The First Booklet: God, gunpowder and The Superpowers
Chương 04: Đại Hồng Bào
0 Bình luận - Độ dài: 7,381 từ - Cập nhật:
Chưa kịp an yên sau vụ bạo loạn ở nội đô thì nay Phú lại phải xách mông lên đường công tác. Tuy rằng cơ quan đã lo hết chi phí ăn nghỉ, nhưng lần này anh sẽ làm phóng sự độc quyền tại một nơi nổi tiếng nghiêm ngặt và công minh, là bộ mặt đại diện đấu tranh vì quyền lợi của người bản xứ. Không nơi nào khác, chính là tổ hợp tòa án và trại giam Đại Hồng Bào, mỹ miều hơn là “nhà phán quyết”.
Để chuẩn bị cho phóng sự quý giá, gắn mác “lần đầu tiên trong lịch sử” này, Phú đã phải chiến đấu lại cơn buồn ngủ, bằng mọi giá thu xếp đống hành lý ngay khi vừa viết xong bài báo. Lúc này đã là mười giờ tối, bên ngoài hàng quán cũng đã thưa thớt cả. Chỉ còn ánh đèn mờ của các tửu quán là vẫn còn nhấp nháy. Phú ngáp ngắn ngáp dài tắt máy tính, bỏ nó vào trong chiếc balo chuyên dụng rồi đặt cạnh giường. Tiếp đến, chàng trai bỏ bốn bộ quần áo, gồm hai chiếc áo sơ mi kèm quần túi hộp cho quá trình tác nghiệp, một bộ Âu phục để đi dự mít tinh, bộ cò bay hoa lá còn lại thì dùng cho cuộc vui.
“Ư… oáp, mình cũng cần phải mang theo những đồng nghiệp thân tín này chứ nhỉ.”
Vừa nói, Phú vừa bỏ chiếc máy ảnh, bộ pin và giá đỡ vào chiếc balo bên thành giường. Sau đó, anh kiểm tra lại toàn bộ vali xem mình có còn bỏ sót món phụ kiện quan trọng nào nữa không. Dù đây chỉ là một buổi tác nghiệp thông thường như bao buổi khác, nhưng tuyệt nhiên Phú không thể để ai trông thấy mình nhếch nhác hệt một tay nhà báo bình dân được. Hơn nữa, toàn bộ số tiền đài thọ cho chuyến đi và lệnh ăn mặc ra sao là từ chính tay tổng biên tập, thành ra anh có muốn cũng chẳng thể chống lại được.
Nhét xấp tiền mới toang rút từ hồi chiều vào trong ví, Phú gấp ví tới lui, thêm bớt, nghĩ ngợi về phong cách chi tiêu của mình. Rồi anh lại lấy thêm một chiếc bóp vải đã bạc màu khác, nhét quá nửa số tiền rút hồi mặt trời chưa lặn rồi vứt nó vào vali. Còn lại, ở chiếc ví chính là một nửa số tiền và những tấm thẻ cần thiết. Thế là xong, chàng ta cứ thế mà lên đường.
Quanh các tầng chung cư, rất hiếm phòng còn ánh đèn hắt ra ngoài, phần lớn các chủ hộ cùng con cái của họ đều đã say ngủ. Duy chỉ có vài căn hộ của mấy tay thiết kế đồ họa, biên tập viên hay lập trình viên là còn vang tiếng lách cách. Tuy vậy, cửa nẻo cũng đã được khóa cẩn thận, bởi vậy nên Phú chỉ bước qua đầy lặng lẽ và đơn độc. Vẫn là chiếc xe cơ bắp ấy, mùi nỉ ấy, tiếng gầm ấy, anh phóng khỏi nơi cư trú như lời từ biệt tạm thời.
Đường phố vắng tanh, vắng ngắt, trừ một vài tuyến trọng điểm dành cho hoạt động giải trí vẫn lung linh sắc tím. Dĩ nhiên, từ khi Phú phải cắt qua chúng để tới được cao tốc, những giây phút đợi chờ đèn đỏ là thứ không thể thiếu được, tô điểm cho một Hải Mộ xinh đẹp mà đặt điều văn minh. Hàng dài người đi bộ nối đuôi nhau qua các vạch ngựa vằn, rồi lại tách ra làm ba ngả. Một hướng ra các đài phun nước hay vườn hoa, một hướng về phía chợ đêm, đám còn lại trông cao sang, quyền quý và lịch thiệp hơn với bộ vải may đắt tiền thì trông về tòa nhà trung tâm thương mại. Phú cũng mở cửa sổ cho mát, tiện ngó lên nhìn công trình tráng lệ ấy. Một tòa nhà chọc trời, cao và dài tựa bài ca xây dựng, điểm xuyết bằng trăm ngàn ô cửa kính màu lục lam kèm dải đèn sáng lung linh. Thật là chốn nguy nga tráng lệ, Phú tự nhủ phải vào đó ăn uống chi tiêu cho đã mới thỏa đời trai.
Phải mất cả tiếng thì chiếc Viper của Phú mới len qua được đám người kênh kiệu xen lẫn mùi trái cây tươi mát ấy. Thật là nhiêu khê làm sao, hệt như cách hệ thống công quyền hoạt động. Đại loại là: Sở gì gì đó nhận hồ sơ, đi về nhà, hóng phê duyệt trên mạng truyền thông, lên nhận giấy chấp thuận rồi lại lon ton tới phòng mình cần gặp. Chưa kể nếu không có tiền bôi trơn thì cơ số quá nửa hồ sơ sẽ bị loại với dòng chữ “lý do không chính đáng”. Nó quá rườm rà, hình thức đến phi lý. Đúng là online chẳng ra online, truyền thống chẳng nên truyền thống.
“Thôi thì cũng chẳng thể nào chê trách được, dù sao hoàng gia cũng đã đớp tiền để sống rồi. Cũng may là mình làm báo bên tư nhân, không thì vỡ mồm lâu rồi.”
