Sherry
powerofevil Peter Strnad; Đỗ N.Ba (Ẩmu đẹp chai)
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 1

Chương 5

0 Bình luận - Độ dài: 2,871 từ - Cập nhật:

CHƯƠNG 5

Nếu trưa chiều hôm nọ theo đám khách xuống Nohh thì có khi mọi chuyện đã khác. Có khi giờ này tôi đang ngồi dưới Eve, có khi đang nhai táo trong một phòng trọ nào đó. Có khi tôi đang ngồi tàu chiều về nhà. Có khi đến nửa đêm tôi sẽ về đến chung cư rồi với một lời giải thích lủng củng, và có khi mẹ đã không lo. 

Ngặt nỗi tôi thuộc đám người ban nãy tôi gọi là kỹ tính, ngại ngồi chung xe với đám người không rõ tắm rửa hay chưa đâu. Thất vọng lắm phải không? Sao lại cho rằng tôi chẳng phải một trong số họ chứ? Tóm lại là tôi không tài nào chịu nổi một giờ đồng hồ làm con cá mồi hộp nhớp nhúa. Tôi thà ngồi nghỉ ở quán rượu còn hơn.

Ra ngoài xem một lúc thì tôi trở vào quán rượu. Nghĩ cho cùng thì đi trễ tí cũng có sao đâu. Đợi mấy cỗ xe sau, vắng người dùng hơn thì dùng. Thôi thì vào tửu quán ngồi nghỉ cho lành. Hơi đâu ra đó phơi nắng, chen chân làm gì? 

Nhiều người cũng nghĩ như tôi, cũng vào quán ngồi. 

Xong trong bóng râm thì họ sáng suốt hơn: nghẽn tàu không phải cái cớ cho một kỳ nghỉ ăn liền tuyệt vời hay sao? Họ báo lên cho sếp, báo cho đối tác, dùng cái cớ đường hầm nghẽn tàu không xuống được phải tạm hoãn, tạm dời lịch một, hai ngày, xe vượt núi thì tìm cách nào cũng không ra. Dù có gấp cách nào cũng phải chào thua. Thế là ô kê, được nghỉ lễ bất đắc dĩ. Dù chỉ vỏn vẹn một, hai ngày thôi nhưng nhiêu đó cũng quý quá quý rồi. Thành ra nhiều người gọi xong thì nốc hết cốc rượu, cà phê, rồi vào thị trấn tìm chỗ đặt phòng nghỉ qua đêm luôn.

Những cỗ xe sau, tôi vẫn còn lưỡng lự và càng nhiều cỗ xe khởi hành thì càng lưỡng lự hơn. Ngồi cùng người khác dù thế nào cũng ngộp quá, còn phải ngồi cả giờ đồng hồ. Biết đâu ngồi được nửa đường trong điều kiện yếm khí thì tôi sẽ ói ra những lời cằn nhằn khó hiểu, báo hại cả xe nữa. Song, giả sử mà cướp một cỗ xe cho mình tôi thôi thì rõ ràng là quá ích kỷ rồi. Ai cũng gấp, ai cũng muốn sang Nohh mà. Không san sẻ cho nhau thì khó mà đủ xe cho mọi người.

Nhưng chưa đến lượt tôi đưa ra quyết định thì đã có một điều khác diễn ra.

Tôi ngồi chơi xơi cà phê trong tửu quán được nửa giờ thì tay trái không chống gậy baton của ông Raymond vén rèm noren vô quán. 

Ông cũng chọn âu phục custom làm bao bì cho thân thể, giống con trai Rahoul của mình, nhưng khác mỗi chỗ của ông có màu của gỗ mun. Dáng người ông cũng hình chữ nhật, dài nhiều hơn rộng, nên trông hao hao giống một khúc gỗ quý di dộng. Ông mang đôi bốt cao bồi có màu nâu của những viên sô-cô-la đã già, chất liệu thì có vẻ như không phải da bò... thú thực thì nhìn thôi thì tôi không đoán được da gì, trông không giống mấy thứ da trong thư viện trong não tôi và đế giày trông cũng ngộ... chất liệu rõ ràng không phải cao su, không giống chất liệu thông thường, nhưng rõ ràng cùng chất liệu với đế giày của Rahoul.

Vào quán thì ông dùng giọng nói kều người thanh niên đứng quán và bảo cho mình một cốc rượu nhẹ, thứ nào cũng được, xong ngang nhiên đến chiếm cái bàn oval lớn gần chỗ tôi (tôi chiếm được cái bàn tulip nhỏ trong góc). Đặt cây gậy lên bàn nhưng lát sau, có người đến thì ông đặt xuống đất, cho dù người đó đã ngăn và bảo là đừng khách sáo, vì người đó cũng có phải là khách đâu, cũng là người trong thị trấn và là bằng hữu lâu năm của ông mà.

Ngồi trong tửu quán bình dân này mà tướng ông vẫn toát ra vẻ uy nghiêm vô cùng, làm tôi nghĩ đến con sư tử, đặt hai chân trước trên bàn và thõng hai chân sau xuống sàn gỗ. 

Dưới bàn, hai chân ngồi dạng ra hết sức phóng khoáng, nhưng trên bàn thì hơi hơi chồm người về phía trước giống như khi người ta đang tò mò, người ta hơi rướn người về trước lắng nghe người đối diện cho rõ và khi chồm thì cà vạt rũ xuống bàn làm thành hình chữ L.

Có thể quan sát thấy bất kể khi nào ông đang nghe ngóng người nào, đang hướng người về phía ai, thì mũi cà vạt trên mặt bàn làm thành dấu mũi tên chĩa về hướng người đó. Điều này, ai ai trên bàn cũng chú ý và đôi khi, cũng muốn mũi cà vạt chĩa về hướng mình, tức là đến lượt mình nói và phải nói ra làm sao cho ông Ray thấy hay, ông hứng thú, ông rướn người nghe thì mũi cà vạt mới chạm xuống bàn. 

Tuy nhiên vẫn có lúc ông mũi cà vạt chĩa về phía ông Ray chứ không về hướng người đối diện và trong ký ức của họ thì hình như những lần đó, họ nói chán và hình như ông ngáp cũng nhiều lắm.

Không ai nghĩ có khả năng là nhiều khi, những lúc đó, ông giả vờ quan tâm cho họ vui thôi, và ông có thể giả vờ những mũi cà vạt thì không biết giả vời và bao giờ cũng nói thẳng lòng, thật dạ. Nhưng dù có nghi ngờ như thế nào thì cũng không cách nào xác minh. Thậm chí chắc gì ông Ray đã quan tâm mũi cà vạt của mình chỉ vô đâu và vô ai đâu. Toàn là những suy đoán vớ vẩn mà ra ấy mà!

Nhưng cũng phải có lý do gì mà cà vạt của ông màu xanh lá chứ?

Ông vừa vào quán là ánh hào quang minh vương lừng lẫy muốn giấu cũng không được đột ngột tỏa ra. Mọi người ai ai cũng phải giật mình và nếu như hỏi ai đó rằng cảm giác lúc đó khi ông Ray bước vào quán như thế nào thì họ sẽ có cùng câu trả lời là cảm giác như không gian quán đang yên tĩnh thì bỗng quán mở nhạc lên.

Vừa cảm nhận được hào quang là tôi đã hiểu ngay người này địch thị là thị trưởng rồi, cũng hiểu luôn vì sao họ tôn ông làm già làng, trưởng lão, cho dù ông cũng chưa đến nỗi già và râu cũng đâu có lòng thòng, bạc trắng.

Ngồi chờ ít lâu thì ông trưởng tàu (y phục đường sắt màu đen con tàu) và bác chủ của tửu quán này (kimono mùa hè và có màu đen của tội lỗi) cũng sốt sắng đến dự buổi họp đột xuất này. Ngoài ra còn một người nữa, nhưng không trực tiếp đến dự được. Anh thanh niên đứng quán, con trai cả của bác chủ quán, mang ra chiếc laptop (màu đen của bộ đàm).

Ông Ray liền huơ tay thao tác, mở cái chương trình điện đàm mặt đối mặt (video call theo tiếng của giới trẻ mình á). 

Hồi trước thì mấy thứ tà thuật máy tính này là quá mới và quá khó với ông, nhưng mà ông cũng bỏ thời gian vọc (cùng với những ngón tay hướng dẫn của Rahoul) và rồi thì cũng dùng được, còn dùng ngon là đằng khác! 

Giờ có mấy thứ này cũng tiện. Người bên kia cuộc gọi là chị Irises, thị trưởng tập sự và cũng là thị trưởng kế nhiệm, vì bận bịu (và vì lười) nên không đến được. Có máy rồi thì gọi máy cũng được mà, khỏi sọt tới sọt lui. Nhưng ngặt nỗi mấy ông bác, ngay cả ông Ray, dù cũng biết dùng công nghệ nhưng vẫn thích ngồi trong quán và đàm đạo hơn. Còn gì bằng những cái đầu ngồi cùng trong tửu quán bình dân và nhấm nháp cùng một lý thưởng và cảm nhận cùng một làn khói đậm mùi hương cà phê và thưởng thức cùng một bầu âm thanh chứa đầy những câu chuyện, những hoài bão của mọi người khác trong quán? 

Đa số quán dưới thành phố họ chỉ hầu rượu hay cà phê thôi. Quán rượu mà thơm mùi cà phê như thế này thì ngày xưa dưới Eve chỉ có mỗi một quán. Ngày xưa hai người cùng xuống thành phố học và cùng là đồ đệ của bác trưởng tàu, cùng nhau làm việc và san sẻ cho nhau những mảnh giấc mơ cứu đói của chính bản thân mình. Thân nhau khác gì anh em ruột thịt? 

Nhưng ngặt nỗi, người thì dùng rượu, người thì yêu cà phê, nên kiếm được chỗ mà cả hai thoải mái ngồi chung thì quý vô cùng quý. 

Về Lamb lập nghiệp thì những ký ức đẹp đó, họ vẫn mang về và cuối cùng hiện thực hóa thành tửu quán mang tên Wine Càfe này, rộng vô cùng và hỗn tạp vô cùng, dành cho mọi thể loại đồ uống và dành cho mọi thể loại người (và cả thú). 

Về kế hoạch thì vẫn y như kế hoạch ở chương trước, họ sẽ điều xe chuyển khách xuống Nohh. Nửa giờ sau thì quán thưa bớt vì nhiều người ra ngoài xếp hàng, nhưng sau đó thì đông trở lại vì nhiều người chờ bên ngoài nắng quá nên trở vào, chờ trong quán. 

Quán đông nhưng chỉ có ba ông bác là được phục vụ tận tình thôi. Khách họ đến quầy gọi nước rồi bao giờ có nước thì nhân viên quán sẽ réo tên. Tôi thấy thoáng áo blu ban nãy cũng vào quán và đến quầy gọi cà phê, sau đó chiếm một cái bàn tulip cách xa chỗ tôi nhưng gần bàn oval trung tâm của ba ông bác.

Đầu tiên, ông Ray muốn nói với mọi người là hữu sự, hoạn nạn của những người đang kẹt ở Lamb cũng là hữu sự, hoạn nạn của Lamb. Vì khách hàng là thượng đế, mà thượng đế thì đâu thể phân biệt thượng đế của chỗ mình, thượng đế của chỗ khác. Thành ra Lamb phải đối đãi những khách tàu kém may mắn này, không được quan tâm họ có mang về lợi ích, tiền của cho Lamb mình hay không, mình vẫn đối đãi họ như cách mình đối đãi những vị khách thuê phòng, những vị khách tham quan, những vị trực tiếp mang tiền về cho mình. Ưu tiên hàng đầu là tạo tiếng thơm cho Lamb, không được câu nệ, tính toán thiệt hơn.

Điều này thì ai cũng đồng tình. Bác chủ quán cũng cảm động, ông trưởng tàu nghe cũng mát lòng, và chị gái đang nghe qua máy tính cũng ô kê. Thành thử ai cũng muốn dọn sạch bãi đá càng sớm càng tốt. 

Nhưng ngặt nỗi, thị trấn Lamb là thị trấn du lịch, nghỉ dưỡng, phục vụ cho khách là chính, thành thử không có nhiều công nhân hay nông dân khỏe mạnh. Võ sĩ, chiến binh thì càng không. Tóm lại là thanh niên, trai tráng không nhiều. Và với tình hình này thì khách sẽ vô cùng đông, vô cùng hỗn loạn. Đa số đàn ông trong trấn phụ trách an ninh và khách đông thì dễ xảy ra rối loạn, mất trật tự, có khi gây gỗ, xô xát. Thành thử lơ là an ninh là quá rủi ro và rõ ràng không nên nhờ những nhân viên đang phụ trách an ninh, bảo vệ giúp dọn đá được.

Đã thế giờ bỗng dưng ứ khách, cũng túng người phục vụ. Đã thế còn phải điều người đánh xe xuống Nohh... nói chung là quá nhiều việc và thiếu quá nhiều đàn ông. Lamb bỗng nhiên đói đàn ông trầm trọng. Chị Irises bảo sẽ gọi và khều đàn ông của mấy thị trấn gần đó sang phụ và ông Ray cho là ô kê. Chứ cũng không còn cách nào khác. 

Ông Ray không phản đối gì thì chị Irises cáo từ online rồi tức tốc gọi điện sang mấy thị trấn bên. Thế nên chỉ còn có ba người. 

Xong tự nhiên ông Ray cao hứng rủ hai ông già giờ mình phụ lũ trẻ dọn đá không? Chỉ là dọn đá thôi mà, hồi trẻ mình làm suốt có sao đâu. Giờ dọn một ít, coi như hồi xuân, giúp lũ trẻ luôn, cũng có chết gì ai đâu?

Nhưng vừa lỡ mồm, ông vội xin lỗi ngay bác trưởng tàu, sư phụ mình, vì đã mạo muội nhờ sư phụ làm công việc thấp kém này, rõ là quá vô lễ, vô phép! 

Vừa nghe xong thì ông trưởng tàu giận tím mặt và quát thằng tiểu tử này dám coi thường ông sao? Dù già nhưng mà ông vẫn còn gân. Thân là sư tổ môn võ Gundo mà bây giờ dọn đá còn không làm được thì khác nào bêu nhục rồi tự khai tử cả môn phái của mình?

"Đi! Thằng Beren cũng đi!"

Bác Beren vừa nghe thì nhăn mặt, vì dù gì cũng có tuổi rồi, lao động mạnh cũng ngán. Nhưng sủi thì chắc chắn là không được rồi nên bác đành sai con trai về nhà ôm xẻng ra cho mọi người, sửa soạn đi luôn.

Cuộc họp ba người nhưng có đến năm cặp lỗ tai nghe. Trừ ba cặp của ba người áo đen thì còn có một cặp của tôi, và một cặp của anh thanh niên áo blu trắng vừa đứng lên và sang bàn họp của họ.

"Thưa các ông, cháu mạn phép được thưa ít lời. Cháu là một sinh viên năm 6 trường y, đang trên đường xuống phương Nam nghiên cứu. Ngồi ở bàn bên cạnh, cháu vô tình nghe được cuộc trò chuyện của các ông và thực sự cảm thấy khâm phục tấm lòng hiếu khách cũng như tinh thần trách nhiệm của người ở thị trấn này vô cùng! Cháu cũng là một hành khách trên tàu nên cũng nóng lòng muốn sự cố được khắc phục, đường ray được thông thoáng. Thành thử xin các ông cho phép cháu được tình nguyện giúp một tay dọn đá ngoài cửa hầm!"

Anh khoanh tay xin coi bộ lễ phép lắm! Ông Ray rướn mày ngạc nhiên. Vì tự nhiên có thằng oắt nó năng nổ, sốt sắng như này, rồi tự nhiên có con bé trùm áo khoác đen thui kia (hình như áo thứ này bọn trẻ gọi là hoodie nhỉ?) cũng đến đứng cạnh nó, khoanh tay xin, thì dĩ nhiên cái chất lính trong ông làm sao mà khỏi xúc động cho bằng được? Nhưng xúc động mà là xúc động vui. Tốt, tốt lắm! Hai đứa phụ được các lão già này cái gì thì cứ phụ. Lão già này cảm kích vô cùng! Thời nay người trẻ họ vô tâm, vô cảm lắm, đâu có còn tình nghĩa như chúng ta thời xưa.

Theo lời anh Jacques thì rõ ràng anh là một sinh viên trường y, khỏi nghi ngờ. Áo khoác của anh trông giống áo blu thôi chứ không phải áo blu, vì dù có là sinh viên trường y thì ngồi tàu cũng đâu cần khoác áo blu làm gì. Tàn thuốc rơi xuống áo, thoạt đầu anh cũng ngại phủi, nhưng nghĩ kĩ thì áo mình khoác có phải áo blu, có dính vi trùng đâu mà sợ. Nên anh cũng phủi luôn. Sau đó cũng vô tư châm một điếu vì tay đâu có dơ đâu mà ngại. Với cả, thường thường khám bệnh bao giờ cũng phải đeo găng, xong thì lột ra vứt, thành ra có bao giờ tay trần chạm vào bệnh nhân đâu mà thành thói, mà sợ vi trùng lên miệng? Rồi gì mà bác sĩ thì không hút thuốc chứ?

Thấy cả ba người đều mặc áo đen, và ngay cả tôi cũng trùm hoodie đen, nên anh Jacques cởi áo blu ra cất tạm trong quán luôn. Bên trong anh cũng mặc áo sơ mi đen, giống màu mấy tảng đá, phiến đá, và mấy hòn đá mà chúng tôi sắp sửa dọn.

Con bác Beren vác mớ cuốc, xẻng, và xô ra thì bốn người họ dẫn nhau ra chỗ cửa hầm cách quãng trường chừng hai cây số. Ông Ray hỏi thăm anh Jacques nhiều và hết sức tình nghĩa. Tôi cũng nhờ cất tạm ván trượt ở quán, ôm cây xẻng lẽo đẽo theo sau.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận