Sau khi bàn qua tính lại thì cả đám cũng chọn được một quán ăn có thể gọi là ứng ý nhất. Nhưng quán ăn đó không nằm trong danh sách mà thằng Toàn đưa ra, nó xuất phát từ một cô bé đá từng làm việc tại đó lâu năm.
Không ai khác hơn đó chính là bé Phương siêu dễ thương và quán ăn mà em đề nghị chính là quán Alice nằm ngay sau trường của chúng tôi học.
Quán Alice theo tôi nhận xét thì đó là quán được nhất rồi, đồ ăn ở đó bán rất rẻ nhưng lại rất ngon, cách phục vụ của nhân viên tại đó thì khỏi chê, rất lịch sự và hiếu khách. Đó là lí do vì sao khi Ngọc Phương vừa đề nghị đến quán Alice là tôi bỏ ngay một phiếu tán thành luôn không cần phải suy nghĩ. Ngay sau đó các nườm còn lại cũng đồng ý theo vì có lẽ đã ăn ở quán đó ít nhất một lần nên mới đồng loạt bỏ phiếu như thế.
Địa điểm đã được chốt chặn, bây giờ là phần chuẩn bị phương tiện di chuyển đến đó.
Theo như thằng Toàn phân tích thì cả nhóm có hai mươi đứa và mười lăm chiếc xe đạp, trong đó có một chiếc xe đạp điện của Lam Ngọc. Mà quán Alice có diện tích sân tương đối nhỏ nên phải hạn chế càng nhiều xe càng tốt.
Gửi bớt xe là cách duy nhất để giảm số lượng xe vào lúc này. Theo đó nhóm tôi sẽ gửi năm chiếc xe đạp dư thừa vào bãi giữ xe ở gần siêu thị. Hai mươi người sẽ đạp trên mười chiếc xe đạp còn lại theo đội hình hai người một xe.
Như thế vừa giảm được số lượng xe lại vừa có thể tạo nên một không khí noel vui vẻ khi không một ai phải đạp xe một cách cô đơn, lẻ loi cả vì bây giờ ai cũng có cặp hết rồi còn gì hai người một xe mà. Đúng là tại dàn xếp của thằng Toàn này lên bậc thánh rồi, ghê thật!
Nhưng Lam Ngọc lại không tán thành với việc gửi xe đó, bởi lẽ:
– Nè, tôi chạy xe đạp điện mà, cũng phải gửi sao?
– Uầy, bà phải cùng vui với mọi người một chút chứ!
Toàn phởn lều bều làm Lam Ngọc càng thắc mắc. Em khoanh hai tay trước ngực mà nhíu mày:
– Cùng vui thế nào?
– Thì bà thấy đấy, ở đây ai cũng đi xe đạp hết có mình bà đi xe đạp điện, chẳng lẽ bà đi trước bỏ tụi tui lại sao?
– Hừm, vậy nên tôi phải giữ xe à?
– Đều đó là lẽ dĩ nhiên!
Lam Ngọc bỗng nhìn một lượt hết những gương mặt trong nhóm rồi nhoẽn miệng:
– Vậy ai sẽ chở tôi?
Câu hỏi tưởng chừng như chỉ cần một cái giơ tay tình nguyện thôi thì sẽ được giải quyết ngay tốc xoẹt thế mà chả có nhỏ nào dám làm điều đó. Lại còn đùng đẩy nhau nữa chứ. Nhỏ này đùng sang nhỏ kia, nhỏ kia đùng sang nhỏ nọ, mặt mày nhỏ nào nhỏ nấy đều xanh như tàu lá chuối, ví rằng Lam Ngọc là hàng cấm chỉ cần chất em lên xe thôi là bị quy vào tội tử hình vậy, nhìn buồn cười tợn!
Thế rồi đến lượt thằng Khanh khờ bị đùng đẩy trách nhiệm, nhưng nó đã có một bình phong vô cùng lợi hại:
– Tui chở Linh Kiều rồi, không chở bà Ngọc được đâu!
– Ồ… ồ… ồ!
Nó vừa dứt câu thì cả đám đều đồng thanh ồ lên um cả một siêu thị nhưng rồi chẳng mấy chốc sau tất cả lại quay về vấn để hiện tại mà tìm cách thoái thác.
Và lần này nạn nhân chính là thằng Toàn phởn:
– Nè, Toàn chở Lam Ngọc đi đi! Chủ xị mà!
Toàn phởn nghe hung tin liền xua tay chối ngay:
– Đâu được! Tui cũng bận mà!
– Bận gì?
– Ừ thì…
Nửa chừng nó gãi đầu ấp úng làm cho mấy nhỏ con gái càng đổ thao nước trách nhiệm lên đầu của nó nhiều hơn. Vậy mà nó vẫn không ướt bởi vì nó cũng đã tìm được bình phong cho mình:
– A… tui bận chở Ngọc Phương rồi! Không thể chở Lam Ngọc được! – Rồi nó đá mắt với Ngọc Phương – Phải không Phương?
– Um, phải! Lúc nãy Toàn chở mình đến đây nên mình muốn nhờ Toàn chở nốt!
Vốn được mọi người yêu quý nên khi bé Phương vừa mở miệng ra, chẳng ai đùng đẩy bất cứ thứ gì vào thằng Toàn nữa. Nhưng thật không may rằng, nạn nhân tiếp theo đó chính là tôi.
Thứ nhất, tôi đi một mình, không chở ai, không vướng bận bất cứ thứ gì. Thứ hai, theo như tụi nó nhận xét thì tôi là người thân với Lam ngọc nhất, tiếp xúc nhiều với Lam Ngọc nhất và là người duy nhất nói chuyện với Lam Ngọc mà không bị em đay nghiến.
Vậy nên:
– Ông chở lớp trưởng đi nha!
Bọn nó khoái chí đùng tất cả trách nhiệm lên đầu tôi rồi co giò đạp xe một mạch cứ y như rằng ở lại chút nào là bị tôi bắt thay thế ngay vậy.
Thiệt tình là từ đó đến giờ tôi mới thấy con gái lại sợ con gái đến thế. Suy cho cùng thì Lam Ngọc chỉ làm tròn trách nhiệm của mình thôi. Đôi lúc em còn bao che cho học sinh lớp mình nữa mà. Như lúc nãy đấy rõ ràng là những học sinh không đồng phục của lớp tôi rất nhiều, hầu như nhỏ nào cũng không đeo huy hiệu đoàn khi đi học, ấy thế mà có đứa nào bị trừ hạnh kiểm đâu. Vậy mà giờ đây khi Lam Ngọc cần người chở nhỏ nào nhỏ nấy đều cố lảng tránh, thiệt là bất bình quá mà!
Nhưng cái ý nghĩ đó nhanh chóng bị cuốn theo những cơn gió mùa đông lạnh lẽo, xuyên qua những con đường tấp nập xe cộ nối đuôi nhau theo ánh nhìn xa xăm của Lam Ngọc.
Trước khoảng sân bao la đông nít người qua lại của siêu thị đêm giáng sinh, thật không khó để nhận ra em trong màu áo vàng tươi đặc trưng của hoa mai ngày Tết.
Có lẽ vì em đang đứng gần tôi nhưng cũng có lẽ ở nơi em toát ra một thứ gì đó rất cuốn hút khiến tôi không thể nào rời mắt được, xinh đáo để!
Nhưng rồi cái sự nhìn lén của tôi cuối cùng bị Lam Ngọc phát hiện. Em quay sang tôi với cặp mắt hình viên đạn:
– Đã đi được chưa? Hay còn muốn ngắm nữa?
Giật thót bởi câu nói nửa úp nửa mở của Lam Ngọc, tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài một câu trả lời cộc lốc:
– Ờ, đi!
Lam Ngọc thở phì, lắc đầu nhìn tôi rồi nhanh nhẹn leo lên xe thoăn thắc như một chú sóc.
Suốt quảng đường từ siêu thị Lotte đến cổng sau trường học khoảng gần hai cây số, tôi và Lam Ngọc cứ lặng thin mỗi người đều làm công việc riêng của mình. Tôi thì gồng người đạp xe hòng bắt kịp đám thằng Toàn, còn em cứ nhìn xa xăm ở đâu đó, hai tay khoanh trước ngực để giữ ấm khỏi những cơn gió lạnh đang tung từng luồng hàn khí rít qua thân thể hai đứa tôi.
Cũng nhờ có nhưng cơn gió đó, tôi mới có cớ bắt chuyện với Lam Ngọc:
– Ngọc có cảm thấy lạnh không?
– Hơi hơi! – Em nói với giọng run run.
– Sao lúc nãy không mang theo áo ấm?
– Chỉ có áo khoác mỏng để che nắng thôi, không có áo ấm!
Câu trả lời của em khiến tôi hết sức ngạc nhiên bởi phàm là con gái thì sẽ có rất nhiều loại áo mới đúng, làm gì có việc chỉ có mỗi áo khoác thôi chứ.
Thế nên tôi quyết định hỏi sâu hơn:
– Vậy từ đó giờ Ngọc không ra ngoài trời lạnh lần nào à?
– Không! Vì để thực hiện lời hứa cứ hễ thời gian rảnh là Ngọc đi học võ, mà học võ rồi mồ hôi ra nhiều, nóng nực cần áo ấm để làm gì chứ?
Dù biết Lam Ngọc chỉ cố giải thích cho lí do mình không có áo ấm nhưng tôi không thể nào tránh khỏi cảm giác áy náy, hổ thẹn được. Em nói rằng em thực hiện lời hứa, đi học võ, chẳng phải đó là lời hứa của em với tôi năm xưa hay sao. Hứa rằng em sẽ có võ giống tôi, em sẽ mạnh mẽ, kiên cường và không bao giờ khóc.
Dường như nhìn thấu được tâm can của tôi (không biết là lần thứ mấy rồi) Lam Ngọc bỗng trầm giọng như thể không còn là giọng của em nữa:
– Thắm thoát đã mười năm trôi qua rồi Phong nhi?
– Ừ… ừm, nhanh thật!
– Lời khi xưa Ngọc đã hoàn thành rồi, còn Phong chắc không bao giờ hoàn thành được phải không?
Từng lời nói của Lam Ngọc tựa như những con dao ghim sâu vào trong tim tôi đau đến tê tái. Lúc đó tôi chỉ ậm ừ, chẳng biết nói gì hơn. Trong lòng tôi giờ này đang rối như tơ vò, làm sao có thể đáp lời em được.
Khi xưa thơ bé tôi đã hứa rằng sẽ lấy em làm vợ khi hai đứa gặp lại. Nào đâu chưa đến mười năm thì tôi đã quên đi lời hứa đó rồi, thậm chí còn quên luôn cả em nữa chữ. Nếu như không có mùi nước hoa đó thì không biết đến chừng nào tôi mới có thể nhớ ra em được đây.
Mà lí do để tôi quên nhanh như thế là vì lúc trước tôi chỉ xem nhưng lời hứa đó chỉ là nhưng lời giao kèo của con nít với nhau mà thôi. Chúng sẽ mau chóng tan biến như những viên kẹo bạc hà tôi thường ăn lúc nhỏ.
Thế mà Lam Ngọc lại xem nó như mục đích sống của mình. Em luôn luôn phấn đấu để đạt được nó như một lời thề non hẹn biển của một đôi trái gái sắp chia lìa nhau.
Không thể hoàn toàn trách Lam Ngọc được, chỉ vì tôi quá vô tâm xem lời hứa tựa như những chiếc lông có thể bị gió cuốn đi bất cứ lúc nào. Còn Lam Ngọc thì tất nhiên rất coi trọng những lời hứa đó rồi, nếu không thì em sẽ không bao giờ chịu đựng những vất vả, thử thách đó để được như hôm nay đâu.
Lương tâm cắn rứt đã trở thành động lực để tôi mở miệng hối lỗi trước Lam Ngọc một cách đầy chân thành:
– Phong xin lỗi! Giá như Phong nhận ra được Ngọc sớm hơn thì mọi chuyện sẽ không tiến triển đến ngày hôm nay đâu!
Nghe xong lời trần tình của tôi, em chỉ phì cười rồi đáp lời:
– Nếu có giá như thì chưa chắc mọi chuyện sẽ diễn ra như lời hứa đâu Phong à!
– Vì sao?
– Vì tình cảm của con người xuất phát từ trong trái tim, không xuất phát từ những lời hứa! Bây giờ nếu Phong thực hiện lời hứa thì Phong có cam tâm không?
Quá bất ngờ vì câu hỏi của em, lại một lần nữa tôi chìm vào khoảng lặng tột cùng.
Đúng tình cảm phải xuất phát từ trong tim. Nhưng tôi cũng cảm nhận được vẻ như Lam Ngọc đang trách móc tôi đã thay đổi, đã không còn là Phong ngày xưa nữa và quan trọng nhất là em đang ám chỉ rằng trong trái tim tôi chưa bao giờ có hình bóng của em.
Rồi đột nhiên Lam Ngọc cười lớn, vỗ vai tôi bồm bộp:
– Thôi đừng khẩn trương như thế! Nãy giờ Ngọc chỉ đùa một tí thôi mà!
– Ơ, đùa…
– Ừ chỉ là đùa thôi! Ai mà để tâm đến lời hứa trẻ con đấy chứ!
– À, ừ! Chắc vậy rồi!
Kể từ lúc đó tôi cũng nhận ra một điểm yếu của Lam Ngọc là em diễn rất dở. Có vẻ một người ngay thẳng, trung thực như Lam Ngọc thì khái niệm kịch đối với em cứ như mặt trời với mặt trăng vậy, không bao giờ có thể kết hợp với nhau được.
Bởi vì trong cái vỗ vai của Lam Ngọc, tôi đã cảm nhận được ít nhìu sự bối rối trong đó. Và ngay trong giọng nói của em cũng ẩn chứa những giọt lệ u sầu khiến nó cứ run lên, nhão thành từng tiếng ngọng nghệu đặc trưng của người đang khóc.
Có lẽ em đã cố kìm nén rất nhiều mới nói được những câu bông đùa như vậy…
0 Bình luận