CHƯƠNG 3
Trong khu rừng xộc xệch của trí nhớ rải rác mà mỗi kỷ niệm là cây thông, tôi đã luôn là con sóc nhỏ vĩnh cửu săn lùng những hạt dẻ tình yêu. Nó là gì mà khó tìm vậy? À, là rừng thông mà. Làm gì có hạt dẻ? Nhưng tôi vẫn tìm, không rõ vì sao.
Sao cũng được, nhưng tôi thực lòng không hiểu cho lắm vì sao mẹ cứ gọi tôi là Hạt dẻ. Soi gương tôi đâu nghĩ mình giống hạt dẻ chỗ nào. Hạt dẻ thì bị động lắm. Đời nào tôi lại chịu làm hạt dẻ bị động đâu? Phải gọi tôi là Sóc - thú săn hạt dẻ - mới phải.
Dù cả cuộc đời đến tận thời điểm đó, các quyết định quan trọng có lẽ đều không phải do tôi. Trong một xã dân chủ thì một lá phiếu không hề có tiếng nói, một cây thông gãy sẽ không làm động khu rừng, và có lẽ còn khó thay đổi hơn là số mệnh con người sinh ra đã là một quả thông sần sùi, phát triển thành một cây thông chỉ biết đứng ở chỗ đã định sẵn, để cuối cùng người ta đốn mất.
Phiên bản nữ tính hơn của quả thông, tôi đã là quả hạt dẻ từ hồi nhỏ rồi. Từ cái hồi thủy tinh thể non nớt của tôi còn đục như cái đít chai mà bố dẫn mẹ con tôi đi chơi biển phương Nam rồi. Giờ tôi nghĩ lại thì chẳng thà họ đừng đi thì hơn. Vì bố sẽ chẳng nhìn thấy những con tàu, ông sẽ chẳng uống rượu trong một tửu quán chật ních thủy thủ, và chẳng vì bản tính hoạt bát của mình mà bắt chuyện với họ, rồi cuối cùng, nhất định sẽ chẳng bao giờ bỏ gia đình, du ngoạn biển. Cậu biết không, đây không phải lần đầu tiên tôi đặt chân xuống ga này, rồi vào thị trấn cạnh ga đằng kia. Họ đã ẵm tôi đến đây một lần, cũng trên con tàu này, cũng vì một sự cố tàu. Khi ấy tôi còn quá nhỏ, chẳng nhớ được gì đâu, thành thử toàn bộ câu chuyện tôi toàn nghe mẹ kể lại, chứ trong đầu tôi chẳng còn sót một kỷ niệm nào về cái thị trấn ven núi này trong quá khứ cả.
Có lẽ với bà, cũng chẳng có gì đáng nhớ. Vì đâu có con gấu nào giật tôi từ vòng tay bố, cũng không có con sóc nào ám sát mẹ cả. Thành ra cũng không có gì ngộ đời đâu mà đáng nhớ. Hồi đó, chúng tôi bắt tàu từ sáng sớm và vì tôi hồi nhỏ bám bố hơn là mẹ, nên ông khi thì bế tôi trên ngực, khi thì cõng trên lưng. Trong khi đợi tàu sửa thì họ nghỉ tạm ở thị trấn gần ga. Ông dụ tôi uống sữa bò thay vì mẹ tôi. Tôi ở cái tuổi đáng lẽ phải bắt đầu ăn rồi mới phải, nhưng mà tôi còn làm nũng quá (hệt bố nó vậy! mẹ cười) nên tính ra tôi cũng già đầu rồi mà vẫn còn uống sữa. Bú được một ngụm và ngộ ra tôi vừa bị lừa bởi hai đấng sinh thành của mình, tôi nhõng nhẽo khóc rống lên. Ứ chịu đâu! Tôi muốn sữa mẹ cơ! Dưới biển phương Nam cơ! Vừa bú sữa mẹ vừa ngắm biển cơ!
Được rồi, được rồi, là tôi bịa. Hồi đó chắc tôi chẳng suy nghĩ vậy đâu. Hồi đó tôi nghĩ thế nào chắc có trời mới rõ. Nhưng nghe mẹ kể thì có lẽ tôi cũng say tàu, nên mặt màu xanh như tàu lá chuối, thành ra vừa khóc tí đã đừ rồi, nín thinh, nằm im lìm, thoi thóp trong lòng bố. Chắc khi đó tôi cũng chưa đói, hoặc càng uống vào càng khiến ruột tôi buồn nôn nên thôi. Cuối cùng thì tôi không nôn, nhưng họ lo cho tôi quá, nên dù trục trặc nhỏ trên tàu cũng sửa xong rồi nhưng họ vẫn nghỉ qua đêm. Cha mẹ còn thừa ngày phép dành dụm cả năm nên có ở lâu một, hai ngày cũng không sao đâu. Hồi đó họ còn thiếu thốn tiền nong, công việc cũng ngập đầu, thành ra lâu lắm mới đi chơi xa được như vầy. Cũng chẳng dám mướn nhà nghỉ đắt, nhưng hồi đó ở thị trấn Lamb chưa cải tạo thành một khu resort, chưa trồng resort, nên dù có có tiền cũng không có chỗ nào đàng hoàng mà thuê?
