Súng, tro cốt và âm binh...
Nguyễn Văn Mười, Bé Vỉa Tôm Chiên Kùwu
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

The First Booklet: God, gunpowder and The Superpowers

Chương 03: Phố bạo động

0 Bình luận - Độ dài: 6,182 từ - Cập nhật:

Một buổi chiều tại thành phố Hải Mộ.

Bóng hoàng hôn lấp ló dưới những tòa cao ốc, tranh thủ lóe lên chút ánh sáng chói trước khi đổi ca với vị tử thần mang tên trăng lưỡi liềm. Những dòng người tấp nập trên khắp các nẻo đường, xâm chiếm vạch kẻ trắng, tạo nên một đặc sản mà ít nơi nào có thể tái hiện lại được: Tắc đường. Tức tối, cánh tài xế không còn cách nào khác ngoài nhấn còi liên tục, đến mức chính họ cũng cảm thấy kiệt sức dưới áp lực đó.

Mọi ga tàu điện đều chật như nêm, từng chút không khí trên mỗi centimet khối đều bị chiếm dụng bởi hàng ngàn kẻ tham lam. Khói thuốc, tiếng bước chân hoặc đôi lúc là mấy câu chửi vu vơ giữa đám du đãng mới nhú và những “quý ông” làm công ăn lương.

Nếu hôm qua, những con người mệt mỏi kia đang có một khoảng thời gian chật vật với thủ tục tan tầm thì ở trên mặt đất thì hôm nay, họ đang nối đuôi nhau tuần hành khắp thành phố. Giờ hành chính vừa hết, những nhóm chừng năm, mười người đã xuất hiện dưới cột đèn cao áp, kết thành mạng lưới bủa vây từng góc phố. Hầu như mọi thành phần có thể được tìm thấy trong đây. Trẻ có, già có, trung niên có; từ những chàng trai, cô gái yêu lối sống tự do, ngày ngày đệm guitar “khi đôi môi em còn đỏ mọng” cho tới các quý ông đã có gia đình êm ấm, vợ con hạnh phúc. Họ xuống đường không phải vì sự tác động của một hệ tư tưởng hay thứ gì to tát, mà bởi những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống của chính họ và mọi người.

Hải Mộ thật hỗn loạn vào lúc sáu giờ. Đoàn người chiếm hết vỉa hè, rồi tận dụng nốt từng khoảng nhựa đường trống dưới kia. Thậm chí, một vài thanh niên quá khích còn leo lên những chiếc xe đang đỗ, hò reo như thể mình là đại tướng rồi nhảy xuống cái ruỳnh. Thật khó có thể tưởng tượng nổi những con người mang tiếng “văn minh, thanh lịch và khai phóng” này lại có hành động như vậy. Đúng là không có thực thì cái đạo cũng chẳng vực được.

Vài tháng qua, giá thực phẩm đã leo lên một cách đột biến, do sự giảm sút trong năng suất của ngành nông nghiệp. Quốc gia láng giềng - Cộng hòa Liên bang Âm Phủ, đồng thời cũng là nước xuất khẩu lương thực lớn nhất, không biết là vô tình hay cố ý mà đã tạt thẳng gáo nước lạnh vào mặt Vương quốc. Với lý do hết sức khó hiểu mang tên “gia tăng dân số”, họ đã thẳng tay cắt phân nửa lượng ngũ cốc bán ra nước ngoài cho vương triều của Diêm Vương, khiến mọi thứ trở nên rối loạn. Giờ đây, rất khó để có thể tìm được một cửa hàng bán gạo nào còn mở trong trung tâm thành phố, từ khi phần lớn chúng đã phải đóng cửa.

“Gạo của chúng tôi đâu?”

Khẩu hiệu chính thức của cuộc biểu tình vang lên cùng hàng loạt biểu ngữ, pa nô. Đoàn người tính đến thời điểm hiện tại ước chừng cũng phải đến bốn, năm trăm, nếu cộng thêm những kẻ hiếu kỳ hoặc vốn đã bất mãn từ trước. Hướng về phía quảng trường thành phố, đoàn biểu tình như một cơn cuồng phong không thể dập tắt. Với tốc độ nhanh khủng khiếp, họ đã vào tới giao lộ nơi đặt bãi đất kia. Tới rồi! Tới rồi! Những người biểu tình càng hăng sức hơn.

Song, một hàng rào xe đã được dựng lên. Cảnh sát hoàng gia Hải Mộ đã được triển khai để giải tán đám đông. Tuy nhiên, sớm thôi, họ nhận ra rằng mình đã trễ hơn một bước.

Mặc dù đã dự đoán được nguy cơ xảy ra một cuộc biểu tình và kịp thời phản ứng, song cảnh sát đã mắc phải sai lầm chết người. Họ nghĩ rằng mọi thứ cùng lắm sẽ chỉ dừng lại ở chỉ trích trên mạng, chứ chẳng ngờ được chuyện sẽ đi xa đến vậy. Ai là kẻ đã đứng sau? Họ cần phải bắt hắn ta để dập tắt cuộc tuần hành vô ích này. Tuy vậy, điều đầu tiên mà lực lượng cảnh sát phải làm lúc này là ngăn không cho đám đông tới gần khu vực quảng trường.

