Sherry
powerofevil Peter Strnad; Đỗ N.Ba (Ẩmu đẹp chai)
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 1

Chương 9-12

0 Bình luận - Độ dài: 4,456 từ - Cập nhật:

CHƯƠNG 9

Căn phòng trọ bao phủ trong ánh đèn màu vàng đom đóm thơ mộng đậm chất miền sơn cước. Và chăn ga sạch sẽ, trắng phau, giống con cò ngã ngửa nằm trên giường, thành ra cũng nhuộm trong màu vàng buồn ngủ này. Ngoài ra, trong buồng tắm còn có nuôi con sư tử trắng bằng sứ, cái khay chìa tay ra dâng cho tôi một thanh xà phòng khắc tên Sherry; trên tủ đầu giường đặt một chiếc đài một nút vặn, rèm cửa nâu, xù xì như lông gấu, giữ ánh sáng, tiếng ồn ngoài cửa nên những đứa trẻ hư ngủ muộn, ngủ nướng, ngủ ngày như tôi thì tuyệt! Cửa sổ phòng ngủ nhìn ra đường cái và nhìn sang dãy nhà nghỉ bên kia đường. Bây giờ cũng tối rồi, có vẻ đã vào giờ ngủ của thị trấn.

Thời gian sột soạt trôi. Và ngồi trong bồn, tôi lặng lẽ cọ cái tôi hình chữ nhật lên người tôi.

Đường xá đã toát lên vẻ hiu quạnh, hoang vu. Nhưng hai bên đường vẫn được soi sáng bởi những cột đèn và những chiếc lồng đèn cá chép lễ hội vung vẫy treo trước hiên nhà.

Thực sự chẳng hề dễ chịu chút nào trong căn phòng quyền quý cỡ này. Dù cách biệt cũng có nhưng căn phòng về mặt bằng chung chẳng khác gì phòng ngủ của tôi cả. Khác ở phong cảnh, ở độ cao, ở màu rèm, màu đèn, thể tích bồn tắm (bồn tắm ở đây dài gấp rưỡi tôi,) nhưng cảm giác vẫn không khác chút nào. Vẫn là cảm giác xa hoa quen thuộc và nhàm chán.

Tôi bỗng nhiên cảm thấy mình giống như công chúa ếch...

Đêm đó, tôi chẳng thể nào ngủ được. Tôi cứ trằn trọc mãi, rồi lăn sang nằm nghiêng, lăn ra nằm ngửa, trông lên trần nhà, tắt đèn, nằm ngửa, nhìn lên trần, nằm nghiêng, nằm sấp, bật đèn, ôm một cái gì đó không cụ thể... Nhà nghỉ sang trọng như vầy mà không có gối ôm sao? Khó ngủ quá! Lỡ uống nhiều cà phê quá hả trời? Hay không tại mặc y nguyên bộ đồ dơ sáng giờ nên mới ngủ không được? Thường ở nhà tôi sẽ tắm rồi thay đồ trước giờ ngủ. Vẫn là đồ như ban ngày thôi, nhưng là bộ khác. Mặc nguyên bộ ban ngày đi ngủ cứ dơ dơ làm sao ấy! Tôi cũng tắm luôn cho em mèo. Hồi mới lượm về hễ bắt nó tắm là nó vùng vẫy dữ lắm. Nhưng tắm hoài nó cũng đỡ, riết nó chỉ còn biết nằm im chịu trận thôi. Tắm xong rồi lau rồi sấy khô nó. Chứ cả ngày nó chơi ngoài đường dơ hầy, không tắm dơ mền dơ nệm hết!

Chắc là do bộ đồ rồi! Tôi đâu có tính đi lâu, đáng lẽ giờ này đã về rồi, thành ra đâu có mang đồ theo thay. Cũng không dùng đồ trong phòng đâu. Trong tủ quần áo toàn những tấm áo choàng ngủ lụa satanh mỏng và quá phóng túng, ngông cuồng. Cho dù là phòng đơn.

