Sherry
powerofevil Peter Strnad; Đỗ N.Ba (Ẩmu đẹp chai)
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 1

Chương 15

0 Bình luận - Độ dài: 2,685 từ - Cập nhật:

CHƯƠNG 15

Giờ trả phòng lữ quán là mười hai giờ trưa. Nhưng vì còn trong tâm trạng bảo trì, đếm lá rụng, nên đôi khi khách sẽ ngủ muộn, ngủ quên, thành ra sẽ trả trễ.

Vì lẽ đó mà từ mười một giờ rưỡi, lữ quán đã cắt cử các nàng tiên hầu phòng đến và dịu dàng khua họ dậy. Các nàng tiên sẽ gõ cửa ba tiếng, và nếu có người mở sẽ hỏi khéo rằng quý khách có muốn gia hạn phòng sang trưa ngày hôm sau chăng? nếu gia hạn thì hãy xin giờ thay chăn gối, các món khăn, cũng như bàn chải, xà phòng cũ và cáo lui.

Còn trong trường hợp tay nắm cửa treo biển Vui lòng không làm phiền (Please do not tinker) thì nửa giờ sau hẵng quay lên và tiến hành điều tra.

"Hãn hữu lắm, khách họ trả muộn, các cô cũng nên hoan hỉ châm chước.” Đó là giọng ông Ray ôn tồn giảng cho chủ các lữ quán trong buổi họp thường quý. "Vì nhỡ đâu họ còn nỗi ưu sầu trong lòng cần giải tỏa bằng nước mắt thêm chốc nữa, ta không tài nào đoán được."

Rồi ông chép miệng đề xuất:

"Chi bằng ta thả một chú mèo qua ô cửa thông gió. Mèo ta sẽ giúp san sẻ nỗi buồn phiền, nỗi đau. Và bao giờ nước mắt đã cạn, lòng đã sẵn sàng quên, thì mèo ta sẽ động viên họ mở lòng và tái hòa nhập với cộng đồng, với thế giới."

Hình như sách lược thả mèo này cũng phá sản nốt vì lũ mèo quá lười không chịu hợp tác. Kỳ thực thì có khi đơn giản là vì chúng lười (mèo nào mà không lười?) Nhưng cũng có khi vì chúng cảm thấy ẩn đằng sau sự đồng hành, an ủi thiêng liêng của mình là hàm ý đuổi khéo nham hiểm của lữ quán; ô uế quá, khốn nạn quá, nên chúng khinh ghét, không làm.

Dù gì thì chúng cũng không chịu. Còn lũ chó thì quá ư sỗ sàng và quá to, không thả vừa ô cửa thông gió.

Quy trình dọn tổ ấm cho thuê cũng lắm sự trau chuốt đa đoan, cũng gồm nhiều bước điểm trang hoa mỹ, nhiều công đoạn trang hoàng xa hoa, dị hết sức dị.

Dị kiểu như, sau khi lau chùi sạch sẽ thì phải sức dầu thơm vô cổ cây đèn bàn vì đôi khi, khách cúi người xuống giật dây công tắc thì vô tình ngửi thấy mùi hoa phơi phới và bỗng nhiên thấy vui vui trong lòng. Và trong quyển sách hướng dẫn lưu hành nội bộ thì họ không gọi chúng là dây công tắc mà gọi là earring (bông tai).

Quy trình phải đạt sự tỉ mỉ đến từng con bọ và gu thẩm mỹ cầu kỳ, thái quá của ông Ray. “Giờ thì gần như nghỉ hưu rồi nên ông Ray mới dễ dãi, nhân nhượng như thế thôi, chứ cái hồi tại vị ổng nghiêm khắc cực, bé con không tưởng tượng nổi đâu!”

Thành thử con bé chưa qua ăn mắng như tôi có lẽ lau chùi sơ sơ thì làm được, nhưng sẽ loay hoay không nhớ cách bày biện nội thất về nguyên bản đâu. Và khó hơn cả, mà quan trọng hơn cả, là phải nhớ những chỗ sức dầu thơm. Cũng giống như trên thân thể phụ nữ chỉ sức nước hoa ở một vài yếu điểm như trên tóc, tai, khuỷu tai, cổ, v.v, thì trong gian phòng cũng chỉ có một vài chỗ cần bôi nước hoa và nhất định phải bôi, lau xong là phải bôi ngay, bôi cho chu đáo.