Nằm ngủ trên bụng ông một lát thì tôi đỡ hẳn, trên mặt nở ra những bông hoa những hồng hào, rồi một hồi sau bụng tôi lại đói. Sữa mẹ cũng được, nhưng sữa bò thì không. Chỉ có bò con mới bú sữa bò, chứ tôi là con người, có ngón tay ngón chân và trí khôn đầy đủ thì sao phải bú sữa bò? Thực tình hồi trẻ con tôi nghĩ lũ bò nên đi chết hết đi. Chúng ăn hết cỏ xanh, làm thế giới ngột ngạt khí nhà kính, làm thủng tầng ozone. Thịt chúng thì dai như cao su. Bây giờ thì không còn nữa. Không rõ do tôi lớn thì răng cũng mọc dài, cũng không rõ có phải do gia đình khá giả hơn mà thịt chúng không còn dai nữa. Những lý do hồi nhỏ tôi ghét chúng cũng thành ra ngớ ngẩn. Cho nên hiện giờ tôi không còn mối thù truyền kiếp nào với lũ bò và sữa của chúng nữa cả, bằng chứng là sữa trong những cốc cà phê nâu tôi uống hằng ngày cũng từ lũ súc vật bò mà ra.
Một con rắn nhỏ vừa trườn khỏi cửa ga sẽ thấy một con đường ngoằn ngoèo biên giới của hai vương quốc thực vật. Tay phải là sườn núi phủ xanh trầm một màu rừng thông, còn tay phải là rừng hỗn hợp, lẫn những khóm, những tán cây màu cam, vàng, hoặc đỏ. Khí hậu mé núi đủ lạnh cho lũ thú bản địa mọc lông. Trèo khu rừng lá kim bên tay phải sẽ dẫn lên dãy núi Abraham, càng lên cao cây cối càng thưa, rừng càng trọc, sương càng mỏng, không khí càng loãng, và thú quỷ càng nhiều. Từ cổng ga, rắn con ngoi đầu sẽ trông được từ đằng xa, đỉnh Isaac gồ gồ, cong cong trong sương núi, trông giống lưng những con uyển long.
"Con đường sẽ dẫn đi đâu?" - rắn ta hỏi.
"Thị trấn Lamb. 500m!" - một biển chỉ dẫn cắm ngoài cửa ga niềm nở đáp.
"Thị trấn Lamb có gì? Có vui chăng?" - rắn con lưỡng lự.
"Resort 5 sao. Sữa ngon. Cà phê tuyệt vời. 500m!" - một biển chỉ dẫn khác réo lên.
Sau đó, nếu trườn một đoạn dài dọc theo con đường quanh quanh như tranh vẽ rồng và không bị cám dỗ bởi hai cánh rừng hỗn giao nhiều sóc xám, rắn con sẽ đặt bụng đến được thị trấn Lamb. Cơ, cùng họ với loài trăn lười biếng mà, hẳn rắn con sẽ bị mấy động cơ chạy bằng hạt dẻ kia cám dỗ rồi sau một, hai cuộc săn sóc, đánh chén phủ phê sẽ nghĩ khu rừng này sao mà no sóc quá... À ha! hay là mình sống cả đời ở đây luôn!
Tôi thì không phải con rắn, thành thử không rẽ vào mà thả ván trượt xuống, chân lùa lùa lướt trên con đường mà mười bảy năm trước, ẵm con sóc bự chảng là tôi ngủ lì bì trên ngực, bố dắt mẹ dẫm trên những phiến đá màu ghi, hình lá hoa súng (giống đầu pacman,) thay vì nhựa đường láng o như hiện giờ, vào cái thị trấn mé núi đằng trước. Đột ngột giữa đường, mẹ sà qua cánh rừng bên phải, lượm một hạt thông từ một gốc cây đứng ở tiền đồn quá lộ liễu để các đôi uyên ương đang hưởng tuần trăng mật xăm tên mình, dấu cộng ở giữa, hình trái tim bao quanh, lên ngực cây.
"Vợ siêng năng của anh, bọn mình là con người, không nên giành ăn với loài sóc! Không đêm nay một ông sóc già sẽ phải nhịn đói đấy!" - ông đùa.
"Quý tử sóc của lão sẽ nghĩ ra cách!" - mân mê hạt thông, bà cười tinh nghịch, ở độ tuổi mà bà còn được phép cười tinh nghịch. Rồi bà dúi hạt thông vào lòng bàn tay nhỏ xíu của tôi thì nó siết chặt hệt đang nắm một cái bùa trừ tà bằng gỗ.
"Hay mình đặt biệt danh con là Sóc nha?" - đôi con ngươi màu xanh quý tộc của bà chợt lóe lên.
"Sóc nghe hơi bị con trai quá nhỉ? Anh thích Hạt Dẻ hơn. Hạt Dẻ em thấy như nào?"
"Hạt Dẻ sao? Hạt dẻ quả là đáng yêu hơn là Sóc."
Rồi bà bảo với tôi:
"Từ nay, ở nhà, mẹ sẽ gọi con là Hạt Dẻ. Trên trường học cũng gọi con là Hạt Dẻ. Mẹ sẽ gọi con là Hạt Dẻ vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, tối. Ngay cả trên khai sinh, mẹ cũng sẽ đổi tên con thành Hạt Dẻ, con nhé!"
Xong bà cười khúc khích khó hiểu. Không có ai bị đổi tên thành Hạt Dẻ cả. Và dường như trong khu rừng của ký ức bà, những bước chân trên con đường dẫn đến cái thị trấn trung gian bên sườn núi này dường như không có gì đáng lưu niệm, thành thử bà cũng quên bẵng là từ bao giờ đã gọi tôi bằng cái biệt danh Hạt Dẻ, cũng chưa hề kể với tôi những câu chuyện này bao giờ. Thành thử đến tận ngày bước qua cổng ga, lạo xạo trượt trên con đường rải rắc cành vụn, vỏ hạt bị sóc cắn nham nhở vào ngày hôm nọ, tôi vẫn tin rằng bản thân chưa từng chạm tay vào bất cứ quả thông nào trong đời.
CHƯƠNG 4
Tôi lánh nắng trong tửu quán ở đầu thị trấn. Ban ngày thì tửu quán phục vụ cà phê, buôn sữa là chính, rượu cũng bán nhưng ít ai gọi, vì ai cũng phải đi làm mà. Phải chiều chiều thì khách đến uống rượu mới đông. Họ hầu như là dân trong thị trấn, trời nhập nhoạng thì ghé uống lai rai chừng một, hai cốc, xã giao, chuyện trò với đồng hương là chính. Cũng có một ít lữ khách nghỉ chân ở tửu quán, người thì chờ tàu, người mua sữa bò về uống dần, biếu, bán, vì sữa bò Lamb ngon nức tiếng, nghe bảo ngon số một Eden rồi.
Chẳng ai hiểu làm sao lũ bò sống được trên thị trấn này nữa. Ở cái chỗ khỉ ho cò gáy, Eden ôn đới mùa đông rét đã đành, Lamb trên sườn Abraham còn rét hơn. Rồi rừng thì toàn lá kim, hiếm hoi mới giẫm trúng một cọng cỏ, thành ra chẳng ai hiểu được bằng cách nào mà họ làm được cái phép mầu là nuôi được bò ở cái chỗ khắc nghiệt như này. Song cũng vì lẽ đó mà sữa vắt từ lũ bò có hương thơm dịu dàng, thanh nhã rất đặc trưng.
Hai ngày hôm sau, tôi hỏi anh Juozas chỉ bí kíp nuôi bò. Vì tôi cũng không nuôi nhưng tò mò, cũng không phải mật gián của phe đối thủ, nên bí mật sẽ an toàn trong miệng tôi. Anh hỏi tôi có nghe chuyện nàng tiên ống tre bao giờ chưa? Rồi phải không? Ừ thì vào cái hôm về cung trăng, nàng tiên trao cho nhà vua một viên thuốc trường sinh. Nhưng nhà vua không uống mà đốt cùng một bức tâm thư sến súa trên đỉnh núi cao nhất Eden, đỉnh Isaac. Hồi đó, một con bò bò ngang qua vô tình hít làn khói vô thành ra trường sinh, thành bò tinh, sau đó sinh ra những con bò tiên mập ú, hồng hào dù là trên các lãnh nguyên núi cao dãy Abraham. Anh Juozas hên hên vơ được chục con về nuôi. Chúng nó cho sữa tiên hảo hạng, mùi thơm như mặt trăng lỏng.
Tất nhiên tôi không tin vào lời kẻ ăn cắp truyền thuyết Juozas rồi. Đồ chôm chỉa Juozas thì tôi hỏi cái gì cũng chế ra những câu chuyện hoang đường, rõ mê tín, có muốn cũng chả tin được mà thôi. Và trăng chắc gì đã ngon? Giả dụ một phi hành gia đem một cục đá từ trên cung trăng về thì tôi cũng chả dám bỏ cục đá đó vào mồm đâu. Hôm đó, trong quãng thời gian trông bò tẻ nhạt, giữa lúc chờ nướng thịt, tôi với anh Juozas cãi nhau xem trăng nó nếm ra làm sao. Và tùy vào thời điểm tranh cãi vào buổi sáng hay buổi tối mà cả hai sẽ đưa ra những kết luận khác nhau. Buổi sáng thì trăng nếm vào sẽ như đá: có khi mặn, có khi đắng. Còn vào buổi tối thì, cậu biết đó, khi người ta bảo là nếm trăng không có nghĩ là sẽ liếm trăng. Hương vị của trăng là hương vị của toàn thảy những truyện cổ tích có trăng. Trăng sẽ có mùi bánh giầy của lũ thỏ ngọc, có mùi cây thuốc quý bay lên trời, đôi khi cũng có mùi thơm của chú cuội sức dầu thơm sửa soạn đi date.
Dân đen Juozas cũng kể tôi nghe nhiều về thị trấn Lamb. Trước kia Lamb là ngôi làng sơn cước, hẻo lánh. Anh Juozas cũng chỉ nghe phong thanh thế thôi chứ cài hồi ảnh đến, Lamb cũng đèn đóm, điều hòa, lò sưởi, xe cộ... kha khá rối.
Những năm gần đây kinh tế Lamb mới thực sự bùng lên như nồi nước sôi. Người ta xây các resort nghỉ dưỡng trên sườn núi, lẫn trong rừng thông, náu trong những hang động, view xuống con đường hình vòng cung Moses ngạo nghễ xẻ Lamb thành hai nửa: đông Lamb và tây Lamb. Họ dẫn những con suối khoáng từ trên đỉnh Isaac xuống thành các bể rồi đun lên, pha dược liệu vừa đủ cho thơm, rồi dựng tường, vách xung quanh, lợp ngói, dẫn điện... thành các suối nước nóng nhân tạo. Chỉ trong mười năm, Lamb từ một vùng thôn quê cho khỉ sống thành một thị trấn biệt lập cho khỉ nghỉ dưỡng. Sau có đông khách rồi thì có thể lập khế ước với những chuỗi cửa hàng thời trang, thực quán, dịch vụ giải trí...
Rahoul chỉ cho tôi một salle d'évasion (escape room nhưng họ gọi thế cho nó sang) đang xây trong một góc Lamb. Những trò chơi như này sẽ thu hút người trẻ, đông người trẻ sẽ thu hút người trưởng thành, người già... Vì lớn rồi chả ai chơi nữa đâu, nhưng nhìn người trẻ cỡ tuổi cậu với tôi đến chơi đông cũng là cái thú. Nhưng quan trọng phải là chơi những trò chơi trí não, cần sự nghiêm túc, nhưng vẫn vui. Vì thanh niên đến chơi những trò cần sự động não đa phần là thanh niên có học thức, lịch sự. Một Lamb đông những người trẻ, thành niên lịch sự sẽ quyến rũ với giới thượng lưu hơn một Lamb không có một mống trẻ nào cả. Dĩ nhiên những người trẻ ngổ ngáo, ồn ã cũng sẽ kém quyến rũ.
Còn là thanh niên, tôi không hiểu nổi cậu nói gì nữa. Rahoul cười phì. Cậu cũng chả hiểu nữa! Ông Raymond nói sao thì cậu hiểu thế thôi, chứ những chuyện này thì cậu có kinh nghiệm, hiểu biết gì?
Chỉ có con đường Moses là có tên thánh, do triều đình gán tên, vì con đường này dẫn từ trên Bắc xuống tận phía Nam nên không thuộc về bất kỳ thành phố nào hết, do đó cũng không có quyền đổi tên. Ngoài ra thì những con đường khác ở Lamb thì được gọi theo những cái tên mỹ miều của các vị tổ tiên khai thiên lập trấn. Nhất định không có con đường nào tên Raymond cả, dù người dân đã cố nài nỉ nhưng một khi ông còn sống thì không việc gì phải tưởng nhớ ông cả, ông vẫn còn là con người bằng xương bằng thịt thì có phải một cái tượng, một con đường, một trái núi mà gọi. Cứ điện cho ông là được rồi, ông bảo, vì mọi người chung quanh đều là máu mủ của ông chứ có phải người dưng nước lã gì đâu.
Cà phê Nissan cũng mọc một chi nhánh ở Lamb, nhưng chỉ giành được một cái hốc be bé cách chỗ đài phun nước ngay quảng trường trung tâm một ngã tư. Ngày đầu đến Lamb, rẽ một ngã đường khác, tôi không gặp một Nissan nào nên nghĩ rễ nó chưa vươn đến Lamb. Nhưng đến ngày hôm sau thì tôi cũng vào uống thử một cốc xem có khác gì ở thủ đô không. Cùng một loại cà phê, nhưng sữa thì nhạt hơn, và có mùi hương của nhiều phức cảm. Hình như họ dùng sữa của Lamb luôn, nhưng rõ ràng không còn mang mùi thơm đại trà của cà phê chuỗi mà là hòa trộn của nhiều mùi thơm, khá lộn xộn, khá rối. Hình như họ chưa chinh phục được sữa Lamb. Sữa và cà phê còn chưa phối hợp nhịp nhàng. Hình như chi nhánh ở Lamb còn trẻ và còn nhiều yếu tố chưa thuần thục, cần tinh chỉnh.
Sữa ở đâu cũng chỉ cần đổ sữa vô là ổn, nhưng sữa ở Lamb thì quá tinh quái, quá khó xử lý. Thứ sữa bị nguyền rủa. Rõ ràng là một lời nguyền. Cậu bé chăn bò Juozas rõ ràng đã yểm cái gì đó lên những con bò, thành thử chúng mới sống được trên miền khí hậu lạnh. Thành thử sữa chúng mới có mùi thơm quyến rũ; như mọi thứ đẹp đẽ ở Eden này. Chỉ có lời nguyền mới khiến chúng đẹp đẽ.
Lời nguyền thì vô phương cứu giải rồi. Chỉ bao giờ Juozas chỉ rõ những nghi thức thì mới làm theo được. Hoặc tìm ra ngôi đền nơi Juozas tìm ra, hoặc quyển cổ thư, phiến đá chỗ Juozas đọc về lời nguyền thì may ra. Do đó sữa Lamb có một mùi đằm thắm, rất riêng mà không nơi nào nhân bản nổi.
Có khi đó là mùi của nỗi hổ thẹn. Ngụm sữa đầu tiên tôi nếm là trong cốc cà phê sữa vẫn còn dư âm của nỗi hổ thẹn trên toa tàu ban nãy và tôi đang bồn chồn ngồi đợi tàu sửa xong trong tửu quán. Trưa hôm đó, vừa xuống tàu thì tôi chỉ nghĩ đến chuyến tàu kế bao giờ khởi hành nhỉ? Tôi bị quê, cậu hiểu chứ?
Nhưng đột nhiên người trưởng tàu, y phục đen, đẩy cửa vào tửu quán thì tôi đã lờ mờ đoán là tàu phải dừng trong quãng thời gian dài. Chuyến hành trình của tôi vừa gặp sự cố và có lẽ tôi nên lựa lời báo với mẹ đi là vừa, vì kiểu gì cũng sẽ không về được trước giờ ngủ ban đêm. Ông chú trông quầy đột ngột đứng lên, giương tay lên trán làm động tác chào thì bác trưởng tàu cũng chào đáp lễ. Họ biếu cho nhau những nụ cười già cỗi, nhân hậu của những người đồng đội cũ.
Đã lâu lắm rồi thầy trò họ mới được hội ngộ, ông chú niềm nở vòng ra khỏi quầy. Họ ôm nhau, bác trưởng ga vỗ vỗ lưng ông chú chủ quán, cái thằng ngày xưa đi lính cùng. Sau này nghe Rahoul kể tôi mới hiểu là hồi còn trẻ, đầu tiên họ từng là thầy trò trong một võ môn cũng nổi tiếng. Hồi chiến tranh thế giới nổ ra thì họ cùng tòng quân, bác trưởng tàu sau một số trận thì giao chỉ huy tiểu đoàn hai, còn ông Berenger chủ quán thì quản một trong những đại đội dưới trướng bác trưởng tàu.
Đi lính một thời, rụng mất một chân nên thời bình, người thầy cũng không còn tái xuất giang hồ trong môn võ nặng về đòn đá của mình nữa, đành giải tán ban hội luôn. Với chiến tranh vừa xong, nói đến đánh đấm là người ta sởn gai ốc, né như né tà chứ ai đâu mà muốn học võ làm gì nữa. Ai ai cũng muốn hữu nghị làm ăn nên các võ đường gần như tuyệt chủng cả, nhiều môn võ cũng do đó mà vào danh sách đỏ.
Hầu hết các lứa học trò trong võ đường ngày đó giờ toàn sống ở Lamb cả. Giặc thì không còn, đánh cũng không cần đánh nhưng tình nghĩa thì khó dứt, nên họ tranh thủ làm ăn gì cũng làm ăn chung luôn. Lamb là quê của ba người trong số họ, nên hiển nhiên sẽ về xây dựng cơ đồ, cũng may kéo được bốn người kia, cũng chưa vợ con gì nên theo về phụ làm ăn luôn. Lịch sử hiện đại của Lamb từ đó mới nên chữ.
Trò thì lui về dựng cơ đồ, còn thầy cũng được một ông bạn (cũng trưởng tiểu đoàn ba, giờ đang làm trong nghiệp đoàn tàu hỏa,) bảo còn một chân trống trong nghiệp đoàn, gạ ông muốn không thì xin cho ông vào. Lên tàu đi đây đó cho đỡ buồn hưu. Cũng được thôi! Vào được vài năm, cần mẫn, cũng chịu khó vọc xem tàu hỏa nó vận hành ra sao, rồi sau vài năm thì bỏ sở một thời gian, lẻn sang quốc gia kẻ thù Volkov vì tàu nó nhanh hạng nhất thế giới, xem chúng nó vọc, nó độ cái gì mà tàu nó siêu tốc quá, dầu tiêu tốn cũng ít. Sau hai năm kham khổ bên Volkov ở độ tuổi đầu học không vô nổi nữa thì ông hồi hương với những ghi chép, kỹ thuật cao siêu. Lời nguyền, tất nhiên là lời nguyền rồi! Ông đã học lỏm được những lời nguyền của người Volkov. Rồi những con tàu rùa Eden bỗng một ngày hóa thỏ, còn nhanh, xịn gấp rưỡi tàu của bè lũ kẻ thù Volkov nữa.
Họ phong cho ông làm ông trưởng nghiệp đoàn tàu hỏa, nhưng một vừa yên vị được hai tháng thì ông chuồn nhanh, chuồn gấp. Người như ông, như bố tôi, chân là chân đi. Ngồi một chỗ lo chuyện bàn giấy mãi thì chân phù ra, đau ngứa chịu không nổi! Nên ông xin xuống trở làm trưởng tàu thôi, để còn ngồi trên tàu, vòng lên lượn xuống Eden cho thỏa. Cũng là ngồi như nhau thôi nên tôi càng không hiểu.
Và dù tôi đã ráng né né những lối nói có liên quan đến chân nhưng hình như càng cố thì chúng càng đẻ đẻ trong não tôi như giòi trong quả măng cụt. Có lẽ từ hồi cụt chân, ông càng phải đi nhiều hơn có lẽ vì sợ ngày mai, lỡ có hữu sự gì với cái chân còn lại, nên giờ còn thì phải đi cho hết năng suất. Cũng như đi nhiều để tự huyễn là chân mình còn nhiều, còn khỏe chán, cụt gì đâu mà cụt. Tôi cụt mà tôi còn đi nhiều hơn các anh, trong khi các anh còn đầy đủ hai chân, nhưng ngồi ì một chỗ. Thế thì cụt gì mà cụt? Đâu có tính là cụt được!
Tôi nghe họ bảo có một mảng núi chà bá lở xuống làm nghẽn cả cửa hầm. Cũng may thiên tai diễn ra lúc không có ai ngồi dưới, không một chuyến tàu nào sang ngang, nên không có thiệt mạng. Nhưng phải dọn hết mớ đá thì đường mới thông thoáng cho tàu vượt hầm được. Hình như chuyện cũng mới diễn ra trong sáng, trưa nay thôi nên chưa ban lãnh đạo ở Lamb vẫn chưa nắm được gì cả. Đồng thời cũng không có thông báo nào từ phía nhà ga. Họ đành phải dẫn nhau ra chỗ sạt lở coi thử. Chuyện cũng gấp nhưng theo thái độ bình thản, vui vui của bác trưởng tàu thì hình như những vụ tương tự đã diễn ra nhiều lần rồi, cuống quýt chỉ tổ làm hư bột hư đường, và nhưng lần giải quyết êm xuôi đều là những lần họ bình tĩnh, làm được gì thì làm, từng bước, từng bước một.
Từng tảng, từng tảng một.
Ông Berenger sai con trai trông quán rồi cả hai dắt nhau ra chỗ cửa hầm coi. Kể từ khi ra ga đã không còn gặp hai gã tổ chức áo đen nữa rồi. Ngồi trên các ghế gỗ trong quán giờ chỉ còn ba mống người, một người trên chuyến tàu ban nãy. Mười lăm phút sau thì một toán khách hỏa xa ồ vào quán, ngồi đông nghịt. Hình như lúc nghe thông báo thì chuyến họ đã khởi hành rồi, thành thử cũng kẹt ở ga Lamb. Mười lăm phút nữa thì có con rồng khác cũng hạ cánh xuống Lamb. Những khách hàng tá hỏa gọi rượu, cà phê hòng tự trấn tĩnh mình. Con đường huyết mạch của Eden đã nghẽn. Còn những chuyến công tác, các cuộc hẹn với đối tác của họ thì sao? Những lễ khai trương, buổi hòa nhạc, những cuộc thi, buổi biểu diễn...? Rồi vận tải hàng hóa? Chuyện như vầy có vĩ mô không, khi mà hai người họ thong thả rảo bước ra cửa hầm, có khi vừa đi vừa hỏi chuyện gia đình của nhau, rồi nhòm ngó một hồi mới rảo bước về quán.
Hai miền Eden không giao thương nhiều đến thế đâu, trong tương lai anh Juozas bảo. Không việc gì phải xây nhà máy ngoài bắc khi có thể xây trong nam cả. Với cả nếu có giao thương, hàng hóa thường được chở bằng những con rồng sông, rồng biển, không phải những con rắn bò bò trên cạn. Thành thử ông trưởng tàu cũng không cuống. Dù có muốn nhanh cũng phải điều động người đến dọn, cũng không nhanh được vì ở đâu có sẵn người mà ra dọn ngay? Có lẽ nên báo với triều đình sẽ dễ điều động người hơn, nhưng có nhanh, có dọn sáng đêm, thì ước tính cũng phải mất cả ngày.
Nói thế thôi chứ trước khi đi, bác trưởng tàu đã nhờ bác trưởng ga gọi báo cho cấp trên rồi. Ở ga họ cũng lo đôn lo đáo chứ đâu phải nhàn. Có khi chỉ có mỗi những ông già là bình chân như vại.
Hành khách thì họ cuống quýt lên hết. Hết người này đến người nọ hỏi người trông quầy làm sao để gọi taxi sang kia dãy Abraham. Taxi đâu mà chở hết, khi mà mười lăm phút nữa, con rồng thứ ba và cuối cùng trong ngày hạ cái đuôi dài ngoằng xuống Lamb. Anh thanh niên trông quán, hơn tôi ba tuổi, ai cũng hỏi ảnh tùm lum cũng đâm luống cuống. Anh phải gọi điện cầu cứu bố mình, hình như tình hình nghiêm trọng hơn ông nghĩ, thì cỡ mười phút sau, loa phát thanh vang to bảo mọi người, những ai cần sang gấp thì ra hãy quãng trường, sẽ có người hướng dẫn xếp hàng đón xe sang núi.
Tôi cũng sốt ruột ra coi thì có Rahoul và ông Ulman đang xếp cho khách làm hai hàng. Lúc bấy giờ thì tôi chưa biết mặt và tên của ai là ai cả. Trong ánh mắt khánh đường xa của tôi chỉ thấy một thanh niên tóc đen nhánh, đầu húi cua và một ông chú, râu và tóc xoăn tít, màu cam thảo. Thanh niên Rahoul bao giờ cũng đóng trong những bộ âu phục rõ sang trọng, còn ông Ulman thì khoác trong bộ kimono mỏng mùa hè.
"Bà con cô bác anh chị em cứ xếp thành hai hàng, người ở Lamb sẽ triệu hồi những cỗ xe đến."
Rồi những cỗ xe đen, xám lùi lũi vào Lamb. Cỗ xe cũng là những con tê giác xám thông thường thôi, nhưng với những khách chân đang trói ở Lamb thì không khác gì những phép mầu cả. Cách mười phút thì triệu hồi được một cỗ xe đang rảnh. Có xe bốn chỗ, có xe bảy chỗ. Hình như người ở ban lãnh đạo Lamb cũng triệu hồi những cỗ xe buýt nhưng chưa đến. Những cỗ xe có hai cửa nên người nào thuộc hàng của Rahoul sẽ lên cửa trước, người nào thuộc hàng của ông Ulman sẽ lên cửa sau. Sẽ có đủ xe cho mọi người, không nên chen chúc sẽ gây bạo loạn, chấn thương, trì hoãn.
Chúng hầu hết là xe của người dân ở Lamb. Nhưng đến hồi hết thì phương tiện của các tỉnh gần Lamb cũng được triệu hồi, song cũng tính kỹ thì xe cũng không dư dả, thành ra phải nhồi khách cho đủ. Tất nhiên cũng có nhiều hành khách kỹ tính, không chịu ngồi chung xe với người dưng, có chung thì cũng ngồi cách nhau một khoảng cách tiêu chuẩn giữa hai ghế chứ không đời nào chịu dồn mười, mười một người vào cỗ xe bảy chỗ . Cũng được thôi! Thôi thì những hành khách này chịu khó ngồi cùng xe với nhau, ít hơn một vài người cũng không phải chuyện to tát gì đâu, nhưng phải đợi những người khác đi cả rồi thì đi sau, không thì họ sẽ phàn nàn đó!
Lúc này thì ông Raymond trưởng làng, cũng xuất hiện, cũng trong bộ đồ tây hệt con trai của mình. Trông ông cũng không hối hả, và chỉ ra xem thôi chứ không làm gì. Hữu sự gì, đã có người khác lo! Đây là bài kiểm tra bản lĩnh, xem người đó có đủ khả năng lo toan êm xuôi, quét tan sự cố này hay không. Không thì cần học thêm, nhưng vẫn làm, vì thị trấn bé tẹo nên người đó không quản lý cũng không còn ai làm. Người đó cũng điện cho nhà ga dưới tỉnh Nohh. Xe chở họ sang sẽ có vé lên tàu ngay, không cần phải xếp hàng mua làm nghẽn ga, trễ tàu. Người nào không xuống Eve thì giơ tay, vì hầu như ai cũng xuống Eve thôi. Cô gái phục vụ quán ăn gần đó được gọi ra sẽ hối hả đếm sĩ số rồi báo ngay cho người quản lý.
Nhờ xử trí quyết đoán và lòng bao đồng vô bờ, không do dự, chả suy tính thiệt hơn, sẵn sàng hỗ trợ những vị thượng đế không phải của thị trấn mình mà chỉ vỏn vẹn bốn mươi lăm phút đồng hồ sau khi tàu đỗ ở ga do sự cố là cỗ xe đầu tiên đã sốt sắng lăn bánh vượt núi.
Theo kế hoạch thì đoàn xe sẽ vòng đường đèo ra ngoài đường hầm Moses 1 rồi vượt hầm sang bên kia dãy Abraham. Dường như đường đó là ngắn nhất rồi. Trên đường vượt đèo, bỗng nhiên xe đầu tiên phanh gấp xém nữa lủi vô tảng đá ngã chắn đường. Tảng đá to cũng cỡ chiếc xe con. Bác tài Theo, cũng người trong trấn, bình tĩnh bỏ ghế tài xuống, sút tảng đá lăn trở vô rừng. Trước lúc sút thì để ý rằng trên tảng đá có sơn hình cây thông, màu đỏ, ngã. Lúc này cỗ xe thứ hai đã đuổi kịp cỗ thứ nhất nên bám theo nhau thành đoàn xe hai chiếc.
Đi được đoạn nữa, dẫn đầu đoàn xe bỗng lủi vô rừng nhằm tránh tông trúng cây thông ngã. Tức mình, ông Theo liền bay ra, bẻ gãy cái cây như một que củi, xong cầm hai khúc quẳng xuống đồi thông. Trước lúc bẻ thì để ý rằng trên thân cây có sơn hình con bò, màu đỏ, không tay không chân. Rõ ràng có kẻ cố tình gây khó dễ, nhưng ai mới được, mục đích là gì? Lúc này thì ba cỗ xe kế đã đuổi kịp hai cỗ đầu tiên nên họ nối đuôi nhau tiến về trước.
Đi hồi nữa thì gặp một con bò bị bẻ lọi bốn chân, nằm rên rỉ giữa đường.
"Trời ơi! Quân ác ôn!" ông Theo rú lên.
Không thể cứ vứt con bò vô rừng rồi ngoảnh mặt đi được. Ai đó phải ở lại săn sóc con bò, chữa trị cho nó. Nhưng ai bây giờ?
"Ông hãy thả cháu xuống. Cháu sẽ chữa trị cho con bò!"
Bỗng ngồi ghế sau, một giọng điềm thản nhưng dõng dạc vang lên. Tên anh là Jacques. Anh nói giọng miền Nam đặc nhưng là sinh viên trường y năm thứ sáu của đại học Adam, đang hành hương xuống Nam nghiên cứu nguồn gốc cũng như cách chữa trị của căn bệnh Sốt Ngứa. Anh là người mặc áo đen lên tàu cùng lúc với người mặc áo blu ban nãy.
Ban nãy trên tàu, người mặc áo blu trắng không phải là bác sĩ, mà chỉ đang giả dạng bác sĩ mà thôi, anh ngầm khẳng định như thế trong bụng. Sở dĩ anh phát giác ra là vì người đó phủi vụn thuốc lá trên áo blu, sau đó một hồi thì đưa tay lên châm một điếu mới. Áo blu dễ dính mầm bệnh nên bác sĩ sẽ không có thói quen phủi áo blu, do đó người đó rõ ràng không phải bác sĩ, hoặc là bác sĩ nhưng còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm. Với cả bác sĩ cũng ít người có thói quen hút thuốc nữa!
Tuy không phải chuyên gia về bò nhưng anh nghĩ kiến thức y học của mình cũng đủ để cầm máu, băng bó, và làm dịu cả cơn đau về mặt thể xác lẫn tinh thần của sinh vật tội nghiệp này. Anh sẽ dùng toàn bộ tri thức và kinh nghiệm của mình để đảm bảo con vật chẳng những tai qua nạn khỏi mà còn không gặp các cơn ác mộng hậu sang chấn về sau này.
"Vạn lần đội ơn đại hiệp!" ông Theo đưa cả hai tay hớn hở bắt tay Jacques một cái. Ông còn chưa về đến xe, Jacques mới nghiêng con bò sang bên phải sửa soạn băng bó cho nó thấy trên bụng vẽ hình người que một đứa nhỏ, cũng có sắc đỏ của máu.
Cỗ xe thứ sáu, bảy vừa đến thì nghẽn ở chỗ năm cỗ xe trước.
"Gì thế các ông!" ông Xavier ngồi trên ghế tài chiếc xe thứ sáu hỏi vọng lên. Tiếng của ông vọng vô rừng làm lũ nai hoảng hồn tìm chỗ núp.
"Phải khẩn trương lên!" - Ông Theo giục.
Nghiến răng, cũng không làm gì được, họ chỉ còn biết ghì vô lăng, đạp ga vọt gấp, trong bụng thì lo ngay ngáy. Giờ đưa khách đến ga là thứ yếu. Phải phóng nhanh đến cứu thằng nhỏ!
Sau đó thì đoàn xe yên ổn đến ga, không gặp một chướng ngại vật nào nữa. Đoàn người ùa xuống ga rồi ùa vào các toa tàu. Đoàn xe phóng ngược về, giữa đường đi chậm chậm nhường cho cỗ xe buýt chở khách sang trước. Những cỗ xe lần lượt trở về Lamb, giờ đó khách xếp hàng cũng tan rồi, không còn khách đi nữa. Giữa đường, xe ông Theo cũng đón anh Jacques cùng con bò đang ngủ ngon. Họ buộc nó trên nóc xe, anh Jacques cũng ngồi vịn cho nó khỏi rơi. Ổn thỏa cả rồi! Nhưng còn thằng nhỏ đâu?
Thằng nhỏ nào mới được? Trên đường có gặp thằng nhỏ nào đâu? Nghĩa là sao? Rùng mình, loa phóng thanh reo inh ỏi cả Lamb bảo mọi người phải cảnh giác, không thả trẻ con đi lung tung, cứ nhốt cả trong tầng hầm, bao giờ thực sự ổn thì hẵng thả ra. Ông Raymond trưởng làng lúc này mới thực sự tá hỏa. Ông luýnh quýnh gõ cửa từng nhà đếm coi đông đủ không. Phòng của khách ông cũng gõ cửa hỏi, rồi đứa nào đang rong chơi ông bắt cóc nhốt trong nhà thị chính hết, lần lượt gọi cho phụ huynh đến thỉnh về.
"Dự báo thời tiết sắp có bão mạnh, nên ngoài đường nguy hiểm quá! Nhờ anh giữ bé trong phòng đến mai giúp tôi nha! Sao? À! Xin anh đừng lo, loa phóng thanh họ báo nhầm thôi. Không có kẻ tình nghi nào đâu, anh yên tâm! Chỉ là bão thôi! Nhờ anh giữ bé trong nhà đến mai giúp tôi!"
Dù không lộ ra mặt nhưng rõ ràng ông đang cuống, không thì từ lâu rồi ông đã không động tay vào chuyện ở Lamb. Người kế nhiệm ông lo cả. Nhưng động đến tính mạng thì không thể nào nhởn nhơ được, cũng như lo toan không bao giờ thừa.
Nhưng ông Ray đếm thì đủ cả. Nhà A đủ. Nhà B cũng đủ. Nhà C cũng đủ. Nhà D, E, F, G cũng đủ. Thằng Rahoul con ông thì đang ghẹo con bé mặc hoodie đằng kia (con bé không đi cùng đoàn sao?) Đủ cả rồi! Là sao nhỉ? Và cho dù người dân bảo bỏ đi, chắc chúng nó vẽ bậy vẽ bạ chọc ông thôi, ông Ray vẫn cứ thấp thỏm không yên, cứ đi tới đi lui, đêm thì đi lang thang khắp các con đường của Lamb như người mộng du.
Kiểu ông ba bị á. Thấy đứa nào đêm khuya còn ra đường là tóm cổ bỏ vô cái bao.
"Rõ ràng là đủ cả, thế ý chúng nó là gì?"
Đêm đó, vừa về đến thị trấn thì họ gỡ dây thừng khiêng con bò xuống. Nó ngủ trong yên lành và có vẻ như đang mơ gì đó hết sức hạnh phúc.
"Đây, trên bụng có vẽ hình một đứa nhỏ!" vạch chân nó ra, ông Ray chỉ vào hình vẽ bằng bút lông trên bụng. "Nguy rồi! Phải cử thêm nhiều cảnh vệ! "
0 Bình luận