Tôi đành xuống đường tìm xem còn cửa hàng quần áo nào mở cửa không. Tất nhiên giờ làm gì còn cửa hàng nào, khuya quá rồi! Nhưng tôi cứ lòng vòng qua những dãy lữ quán trong thị trấn, lần tìm một cửa hàng không tồn tại. Đến vòng thứ hai thì tôi chợt hiểu rằng tìm cửa hàng chỉ là cái cớ, mình chỉ muốn rời khỏi căn phòng ngột ngạt mà thôi.

Cũng đã qua giờ ngủ nên cho dù vẫn còn người, đường xá đã tẩy trang mất cái vẻ sầm uất, đô thành và trơ ra những tiếng ve quê mùa, những làn gió buồn tẻ mang mùi hương cỏ, thông và đá. Con người chủ yếu tản mát thành các đôi và họ du ngoạn vào những con hẻm tối, trên bàn tay trang trí những cốc trà, ốc quế, kem que, nhẫn, bàn tay người yêu... 

Bỗng nhiên trong lúc ngó ngàng thì tôi đâm sầm vào bóng tối. Giống va vào tấm kính. Trong khi não tôi đang lớ ngớ không biết vì sao tấm màn bóng đêm chỗ này không di chuyển xuyên qua được giống như tấm màn bóng đêm những chỗ khác thì bất chợt thấy ông Ray quay người về phía tôi. Thì ra là tôi va vào ông Ray từ sau lưng. Âu phục ông Ray có màu đen và tóc ông ta cũng màu đen nên bộ não nửa thèm ngủ, nửa thèm thức của tôi nhầm lẫn ông với không gian tối. 

Ông Ray thấy dáng cái thứ mới va vào mình nhỏ nhỏ, tưởng là trẻ lạc nên tính quay ra túm cổ tôi về nhà. Nhưng mà không phải. Thế nhưng ông vẫn cuống quýt lên, cúi xuống dựng tôi dậy như dựng một tấm bảng menu trước nhà hàng và hỏi tôi có sao không (danh tiếng của Lamb có sao không) thì theo phép lịch sự, tôi vẫn năm sao.

Ông hỏi tôi đang cần gì sao? À, hàng quần áo sao? Nếu ông nhớ không lầm thì cửa hiệu trễ nhất cũng đã trôi vào giấc ngủ rồi.

Tôi bảo với ông là không sao, một lát hồi tôi thay ra tấm áo choàng hồng hoang trong lữ quán cũng được. Còn bây giờ, có lẽ tôi sẽ dạo phố vài vòng nữa.

Ông ngỏ ý tháp tùng tôi được chứ? Và trong ba vòng tháp tùng mà chúng tôi giao kèo bằng cái gật đầu về phía tôi, ông tranh thủ hỏi dò xem chất lượng phòng của tôi như thế nào, tôi có hài lòng chứ, và còn có điều gì chướng mắt không. Tôi không có khiếu nại gì. Và hết ba vòng thì ông Ray cáo từ rồi về thẳng nhà riêng luôn. Có lẽ ông cũng cần ngủ.

Sau ít vòng làm nóng thì trí tò mò ban đêm của tôi mới thật sự trở nên hoang dã.

Có một con hẻm sâu, dốc dẫn lên một dãy những cửa hàng không có nhãn. Trước cửa chỉ treo những biển neon hồng, hình bầu dục, không đề chữ gì cả nên cũng không rõ kinh doanh gì. Nô lệ của lòng hiếu kỳ Sherry trèo lên dốc ngó thử thì vô tình lọt vào lãnh thổ của những lữ quán tình yêu. Sherry chuồn!

Trên trời cao, bỗng từ trong đám mây lòi ra vầng trăng tròn vo, giống quả trứng lọt ra từ trong bụng gà mẹ. 

Bỗng những con gió ồ ạt rít lên như báo động giờ khởi nghĩa. Người qua kẻ lại bỗng nhiên không còn nữa; những nhà hàng, các quầy mì gõ, kem khuya cũng đóng nhẵn. Chỉ còn một cửa hàng tiện lợi mở vĩnh cửu, những tửu quán kín mít thức đến ba, bốn giờ khuya rồi ngủ đến xế chiều ngày hôm sau, những lữ quán còn mở ngỏ cửa nhưng chỉ đón lũ cò đã check-in từ ban trưa, ban chiều, không check-in thêm cò vãng lai nữa. Và có khi tản bộ ra quãng trường Lamb sẽ gặp thêm phong phú các hàng quán, những loài sống về đêm nữa, nhưng có một con ma đang bám theo linh hồn tôi.