Rạng trưa hôm đó, còn chưa hình dung nổi dọn phòng mà sao cũng tinh vi, quỷ quái đến nhường ấy nên tôi vẫn cứ ngạc nhiên là các thiên thần Lamb chỉ giao tôi phụ trách những nỗi khổ sai chạy vặt: đẩy xe chăn mền dơ, quần áo khách nhờ giặt sang tiệm giặt sấy treo cờ hình con cóc, sang cửa hàng có treo cờ hình con gấu đặt năm hộp bánh gấu, năm hũ kẹo bò sữa và ba hộp bánh giầy nhân đậu đỏ, bảo họ đóng vào một kiện gỗ nhỏ rồi đẩy về giao cho khách ở phòng số bảy; sang sạp báo treo cờ hình con báo gom thêm một tờ về nhét vô phòng số mười chín vì người này đặt phòng đến ngày mai nhưng hôm nay đã trả sớm rồi, phải thay báo; đến tiệm treo cờ hình con gà mua giùm một hộp xì gà đem đến phòng số một... Hình như phòng số một là của bà chủ quán và hình như bà trùm thèm xì gà.

Công việc về phía tôi thì không đến nỗi ma quái, hóc búa, những cũng có lắm cái mới. Tôi không rành đường và phải vòi chỉ dẫn nhiều. Lamb chẳng có định vị hay bản đồ vệ tinh gì cả và đường hầu như trong miệng mình. Nhưng một khi đã nhớ đường, và chưa nhớ thì cũng rành cách dạn dĩ hỏi, thì các chuyến hành trình thành ra dễ dàng và ấm cúng tình người hơn nhiều.

Tôi nhận ra chỉ cần hỏi cờ con gì, ở đâu, thì mọi người chỉ đường vô cùng dễ hiểu. Chẳng hạn như đến ngã ba sẽ thấy cờ con đà điểu, rẽ trái, và đến chỗ lá cờ con hà mã thì có một con hẻm bên tay phải... Một khi đã quen với cách định hướng bằng những lá cờ thì thành ra không khác gì trò chơi điện tử.

Cảm giác như ngồi trên lưng ngựa và con ngựa đã thông thạo tiếng người và dạn dĩ hỏi đường, và chỉ cần ung dung, ôn tồn ngồi, sung sướng như vua. Chỉ khác chỗ con ngựa ấy là cái lưỡi của tôi, mà trước đây rất e dè, ngọng với người lạ. Cứ như có những hào quang thân mật, hiếu khách tỏa ra từ những con người ở Lamb đây, (và những đôi mắt nhu hòa nữa, nhất là những đôi mắt nhu hòa!) làm cho tôi cảm giác như muốn hỏi gì hỏi, hỏi gì cũng được, dõng dạc không ngại miệng, như hỏi người trong gia đình.

Ấy thế mà lúc ngâm mình trong làn nước thảnh thơi, sung sướng của sự thành thục, không cần nghĩ đến chuyện giao tiếp, dù miệng vẫn thao thao giao tiếp nhưng vẫn không cần nghĩ ngợi, chú ý nhiều mình đang nói gì, thì đầu óc rãi rỗi của tôi nó dần sinh hư. Nó bắt đầu lén phén với những điều dở dang, dở hơi mà tôi đã không muốn nhắc đến nữa. Những điều dở hơi như tương lai và kế hoạch là gì? Tình hình đường hầm xuống miền Nam ra sao và những chuyến tàu? Thùng rác ở Lamb có hình dạng con chim cánh cụt há mỏ và dưới bụng sơn dòng chữ Please feed me your worry (Hãy cho tôi rác). Đêm qua, mẹ phát lệnh truy nã tôi và bà gọi và nhắn nhiều đến nỗi tôi phải tháo cả sim ra rồi vô tình đút vào mỏ một con chim cánh cụt - thùng rác say xỉn nào đó. Tôi chỉ nhớ là nó sặc mùi rượu. Giờ không rõ tôi là ai và bao giờ thì về nữa nên tôi cũng không nói trước được. Không rõ tôi sẽ ở Lamb bao lâu nữa hay họ có đuổi tôi không? tôi có làm phiền họ không? liệu thiện chí của họ có hạn sử dụng?

Có lẽ là không. Những nàng tiên phục vụ đã cưng yêu tôi có lẽ chỉ còn kém mỗi lũ nai trong rừng. Hồi sáng lúc ngồi dưới gốc cây, tôi gặp hai con nai thì chúng bám theo đến đòi ăn ngón tay tôi.

"Nên nhớ ngoài ăn cỏ, lá, ta còn ăn được cả chim, xác người. Nhưng ta sẽ tha cho mi lần này, chim nhỏ à! "

Rõ ràng là chúng không biết nói, nhưng tôi vẫn chìa tay cho chúng nếm thử. Có vẻ chúng chê thịt tôi nhưng vẫn cho tôi sờ cổ, sờ lưng. Rahoul xuất hiện thì chúng tá hỏa lủi vô rừng. Không rõ sao chúng sợ Rahoul đến thế, nhưng anh Juozas thì chúng không sợ, mà trái lại, còn yêu mến, làm nũng là đằng khác. Chúng thường đến trang trại vòi ảnh cho ăn lắm! Sáng đó tôi cũng gặp anh Juozas ở lữ quán nhiều lần. Mỗi lần có khách là anh gấp gáp đến khắc tên khách vô mấy thỏi xà phòng. À, hóa ra đó là chữ anh Juozas. Chữ anh Juozas nhỏ nhỏ, xinh xinh, tinh xảo như mấy con côn trùng, nên người ta nhờ anh khắc tên lên xà phòng cũng phải.

Đến hai giờ trưa thì tâm hồn lữ quán đã sạch bóng lữ khách cũ.

Tâm hồn lữ quán mà tôi nói đến là tấm gương đang nhìn chằm chằm tôi kia. Tấm gương ngồi trong góc và giám sát hết toàn sảnh lễ tân. Nó có vô hạn con mắt. Nó đang nhìn tôi và nhìn chị Neta yên vị trong quầy lễ. Nhưng nó không có tai và sẽ không nghe được tiếng sột soạt ghi chép và tiếng lạo xạo gõ phím đâu. Nhưng khác với nó thì có tôi là nghe được. Những tiếng ấy phát ra từ chỗ chị Neta. Chị đứng như con ma-nơ-canh trong quầy lễ tân, diện kimono màu nâu đất và đeo kính.

Bên cạnh cái quầy lễ là hàng ghế chờ, và có con ma-nơ-canh lười đứng, đang ngồi Sherry. Đặt một cái khay gỗ trên đùi, Sherry nôn nao trông ngóng nghìn lẻ một thỉnh cầu kỳ bí của khách hàng, thường từ các tầng trên truyền xuống thông qua tiếng chuông điện thoại. Mỗi thỉnh cầu là một dịp khám phá những kỳ quan, vật phẩm cổ tích của thành Lamb, và là một quãng thời gian ngắn thanh thản. Công việc khổ sai cũng như cái máy giặt vắt những ô uế của tâm hồn Sherry ra ngoài.

Trên bàn lễ, có mười con chim thi nhau mổ cồm cộp. Chúng là giống chim thon thon, dài dài, que que, trông như những ngón tay, với những cái mỏ của chúng long lanh, được mài nhẵn nhụi và phết sơn bóng loáng. Chị Neta, chủ nhân điều khiển lũ chim ấy, vừa loạt soạt xăm những cái tên vào quyển sổ đen, vừa lộc cộc gõ tên của các cố nhân của lữ quán lên bàn phím gỗ.

Máy tính của lữ quán cỗ lỗ sĩ và to như cái lồng xách mèo. Và cứ chép vào trong một ít từ trong ký ức là chị phải nhờ đến sự trợ giúp của con vẹt trắng trong lồng (này là vẹt hẳn hoi, vẹt bằng xương bằng thịt). Chỉ cần gãi gãi bụng là, như bật một cái công tắc, nó sẽ thuật lại những tên, số phòng, và số điện thoại của khách.

Sở dĩ chị không kịp ghi chép ngay lúc check out luôn mà phải ghi âm, nhai lại, là vì ban nãy khách trả phòng một loạt, và nếu chép tên từng người thì phải bắt họ xếp hàng chờ đợi tức tưởi. Và sở dĩ họ trả phòng một loạt là vì sẽ có những cỗ xe ngựa rước họ một đoàn ra ga. Và sở dĩ cỗ xe rước họ một đoàn là vì ngoài ga, tàu ngậm một bụng và hộ tống họ về Adam, về Eve, sau đó về các tỉnh râu ria. Mọi thứ vận hành động trơn tru, ăn khớp theo một kịch bản đã soạn sẵn (chắc là chị Irises soạn). Thành ra, nếu đoàn khách thuộc cùng một băng cướp, thì lữ quán phải check out cho nguyên cả băng cướp đó trong một khoảnh khắc còn vội vã, gấp rút hơn cả thời gian chúng cướp một ngân hàng.

Và đôi khi, các nàng tiên lữ quán còn phải vừa check out cho khách cũ vừa check in cho khách mới.

Do đó mà nếu chờ chị Neta khảm hết các tên vào sổ, vào máy, từng tên từng tên một, thì sẽ ùn nghẽn và trật kịch bản. Và trật kịch bản thì họ phải chờ tàu sang chuyến sau, ít nhất một giờ sau mới đến.

Vì đường hầm xuống miền Nam nghẽn rồi nên hầu hết khách bắt tàu ra Bắc, ra Adam. Còn khách xuống Nam, xuống Eve, mà hôm qua không theo xe xuống luôn (như tôi) thì hôm nay hầu hết sẽ nán lại thêm vài ngày. Nhưng cũng có một số bắt xe lẻ xuống miền Nam và vì thế mà vừa check out, các nàng tiên còn phải bắt xe hộ họ nữa. Cho dù rạng sáng nay, chị Irises đã tính nhờ các lữ quán dò hỏi và đặt xe trước cho khách. Nhưng ngặt nỗi sáng sớm thì họ còn chưa tỉnh ngủ và không thể cứ dựng họ dậy để hỏi những cái vớ vẩn, những chuyện chưa đến nước nguy kịch như thế!

Thế nên chị Irises bèn cho in một loạt giấy hướng dẫn lữ khách rằng nếu cần hãy xuống quầy lễ đặt xe và hãy đặt sớm cho tiện sắp xếp, không phát sinh thêm sự lôi thôi ngoài ý, rồi tuồn qua khe cửa các buồng.

Giờ thì đã rảnh rang hơn nên nàng tiên Neta, đã ngồi xuống ghế, gõ phím cũng khoan thai hơn.

Cưỡi trên sống mũi của chị là chiếc gọng nhựa, màu hồng của vỏ đào; còn tròng kính nhờ nhờ màu nâu, phơn phớt cam: màu của ly trà đào. Chị Neta không cận nên có lẽ đeo chủ yếu để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng nguyền rủa của màn hình mà thôi.

Mấy tiếng cụp cụp khe khẽ nghe giống tiếng phím nhưng cũng không hẳn là giống (nghe xương thịt, hữu cơ hơn) làm tai tôi nhọn lên chú ý. Tôi theo dõi chị Neta ở thế giới trong gương thì ấy là một nàng tiên lễ tân bình thường, chuẩn mực. Song tôi lén lút nhìn sang thì nàng elf của lữ quán cũng đang lén lút duỗi bàn tay và bẻ khớp ngón tay dưới gầm bàn cho đỡ mỏi.

Có ông khách đội mũ phớt vào check in và tôi giả bộ dáo dác scan ổng, nhưng thật chất là để âm thầm quan sát chị Neta qua khóe mắt.

Bộ móng tay của chị Neta cũng trong suốt, hồng hồng như móng tay thông thường, móng tay tôi, nhưng óng lên và ươn ướt như phủ keo dán sắt còn lỏng. Và cái vẻ long lỏng ấy, cái cảm giác ướt át, ẩm mượt ấy vẫn còn mãi mà không khô, vẫn cứ thế mà toát lên cái vẻ yểu điệu, ủy mị một cách gọn gàng.

Tôi sực vẩn vơ nghĩ là bộ vuốt mỹ miều của nữ thần ấy, có lẽ chỉ tỉa gọt thôi. Còn sự cọ xát với các phím hàng ngày mới thực sự mài dũa chúng nhẵn nhụi.

Check in cho ông khách xong thì cả hai chị Neta bỗng đứng dậy và đồng loạt tháo kính ra, cài vào lọ bút gỗ dưới bàn như cài một cành hoa. Rồi cả hai hướng về phía sau nhà mà đi. Một Neta biến mất sau khung kính. Neta còn lại thơ thẩn dọc hành lang.

Tháo kính ra thì chị Neta như lẫn vào những thiếu nữ kimono khác, không dễ dàng phân biệt được. Chỉ khi đeo kính, chị mới hiện hình là chị Neta. Vừa vận kimono vừa đeo kính, trong thị trấn này chắc có mỗi chị Neta!

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận