Nhưng tất nhiên - lại tất nhiên - là tôi không thể sống như vậy, chui rúc trong nhà và chui rúc trong phòng mãi bởi vì không một người bình thường nào sống như thế hay nên sống như thế hay được khuyến khích sống như thế. Việc ấy chỉ kéo dài được ba hôm thì cha tôi đã nhận ra điều bất thường vì cha luôn nhận ra điều bất thường và ông hay bảo nếu ông không có biệt tài nhận ra điều bất thường thì có lẽ một điều bất thường lớn hơn - ly dị - đã không xảy đến. Cha hỏi tôi tại sao lại trốn mãi trong phòng, tại sao mấy hôm nay không ra khỏi nhà, đi đâu đó hay đi học, bởi công việc của ông khiến ông luôn ở nhà nên ông biết tôi luôn ở nhà.
“Con không muốn ra ngoài vào khoảng thời gian này, chuyện khó nói lắm!” Tôi trả lời.
Sự thật là chuyện cũng không khó nói đến thế, chỉ là tôi không muốn nói với cha bởi vì lần trước khi tôi kể cho cha nghe về người đàn bà lạ mặt và việc tôi bị quấy rối thế nào thì kết quả nhận lại thật đáng thất vọng và tôi nghĩ lần này hẳn không thể khá hơn. Nhưng việc từ chối chia sẻ này cũng không ổn bởi vì thứ gì tôi không nói, tôi bỏ trống, tôi bỏ ngỏ chính là phần mà người khác sẽ chộp lấy và tha hồ suy diễn. Và cha tôi nghĩ tôi đang mắc “căn bệnh nghĩ quá nhiều” - tôi sẽ không nói thẳng tên căn bệnh đó ra nhưng theo cha tôi thì giới trẻ ngày nay toàn mắc phải nó, thời xưa ai cũng đói nghèo, ai cũng cực khổ, rồi không có cơm ăn áo mặc, rồi còn nhỏ xíu đã phải sáng đi học chiều đi làm, rồi cha mẹ hồi xưa thường hay đánh đập con cái hơn bây giờ, rồi thế hệ trước áp lực hơn thế hệ nay nhưng họ đều sống ổn, thế mà thời này giới trẻ được ăn sung mặc sướng lại đi mắc căn bệnh đó hàng loạt.
“Giới trẻ ngày nay hở một tí là lại suy nghĩ nhiều, hở một tí là kiếm chuyện bệnh này bệnh nọ, hở một tí là doạ tự sát, lấy mạng mình ra để uy hiếp cha mẹ. Trong khi đó cha mẹ thì lo cho chẳng thiếu thứ gì, có phải bỏ lăn bỏ lóc cho đói khổ đâu mà lúc nào cũng làm như mình khổ lắm. Chỉ có tí áp lực đã than trời than đất, sau này ra đời sao chịu được những thứ khác. Áp lực của con nếu đem so thì không bằng một chút áp lực của cha đâu, con nít không thể nào có áp lực lớn bằng người lớn được, nên đừng có tỏ vẻ.” Cha tôi bắt đầu chỉ trích về việc tôi bị bệnh nghĩ quá nhiều nhưng tôi có bị bệnh đó đâu.
Tôi nói với ông rằng không phải như ông đã suy diễn, rằng tôi có lý do mới không ra khỏi nhà và việc tôi sống quẩn quanh, không tiếp xúc với ai trong mấy ngày hôm nay không phải vì vấn đề tâm lý, cảm xúc, trầm cảm, tự kỷ, suy nghĩ nhiều hay không muốn sống nữa như cha nói. Và để tranh luận một cách công bằng, thẳng thắn thì tôi còn nói thêm rằng không phải thời trước người ta không bị mắc bệnh này mà chỉ là thời ấy kiến thức về nó chưa phổ biến nên họ không biết là mình mắc phải nó và tất nhiên thời trước không được bao nhiêu người quan tâm và đi khám sức khoẻ tinh thần, vì vậy nên nhìn bên ngoài mới nghĩ là không có chứ sự thật có hay không không ai biết chắc được. Nhưng cha tôi không tham gia tranh luận vấn đề ấy làm gì.
Ông tiếp tục công kích tôi: “Người ta bị hành hạ, bị đánh đập, đau đớn khổ sở thì mới mắc những căn bệnh đó. Còn con, cha nuôi con có để cho con thiếu thốn một thứ gì không mà con lại bị mắc những căn bệnh đó? Lẽ ra con không được phép mắc phải nó mới đúng, con nên cảm thấy xấu hổ khi mình sống sướng hơn nhiều người khác mà lại mắc phải nó. Rồi người khác nhìn vào sẽ nghĩ là lỗi ở cha, họ sẽ đổ cho cha đã làm gì đó với con để con thành ra như vậy, trong khi cha cố hết sức gà trống nuôi con bao nhiêu năm nay, cha có đáng bị mang tiếng ác như thế không? Nên con phải tự nhìn lại chính mình, không có bất kỳ một lý do gì để con mắc những căn bệnh ấy hết và đừng nghĩ rằng lấy lý do tâm lý, sức khoẻ tinh thần, không muốn sống nữa để xin xỏ một thứ gì đó từ cha!”
Lại thêm một lần nữa, tôi tiếp tục giải thích rằng, đầu tiên, tôi không mắc gì hết và tôi có lý do để phải ở trong nhà vào khoảng thời gian này và nó không liên quan gì đến việc suy nghĩ nhiều hay suy nghĩ ít. Thứ hai, rút ra từ điều thứ nhất, rằng việc cha đã suy diễn quá mức, đến độ tạo cả một kịch bản ghê gớm như thế là bởi vì chính trong thâm tâm của cha cũng sợ những điều đó và có lẽ từ trước đến nay cha đã bận tâm về nó quá nhiều - về việc tôi có khả năng mắc phải căn bệnh ấy và cha sẽ bị người khác chỉ trích khi có một đứa con mắc căn bệnh ấy - và tôi cho rằng ông nên ngừng những huyễn tưởng đó lại vì nó chỉ là hành động ông tự mình hù mình. Và thứ ba, cái này thì tôi không nói thẳng mà chỉ mấp mé, rằng cha đang không hiểu đúng về những vấn đề ông đang nói vì nó phức tạp hơn những gì cha nghĩ và chúng ta đừng nên bàn về chuyện giới trẻ thế này giới trẻ thế nọ. Và cuối cùng, cái này tôi không nói ra dù mấp mé mà thay vì vậy chỉ nghĩ trong đầu, rằng không phải tôi đang bị mắc căn bệnh đó mà là cha, chính cha tôi mới là người có dấu hiệu đang mắc căn bệnh đó.
Nhưng hình như cha không nghe thấy lời giải thích của tôi, về bốn ý mà tôi chỉ nói ba ý với ông, về những giải thích mà tôi nghĩ cũng khá tường tận rồi. Ông xoa trán, nhíu mày mệt mỏi, thở hắt ra một cách bất lực, đầy vẻ khắc khổ. Ông nói có lẽ là do vụ ly dị, và do tôi giống mẹ, nên chuyện mới thành ra thế này, rằng thật khó khăn cho tất cả chúng ta khi bị rơi vào hoàn cảnh thế này và thật khó khăn cho cha khi ông phải sống một cuộc đời như thế này. Và tôi, lẽ ra sẽ tiếp tục khẳng định những điều mình đã phải khẳng định nhiều lần, chứng minh những điều mình đã cố chứng minh nhiều lần và bác bỏ những điều mình đã cố bác bỏ nhiều lần, thì tôi lại từ bỏ, bởi vì có vẻ như cha chẳng nghe thấy tôi nói gì, ông tin vào một kết luận nào đó cho rằng cuộc đời ông thật khốn khổ trong khi nó chưa đến mức đấy, và tôi có quá nhiều mối lo khác cần phải lo hơn là cứ phải nói đi nói lại một vấn đề, nên chúng tôi ngưng lại ở đó. Câu chuyện sẽ được tiếp tục khi cha nhận được thông báo đình chỉ học từ phía nhà trường gửi đến nhưng đó là câu chuyện của ngày mai, của ngày hôm sau cái hôm mà tôi bị cha gán ghép bệnh này bệnh nọ lên người vì ông thấy tôi không ra khỏi nhà đã ba ngày, và về việc ly dị, về việc tôi giống mẹ nên đời ông thật khổ sở.