Có lẽ nó ngửi được mùi quần áo bẩn. Có khi nó ưa những linh hồn chưa thay đồ. Dĩ nhiên không phải là ma rồi, rõ ràng là con người, nhưng con người còn đáng sợ hơn nhiều!

CHƯƠNG 10

Tôi nghe không ra nhịp chân. Nhưng những thoảng gió canh cánh mùi nước hoa của giống đực. Một cái bóng lạ sượt qua một trong những ngọn đèn đường đội mũ cá chép. Người ta hóa trang cho chúng chờ cho lễ hội mùa hè sắp tới. 

Bỗng gió sai các nhân chứng đèn lồng ngoảnh mặt đi. Và trong cái nhìn của con mồi Sherry vẫn còn thơ thẫn những đom đóm. Và đôi chân đô thành vẫn còn bỡ ngỡ dưới quê người. Và đôi gò má vẫn còn ửng hồng các xung cảm tình tự của những nhà nghỉ uyên ương. Và Sherry, tôi, cô gái tuổi mới lớn... Cái bóng của gã lồng vào trong cái bóng tôi.

Nhưng một con ruồi bao giờ cũng tự tin trên thế gian không có con người nào đớp được nó. Lũ muỗi, ong thì không. Thành thử, lũ chúng nó sống trong nỗi sợ. Lũ chúng nó sống nơm nớp gần những bàn tay hôi hám. Chúng nào dám gan lì, đâu thể sống vô tư như loài ruồi. Con ong, con muỗi còn tóm được nhưng con ruồi đang đỗ trên tường, đang đậu trên đường thì đừng hòng! Là con người ngốc hơn cả loài ruồi, muỗi, Sherry không vo ve trốn, mà chỉ ngây người ra trong nỗi sợ.

Nếu áp mũi lại gần, ngửi kỹ, và ngửi ruột gan những chiếc lồng đèn thì trong tim của chúng không tôn thờ ánh sáng huy hoàng của những ngọn đèn cầy, không hôi mùi đèn cầy. Chúng mê muội trong ánh sáng ma quỷ của nhũng ngọn đèn sợi đốt. Họ đã rút những bó thần kinh sau lưng chúng rồi kết nối với mạng điện của toàn Lamb. Điện Lamb mà cúp thì sự sống trong những trái tim chúng cũng đồng loạt úa đi. Những trái tim cùng chung một hiệu điện thế!

Có lẽ tôi không nên đứng nhòm những cái lồng đèn, con ma sẽ không vì ánh sáng mà tha cho tôi đâu. Tôi cũng đâu có muốn, nhưng có gã nào đó bám đuôi tôi nên tôi sợ, sợ điên được. Tôi đứng sứng ra thì gã cũng không nhúc nhích, biết đâu con người này sợ đèn thật? Nên tôi đứng thần người ra đó một hồi lâu. Gã còn chưa làm gì tôi đâu! Gã sẽ chờ tôi bước mấy bước nữa, đến chỗ đường không được soi sáng bởi bất cứ ngọn đèn nào. Ở đó, cái gì đó sẽ xảy ra. Có trời biết cái gì!

Đôi chân tôi nhũn ra, từ từ lún xuống, giống như đứng lâu trên tuyết. Ánh sáng của chiếc lồng đèn cá chép dây sang quần áo của tôi ướt sũng và từ từ rỏ xuống giữa hai chân tôi thành vũng ánh sáng màu vàng giống như chất lỏng nhát cáy của lũ cún con. Tôi ráng lê chân thêm mấy bước nữa thì chân tôi xì lốp luôn.

Gã giả dạng làm cái bóng bám theo tôi. Là cái bóng, tôi không cục cựa thì cái bóng cũng không cử động được, đúng không? Trong khi tôi đang làm bức tượng đá vô duyên đứng giữa đường thì chợt có một tiếng va đập mạnh từ trên núi vọng xuống tận này. Nghe như có một cái chân khổng lồ sút một con gấu và sút đi sút lại như một trái banh. Nghe mà ớn xanh cả người. Nghe mà quặn ruột, xoắn chân! Và cảm thấy sót cho con gấu quá! 

Nhưng bao trùm trong hiểm họa khôn lường thì trí khôn đã choán chỗ lòng bác ái của Sherry; một cơ hội để cảm thương đã hóa thành một cơ hội để tẩu thoát. Tận dụng ngay một giây sau đó, khi mà tiếng gào rú não nề dưới trăng của con gấu đã khơi gợi một khoảng trống thương cảm trong tâm hồn của người thợ săn thì con mồi Sherry đã vùng chạy. Không rõ kẻ bám đuôi đa sầu đa cảm có đuổi theo không, những tôi đã vồ được cánh cửa vào một tửu quán.

CHƯƠNG 11

Đó là tửu quán trong con hẻm ban nãy. 

Tửu quán này ban ngày còn đoan trang, giản dị và quê mùa, trông giống nhà hàng bố trí nhiều hoa, thì khi đêm về mới thoải mái phô ra những mảng tâm tư, những nỗi buồn ưng ửng. Giờ thì đã ra dáng một quán bar hơn. Song dưới sự ảnh hưởng của nhịp sống chậm rãi của Lamb, quán ít nhiều cũng kế thừa khả năng chiêm nghiệm, tiết chế và vui có chừng mực, suy cũng có chừng mực, và nép mình trong con hẻm nhỏ dưới danh nghĩa một slow bar. Đèn trong quán màu hồng rượu, và nhạc nhẹ, hình như là Ballad buồn. Giọng nửa u sầu, nửa quyến rũ tỏa ra từ một người phụ nữ đang ngồi trong quầy, cạnh anh bartender tay đang lau lau cái ly thủy tinh phỏng theo giai điệu. Cái ly là nhạc cụ của anh, nhưng không phát ra âm thanh. 

Tôi đã chạy một mạch mà không nghĩ ngợi gì, và từ hồi đến thị trấn này, có mỗi quán bar này là lọt vào mắt nâu của tôi (vì mắt tôi màu nâu). Thành thử trong cơn hoảng loạn, cơ thể khi không bị giật về chỗ này luôn.

Ban nãy trên đường về còn trông thấy nhiều người khiêu vũ hăng say nhưng giờ thì đã tối rồi. Nhưng đôi giày cao gót cũng thấm mệt rồi và một số đã ra về rồi. Có lẽ chúng đang rúc mình trong những tủ giày ấm cúng. 

Tôi tiếp cận và tán tỉnh một cái ghế bar còn chưa có chủ. 

Trông nó giống cái vỏ sò khổng lồ đang há miệng. Nó đứng trên một cái chân nhân tạo và cái khung kéo chân của nó trở thành chỗ gác chân cho đôi giày ba ta của tôi.

Chỗ này hình như không gọi nước cũng không sao vì anh bartender có vẻ cũng không đoái hoài gì đến sự đột nhập của tôi. Nhưng có mấy anh nhạc sĩ hay sao đó (thấy anh nào cũng vuốt ve cây ghi-ta điện ngồi trên đùi mấy ảnh) thì nhướn mày ngay khi tôi vừa vào quán. Chỗ tôi ngồi sau lưng là bức tranh đôi nam nữ quyền quý, khoác áo choàng dát vàng đang khiêu vũ trên cỏ. Và mấy ảnh cứ ngó ngó sang bức tranh tìm cảm hứng.

Tôi cảm thấy mình đang ngáng tầm nhìn của nên mò mẫm trong ánh đèn mờ, tôi tính mò sang một con sò đang há miệng khác thì bỗng nhiên, có một giọng nói dịu dàng vén mái tóc tôi. Hoảng hồn, tôi quay ngoắt ra sau lưng thì rõ ràng không phải giọng mẹ tôi, mà là Rahoul. 

Tưởng Rahoul đang đi tuần? Rahoul mà cũng trốn nghĩa vụ vào quán nghe hát sao? Có lẽ nào… Rahoul mê cô ca sĩ?

“Ồ! Thì ra ban nãy là Sherry?” Thấy tôi, gương mặt Rahoul bừng sáng lên và khuây khỏa hẳn. Như vừa mới phá được một vụ án khó.

Thì ra con ma ban nãy là Rahoul. Rahoul đang đi tuần thì phát hiện một cái bóng lảo đảo giữa đường, lâu lâu sà vào trước cửa nhà dân, đứng chững một hồi mới thôi, trông nghi gì đâu nên cậu bám theo. Trong bóng đêm, kẻ tình nghi trộm gà của Lamb (nhưng không tình nghi trộm bò vì dáng người bé, mảnh mai quá, bảo dụ dỗ con gà, bê con gà bỏ chạy thì còn tin chứ con bò thì quá to, khiêng sao nổi?) còn trùm mũ đen nên từ sau không đoán được giới tính.

Nhưng đôi chân không có lông (Rahoul thầm nghĩ, và không đề cập với tôi vì cậu cho là khiếm nhã) thì rõ ràng của con gái rồi! Con gái mà trộm gà sao? Lúc tôi đứng trước cái lồng đèn thì cậu mới được ngó được rõ gương mặt của cô gái người mới đến, còn tính đến chào thì bỗng dưng có gấu ré lên một tiếng từ ở đâu xa, có vẻ từ bên ngoài Lamb vang vào bên trong Lamb, xong cái tôi bỏ đi đâu mất tiêu. Rahoul đành phải vừa đi tuần vừa dáo dác ngó xung quanh tìm. Tìm một hồi tự nhiên qua ô cửa sổ tầng hai của quán, cậu thấy cái mũ hoodie tai mèo quen thuộc lô nhô trong quán. Cậu còn tưởng tôi vào thưởng rượu kìa!

“Chúng là sừng. Sừng của quỷ Sa-tan!” Tôi tranh cãi.

“Nhìn giống tai mèo hơn!” Rahoul cũng không vừa gì. 

Nhưng không lẽ cái hồi tôi đứng nhòm cái đèn chỉ vỏn vẹn một vài giây thôi sao? Không lâu như ký ức của tôi nhỉ? Có lẽ là thời gian giãn ra do khi đó tôi hoảng quá, một giây giãn thành tận năm, mười phút.

Rahoul phì cười. Xong tôi bảo tôi không biết uống rượu; Rahoul cũng không khoái uống. Tôi cũng không muốn trong tửu quán vì ồn với ngột ngạt người ta quá. Chúng tôi ra người đường cái vì cậu còn phải tuần tra khu phố xuyên đêm, lên lên xuống xuống con đường Moses có độ thoải không đủ khiến giác quan nhận ra, nhưng đặt một thùng rượu gỗ thì nó sẽ lăn từ đầu thị trấn đến cuối thị trấn.

CHƯƠNG 12

Bây giờ trên đường chính Moses, ngó sang tay trái của tôi thì thấy Rahoul và bên tay trái của Rahoul thì hầu hết các cabin trên núi đều đã khép mi. 

Vào những tháng tầm thường thì giá thuê chúng cũng tầm thường, những đôi uyên ương chưa nhúng chàm cũng thuê được. Nhưng vào lễ hội tuần sau thì giá thuê chúng ở trên trời, dù dịch vụ cũng không hơn kém gì nhưng người giàu người ta thích thưởng không khí ngày hội trên con đường chúng tôi đang đi tuần mà không phải chen chúc trong bộ trang phục truyền thống. Cậu biết đó, người ta vừa ướp mình trong đồ ngủ vừa thưởng lễ cũng được. Người già vừa ngâm mình, xông hơi vừa thưởng lễ cũng được, có rượu phương Bắc, cà phê bồn chồn, trứng cá tầm thường, súp yến... những món nào đóng hộp, giao hàng được thôi, vì Lamb làm gì có truyền thống nuôi trồng những thứ đó. Thực ra thì những món đó, khách người ta bỏ cùng hành lí mang theo cũng được, nhưng có thì gọi luôn cho rồi!

Nhưng ông khách sẽ không xuống đường thưởng cá viên, kem cuộn, kẹo bông... như lũ chúng mình đâu. Nhiều người ăn những thứ đó vào là ói đó! Nhưng họ thích coi mình ăn cơ. Nhưng thứ bánh kẹo, ăn vặt thì con nít lũ chúng nó nhai thôi, lớn rồi ăn chua miệng lắm. Nhưng hồi nhỏ họ cũng ăn những thứ như mình thôi, giờ thì ăn không vô nữa. Nên trông người trẻ ăn cũng hoài niệm, cũng tiếc thời xưa. Chính vì tiếc nên mới vui. 

Rahoul nghe bố bảo là những vương tôn, quý khách ở trên vừa thưởng hội vừa nhấm nháp trong những hoài niệm thuở xưa. Cũng pha chút tự hào nhìn về quãng đời, những thành tựu, để giờ bao quanh trong sơn hào hải vị cho họ một cảm giác lâng lâng, tự hào khó tả. 

Nhưng ông cũng căn dặn Rahoul đừng hiểu nhầm, cũng như đừng nghĩ họ như những người giàu đồi bại. Thông thường, trong ứng xử hàng ngày họ là những người bạn đáng kính, đáng yêu vô cùng. Coi như đôi khi, đôi khi thôi, con cứ cho họ được sống trong vui thú trông lũ người ngẩn ngơ qua tấm kính như trông con khỉ, con chim. Họ cần sự khích lệ nho nhỏ cho cái tôi mà đời sống hàng ngày lu mờ, bên những người cũng tài giỏi giống họ, cũng có tầm vóc và sự khôn ngoan ngang họ làm cho cái tôi của họ phải sống khổ sở trong cảnh nhún nhường đến chừng nào. Ở bên những người cùng cỡ, họ đâu có cảm nhận được mình to lớn nhường nào, tốt đẹp ra sao. 

Từ cái hồi Rahoul đã biết đam mê phái nữ đến giờ, ông Ray đã cố gieo vào đầu con trai mình những hạt giống chiêm nghiệm ông đã ngộ ra, ghi chép kỹ càng vào sổ trong suốt cuộc đời ông. Nhưng chiêm nghiệm mà Rahoul theo lẽ tự nhiên sẽ chưa thể nào hiểu được, nhưng sẽ ghi nhớ, sau trong đời sẽ có lúc những hạt giống cũng đâm chồi.

Nhưng cũng vì thế mà Rahoul vẫn thường hay lánh mặt bố mình. Đủ lớn thì cậu ta trốn gấp lên thủ đô luôn! Ông răn dạy nhiều quá, mà cậu thì chẳng bao giờ hiểu được, dần dà nghe không khác nào lải nhải. Để khỏi cảm thấy bất kính với sư vương, Rahoul chọn lánh mặt bố mình cũng vì thế.

Những căn nhà ở phần đầu và cuối Lamb cũng tốn kém, nhưng vẫn rẻ hơn nhiều so với những căn nhà mà người thuê cầm bút lade chiếu được ngay xuống lòng lễ hội. Năm nào người ta cũng gọi điện cho bố cậu giữ chỗ từ nửa năm đến một năm cơ. Có khi vừa xong hội là hôm ra về họ đã xin giữ chỗ luôn cho năm sau. Và tuy không phải nhà của bố Rahoul, chúng thuộc sở hữu của người dân trong làng nhưng mọi người đều thuê qua ông thị trưởng Ray, cũng chỗ thân thích, xong được bao nhiêu ông Ray trả hết cho người sở hữu, không đánh thuế và cũng không lấy một đồng tiền công.

Tuần sau, người trong trấn sẽ dần sửa soạn cho lễ hội, thường đến thứ năm sẽ xong, thứ sáu thêm thắt các thứ rồi thứ bảy tuần sau thì tổ chức lễ hội. Lễ hội các năm, khách ghé chơi đông đến nghẽn đường và chả hiểu sao lễ hội ở Lamb đông vui đến nhường đó mà tôi chưa từng ghé Lamb chơi một lần nào. 

Tại cũng có ai đi chung đâu mà đi. Cũng có ai rủ đâu mà biết. Nghe thì tôi cũng nghe qua đài rồi. Lễ hội hè Lamb đông vui lắm, vì vừa xì tin, vừa truyền thống, nên già trẻ gái trai, lứa nào cũng thấy hạp. 

Vốn dĩ cái thị trấn này làm gì có lễ hội; hồi xưa chỉ có hội đền trên núi thôi. Mà nói là lễ hội chứ người dân cũng chỉ lên cúng rồi ăn uống no nê rồi về thôi, đâu đến mức thành lễ. Xong ông Ray biến tấu thêm, nới rộng lễ hội ra, chèn thêm một đống nghi thức ban ngày cho người già như cầu nguyền tập thể, cúng vái, thưởng trà, nghe hò... ban đêm thì tổ chức một đống tiết mục từ đốt một cây thông dang tay, tế cừu, sau đó thì có các quầy trò chơi truyền thống vay mượn từ nhiều miền văn hóa, các nước, kẹo bánh, mở nhạc idol dễ thương, những bài nhè nhẹ, tạo không khí lễ thôi, tuyệt đối không bật nhạc điện.

Những người chưa từng tham quan thị trấn, chỉ nghe qua báo đài (có tôi) sẽ nghĩ lễ hội ở thị trấn này sao mà tào lao quá, sao mà tạm nham quá. Nhưng cậu nên hiểu cái điều mà đến đó tôi mới hiểu là thị trấn này không hề có truyền thống. Trước đây ở đây là một làng nhỏ mà, với cả từ hồi con người đủ thông minh để xây nhà gỗ chống chọi với không khí lạnh sườn núi thì người ta mới định cư ở đây được, thành thử nếu so với các thành phố lớn, các nền văn minh ven sông thì tuổi đời của Lamb còn trẻ, trẻ hơn rất nhiều. Với cả dân cư cũng ít nên cũng khó thành tập tục lớn được.

Nhưng quan trọng hơn cả thì ngày xưa, người qua kẻ lại nườm nượp, mỗi người góp một ít phong tục quê hương họ. Rồi họ gói ghém những cô gái Lamb đem về luôn, nên truyền thống riết cũng khó truyền cho đời sau. Không còn ai bảo tồn cho nên các truyền thống cũng loãng dần, thêm các truyền thống từ phương xa trộn vào thì theo lẽ tự nhiên, Lamb ngày càng muôn hình vạn trạng, và đa tạp hơn cả những thành phố lớn. Rồi đến thời ông Ray thì ông cho nhập khẩu truyền thống từ những miền khác về để khách quý họ đến họ thấy Lamb hóa ra cũng gần gũi với mình, cũng như quê hương, gia đình mình.

Nhưng cậu không cảm thấy là trong cái thời đại mà các truyền thống lũ lượt mắc chứng vô sinh thì cái việc cưu mang truyền thống từ một chỗ khác về nó cao cả với đáng yêu đến mức nào sao? Tôi không nghĩ họ muốn tái hiện y xì các truyền thống đâu, họ đâu có khả năng đó. Tôi nghĩ họ muốn gợi cho khách về cái thời còn truyền thống trong cuộc đời á, chủ yếu là khách thành phố thôi, như lứa của tôi, của bố mẹ tôi chẳng hạn. Kiểu, lễ hội chơi chơi, vui vẻ thì được, chứ nghiêm quá, cực đoan quá, tốn kém quá, phải hiến tế nhiều cô gái nào quá, thì... ừ ngán! Còn không có lễ thì buồn! Thành ra lễ cho có hình thức lễ thôi cũng được. Chả bù với thành phố lớn chỉ toàn những lễ hội ca nhạc vô nghĩa, làm tiền, thì cái chuyện họ bảo truyền lễ ở Lamb, thậm chí hội nhập, tiến hóa lễ gây cho tôi cái cảm giác nao nao khó tả. Tự dưng tôi đó tôi đâm ra muốn phụ mọi người tổ chức lễ. Tôi cùng muốn thành một phần của lễ hội mùa hè. Táo thì từ từ cũng được, không cần vội. Với cả ngày mai thì đường hầm cũng nghẽn nữa mà thôi, cũng có lý do để ở chơi thêm một vài ngày nữa. Tôi xin được phụ việc trong lễ thôi thì Rahoul cũng bảo sẽ giúp tôi tìm chỗ đang cần người phụ.

Đóng vai một nhân viên ngoan, Rahoul khoe các hàng quán ngon, nhiều chỗ ăn ảnh, lắm trò chơi vui, con đường dẫn lên đền và bảo tôi nên trèo lên những bậc thang, cầu nguyện được ban lộc. Được thần bò (thần bò?) chúc phúc, phù hộ.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận