• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

TÁM

0 Bình luận - Độ dài: 4,176 từ - Cập nhật:

Về vấn đề liên quan đến lời mời gọi đột ngột từ phía công ty giải trí có vẻ nổi tiếng kia, việc tôi từ chối họ bởi vì suy cho cùng, lúc đó tôi vẫn còn nghĩ mình đang kiểm soát được mọi chuyện. Nhìn mọi thứ một cách lý trí thì, cuộc sống của tôi tuy có đảo lộn đôi chút nhưng bản thân tôi vẫn an toàn, tất cả mọi lời tấn công, mọi lời sỉ vả, chà đạp tôi đều chỉ tồn tại dưới dạng những dòng chữ vô tri vô giác và ẩn sau những cái tên lạ mặt mà tôi không quen biết. Xét theo một hướng nào đó thì tôi vẫn đang khá ổn, không ai hay tổ chức nào có động thái sẽ phá hỏng cuộc sống của tôi và nhìn theo một chiều hướng tích cực hơn, chuyện này rồi sẽ qua, dần dần sẽ không ai còn nhớ đến nó nữa và tôi sẽ lại là một sinh viên bình thường, sống một cuộc đời bình thường.

Còn nếu, như đã nói, tôi chọn hợp tác với gã quản lý kia thì chuyện này sẽ không bao giờ chấm dứt được mất. Nó sẽ ngày càng được thổi bùng lên, sẽ được bàn đi tán lại, moi lên dìm xuống, người ta sẽ nhắc đến nó liên tục và đó không phải là cách để mọi chuyện “lắng xuống”. Mọi người cần thời gian để quên và việc của tôi là im lặng để họ quên, không phải xuất hiện rồi cố gắng hô hào - vì tôi đã thử và nhận ra nó chỉ khiến mọi chuyện tệ hơn, như đã kể.

Suy nghĩ lúc ấy của tôi, bây giờ nhìn lại mới thấy nó thật ngây thơ và đơn giản, rằng trốn tránh cũng là một cách giải quyết nhưng trong một số trường hợp thì không phải như vậy. Nhưng tôi sẽ kể câu chuyện ấy sau vì nó xảy ra sau. Giờ tôi sẽ nói về người đàn bà lạ mặt đang mang thai đã tố cáo tôi trên xe buýt, người đầu têu ra những chuyện này.

Lần thứ ba tôi gặp người đàn bà ấy thì không tính bởi vì tôi không gặp mụ, hay nói đúng hơn là không gặp ngoài đời thực, tôi gặp mụ trên một buổi phát sóng trực tiếp được đăng tải từ trang thông tin của giáo phái mụ tham gia - mà mụ có thật là tham gia hay không, lúc ấy tôi cũng chưa rõ. Người đàn bà này, phải về sau tôi mới biết, mụ giữ một chức vụ cực kỳ quan trọng trong giáo đoàn, có liên quan đến người tiên tri tiên đoán gì đó, liên quan đến sấm truyền sấm ngữ gì đó, vì thế mà mụ được trọng vọng và có quyền lực nhất định trong giáo hội. Và việc mụ hơi điên điên, không được bình thường cho lắm thì cũng bình thường thôi bởi vì sự quái dị, xét theo một khía cạnh nào đó, thì cũng khá quan trọng trong đức tin, và người có năng lực đặc biệt thì hẳn cũng sẽ có những biểu hiện đặc biệt.

Buổi ghi hình được đầu tư công phu ngoài sức tưởng tượng của tôi, nghĩa là không chỉ có người đàn bà, mà hình như còn có cả một đội hậu kỳ đông đúc, một đội viết kịch bản và lên kế hoạch chuyên nghiệp ở phía sau. Và rất nhiều người cùng quản lý, đảm bảo mọi thứ đều trơn tru trong suốt quá trình phát sóng, nghĩa là không phải chỉ có mình mụ, mà còn có cả sự hỗ trợ đông đảo từ những người khác mà tôi không rõ là ai. Sự chuyên nghiệp quá mức ấy làm tôi cảm thấy lép vế bởi vì tôi thì chẳng có gì chuyên nghiệp, và nếu họ chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, thì rõ ràng họ đang muốn một chiến thắng áp đảo, không muốn để xảy ra bất kỳ sơ suất nào.

Phần hậu cảnh phía sau được dàn dựng trang nhã, người đàn bà ngồi trên chiếc bàn mà mọi món đồ được chọn để bày trí trên đấy đều là cả một sự tính toán, những thứ lọt vào khung hình hẳn đều đã được chuẩn bị sẵn đâu ra đó. Mụ mặc một bộ quần áo kiểu cách hơn so với hai lần trước tôi gặp mụ, nhưng vẻ mặt thì vẫn vậy, đó ửng, láo liên, trừng trợn, biểu cảm đanh lại đáng sợ và giống như đang muốn chực nhào đến, chực lồng lên với người khác.

Sau màn tự giới thiệu, chào hỏi thủ tục thì tiếp đến là phần chính, cái phần mà có lẽ tất cả mọi người đang xem - ôi Trời cái số lượng ấy, tôi không hiểu tại sao lại có nhiều người dư dả thời gian trong đời đến thế - đều đang mong ngóng. Mụ đưa ra những lời cáo buộc, kể lại những việc tôi đã làm - mà tôi đã nghe mụ nói đi nói lại vào những lần gặp trước, và còn hơn thế nữa, bởi vì mụ nói mình đã có thời gian để nhớ tất cả một cách chi tiết hơn. Cứ thế mà mụ nói, mụ tả về những cảnh hành hình, những việc làm biến thái - mười mấy người bị cạo đầu, bẻ răng, cắt lưỡi, chặt tay chặt chân, bị ép quan hệ với nhau, thẻo tai, móc mắt - mụ kể rõ ràng và chi tiết đến mức tôi không hiểu tại sao buổi ghi hình không bị phía nền tảng buộc phải dừng lại vì chứa những nội dung kinh khủng này. Bên dưới bình luận, tất nhiên những người khác đều tỏ thái độ ghê tởm, chửi bới tôi, rằng tôi không phải con người nữa, không phải giống người nữa và trên đời thật sự có một tâm hồn vặn vẹo, méo mó và biến thái như tôi sao và rằng ai đó phải giết tôi đi, rồi rất nhiều người bảo nếu gặp mặt tôi chỗ nào sẽ đánh chỗ đó, thấy tôi nơi nào là giết nơi đó, dù họ ở tù cũng chịu, vì công bằng cho người bị hại phải được thực thi và nhân danh những giá trị đạo đức, có ai đó phải giết tôi nếu pháp luật không thể giết tôi - vì như đã biết, họ cho rằng tôi đã “mua chuộc” pháp luật.

Nhưng tôi cố đợi xem người đàn bà lạ mặt có đưa ra bằng chứng, chứng cứ, hay một điều gì để chứng minh những điều mụ nói là thật không thì không, mụ không đưa ra gì cả, mụ chỉ kể lại toàn bộ, và gào rồi khóc rồi rên rỉ. Phía dưới bình luận cũng không ai cắc cớ gì, bởi vì ai cũng cho rằng, đâu có thiếu bằng chứng tố cáo tôi và đâu có thiếu người đứng ra làm chứng cho những việc xấu của tôi. Vì thế nên hiển nhiên rồi, họ phải tin người đàn bà vì chẳng lẽ họ lại đi tin tôi - người đã gây ra quá nhiều điều xấu và bị những người quen biết bảo là có vấn đề về nhân cách. Nên họ bảo là, họ rất tức giận vì không có bằng chứng dù việc tôi làm nó rành rành ra đó, dù tội ác tôi phạm nó rõ mười mươi như thế, vậy mà không làm gì được, họ giãy nảy vì không làm gì được.

Cuối cùng, người đàn bà chốt lại rằng tôi, nếu đã dám làm như vậy thì có nghĩa là tôi còn dám làm nhiều chuyện hơn như vậy. Và nếu cứ để mặc cho tôi tiếp tục hoành hành, tiếp tục nhởn nhơ ngoài xã hội thì tương lai sẽ có một kẻ cuồng sát, một kẻ sát nhân hàng loạt hay kinh khủng hơn là một kẻ diệt chủng, giống như Hitler của thời nay. Lúc đó thì hẳn không kịp nữa rồi, chúng ta phải ngăn chặn tội ác từ trong trứng nước, trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.