“Yêu cầu tất cả mọi người giải tán, bằng không chúng tôi sẽ bắn!”

Viên sĩ quan gào thẳng vào chiếc loa, trong khi những cảnh sát khác thì dựng hàng rào gai. Ít nhất đó là điều mà họ có thể rút ra được từ hàng đống vụ biểu tình từng xảy ra trong quá khứ, vì đám đông buộc phải lùi lại trước lớp gai kẽm đó. Hoặc…

Điều không ngờ tới nhất đã xảy ra. Trong đám đông đang dần lùi lại, có vài cánh tay giơ lên những chai sành. Và giữa sự hỗn loạn xen lẫn bóng tối ấy, không viên cảnh sát nào có thể nhận ra được sự nguy hiểm đang rình rập. Đã thế, trong cái rủi lại còn có cái xui, đúng lúc này lại có một cơn gió thổi ngược hướng cảnh sát chặn. Rồi năm tiếng choang lần lượt vang lên. Ngọn lửa đã vượt qua lớp rào gai góc ấy, bùng lên trước mắt những viên cảnh sát làm họ hoảng sợ mà rút lui. Đoàn người càng hét to hơn, biểu cảm hung tợn hơn trước gấp bội. Với họ, đây đã có thể là một vấn đề “dân hỏi bộ trưởng trả lời”, nhưng cảnh sát đã không chấp nhận. Chính vì thế nên cuộc biểu tình này đã biến thành bạo loạn vũ trang.

Trong cơn tức giận, không bên nào còn có thể làm chủ được bản thân nữa. Một số người biểu tình hóa rồ đã dùng chính những tấm biểu ngữ mà xông vào trận địa khói lửa. Khẩu hiệu lại vang lên không ngớt, kèm theo lời hiệu triệu. Như được tiếp thêm sức mạnh, hàng trăm thanh niên dứt khoát đạp đổ hàng rào phòng ngự, quyết sống chết với lực lượng hành pháp.

Và để đáp trả trước đòn tấn công vũ bão này, cảnh sát không còn cách nào khác ngoài nổ súng. Hàng loạt chớp sáng tử thần lóe lên, đi kèm những tiếng nổ chát chúa.

“Hự!”

Người xấu số đầu tiên là một thanh niên trẻ. Sau tiếng súng khô khốc ấy, chàng trai ngã quỵ, song vẫn cố lết thêm vài mét nữa rồi mới gục hẳn. Máu anh tuôn như suối, từ vết thủng nơi ngực phải xuống mặt đường, vô tình tạo nên vạch phân cách giữa hai bên chiến tuyến.

“Các người đã làm cái quái gì thế này? Tại sao lại bắn thường dân?”

Đến giờ phút này, thay vì đòi quyền lợi cho mình, những người tham gia cuộc bạo loạn đã chuyển hướng sang báo thù cho công dân xấu số kia. Song song với khẩu hiệu về lương thực kia là một lời thách thức tới cảnh sát: Nhân dân muôn năm! Tiêu diệt bọn sâu mọt, những kẻ sống trên xương máu người dân!

Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, dường như tất cả những người không liên quan đều chạy về nhà hoặc trú chân ở gần đó với sự hoảng hốt, tránh như tránh hủi. Ấy vậy mà vẫn có một kẻ gan lì tới cùng. Đứng giữa ban công một quán cà phê với thái độ ngạo nghễ kinh người, hắn ta - một thường dân thản nhiên lấy máy ảnh chụp liền vài nháy, trước khi chọn một vị trí khác. Vẻ mặt của kẻ này gần như không thay đổi chút nào, ngay cả khi những phát súng cảnh cáo xé toạc bầu trời. Cứ chốc chốc, gã này lại quay lại nhìn đám người đang trốn sau cửa sổ, miệng nở một nụ cười hiền từ. Điều đó tởm lợm tới nỗi, hàng loạt ánh nhìn chĩa thẳng vào người đàn ông với chung một suy nghĩ: Bộ thằng dở này chán sống rồi hả?

Mãi một lúc sau, người đàn ông “điên” mới thôi chụp hình. Chiếc máy ảnh lại lòng thòng trên cổ hắn. Gã rút điện thoại ra gọi, trong khi trưng bộ mặt đăm chiêu ra trước một cuộc chiến nơi hiến binh đã chính thức gia nhập.

“Chào buổi tối, My.”

Tên này buông thõng câu chào trong khi nhìn đám đông biểu tình lùi lại và thách thức cả hai lực lượng hành pháp. Đối với hắn ta, điều này là bình thường, vẫn chưa thấm tháp vào đâu cả. Nếu được làm một vị chúa, hắn có thể biến đây thành một cuộc đại chiến, thay vì chỉ dừng lại ở giao tranh trong trung tâm đô thành. Dẫu biết cuộc biểu tình thành công thì cần phải có ngoại giao, nhưng đôi khi máu và sắt lại là chất phụ gia hoàn hảo.

Sau ba giây im lặng, một giọng nữ cất lên.

“Phú tiền bối cứ nói đi ạ. Hiện giờ em vừa mới kết thúc ca làm của mình nên đi đâu cũng được hết.”

Đến đây thì gã gàn dở tên Phú đó văn vẻ đến dị thường.

“Gớm, làm gì mà phải trịnh trọng thế, cùng là đồng nghiệp với nhau mà. Hiện tại, ở ngay trước quảng trường đang có biểu tình, tôi cũng chộp được vài tư liệu quý giá rồi. Khốn nỗi, tôi không thể về nhà để tải mấy thứ này lên hệ thống được, phiền My giúp tôi nhé.”

Ở đầu dây bên kia, “hậu bối” của Phú ừ ừ liên tục. Sau đó cô ta cảnh báo Phú về những gì mà anh không nên làm, ít nhất là để giữ cái mạng còn vẹn nguyên. Ngoài mặt thì đồng ý, nhưng Phú nào có nghe. Anh đã phải chịu sự gò bó, chèn ép suốt thời thơ ấu, nên muốn phá luật giải khuây chút.

Ấy thế mà với trực quan của mình, My lại có thể đánh hơi ra được sự cố chấp đó. Cô liền đổi qua hằm hè, đe dọa Phú.

“Nhớ đấy nhá, nhớ mà giữ cái mạng quèn của anh cho cẩn thận. Một khi có chuyện gì xảy ra, tôi sẽ không nể chúng ta có quan hệ trên - dưới mà đến cứu đâu đấy.”

Mặc dù không sợ phụ nữ đến nỗi phải run cầm cập giống mấy ông chồng yếu đuối, song Phú vẫn phải nuốt nước bọt cái ực đầy thận trọng. Tuy vậy, anh cố gắng giấu đi cái hèn nhát đó bằng sự mạnh mẽ trong ngôn từ.

“Ừa, thay vì chăm chăm dặn dò tôi như một người mẹ, cô hãy lo mà làm những gì được giao đi. Chậc, chớ coi thường bản lĩnh của một người từng trải như tôi đây!”

Rồi cúp máy cái rụp.

Sau một hồi hí hoáy, cuối cùng Phú cũng gửi được mớ ảnh cho My. Anh gỡ sợi cáp kết nối máy ảnh với điện thoại, cất hết vào túi áo rồi trầm ngâm xem quần chúng biểu tình. Với Phú, anh chả có phận sự gì để tham gia một cuộc chiến vô pháp vô thiên này cả. Một điệp viên ẩn gần như phải làm mọi cách để tránh thu hút sự chú ý vào anh ta, đó là lý thuyết cơ bản nhất trong ngành tình báo. Vả lại, Nguyễn Phạm Gia Phú đây cũng chỉ đang đóng vai một tên nhà báo quèn, cộng thêm cái bùa hộ mệnh là nhân sự thuộc RDPSS để đỡ bị quy kết, nên càng không có chuyện anh sẽ đứng về phía nào và đấu tranh. Nhà báo là nhà báo, lúc nào cũng phải đảm bảo tính trung lập trong cả tư duy và lập luận.

Sớm thôi, Phú nhận ra rằng cuộc biểu tình này chả có điểm sáng gì cả, tất cả chỉ là một buổi đòi bình ổn giá lương thực. Đúng là để một buổi biểu tình ôn hòa có thể dâng lên cao trào thành bạo loạn thì rất rất khó, nhưng những tác động và ảnh hưởng xã hội mà nó mang lại mới thực sự quan trọng. Không đời nào Phú sẽ lao tâm khổ tứ để viết một bài luận hay về vụ này, từ khi mục đích ban đầu của nó vốn đã quá mờ nhạt và chung chung.

“Hờ hờ, ở đây chả có cái khỉ mốc gì cả. Có lẽ mình nên chui vào trong và chờ đến khi tạm lắng xuống thì về ngủ. Quá nhiều sự thất vọng cho ngày hôm nay rồi.”

Nhưng đời đâu có như là mơ. Ngay khi Phú vừa đứng dậy thì đột nhiên, lão chủ tòa soạn gọi đến.

“Hơ, ch-chào sếp ạ.”

Phú lập tức quay về thế khúm núm cần có của một người làm công ăn lương. Chưa kịp đưa bản thân vào thế phòng bị, anh đã bị đánh tan tác bởi một yêu cầu.

“Anh nghe nói chú đang ở gần quảng trường. Ở đó đang có một cuộc bạo loạn, đúng không? Nếu đúng vậy thì tốt, đi chụp ảnh và lấy thông tin về viết bài cho kịp đi, sáng mai là phải có bài rồi đấy.”

Nghe thế, Phú giãy nảy lên như con cá trạch.

“Ơ sếp, em có ở đấy đâu mà điều em ra đó? Vả lại, chả phải đang có rất nhiều phóng viên khác của nhà mình đang ở đấy sao?”

