CHƯƠNG 6
Có con cá voi trên núi cao, có lẽ vì muốn bay mà trườn đến chỗ mỏm núi, gieo mình xuống vực. Nó rơi đánh một tiếng bạch. Chỉ khác mỗi chỗ không phải cá voi trên cạn, vì làm gì có cá voi nào mà sống ở trên cạn, mà là tảng núi kích thước to cỡ con cá voi và vì là đá, không có thịt quấn quanh nên khi rơi nó không đánh một tiếng bạch nào cả mà nổ băm ra thành nghìn mảnh nhỏ, to: mảnh nhỏ nhất cũng cỡ con tê giác mới đẻ, hòn to nhất thì ngang con voi mới về hưu. Vừa đến, họ đã thọc xẻng vào múc. Nhưng ai dùng xẻng xúc tê giác bao giờ?
Đá to quá nên họ khuân lên vai rồi vác sang bên, chất thành một đống. Được một lúc thì ông Berenger đứng hẳn một bên luôn cho ông Ray thì khiêng đá ném sang thì đỡ rồi đặt xuống. Rồi ông trưởng tàu với anh Jacques cũng làm tương tự: ông ném còn Jacques làm làm dáng thủ môn, đón.
Có lẽ họ muốn gom mớ đá cho gọn, thông đường hầm cái đã, xong tính đến chỗ thủ tiêu mớ đá đó sau.
Nếu bố tôi có anh trai, lớn hơn bố một con giáp, thì những người bác đang dọn đá này cũng cỡ tuổi người họ hàng đó của tôi. Không còn trai tráng như thời niên thiếu nhưng không cũng chưa đến tuổi mà lời nguyền lão hóa làm cho tàn tạ. Rõ ràng họ còn khỏe và còn sung sức chán! Này nhé, từ đầu đến giờ, chỉ bê một bé tê giác sơ sinh từ hiện trường sang chỗ đống đá bên phải, ngang mười bước chân, mà tôi còn chật vật, vã mồ hôi trong khi họ chuyền tay nhau tảng đá to như pho tượng mà ném cứ như chuyền mấy chiếc gối.
Khó khăn lắm tôi mới đặt được hòn đá đầu tiên xuống đúng chỗ trong bãi đá thì áo sơ mi bên trong của tôi đã đẫm mồ hồi rồi. Dù trời cũng không đến nỗi nực nhưng giờ ướt rồi thì không còn cởi hoodie cho đỡ nóng được nữa.
"Giỏi lắm cháu gái! Từ từ cố gắng, được bao nhiêu hay bấy nhiêu ha!" ông Ray vỗ vai động viên, giống cách bố thường vỗ về tôi hồi nhỏ. Nhưng vỗ về nào phải thuốc tiên làm tôi tự khắc mạnh đột xuất được. A, chờ đã...
Chợt nảy ra cách, tôi bảo họ tôi đi một lát rồi phóng về tửu quán, ôm ván trượt ra. Trong vài phút tôi về, trở ra thì họ đang thi coi bên nào dọn được nhiều tảng đá hơn và bên nào thua tối về phải đãi chầu rượu. Thế là họ hùng hục vác, chuyền, đón, rồi vác, chuyền, đón... Tôi dĩ nhiên thi không nổi. Nhưng cũng muốn trung hòa nỗi mặc cảm vô dụng của mình, tôi bèn ăn gian bằng uy lực của khoa học: tôi bê hòn đá cho nó ngồi trên ván, lùa sang chỗ mớ đá, rồi bê nó xuống.
"Trời, cháu nó lanh quá!" ông Berenger hoảng hồn thốt lên.
Họ cũng ngó sang, tới tấp khen tôi đến mềm mình. Rồi ngay khi thấy anh Juozas đang nhàn nhàn đi ra, xẻng đeo sau lưng như thanh gươm và vai vác hai cái ô bãi biển, tay kia xách cái xô gỗ đựng mấy chai nước, thì ông Raymond chợt nghĩ nên chất đá lên xe, sau đó có gì chở lên núi đổ luôn cũng tiện.
"Nãy giờ mình toàn chuyển đá sang bên, tránh đường tàu. Nhưng nhìn cháu gái dùng ván trượt chở đá, tôi nghĩ mình cũng nên chuyển đá lên thùng xe, sau cũng dễ chở đi nơi khác!"
Sau ban đầu không làm luôn nhỉ? Đó là câu họ khiển trách bản thân. Không phải khiển trách người chỉ huy Raymond mà là khiển trách mình: sao mình không nghĩ ra nhỉ? Sai sót của tập thể cũng là sai sót của cá thể, một quan niệm mà những người trẻ, dân thành thị như tôi, anh Jacques khó mà hiểu được. Nhưng anh Jouzas, sống ở Lamb cũng khá lâu thì biết đâu cũng thì cũng đôi chút nào cảm nhận được.
Ở Lamb có xe thùng, nhưng chỉ toàn chở rau cải, sữa, bò, đồ trang trí cho lễ hội... nên chở đá sợ không được. Bác trưởng tàu bèn hỏi mượn hai toa hàng không mui ở ga, loại người ta thường dùng chở than.
Họ sắp đặt những tảng đá to vào trước rồi mới rải đá vụn vào. Giờ thì không có gì to to múc đá lên tàu nên chúng tôi mỗi người xúc đá vô những cái xô sắt (anh Juozas hớt hả xách ra) chuyền lên cho tôi trút xuống khoang. Đứng trên đó là nhẹ nhất rồi nên thực tế thì họ chẳng ai muốn đứng cả. Họ muốn vận động ra mồ hôi chứ không muốn ngồi chờ
Sau ba giờ, đường hầm đã thông thoáng như cũ.
Sau đó thì bác trưởng ga nán lại coi đường ray xem có hư hỏng gì không, có gì thì sửa luôn, còn những người khác về tửu quán cả. Không rõ có được nhường không nhưng như đội anh Jacques và bác trưởng tàu là đội chiến thắng của cuộc thi dọn đá.
Hai giờ sau thì chuyến tàu đêm đầu tiên đã hú còi chuyển bánh và vượt hầm nhưng trong bụng tàu không có tôi. Tôi đã định bụng sẽ nghỉ ở Lamb luôn, sáng mai rồi đi tiếp.
CHƯƠNG 7
Có con đường vòng qua dãy Abraham, dẫn từ bắc xuống nam, tên Moses. Cái hồi còn chưa xe to vaf gấu núi chui sang thì ngày nào con đường Moses cũng kẹt thành một đoàn dài ngằng, như xương sống con rắn.
Hơn hai mươi năm trước, người ta khoan một cái hầm xuyên qua dãy Abraham (đường Joseph,) từ đó thì không cần vượt đèo hiểm trở nữa, giao thương hai miền cũng trơn tuột hơn.
Sau đó người ta khoan thêm nhiều đường hầm, xây các tuyến ray thì gần nhánh đường vượt đèo là khỏi có ai sang đường Moses luôn. Đường Moses với đường Joseph giống nét I và nét 3 của chữ B vậy. Từ hồi có nét I rồi thì người ta không di chuyển theo nét 3 của chữ B nữa. Lamb nằm ở nét C ngược trên của nét 3, thành ra hai mươi năm trước, từ một thị trấn náo nhiệt, người qua kẻ lại nườm nượp, bỗng thành thị trấn cô đơn, hiu quạnh trong một cái xó.
Ể, tôi đã kể về đoạn đường Moses rồi sao?
Thế thì tiếp chuyện hôm bữa nha, dọn đá xong thì ông Ray về nghỉ lưng ở nhà hàng gia đình, đợi lên cơm. Ông cũng mời tôi, anh Jacques cùng dùng bữa, cũng như hãy nghỉ đêm ở Lamb. Dù gì ban đêm, con gái một mình đêm hôm mà xuống giữa thành phố lớn cũng nguy hiểm.
Tôi là con cún bị dắt cổ theo sợi xích mang tên lời hứa. Chỗ dùng bữa tối là một nhà hàng mà mỗi nhóm thực khách sẽ ngồi trong một phòng riêng. Ông hỏi anh Jacques có muốn dùng bữa ở phòng riêng không thì anh xin phép dùng chung với gia đình luôn cho gọn. Tôi cùng làm theo anh. Ông Raymond vừa về đến nhà hàng toàn thân đã nẫu ra giống trái cây chín, đành phải nhờ chị nhân viên phục vụ mang giùm cái ghế tatami. Thông thường thì ông ngã lưng ra sàn luôn, nhưng vẫn còn khách nên vẫn còn giữ lễ, dù khách có là hai đứa trẻ tuổi con mình chăng nữa.
Hồi sau thì ông Berenger, bác trưởng tàu cũng về. Ban nãy bác Beren vào mang dụng cụ ra cho bác trưởng tàu. Ông sai nhân viên dọn bữa rồi xin lỗi đã khiến tôi với anh Jacques chờ lâu, hôm nay thực khách đông quá nên nhà hàng đang quá tải.
Một lát nữa, ông Ray ra ngoài hỏi xem sao mà lâu quá thì thấy người ta xếp thành hàng chờ bên ngoài. Hóa ra trong bếp không còn cơm và đang chờ nấu.
"Cơm mà cũng hết được à?" - Ông Ray hết hồn.
"Rất xin lỗi ông ạ. Tại mọi khi nhà hàng thưa khách nên chúng cháu thường không nấu sẵn nhiều." - Chị chủ quán lúng túng.
Nhà hàng và chủ nhà hàng này còn khá trẻ nên ông Ray cũng không trách làm gì. Ông bảo chúng tôi hãy chịu khó chờ ít lâu nữa nhé!
Cũng chẳng phải là những thực khách khó tính nên tôi với anh Jacques từ đầu đã tự giác ngồi ở một góc bàn, vừa ngồi vừa ngóng chuyện trên bàn ăn. Hình như họ đang họp, giống ban chiều ngoài tửu quán, và chị Irises cũng tâu chuyện với ông Raymond qua video call. Do không mở cam nên tôi vẫn không thấy được mặt chị Irises.
Chị Irises là con cả của ông Ulman, thua anh Juozas hai tuổi, và đang điều hành cả Lamb thay mặt ông Ray. Chị kể với ông Ray là từ ban trưa, vì tàu kẹt nên bỗng dưng ứ đọng khách. Phải huy động nhiều taxi của Lamb, cũng như cho mướn taxi ở các tỉnh giáp ranh Lamb. Nhiều khách vãng lai check in vào các khách sạn, lữ quán; mua vé vào các bể nước nóng; và dùng bữa ở các nhà hàng, dùng rượu ở tửu quán... làm cho hầu hết dùng các dịch vụ ở khu vực quảng trường cũng trở nên quá tải.
Irises đã gọi bảo trong trường hợp không còn chỗ ngồi, không còn phòng thì các chủ quán nên hướng khách vào các quán vãng khách hơn, nằm sâu trong lòng thị trấn. Còn chuyện xếp hàng chờ xe thì sau khi một lượt khách đã lên, do trời oi bức quá, nên thay vì xếp hàng thì chị thông báo mọi người hãy đến bóc phiếu ở tửu quán Wine Càfe, sau đó loa sẽ gọi số lên xe. Không những không cần phải đợi dưới nắng nữa, khách còn có thể sử dụng các dịch vụ ở Lamb trong lúc chờ.
Irises nói nhỏ với ông Ray là sau khi mọi người đã bóc phiếu hết rồi thì chị có giãn thời gian chờ giữa hai lượt xe ra chút đỉnh, từ một cỗ xe mỗi sáu phút thành một cỗ xe mỗi mười phút. Dù chênh lệch ít phút nhưng hành khách cũng ít cập rập hơn, lên xe cũng thong thả và đỡ chen lấn và hơn.
Và thực tế thì, theo quan sát của chị, tinh thần của khách cũng cải thiện đáng kể. Vì không cần xếp hàng giữ chỗ nữa và vì xe chạy theo suất đều đặn và đã có số, đã lên lịch trình hết, các chuyến cách nhau mười phút nên cũng dễ canh đến lượt mình, thành ra họ cũng an tâm hơn khi sử dụng các dịch vụ ở Lamb.
Nghe đến chuyện giãn tuyến xe là, bên đầu dây bên này, ông Ray méo mặt. Người như ông mà kỵ những trò như này cũng dễ hiểu thôi, nhưng ông không nói gì và có vẻ như bên đầu kia, chị Irises cũng đang lu bu, chỉ áp điện thoại vào tai, nghe nghe nói nói thôi. Ông Ray có bật video nhưng mà hình như chị không rảnh đâu mà xem.
Bên chỗ chị Irises ồn kinh khủng với cả lâu lâu, chị còn cáo lỗi ông Ray rồi nói nói với ai đó cái gì đó. Chị đang lưu linh ngoài quãng trường Lamb, quan sát các hàng quán, khách khứa, đảm bảo tình hình vẫn còn trong tầm kiểm soát và trong suốt cuộc họp, có lẽ chị Irises đã loanh quanh được hai, ba vòng quãng trường Lamb rồi.
Ông Ray không hài lòng thế thôi nhưng cũng không cự nự gì. Cảm giác như ông muốn tin tưởng, phó mặc Lamb này cho chị luôn vậy, muốn làm gì thì làm.
Rồi chị báo cáo về lễ hội vẫn đang được sửa soạn như dự tính. Đến khúc lễ hội thành ra đã dấn quá sâu vào nội tình rồi nên tôi có nghe thì não cũng không theo được.
Những chuyện liên quan đến truyền thống này, chị Irises không dám tự mình đưa ra quyết định. Báo cáo đa số theo cú pháp tên người - muốn làm cái gì đó - cần mua cái gì đó - không rõ có phù hợp với lễ hội truyền thống hay không. Giả dụ như ông Guy muốn mở quầy bán bánh bạch tuộc nên nhờ mua giùm hai ký râu bạch tuộc, không rõ bánh bạch tuộc có phù hợp với lễ hội Lamb không.
"Được!" - Ông Raymond đã phê duyệt.
Rồi Heloise, con gái ông Korbin muốn bán kẹo gòn, còn ông Korbin muốn bán kẹo kéo, còn bà Korbin muốn bán kẹo hồ lô; họ sẽ bán cùng một quầy, sẽ cần máy làm kẹo gòn, mạch nha, cơm dừa, bánh tráng, đậu phộng, và dâu, táo, quýt; không rõ có kẹo nào không phù hợp không?
Ông Ray nghe hồi cũng không tưởng tượng nổi họ sẽ nấu cái gì nữa nên thôi, coi như cái gì cũng duyệt đi, chỉ cần đừng lố lăng, không dơ là được. Toàn bộ danh sách đều được thông qua nên ngày mai Irises sẽ nhờ người tìm mua hộ.
Tối nay lý ra nhiều nhà đã sửa soạn cho lễ hội, lôi xe hàng ra ngoài đường và trang trí, nhưng vì người ta đông quá nên họ dọn vào nhà cả rồi. Chị Irises đến bảo họ dọn vào, ngày mai hẵng làm, chừa đường cho đêm nay khách dạo chơi.
Nhưng đến ban tối, lúc về lữ quán, tôi thấy nhiều xe hàng trang trí dang dở còn đang nằm bụi đời ngoài đường lắm. Không biết chị Irises đổi ý khi nào, nhưng theo khảo sát của một số khách tham quan (là tôi, một số là một người) thì tôi thích trông người này người kia nô nức trang trí xe hàng lễ hội của mình hơn là đường xá đìu hiu, ai vào nhà nấy.
Khi chị Irises vừa thưa với ông Ray về hình vẽ đứa nhỏ thì đột nhiên ông hốt hoảng lên, đang chờ lên cơm vẫn bỏ ra ngoài, luýnh quýnh đi gom trẻ con. Dù Irises đã đọc loa cảnh báo, cũng như cho người đi hỏi, cũng như điều người canh gác nhưng ông vẫn bồn chồn. Ông vẫn phải tự mình gom cho đủ.
Buổi tối dùng cơm thố trộn ba chỉ bò, dùng kèm súp rong biển, rượu gạo. Rượu gồm nhiều hương vị như nho, đào, dâu... nhưng tôi thì không dùng được rượu. Anh Juozas cũng ghé sang dùng bữa nhưng dùng gấp, cũng dùng rượu tráng miệng, rồi té gấp. Có Rahoul sang dùng bữa thì nán thêm ít lâu chuyện trò với tôi.
Ông Theo, ông Ulman về rồi cũng ra quán hầu chuyện bác trưởng tàu, vì đó giờ chưa có lần nào bác ở chơi lâu như lần này. Dọn đá xong, sửa đường ray xong, bác cũng mệt nhừ rồi, ngồi xe không nổi, đành nghỉ qua đêm ở Lamb luôn. Đặt phòng cho bác, cũng như cho tôi, anh Jacques, xong thì ông Berenger về bàn líu lo với các đồng môn cũ. Sư đồ hôm nay mới tái ngộ và họ ồn ã như những người trẻ. Có khi lao động vừa hồi xuân cho họ. Đều từ võ đường của bác mà ra cả, họ ngồi ôn các kỷ niệm thời hoàng kim.
Rahoul chuyện trò với tôi một lát cũng về, vì tối còn phải tuần tra theo mệnh lệnh của chị Irises. Vòng quanh Lamb một hồi thì người mỏi nhừ, và đói, ông Raymond về xơi cơm, kéo thêm ông Ulman, ông Theo. Ông hỏi ông Berenger anh Juozas đâu, nãy sao dọn đá xong nó té đâu rồi? Ông cần tìm Juozas gấp. Xơi vội bát cơm và ôn vội kỷ niệm với bác trưởng tàu rồi tạ lỗi vì không thể toàn tâm toàn ý hầu chuyện bác được, ông ra ngoài nữa.
Anh Jacques dùng bữa xong rồi thì xin phép cáo lui. Ban chiều anh đã mua vé tàu đêm nay xuống Eve nên phải ra ga trước giờ khởi hành.
Cho các bác không gian riêng tư, tôi cũng cáo lui theo anh Jacques và lẻn ra ngoài.
Trên đường về lữ quán, tôi mới nhận ra là trong ký ức tôi có vấn đề.
Rõ ràng chỉ có một trong hai người tên là Jacques nhưng trong trí nhớ của tôi thì người chữa bệnh cho con bò cũng là Jacques và người dọn đá với tôi cũng là Jacques. Và chỉ có một người là bác sĩ thôi chứ nhưng trong ký ức xáo trộn của tôi thì ai cũng có thể là bác sĩ Jacques.
Vì sao có nhiều Jacques quá chừng? Không biết có phải lời nguyền gì không nữa. Tôi tình cờ theo một trong hai Jacques (Jacques này khoác áo đen) và Jacques này không bắt tàu xuống miền Nam mà cùng đường về lữ quán tối nay tôi nghỉ.
Người đó rẽ vào con hẻm. Cuối hẻm là quán bar lần đầu tiên của tôi. Âm nhạc thoát ra từ trong quán quyến rũ tôi. Song, tối đó tôi chỉ ngó vào ngắm nghía từ bên ngoài chứ không ghé, cuối cùng thì lủi thủi về phòng.
CHƯƠNG 8
Trên đường về lữ quán, tôi vẫn còn lâng lâng nghĩ mãi về ban nãy.
