Súng, tro cốt và âm binh...
Nguyễn Văn Mười, Bé Vỉa Tôm Chiên Kùwu
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

The First Booklet: God, gunpowder and The Superpowers

Chương 09: Lưỡi liềm vàng

0 Bình luận - Độ dài: 4,153 từ - Cập nhật:

Trong một căn phòng kín bưng, có một tín hiệu đang được phát đi. Trên cái bàn gỗ, cỗ máy điện đàm từ thời trước chia cắt đang ré lên những âm thanh của sóng nhiễu. Các chỉ số trên đồng hồ nhảy múa theo một nhịp điệu không xác định, trong khi vẫn đang giải mã sóng âm đến chiếc tai nghe. Và kẻ đang sử dụng thiết bị đầy tính lén lút này không ai khác, cũng chính là một gã điệp viên.

“Chúc mừng. Cuối cùng thì anh cũng đã tỉnh lại rồi nhỉ? Đúng như tôi dự kiến.”

Phú, người bấy lâu nay đã núp dưới vỏ bọc nhà báo, cười nhạt. Mặc dù rất khác với vẻ ngoài thường thấy, song đây vẫn chỉ là một cái mặt nạ trong vali hóa trang của anh. Một nhà tình báo cần phải thành thạo biểu cảm của bản thân, khoác lên mình những bộ cánh khác nhau tùy hoàn cảnh. Đó không chỉ là cảm tính, mà còn là sự phân tích kỹ lưỡng và kinh nghiệm đến từ một bộ óc từng trải.

Ở đầu dây bên kia, Phạm Huy - kẻ đang được Phú nhắc đến đáp lại đầy chán nản.

“Vâng, đội ơn cả lò nhà anh. Đúng, tôi biết mình là ai, mình đã từng làm gì cho mẫu quốc. Nhớ gửi lời cảm ơn tới Giang vì đã nhắc lại chúng cho tôi biết đấy.”

“Khục khục, tất nhiên rồi. Thực ra anh không cần phải diễn trò hay gì đâu, chỉ là tôi muốn hỏi thăm chút về tình hình sức khỏe của anh thôi.”

Dường như đã hiểu được ý đối phương muốn hỏi, Phạm Huy thẳng thừng trả lời.

“Không giấu giếm gì, tôi đã hoàn toàn nhận thức được việc làm của mình là phản bội lại Tổ quốc. Judas, tôi xin phép được quay đầu lại để lấy công chuộc tội.”

“Rất đáng hoan nghênh, nhưng liệu anh có sẵn sàng để tiếp tục đương đầu với muôn vàn khó khăn đang chờ phía trước, dẫu biết có đổi bao nhiêu vàng ròng cũng khó làm được?”

“Tất nhiên là có, vì sự nghiệp thống nhất toàn Liên Bang, đánh đổ dị giáo, tôi sẵn sàng hiến dâng cả mạng sống của mình.”

Huy nuốt nước bọt đáp. Mắt anh liên tục đảo xuống dưới đường phố, nơi cả người và phương tiện đều tấp nập qua lại, với một nỗi sợ hiển nhiên: ám sát. Ai mà biết được trong số những người này, kẻ nào là sát thủ từ tổ chức, người nào là thường dân? Riêng vụ bị học sinh trung học khống chế và bế về tận nơi sản xuất đã quá đủ để khiến anh tởn tới già rồi.

Đương nhiên, Phú cũng biết được những gì quý ngài chiêu hồi kia đang làm, bởi anh đang nắm trong tay thiết bị theo dõi của Giang. Với chiếc màn hình ẩn dưới dạng đồng hồ đeo tay này, Phú hoàn toàn có thể theo dõi Huy từ xa, thậm chí là gọi người kết liễu mà chẳng cần phải xuất hiện. Như vậy đã thừa sức để kiểm tra độ trung thành của gã này rồi.

Quả nhiên, cấy giác mạc vào là giải pháp tối ưu nhất cho mọi kẻ phản bội, chàng điệp viên thầm nghĩ.

Thấy đối phương đã trả lời đầy đủ các câu hỏi mình đưa ra, Phú đổi hẳn thái độ, chuyển sang thân thiện đến lạ thường, Anh lịch sự nói lời tạm biệt, cơ miệng giãn ra hết cỡ, nom rất vui vẻ. Nhưng một khi đường truyền đã kết thúc, anh chàng lại khinh khỉnh cười với ngụ ý: Ấy chỉ là liều thuốc tâm lý cho Phạm Huy.

Sau khi rút phích cắm điện, Phú chậm rãi rời khỏi bàn làm việc và nhìn xung quanh. Đây là một căn phòng được thiết kế riêng cho việc liên lạc nên về độ bảo mật thì khỏi lo. Trừ đường dây dẫn ra ăng ten và ống thông gió ra thì khắp nơi đều được lót mút dày cui, đá lát sàn cũng là đá ong để âm thanh không lọt ra ngoài được. Cạnh chiếc bàn có trang bị một tủ sắt, bên trong chất đầy những tài liệu và báo cáo của những người từng sử dụng phòng. Mặc dù không sở hữu các trang bị giống mấy bộ phim quân đội, nhưng đây là nơi cực kỳ quan trọng, chỉ được biết đến qua vài tài liệu tối mật.

Lôi chiếc máy đánh chữ đã mòn phím ra, Phú từ tốn căn lề cho tờ giấy. Anh ta căng mắt nhìn từng chiếc phím đã mờ lớp sơn, nhấn mạnh vào chúng để văn bản đầu ra không bị lỗi. Tiếng motor điện nghe lạ tai, mang đến chút niềm vui cho điệp viên mang mật danh Judas. Anh nhớ lại những ngày đầu học cách làm quen với các thiết bị tình báo, khi bản thân suốt ngày bị đánh giá và chỉ trích vì đánh máy quá tệ; phần vì đã quá quen với bàn phím và phần mềm soạn thảo, phần vì quá nóng vội để có thể đánh một bản thảo hẳn hoi. Giảng viên tại học viện đã nhắc nhở Phú một câu mà anh còn nhớ mãi tới tận bây giờ.

“Trong nghiệp vụ tình báo, cần phải bình tĩnh và quyết đoán, tuyệt đối không được nóng vội. Hãy nhớ rằng, chỉ một dấu vân tay thôi cũng quyết định cả số phận của điệp viên đó.”

Khoảng nửa tiếng sau, Phú đã soạn xong bản báo cáo, đồng thời còn in thêm vài bản sao. Anh kẹp bản gốc vào bao tài liệu chung rồi cất lại nghiêm chỉnh trong tủ. Nhưng đó vẫn chưa phải là hết. Phú rút trong túi quần một khẩu súng phá khóa, tra vào lỗ khóa và nhấp thử vài lần. Mục đích thì cũng không rõ ràng lắm, chỉ là thói quen từ lúc mới làm trong RDPSS thôi. Khi đó, Gia Phú suốt ngày thụt trộm tài liệu mật, quét lại rồi gửi chúng tới blacksite. Thấy cả ba lần thử đều mở được, anh vui vẻ hôn vào khẩu súng rồi cất đi.

Khi mở cánh cửa thép dày ra, Phong - người dẫn anh lên chiến trường lần trước, đã đứng chờ sẵn. Sở dĩ anh ta định từ chối, nhưng sau một hồi ngẫm lại thì vẫn phải hộ tống Phú, vì lẽ chàng nhà báo này trông quá yếu ớt để chống chọi với làn đạn cạc bin. Nhìn những bó cơ trên mặt Phong có vẻ đang bị kéo căng, Phú nhận thấy mình cần phải làm gì đó. Anh vỗ mạnh vào vai đối phương.

“Đợi tôi có mệt lắm không Phong? Hay là chúng ta kiếm gì đó xả hơi nhé.”

“Thôi, không sao đâu. Quan trọng là anh, chứ thân lính chiến như tôi thì lo gì.”

Đoạn Phong dúi bao thuốc vào Phú.

“Không, cảm ơn.”

Chàng điệp viên cười nhẹ, rồi khoác vai Phong cùng nhau tiến đến thang máy. Hành lang vang tiếng bước chân của hai người họ.

Xe thang ậm ạch leo lên mặt đất. Bên trong cái buồng đó, Phú xỏ tay vào túi quần, suy nghĩ linh tinh, còn Phong thì nhàn nhã trong làn khói xanh. Một lúc sau, tiếng lịch xịch cất lên, cánh cửa thép dày cả xăng ti mở ra. Và ở đó, một không gian đối lập hoàn toàn hiện lên.

Những tiếng nói, tiếng cười, tiếng hỉ hả vang lên trong bốn bức tường bê tông. Nguyên một đại đội lính Cộng Hòa đang ngồi lau súng, đàn hát với trò chuyện với nhau, nom rất sống động. Dường như họ cũng chẳng để ý mấy đến sự xuất hiện của Phú và Phong cho lắm, vì dù sao thì hai người này cũng chỉ đến để làm một vài thủ tục thôi.

Còn khi mở to đôi mắt ra, Phú nhìn thấy một dinh thự cũ kỹ - vốn là đồ thải của đám tinh hoa sống bên thung lũng. Nơi đây vốn dĩ rất rộng rãi, nên cực kỳ thích hợp làm nơi thường trú cho lực lượng. Mà gọi là nơi thường trú cũng không chính xác cho lắm, vì căn biệt thự này nằm cách biệt hoàn toàn với khu dân cư, sát với một vùng cát vàng, nơi đôi lúc cũng có quân đội Âm Phủ đi tuần tra.

Phần lớn đồ đạc trong căn biệt thự đã bị loại bỏ, chừa chỗ cho quân trang và các trang thiết bị liên lạc. Tầng một chỉ có như vậy, còn tầng thứ hai là nơi sinh hoạt cho quân sĩ, không đáng để Phú ngó đến.

Duy chỉ có một điểm bất thường. Kể từ lúc đến tới tận bây giờ, chẳng một ai thèm chào hay hỏi han gì Phú. Thậm chí, ngay cả chỉ huy của căn cứ cũng đang đi vắng và chỉ liên lạc trước đó qua điện thoại. Đành rằng Phong nằm trong biên chế của quân Cộng Hòa, nhưng căn cứ mà ra vào dễ như cái chợ thế này thì chẳng mấy mà bị san phẳng. Thoáng chốc, Phú bặm môi lấy cây bút ghi chú thêm vào tờ báo cáo dòng chữ “Kỷ luật quân đội ở Tây Thành xuống rất thấp, đề nghị cấp chỉ huy trấn chỉnh”.

Hai thanh niên có chung chữ cái trong tên cũng chẳng quan tâm đám lính Cộng Hòa cho ngoa. Họ chỉ lẳng lặng rẽ vào góc trong cùng, nơi đặt một cánh cửa gỗ. Phú lấm lét nhìn chung quanh rồi rút khẩu súng phá khóa ra, tra nó vào ổ. Chỉ với vài cú nhấp, cánh cửa đã phải khuất phục như một trinh nữ. Phong bắt đầu tiến vào trong trước, bật đèn lên và lục lọi những chiếc giá chất đầy thùng gỗ.

“Anh chắc là sẽ ổn nếu chúng ta cứ khui đồ ăn thức uống của họ chứ?”

Đoạn Phong cầm một chai rượu lên. Nhưng Phú đã giật lấy nó, mở nắp và đưa cho đối phương, đồng thời khẳng định.

“Không, chẳng sao đâu. Nếu muốn, tôi có thể ứng trước một năm đồ tiếp tế cho cứ điểm này. Mẫu quốc ta tiếc gì ba đồng bạc lẻ cho sự toàn vẹn lãnh thổ.”

Nghe vậy, Phong bán tín bán nghi, nhưng rồi cũng phải tin vì phong thái hết sức bình thản của Phú. Hai người say sưa uống rượu trong kho quân nhu rồi rời khỏi đó như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nếu có ai đó vô tình lướt qua và nhìn thấy, có lẽ anh ta đã hét lên: “Mẹ hai thằng kẹo con.”

Sau khi cảm ơn và chào tạm biệt những người lính, Phú và Phong lại chống nạng lên đường. Họ rời khỏi dinh thự lụp xụp, mang theo vài bản sao của tờ báo cáo kiểm tra. Thực sự, đây mới là thứ cần được bảo vệ nhất, chứ không phải cái mạng quèn của cả Phú hay Phong.

Khu phố bao quanh trơ trọi, không một bóng người vất vưởng. Cũng phải thôi, vì nơi đây đã từng là bãi chiến trường, hứng chịu nhiều đợt pháo kích và oanh tạc. Những bức tường lỗ chỗ vết đạn, gạch vụn nằm la liệt trên đường đi. Vài ngôi nhà còn sót lại cũng chẳng khá khẩm hơn mấy, có chăng là dáng hình còn vẹn nguyên. Ấy thế mà nơi tưởng chừng như thành phố chết này lại được một đội quân du kích tận dụng làm phân vùng đóng quân, chĩa thẳng vào thị trấn nhộn nhịp.

Phú lại ngước nhìn lên bầu trời. Anh nhìn thấy một sự khô nóng và nỗi đau đang bao trùm lấy màu xanh này. Mùi cỏ cháy, thuốc súng còn vương vấn đâu đây. Nội chiến, chia cắt, các thế lực liên tục cát cứ rồi tới chiến tranh thông tin, không sót một lực lượng nào can dự cả. Có lẽ những người khổ nhất chỉ có thể là dân chúng, khi họ bị cuốn vào một trò chơi mang tên chính trị. Bạn bè, người thân, gia đình ly tán, âu cũng chỉ vì quan điểm và ý thức hệ của mình. Có những kẻ như Phú ngày đêm đi dí súng vào đầu dân lành, dù là ở chiến tuyến nào thì cũng thật đáng hổ thẹn. Thực tế không giống trong phim. Không hề có những hiệu ứng khói lửa hay chủ nghĩa anh hùng, tất cả đều lén lút và bí mật. Phú thừa biết đấy chứ, nhưng vẫn cắn răng chịu đựng chỉ để xóa bỏ ranh giới này, đưa mọi thứ trở về thuở xưa.

Đi vào trong thị trấn Tây Thành náo nhiệt, Phú bắt gặp hàng dài những chiếc xe chở quân. Những người lính đứng la liệt giữa đường, tay lên nòng sẵn khẩu trung liên, còn mắt thì đăm đăm vào quần chúng xem có kẻ nào khả nghi không. Tất nhiên, Phú và Phong chẳng hề có ý định gì cả. Một kẻ thì muốn trở lại ngọn đồi gió hú, người thì tìm đường về khách sạn của mình.

Rồi đột nhiên, một đám thường dân xô đẩy nhau về hướng ngược lại, kích thích trí tò mò của cả hai người. Nhưng dường như Phong chẳng hứng thú lắm với chuyện này, nên chỉ bắt tay Phú rồi mặc kệ anh chạy theo dòng thời sự, còn mình thì quay về ổ.

Bám theo sau chừng nửa cây số, đến một ngã tư, cảnh tượng trước mắt đã giải mã cái bản năng của cả thảy bọn họ: Một đám lính hoàng gia đang bu lại trước một người Tnú mặc Hán phục. Chúng liên tục tra hỏi, đánh đập và dùng những từ ngữ nhằm quy chụp người đàn ông kia là một Cộng Hòa quân, mặc cho anh ta cho van nài như thế nào.

Sự việc đạt đến đỉnh điểm khi một sĩ quan cấp tá xông vào túm cổ người đàn ông tội nghiệp, xua đuổi thuộc hạ ra rồi rút khẩu ru lô dí vào thái dương anh ta.

“Tổ sư nhà mày! Đúng nhận sai cãi, còn chối nữa hả?”

“Tôi không biết, tôi không biết! Làm ơn tha cho tôi, tôi còn mẹ già em thơ!”

Người Tnú nọ bật khóc, ôm chặt chân của gã sĩ quan kia. Tiếc thay, Thần Chết đã đến để tiễn anh đi. Viên sĩ quan quân hoàng gia sai thuộc cấp xách người đàn ông dậy, nòng súng chĩa thẳng vào trán. Tiếng nổ vang lên như tiếng kẻng thúc giục dân chúng trở về nơi làm việc của mình. Và tất nhiên, một nhà báo như Phú đã nhanh chóng ghi lại vụ việc đầy chóng vánh này bằng máy ảnh. Anh định bụng thay vì đem đăng báo, bức hình và đoạn phim sẽ được gửi về tổ chức nhằm xây dựng tài liệu tuyên truyền chống thể chế dân tộc cực đoan.

“Thương thay cho một kiếp người.”

Bỗng một cụ ông đứng cạnh anh thở dài ngao ngán. Ông cũng là người gần như duy nhất “điếc không sợ súng” mà cứ đứng đấy. Đang kiểm tra những tấm hình, Phú phải giật mình quay sang nhìn ông với ánh mắt hết hồn. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để lấy thêm “ví dụ sinh động”, anh lén lấy máy ghi âm bỏ vô lòng bàn tay.

“Vậy, chuyện này có hay gặp ở đây không hả bác? Cháu là khách du lịch nên không biết ạ.”

Phú hồn nhiên nhìn cụ ông mà hỏi. Không chút giấu giếm, ông ấy thẳng thừng mà đáp.

“Gần như tháng nào cũng gặp. Đã hơn chục năm rồi, từ cảnh sát tới lính tráng, gã nào cũng lôi mấy anh thanh niên ra làm trò, chán thì đánh rồi bỏ đi. Nhưng hôm nay là trường hợp đặc biệt, tại mấy ngày rồi chưa thấy quân nổi loạn đặt bom hay gây chấn động, nên bọn đầu bò kia lấy nhân làm thú tiêu khiển.”

Chấn động? Phú tự hỏi, liệu việc sử dụng cụm từ đó có liên quan gì tới cảm tình của cụ ông không? Phải chăng do cụ ấy sợ gia quyến liên lụy nên mới phải gọi Cộng Hòa quân là một bọn nổi loạn? Xem ra anh cần phải hỏi thêm mới được. Chàng trai kéo ông cụ vừa mới quen vào lề đường, đoạn tiếp tục dò xét.

“Cháu thấy hình như trên cổ bác có một chiếc vòng cổ hình trăng lưỡi liềm thì phải? Biểu tượng đó nghĩa là sao ạ?”

Một câu hỏi thật kỳ lạ. Đó là những gì mà người ngoài cuộc sẽ nghĩ về lời thoại này. Tuy nhiên, mọi thứ đều có mục đích của nó. Sở dĩ Phú cố tình lái cuộc trò chuyện này về hướng riêng tư là bởi anh nghĩ: Khi đào sâu bên trong nội tâm của một người, họ sẽ thành thật hơn lúc trả lời. Từ đó, thông tin thu thập được nhất định sẽ chính xác và dồi dào hơn là “thẩm vấn”. Đây không phải là thứ chàng trai được dạy trong sách vở, mà là kinh nghiệm từ nghề báo.

Ông cụ nhe hàm răng móm của mình cười cười.

“Đấng tối cao vĩ đại!”

Phú à lên một tiếng. Ra là người này theo đạo Hồi. Anh chàng cũng từng nghe kể về một bộ phận các tín đồ của Allah, nhưng là những cư dân sống giáp ranh vùng biên, chứ không phải chốn khô cằn này.

“Quào, mình chưa từng thấy điều này. Quả nhiên đi khám phá vẫn hơn ngồi nghe kẻ khác kể.”

Nửa giây gật gù của Phú trôi qua. Phần lớn những người này là hậu duệ của người Hồi Hột nhập cư xuống Âm Phủ, rồi giao thoa với dân bản địa, với đặc trưng là làn da đỏ điển hình. Cơ mà Phú nhận ra mình cần phải quay về với chủ đề ban đầu, nên anh hắng giọng rồi tiếp tục tỏ ra thân thiện.

“Vậy, cháu có thể hỏi bác thêm một vài câu được chứ, nếu bác không phiền?”

Sau một hồi trò chuyện rôm rả, Phú cũng đã thu về cho mình vài thông tin quý giá. Đại ý thì cụ già người Hồi giáo này không ưa gì đám lính hoàng gia, nhưng cũng chẳng tới nỗi chống phá. Theo lý luận về lòng dân, một thường dân không nhất thiết phải sử dụng bạo lực để chứng minh niềm tin của anh ta; đôi khi chỉ cần vài dòng suy nghĩ và giọng điệu cũng đủ để làm bằng chứng sắt đá rồi. Và điều này thì lại càng phù hợp với chiến thuật của Phú, vì anh ở đây để trinh sát và báo cáo cho blacksite, chứ không phải chiêu mộ binh lính.

Đến lúc này, ông cụ chợt ngoái đầu nhìn về phía Đông, đôi mắt hướng về ngọn đồi cách xa vài cây số. Phỏng đoán rằng đây có thể là thời điểm mà những môn đồ đi nghe giảng kinh, Phú liền cúi đầu và khẩn thiết cầu xin cụ già ấy.

“Vì lòng thành kính với Thiên Chúa và Tiên tri cuối cùng, liệu cháu có thể đi đến thánh đường linh thiêng cùng bác được chứ?”

Thấy ông cụ có vẻ lưỡng lự, Phú liền móc trong túi quần một mề đay in chữ Ả Rập, đồng thời đọc thêm vài câu châm ngôn trong kinh Qur'an mà anh học lỏm được trên mạng. Dĩ nhiên, khi thấy người khác có niềm yêu thích với đạo mình theo, đối phương cũng khó mà từ chối nổi. Thế là bằng cách đóng giả du khách, Phú đã được cụ ông dẫn theo.

Cách chân đồi dăm cây số, dễ thấy những hàng cây cọ mọc theo hình bậc thang, bắc qua là hơn trăm bậc đá đã mòn đi theo thời gian. Tận dụng thời cơ này, Phú lấy điện thoại ra chụp vài bức hình, cốt là để gửi về cho đồng nghiệp. Khi đến con đường dẫn lên đồi, anh chàng bắt gặp một sự đối lập đến kỳ lạ. Phía trái là thánh đường Kitô giáo, còn đối diện là đền thờ tín ngưỡng bản địa của người Tnú - Đạo Âm. Hai dòng người riêng biệt rẽ thành hai ngả vào nơi thờ tự, nhưng dường như chẳng ai thèm hé môi ra. Chưa kể họ còn là hai thành phần hoàn toàn khác biệt nhau nữa: Bên Kitô giáo chủ yếu là nông dân và những người khá giả, còn bên Đạo Âm phần lớn là binh lính và sĩ quan quân đội hoàng gia.

Là một người có thể nói là vô thần trên giấy tờ, Phú miễn cưỡng leo từng nấc thang cùng ông cụ. Anh cảm thấy thật kỳ lạ, hai người vốn chẳng hề quen biết nhau, vậy mà có thể chia sẻ những điều tưởng chừng thầm kín này. Hay là anh đã quá quen với lối sống khép nép bên phố thị, để rồi thành một con gà đúng nghĩa tại vùng quê loạn lạc này?

“Chúng ta đã đến rồi.”

Với ánh mắt thẫn thờ nhìn dòng chữ ghi bằng tiếng Ả Rập, Phú chậm rãi phát âm từng từ một, trong khi đôi chân vẫn dắt cái xác đi qua hàng cây cọ.

“Al-Masjid Al-Hakim..”

Bước vào trong thánh đường, Phú nhìn thấy các tín đồ đang rửa chân tay bằng những chiếc thau đồng. Nếu anh nhớ không lầm thì đây là nghi thức truyền thống nhằm gột rửa những tội lỗi, tương tự như bên Kitô. Nhưng dù sao thì cả hai tôn giáo đều có điểm chung - Yeshua thành Nazareth là nhân vật chủ chốt của hai cuốn kinh, chỉ khác nhau ở vai trò.

Quả là thánh đường Hồi giáo, Phú khẽ ồ lên. Đâu đâu cũng thấy chữ Ả Rập bằng mực vàng óng, đại loại như câu cửa miệng “Nhân danh Chúa”. Trước khi đặt đôi chân trần lên tấm thảm Ba Tư, anh cũng rửa chân cùng mọi người; và chú trọng nhất là “ánh hào quang” thân thiện.

Lễ đường là nơi quan trọng nhất của mọi nhà thờ và đền chùa, không chỉ riêng các chốn thờ tự Allah. Đây là nơi gắn kết mọi tín đồ lại với nhau, dưới sự chủ trì của người giảng đạo và niềm tin vào bậc hiển linh. Bởi thế nên đây cũng là nơi trang nghiêm bậc nhất.

Dưới mái vòm đan hình ngôi sao là hàng loạt tín đồ đang ngay ngắn quỳ xuống, chuẩn bị cầu nguyện. Là một người ngoại đạo, đã thế còn có chút tín ngưỡng vào một trong số các tiên tri của họ, Phú liền nghiêm chỉnh đứng sau cụ ông đã dắt anh vào đây.

Như có hiệu lệnh phát lên trong tim, hàng chục tín đồ cúi rạp xuống, nguyện cầu cho những điều tốt đẹp nhất từ đấng tối cao của họ.

Sự im lặng đã kết thúc mười phút sau đó. Lãnh đạo Hồi giáo của nhà thờ bắt đầu cầm một xấp giấy và đứng trước bục giảng kinh. Vẫn là những câu chuyện xưa tích cũ, nhưng nay đã được chỉnh sửa lại sao cho phù hợp. Phú bắt đầu ngáp ruồi. Tai anh cũng lãng dần đi vì tiếng Ả Rập.

“Chậc, trông mình có khác quái gì vịt nghe sấm đâu chứ…”

Chàng nhà báo che miệng lại để giữ phép. Rồi bỗng túi quần anh rung rung, mở ra thì thấy đó là Đại, ông kẹ nắm đầu bộ máy an ninh của vương quốc. Thấy ông cụ đang chăm chú nghe kinh, anh cũng mặc kệ, bởi dù sao cả hai cũng chỉ là người dưng nước lã.

Ở trước bậc thang dẫn xuống chân đồi, Phú chậm rãi trả lời từng câu hỏi của Đại, Cho đến khi…

“Ồ, vậy ở Uông Vệ có thứ gì hay không? Tôi đã từng thăm thú nhiều nơi từ hồi tiền chiến, nhưng chưa bao đến thung lũng nhỏ bé đó bao giờ cả.”

Chẳng hề ngần ngại, Phú cười nhẹ và giải đáp trả lời câu hỏi ở đầu dây bên kia.

“Đó là một nơi hoàn toàn khác so với hiểu biết của tôi, đặc biệt là đạo Hồi…”

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận