CHƯƠNG 17
Trên đường về và bây giờ chúng mới lộ diện là những băng đảng cánh cụt chiếm đóng những bóng râm làm địa bàn. Tôi nghĩ mình đã nhìn quá nhiều chim cánh cụt nên giờ còn hoa mắt, nhìn thấy cánh cụt khắp nơi nhưng những ánh nhìn sắc lẹm của chúng khiến tôi bất giác phải đến gần và sợ hãi cống nạp tài sản của mình.
Một bông phượng trong túi ban nãy, tôi dâng nộp cho ngài cánh cụt màu tím nhưng ngài không thèm. Tôi dâng lên miệng ngài màu xanh lá thì ngài cũng cảm thấy không vừa miệng.
Có một lời nguyền nhẫn tâm ép buộc nạn nhân của mình chỉ được dùng đúng một loại thức ăn, một món ăn trong suốt cuộc đời nhưng tôi không ngờ cũng yểm được lên đồ vật không có tâm hồn. Lẽ nào những thùng rác đứng trước tôi cũng là loại có tâm hồn? Chẳng lẽ là vật chứa trần giới của thần linh?
Kính sợ và tôi tính quỳ lạy trước những thùng rác có linh hồn thì có gió đút bông hoa vào mồm con cụt màu đen. Tôi thử bắt chước thì thấy cũng vừa miệng, và trong bụng ngài hắc cụt toàn hoa là hoa phượng đỏ lòm.
Có một ngài cánh cụt trong suốt như người băng và trong bụng ngài là một cái két chứa những chai thủy tinh và trong bụng những chai thủy tinh là những vệt nước ngọt lấp lánh dưới nắng. Những cái chai cũng có hình dáng trái ki bowling, giống hình dáng cánh cụt và thiết kế bệnh hoạn này trông như một con cánh cụt cái mang trong bụng mấy đứa cụt con.
Tôi đến gần và chợt chú ý là những chai thủy tinh này không có nắp. Nếu không vì màu nước xanh, đỏ trong bụng thì gần như không phân biệt được hãng nào với hãng nào. Nhưng chưa kịp moi chúng ra soi xét thì tôi phải tránh qua một bên cho một du khách hiếu kỳ, chai thủy tinh cầm trên tay. Xong vì nhớ đến giờ giấc nên tôi hớt hải về lữ quán luôn.
Về ngang cái cây thì ngài mèo cam vẫn còn nằm ngủ, nhưng mà quý ngài chằn tinh đã biến đâu mất rồi.
Về đến lữ quán thì, bằng những lời có cánh, các nàng tiên dụ dỗ tôi gom xà phòng cho lữ quán láng giềng luôn. Đổi lại, một nàng tiên của lữ quán láng giềng có thể sang giúp lữ quán tôi thu dọn các buồng phòng.
Tôi sang lữ quán bên phải ôm một chậu những xà phòng mất tân ra thì lữ quán bên phải của lữ quán đó bắt quả tang tôi ăn trộm xà phòng. Thế là mấy nàng túm tôi qua thủ tiêu giùm những thứ ô uế của họ luôn. Xong lữ quán kế bên thấy tôi ôm nhiều xà phòng như nhà sưu tầm cũng thỉnh sang luôn. Xong lữ quán kế bên nữa, rồi lữ quán kế bên nữa nữa.
Ở lữ quán cuối, anh kỹ sư bảo trì lữ quán Florent cho tôi mượn xe đẩy hành lý của quán. Nhưng ngặt nỗi bánh xe nhỏ quá, chỉ quen trượt trên sàn gỗ thẳng thắng trong lữ quán, nên đẩy qua mặt đường lát đá của Lamb thì khựng quá. Rốt cục ảnh cho tôi mượn cái xe lăn.
Tôi chồng năm xô lên nhau, đẩy nó khắp thị trấn như chở một ông béo trên xích lô.
Trên phố, hầu hết là du khách tản bộ chậm rì, giống cá bơi trong bể. Nhưng thấy tôi thì họ sửng sốt né ra. Họ không biết tôi đang đẩy cái gì, có phi pháp không. Có lẽ tôi cũng nên choàng bạch blu nhìn cho giống nhà bác học điên rồ, di chuyển những sinh vật huyền bí, vàng vàng nuôi cấy trong phòng thí nghiệm này sang phòng thí nghiệm khác.
Thi thoảng cũng có mấy người cưỡi chiếc xe đạp. Khung xe gầy guộc trông giống chân đà điểu và trông họ giống như đang cưỡi mấy con đà điểu.
Có một con tuấn mã cao hơn hẳn loài người xung quanh. Trên thân người nó đắp chăn màu xanh lá sẫm, giống màu mấy cây thông xung quanh, và cổ nó đeo cà vạt đỏ. Nó ung dung sải bước trên phố, trên lưng cõng một cái tủ lạnh đen sì.
Tiếng lộp độp vó ngựa dõng dạc vang lên giữa những tiếng động khác. Con ngựa thong dong, lù lù tiến gần về phía tôi. Nó hiện ra to dần trước mắt cũng giống như nỗi sợ của tôi, càng lúc càng rõ hình dạng. Gương mặt tôi núp sau chồng xô xà phòng cao nhòng và run rẩy sắp đổ. Cứ đà này, chồng xô sẽ ngã tan tác trước bất kỳ cái huýt sáo nào của gió, và xà phòng sẽ vương vãi, nhão nhoét khắp phố xá vô cùng khó coi cho mà coi.
Và tệ hơn nữa là không ai muốn chạm tay vào đống xà phòng bẩn mà giúp tôi nhặt lên cả. Chỉ có tôi và sự xấu hổ bầy hầy, lênh láng khắp mặt đường mà thôi.
Tôi vờ coi như con ngựa này, cao lớn như gã cầu thủ bóng rổ nào đó, không tồn tại và lén lút đi ngang qua luôn, trà trộn vào thiên hạ ngoài đường. Nhưng ông khách trên lưng ngựa bỗng chú ý đến xô vàng của tôi và ghì cương quay ngựa.
Ngựa ta đường đột bám theo tôi.
Bốn chân mảnh khảnh như những cây cà kheo của nó len lỏi qua lũ con người nếu không cẩn thận thì dễ giẫm nát. Nhưng nó di chuyển nhịp nhàng như một cầu thủ dẫn bóng. Không, như là trái bóng. Không, như là một chiếc bóng. Không là chiếc bóng của trái bóng! Không gây ra tiếng động và cũng không động chạm gì đến lòng tự ái bị xô đẩy của người đi đường bất động nào cả. Một con ngựa có khả năng di chuyển như thế không? Lẽ nào đó là con ngựa thần ba mắt trong truyền thuyết?
Tôi rấn bước nhanh hơn, nhưng chồng xô xà phòng cồng kềnh thì khó mà hối hả được. Và có lẽ là không đáng kể vì con ngựa dễ dàng phóng lên ngang hàng và sánh bước cùng ngựa Sherry.
Chợt có giọng trầm lắng vang lên mà tôi còn tưởng là con ngựa sẽ tỏ tình với tôi một lần nữa:
– Excuse me, sweetheart?
Nghe không giống tiếng ngựa. Đó là chất giọng từ cổ họng đã uống quá nhiều rượu vang. Đang đi, người tôi bỗng đứng sững, nhưng không dám quay ra sau lưng thì ông khách, choàng kimono đen ra dáng một lãnh chúa, đã xuống ngựa từ đời nào và bước đến bên cạnh tôi.
Tướng người ông ta to lớn, oai vệ như một cái tủ lạnh đen và cái tủ lạnh cần mua xoài:
– Excuse me? May I have some mango?
– These? These aren't mango. – Tôi mỉm cười đáp.
– Not mango? Then what are these?
– Angel's kidney, I suppose.
– Angel's… what? – Ông lãnh chúa lác mắt.
Tôi đáp rằng chúng là xà phòng lữ quán. Nhưng vẫn chưa tin, ông sột soạt thọc tay vào trong áo choàng kimono, lấy ra đôi kính cài trên cổ áo sơ mi màu trắng dũng sĩ bên trong. Cũng giống tủ lạnh mở cánh cửa trên ra và bên trong là không gian màu trắng.
Đeo kính lên thì ông chợt nhận ra chúng quả là xà phòng, chớ phải xoài. Vì chúng vàng vàng, bầu bầu, cầm trong tay được nên thoạt nhìn, đôi mắt cận của ông ta tưởng là xoài.
– Those are… soap?
Rốt cục, ngài lãnh chúa rối rít xin lỗi vì đã “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” của tôi, rồi leo lên ngựa hai mắt chứ không phải ba, phi mất trong sự hổ thẹn.
Người ở đây ai cũng quá ư là lịch sự như thế sao?
Tôi đẩy cái xe trên đường lạo xạo trong sự ngơ ngác của mình. Xà phòng ẩm trong các hộp cọ vào nhau nhộp nhoạp. Có thể nói quan điểm của tôi cũng giống mớ xà phòng nhớp nháp này vậy. Trước khi đến Lamb thì sạch sẽ, gọn ghẽ, vuông vức, khô ráo và hằn học khắc tên những kẻ đã tiêm nhiễm chúng vào bộ đầu non nớt của tôi như một thứ diễm phúc.
Và bây giờ thì chúng bầu bầu, trơn trơn tuột tuột, dị dạng, ướt nhèm, chèm nhẹp và có lẽ tái chế viên sẽ cho toàn thảy vào cỗ máy nghiền, máy xén.
Mà có lẽ trút hết các niềm tin không có cơ sở và những quan điểm mà cuộc sống trước đây miễn cưỡng mớm cho vào máy xén cũng không đến nỗi tệ! cũng không đến nỗi tiếc!
Tôi trút từng xô vào bụng cụt rồi trân trân nhìn chúng đều đều trôi đến chỗ chết, chỗ tái sinh bên trên kia, như là đang nối đuôi bay lên thiên đàng, trên ngôi đền của thần bò.
Lúc ra về thì tôi thấy mấy chú cánh cụt bóng loáng, thơm tho và điển trai như vừa mới tắm xong. Chúng háo hức ngồi sau lưng thùng xe. Tôi hỏi anh tái chế viên choàng bạch blu, cưỡi trên lưng con bạch mã, rằng mấy con cụt nào bao lâu thì tắm một lần.
– Thưa tiểu thư, hàng ngày chúng tôi phải làm vệ sinh cho chúng ít nhất một lần. Đó là vì con người chúng ta còn phải gột rửa hàng ngày, mà chúng ta là loài sinh vật sống. Huống chi chúng là thứ vô tri vô giác, không có khả năng tự làm sạch chính mình. Đã thế hàng ngày chúng toàn tiếp xúc với rác là rác, do đó nếu không rửa ráy kỹ lưỡng thì rất dễ dàng nhiễm vi khuẩn và lây lan sang những thùng rác cạnh bên.
Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên và hỏi thêm. Anh ta mỉm cười rồi bình thản kể tiếp:
– Và quan trọng hơn hết là, thưa tiểu thư, nếu người qua đường cảm thấy thùng tái chế đã bẩn, nếu ngửi thấy mùi của sự phân hủy, thì họ sẽ ngại tay và đôi khi sẽ không bóc tách kỹ càng các lớp bằng các chất liệu khác nhau trước khi vứt vào thùng tái chế. Tiểu thư hãy tưởng tượng một chiếc bánh mì hamburger thì đương nhiên sẽ có giấy gói. Nhưng bao giờ thì tương cà, sốt cũng dính vào giấy gói và sốt, suy cho cùng, là chất thải hữu cơ. Nhưng giấy gói thì rốt cục phải vứt vào thùng tái chế cho giấy. Nếu người tiêu dùng không tỉnh táo sẽ nghĩ rằng giấy đã dính tương rồi thì cũng không cần tái chế nữa và bỏ vào thùng chất thải hữu cơ. Và nhất là khi khu vực tái chế dơ bẩn, bốc mùi thì họ sẽ dễ đầu hàng trước những suy nghĩ lười biếng như vậy hơn. Nếu toàn thảy các thùng tái chế bốc mùi thì suy cho cùng, chúng cũng là rác rưởi như nhau cả thôi, nên có phân loại thì cũng có khác gì? Và họ còn có tâm lý muốn vứt nhanh, gọn, có lẽ là vào thùng rác gần nhất rồi bỏ đi mà thôi. Cho dù bỏ như thế thì sẽ bị phạt, nhưng rất khó phạt vì đó là về ý thức, lương tâm nên khó lòng mà bắt bẻ họ được. “Tôi nghĩ màu đỏ là bỏ giấy chứ, thật là khó lòng mà phân biệt!” Vả lại thì Lamb cũng không khuyến khích đôi co với khách hàng của Lamb. Nên có thể nói là khi cảm thấy khó chịu, cảm thấy tái chế khó khăn quá và không vui, nhất là khi cảm thấy tái chế không vui, thì họ sẽ không thèm quan tâm tái chế làm gì và vứt lung tung cả. Họ sẽ quy chụp rác là rác và không thèm phân biệt rằng rác cũng có nhiều loại khác nhau, và không phải loại nào cũng là như nhau, cũng nên đặt cùng nhau được.
– Thưa anh… không phải thùng rác chim cánh cụt có khả năng từ chối không nhận rác không đúng chất liệu sao anh?
– À vâng! Đó là trong vòng một năm đổ lại. Juozas tiên sinh đã yểm lời nguyền Koenigs lên những thùng rác và ban cho chúng khả năng tự phân loại và từ chối rác sai chất liệu. Trước đây, chúng không có khả năng đó và việc phân loại ra hoàn toàn phải làm một cách thủ công, tùy tâm khách hàng, thưa tiểu thư!
Họ đối xử với những chiếc thùng rác tử tế và lễ độ đến mức tôi nghĩ hẳn sẽ hạnh phúc lắm nếu được làm một cái thùng rác. Thấy tôi không giấu nổi vẻ bất ngờ và khâm phục, anh ta hỏi:
– Thưa tiểu thư, người đã thấy hài lòng với câu trả lời của tôi chứ?
– Vâng! Không cách nào hài lòng hơn, thưa anh.
– Thưa tiểu thư, tôi rất lấy làm vinh hạnh và sung sướng được đàm đạo với tiểu thư và đem đến sự hài lòng cho tiểu thư. Tuy nhiên, mạn phép tiểu thư, tôi xin cáo lui vì còn việc cần làm và chớ thể chậm trễ được.
Tôi líu ríu xin lỗi đã làm phiền rồi lui sang một bên cho bạch mã và cỗ xe ba gác đi trước. Lũ cánh cụt ngoái nhìn về tôi trong khi cỗ xe lọc cọc kéo chúng xa dần.
Nhưng mà... Juozas tiên sinh sao?
CHƯƠNG 18
Trên trời, mây dẹt như những chú cá sấu trắng. Con thì nằm ngủ, có con bò rì rì.
Tôi đẩy cái xe và chồng xô trống rỗng qua những phố xá lát đá và những bóng râm trải làm thảm.
Thời gian ở Lamb trôi dịu dàng, êm ái đến độ guốc gỗ dưới chân tôi cuốc từng tiếng vào đường đá cũng mang đầy cảm giác sung sướng mới lạ. Như là đang bước đi trên lớp vảy gồ ghề của một con godzilla tốt bụng vậy
Dưới bùng binh có một cuộc mít-tinh của hiệp hội cánh cụt trẻ trung và chúng cất tiếng chào tôi một lần nữa. Bây giờ thì chúng không bận hầu rác ai, nên tôi đến gần chuyện trò với chúng.
Ai đó đã tỉ mỉ dàn cảnh đến từng con chim cánh cụt. Chúng xếp thành hình dạng hàng ki bowling, nhưng thưa thưa ra và chỉ có ba hàng nên nếu muốn cũng dễ dàng đưa tay vào xoa đầu con trong suốt bên trong. Con cụt trong suốt đó thực chất làm bằng kiếng cường lực chứ không phải miểng.
Nếu bước sang trái sẽ thấy bên hông nó có hộc tủ kéo ra những chai thủy tinh đã uống sạch và xếp gọn gàng trong một cái khay.
Ai đó đã quét dọn hoa sạch sẽ bùng binh trong lúc tôi không đi ngang qua và bây giờ trong bụng con cụt đen thì đỏ au một màu hoa chín.
Lẽ ra nó phải bằng thủy tinh mới phải. Bằng thủy tinh thì người ta sẽ chiêm ngưỡng nó như một bình hoa tuyệt đẹp. Ừ nhỉ? Ai đó đã bỏ sót chi tiết này sao? Vì sao nó màu đen như một cái thùng rác cục mịch như thế? Giấu diếm hết cả hoa đẹp rồi còn đâu?
Tôi rời bỏ bạn bè cánh cụt trước khi thu hút những cái nhìn kinh tởm của khách khứa xung quanh. Nhất là trong bộ trang phục lữ quán này nữa! Tôi sẽ đem về tai tiếng cho lữ quán mất!
Trên đường về, tôi lưu luyến ngoái nhìn đồng loại cánh cụt của mình thì con trong suốt đứng ngoài cùng, nó lây ánh sáng từ những con màu mè xung quanh và phát ra hào quang nhiều màu trông vô cùng bắt mắt!
Đi đoạn nữa, tôi thấy đến cả miệng cống ở Lamb cũng lấp lánh khác thường.
Ánh sáng rọi xuống những giọt nước còn vương vãi dưới miệng cống làm chúng óng ánh lên như những viên đá quý. Cống sạch đến độ có thể không ngại bẩn mà thò xuống nhặt ngay những viên đá quý lên, hôn.
Mà có lẽ đá quý thật thì tôi cũng chẳng ngại bẩn tay đâu! Có lẽ sẽ không hôn chúng mà thôi.
Cảm thấy an tâm vì lương tâm trong sạch của Lamb bộc lộ qua sự trong sạch của những miệng cống, tôi cũng dạn dĩ về lữ quán.
Dường như chất anti–social trên đầu lưỡi của tôi cũng loãng bớt ra. Thành ra trò chuyện… thôi thì gọi là hàn huyên… hàn huyên với người khác cảm giác cũng dễ dàng và ngon miệng hơn.
Một nhà thơ thô tục sẽ thốt lên: “I pissed all my timidness down the drain!” (“Tôi đã đái hết sự khúm núm xuống những miệng cống trong lành đó rồi!”) Có lẽ gã thô tục ấy là tôi. Tôi là con người thành thị man rợ lạc giữa đồng quê lịch lãm, trong sạch và thật thà này.
Tôi lâng lâng dạo bước giữa những ô phượng hồng và tiếng chim chóc véo von. Những chiếc cống mở miệng cũng hòa ca. Một con ếch trú khỏi ánh sáng và niềm vui rộn ràng mà ngồi dưới đáy cống. Đời với nó, trời bằng cái miệng cống và nó ềnh ệch phàn nàn. Tiếng kêu thoát ra từ miệng cống những không thấy con ếch nên tôi cho rằng đó là một cái cống thành tinh biết kêu ồm ộp. Miệng cống là cái miệng nguyền rủa kêu ồm ộp đó.
Về đến lữ quán thì những nàng tiên sung sướng cảm tạ và bà trùm cho tôi ít tiền ăn quà.
0 Bình luận