Ông Ray bảo với ông Xavier, ông hãy khen con gái mình đi, ông nên lấy làm tự hào về con gái mình đi, vì hàng tấn hữu sự tự nhiên rơi xuống đầu mà cô vẫn không hề mảy may nao núng, cũng dàn xếp êm đẹp cả, cũng chẳng cần phải cầu cứu những người trưởng làng trong lúc họ đang dọn đá ngoài đường hầm.
"Ôi! Phải lâu lắm các bố cháu và các bác mới có quãng thời gian vui vẻ như thế này," cảm giác như bên đầu kia cuộc gọi, cô đang đưa tay che miệng, mỉm cười, "làm phiền các bác thì đúng là cháu thiếu tế nhị quá!"
Ông Ray bảo đã thế thì ông về hưu cũng yên lòng.
Đúng là cũng ngộ khi mà ông không đưa con trai Rahoul của mình cai quản Lamb, nhưng nghĩ kỹ thì ở cái nơi mọi người sống vì nhau thì không phải người nào có tài quản lý nhất, người đó cai quản không phải hợp lý sao?
Rahoul còn quá trẻ, quá bồng bột, hiếu chiến, thì khó lòng mà trị vì tốt được. Còn ông Raymond cũng già cả rồi, cũng không còn lanh lợi, quyết đoán như hồi xưa nữa, nên nhanh nhanh tìm ai nối ngôi thì hơn. Lamb không thể cứ chờ cho Rahoul già, trải đời hơn, nên bây giờ ai đủ giỏi và đủ tình yêu Lamb thì người đó kế vị ngay là tốt nhất cho Lamb rồi còn gì.
Rahoul, cùng tuổi tôi, tấm chiếu mới ở viện Adam oách như xà lách rồi. Nhưng ở làng thì cậu toàn nghiền ngẫm kiếm hiệp truyện, võ lâm thư, tối ngày hì hục chưởng bao cát, tung cước vào rô-bô. Lâu lâu Lamb có hữu sự gì thì Rahoul cũng sẵn lòng xắn tay áo vào giúp đỡ, cũng giúp người trong làng giao hàng, thu hoạch củ cải, đốn củi, mua hải sản... cũng sọt tới sọt lui buôn bán cái này cái kia, nhưng mà là lâu lâu thôi. Chứ như bây giờ thì trái tim của cậu vẫn không nằm ở Lamb. Rahoul còn cả Eden còn chưa khám phá, còn cả tuổi trẻ còn chưa ngông, và còn chưa carpe diem, chưa húp đủ sự đời (ông Ray bảo thế) thì làm sao mà nguội lòng yên dạ mà an cư lập nghiệp dưới Lamb nghiêm trang, cũ kính này được.
Thành ra ông Ray mới bảo còn chưa sẵn sàng. Hãy đợi cho Rahoul tốt nghiệp viện Lamb cái đã, hãy đợi cho cậu bầm mình bầm mẩy trên võ đài cỡ chục năm hẵng hay, chừng nào cứng cỏi cỡ ông già mình hồi trẻ, cũng như chẳng còn tha thiết với các thú vui tuổi trẻ như giống ông già mình bây giờ, có nguyện vọng giải nghệ, về quê ở ẩn, thì khi đó rút về Lamb, dạy dỗ nó cách làm ông vua con vẫn còn chưa trễ.
Ý ông già đúng ý Rahoul quá. Cậu cũng đang ở tuổi chỉ nghĩ đến chuyện đấm đá, hơn thua, giờ bảo ngồi bàn giấy ngồi sao nổi?
Chiều đó, Rahoul tỉ thí với con rô-bô rơm đã đời thì về quán cũng phụ dọn những thố cơm ra. Hình như cậu cũng được lòng những cô đầu bếp, chị phục vụ lắm. Nhưng không phải vì để lấy lòng mà cậu phụ họ được gì thì phụ. Hình như người ở Lamb ai cũng thế. Hình như giúp nhau trong những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày đã thành tập tục ở miền này rồi. Không rõ có phải vì ở Lamb ít người, và vùng sườn núi khí hậu quanh năm cũng khắc nghiệt nên nếp sống tình nghĩa cũng ăn sâu vào, trở thành bản tính của con người hay không. Nhưng mà họ sống cộng sinh, lệ thuộc vào nhau hơn dân trên thủ đô nhiều, dù không máu mủ nhưng vẫn đùm bọc lẫn nhau như người cùng một gia tộc.
Như cô con dâu mới gả vào gia tộc này, tôi cũng vướng vào guồng quay không khí gia đình rộn rã của nhà hàng, cũng phụ dọn những đĩa khô cá, khô mực, những chén nước tương, mù tạt... những mảnh ghép ráp thành một bữa nhậu hiện đại cho mấy bác già.
Có vẻ văn hóa nhậu vùng này cũng nhiễm cái chất thành thị mất rồi. Có vẻ các bác cũng dần thích nghi với cảm giác say trong bia bọt công nghiệp thay vì trong thứ rượu truyền thống. Anh Juozas sang thì ôm thùng bia to hãng Drunken Bear sang. Nhưng mà ảnh dùng bữa xong thì cáo lui, té sớm. Không phải là ảnh không uống, ngại uống hay gì (ảnh cũng có uống, mà uống có lon à), nhưng mà hình nhưng đêm nay lộn xộn quá nên ảnh muốn giữ cho đầu mình còn hồng, còn minh mẫn phòng khi có gì chuyện gì cấp bách, phát sinh.
Ông Beren bảo không cần, tôi cứ ngồi chơi, nhưng ngồi không khiến đôi chân mang tất trắng của tôi áy náy, không yên. Chỗ này là thực quán, không khí cũng không giống như nhà hàng. Cảm giác tôi phải góp công vô bữa ăn của mình thì dùng bữa mới ngon được.
Trước lúc sang đây, Rahoul từ võ đường trong núi ở Lamb đã ghé về nhà gột rửa, sức dầu thơm, đóng âu phục nên ban đầu tôi còn tưởng lầm cậu là bồi bàn của nhà hàng. Tôi có hỏi cậu nhà hàng mình có tương ớt không thì cậu mang ra cho tôi, xong đút chân xuống gầm bàn, dùng bữa cùng mọi người luôn.
Tôi rón rén hỏi thì cậu phì cười và bảo là bao giờ, cậu cũng là nhân viên của Lamb. Nhà hàng cần người thì cậu làm bồi bàn, lữ quán cần người thì cậu làm bồi phòng, ngoài đường cậu cũng là cảnh sát khu vực, người đưa thư bán thời gian, và hơn hết, cậu là hộ vệ của Lamb. Rahoul sống gần như trong lớp âu phục này luôn, và vào những ngày sau, khi mà tôi chú ý kỹ hơn thì thấy nhiều người trong bộ vest màu đen của con quạ, thoáng xuất hiện rồi thoáng biến mất ngay không khác nào những nhẫn giả. Họ là mật vụ, cảnh sát chìm, những người hộ vệ âm thầm và sâu bên dưới thì vòi an ninh của Lamb tủa sâu hơn là tôi nghĩ.
Ban nãy dùng bữa xong, tôi theo anh Jacques (cái anh xuống Eve) tính chuồn nhưng rốt cục thì nán lại chơi đến tối, phụ người này người kia, và thật lòng thì không khí tình nghĩa, san sẻ lẫn nhau ở thị trấn gia đình này cảm giác khá là dễ chịu.
Phụ nhồi những thứ đĩa vào buồng hoa sen của chúng thì tôi đồng ý nghỉ quả đêm ở Lamb luôn và ông Beren gọi xin cho tôi chỗ ngủ khác trong lữ quán sâu trong lòng Lamb. Trong đó yên tỉnh, dễ ngủ hơn nhiều!
Và sau đó thì tôi ra về, là bây giờ, đang lê chân trên phố xá ban đêm.
Trong suốt quãng thời gian ở Lamb, tôi không gặp cô một lần nào. Cho dù cũng trùng hợp trong tuần đó, cô cũng xuống Lamb nghỉ mát. Lamb rộng như thế đó!
Vào sâu trong Lamb thì đường xá tĩnh lặng như đang sống trong bụng con cá voi. Hàng quán còn mở cửa, còn sáng đèn, và chỉ cần vén những tấm rèm nori vải treo ngoài cửa quán sẽ quan sát thấy những vương quốc nhỏ được nuôi bên trong.
Nhưng lỡ như không đủ hứng thú đến vén thì gần như vẫn hình dung được thế giới đằng sau tấm rèm đó ra sao. Hầu hết hàng quán ở Lamb mở toang cửa và có thể thấy ánh đèn từ bên trong tràn ra thành hình chữ nhật ngoài vỉa hè.
Tôi bước ngang qua một cái thảm chào mừng làm bằng ánh sáng như thế đó thì từ gấu váy trở xuống ánh lên màu sắc nặng cảm xúc của đèn. Có hiệu sách thì thè ra cái lưỡi ánh sáng màu vàng ngà ngà dễ chịu (màu của viễn cảnh ngày mai trong sáng). Có cửa hàng gear leo núi thì phun ra lớp sơn ánh sáng màu trắng long lanh như tuyết. Có quán mì thì tỏa ra ánh đèn vàng lập lờ, mờ mờ ảo ảo vì khói nghi ngút bên trong xông lên từ nồi nước lèo. Và ít khói cũng xông ra ngoài khung cửa gỗ.
Nếu tôi là người không có đầu thì thân người tôi bước vào trong luôn cũng được, không cần vén màn nori. Nhưng vì là người có đầu và cũng ngại vén màn nên tôi chỉ lướt ngang những hàng quán, đôi chân lượn qua những lớp màu và làm thành những cái bóng uốn uốn, cong cong như cặp sừng linh dương rơi trên đường phố.
Và đứng ngoài phố trông vào sẽ thấy được đôi chân của những người bên trong. Có những đôi chân bọc quần bò, quần tây, đầm đang đứng trong hiệu sách. Trong hộ kế, những đôi chân cuồn cuộn mang giày thể thao. Hộ kế nữa là những chân bàn tulip, bốn chân ghế và hương cà phê đêm (Arabista) và hương trà yếu hơn, mỏng hơn, nhưng vẫn cảm nhận được trong không khí và gần sát với mùi cà phê đến nỗi tôi nghĩ họ phải trộn cả hai trong cùng cốc thì may ra mùi hương mới sát đến thế được.
Tôi đến chỗ con hẻm thì phía dưới rèm nori là những đôi chân mảnh khảnh và đang yêu trên những đôi giày cao gót thắt nơ ngọt ngào, những chiếc nơ to cỡ con gián. Và đứng cạnh là những đôi chân hình trụ, trong ống quần tây đen thẳng đứng, vụng về. Và hình như hôm nay, quán bày ra trò nhảy khiêu vũ hay gì đó nên mọi người ai cũng tham gia vào những bước nhảy gượng gạo, còn nhiều bất đồng trong giai điệu tình yêu mới.
Sau đó tôi lạc đường vòng vòng quanh Lamb cả giờ sau mới về đến địa chỉ lữ quán.
Lữ quán của tôi là một dãy nhà gộp của ba căn, nằm ở góc đường vắng xe, cạnh quán cà phê Nissan. Tựa người vào lan can ngay góc đường, trên tầng hai, một người đang châm một điếu thuốc. Trong đêm tịch mịch, đom đóm lửa bén từ hộp quẹt của anh ta thắp lên cùng lúc đầu lọc điếu thuốc và bốn đồng tử nhìn nhau.
Ảnh đã cởi bộ vest đen ra và bên trong là áo sơ mi trắng.
Những con ngươi thu về tính bóng tối cố hữu của chúng và, chẳng bao giờ gặp lại cái anh đã cứu con bò đó, tôi lên phòng của mình.
0 Bình luận