Đoạn Phú bật xi nhan rẽ vào đường nhập làn. Chiếc xe vọt lên một cách hung tợn, hai đèn pha liên láo nhìn vào đám xe đang lưu thông trên đường, mong tìm một kẽ hở để yên vị luồn vào. Dưới sự chỉ đạo và điều khiển của Phú, một tay nhà báo trẻ nông nổi, nó đã phi vào làn gần nhất. Rồi anh nhìn thật kỹ hàng xe đằng sau, xem chiếc nào có ý định xông lên. Hai phút trôi qua, vài chục chiếc xe phía sau vẫn “bò” với vận tốc ước chừng tám mươi cây số, trong khi kim công tơ mét của xe Phú đã chạm ngưỡng một trăm. Quá chậm chạp, Phú nhếch mép cười rồi bật đèn báo đổi làn, nhẹ nhàng xoay vô lăng chếch vài độ. Đã vào được làn trong cùng an toàn! Song, lần này thì có vẻ nguy hiểm hơn.
“Này! Cái quái gì thế?”
Một chiếc xe khách phóng vù trước mắt Phú, suýt nữa làm anh chệch tay lái. Quả là những tay điên già gân, nhưng Phú thì vẫn còn trẻ, còn yêu đời lắm. Anh muốn được băng qua bao đại dương, vượt qua ngàn con đường để tận hưởng khắp hang cùng ngõ hẹp của thế giới người âm này. Nhìn vào đồng hồ trên điện thoại cũng đã là gần mười hai giờ, Phú cảm thấy mình nên bật chút đài để nghe cho đỡ buồn. Anh vặn núm chỉnh tần số rồi cố định lại bằng một cái nhấn.
“Thư thái làm sao… Cảm ơn Ngài vì đã cho con có cơ hội được sống bằng phần hồn của mình…”
Tiếng nhạc giao hưởng thì thì du dương, còn Phú thì ngân nga khúc thánh ca cảm tạ Chúa. Dường như chiếc vali và túi đựng đồ nghề cũng yên vị hưởng màn kết hợp thánh thót này ở ghế phụ. Tuy cô đơn thật, nhưng Phú vẫn cảm thấy một niềm vui thoáng qua pha trong làn gió điều hòa. Bên kia lộ là những tấm biển quảng cáo sáng trưng, chủ yếu là hàng tiêu dùng, số ít lại là tranh cổ động, tuyên truyền phóng đại. Song từ khi Phú đang ngày càng thả rông con ngựa sắt của mình hơn, chúng chỉ còn là dải sáng huyền ảo lướt qua.
Trời đêm tĩnh phủ khắp cung đường. Ánh trăng soi sáng vằng vặc đồng kia. Lưỡi liềm phủ bóng bầu trời, xin lấy một dấu in trên bóng người.
Một giờ sáng. Tấm biển chỉ lối rẽ vào thị trấn Tiềm đã hiện ra trước mắt Phú. Đôi mắt anh lừ đừ như ngóng xem có kẻ nào rẽ vào cùng không, tựa một chuyến hồi hương không xác định. Bóng đèn xi nhan nhấp nháy sắc cam liên hồi, tiếng cao su ma sát với nhựa đường không quá nổi bật đưa chiếc xe vào trong vùng an toàn.
Thị trấn Miết quả là một nơi thanh bình. Những tổ hợp chung cư thấp tầng hoặc nhà cấp bốn là phong cách kiến trúc chủ đạo của nơi này, khác xa các tòa cao ốc đơn lập và sừng sững theo cách tẻ nhạt đến khó tin của Hải Mộ. Hơn nữa, ánh đèn đường cũng chẳng phổ biến lắm khu vực này. Rất nhiều đoạn đường bê tông tuy có trang bị hai hàng cao áp bên đường, song phần lớn đã bị tắt đi để cắt giảm chi phí. Khi đi qua cổng chào, chỉ có ánh đèn pha của xe Phú rọi thẳng xuống nền đường, soi sáng một khoảng cách rất thấp. Chàng trai phải nhè nhẹ chân ga vì sợ tông trúng ai đó, nhìn trước ngó sau bởi sợ mấy tay anh chị sẽ nhảy xuống giật đồ.
Càng đi sâu vào trung tâm, những tòa chung cư dần ít đi, thay vào đó là những tổ hợp khách sạn và tửu quán theo trường phái cổ điển đập vào mắt Phú. Nếu nói Hải Mộ là đất ăn chơi, chốn đốt tiền của mấy tay công tử, triệu phú vàng thì Miết là nơi để gửi gắm tâm hồn. Dù có lái vòng quanh khu vực duy nhất được quy hoạch cho hoạt động giải trí cũng chả bói ra được sòng bài nào. Ở đây cũng không xuất hiện các trung tâm thương mại nguy nga, tráng lệ, mà chỉ có những ngôi chợ dân sinh, chợ đêm và cửa hàng xếp theo ki ốt. Tuy khá thèm một cốc Mizuwari, song Phú cũng chẳng vào được. Không có mống nào ra đường, đèn đường thì chập chờn, quán rượu trông cũng giống như muốn đóng cửa tới nơi.
“Chậc, mình sẽ phát điên nếu không được ngủ mất. Khách sạn chết dẫm đó đâu rồi hử?”
Hơn cả, đây là lý do chủ chốt. Làm việc từ sáng tới chiều, thông suốt tới đêm rồi lại phải tự thân một mình xuống cái thị trấn này. Nếu không phải cái máy thì đố ai trụ được mà không cần ngủ cho tới hết ngày mai.
Nhìn những cột đèn tín hiệu nhấp nháy ánh vàng, Định cũng thấy ngán giùm. Anh lặng lẽ lái qua chúng, quay vào “cái lõi” của khu khách sạn.
…
Dừng xe trước nơi cần đến - một khách sạn ba sao cao sáu tầng, Phú xách vali xuống, vai khoác balo đồ tác nghiệp, thân xác nghiêng ngả vì cạn kiệt năng lượng sống. Không nói cũng chẳng rằng, anh đi đến quầy lễ tân và cho họ xem đơn đặt phòng từ trước trên điện thoại. Khi nhân viên chuẩn bị hỏi tên, anh ta đã phát sợ vì bộ mặt của người đàn ông vác theo ngần ấy hành lý: Mệt mỏi, vẻ mặt kém phản ứng cùng hơi thở của sự chết dần chết mòn.
“Đây là chìa khóa phòng của quý khách, chúc quý khách một đêm vui vẻ !”
Anh ta chỉ nói vậy, tay run run đưa chiếc chìa khóa cho vị khách như trở về từ chốn lao tù rồi cúi gằm mặt xuống bàn.
Lên đến phòng của mình, Phú chốt cửa cẩn thận, không kịp cởi giày mà cứ thế nhắm thẳng vào chiếc giường. Lúc này, căn phòng trông ra sao, phong vị buổi đêm như thế nào không còn quan trọng nữa; tất cả những gì chàng ký giả muốn là ngủ.
…
Một ngày mới lại đến. Trời xanh nhẹ, trong vắt như nước suối thần tiên. Nàng Mây hờ hững trôi trên bầu trời vì thiếu chàng Gió. Luồng không khí trong lành tràn vào từng ngóc ngách trong thị trấn, mang về sức sống mới.
Ở trên giường, Phú đang kiểm tra lại toàn bộ chiếc máy ảnh một lần nữa, thay cho nó chiếc thẻ nhớ mới và một cục pin đã sạc đầy. Sau đó, anh vào phòng tắm thay đồ. Nhưng khi vừa tụt quần xuống thì anh chợt nghĩ.
“Khoan, tại sao mình không tắm luôn đi cho thơm tho sạch sẽ. Hẳn là Đại Hồng Bào cũng có lắm kẻ tai to mặt nhớn, dễ khi làm quen được để mai sau còn có phao cứu sinh.”
Thế là chàng ta cởi sạch đồ ra rồi mở vòi sen hết cỡ. Tắm xong, còn chưa kịp quấn khăn tắm cho lịch sự, Phú lại le te mở vali lấy chiếc quần túi hộp và áo cổ cồn trắng, xong chạy vọt vào trong buồng. Song, phải đợi đến khi răng cửa, tóc tai đã được chải chuốt đàng hoàng, bộ đồ mới được ướm vào người chủ nhân chúng.
Bước khỏi khách sạn với trang bị đầy đủ tới tận chân răng, Phú, với niềm kiêu hãnh của một tay ký giả, đã sẵn sàng. Anh mở bật cửa xe hơi, tọng vào mồm hai viên kẹo bạc hà rồi hướng về phía Đông.
Vốn nằm sâu trong khu vực thưa thớt dân cư sinh sống, đường đi đến trại giam Đại Hồng Bào chẳng hề dễ dàng. Những rừng cây xanh tốt phủ kín hai bên con đường nhựa vốn đã có phần xuống cấp. Phú lái xe mà cứ ngỡ như lạc vào xứ sở thần tiên, hai bên thì xanh tốt, màu mỡ, còn trời thì trong vắt. Chỉ tội đường ở đây dài quá, đi mãi chẳng thấy đích đâu. Cứ cách chừng vài cây thì lại có ngã ba hoặc ngã tư, song biển dựng ở đó thì tạm bợ, lụp xụp, có cái còn nhẵn thín màu sơn vì nắng và gió, thành ra chẳng biết lối nào. Phú xị mặt rồi đành cầu cứu công nghệ định vị.
Càng đi sâu vào trong thì càng thấy nhiều nhà. Đầu tiên là chỗ ngã ba thứ năm. Lác đác bên đường là những ngôi nhà mái ngói đơn sơ, bẩn thỉu và nhếch nhác theo tiêu chuẩn của dân thành thị. Nhìn về phía đường chân trời, dễ thấy những cánh đồng đương lúc vào vụ được nông dân cày bừa, gieo mạ, chăm bón cẩn thận. Những mầm non được cắm vào đất ngập trũng, điểm từng hàng xanh vào luống ruộng màu nâu sồng. Phú đã bị thu hút đến mức phải tấp xe vào bên đường, rồi lấy cái Praktica đã cất trong hộc đựng cốc từ lâu mà xồng xộc ra canh.
“Nhanh lên! Nhanh lên!”
Giọng sốt sắng của chàng trai thúc giục chính mình. Một tay anh giữ chiếc máy ảnh, tay còn lại nhét cuộn phim nhựa vào nhanh thoăn thoắt, nhưng đôi lúc vẫn còn nhát vì sợ bị rối phim. Rồi chàng ta ngồi vào ghế phụ, cửa để mở hết cỡ và nhắm.
Tách! Tách! Tách! Một tràng liên thanh tiêu hết phần tư cuộn phim Kodak. Khoảnh khắc hạnh phúc ngập tràn trong Phú, hệt cái hồi anh mới tậu cho mình chiếc máy ảnh đầu tiên. Những giây phút ấy như chiếu lại trước mắt Phú, làm anh ngỡ cánh đồng mình vừa chụp là miền quê thuở còn cởi truồng đóng khố.
“Hoài niệm thật đấy”, miệng chàng ký giả nhoẻn một nụ cười hạnh phúc. Không còn từ gì có thể miêu tả cao hơn cho niềm vui này. Hồi sinh viên, anh cũng theo chân mấy ông anh bạn bè bên báo chí hoặc nghệ thuật đi “vợt” cái vẻ đẹp cuộc sống ấy, tối về nhà thì cày mặt ra viết bài trong nỗi nhớ thầm. Nhớ vì sợ rằng tuổi trẻ này có thể sẽ qua đi, nhưng vẫn mừng thầm vì đã sống hết mình.
Ôm chiếc máy ảnh vào trong lòng, Phú bỏ nó lại vào trong hộc đồ rồi phóng đi vun vút.
Thoạt đầu, con đường dài thênh thang ấy cũng chỉ như lối vào của mấy khu sinh thái ở ngoại thành Hải Mộ thôi. Nhưng trải nghiệm thì lại quá đỗi thực, thực như thể đây là đồ giả, chứ không phải đồ thực. Vừa khó tin, lại vừa thao túng, vốn dĩ đời ta đã quen với hàng phế phẩm và sự dối trá rồi nên khi đối diện với sự thật chân chất, nó lại hiện lên với dáng dấp của thần linh.
Đến ngã tư đầu tiên thì cảnh sắc như thay da đổi thịt. Những dãy nhà san sát nhau giữa đại lộ, xe tải xe con đi lại lố nha lố nhố. Tuy vậy, con đường lớn này lại được chia thành nhiều ngả nhỏ, dạng như cổng vào làng văn hóa vậy. Ấy thế mà cũng phải tốn công xin đường lắm Phú mới phi được vào trong lối mà định vị chỉ dẫn. Trước lối vào độ nửa cây số là xe ben đã ngậu tiếng còi rồi, đến khi còn chừng hai, ba trăm mét thì chúng còn inh ỏi và hung tợn gấp bội.
Cái cổng mà Phú rẽ vào ấy lại dẫn lên một con dốc cao và vắng vẻ, xung quanh rào chắn kỹ bởi hai hàng bê tông cốt thép dày. Lần này thì không còn vui vẻ nữa.
“Anh vào đây làm gì?”
Một sĩ quan trong quân phục hoàng gia ra hiệu dừng xe Phú lại. Cổng chính, đồng thời cũng là lối ra vào duy nhất của tổ hợp trại giam Đại Hồng Bào đã hiện ra trước mắt anh chàng. Hai trụ thép dựng đứng, treo tấm sắt đã han gỉ khắc dòng chữ bằng phông kiểu máy đánh chữ: Bộ Tư pháp - Nhà phán quyết Đại Hồng Bào.
“Tôi được sự cho phép của Bộ Tư pháp đến để làm phóng sự. Đây là thẻ nhà báo và giấy phép của tôi.”
Đoạn anh đưa những vật cần thiết cho vị sĩ quan. Đối phương mặt mày nhăn nhó, lật tới lật lui cái thẻ nhà báo của Phú rồi mới xem tới chữ ký trong tờ giấy xác nhận. Phải thêm một hồi dò hỏi nữa thì chàng ký giả mới được phép vào trong. Cánh cổng thép từ từ mở ra, tiếng con lăn thép cạ xuống bê tông nghe rợn người xoay hết nửa vòng tròn rồi ngừng lại.
Chiếc Viper gầm gừ như thể muốn ra oai với mấy ông bên chòi gác, bất chấp tính cách của chủ nhân nó. Một nhà báo cun cút tuân lệnh sếp lớn, sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ để thông tin được tới tay người đọc nhanh nhất. Nhưng kể cả có là như vậy thì bản chất thực sự của anh ta, một tình báo viên được cài cắm vào RDPSS với hai lớp vỏ bọc vẫn rất bình tĩnh, tuy rằng cái đầu có thể nóng, song trái tim luôn cần nguội lạnh. Đúng, Phú dù có vẻ rất vâng mệnh, nhưng là con người thì sẽ luôn luôn ưu tiên lợi ích bản thân lên hàng đầu. Mấy năm nay anh không dám chối từ một chuyến công tác nào là vì nguồn thông tin quý giá, vì sự chuyển biến đáng mong chờ.
Sơ qua, Phú thấy Đại Hồng Bào có rất nhiều điểm khác biệt so với một nhà tù. Thay vì được xây dựng tựa pháo đài kiên cố, thủ trong công ngoài nhằm ngăn ngừa trường hợp đào thoát, tổ hợp này lại nhìn giống hệt một viện đại học liền ký túc xá. Năm tầng cho khu tòa án, mười tầng cho khu xà lim. Những cầu thang bằng sắt nối liền các tầng với nhau có thể được nhìn thấy đang treo lơ lửng theo hình dích dắc. Màu vàng chủ đạo của các tòa nhà được sơn lởm chởm vì cách quản lý công trình không giống ai. Ở một số kẽ nứt, dễ thấy rêu xanh rêu cam hoặc những ngọn cây si, dương xỉ vươn lên hứng nắng mai.
Đó là khu xét xử tội phạm, nhưng khi nhìn sang khu giam giữ cao chín tầng lầu thì Phú càng thấy lạnh người. Nơi đây vốn nổi tiếng là cơ sở tiếp nhận, chịu trách nhiệm xét xử và giam giữ những kẻ nhập cư có nguồn gốc từ trần thế. Phú thừa biết rằng một khi đã rơi vào nơi này rồi thì sẽ không bao giờ có thể thoát được kiếp nô lệ. Chỉ khác ở chỗ, thay vì phải lao động cực khổ như trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” thì họ - những kẻ khố rách áo mới lìa đời, trong tay chẳng có gì sẽ phải đi lính tình nguyện. Mà kể cả không tình nguyện, chống cự thì cũng sẽ bị cưỡng bức cho thành cả thôi, đời người ai cũng sợ tan thành tro bụi cả mà.
Phú cho xe đậu ngay gần hàng phương tiện công vụ, thản nhiên cầm tư trang bước ra ngoài như chưa hề có chuyện xảy ra. Tiện tay, anh còn cúi rạp người xuống chụp một bức toàn cảnh mà chẳng cần xin phép ai, mà điều đó cũng bình thường thôi, có giấy tờ đàng hoàng rồi thì không ai xích lại đâu.
Cộc, cộc, cộc, chẳng cần phải đi qua sảnh chính của tòa án, Phú lên thẳng phòng xét xử luôn. Vừa cẩn trọng giẫm lên phần sắt chưa tróc sơn, chàng trai vừa xem giờ. Chỉ còn nửa tiếng nữa là tội phạm sẽ được áp giải tới nơi, thành ra trong khoảng thời gian quý báu đó chàng ta phải thiết lập xong phương tiện ghi hình. Nghĩ về những thước phim ấy có thể sẽ được lưu trữ thành tài liệu cấp quốc gia, Phú cũng ham hố lắm chứ bộ. Thế là anh leo một mạch đến tầng cao nhất, mở cánh cửa nặng trịch vào. Và bùm, thứ đón chào Phú không phải một biển hiệu nào, mà là dãy hành lang vô cực. Hai bên chẳng có gì ngoài những cánh cửa thép bắn đinh tán lạnh lẽo. Chưa vào chốn lao tù mà đã ngửi thấy mùi khổ ải rồi, bộ lúc vào nhà giam thật sẽ còn khủng khiếp tới nỗi nào nữa? Phú ớn lạnh, nghĩ tới cảnh bị hiểu lầm và phải sống chung với đám tù nhân bẩn tưởi, không cùng đẳng cấp ấy mà anh càng thấy buồn nôn.
May mắn làm sao, đi được hết nửa hành lang thì có một căn phòng để cửa hờ. Phú mừng quýnh, lao thẳng vào bên trong xem thế nào.
“Đúng là nó rồi.”
Anh nhà báo thầm mừng. Xem ra căn phòng xét xử ở đây không được khang trang cho lắm, nếu so sánh với tòa án tối cao ở Hải Mộ. Vẫn có quốc huy đặt chính diện, cờ hoàng gia và cờ chính phủ dân tộc bản xứ đặt hai bên chủ tọa nhằm tạo ra cảm giác uy nghiêm và công lý. Xa hơn các băng ghế ngồi dự là bục khai báo, nơi mà nhân vật chính sẽ phải trả lời, biện hộ và tự bào chữa cho chính mình trước khi bị đánh phủ đầu bằng tài liệu và căn cứ. Khốn khổ làm sao cho những số mệnh đen đủi ấy.
Phú đặt giá đỡ ở giữa lối ra vào rồi lắp máy ảnh ở đó, đặt chế độ ghi hình. Sau đó, anh chọn vị trí gần chiếc thiết bị nhất để có gì còn dễ bề xử lý. Phú chau mày, chép miệng nhìn quanh thiết lập của mình xem còn có gì thiếu không. Nhưng rồi anh chợt nghĩ đến việc bản thân phải viết bài, thế là lại yên vị một chỗ, lấy cuốn sổ tay ra viết vài dòng linh tinh cho đỡ chán.
Rồi cuối cùng cũng đến giờ xử án. Bốn lính bảo an trang bị đầy đủ nắm đầu một người đàn ông nhỏ thó, dáng thư sinh trong trang phục be bét máu lôi vào phòng. Thì ra đây là bị cáo. Phú vội nhấc cả giá đỡ và máy ảnh sang một bên, tiện làm một pô toàn cảnh đúng kiểu chuyên trang pháp luật luôn. Ở phía trên bục cao, chủ tọa và các thành viên thuộc hội đồng xét xử cũng xuất hiện.
“Hôm nay, ngày 24 - 06 -2045, Hội đồng Nhập cư Tối cao tổ chức phiên xét xử đối với bị cáo Lê Quang Nhựt, tiền kiếp trú tại thành phố Đà Nẵng.”
Chưa tri gì mà Phú đã cảm nhận được sức nóng trong bầu không khí rồi. Ngoại trừ anh, người ngoài duy nhất tham gia buổi xét xử này ra thì từ lính bảo an, hội đồng xét xử tới cả bị cáo, ai nấy cũng đều căng thẳng hết. Tuy vậy, Phú vẫn thấy chân bị cáo run run, như thể anh ta không chấp nhận sự thật này vậy. Rốt cuộc, vì lý do gì mà những kẻ nhập cư khốn khổ này phải chấp nhận cảnh tù đày này?
“Theo bản cáo trạng, Hội đồng Nhập cư Tối cao ra quyết định truy tố bị cáo Nhựt về tội sản xuất, lưu trữ và phát tán các tài liệu có tính chất gợi dục, khiêu dâm. Điều này đã được quy định ở Khoản 6, Điều 9, Luật tiền kiếp.”
Nghe đến đây, bị cáo Lê Quang Nhựt rơm rớm nước mắt. Anh không thể tin được cái nghề họa sĩ vất vả, thức khuya dậy sớm lại đẩy bản thân khi chết xuống chốn này. Đành rằng nó hái ra tiền thật, nhưng hà cớ gì mà nghiệp chướng lại ám vào nghề này? Thật đau lòng khi một đời Nhựt đã hết lòng vì sự nghiệp tô điểm cho đời, đóng góp vào kho tàng nghệ thuật những bức họa để đời; để rồi khi bị khách xiên chết chỉ vì vẽ thiếu một nét, hương phải ngửi ké mộ bên, xong lại hầu tòa cùng quỷ.
Ở một chiều hướng khác, Phú điềm tĩnh nghe tòa đọc từng chi tiết trong Khoản và Điều được nêu ra. Không phải vì anh vô tâm, mà vì luật vốn dĩ nó đã bất công thế rồi. Hồi mới xuống đây, anh đã được đưa vào khách sạn Chuyển Sinh ở vùng đất mà nay xưng là Cộng hòa, sống trong điều kiện và tình thương của những nhà làm luật. Song chỉ mới mười năm nay thôi, liên bang đã bị chia cắt, đãi ngộ, lương bổng xoay chuyển hoàn toàn. Nơi này đề cao lợi ích của người Tnú, nhân danh Diêm Vương ban phát điều kiện sống, học tập và làm việc tốt nhất, được tuyển dụng trong các ngành mà huỵch toẹt ra là việc nhẹ lương cao. Trong khi đó, những linh hồn từ cõi dương xuống, dù không bị bắt bẻ hay cưỡng bức vì đã chứng minh được năng lực và sự hữu dụng của bản thân, vẫn phải chịu đồng lương rẻ mạt. Thậm chí, như Phú sang theo diện “cống hiến và dựng xây nền dân chủ” đây còn không được hưởng lương hưu và trợ cấp thất nghiệp.
Còn với những kẻ như tay họa sĩ Nhựt này thì ôi thôi, khỏi phải nói. Anh ta và hàng vạn kẻ khác sẽ phải đi lính tình nguyện, mà nói trắng ra là cưỡng bức nhằm làm bia đỡ đạn cho vương quốc thân yêu. Cũng có nhiều trường hợp trốn thoát được, kịp thời nhờ người thân ở cõi trần làm bùa, cúng bái dị thần cho sạch hồ sơ tiền kiếp. Số còn lại thì tìm cách đến được những nơi tốt hơn. Nhưng đen đủi thay, các biện pháp ấy chỉ áp dụng được ở thời kỳ loạn lạc, chuyển giao quyền lực mà thôi. Thực ra Phú cũng chết với cả tá tội trong người, nhưng nhờ thể chế dân chủ bên mẫu quốc và tài ăn nói, anh mới được phê hai chữ trong sạch.
Viên chủ tọa gõ chiếc búa gỗ xuống mặt bàn rồi nghiêm giọng.
“Bị cáo Nhựt đã thực hiện hành vi phát tán ảnh mát mẻ bao nhiêu lần?”
“Thưa, tôi không thể đếm được số lần ạ. Tuy nhiên, có lẽ chúng chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi.”
Nhưng cả hội đồng xét xử đang biết thừa bị cáo này đang nói dối. Chủ tọa lại gõ một búa nữa, nét mặt thể hiện rõ sự nghiêm túc.
“Đề nghị bị cáo trả lời đúng câu hỏi! Theo hồ sơ và bản cáo trạng từ Cục nhập cư, bị cáo đã có rất nhiều tiền án. Chúng tôi cần một câu trả lời chính xác!”
Ôi tía má ơi, Lê Quang Nhựt toát hết mồ hôi hột. Anh tự hỏi rằng nếu đã biết hết tội trạng rồi thì tại sao không kết luận luôn đi, còn giam giữ ở đồn rồi tổ chức phiên xét xử nữa. Âu cũng chỉ vì quá tin tưởng lời mấy gã cảnh sát ở đấy rằng sẽ chỉ đi “dự cho vui” rồi được cấp phát tiền, quần áo và công việc. Biết thế thà bỏ trốn cho xong!
Nhựt gục đầu xuống thú nhận trong nhục nhã.
“Dạ thưa quý tòa, hầu như ngày nào tôi cũng đăng hình do mình vẽ hoặc sưu tập được trên mạng, sau đó phát tán trên các nhóm nhắn tin riêng và trang cá nhân. Nhưng thưa tòa, trong vòng một tuần trước khi mất, tôi có việc bận nên đã không thực hiện hành vi. Mong hội đồng xét xử giảm nhẹ án ạ.”
"Hờ, vậy bị cáo có bao giờ nghĩ tới hậu quả khi những thiếu niên - mầm non của đất nước đọc được chúng không? Nhất là trong thời điểm mạng Internet được phủ sóng rộng như hiện nay?"
Viên chủ tọa lườm bị cáo với ánh mắt sắc lạnh, coi anh ta như cỏ rác. Lo sợ bản thân sẽ bị phạt nặng hơn, Lê Quang Nhựt chỉ biết "sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu".
"Dạ, bị cáo biết hành vi của mình là sai trái, gây ảnh hưởng tới suy nghĩ của giới trẻ. Mong hội đồng xét xử khoan hồng!"
Cũng phải thôi, đây là đất nước nơi phân biệt chủng tộc, vùng miền và tôn giáo diễn ra hợp pháp mà, Phú ngồi dưới hàng ghế nghĩ bụng. Phải, chắc chắn chàng nhà báo không nói điêu, vì đến chính anh giỏi giang thế còn phải hứng đòn từ tư bản lẫn hoàng gia mà. Thuế thì cao, thu nhập thì ít, may còn chăm đi săn tin tức với nhận tiền từ mẫu quốc thì mới sống nổi, không thì có Chúa cứu.
Phiên tòa vẫn tiếp tục với những đòn đánh phủ đầu cực căng. Hội đồng xét xử liên tục bắn trúng tim của bị cáo Nhựt với những lý lẽ sắt đá, dẫn chứng luật nhập cư dành cho người trần gian hẳn hoi. Song đó mới chính là điều cần phải lưu tâm. Kể từ lúc xuống đến giờ, Nhựt vẫn không hề được cung cấp thông tin cơ bản, chí ít là để bảo vệ quyền lợi của một linh hồn. Nhưng với Hội đồng Nhập cư Tối cao thì làm quái gì có nhân quyền cho một người không mang dòng máu Tnú. Phú, tuy chỉ là tay quay phim tài liệu song vẫn cảm thấy cực kỳ khó thở. Anh phải thầm thán phục tay họa sĩ vẽ tranh kiểu tư bản kia, rồi đặt vị trí bản thân vào. Khi đó, e rằng Phú không chịu nổi đòn công kích, đấu tố mà bĩnh ra quần, chân sụn xuống mất.
Thấm thoắt, một tiếng hơn đã trôi qua. Thay vì có một luật sư để bào chữa, thì tòa lại chọn việc khai thác rồi cân nhắc theo luật.
“Vậy, như những gì bị cáo đã khai, bị cáo có vẽ và đăng những tấm hình khiêu gợi lên mạng toàn cầu. Không chỉ vậy, bị cáo còn nhận đơn vẽ từ những kẻ suy đồi đạo đức, cuồng loạn, thèm khát vô độ. Tòa hỏi bị cáo: Cho mỗi một đơn thành công, bị cáo thu về bao nhiêu tiền?”
Bị cáo lí nhí đáp.
“Thưa tòa, tôi được trả tầm năm trăm ngàn cho tới ba triệu ạ.”
“Hừm, như vậy thì bị cáo đã thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng cho hoạt động này.”
Vị chủ tọa nhíu mày rồi tiếp tục nhìn vào bản cáo trạng, trong khi phần còn lại của hội đồng thì tiếp tục xét hỏi bị cáo.
Nhìn chung, với tội trạng mà bị cáo Nhựt đã mắc phải trong kiếp trước, Hội đồng Nhập cư vẫn quyết định áp dụng chế tài xử phạt trong Khoản 6, Điều 9. Họ, những người cầm cán cân công lý trong phiên tòa chuột túi này, liên tục dò trong hồ sơ tiền kiếp của Lê Quang Nhựt xem có chi tiết nào còn bỏ sót không, nhưng là để làm tình tiết tăng nặng nhằm dễ dàng đóng khung hơn. Còn đâu các tình tiết giảm nhẹ như việc truyền bá giáo lý tốt đẹp của Kháng Cách, tham gia các hoạt động xã hội thì vứt xó. Thậm chí, đó còn là đòn kết liễu tấm thân gầy gò ấy.
“Sau khi xem xét một số tình tiết trong hồ sơ, hội đồng xét xử nhận thấy bị cáo có dấu hiệu của tội dị giáo. Bị cáo đã phỉ báng, xúc phạm Diêm Vương và nền quân chủ vĩ đại của Ngài. Không quan trọng niềm tin của bị cáo vào bất cứ vị thánh nào, nhưng ít nhất bị cáo cần phải thể hiện sự kính trọng vô bờ với Diêm Vương.”
Cái khỉ gì thế này? Mồ hôi chảy ướt lưng áo Nhựt. Bị cáo này không thể tin nổi chỉ vì hỏi một câu bâng quơ về người cầm quyền tại đây mà nó cũng thành bằng chứng chống lại mình. Chết trẻ, không biết hồn đi về phương nào, sau lại bị kéo xuống đây - nơi hoa lệ, hiện đại đến không ngờ. Thôi thì đành chịu tội, âu cũng vì cái tội tò mò, lạ nước lạ cái mà vạ vào thân.
Sau cùng, cả hội đồng cùng đứng lên, chuyền tay nhau một tờ giấy tới tay lính bảo an gần nhất, rồi lại đưa cho bị cáo Nhựt. Là một chàng trai đương tuổi thanh xuân, Nhựt đã khóc thút thít khi đọc những gì ghi trong tờ giấy đó. Hai lựa chọn, hoặc là tắm trong vạc dầu dưới hỏa ngục suốt đời, hoặc là tình nguyện trở thành một người lính biên phòng. Thấy bị cáo dường như đã quá sức chịu đựng, một lính bảo an cạnh đó thì thầm bên tai anh ta.
“Chú em yên tâm, đi lính được cấp phát quần áo, bao ăn ở, lương bổng cao. Nhiệm vụ cũng nhẹ nhàng ấy mà, chủ yếu là canh gác, lâu lâu còn được đi ra ngoài nữa. Sướng hơn ngâm mình trong vạc dầu chán, tin anh đi.”
Nghe vậy, Nhựt mừng rơn. Anh giật gấu quần bảo an, hỏi lại xem có đúng sự thật không. Nhận được câu trả lời: “Yên tâm, anh là người từng trải đây, dù gì vương quốc cũng tạo hết điều kiện cho rồi.”, Nhựt lại càng vui sướng. Phú ngồi sau nhìn bị cáo ký giấy xác nhận lựa chọn mà thấy lòng trống rỗng. Số phận con người đây sao? Chấp nhận làm cái bia đỡ đạn cho đám ăn trên ngồi trốc, bảo vệ nhóm lợi ích với đồng lương rẻ mạt. Quá đáng thật, nhưng thân chỉ là tay nhà báo nghèo, Phú cũng đành bó tay.
Mất một hồi kiểm tra kỹ lưỡng, hội đồng xét xử mới bế mạc buổi xử án này. Phán quyết đã được đưa ra, yêu cầu tình nguyện tham gia quân đội hoàng gia của bị cáo Lê Quang Nhựt đã được chấp thuận. Trong thời gian đó, Nhựt vẫn phải ngồi trong trại giam để chờ được điều chuyển, phân đơn vị. Đau khổ giùm bị cáo, song cá nhân Phú thì vẫn xem đây là cái kết đẹp.
“Chỉ mong một ngày nào đó, khi mẫu quốc thống nhất hai miền lại, hai dân tộc sẽ không còn cảnh kèn cựa, đấu đá vì sinh tồn nữa.”
Anh nhà báo biên vào cuối sổ tay của mình như vậy.
Mọi người lục tục rời khỏi phòng xét xử, tiến về khu vực phòng giam. Còn riêng Phú thì xách máy ảnh rời đi trong im lặng. Có lẽ nhiệm vụ của anh đã kết thúc tại đây…
Bỗng, điện thoại anh chàng đổ chuông. Từ đầu dây bên kia là chất giọng trữ tình của tay tổng biên tập trìu mến ra lệnh: “Em ơi, nhớ phỏng vấn thêm cả tù nhân cho anh nữa nhé”.
“Không sao không sao, Chúa phù hộ em”, cục tạ ấy như đè nặng lên vai của Phú. Chẳng phải trong bản kế hoạch đã giao chỉ ghi nhiệm vụ là quay phim tài liệu thôi sao? Mà tay sếp đó cũng tinh khôn thật, chẳng biết là hữu tình hay cố ý mà nhắm đúng giờ kết thúc để gọi cho chàng trai. Nhưng thôi, đã trót đưa mình vào tròng cổ tư bản thì phải làm tròn đạo culi vậy, tiền trao cháo múc rồi, oán than với ai.
Sau một hồi năn nỉ, lạy lục với tay trưởng cai tù, Phú mới được quyền phỏng vấn với tân tù nhân Lê Quang Nhựt. Anh được hắn dẫn vào một chuỗi những cánh cửa bọc thép, rồi lại tới kiểm tra an ninh, sau đấy mới được vào chiếc thang máy duy nhất. Khi bảng điều khiển chỉ tới tầng tám, một luồng gió nóng thổi vào cửa thang máy làm Phú phát hoảng. Song gã cai chỉ bình thản nói.
“Chịu khó nhé, chỗ này không có máy lạnh như công sở đâu.”
Rồi bước ra trước. Phú lon ton theo sau, mắt lấm lét nhìn chung quanh. Anh chỉ dám khẽ thốt “thật kinh khủng”. Buồng giam ở nơi này kín như bưng, bốn bề là bê tông, còn các tuýp đèn huỳnh quang là nguồn sáng duy nhất. Chạy dọc đến cuối tầng tám này là một phòng gác, quản lý kiêm chỗ nghỉ ngơi dành cho cai tù; còn hai bên, mỗi bên có tận mười hai phòng giam nằm san sát nhau. Tuy đã được ngăn đi phần nào bằng cửa thép dày, nhưng Phú vẫn có thể nghe thấy tiếng khóc, tiếng chửi rủa, những lời than thân trách phận từ các tù nhân. Dễ khi nơi này chỉ dành cho người có sự vô cảm kèm một trái tim trống rỗng, chứ đến bản thân Phú đã qua đào tạo cũng chẳng chịu nổi chúng.
Xà lim số hiệu 1126 là nơi tạm giữ của Lê Quang Nhựt, theo lời tay trưởng cai. Trước khi mở cửa buồng, hắn ta kỳ kèo, thêm bớt tiền cho mỗi phút phỏng vấn với một mục đích rất chi “nhân văn”: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho những tù nhân đợt sau. Đã thế gã này còn nâng khống giá cơm thừa canh cặn cho tù nhân lên, thành ra Phú chỉ được cho mười phút tương xứng với số tiền anh chấp nhận đút lót. Cánh cửa buồng kêu lên két két, mở ra trước mắt chàng ký giả một băng ghế sắt, một tay cựu họa sĩ thư sinh bị cùm chân với ô cửa nhỏ làm nơi soi sáng cho đôi mắt. Phú chìa tay trước mặt anh ta, nghiêng đầu nhìn tựa sinh vật lạ.
“Chào anh, liệu anh có thể dành ra mười phút để trả lời một số câu hỏi của tôi chứ?”
Đáp lại câu hỏi thân thiện từ Phú là hai hàng nước mắt trầm buồn.
“Anh muốn làm gì tôi cũng được. Mạng tôi đã không còn nữa, hạ nhục tôi đi!”
Và thế là Phú ngồi trên băng ghế lạnh, giơ chiếc máy thu âm trước mặt tù nhân mà hỏi.
“Sau buổi xét xử vừa rồi, anh có cảm thấy hối hận trước những gì mình đã làm không?”
“Có, tôi rất hối hận. Nhưng hối hận nhất là để bản thân chết quá trẻ. Đám Tây lông nói đúng, “live fast, die young” không chỉ là lối sống của lớp trẻ bên đấy, mà còn là cái kết rõ ràng.”
Trông cái vẻ tuyệt vọng của phạm nhân Nhựt mà Phú cũng muốn u ám theo. Cố nắn lại dòng cảm xúc, anh đặt câu hỏi tiếp theo.
“Vậy, anh có cảm thấy bản án này công minh, chính trực không?”
Lê Quang Nhựt gục đầu vào tường, tay cào cào vào lớp bê tông ấm nóng rồi chuyển qua giọng của một kẻ gần đất xa trời.
“Muốn biết cảm xúc của tôi lúc này không? Có, phải chứ? Anh là một phóng viên mà nhỉ?”
Phú chỉ gật đầu, không nói gì thêm. Nét mặt anh khô cứng như một miếng cá ngừ sấy khô vậy, mắt xếch xuống, môi khép chặt.
“Ừm, vậy là anh muốn biết… Tôi thấy bản án này quá sức vô lý, tôi làm nghề họa sĩ chân chính, thu nhập đàng hoàng, đóng cả thuế lẫn bảo hiểm xã hội đầy đủ chứ có ăn cắp, ăn trộm của ai một đồng nào đâu mà phạt nặng đến vậy? Đành rằng tôi đã đăng tải những bức ảnh tươi mát lên, nhưng tòa luôn bác bỏ sự thật rằng chúng chỉ dành cho người trưởng thành. Phải, tôi có đặt giới hạn mà! Đã vậy, gia đình tôi còn có công với cách mạng nữa chứ… Hức hức…”
Chàng nhà báo như bừng tỉnh trước hai hàng lệ lăn dài trên má Nhựt. Anh vội vàng kết thúc cuộc phỏng vấn, tắt máy ghi âm đi rồi nhẹ nhàng đặt tay lên vai người tù kia.
“Nghe tôi nói này. Hãy chấp nhận làm lính đi, rồi anh sẽ sớm được trả lại tự do thôi. Ít nhất là khi anh làm tốt công việc ấy, còn nếu chứng tỏ được bản thân hữu ích cho chế độ này thì càng tốt. Xin lỗi khi phải rót thêm vào tai anh những điều tiêu cực, Nhựt, nhưng Âm Phủ không được tươi đẹp như đâu, đặc biệt là với những người nhập cư như chúng ta. Chỉ có làm việc chăm chỉ, tích cóp tiền mới tạo được chỗ đứng cho mình. Mà không chỉ ở đây đâu, ngay từ hồi còn sống anh cũng đã đọc báo rồi phải chứ? Vậy nên tôi muốn anh phải thật tỉnh táo và bình tĩnh cho đến phút cuối cùng. Đây là một cuộc chiến sinh tồn.”
Vừa dứt lời thì Phú cũng chợt ngờ ngợ ra điều gì đó. Anh ôm chầm lấy phạm nhân kia, đôi mắt tỏ rõ một nỗi buồn sâu thẳm. Thì ra, không ai trong căn phòng này sướng cả, chỉ có những kẻ mang dòng máu bản xứ, da đỏ tóc đen ngoài kia mới được hưởng chúng.
Rồi tiếng sắt thép vang lên. Đã hết giờ rồi sao, sớm quá. Chàng nhà báo vẫn còn muốn nói thêm nhiều điều nữa…
“Tôi phải về rồi, xin lỗi. Hãy cố sống tốt nhé, Chúa luôn ở bên cạnh ta”, Gia Phú chỉ kịp nói vậy rồi mở cửa ra về.
0 Bình luận