Buổi phát trực tiếp ấy lại đẩy mọi thứ lên đỉnh điểm một lần nữa, bất chấp những cố gắng giải quyết từ những nguồn uy tín dành cho tôi. Một nhà thơ cám cảnh về sự việc đang diễn ra, đến mức phải viết một bài thơ than thở thời cuộc, tôi không biết có phải ác cảm của riêng bản thân không mà tôi thấy bài thơ ấy cũng không hay lắm, và vài năm sau vị nhà thơ nọ có đọc lại thì chắc sẽ phải ngượng ngùng. Nhưng tác phẩm thi ca ấy lại được đón nhận nồng nhiệt, rất nhiều bình luận thể hiện sự đau đớn và xót xa, không phải chỉ riêng đối với sự vụ mà còn là với cả một thời đại, một thời cuộc, một xã hội. Họ cho rằng những lúc như thế này thì các nhà thơ, các nhà văn nên năng nổ sáng tác để phản ánh một giai đoạn nhiễu nhương của đất nước, lấy thơ ca để cảnh tỉnh loài người dù tôi thấy ai mà lại đi đọc những tác phẩm đó và nếu có thì được bao nhiêu đâu. Vì thế mà trên diễn đàn thi ca nghệ thuật, những kẻ ấy không làm tôi lo lắng lắm, thật ra là khiến tôi cảm thấy buồn cười và tội nghiệp hơn.

Nhưng dù sao thì cũng phải thú nhận rằng tôi đã sai lầm khi đã quá tin vào việc mạng xã hội chỉ là ảo và những lời đe doạ, những ác ý, những tị hiềm, những bạo lực kia là ảo và sẽ không bao giờ chạm được đến tôi ngoài đời thật. Nó đã chạm được tôi ngoài đời thật. Và hơn hết, mạng xã hội rất thật, nó có thật và hoàn toàn ảnh hưởng đến cuộc sống của con người ở ngoài đời, nó chỉ ảo ở chỗ có một số người tỏ ra liều mạng, thể hiện mọi thứ trên ấy nhưng ngoài đời thì chẳng dám làm gì, nhưng vẫn có một số ít khác dám làm những điều họ đã viết, đã tuyên bố.

Cha tôi đã bị đuổi việc, vì ông là cha tôi và tất nhiên là ai cũng biết ông là cha tôi, ông bị quấy rầy bởi đồng nghiệp, bởi rất nhiều khách hàng và những người xung quanh vì chuyện của tôi. Đến lúc này, nhận thấy tình hình càng lúc càng ảnh hưởng đến tình hình chung và những người khác, công ty của cha quyết định rằng cha cần “nghỉ ngơi một thời gian”, cần “tạm gác công việc để giải quyết cho xong những chuyện cá nhân” và họ đuổi việc ông. Mà công việc của cha còn chẳng đòi hỏi ông phải đi đâu, chỉ ở nhà và làm qua máy tính, ấy thế mà nó vẫn ảnh hưởng ghê gớm như vậy.

Và đó là giọt nước tràn ly. Cha bảo với tôi cuộc đời ông đã bị phá hỏng và tôi chính là nguyên nhân, mẹ đã phá hỏng đời ông một lần rồi bây giờ đến tôi. Trong cơn khủng hoảng, cha đuổi tôi ra khỏi nhà, tôi biết ông chỉ tức giận nên nói thế, và bởi vì ông là người có dính dáng đến tôi nhất nên ông phải hứng chịu nhiều thiệt hại nhất nên ông cầu mong cho tôi đừng xuất hiện trong cuộc đời ông nữa vì dường như đó là cách giải quyết duy nhất. Và cha tôi, dạo này ông có nhiều lần đầu tiên, lúc ấy là lần đầu tiên ông đập phá đồ đạc, ông bằng mọi giá tống cổ tôi khỏi nhà, ông sử dụng bạo lực với sàn nhà và vách tường bởi vì ông không thể sử dụng bạo lực với tôi. Rồi ông nói: “Mày cút xéo khỏi đây ngay! Biến khỏi nhà tao!” - cũng là lần đầu ông xưng mày tao với tôi - và tôi biết, đây là đời thật và đời thật là tôi từ giờ không có nhà cửa cha con gì nữa hết.