***
Để dừng tình trạng có quá nhiều thứ xuất hiện và quá nhiều thứ sắp sửa xuất hiện rồi câu chuyện này sẽ tiếp tục diễn biến theo cái cách nó đang diễn biến, mà dòng chảy sẽ không dừng lại, không cho ai thở, bạn và tôi, không ai được thở. Thì nên thở một chút bằng cách tôi sẽ đi bàn về một vấn đề khác, về những điều tôi mong muốn được làm nhưng tôi đã không làm vì không làm được hoặc không được phép làm nhưng dù sao thì trong số đó lại có chuyện tôi đã làm.
Một lần, tôi đã muốn nện một cái chân nến vào đầu một người và tôi đã làm vậy thật, nhưng việc đó chưa đến và có lẽ khi nó đến thì các bạn đã quên đi lời báo trước này nên tôi sẽ nhắc lại lần hai, phòng khi nó chưa đủ ấn tượng: Tôi đã nện một cái chân nến vào đầu một người. Dù sẽ phải hơi dài dòng để kể lại tại sao tôi có cái chân nến đó trong khi quanh cuộc sống của chúng ta không có nhiều chân nến lắm.
Đó là việc duy nhất tôi đã làm nhưng còn những việc khác tôi đã không làm dù rất muốn, như đấm vào mặt ai đó, đấm vào mặt người bạn thân Đại học của tôi khi nó điện cho tôi và thông báo với một giọng điệu rất đáng để ăn đấm. Ban đầu tôi nhìn thấy tên nó hiện lên trên màn hình điện thoại, tôi đã định không nghe máy bởi vì như tôi đã kể là mấy ngày ấy tôi đang cố tránh xa hết các thiết bị thông minh. Nhưng tôi đã suy nghĩ lại và nhận cuộc gọi, bởi vì tôi hy vọng biết đâu bạn thân Đại học liên lạc để làm lành với mình sau lần tranh cãi hôm trước, rằng có thể nó đã nghĩ thông suốt và quyết định đứng về phe tôi, rằng nếu tôi bắt máy thì sẽ có thêm một người hiểu mình - bởi vì lúc ấy số người hiểu tôi ít ỏi đến mức có thêm dù chỉ một người cũng là rất đáng quý.
Ấy thế mà nó lại làm tôi thất vọng lần hai, và có lẽ bởi vì thất vọng về cùng một người hai lần nên tôi mới muốn đấm nó, và như tôi nói, đây là việc tôi mong muốn làm nhưng không làm được - vì nó đang ở nhà nó để gọi điện cho tôi và tôi không thể nào đấm vào màn hình điện thoại của mình. Bạn thân Đại học hớn hở khi thấy tôi bắt máy, nó bảo tôi:
“Mày lên mạng xem đi, người ta đang bàn tán về mày, về tội lỗi của mày. Nhiều trang báo đưa tin lắm. Cái clip người đàn bà kia quay mặt mày, mày sẽ không tin nổi đâu, nó đạt gần mười nghìn tương tác rồi và, mày sẽ không tin nổi đâu, dường như cả thế giới đang chú ý đến vụ việc này và, mày sẽ không tin nổi đâu, bài đính chính của mày cũng được thảo luận khủng khiếp. Quá ghê gớm! Giờ thì cả thế giới đang nói về nó.” Người bạn thân Đại học nói tất cả với vẻ mừng rỡ, tôi nghĩ nó đang thấy vui vì tôi đã bị nhận quả báo khi mỉa mai nó, làm nó ê mặt, châm biếm cái tư duy phản biện của nó.
Và chính cái thái độ ấy, cái thái độ mày thấy chưa tao bảo mà đáng đời mày nhé của nó là lý do chính để tôi nảy sinh mong muốn đấm vào mặt nó. Rằng nó đang vui sướng trên nỗi đau của tôi và rằng nó đang muốn ngầm bảo nó đợi ngày này lâu lắm rồi, nó đã trông ngóng và hả hê khi điều mình trông ngóng cuối cùng cũng đến.
Nhưng tạm thời bỏ cú đấm qua một bên, vì thông tin nó đem lại mới là cái đáng bàn, và bắt đầu từ đây câu chuyện lại đi vào guồng. Rằng trong ba ngày qua việc tôi trốn tránh để mọi chuyện lắng xuống không khiến mọi chuyện lắng xuống mà bằng một cách nào đó lại càng bùng lên, lan rộng ra, chiếm lĩnh mọi thứ. Dễ dàng đi đến một kết luận rằng, như bao cách tôi đã thử từ trước đến nay, cách làm lần này cũng không mấy hiệu quả. Và tại sao có nhiều người quan tâm chuyện này đến mức ấy vậy chứ?
Tôi đành phải lên mạng xem rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra trên đó. Và, đúng như câu “mày sẽ không tin nổi đâu” của người bạn thân Đại học, tôi không thể tin nổi. Không chỉ nền tảng ấy - nền tảng mà người đàn bà dùng để đăng công khai đoạn clip của tôi lên - mà trên hàng loạt các nền tảng khác, nó cũng được đăng đi đăng lại bởi rất nhiều người, hầu như ở các nơi chốn nổi tiếng trên mạng đều xuất hiện cả rồi. Nó còn được làm ra nhiều phiên bản, phiên bản đầy đủ, phiên bản một nửa thời gian, phiên bản một phần tư, một phần ba, hai phần ba thời gian, phiên bản cắt khung hình theo tỉ lệ 1:1, 5:7, 3:4, phiên bản đã được làm cực rõ nét và cả phiên bản chất lượng kém, phiên bản không quá rõ nét nhưng cũng không quá kém, phiên bản mà giọng nói của người đàn bà đã được chỉnh hơi khác, phiên bản có cả người thuyết minh, có người giới thiệu, phiên bản giọng biên tập viên nam và biên tập viên nữ, phiên bản có phụ đề, phụ đề tiếng Anh, phụ đề tự động, phiên bản có dòng phụ đề đặt ở trên, ở dưới, ở giữa, nhảy lung tung, font chữ cơ bản hay font chữ dùng cho thiết kế, font chữ có chân hay không chân, font chữ dễ đọc hay khó đọc, rồi màu sắc hay sắc độ cũng có nhiều phiên bản, chỉnh sáng lên, chỉnh tối lại, chỉnh vàng hơn, xanh hơn, đỏ hơn, cam hơn, hồng hơn, trắng hơn, đen hơn… Và nếu bạn có thắc mắc thì đúng, tôi đã xem chúng, có thể là chưa phải toàn bộ nhưng cũng đủ nhiều.
Và bài viết gốc, bài có đoạn clip do chính người đàn bà lạ mặt dùng tài khoản mạng xã hội của giáo phái của mụ đăng lên, cũng đúng như thông tin của bạn thân Đại học đã nói với tôi, bài viết đã lên đến con số mà nó nói, nhưng thay vì “gần” đạt con số đó thì lúc tôi lên xem, bài viết ấy đã đạt được rồi. Tôi truy nguyên lý do tại sao thì được biết hai ngày trước, trong lúc mình đang trong giai đoạn chờ mọi chuyện lắng xuống, thì có một trang lớn chia sẻ đoạn clip này, rồi bởi vì trang mạng ấy có số người theo dõi rất khủng nên số người biết đến đoạn clip cũng nhiều hơn và nó trở thành một hiện tượng. Nhưng câu hỏi là chuyện này tốt hay xấu? Vì nghe có vẻ xấu nhưng thật ra theo tôi toàn bộ diễn biến lại tốt - ít nhất là theo một nghĩa nào đó.
Bởi vì những bài chia sẻ, đăng lại, cắt ghép đã biến đoạn clip này cùng mấy lời của người đàn bà lạ mặt - mà tôi xin không nhắc lại những lời đó vì đã nhắc quá nhiều lần rồi - lại được xem như một trò đùa và ừ thì đúng là nhìn theo ở một góc độ nào đó chúng buồn cười thật. Và thế là họ chia sẻ chỉ để cười, vì họ thấy đoạn clip và những gì diễn ra trong clip thật vui nhộn, kỳ quặc và “giải trí”.
Tôi mừng khi họ thấy vậy, dù khuôn mặt tôi, biểu cảm của tôi vẫn lù lù ra đó, trưng ra cho thiên hạ thấy, nhưng ít nhất thì cũng có đông đảo người nhận ra mọi thứ thật “vô lý” và “nực cười”, nhận ra đây là một chuyện “không nghiêm túc”. Họ đồng ý rằng người đàn bà này bị điên rồi và họ cười vào cái vẻ mặt lờ đờ, hoang mang, bực bội và cáu bẳn của tôi vì đêm trước cái hôm tôi bị người đàn bà lạ mặt chửi lên đầu lên cổ tôi đã bị mất ngủ và rằng chuyện xảy ra đáng để tôi cáu gắt. Có người còn nghĩ đoạn clip này là dàn dựng để gây hài, hoặc có thể là từ một cảnh phim nào đó, một đoạn clip trôi nổi vô nghĩa nào đó đã tồn tại lâu rồi nhưng đến giờ mới chợt bị đào bới lên, rằng họ buồn cười cho tình huống đã diễn ra và đối với họ đây chỉ là một câu chuyện hài hước thoáng qua, nó sẽ chìm nghỉm trong bao nhiêu thứ buồn cười và giải trí khác trên mạng. Có một số trang bắt đầu chế ảnh, nội dung đủ thứ và chủ yếu là gây cười để thu hút tương tác. Và thông tin từ bạn Đại học của tôi lại đúng, họ đang bàn tán ầm ĩ cả lên về câu chuyện, rằng bao nhiêu phần trong đó là đáng tin và bao nhiêu phần là không dù chuyện chẳng có phần nào đáng tin hết.
Tuy đúng là mọi thứ vẫn chưa lắng xuống như ý tôi, mà ngược lại nó càng bùng nổ hơn, nhưng tính chất sự việc đã chuyển biến khác hẳn. Càng lan rộng thông tin càng phức tạp và nhiều luồng ý kiến xuất hiện, vì thế mà tất cả họ không còn quá chăm chú vào tôi nữa.
Tôi tưởng câu chuyện đến đó là kết thúc, rằng từ nay về sau khi đi ngoài đường có thể sẽ có ai đó nhận ra tôi nhưng chỉ đến mức ấy thôi, nhận ra và không có gì đằng sau cái việc nhận ra đó. Nhưng không, chuyện không kết thúc, hoặc ít ra thì thời điểm ấy không phải là thời điểm chuyện có thể kết thúc. Lại thêm một bước ngoặt khác trong rất nhiều bước ngoặt, bước ngoặt mà khi bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ nó còn quan trọng hơn cả bước ngoặt tôi gặp người đàn bà trên chiếc xe buýt số 40, nhưng ít quan trọng hơn một bước ngoặt khác - nhưng tôi sẽ kể sau vì nó xảy ra sau. Nhưng về cái bước ngoặt lần này, tôi cũng sẽ kể sau vì nó xảy ra vào ngày hôm sau, sau chuyện cha tôi nhận được thông báo đình chỉ tạm thời của trường Đại học, tất nhiên là đình chỉ tôi, như đã biết.
Ngày hôm sau, cha tôi, với chiếc điện thoại hiện lên cả một tràn tin nhắn từ trường Đại học của tôi, nói về việc tôi đã gây ra những gì, những tội lỗi của tôi và quyết định đình chỉ học tạm thời tôi để bảo vệ cho môi trường học tập cũng như công tác của người khác được suôn sẻ thuận lợi, không bị quấy nhiễu, không gặp những phiền phức không đáng. Cha trầm trồ bởi vì ông nhận ra đây là tất cả vấn đề - trong khi nó không phải tất cả - về việc tại sao tôi lại ru rú trong nhà mấy hôm nay như một người mắc bệnh “suy nghĩ nhiều”. Thì ra nó đơn giản là bởi vì tôi đã bị đuổi học - ông nói, dù tạm thời nhưng vẫn là đuổi học - nên tôi mới ở nhà suốt, mới bệnh này bệnh nọ. Và ôi, đến bây giờ cha càng chắc chắn vào việc tôi giống mẹ, giống cái tính ngang ngược, ngoan cố, cố chấp, thích gây rắc rối, thích gây chuyện, thích làm khổ sở người khác, luôn đặt lợi ích cá nhân mình lên trên người khác - gọi tắt là vị kỷ - hay những thói xấu khác mà tôi không thể nhớ hết được.
Và tất nhiên là tôi đã định kể với cha về tất cả, về những việc đã xảy ra, những việc kỳ quặc, vô lý, oan ức đã dẫn đến cái thông báo đình chỉ này, về người đàn bà lạ mặt xuất hiện trong trường tôi, về người bảo vệ có ác cảm với tôi vì bác nghĩ tôi khinh thường bác trong khi tôi không hề như vậy, về các thầy cô giáo không đứng về phía tôi trong khi lỗi không nằm ở tôi. Nhưng lúc ấy tôi chợt nhận ra, rằng cha tôi cũng không đứng về phía tôi nốt. Điều đó chứa đựng một số ý nghĩa nhất định. Nên là tôi không kể.
“Con làm nhục mặt cha, làm cha thất vọng. Con được nuôi nấng và lo lắng cho không thiếu thứ gì, sống trong điều kiện tốt thế này thì lẽ ra con không được phép thất bại, không được phép học tệ, không được phép sai. Con phải luôn đúng, luôn tốt, luôn hoàn hảo, luôn ngoan ngoãn bởi vì con sống tốt hơn những người khác, con sung sướng hơn những người khác.” Cha tôi, để dẫn chứng cho việc tôi tồi tệ thế nào, bắt đầu nói về việc ông là một người cha tốt ra sao.
Và nhân dịp hiếm hoi ngàn năm có một, cha mượn chuyện này để chê trách mẹ tôi, vợ cũ của cha, như thể cha không còn cách nào khác để trả đũa mẹ ngoài cách trút tất cả lên tôi. Và rằng cuộc đời tôi tiêu tùng rồi, nếu tôi không muốn đi học thì cha sẽ không lo cho tôi đi học nữa, và sau đó chuyện sống chết của tôi thế nào là tự tôi lo lấy và cha nhận định việc này đã vượt mức, đã quá quắt, quá giới hạn, quá mức chịu đựng, quá mức chấp nhận nên ông sẽ mặc kệ.
Vì nhận thấy mọi chuyện đã đến điểm nguy hiểm, nghĩa là liên quan đến chuyện đi học, chuyện tương lai, chuyện tiền bạc hay những lo lắng về tiền bạc nên tôi đành phải biện minh cho mình. Tôi đành phải kể lại chuyện gì đã xảy ra, diễn giải từng lý do được nêu trong nội dung tin nhắn từ trường Đại học của tôi, dù ban đầu tôi đã không muốn nói và vì cha mà tôi không muốn nói. Song cha tôi gạt phắt:
“Lại chuyện đó nữa, lại người đàn bà đó và chuyện con không xuống xe buýt. Chúng ta đã nói về vấn đề này rồi. Quá rõ ràng! Lỗi hoàn toàn là tại con! Con đã tự chuốc hết rắc rối về phía mình nên bây giờ phải lãnh hậu quả.” Cha tôi vẫn như thường lệ chỉ trích tôi.
Thế là tiếp tục câu chuyện về việc tôi không xuống xe buýt vì chưa đến trạm cần xuống là một tội lỗi lớn hơn việc người khác quấy rối tôi, và những bằng chứng chứng minh việc mẹ tôi không hề tốt đẹp, bởi vì xác nhận việc mẹ tôi không phải một người tốt đẹp là một cách chứng minh cha là một người tốt đẹp. Rằng việc mẹ bỏ cha mà đi là một sai lầm bởi vì tại sao một người không tốt đẹp như thế ấy lại bỏ rơi một người tốt đẹp như thế này. Và cuối cùng, cha kết thúc ý ông là tôi nên đối mặt với hậu quả mình gây ra “như một người đàn ông” và có trách nhiệm với cuộc đời mình bởi vì tôi lớn rồi và cha không thể lấp liếm cho tội lỗi của tôi cả đời được.
***
Lúc ấy, tôi nghĩ dù sao thì niềm an ủi lớn nhất của tôi là vấn đề quan trọng nhất, khó giải quyết nhất đã được giải quyết, nghĩa là những người không quen biết tôi đã chịu tha cho tôi và biến câu chuyện tố cáo tôi với cộng đồng mạng của người đàn bà lạ mặt đi theo hướng ít phải lo lắng hơn - theo hướng biến mọi thứ thành một trò đùa. Nhưng ngay tối hôm đó, nghĩa là cái hôm cha tôi nhận được tin báo rằng tôi bị đình chỉ học tạm thời và cũng là cái hôm sau hôm bạn thân Đại học điện tôi và tôi muốn đấm vào mặt nó, niềm an ủi duy nhất ấy của tôi cũng biến mất.
Một tài khoản tương đối nổi tiếng đã đăng một bài viết. Trong bài viết này, người ấy tự hào rằng mình “đã theo vụ này từ đầu đến cuối nên đã tường tận mọi chuyện, đã hiểu rõ đến gốc rễ mọi chuyện và hơn ai hết có quyền lên tiếng về sự thật”. Người lạ mặt đó liệt kê tất cả những tội lỗi của tôi, những tội lỗi được đăng lên mạng và, thật đáng sợ, cả những tội lỗi không hề được đăng.
Nào là tiếp cận gái nhà lành, nào là khi được người khác ngỏ ý giúp đỡ thì tỏ thái độ vô ơn, nào là lấy sách ra đặt lên bàn nhưng không đọc mà bấm điện thoại, làm màu, khinh thường nghề nghiệp của người khác, bị đình chỉ học tạm thời và quan trọng nhất là có khả năng thuộc vào thành viên của nhóm này nhóm nọ nhóm kia, bè phái này bè phái nọ bè phái kia. Rồi người đăng bài cho rằng chỉ cần phạm một trong các tội lỗi trên thì tôi đã đáng bị lên án rồi chứ nói gì đến việc tôi có giết người hay không, lời cáo buộc của người đàn bà đã không còn quan trọng nữa vì dù tôi không đúng như những gì mụ nói thì tôi vẫn là người xấu. Nhưng vấn đề là, danh sách này tuy tập hợp đầy đủ đấy, nhưng tôi có làm gì trong số đó đâu. Và hơn hết, tất cả những tội lỗi này đều là do bị suy diễn, bị hiểu lầm, do chuyện rắc rối với người đàn bà kia mang lại, đều là lộn sòng giữa cái đúng và sai, cái thật và giả. Cảm giác như thể tôi chỉ cần ngồi yên và hít thở cũng bị quy tội bởi vì không biết người khác có thể suy diễn ra được gì từ hành động hít thở ấy của tôi.
Tiếp theo, người viết bài bảo rằng mình không có ý gì đâu nhưng mọi người không nên xem chuyện này là một trò đùa, bởi vì giết người không phải là một trò đùa và vụ việc này nghiêm túc hơn mọi người nghĩ. Mọi thứ nên được xem xét một cách sáng suốt, và bởi vì người viết không chứng kiến mọi việc nhưng đã theo dõi vụ này qua màn hình máy tính kể từ lúc nó nổ ra nên người ấy xác nhận mình hiểu rõ tường tận tất cả và có quyền lên tiếng tố cáo tôi.
Thế là nhân danh pháp luật, nhân danh đạo đức xã hội, nhân danh những thế hệ trước và thế hệ mai sau và thế hệ hiện tại, người viết bài yêu cầu pháp luật phải nhúng tay vào việc này vì nó không đơn giản như mọi người đang nghĩ đâu, mọi người đừng để bị dẫn dắt.
Bài viết này đã chuyển hướng dư luận hoàn toàn, có những người cũng đồng tình, ừ tôi cũng thấy vậy nhưng mấy hôm nay không dám nói, ừ tôi cũng thấy mặt thằng này gian lắm nhưng không dám nói, ừ tôi cũng thấy chuyện này đáng ngờ nhưng không dám nói, ừ tôi cũng nghi lắm nhưng không dám nói. Chưa kể, việc tôi bị đình chỉ học làm những người muốn đứng về phe tôi cũng không đứng được và những người không muốn đứng về phe tôi lại càng chắc chắn hơn về quyết định của mình. Họ cho rằng việc tôi bị đình chỉ học chứng tỏ được nhiều điều, rằng tôi cũng phải xấu xa thế nào đó, tệ hại thế nào đó và từ việc này suy ra tôi có khả năng đã giết người, và việc tôi có vấn đề liên quan đến sự phức tạp của chính trị cũng dẫn đến việc tôi có khả năng giết người. Và có quá nhiều điều khẳng định tôi có khả năng giết người nên không cần bằng chứng nữa, tôi chính là kẻ giết người, đã quá đủ điều kiện và quá đủ lập luận rồi.
Phản ứng lần này thật sự rầm rộ, thật sự đáng sợ bởi vì những trang báo lớn, những trang mạng lớn đã nhảy vào đưa tin. Những trang báo uy tín và lâu đời cũng dấy lên nghi hoặc, những trang báo lá cải thì càng dựng lên nhiều bài viết với tiêu đề giật gân, bẻ lái dư luận theo đủ đường. Và với sức mạnh cộng đồng mạng như thế, mọi thứ ban đầu đã đi quá xa giờ càng được đẩy ra xa tít tắp. Đến cả những kênh không liên quan cũng mượn chuyện này để câu tương tác, cố tình nhắc khéo trên các bài viết: trang báo khoa học thì phân tích tâm lý thế hệ trẻ ngày nay, trang báo thời trang thì lấy gu ăn mặt của tôi trong những bức ảnh, đoạn ghi hình để phân tích và đề xuất cách ăn mặc cuốn hút hơn cho các chàng trai thấp bé nhẹ cân… Mọi thứ bị cuốn vào một vòng xoáy không hồi kết.
Trong khi tôi còn đang chới với, ngộp thở vì bị tấn công từ quá nhiều phía như vậy thì có một tiêu đề bài viết đập vào mặt tôi, đánh gục tôi hoàn toàn. Bài viết nói về việc tôi sống trong một gia đình không hạnh phúc, có cha mẹ ly dị nên tôi phạm pháp cũng là điều dễ hiểu.
2 Bình luận