Vị sếp ở đầu dây bên kia ứ ừ một cách dứt khoát. Đoạn ông ta nói tiếp.

“Bịp cả đấy, tin mấy thằng lười làm gì. Chỉ có mình cậu là đủ khả năng thôi, nên hãy đi đi.”

“Sếp cứ nói thế chứ… Em cũng đâu có đủ thời gian để chạy qua đấy xem xét tình hình thế nào. Nhỡ đâu lúc đến được rồi thì đám đã tan, quốc hội đã giải tán rồi…”

Chàng nhà báo vẫn cố từ chối khéo bằng mọi cách. Tuy vậy, vị chủ tọa kia cũng đâu phải dạng hiền lành, ông đập bàn cái rầm trước khi hét thẳng vào điện thoại.

“Đi phỏng vấn hoặc bị cắt lương tháng này, chọn cái nào?”

“Dạ, em sẽ đi ạ… Sếp chờ chút…”

Phú buồn bã đáp. Thế là hết rồi, anh lại phải xông ra chiến tuyến đông đúc, khói lửa mịt mù chỉ để nhận lấy đồng lương chết đói. Mà đó cũng là một điều tốt. Không chỉ riêng Phú, mà bất cứ ai trong cơ quan cũng đều phải nể ông chủ tọa này, sơ sẩy cái là mất việc như chơi. Đã thế, nguồn thông tin mà Phú có thể tiếp cận ở tờ báo này rất quý giá, nên anh cũng không dại gì mà đi chơi ngu.

Dập máy cái cụp, mặt Phú nhăn lại như con khỉ ăn phải của chua. Giờ này rồi mà còn phải xuống đường làm kẻ trung gian, hứng đủ thứ đạn găm lên người, không mảnh giáp che thân. Thoạt đầu, anh định gửi luôn mấy bức ảnh mình đã chụp, sau đó viết nhăng viết cuội, cốt là để cho xong. Song, khi nghĩ lại thì hậu quả sẽ là rất xấu. Đầu tiên, sếp ở RDPSS sẽ chửi anh vì tội để lộ thông tin, từ khi mấy bức ảnh tư liệu này được xếp vào hàng bảo mật. Tiếp đến, lão chủ tọa cau có ở báo Dân Chủ sẽ xé đôi tờ séc lương của anh vì sự cẩu thả, mất toi mấy ly cocktail cuối tuần ở nội đô. Và còn cả tá vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến thân phận thực sự của Phú nữa.

“Chậc! Mình nên xách mông và đi chụp đàng hoàng vậy, dù gì cũng có chết ai đâu.”

Anh chàng miễn cưỡng xoay người về phía trong nhà. Hiến binh không thể phân biệt rõ đâu là nhà báo, đâu là kẻ quá khích nên sẽ nổ súng vào tất cả. Và đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới cái chết của các phóng viên chiến trường. Tuy nhiên, Phú vẫn rất tự tin vào đống kinh nghiệm ở châu Phi có thể cứu mình khỏi những tình huống kiểu đấy nên vẫn quyết định xuống.

Bỏ qua sự kỳ thị pha lẫn ngạc nhiên của những người trong nhà, Phú tự thân bước từ sàn gác xuống tầng trệt, sửa sang lại đầu tóc và thiết bị tác nghiệp. Anh vừa chỉnh khẩu độ ống kính, vừa nhìn những người biểu tình đang co cụm lại thành từng đám trước lực lượng hiến binh. Mới đây thôi, họ còn vùng lên phản kháng, ấy thế mà dưới tác động của súng và tro cốt vương trên mặt đất, tất cả buộc phải im lặng. Nhưng bất luận quân cảnh có đánh mạnh đến đâu đi nữa thì những người kia vẫn phải hiện thực hóa mục tiêu của họ: An ninh lương thực.

“Thứ lỗi ạ.”

Phú chỉ kịp nói vậy khi phát hiện sắp sửa có biến. Anh đạp cửa xông ra như một vị thần, dùng đôi chân dài săn chắc để tiếp cận vị trí tốt nhất, đồng thời cũng phải đủ kín đáo. Không kịp để cơ bắp nghỉ ngơi, chàng trai lại ngồi khụy xuống, hai tay cầm chắc máy ảnh, mắt nhìn những điểm ảnh sáng li ti. Trong nửa giây, anh nhấn chặt nút chụp.

Và tách, một ánh sáng lóe lên từ chiếc đi ốt bự chảng. Bức ảnh đã được chụp xong. Phú lại nhanh chóng chuyển sang một vị trí chụp khác, lần này có phần mạo hiểm hơn. Anh đánh liều chạy thẳng tới nơi mà một quân cảnh đang trấn áp đám dân thường co quắp, lựa một trạm dừng xe buýt mà tác nghiệp. Dù có bị ai chửi mất dạy, không tình người đến đâu thì Phú vẫn cứ bình tĩnh mà bấm máy. Nếu được giải thích, chàng trai cũng sẽ chỉ cười ngặt nghẽo: “Cái nghề này nó vậy rồi”.

Chụp được thêm đôi ba bức ảnh nữa, Phú bắt đầu mạnh dạn hơn. Xông ra giữa một cuộc bạo loạn chỉ để quan sát chưa bao giờ là ý tưởng hay, nhưng nếu là vì công việc là có lẽ… nó sẽ đáng chăng, anh tự hỏi.

Đã lâu lắm rồi Phú mới thấy một hòn đá bay vào cảnh sát. Dưới nhân sinh quan của mình, anh thấy một hành động nêu cao chủ nghĩa anh hùng, khát vọng chặt đứt gông xích và có chút dáng dấp của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng một chú chim nhỏ thì không thể hóa thành phượng hoàng lửa được, trừ phi có chất xúc tác.

Xem ra cuộc bạo loạn này sẽ không đi đến một kết cục tốt đẹp, đoạn Phú vừa nghĩ vừa lui về phía sau. Tuy nhiên!

Cái gì thế này? Tại sao tim mình lại đập liên hồi?

Không thể nào. Rõ ràng đó là biểu hiện của sự thích thú, mà Phú thì đâu có chút quan tâm gì đến vụ này cơ chứ! Anh cố quay mặt đi và chú ý vào bóng đêm vô tận, nhưng chỉ ba hồi chuông tiếp theo thì đã chẳng thể nào che giấu được nữa rồi. Lương tâm của một điệp viên đã phản bội lại chính bản thân chủ nhân của nó, buộc chàng trai trẻ phải hướng về cái tư duy mà anh ta đã được đào tạo.

Dường như Phú nhận thấy tay mình đang run bần bật. Mồ hôi anh vã ra ướt đẫm áo sơ mi dưới áp lực của chính bản thân. Chẳng còn cách nào khác, Phú đành phải hướng mắt nhìn những tấm biểu tình sống đang bị túm cổ, xách vai trong sự bất lực. Nếu so với một đội quân hùng hậu được trang bị khiên chắn, súng ống đầy đủ thì đây chả là cái thá gì. Nhận thấy mình cần phải làm một cái gì đó, ít nhất là để xoay chuyển tình thế sang hướng có lợi cho đoàn biểu tình, Phú bắt đầu ngồi một góc như thằng say rượu và nghĩ.

Cái định công mệnh nhà nó chứ! Thông ra đi nào mày ơi!

Từng xung điện cứ thế lướt qua hệ thần kinh; đáng buồn thay, chúng dần bị lược bỏ bởi một chu kỳ mang tên ghi đè - xóa. Không gian mờ nhạt, ký ức phôi pha, mọi thứ dần hòa quyện vào nhau theo âm - dương ôn nhu.

Đương lúc ấy, có chàng trai đang dần gục ngã trước mưa gậy cao su. Anh ta cố dùng chút sức tàn lực kiệt để giơ tấm biển gỗ ra đỡ, dẫu biết rằng chúng sớm sẽ vỡ vụn như lòng tự tôn hiện giờ. Tại tám giờ hai mươi phút tối, không còn thứ gì cứu vãn nổi trận chiến này nữa rồi. Cảnh sát òa ra còng tay những kẻ chống đối trong mắt họ và lôi về phía sau chiến tuyến như món đồ. Nhiều người cởi cả áo ra để trốn chạy, song đều phải ngã quỵ trước còng số tám.

Ôi, ánh sáng bạc ấy thật kinh khủng! Mỗi lần nó lóe lên là một chiến hữu lại nằm xuống. Chàng trai không muốn ngọn lửa trong trái tim này bị dập tắt dưới gót giày của đám quan lại. Nó phải sống mãi cùng lòng nhiệt thành của nhân dân lao động, khởi nguồn của mọi anh hùng.

Giọng nói ấy dần trở nên yếu ớt.

“Không được rồi, nếu cứ thế này thì mọi thứ sẽ…”

“Anh nói gì vậy, đoàn trưởng! Chúng ta không thể nào chỉ dừng lại ở đây để rồi bị xích về đồn được!”

Chàng trai ấy, tức người cầm đầu chính đoàn biểu tình ầng ậng hai hàng nước mắt.

“Biết là như vậy, nhưng chúng ta đâu phải công dân! Chúng ta chỉ là những kẻ xa lạ đối với mấy gã sĩ quan đằng kia. Họ sẽ bắt tôi và mọi người lại, tra khảo và nhốt vào xà lim lạnh lẽo mà chẳng màng màu da thôi, đúng không?”

Trong cơn khốn cùng, đoàn trưởng đưa mắt về phía sau, mong cầu một sự giúp đỡ từ Chúa.

"Hãy quay lại phía sau, nơi có kẻ khốn cùng đang đợi chờ ánh sáng."

Và rồi phép lạ ấy đã đến với anh, song cũng chả lành lặn mấy. Đó là một gã đeo máy ảnh, đầu tổ quạ đang đánh sượt trên vỉa hè như mấy thằng vô công rồi nghề. Nhưng có vẫn còn hơn không, anh nhất quyết phải lôi kéo người đàn ông này vào giúp một tay, trả công gì tính sau.

“Trăm sự nhờ mọi người nhé!”

Không kịp nói gì thêm, chàng trai tự mình thoát khỏi đám đông, bỏ chạy như kẻ hèn nhát. Bất chấp sự hoảng loạn của những người trong đoàn, anh vẫn không ngoảnh đầu lại mà chỉ đáp rằng “cứu tinh đang ở trước mắt chúng ta”.

Chàng trai mồ hôi đầm đìa chạy đến chỗ gã đầu quạ, miệng nở một nụ cười thân thiện.

“Chào anh!”

“Xin chào. Đêm hôm nay có vẻ sáng hơn mọi ngày nhỉ?”

Tên đối diện vẫn cúi gằm mặt xuống đất, giọng khô khốc. Hắn ta điềm nhiên gỡ máy ảnh khỏi cổ rồi chăm chú xoay xoay, bấm bấm mấy cái núm trên đó. Thấy lạ, chàng trai xoay người lại thì thấy những tấm hình tuyệt đẹp tua lại một tiếng trước, khi mọi thứ vẫn còn ngang cơ nhau. Rõ ràng, gã này là một nhà báo, không thì cũng phải là tay nhiếp ảnh có ăn có học. Nhất định chàng ta phải hỏi cho ra nhẽ mới được!

Cơ mà việc đầu tiên mà đoàn trưởng phải làm là thuyết phục được gã gàn dở này về phe mình đã. Anh nhếch mép cười, trong khi lấy tay lau bớt vết máu dính trên trán.

“Đúng, đúng là như vậy, đêm nay rất sáng. Có lẽ nó sẽ thành ngôi sao sáng nhất nếu có một chút sự giúp đỡ từ anh.”

“Cụ thể thì tôi cần phải làm gì?”

Người dẫn đầu đoàn trưởng khá bất ngờ với phản ứng này, nhưng dường như anh chả để tâm lắm mà cứ nói theo những gì đã nháp sẵn.

“Không ai là kẻ vô dụng cả, hãy làm tất cả những gì anh có thể.”

Mới dứt lời, đối phương đã đứng dậy, ánh mắt chuyển sang nghiêm túc. Cứ như thể hắn ta được tiếp một nguồn sức mạnh khổng lồ vậy, nhưng vì lý tưởng hay đồng bạc thì có trời mới biết.

“Rất hân hạnh được làm quen. Tôi là Phú, làm việc cho báo Dân Chủ. Liệu tôi có thể giúp gì cho anh?”

Tới đây, chàng trai mới có được đáp án cho câu hỏi ban nãy. Một tên nhà báo trông có vẻ rất uy tín, nhưng tay thì cứng đờ như thể đang giấu dao đằng sau. Dù khá lo sợ về khả năng đây là mật vụ chìm được cài vào để bắt mình, song tình thế nguy cấp, anh cũng chẳng còn lựa chọn nào khác cả.

“Chẹp… Thời gian chẳng còn dư dả nữa, nên anh chỉ cần biết tôi là Tống Văn Kiên thôi. Nếu là một nhà báo hướng tới tự do, dân chủ và công bằng, hãy cầm lấy chiếc máy ảnh mà chụp không sót bức nào. Nhân danh búa liềm, đừng để công sức và máu xương chúng ta bị lãng quên!”

Phú ngây người trước lời động viên của thanh niên tên Kiên này. Càng ngẫm nghĩ, Phú càng bóc được từng lớp trầm tích đằng sau cuộc bạo loạn này. Để thốt lên được những lời đậm chất tuyên truyền này, hẳn kẻ này phải là thành viên cấp cao của một đảng phái nào đó.

Mà… thôi, việc ưu tiên là phải đưa cuộc bạo loạn này về thế có lợi đã. Kể cả khi nó không nằm trong danh sách từ tổ chức thì đây vẫn là một nhiệm vụ.

Song lúc này đầu óc Phú cũng chẳng còn đủ tỉnh táo mấy để đa nhiệm nữa. Quân tử nhất ngôn, đã hứa rồi thì phải thực hiện. Một lần nữa, anh lao thẳng vào chiến trận với vũ khí duy nhất là chiếc máy ảnh.

Hiến binh vô cùng ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của một đối tượng đặc biệt mà họ đã không hề để ý. Từ nãy tới giờ, hắn ta đã quay lại toàn bộ cảnh lực lượng hành pháp đàn áp, hay đúng hơn là đánh đập thường dân. Đã thế, gã “nhà báo” này hiên ngang đứng chụp hình từng vị cảnh sát giữ trật tự tại đó. Lo sợ rằng những hành động bạo lực có thể bị phát tán trên mạng, viên chỉ huy quân cảnh đã ra lệnh đàn áp đối tượng này.

Trông thấy một tiểu đội cảnh sát tay lăm lăm khẩu đạn ghém, Phú vội vàng chụp nốt bức cuối rồi rụt người lại. Anh biết mình cần phải làm gì để đối phó trong trường hợp này. Ngay khoảnh khắc hai tay anh vừa giơ lên, toán cảnh sát ấy đã vây kín rồi. Một tên đạp ngã Phú xuống đất và còng tay anh lại một cách thô bạo.

“Này, tôi là nhà báo đấy! Các người đang làm cái quái gì vậy?”

Chàng trai hét lên. Nhưng xem ra gã cảnh sát đã đạp ngã anh cũng chẳng quan tâm lắm, cứ thế ra lệnh áp giải rồi dí súng sau gáy anh. Ở phía đằng kia, ánh mắt tuyệt vọng của Tống Văn Kiên chính là thứ cuối cùng mà cặp mắt trần của Phú bắt được trước khi bị che lại.

Trong túp lều dã chiến được dựng tạm sau hàng rào kẽm gai, có hai người đàn ông đang ngồi chơi một trò chơi. Một người bận quân phục cầu vai sáng lóa, điềm nhiên đến đáng sợ cùng cốc trà mạn trên tay; kẻ còn lại nửa người nửa ngợm, toàn thân bị trói chặt trên ghế, không bằng nổi con súc vật. Thật trái ngang làm sao.

“Họ và tên?”

“Nguyễn Phạm Gia Phú.”

“Bao nhiêu tuổi? Địa chỉ thường trú ở đâu?”

Những câu hỏi khô khan cất lên giữa tiết trời nóng ẩm. Phú, dù trong bụng thì khá bình thản, song vẫn phải cố mà tỏ ra khó chịu để không bị phát giác. Anh nghiến răng ken két.

“Tự đi mà kiểm tra trong mớ giấy tờ tùy thân của tôi.”

Lập tức, một lực mạnh tác dụng vào mạn sườn Phú. Tiếng răng rắc nghe rợn người. Chàng trai nhói lên, song vẫn nín thở để giảm cơn đau nội thương này.

“Này, bạo lực quá đấy!”

“Khửa khửa, với mấy tên nhãi nhép như mày thì phải dùng chân tay mới hiểu được. Rõ chưa?”

Tên đội trưởng quân cảnh, cũng là kẻ đang thẩm vấn Phú lúc này, nhổ toẹt xuống đất. Qua ánh mắt, dường như Phú có thể đọc vị được nhân cách của gã này. Một đôi tròng sắc nhọn, kết hợp với mớ cơ gân nổi thình thịch trên người đã đủ làm những kẻ tiểu nhân phải khiếp sợ.

Đáng buồn thay, đó chưa bao giờ là một “cách thẩm vấn” đúng nghĩa với Phú. Cuộc đời và nghiệp tình báo đã đấm anh còn đau hơn thế, nên đây còn chả xứng mà động được vào cọng lông chân. Mặt đối mặt, Phú vẫn giữ nguyên vẻ khinh thường, hiên ngang như những anh hùng thiên cổ. Dù bị chọc cho điên lên, song gã quân cảnh kia vẫn cố giữ bình tĩnh mà đọc hết đống thông tin sơ bộ về Phú.

“Hay đấy, cu em ạ.”

Hắn ta nhếch mép cười rồi chuyển sang nhìn tấm thẻ nhà báo. Trên đó ghi đầy đủ tên cúng cơm của Phú, cơ quan công tác cùng chức vụ của anh. Gã hiến binh mặt dày đọc hai chữ “nhà báo” rồi búng cái thẻ xuống đất, ra vẻ quyền uy.

“Để tao nói cho mà nghe nhá, động vào hiến binh không bao giờ có kết quả tốt đâu. Chúng ta là những bậc khai quốc công thần, là thiên sứ của Diêm Vương đấy!”

Lập tức, Phú bật lại.

“Ghê vậy sao? Nếu cao quý và quan trọng đến như vậy, tại sao các ông phải chặn họng một thằng làm công ăn lương như tôi chứ? Thật chả đáng mặt anh hùng, cái danh hão huyền!”

Và lời mỉa mai ấy như giọt nước tràn ly vậy. Từ đôi mắt của kẻ tội đồ, nhà báo nhìn thấy gã săng đá rút chiếc dùi cui to tổ chảng, như thể sẵn sàng đánh chết anh ngay tại đây. Quả như dự đoán, hắn ta vung tay lên thật cao rồi vụt một cú thật dứt khoát.

Bốp.

Dưới tác động mạnh, bộ não sóng sánh như khối tàu hũ vậy. Tại một điểm nào đó, hồng cầu đã bị chặn lại, gây ra chứng thiếu máu não tạm thời. Và đó cũng chính là thứ âm thanh cuối cùng Phú nghe thấy trước giờ lịm đi.

“Xin lỗi quý cô, nhưng đây là trách nhiệm của chúng tôi.”

“Trách nhiệm cái quái gì ở đây? Theo luật, không cơ quan dân sự nào được quyền bắt giữ nhân viên RDPSS cả, chứ đừng nói là lũ tiểu nhân các người!”

Phú nhận ra mình còn sống. Anh liên tục làm đầy phổi nhằm trấn tĩnh bản thân, trước khi mở mắt để chứng kiến những gì đang xảy ra. Đúng, chàng trai vẫn bị ngồi trên ghế, với sợi thừng bện quấn quanh đang ngày một thít chặt hơn. Và ngạc nhiên làm sao khi My lại là kẻ trách móc không ngớt, khiến gã quân cảnh kia phải cúi đầu mà hổ thẹn. Phú không hiểu, rõ ràng My đã khăng khăng rằng sẽ chẳng tới cứu anh, nhưng cuối cùng lại cực đoan đến mức này. Có Chúa mới biết được phụ nữ suy nghĩ thế nào!

“Dỏng tai lên mà nghe cho rõ. Chúng tôi là những người làm việc có quy tắc, nhưng cũng không ngại tặng cho gia quyến nhà anh mắm tôm và kẹo đồng đâu.”

My nắm áo gã sĩ quan, mắt trừng trừng thể hiện quyền uy. Phú thầm chế nhạo hắn ta rồi ngẫm. Như mọi cơ quan tình báo, RDPSS là một tổ chức mà trong đó các nhân viên luôn phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Quyền sinh quyền sát, mặc dù chỉ cách nhau bằng sợi chỉ đỏ, nhưng có thể dẫn tới hệ quả tích cực hay tiêu cực. Song RDPSS không đổ hết hoàn toàn trách nhiệm lên đầu các nhà hoạt động. Nếu một ai đó trong tổ chức gặp vấn đề, họ sẽ không ngần ngại mà giải quyết nó bằng mọi giá, nhân danh cánh bướm dối gian mang tên “hòa bình”.

Sau cùng, gã hiến binh cũng đã bắt đầu suy sụp. Mặc dù là hai lực lượng hoàn toàn khác biệt, song quyền lực của tình báo bao giờ cũng áp đảo, nhờ vào sự chỉ đạo khôn ngoan của Thủ tướng. Hắn ta lau mồ hôi trán, nghiến răng ken két rồi lệnh cho cấp dưới thả Phú ra.

“Ơn trời, cuối cùng cũng gỡ được mớ bòng bong này ra.”

My cúi xuống, nghiêng đầu nhìn vị tiền bối được giải thoát. Một nụ cười thoáng qua trên môi cô.

Phú lật đật đi thu thập lại chỗ giấy tờ tùy thân rồi nhìn nàng hậu bối. Thật là một sự xúc phạm danh dự khủng khiếp. Ngay khi anh định cất tiếng thắc mắc về hành động ban nãy thì cô ấy đã nói ra trước rồi.

“Ừ, ừm, tôi đoán thế nào anh cũng sẽ bị bắt thôi, với lại… chẳng phải anh không muốn có một đệ tử hữu dụng sao, tiền bối?”

“Đương nhiên, tôi đã tiên đoán được trước chuyện này rồi. Chỉ là khi bị áp giải về, tôi không muốn phải lợi dụng chức quyền thôi. Dù có nuốt lời đi chăng nữa thì cũng cảm ơn cô nhiều lắm, My ạ.”

Xem ra Phú không có ý trách móc My. Anh đeo chiếc máy ảnh lên cổ, xắn tay áo lên và rời khỏi buồng thẩm vấn đầy bạo lực này. Mặc kệ những tiếng chửi, bỏ ngoài tai sự vội vã của cô đồng nghiệp, Phú chỉ muốn đi về nhà và ngủ một giấc thật say.

Mười một giờ bốn mươi phút.

Cuộc biểu tình đã chính thức bị dập tắt, tựa như vết máu đông lại. Khói bốc lên khắp con phố cùng những đốm tàn. Cảnh sát đứng đầy đường nhằm kiểm soát những kẻ nổi loạn còn sót lại. Con phố đã trở thành một bãi chiến trường tan hoang, đổ nát. Không ai biết ngày mai sẽ như thế nào, những thanh niên bốc đồng sẽ ra sao, nhưng chắc chắn chính quyền phen này đã bị lung lay.

Nhưng đột nhiên, Phú nhớ ra một thứ gì đó. Anh quay ngoắt lại và hốt hoảng trước mặt My.

“Phải rồi, tên cầm đầu cuộc biểu tình đâu rồi? Hắn ta đang ở đâu?”

“Bị đưa về phòng thẩm vấn của RDPSS để điều tra rồi.”

Và đối với chàng ký giả, câu trả lời đó là dấu hiệu của sự may mắn. Dù Tống Văn Kiên không thể thoát được khỏi lưới trời, song ít ra hắn cũng chưa phải ăn gậy từ mấy tên vai u thịt bắp.

Đến lúc này thì Phú đã điềm tĩnh hơn. Anh trưng bộ mặt cá chết ra và nói tiếp.

“Ra là vậy… Được, ngày mai tôi sẽ trực tiếp thẩm vấn hắn ta, nên hãy báo lại cho cấp trên đi. Tạm biệt.”

Không kịp để đối phương nói gì hơn, Phú rảo bước trên con phố vương vãi máu, đầu nghĩ về bữa tối muộn.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận