CHƯƠNG 16
Bao giờ lữ khách check out xong xuôi và trống trải như khung cảnh trong ký ức thì các nữ thần thỉnh cầu tôi mang xô xà phòng của khách ra phóng sinh ngoài chỗ tái chế.
Thế là tôi bế cái xô đầy ứ xà phòng tội lỗi, lạch bạch bước ra khỏi lữ quán.
Những chiếc xô gỗ loại này quen thấy trong các phòng xông hơi hay nhà tắm onsen và ôm cả xô đầy thế này, e rằng người ngoài đánh giá tôi là con bé nghiện tắm thì khốn.
Tôi ghé vào hỏi đường ngài mèo trên cây (meo–mẻo mèo–meo mẻo). Ngài mèo khinh bỉ và không thèm đếm xỉa chút nào đến sự tồn tại của con hầu nghiện tắm tôi. Cũng may, đứng dưới tán cây là quý ngài chằn tinh tốt bụng và ngài chỉ đường cho tôi hết sức rõ ràng, niềm nở. Ngài ấy mặc áo sơ mi màu xanh rau má, choàng blu trắng và đeo kính râm nên tôi không có vinh hạnh được diện kiến đôi mắt nhu hòa. Ngón tay ngài chĩa lên trên sườn núi Joseph (ngọn núi tôi trèo ban sáng) vào ngôi nhà lầu cao ráo, trắng trẻo lạ lùng, nhô lên giữa đám nhà lùn lùn, như con kỳ lân đang khoanh tay đứng nhìn tôi giữa khán đài sân vận động: đó là trạm tái chế.
Trên sân thượng ngôi nhà nhộn nhịp bóng người như một bữa tiệc thác loạn.
Trời vần vũ và có đám mây đen ngòm dúi ngón tay xuống tầng thượng như một điếu thuốc gí vào gạt tàn.
– Ôi trời! Đó có phải là… lốc xoáy?! – Tôi thảng thốt hỏi.
– Thưa tiểu thư, xin tiểu thư hãy bình tâm. – Ngài tháo đôi kính, vì kính đen thì khó nhìn rõ mây đen, rồi ôn tồn giải đáp. – Đó là khói từ tầng thượng đốt lên mà thôi.
Tôi quan sát đôi mắt hạnh nhân (quả nhiên là hiền từ, tử tế) và hỏi thêm:
– Thưa anh, xưa nay Lamb đã bao giờ xảy ra lốc xoáy không anh?
– Thưa tiểu thư, tôi xin cam đoan chưa. Lamb trấn quanh năm gió lặng trời xanh. Đã thế, địa thế còn nương lưng nơi vĩ sơn Abraham hùng cường, thành thử hiếm có cơ hội cho gió hoành hành. Nếu như chớ nói là bất khả thi!
Xong ngài giương cánh tay phải, hướng dẫn tôi hãy đi về bùng binh ở kia kìa. Phố xá Lamb trong veo đến nỗi đứng từ đây có thể trông thấy bùng binh be bé, đông đúc và sinh động đằng xa. Đứng giữa bùng binh trông như có tòa Eiffel phừng phực cháy và dựng ngược, cắm đầu xuống đất. Cứ đi bao giờ đến bùng binh thì rẽ trái, rẽ vào phố thứ hai theo chiều kim đồng hồ.
Vẫn chưa hiểu vì sao giữa trưa mà tiệc tùng trên rooftop trạm tái chế đã đông đủ như kia, nhưng tôi vẫn tạ từ ngài rồi hướng về phía bùng binh rực lửa.
Đến gần thì hóa ra không phải là những râu lửa bù xù ngoe nguẩy, mà chỉ là hoa đỏ nhung nhúc cụ cựa, có lẽ là hoa phượng. Tôi đến càng gần thì tòa tháp chổng ngược lộ diện rõ là một thân cây to. Khổng lồ là đằng khác. Đến gần thì thân cây sừng sững đứng giữa bùng binh, bề rộng to cỡ căn nhà là ít và nếu đốn hết các cành cây, lá cây và hoa có lẽ sẽ y hệt như một ngôi nhà xây ngang nhiên giữa lộ, sáu mặt tiền đường.
Dưới tán cây là bóng râm và dưới bóng râm là nhiều lữ khách và dưới xương chậu các lữ khách là các hàng ghế gỗ. Hoa rơi luộm thuộm cả quảng trường. Khắp quảng trường, bồ câu lưu manh còn nhiều hơn phương tiện giao thông và do đó, gió khuếch tán vụn hoa đỏ từ dưới gốc cây lăn lóc dạt ra ngoài lòng đường mà thiếu các gợn gió do bánh xe lăn trên đường quét cho chúng tấp trở vào trong.
Chiếc xe tuân thủ luật giao thông hãng Sherry lái một vòng bùng binh ngược chiều kim đồng hồ rồi mới rẽ sang phố Georges. Tôi đi dưới sự bảo hộ của tán cây. Trên đầu là vòm cây rợp những lá xanh, những hoa đỏ hạnh phúc và đèn lễ hớn hở treo sớm.
Và trong sự râm rang gáy của suy nghĩ trong đầu, tôi bỗng sinh nghi ngờ:
– Phượng mà cũng mọc sừng sộ, hoành tráng được như thế sao?
Cùng với đó là những tưởng tượng ngớ ngẩn như không biết lũ ve có nhìn bóng đèn treo trên cây rồi coi là đồng loại không. Hay thậm chí là kẻ thù, loài khác? Chẳng hạn như ban đêm lũ ve đang ngủ mà đèn lễ rực sáng thì ve có coi chúng là kẻ thù xâm nhập lãnh thổ không?
Thấy tôi lẩn thẩn như đi như trên mây, một nhánh cây chìa cổ ra và nhổ xuống đầu tôi một bông phượng. Hoa rơi lãng mạn và đáp xuống tóc tôi nhẹ hều, cài vào thành món trang sức giản dị từ bao giờ mà tôi chẳng hay.
Phải đến khi Rahoul khen thì, như đứa con gái hiếu chiến, tôi mới đâm lúng túng mà gỡ xuống, giấu vào túi kimono.
Sau lưng cây phượng là bảng thông tin hướng dẫn du lịch:
“Cụ cây Phượng Vĩ xưa nay đã sinh sống […] lập làng những năm 1219. Cụ tổ khai làng Claude Chastain anh minh đã hạ lệnh trồng cụ cây đánh dấu trung tâm làng Lamb. Mặc dù ngày nay, trung tâm đã được dời sang tòa thị chính nhưng vào độ cuối mùa xuân hằng năm, cư dân Lamb vẫn tụ hội nơi quảng trường cũ và say sưa thưởng hoa ngắm phượng mãn khai.
Từ cuối tháng ba đến đầu tháng năm hàng năm, trên những cành non của cụ cây đã lấm tấm trổ những đóa hoa đầu mùa tinh khôi. Đến độ tháng sáu, một khi tiết trời đã chuyển sang mùa hạ ấm áp thì cụ cây sẽ mãn khai những rặng hoa màu hồng nhạt, hệt màu hoa anh đào. Và những đóa hoa trắng đầu mùa cũng đồng loạt thay sắc. Rồi đến thời khắc giữa hạ và đến trễ nhất là giữa thu, hoa sẽ thay hẳn sang màu đỏ tươi thắm của hoa xoan tây.”
Chỗ […] tôi nghĩ có thể là chữ “từ thời kỳ” hay “từ lúc” mà con bồ câu ngang tàng đậu trên bảng xòe đuôi che mất. Hai tay tôi đang bận nên cũng không tấn công ác độc con bồ câu xám đó được.
Ra khỏi bùng binh, có cây cột gỗ giương cao đôi cánh nhôm màu xanh lá thông. Cánh tả của nó xăm tên phố GEORGES BRAQUE ST (phố Georges Braque tôi đang đến), còn cánh hữu thì xăm dòng chữ OTHON FRIESZ ST (đường Othon Friesz). Trên đỉnh đầu cây cột ghim bảng nâu đề chữ Joseph Dist. (quận Joseph).
Rẽ vào phố Georges Braque, tôi bối rối ngoái đầu nhìn cụ cây lần cuối thì có mấy cành cây trên đầu cụ, giống mấy con rắn nâu, chìa ra hằn học lườm theo tôi.
Hãi quá, tôi đành vứt lại những nghi ngờ bất kính “Thế thì nào phải cây phượng đâu nhỉ? Là cây gì trà trộn vào những cây phượng chứ, xong được trồng dưới danh nghĩa một cây phượng!” và hớt hải hành quân một hai, một hai đến địa điểm thi hành nhiệm vụ.
Xa xa và khuất sau sườn núi tam giác, cột khói vẫn rầu rĩ bốc lên như đầu máy hơi nước. Đó có lẽ là cột khói của nhà tái chế ban nãy quý ngài chỉ cho tôi.
Còn bên phải tôi đây là ngọn núi mà ban sáng tôi trèo, trên đỉnh có ngôi đền đỏ đô, hiệu là núi Joseph.
Sườn núi khu này chìa ra khỏi khối núi giống bàn chân của chim cánh cụt chìa ra khỏi bụng. Quảng trường Phượng Vĩ và trạm tái chế nằm cách nhau bàn chân đó và đường Georges Braque này sẽ vòng qua các ngón chân vẫn còn dính vào nhau.
Trên triền núi phát triển nhiều cabin gỗ mà não tôi vẫn không khỏi cho rằng chúng là những thân cây hình chữ nhật; một loài cây kỳ khôi, mọc lên đã vuông vức, đã hình hộp như thế và con người chỉ việc khoét cho chúng rỗng ruột rồi sinh sống bên trong mà thôi.
Nhưng không, sau này anh Juozas bảo với tôi chúng là những cabin hẳn hoi do chính những bàn tay chai sần của con người đốn từng khúc gỗ rồi ráp thành. Chúng được phát triển khuất trong rừng cây thông và xen kẽ giữa những cây thông màu rằn ri làm lính canh. Một số là resort. Số chưa tha hóa thành resort có lẽ còn là nhà dân.
Thỉnh thoảng, giăng giữa những cây thông gần nhà dân là lấp ló những dây phơi các món áo thun, sơ mi màu trắng hoa cà phê, màu vàng hoa dã quỳ, màu tím quả sim… còn không thì các món quần bò màu lông chuột, kaki xanh rêu, màu nâu gỗ… Quần áo xòe xuống như tấm rèm noren và hầu hết đều ủ ê trong các màu hoa quả rừng sâm sẫm, chín chắn, hòa lẫn với sắc màu ôn đới trầm tư, ma quỷ của Lamb.
Trên một dây quần áo khác bên sườn, gió vén quần áo sang một phía và quấn vào nhau thành một nùi lẫn lộn màu sắc, treo lặt lìa trên giàn, và còn bèo nhèo, nhem nhép ướt và thảm đạm có lẽ không khác nào cục suy nghĩ trong đầu tôi.
Chắc chỉ có xô xà phòng vàng hoe trong vòng tay tôi là rực rỡ nhất trong bức tranh phong cảnh này.
Không thấy đường nào trèo lên các cabin nhưng đi một quãng nữa thì thấy có một lối lên đền lát bằng đá phiến.
Một con đại bàng đầu hói từ trên cao gieo ánh nhìn xuống sẽ thấy quả núi trông giống cái bánh kem khổng lồ (sô–cô–la nâu, tất nhiên có cái chân kỳ cục chìa ra là chân núi chỗ tôi đang đứng) và hai lối lên đền, lối này và lối tôi lên ban sáng, giống hai nhát cắt bánh. Nếu tách góc bánh vừa cắt ra thì sẽ mất cái chân và khối núi sẽ trở về thành hình tròn lành lặn, đẹp đẽ.
Bỗng nhiên con đại bàng điên cuồng sà xuống sau lưng tôi và tính quắp tôi như quắp một con gà lang thang. Tôi toan vung xô xà phòng vào mỏ nó rồi nhảy phóc vào nhà dân, rồi sau có lẽ là vào nồi cháo, thì hóa ra đó là Rahoul. Không phải con đại bàng hôi hám nào cả mà là Rahoul thơm tho. Hế lô Rahoul! Từ trên núi hớt hải sà xuống thì vô tình chạm trán phải tôi, Rahoul lon ton bám theo như con gà trống hiếu kỳ.
Thấy tôi tiếp xúc với vật chất phóng xạ màu vàng, Rahoul hào hiệp cướp xô xà phòng của tôi rồi dẫn vội tôi sang trạm tái chế. Trên đường đi, Rahoul dạy tôi rằng xô gỗ loại này có danh pháp là yuoke, nguồn gốc từ xứ Igyo xinh đẹp.
Số đường tăng dần và đến 185, 187, 189 thì số 191, phố Georges Braque hiện ra trắng trẻo, hoành tráng và trang nghiêm ở góc phố, trông giống như là bệnh xá hơn là trạm tái chế. Trước cổng treo cờ chim cánh cụt như tôi dự đoán và cửa cuốn mở toang hoác cho khách khứa ra vào như vào ga ra xe.
Đến giờ mới gặp một ngôi nhà bê tông của thời đại tôi đang sống, có lẽ vì trạm tái chế mà xây bằng gỗ thì hơi ngột ngạt và dễ làm mồi cho lửa quá! Nhưng tôi nghĩ có lẽ còn nhiều nguyên nhân sâu xa hơn nhiều.
Rahoul dẫn tôi vào, len lỏi qua đội quân chim cánh cụt – thùng rác hùng mạnh đứng mất trật tự trong ga ra. Sàn ga ra phẳng lì nên lũ cánh cụt đứng yên mà không trượt. Sắc tộc của chúng đa dạng từ các màu da xanh dương, xanh lá, vàng, cam, đỏ… nhưng kích cỡ chúng tương đối giống nhau. Vì chúng chỉ có ba kích cỡ là nhỏ, vừa, và cỡ Sherry. Con size Sherry to gấp rưỡi con vừa và gấp đôi con bé.
Theo lời chị Zoe, tôi chỉ cần đút cho con cụt màu cam là xong. Tôi tìm thấy ba con đứng dưới cuối hàng. Trước bụng chúng tự hào xăm chữ Please feed me your worry (Hãy cho tôi rác), hay Soapten your heart (Xà phòng của người yếu tim). Trong bụng chúng thì đói meo, sùi bọt và phải, tôi là đứa mãi mê nhòm vào trong bụng cái thùng rác đó. Nếu như thiết kế chúng thân thiện và đáng yêu thì sao? Không lẽ là thùng rác thì không được quyền đáng yêu? Và không lẽ con người không được phép trân trọng những thứ đáng yêu, chỉ vì chúng là thùng rác?
Rahoul bảo sẽ bưng lên trên sân thượng luôn cho anh tái chế viên đỡ cực.
Chúng tôi bước lên lưng chừng cầu thang thì gặp anh nhân viên bước xuống. Ảnh cũng choàng blu trắng (ban nãy tôi thấy một cửa hàng phong hiệu cho chúng là bạch blu) ngoài sơ mi đen và hai tay khiêng kiện gỗ, bên trong là các hộp sữa giấy mập mạp, trắng muốt. Trông chúng dài dài, cao cao giống mấy con chồn tuyết origami và sắp sửa đem đi bán. Rahoul hế lô ảnh rồi vẫn ôm cái xô, dẫn tôi lên sân thượng xì xào gió.
Rõ ràng là trạm tái chế và cánh cụt tái chế nhưng trên sân thượng sạch bong và chớ có mùi ô uế. Có thể thấy rằng anh tái chế viên đã vệ sinh, sát khuẩn trên này rất quyết liệt, sát sao.
Ban đầu còn đứng bên trong chưa mở cửa ra, tôi cứ ngỡ bên ngoài là những tiếng cười mỉa mai của bữa tiệc rooftop. Nhưng hóa ra trên đây chỉ còn toàn chim là chim cánh cụt. Chúng không còn là thùng rác, mà đã được thăng lên cương vị mới là linh vật tái chế. Dù cho là sáng sớm hay chiều tối thì trên này, lũ cánh cụt vẫn tụ tập đông vui. Hóa ra chúng là những bóng dáng sành điệu tôi thấy ban nãy.
Đứng trên này cao chót vót hơn hẳn những cabin nghỉ dưỡng xung quanh nên gió từ mọi tầng lớp tấp nập tới lui và dừng chân thoải mái. Dù lộn xộn thế thôi nhưng, như quý ngài chằn tinh đã cam đoan, gió không bao giờ đủ mạnh dạn đến nỗi phá phách, lộng hành. Gió chỉ dám nghịch ngợm các lá thông nhọn hoắc quanh nhà, gió len qua các kẽ hở cù lét lũ cánh cụt nghiêm nghị và gió kẹt trong mỏ của chúng tạo nên những giai điệu sôi nổi, phức tạp, những lời công khai đàm tiếu tôi mà tôi không nghe rõ ngôn ngữ.
Lũ cánh cụt đứng hỗn loạn, lung tung cả và trong khi Rahoul đổ xà phòng vào mỏ con cánh cụt cam đứng cạnh con cánh cụt ông già nô–en thì con cánh cụt già nô–en đứng đối diện tôi.
Con này sơn màu đỏ giống trang phục ông già nô–en và nó đang ngửa cổ lên trời than vãn gì đó, mồm phả ra nghi ngút khói. Nó cao bằng tôi và cao gấp rưỡi con màu cam, nhưng người nó ú u. Rahoul bảo nó là cái ống khói dưới nhà được cách điệu chứ không phải cánh cụt thùng tái chế. Khói xam xám kia đang cuồn cuộn thổi lên trời có lẽ là khói lò sưởi, khói bếp bên dưới dâng lên mà thôi.
Nếu nhòm được vào trong mà khói không sấy vào mặt đen sì sẽ thấy bên trong vẫn là ống khói gạch, cánh cụt chỉ là vỏ bọc thích nghi bên ngoài cho hòa nhập với lũ cánh cụt xung quanh, do đó mà tướng nó mới tổ bố so với mấy con kia.
Chán con cụt đỏ rồi, tôi nhìn xung quanh thì thấy ngay mép sân có đoàn cánh cụt đang trật tự xếp hàng dùng cáp treo.
Có ba sợi cáp câu những cabin lên núi, mỗi cabin hai con cụt. Tôi đến gần lân la làm quen thì bụng chúng đã no nê quá, không nói nên lời. Rahoul đẩy con cụt cam lè vào hàng (dưới chân chúng hình như có bánh xe cút kít). Bụng nó cũng căng ních xà phòng và Rahoul cẩn trọng cài cho bốn bánh xe của nó khớp vào đường ray dưới sàn.
Ròng rọc cáp ì ạch chuyền những cabin chở cánh cụt đã kết thúc hành trình tái chế chữa lành tuần tự xuống và kéo những cabin mới lên. Khi xuống trạm, cửa cabin tháo khóa trượt ra và hai con cánh cụt tâm hồn trống rỗng bên trong cabin sẽ lạch bạch bước ra.
Sau đó trên đường trở lên, hai con cánh cụt trong hàng chờ sẽ lạch bạch bước vào, cửa trượt vào, then tự gài khóa. Rồi dây ròng rọc sẽ rù rù chở chiếc cabin đều đều lên núi chơi.
Trong khi tôi còn ngẩn ra chưa hiểu phép màu gì đang diễn ra và cơ chế vận hành của hệ thống này là thế nào mà nhịp nhàng đến thế thì Rahoul bảo là tôi cứ đứng xem, cậu còn việc khẩn cần cáo lui đi giải quyết sớm. Nên tôi cũng lẽo đẽo về theo luôn.
Trên đường xuống, tôi thấy anh tái chế viên hì hục đẩy mấy con cụt ra ngoài phố và chúng tôi vừa ra khỏi cửa ga ra thì có cỗ xe ngựa chở khoảng chừng chục vị quan khách cánh cụt no nê tái chế phẩm trờ đến. Ngồi sau thùng xe, lũ cánh cụt đã no ứ ự vẫn dõi mắt theo tôi như thể dõi theo cục rác ngon lành.
Vừa đi, Rahoul vừa hãnh diện khoe là hệ thống cáp treo này ngày xưa cậu với anh Juozas vạch ra bản thiết kế trong một đêm, xong thì bồng bột bắt tay vô làm luôn.
Ôm cái xô yuoke rỗng trong lòng, tôi ngoái lại nhìn những sợi cáp ngang nhiên vẽ ngang trời mà khi nãy còn là vô hình trước mắt tôi và vẫn chưa thể tin được là não tôi đã bỏ quên không tách chúng ra khỏi phong cảnh rừng núi.
Cũng giống như trên thành phố, não tôi cũng thường hay làm ngơ trước những bó dây điện trên trời cho dù về cơ bản, chúng chằng chịt, trơ trẽn chứ đâu có gọn gàng, kín đáo gì, và có lẽ ban nãy tôi cho rằng chúng là những sợi dây diện, sợi cáp vô vọng truyền lên núi, nên theo thói quen cũng bỏ qua luôn.
Và những cabin bằng gỗ nâu thì nếu không chú ý là chúng bay chậm rì, bay cao cao dần, sẽ vô cùng dễ lầm lẫn với những cabin nhà bất động cũng bằng gỗ nâu bên dưới. Hình như chúng cũng là những gian nhà gỗ cũ tách ra và tái sử dụng mà thôi.
Rahoul ríu rít kể cho tôi ríu rít nghe là bây giờ còn có cách vận chuyển hay hơn, đang thử nghiệm. Xong Rahoul bói đâu ra con cò đang bay trên trời làm minh họa, đang tà tà từ trong một rặng mây bay ra. Nó bay đơn độc mỗi mình nó thôi, không có đàn, và miết tay theo đường bay của con cò, Rahoul nói:
– Chỉ cần huấn luyện lũ nó mang những xô vật phẩm, chẳng hạn như xà phòng, bay từ trên núi xuống và bay từ dưới này lên thì đỡ biết mấy. Chẳng cần đi bộ ra đây mà nó sẽ mang đến từng nhà. Có lẽ sẽ cho nó đeo một cái đai, rồi buộc vào xô vào bụng cho nó bay đi, bay về. Gần khu chế xuất có cái hồ to, cò tụ tập nhiều lắm!
Lamb cũng có khu chế xuất sao? Và khu chế xuất trên núi sao?
– Khu chế xuất cũng thuộc quận Joseph, nhưng nằm dưới thung lũng phía bên kia núi. Nhưng không có đường sang nên phải vận chuyển theo đường cáp treo lên đỉnh núi rồi chuyển xuống bên kia.
Bất tiện quá nhỉ? À, thảo nào họ phải vận chuyển tái chế phẩm lên đỉnh núi, lên chỗ ngôi đền. Vận chuyển bằng cò nghe có vẻ sẽ thoải mái và kinh tế hơn. Nhưng mà làm sao huấn luyện lũ cò mới là chuyện?
– Anh Juozas đang nghiền ngẫm quyển sách người ta chỉ cách luyện bồ câu. Chắc ảnh sẽ nghĩ ra gì đó thôi mà!
Rồi vừa đi, cậu vừa sung sướng kể lại hồi kỳ công lắp những trụ cáp, hệ thống dây, cậu phải dụ đám bạn học cấp ba đến phụ rất lâu mới xong. Và ban đầu thì cậu không nghĩ sẽ có ai giúp sức. Nhưng rõ ràng nếu họ không giúp thì tuyệt nhiên bây giờ không có gì cả!
Họ hăng hái cực kỳ, tôi không tưởng tượng nỗi đâu! Không rõ làm sao họ hăng hái được đến thế và có lẽ phải gọi là phép màu. Ban ngày thì cả bọn hì hục khiêng những cây khung, cột, giàn, v.v. lên rồi lắp vào. Ban đêm, họ triệu hồi lửa đêm và dựng lều trại thô sơ ngay trong rừng dưới chân tháp luôn. Cả bọn nốc rượu quả, đánh bài có kỷ luật, ăn đồ nướng, xong ngủ ra đó luôn, vui ơi là vui! Hệ thống cáp treo cánh cụt này cả bọn quần quật làm nghiêm chỉnh trong vòng một năm là xong à!
Quần quật cả năm mà Rahoul nói nghe dễ chơi quá... À mà các cậu không phải học trên trường sao?
Rahoul bảo hồi cậu học cấp ba dưới này và học tuần có ba ngày à, còn dư thì giờ gian tạo kỷ niệm. Sáng tinh mơ thì cả bọn trên núi lao động hăng say, xong đến tầm mười giờ thì lật đật trèo xuống trường. Buổi trưa trời nắng sẽ ngồi học trong lớp lánh nắng, cho dù trên núi thông mọc rậm rạp nên nắng cũng không đến nỗi rát cho lắm. Sau đó chiều chiều, đỡ nắng thì trở lên núi lao động. Ông Raymond thị trưởng khuyến cáo vừa học vừa trải nghiệm lao động khổ sai mà, như trong quân đội á, nên ông hiệu trưởng cũng khuyến cáo theo luôn.
– Tớ thì tớ thấy vừa học vừa làm vui hơn! Với học cũng dễ vô hơn! Chứ tuổi mình mình mà ngồi lì trong trường thì chán chết! Tớ có học thế cũng chả vô đâu! – Rahoul vỗ ngực nói.
Triều đình ban quyền phép cho thị trấn Lamb giáo dục theo lối riêng sao? Không theo giáo trình cả vương quốc có sao không nhỉ?
Mà thôi, Rahoul bảo gác lại mấy chuyện quá khứ đó đi. Sao vậy? Tôi thấy ấn tượng, oai phong hết xẩy đó chứ! Nhưng mà thôi, Rahoul nổi hứng rủ tôi tối nay ăn đồ nướng không?
– Ý hay á! – Cái lưỡi ngọt lịm dịch hướng ngoại của Sherry chợt nhanh nhảu và rạng rỡ đáp, biết đáp thế có lẽ cậu sẽ vui.
Rahoul hí hởn bảo sẽ rủ thêm anh Juozas, vì rủ ảnh thì chắc chắn ảnh sẽ đi. Có lẽ sẽ rủ thêm chị Lya vì anh Juozas đi thì gần như chắc chắn chị Lya sẽ đi. Mà có lẽ sẽ rủ thêm chị Neta vì chị Lya đi thì gần như chắc chắn chị Neta sẽ đi. Hai chị em đó thân nhau dữ lắm! Và có lẽ sẽ rủ thêm anh Florent vì chị Neta đi thì gần như chắc chắn anh Florent sẽ đi. Ảnh mê chị Neta dữ lắm! Có lẽ sẽ mời đông đông tí, vì dù gì tối nay cũng là tối chủ nhật mà. Và đặc biệt là hôm nay có thịt gấu.
Thịt gấu sao?
– Ừm! Cậu ăn thử thịt gấu bao giờ chưa?
Rồi, chúng tôi bàn với nhau về thịt gấu: nên mua những nguyên liệu nào và chế biến như thế nào. Rahoul không có tí kiến thức nào về thịt gấu cả nhưng mà hồi sáng cậu đã nhờ ông Beau đầu bếp sơ chế rồi tẩm hương liệu giúp luôn rồi. Phải ướp những loại nào và ướp trong bao lâu nhỉ? Nhưng mà tối nay sẽ đông đúc cỡ nào?
– Có lẽ không đến nỗi đông quá đâu. Vì thịt gấu ăn lạ miệng thôi, chứ không đến nỗi khoái khẩu đâu! Vả lại, tớ sợ họ sẽ không đi. Vì mấy đêm gần đây, mọi người cũng bận rộn trang trí gian hàng, với cả chuẩn bị mặt hàng buôn bán trong lễ hội nữa.
Ở bùng binh, tôi với Rahoul chia tay đường ai nấy đi. Tôi về lữ quán còn cậu ra tòa thị chính. Rahoul sực nhớ ra và moi trong túi quần tây ra cục kẹo đậu phộng, gói trong giấy màu đỏ. Cậu cho tôi lấy may.
0 Bình luận