***

Tôi quyết định sẽ đi khuất mắt cha trong vài tiếng đồng hồ gì đó, đợi cho cha nguôi giận và ông có thể nhìn nhận mọi thứ thấu suốt hơn hay có lẽ ông không cần nhìn nhận thấu suốt, ông vẫn cứ đổ lỗi cho tôi đi nhưng ít ra ông sẽ hiểu ông là cha tôi và việc bỏ rơi tôi, về cả mặt đạo đức lẫn pháp luật, đều là không đúng. Trong lúc ấy tôi sẽ đi đâu đó. Đây là lần đầu tiên kể từ hơn một tuần nay tôi đặt chân ra khỏi nhà, tôi đã ở trong nhà một thời gian quá lâu và cha cũng vậy nên có thể đấy chính là một phần vấn đề và biết đâu khi ra ngoài, đi dạo đây đó, tôi sẽ dần tìm ra được cách giải quyết mà nếu cứ ru rú trong nhà tôi sẽ không thể tìm ra.

Nhưng không đợi quá lâu, tôi nhận thấy rằng tất cả hay hầu như tất cả mọi người trên đường đều biết tôi. Bởi vì suốt cả mấy tuần nay, những tin tức cứ lặp đi lặp lại và hình ảnh của tôi cứ lặp đi lặp lại, mà nó đâu phải một câu chuyện vui kể xong rồi quên, nó đâu phải một thông tin trôi nổi dễ dàng bị chìm nghỉm giữa muôn vàn thông tin khác, nó là một thông tin gây sốt, một vấn đề bức bách và nhận được sự quan tâm của - dường như - tất cả mọi người và có lẽ chỉ những ai không quan tâm gì đến mạng xã hội hay báo đài mới không biết mà con số ấy thì cực kỳ ích và dù họ không biết thì rồi họ cũng sẽ nghe kể, nghe bàn tán, nghe xôn xao, nghe thảo luận, nghe thêu dệt, nghĩa là có rất ít khả năng một người nào đó không biết. Và họ nhìn tôi, không nhìn tôi, nhìn rồi đánh mắt đi nơi khác, nhìn chằm chằm, hơi liếc nhẹ, nhìn một cách kín đáo, hoặc họ né ra, hoặc họ lại gần, hoặc họ kéo tay nhau, hoặc họ khều nhau hoặc họ ra dấu cho nhau. Tôi lại nhận ra là không như tôi nghĩ, chỉ là mấy hôm nay tôi ở trong nhà miết nên tôi không biết tình hình mọi chuyện đã diễn biến đến mức nào, nên khi bước chân ra đường tôi mới hiểu là nó đang thật sự rất tệ. Tôi đã nghĩ chuyện trên mạng người ta xôn xao thế thôi, chứ ngoài đời sẽ chẳng ai nhận ra tôi vì chẳng ai quan tâm đến người khác, nhưng giờ thì tất cả đều nhận ra tôi, điều đó làm tôi không thở nổi.

Tôi đành phải cố gắng đi nhanh về nhanh, để bản thân ít lộ diện nhất có thể, tôi phải mang khẩu trang, đeo kính râm và đội nón với hy vọng không ai nhận ra mình. Vội mua một thứ gì đó ở cửa hàng tiện lợi xong, tôi nhanh chóng rời đi, định bụng trở về nhà dù không chắc là khoảng thời gian từ nãy đến giờ có đủ để cha tôi bình tĩnh hơn chưa.

Nhưng ngày hôm ấy tôi đã không về được đến nhà. Kẻ nào đó đã ném một cục gạch thẻ vào đầu tôi. Khung cảnh trước mắt tôi đột nhiên đen đặc đi và tôi ngã xuống đường, nhưng cơn đau không đến ngay, chắc có thể trong một giây phút nào đó khi viên gạnh phát trúng đầu, tôi đã bị mất ý thức, rồi ý thức ngay lập tức quay trở lại. Viên gạch nằm bên cạnh tôi, chỉ bị mẻ một chút xíu vì gạch thẻ là loại nguyên khối. Máu chảy bê bết hết nửa bên mặt và tôi nhìn cục gạch lấm tấm máu, từng giọt nhỏ xuống. Cơn đau đến ngay khi tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra và nếu chỉ miêu tả nó đau điếng thôi thì hầu như không đủ bởi vì có lẽ trong đầu tôi, mọi thứ đã lộn lên hết cả, giống như não tôi đã bị va đập vào thành sọ, hay một thứ gì đó đã đập vào một thứ gì đó. Máu nhiều đến mức đó là lần đầu tiên tôi thấy nhiều đến như vậy, dù là của bản thân hay của người khác. Tiếp sau là những tiếng hô hào. Viên gạch, đến khi ấy, không còn là thứ duy nhất bị ném về phía tôi nữa, còn có những thứ khác, ai đang cầm thứ gì thì ném thứ đó hoặc bên cạnh có gì tiện tay thì dùng thứ đó, chủ yếu là đồ ăn. Một đám đông bị kích động và quá khích, bốc đồng và cảm tính vây chặt lấy tôi. Họ bảo rằng như thế là xứng đáng, như thế là công lý, như thế là chuyện ác giả ác báo, như thế là trả lại những điều tôi đã làm, như thế là thay mặt pháp luật để trừng trị tôi, như thế là “gặp ở đâu đánh ở đó”, như thế là đánh cho tởn, đánh cho chết, đánh cho vừa tội, đánh cho bỏ tật, đánh cho không thể đi hại người khác.

Một đám đàn ông thấy viên gạch thẻ là chưa đủ, họ thúc vào bụng, vào lưng, vào đầu, vào tay chân, vào hạ bộ, vào đùi, vào mông, vào chấn thuỷ, vào ngực. Tôi nằm co lại theo phản xạ vì quá đau đớn và không thể nhìn rõ được hành động của những người xung quanh và không đoán được cú đấm tiếp theo sẽ giáng vào đâu trên người mình. Cuối cùng là tôi ngất đi, đến đó tôi mới không còn thấy đau nữa.

***

Tôi tỉnh lại ở bệnh viện, bị băng bó đủ chỗ. Tôi không biết ai đã nghĩ đến việc đưa tôi đến bệnh viện, tôi còn tưởng họ đánh xong sẽ bỏ mặc cái xác của tôi ở giữa đường rồi rời đi, nhưng hẳn là có ai đó đã nghĩ đến việc đưa tôi vào viện, có thể là vì họ thấy tội nghiệp hoặc cũng có thể là vì họ chợt nhận ra không thể đánh tôi đến chết được vì tất cả chỉ là muốn dạy cho một bài học và không có bài học nào được dạy bằng cách đánh đến chết.

Tôi nói chuyện với các bác sĩ và y tá, vì dù có lẽ họ đã biết nhưng vẫn phải hỏi lý do, chuyện gì đã xảy ra để dẫn đến việc tôi bị thương như thế này. Và qua cuộc nói chuyện tôi biết rằng mình không thể làm gì ngoài việc chịu đựng bị đánh như vậy, bởi vì - lại tiếp tục là chuyện ấy - việc kiện tụng là khó khăn, là phức tạp, là không nên dính dáng, rằng bao nhiêu người bị đánh đập, bị bạo hành, bao nhiêu đứa trẻ, trẻ hơn tôi và non nớt hơn tôi bị bắt nạt, bị tổn thương nhưng làm gì có ai kiện tụng nên vấn đề của tôi tính ra không đáng là bao. Việc vô cớ đánh người chỉ nên được xem là một chuyện nhỏ nhặt, một mâu thuẫn nhỏ bé và không nhất thiết phải ra toà, phải luật sư, phải tiền và theo đuổi một vụ kiện. Chưa kể đến việc, một người đánh một người thì có thể kiện, nhưng một đám đông vây đánh một người thì lại khó kiện bởi vì không ai đi kiện một đám đông, không ai kiện một xã hội, không ai kiện một cộng đồng. Và bởi vì “họ không hiểu luật”, “họ bốc đồng nên mất kiểm soát”, “họ là người lao động nên không có nhiều kiến thức và dễ bị dẫn dắt”, “vì luật kia luật kìa không được phổ cập nên những lối hành xử kiểu như thế ở họ cũng là điều không quá khó hiểu” nên họ đáng để tha thứ, đáng để xí xoá, đáng để giơ cao đánh khẽ, đáng để nhắm mắt cho qua, đáng để cảnh cáo chứ không phạt này phạt nọ. Rằng phép vua thì thua lệ làng và các câu tục ngữ khác.

Bác sĩ nói với tôi cha đã lo chuyện viện phí cho tôi xong cả. Tôi mừng vì như thế nghĩa là cái việc cha đuổi tôi ra khỏi nhà chỉ là ông nói trong cơn tức giận, thật ra ông vẫn ý thức bản thân là cha tôi và tôi là con ông và nghĩa là có thể ông đã tha thứ cho tôi, dù có lẽ ông tha thứ vì thấy tình trạng của tôi thê thảm quá, đáng thương quá.

“Vậy cha con đâu rồi ạ?” Tôi hỏi bác sĩ.

Bác sĩ sau một thoáng ngập ngừng thì trả lời tôi, rằng chuyện đâu còn có đó, rằng thật khó khăn cho tất cả chúng ta, rằng tôi nên vững vàng lên, rằng tôi chỉ vừa mới tỉnh lại nên cần phải tịnh dưỡng, rằng tôi nên tránh việc để bản thân kích động quá mức, rằng trước mắt tôi cần khoẻ lại đã, rằng cha tôi đã lo hết viện phí nên tôi không cần nghĩ nhiều nữa, rằng thật khó khăn cho cha tôi, rằng cha tôi đã chịu đựng quá nhiều, rằng cha tôi đã sốc lắm, đã hoảng loạn lắm, đã suy sụp lắm, rằng trước đây cha tôi hẳn đã có một số dấu hiệu báo trước về việc này nên có lẽ tôi cũng đã phần nào đoán ra, rằng vào thời nay thì không thiếu người như thế, không thiếu người đã bỏ cuộc, đã không thể chịu nổi. Và rằng tôi đừng nên trách bản thân, cần nghĩ thoáng ra, nhìn xa hơn, để tâm trí thoải mái và tập trung nghỉ ngơi. Và rằng một thứ gì đó đã đứt, một thứ gì đó đạt đến độ căng nhất định thì sẽ đứt và cha tôi đã chạm mức đó nhưng không phải đến bây giờ ông mới chạm đến mà chuyện có lẽ đã xảy ra từ lâu. Rồi lại những sẽ ổn thôi dù có vẻ không có điểm nào là ổn, mọi thứ vẫn phải tiếp tục và tôi cần kiên cường lên.

Quá nhiều né tránh, quá nhiều ẩn ý, quá nhiều cách diễn đạt dài dòng, quá nhiều cái này mà phải tìm cách nói thành cái nọ, quá nhiều vòng vo nhằm khiến tôi lơ là ra khỏi vấn đề chính, quá nhiều đánh trống lảng vì sự thật trần trụi thì có lẽ khó nói. Rốt cuộc tôi phải bảo rằng có gì thì mọi người cứ nói với tôi bởi vì Trời ơi có gì mà tôi bây giờ không chịu nổi nữa chứ.

Tôi biết được, trong lúc tôi còn hôn mê bất tỉnh, cha mình đã tự tử. Sau khi lo cho tôi đến bệnh viện, ông đã về nhà và dùng một cái thòng lọng - tôi tự thắc mắc nhà mình làm gì có thòng lọng nào - và treo cổ.

Tôi đã đoán đúng, cha tôi có dấu hiệu đó. Dù ông nghi ngờ tôi có dấu hiệu đó và tôi nghi ngờ ông có dấu hiệu đó nhưng nghi ngờ của ông không đúng còn nghi ngờ của tôi thì đúng. Và rằng nó là thật, nó không phải là ảo, cái chết là thật. Trong câu chuyện này có người chết thật và đó là một cái chết theo nghĩa đen chứ không tượng trưng, không hiểu lầm, không sai sót, không lấp liếm, không phải cái chết ảo. Người chết là thật và bạn không nghe lầm, câu chuyện tôi đang kể có người chết.

Vị bác sĩ trước mặt tôi tiếp tục với những “ít ra thì”, “nghĩ theo một hướng tích cực thì”, “nhìn theo hướng khác thì”, “dù sao cũng thật may vì”, “đừng lo lắng vì”, “đừng quá đau buồn vì”.

Phải rất lâu sau, mấy ngày sau tôi mới bình tĩnh lại và mở điện thoại lên, dù tôi không giữ thông tin liên lạc của công ty giải trí phát triển tài năng kia bên mình, nhưng nó nổi tiếng đủ để tôi tra ra thông tin một cách nhanh chóng. Tôi gọi điện cho họ và họ bắt máy.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận