• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

Chương 01: Hai mươi tư viên thuốc

0 Bình luận - Độ dài: 3,609 từ - Cập nhật:

“Em ơi, em đã uống bao nhiêu viên rồi?”

“Dạ, dạ, em lỡ uống hai mươi tư viên Panadol.”

“Trời ạ, em đã uống từ bao lâu, ngắt quãng hay uống thẳng hai mươi tư viên đó luôn?”

“Ngắt quãng ạ…”

Phải, đó là lời thú tội từ một nam bệnh nhân hết mực ngốc nghếch đang nằm trên giường bệnh. Cậu ta có một khuôn mặt ngờ nghệch đến phi lý, với đôi mắt tròn đầy ngây thơ, nhưng mồm mép lúc nào cũng phải liếm láp, như thể đang tìm kiếm một lời biện hộ vậy. Dù đã nôn mửa trong suốt quá trình được chở tới bệnh viện, song cứ mỗi hai phút bệnh nhân này sẽ ựa lên cổ một lần. Thật đáng thương làm sao, kể cả khi dạ dày cậu ấy chẳng còn gì để tháo ra nữa.

Xung quanh thanh niên “bé bự” này là hàng loạt điều dưỡng và bác sĩ, không chần chừ, họ đưa tay trực tiếp ấn vào bụng của cậu và bắt đầu quá trình cấp cứu. Còn bố của cậu ta, một người đàn ông hơi lùn, da rám nắng cũng chỉ biết lui về phía sau cho người có chuyên môn xử lý. Nhưng thực sự mà nói thì cậu ta đã sớm chìm trong cơn mê man rồi. Trong đầu cậu ta lúc này chẳng có gì ngoài đau bụng và ói mửa. Đã thế còn phải nghe hàng loạt câu hỏi khô khan nữa. Mặc kệ đời, cậu ấy muốn gạt phăng chúng đi. Nam sinh nhắm chặt đôi mắt lại, toàn thân cảm giác như đang trôi lơ lửng trong một chiều không gian vô định. Thực sự, không ai có thể trách nổi cậu vào lúc này.

“Hãy đi theo tôi, chúng ta sẽ cùng nhau đến cõi địa đàng, nơi không còn sự đau khổ nữa.”

Trong cơn đau ngày một dồn dập hơn, có một giọng nói văng vẳng trong tai cậu trai như vậy. Nhưng không chỉ có thế. Chất giọng đó ngày càng trở nên ngọt ngào hơn, như thể đang vẫy gọi cậu đến một nơi “tốt đẹp” hơn, như ý nói muốn truyền đạt.

“Thôi nào, cậu đã thấm mệt rồi. Chúng ta nên tìm một chỗ để nghỉ ngơi chứ?”

Không, đừng nói vậy. Thanh niên quả quyết với một dòng suy nghĩ duy nhất. Cậu vẫn còn đang cả đống bài vở chưa động vào, đi kèm với đó là lịch học dày đặc từ thứ hai cho đến chủ nhật. Một nam sinh chín chắn sẽ từ chối tất cả những bữa tiệc rượu, thay vào đó tập trung cho tương lai phía trước của mình. Chơi bời chỉ tổ hại thân.

“Xin lỗi, nhưng tôi còn phải học nữa”, cậu lắc đầu nguây nguẩy.

“Này, tại sao cậu không đi theo tôi?”

Bỗng giọng nói đó gằn lên, liên tục buông những câu từ nhằm lăng mạ, sỉ nhục danh dự của cậu ta. Và như để tăng thêm phần kịch tính, từ một con người trôi lơ lửng trong bóng đêm bất tận, cậu đã rơi tõm xuống một thung lũng đầy ánh sáng. Nhưng liệu ánh sáng đó có phải sự cứu rỗi không, hay chỉ là một thảm họa khác đang chờ đến lượt?

“Không, không, không!”

Nam sinh ngồi bật dậy. May quá, thì ra cậu vẫn còn sống. Cơn đau bụng vẫn chưa dứt. Trước mắt thanh niên này, các bác sĩ đang ngơ ngác nhìn từng giọt mồ hôi đổ xuống từ trán cậu. Ông bố ruột của cậu vội chạy đến và đưa đầu cậu hạ xuống một cách nhẹ nhàng, kèm theo một tin mới.

“Người ta hỏi bố hết về triệu chứng bệnh của con rồi, cứ yên tâm mà nằm đi.”

Rồi bất chợt, ông bố quay sang rồi nói với một nữ bác sĩ.

“Thưa bác sĩ, cháu nhà tôi đang bị rối loạn phân liệt cảm xúc, cũng phải từ năm lớp chín rồi.”

Đáp lại, nữ bác sĩ gật gù một hồi rồi quay sang nhìn bệnh nhân, giọng hơi khàn.

