sẽ biết tôi có quan tâm đến âm thanh vừa rồi, và lỡ như âm thanh đó chỉ là tiếng vang lên khi chụp màn hình, hoặc họ đang chụp một thứ gì khác, hoặc không phải tiếng của máy ảnh mà chỉ là một thứ tiếng nghe giống như tiếng của máy ảnh mà thôi. Vì bao nhiêu lo lắng như vậy mà khi có tiếng máy ảnh vang lên, hai đứa chúng tôi, tôi và bạn gái lạ mặt, không thể nhìn qua.
“Mình đi trước đây, cậu cẩn thận.” Bạn gái có lẽ vì cảm thấy bất an với tiếng tách vừa rồi nên nhanh chóng đứng dậy bỏ đi. Tôi chưa kịp hỏi rốt cuộc là mình nên cẩn thận chuyện gì.
Nhưng không cần đợi quá lâu, chỉ ngay sau đó, tôi được biết là mình nên cẩn thận chuyện gì.
Người đàn bà lạ mặt là một kẻ rất giữ chữ tín, mụ đã làm đúng những gì ngày hôm qua mụ đã đe doạ. Mụ thật sự đã vác bụng bầu đến trường tôi, làm mình làm mẩy với Ban giám hiệu và lúc bấy giờ cả Hội đồng trường đang hoảng loạn hết cả lên.
Tôi bị gọi lên phòng Ban giám hiệu và trước mặt tôi, cô Phó hiệu trưởng tức tối chỉ trích tôi liên hồi với Hiệu trưởng, cô nói rằng tôi là một sinh viên của ngành kia. “Ngành kia” ở đây là ngành tôi đang theo học, một ngành không phải thuộc vào hàng chủ chốt hay lâu đời của trường mà chỉ là một ngành được mở ra thêm. Và ngành kia xét tuyển đầu vào cũng không quá khắt khe như những ngành chủ chốt nên sinh viên mấy năm nay thuộc ngành kia đều là một đám bậu xậu chẳng học hành gì đàng hoàng. Theo quan điểm của cô, cô cho rằng bởi vì tôi là một sinh viên thuộc ngành kia, thuộc vào tập thể ấy nên hiển nhiên tôi cũng là một sinh viên không tốt. Cô bảo mình không có ý muốn vơ đũa cả nắm, cũng không liên quan gì đến định kiến cá nhân, nhưng cô cho rằng tôi là kẻ gây rắc rối bởi vì sinh viên học ngành kia từ trước đến nay đều là những kẻ gây rắc rối.
Tôi cố gắng trình bày và giải thích với họ về những chuyện đã xảy ra, rằng tôi không phải kẻ sát nhân giết người bởi vì làm sao một người như tôi có đủ khả năng để giết mười ba người kể cả người đàn bà đang còn sống nọ. Rằng tất cả chỉ do người đàn bà ấy có vấn đề về tâm thần và có khả năng là do chứng cuồng tín của mụ.
Nhưng cô Phó hiệu trưởng vẫn gạt phắt đi, cô cho rằng:
“Em phải làm gì đó thì người ta mới đến tận đây để tố giác em với trường, bởi không ai rảnh rỗi để tố giác em cả, tất cả mọi thứ đều có lý do. Không có lửa thì làm sao có khói! Em không làm gì thì sao người khác lại tố giác em bất chấp người ta đi lại khó khăn, đang mang bầu và cực kỳ sợ hãi.”
Thế là tôi cố gắng kể lại mọi chuyện đã xảy ra một lần nữa, rằng tôi chẳng biết gì hết và người đàn bà ấy cứ tự nhiên xuất hiện và tự nhiên phát điên rồi diễn vở kịch của mụ.
“Không có gì là tự nhiên hết, chắc chắn em đã làm gì rồi. Sinh viên thuộc ngành kia đều gây rắc rối cả.”
Rồi cô chuyển qua thầy Hiệu trưởng, bảo rằng tất cả những việc này là do thầy đã quyết định mở cái ngành học kia, rằng nếu là cô giữ chức Hiệu trưởng thì chuyện này đã không xảy ra, rằng thầy đã mắc sai lầm trong công tác quản lý và nếu cô là người đảm nhận vị trí của thầy thì cô sẽ không để bản thân mắc sai lầm như thế. Cô liên tục nhấn mạnh rằng ngay từ đầu mình đã biết việc tương tự như thế này sẽ xảy ra, mình đã cố cảnh báo thầy Hiệu trưởng, mình đã cố làm gì đó để ngăn cản nhưng bởi vì thầy là cấp trên của cô, thế nên đành phải chịu thôi. Ngoài ra, cô còn nhấn mạnh cả việc trong trường hợp không phải thầy mà là cô - người mà cô cho rằng xứng đáng để ngồi ghế Hiệu trưởng hơn thầy - làm Hiệu trưởng, thì cô sẽ không để xảy ra những chuyện tắc trách như thế này và nếu mọi thứ trở nên tồi tệ đi, rằng nếu trường chúng tôi không giải quyết được vụ lùm xùm đang diễn ra thì mọi người sẽ biết rằng cô Phó hiệu trưởng mới là người xứng đáng trở thành Hiệu trưởng hơn, rằng không phải vì tham vọng quyền lực cá nhân hay sự thù hằn trong công việc nên cô mới nói như thế, mà bởi vì đây là lợi ích chung của tất cả mọi người.
Tôi cho là cô Phó hiệu trưởng đã làm quá mọi chuyện lên, thật sự chuyện không như là cô nghĩ và một sinh viên như tôi, một người có thể trạng như tôi thì không thể làm được những chuyện mà họ đã nghe từ người đàn bà nọ và không cần chứng minh thì ai cũng thấy rõ điều đó.
“Tôi? Làm quá mọi chuyện lên?” Cô tự chỉ vào ngực mình và gay gắt nhìn tôi, “Em bảo rằng tôi đang làm quá mọi chuyện lên trong khi chính em là đầu têu cho những điều này, chính em là căn nguyên của mọi thứ. Và tất cả những lý do em đưa ra đều sặc mùi bao biện, em bảo là mình không cần chứng minh ư? Em tự tin vào sự trong sạch của bản thân đến mức em nghĩ rằng sẽ có người bênh vực em dù em không cần nói gì?”
Quá nhiều câu hỏi tu từ trong một câu nói, và tôi lúc ấy vẫn chưa nắm bắt được rốt cuộc mình đã bị kết tội cho chuyện gì. Tôi hỏi cô rốt cuộc tôi đã bị kết tội cho chuyện gì, nhưng những thắc mắc của tôi có vẻ như chỉ càng khiến cô điên tiết.
“Em đúng là một sinh viên hết thuốc chữa khi hỏi một câu như vậy. Tội của bản thân mình là gì mà em còn không biết, em thật là mặt dày khi dám hỏi câu đó. Em nên nhớ mình đã hơn 18 tuổi, đã thừa tuổi tự chịu trách nhiệm cho hành vi của bản thân rồi. Em không phải con nít mà cứ giả vờ ngu ngơ trưng bộ mặt vô tội đó ra với chúng tôi là xong, chúng tôi không dễ bị lừa như thế đâu.”
Lại thêm một tràng dài những lời kết tội nữa nhưng trong đó vẫn chưa có thông tin cho tôi biết là mình mắc tội gì. Cô Phó hiệu trưởng nói như thể tội ác của tôi đã là chuyện hiển nhiên và rành rành trước mắt nên họ không cần phải bàn luận thêm nữa.
Tôi toan mở lời muốn làm rõ hơn, nhưng ngay lúc ấy, thầy Hiệu trưởng từ nãy đến giờ luôn im lặng xoa trán chịu trận, bất ngờ bật người đứng dậy khỏi ghế và cắt ngang màn tranh luận của hai chúng tôi. Thầy bảo tôi phải kể lại mọi việc một cách chân thật nhất có thể, vì chỉ có sự thật mới cứu được tôi lúc này, sự thành thật sẽ giúp cho nhà trường dễ giải quyết hơn. Tôi bảo thầy rằng những gì mình vừa kể hoàn toàn là sự thật và tôi đã cố nhớ rõ và kể lại đầy đủ lắm rồi. Song nét mặt thầy vẫn nghiêm nghị, thầy - bằng cương vị của một người đứng đầu một cơ sở giáo dục, bằng thái độ như đây không phải lần đầu mình phải đối phó với trường hợp tương tự thế này và bằng một cách mềm mỏng nhất có thể - cố gắng trấn an tôi, trong khi tình trạng cảm xúc của tôi không có gì để người khác phải trấn an. Thầy nói:
“Thầy hiểu cho thái độ bất hợp tác của em, thầy hiểu là em đang rất hối hận về những việc sai trái mình đã làm, thầy cũng hiểu lý do vì sao em lại cố gắng chối bỏ tất cả. Nhưng vì thầy và các thầy cô trong trường đều là người lớn, đều lớn tuổi hơn em, vì thế đều là những người có kinh nghiệm hơn, em có thể tin tưởng rằng các thầy cô đều muốn tốt cho em, em còn nhỏ lắm nên có những điều em chưa hiểu còn các thầy cô - vì lớn tuổi hơn - nên có nhiều kinh nghiệm hơn và giỏi giải quyết mọi chuyện hơn. Em có thể trình bày và thầy hứa mọi người sẽ cố gắng hỗ trợ giúp đỡ.”
Tất nhiên là tôi rất cảm ơn việc thầy muốn giúp đỡ, nhưng những gì có thể kể tôi đều đã kể hết rồi và không giấu giếm bất kỳ điều gì cả. Thầy Hiệu trưởng vẫn cố trấn an tôi dù tôi chẳng hề thấy bản thân đang kích động chút nào, thầy bảo người đàn bà kia đã tố cáo tôi nhưng trong lời khai có nhiều điểm bất hợp lý, do đó lợi thế đang nằm ở phía chúng tôi, miễn là tôi cố gắng nói ra sự thật, đừng sợ hãi gì cả ngay cả khi tôi đã lỡ làm gì và ngay cả khi câu chuyện của người đàn bà đó là đúng.
Tôi lắc đầu, bảo câu chuyện đó không đúng, chuyện như thế không hề xảy ra và - đến đây thì tôi dần mất kiên nhẫn - mọi người muốn nghe sự thật gì ngoài sự thật rằng tôi không hề giết hại mười ba mạng người nào cả?
Thầy Hiệu trưởng bất lực thở dài:
“Được rồi, nếu em cứ cứng đầu như vậy, thì mọi chuyện sắp tới có ra sao em cũng phải tự mình gánh lấy hậu quả, nhà trường đã cố gắng giúp đỡ em hết sức mình rồi… Chỉ do em bất hợp tác mà thôi.”
Và lúc này, cô Phó hiệu trưởng dường như chỉ đợi để được chen vào:
“Tôi đã bảo với thầy rồi, đám sinh viên thuộc ngành kia đều như thế cả và cậu sinh viên này chắc chắn không phải ngoại lệ. Tất cả là một đám cứng đầu, chỉ biết gây rắc rối cho người khác. Thầy đã phạm sai lầm và mọi người sẽ nhận ra họ đã sai khi bầu thầy thay vì tôi, và chuyện này không liên quan gì đến thù hằn cá nhân đâu đấy, tôi nói thế là vì lo nghĩ cho tập thể mà thôi.”
Tôi nhận ra là dù mình có cố giải thích đến mức nào thì họ, hai người trước mặt tôi, đều không tin, bởi vì họ đang đợi tôi nói ra một sự thật mà họ tin đó mới là sự thật nhưng bởi vì đó không phải sự thật nên tôi không thể kể.
Họ liên tục bảo rằng chắc chắn tôi đã giấu đi một sự thật nào đó mà chính nó là điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề này, rằng có thể câu chuyện người phụ nữ kia kể ra không hoàn toàn đúng sự thật nhưng không thể nào tự dưng mụ lại nói như vậy về tôi mà không phải là ai khác, tại sao với cả ngàn sinh viên trong ngôi trường này mà mụ lại chỉ đích danh tôi chứ không phải ai khác, thế nên vấn đề chắc chắn là nằm ở tôi. Họ nói nếu tôi không làm gì thì đã không xảy ra những chuyện này, nên họ yêu cầu tôi phải bình tĩnh, can đảm, dám chấp nhận nói ra sự thật, dù sự thật ấy có ghê gớm đến mức nào đi nữa, dù tôi đã lỡ làm ra chuyện gì ghê gớm đi chăng nữa.
Đến đây thì tôi thật sự chết lặng, chẳng biết phải phản bác thế nào, dù mọi thứ không phải như họ đang diễn giải, và họ cho thái độ im thin thít ấy của tôi là cứng đầu không chịu hợp tác, là vì họ đã nói đúng quá nên tôi mới không biết cãi thế nào.
***
Tôi không có thói quen sử dụng không gian của khu tự học trong trường để làm bài và học bài, thay vì thế tôi thường đến một quán nước gần nhà để có được sự riêng tư hơn. Nói đúng ra thì quán nước đó không gần nhà lắm, nhưng đủ gần để đi bộ đến, nên cứ tạm gọi nó là quán nước gần nhà cho dễ phân biệt với các quán nước xa nhà khác. Và cũng vì lý do ngày hôm ấy có những chuyện kỳ quặc đã xảy ra giữa tôi và nội bộ nhà trường nên tôi có cảm giác mình không thể tiếp tục ở trong trường được nữa, nó đã khiến tôi bực tức vì những thứ vô lý, dù sử dụng khu tự học trong trường thì tốt hơn và không phải tốn tiền mua một cốc nước mà giá cả không phù hợp với số tiền chút nào.
Dù sao thì hôm ấy tôi đã đến quán nước gần nhà để học. Như mọi khi, trước khi học tôi đều lấy tinh thần bằng cách đọc một quyển sách và tôi còn nhớ rõ quyển hôm đó tôi đọc là Quê hương tan rã của Chinua Achebe, một tiểu thuyết nổi tiếng và nhà văn là người Nigeria. Nhưng quyển sách đó là gì hay nội dung của quyển sách đó ra sao không phải vấn đề quan trọng, bởi vì cả ngày hôm ấy tôi không đọc được chữ nào cả. Ngay khi đặt nó lên bàn và chuẩn bị mở ra để đọc thì điện thoại của tôi hiện lên thông báo nhận được tin nhắn đến.
Cô bạn gái lạ mặt mà khi sáng tôi đã gặp trong nhà ăn của trường, người ngồi ăn đối diện với tôi cả buổi và bắt chuyện với tôi một cách tự nhiên đến kỳ lạ dù cuối cùng cả hai vẫn không biết được tên nhau, cô ấy gửi lời mời kết bạn qua mạng và nhắn với tôi rằng hãy chấp nhận lời mời kết bạn của cô ấy. Dù vẫn còn đang tự hỏi làm sao cô ta biết được tài khoản mạng xã hội của mình, nhưng tất nhiên tôi không có lý do gì để không đồng ý lời mời kết bạn của cô cả, và một phần nào đó tôi cũng muốn biết rốt cuộc cái điều khi sáng cô bạn gái lạ mặt này muốn nói là gì.
Cô bạn ấy trả lời tôi rằng cô chỉ muốn giúp đỡ một chút, tôi lúc đó vẫn chưa hiểu được cô ấy muốn giúp tôi chuyện gì thì cô lại nhắn tiếp, rằng cô là một tín đồ của cái giáo phái thờ một vị Chúa tên là Chúa Đức Năng - mà tôi đã có tìm hiểu ngày hôm qua. Cô là người trong đó và cô đã xem được đoạn clip của tôi, cô chỉ muốn giúp đỡ tôi bằng cách khuyên rằng tôi nên cẩn thận vì tình hình có vẻ đang tệ đi trông thấy.
Tất nhiên là tôi rất mừng vì có người trong giáo phái đó muốn giúp đỡ mình vì chính tôi cũng cảm thấy không hài lòng về việc hình ảnh của mình bị phát tán một cách quá đáng như vậy, và tôi hy vọng cô có thể giúp tôi gỡ đoạn clip đó xuống. Nhưng cô nói việc cô có thể giúp tôi không phải là gỡ đoạn clip về tôi xuống mà chỉ dừng lại ở việc cảnh báo mà thôi.
“Tôi chỉ muốn cảnh báo cậu phải cẩn thận, bởi vì mọi chuyện đang tồi tệ đi trông thấy.”
Tôi cố bảo với cô rằng sự việc đang tệ đi là bởi vì đoạn clip đó vẫn còn nằm trên trang cộng đồng thuộc giáo hội của cô, rằng để cho mọi chuyện đừng “tệ đi trông thấy” nữa thì mong cô hãy liên hệ với người chủ kênh, nhờ họ xoá hết những thứ về tôi ngay.
“Tôi chỉ muốn giúp thôi, tại sao cậu lại gắt gỏng như vậy?”
Tiếp tục, tôi lại phải giải thích rằng tôi không hề gắt gỏng, đây là một cuộc trao đổi qua tin nhắn thông thường và bởi vì qua tin nhắn nên cô không thể biết được thái độ của đối phương nên cô mới nghĩ rằng tôi đang gắt gỏng trong khi sự thật là tôi đang tha thiết mong cô giúp đỡ.
“Nếu tôi làm phiền cậu quá thì xin lỗi, không cần phải tỏ thái độ chán ghét và phủi bỏ hết lòng tốt của tôi như vậy.”
Có lẽ cô bạn gái đã không thật sự hiểu ý của tôi, cùng với đó là cảm nhận sai hoàn toàn giọng điệu trong tin nhắn của tôi.
“Tôi không khó chịu gì cả, tôi rất cảm ơn nếu bạn muốn giúp đỡ. Hai đứa mình chỉ đang nói chuyện qua tin nhắn nên không tránh được việc không biết hoặc hiểu sai thái độ của đối phương. Thật ra tôi chẳng có thái độ gì khi nhắn những tin trên cả.” Tôi tìm cách giải thích rõ ra.
Nhưng cô bạn gái vẫn khăng khăng rằng tôi có thái độ bởi vì cách nhắn tin của tôi đã thể hiện cái thái độ ấy rõ mồn một, rằng tôi đang đổ lỗi cho cô ấy, biến cô ấy thành người đã suy diễn mọi thứ, rằng cô chỉ muốn giúp tôi nên cớ gì tôi lại trách cô ấy suy diễn này suy diễn nọ. Tiếp theo, cô lại xin lỗi vì đã làm phiền tôi, vì đã nhiều chuyện mà xen vào vấn đề không phải của mình, vì đã khiến cho tôi khó chịu. Thế là tôi lại phải nói rằng mình không khó chịu và không hề cho rằng cô ấy có lỗi gì mà cần phải xin lỗi, nhưng cuối cùng cô chỉ xem tin nhắn đó và không phản hồi. Dù sao thì, tôi nghĩ nếu bạn gái lạ mặt này tiếp tục nhắn những tin giống nhau và tôi phải giải thích đi giải thích lại về một điều không có thật thì chắc là câu chuyện sẽ không bao giờ kết thúc mất.
Kết thúc cuộc trò chuyện rắc rối quá mức cần thiết ấy, tôi quay trở lại với cuốn sách trên bàn, định mở nó ra thì một lần nữa, mạng xã hội, bằng một cách nào đó, lại kéo tôi vào.
Lần này là tấm ảnh chụp lén tôi lúc sáng, ngồi ăn trong nhà ăn của trường và nói chuyện với người bạn gái lạ mặt kia. Tôi đã đúng, tiếng tách lúc sáng là do bị chụp lén, người ta đã chụp lén tôi và cô bạn gái ấy. Họ bảo rằng tôi đang “tiếp cận con mồi mới”, lần này là một cô bạn bằng tuổi. Họ dùng từ “tiếp cận con mồi” như thể họ tin rằng, họ chắc chắn rằng tôi là tên sát nhân đã giết mười ba mạng người - kể cả người đàn bà lạ mặt đã đứng ra tố cáo tôi. Và tất nhiên, như đã biết, câu chuyện đã bị thêu dệt thành một nội dung lệch hẳn so với sự thật. Sự thật là chính bạn gái lạ mặt đó mới là người đã tiếp cận tôi, rằng cuộc nói chuyện lúc ấy giữa chúng tôi là một cuộc nói chuyện hoàn toàn bình thường, và hơn hết là sao tôi lại tiếp cận con mồi mới khi chuyện tôi giết “những con mồi cũ” là không có thật, kể cả chuyện những con mồi cũ rốt cuộc là những ai tôi còn không biết.
Mà xui xẻo thay ngay lúc tôi định bắt đầu đọc sách thì lại lướt trúng tấm ảnh đó. Thế là tôi lại phải ngồi đọc các bình luận công kích mình dù tôi vẫn chưa hiểu tại sao mình lại bị công kích. Bên dưới, nhiều người bảo rằng tôi nhất định phải vào tù, một kẻ gây hại cho xã hội như tôi, pháp luật phải can thiệp vào chuyện này, dù chưa có chứng cứ nào được đưa ra nhưng pháp luật phải làm gì đó vì bây giờ ai cũng thấy bộ mặt xấu xa của tôi rồi, ai cũng tự biết với nhau là tôi đã làm những gì, chuyện tôi xấu xa như thế nào đã thể hiện rõ mồn một. Bây giờ họ chỉ cần một bằng chứng được tung ra nữa thôi, chứ kết luận thế nào thì ai cũng thấy rõ. Tôi? Đáng bị bỏ tù? Lũ người này rốt cuộc bị gì vậy?
Và đúng như lời cô bạn gái kia đã cảnh báo, mọi chuyện đang thật sự tồi tệ hơn. Nhưng nó tồi tệ hơn là bởi vì cô đã giúp tôi, tuy tôi cảm kích tấm lòng của cô nhưng nếu cô không giúp thì đã không có tấm ảnh này và mọi chuyện đã không “tệ đi trông thấy”. Trong lúc bạn gái ấy đang giúp tôi thì thành ra cô chỉ tiếp tay cho những đồn thổi xung quanh tôi.
Nhưng tạm gác lại chuyện đó, tôi phải đọc sách và học bài. Ấy thế mà rốt cuộc tôi chẳng làm được gì hôm nay cả, vì khi tôi vừa ngước mắt lên thì bên ngoài cửa kính quán nước gần nhà, trời đã chuyển về chiều, và tôi phải dọn dẹp ra về để có mặt ở nhà trước giờ cơm chiều, nếu không cha lại có cớ bảo tôi giống mẹ thế này giống mẹ thế nọ.
0 Bình luận