“Chà, vậy là cũng mắc lâu rồi. Thế cháu có ý định ‘biến mất’ khỏi thế giới này không?”

“Dạ không ạ, tại cháu đau đầu dữ dội quá nên mới…”

Nam thanh niên thành thật trả lời. Thực sự, cậu ta rất ngại khi phải bàn đến chuyện bệnh tật của mình. Báo đài từ trước tới nay luôn đăng tải những thông tin về các vụ chém giết, đi lang thang do lên cơn tâm thần. Mặc dù không đến mức phải vào trại tâm thần, nhưng cậu vẫn luôn đề cao cảnh giác. Sống trong một xã hội hết sức phức tạp, nội việc che giấu những cảm xúc thật đã là rất khó rồi, vậy mà giờ đây cậu thanh niên lại phải thả chúng ra trước mặt bác sĩ. Nhưng trong thâm tâm cậu thầm nhủ rằng, đó hẳn là một điều khôn ngoan.

Sau một vài câu hỏi cơ bản về bệnh tâm lý của mình, cậu ngồi dậy rồi bước đi cà nhắc vào trong khu giường bệnh. Chiếc giường ban nãy chỉ được dùng cho trường hợp khẩn cấp, nhưng tình trạng của nam sinh vẫn chưa phải xấu nhất nên cậu được xếp vào trong. Về cơ bản, nó là một nơi đông đúc và đầy mùi người, với hàng chục chiếc giường dài nhưng hẹp vô cùng. Cứ chốc chốc, sẽ có một tiếng rên rỉ từ đâu đó khẽ phát ra, trông thảm thương vô cùng. Hướng về chiếc giường nằm phía trong cùng bên trái, nam bệnh nhân với thân hình to lớn cởi đôi xăng đan đã cũ ra rồi nằm lên giường, đầu hướng về phía trên. Rồi một y tá chạy đến đo nồng độ dưỡng khí, sau đó rút một ống tiêm ra.

“Ực.”

Cậu thanh niên nuốt nước bọt. Đã lâu lắm rồi, kể từ khi đại dịch bùng phát, cậu ta mới được dùng kim tiêm. Nhưng dù sao thì cũng đã đến đây rồi, dăm ba cái kim tiêm chẳng đủ để khiến cậu nao núng. Cậu nhắm mắt lại, nghĩ về một thiên đường nếu chẳng may bản thân qua đời. Liệu nó sẽ êm đềm như trong Kinh Thánh, hay bi kịch tựa Romeo và Juliet? Hoặc chẳng có một thiên sứ nào đón chào, thay vào đó là ba mét đất lạnh lẽo? Hê, cậu mỉm cười đầy tự tin. Dù có là một người điên đi nữa, cậu vẫn luôn muốn lãng mạn hóa mọi thứ, kể cả cái chết.

“Cô lấy máu xong rồi nhé.”

Y tá rút kim tiêm ra rồi rịt một miếng bông vào vết thương của cậu thanh niên. Đó là tĩnh mạch cổ tay - nơi tập trung nhiều máu nhất. Kỳ lạ thật đấy, cậu trai trẻ tự nhủ. Cậu chỉ thấy hơi nhói một chút ở cổ tay. Thậm chí cảm giác ấy còn chẳng kéo dài đủ năm giây.

Cùng lúc đó, ông cụ thân sinh của cậu đã quay trở lại, sau một hồi giải thích cho bác sĩ về căn bệnh tâm lý của cậu, cũng như các triệu chứng thường gặp. Chỉ tới lúc này, cậu thanh niên cảm thấy mình thật có ích khi chí ít cũng đã cung cấp thông tin cho việc chữa bệnh.

“Bố giữ hộ con miếng bông này với.”

Cậu thanh niên khẽ ra giọng nhờ vả. Ông bố liền gật đầu rồi lấy ngón cái đè miếng bông vào vết thương. Rồi cậu ta lấy chiếc điện thoại trong túi, đoạn nhắn tin tới giáo viên chủ nhiệm, cũng như giáo viên dạy thêm.

“Dùng ít điện thoại thôi Minh.”

Ông bố buông tay khỏi vết lấy máu nhằm bắt thằng con phải tự làm lấy. Nhưng kỳ lạ thay, Minh đưa nốt tay còn lại lên và nhắn tin, thay vì tự bịt lấy vết tiêm còn rỉ chút máu kia.

“Cô ơi, em đang nhập viện nên xin phép cô cho em nghỉ nhé.”

Cứ như thế, người đầu tiên Minh nhắn - giáo viên chủ nhiệm, chẳng biết một tí ti gì về chứng bệnh khiến cậu phải vào viện cả. Nhưng hóa ra đó lại là một điều tốt. Minh tự phân trần rằng nếu giáo viên không biết thì cô ấy cũng chỉ nói sơ bộ với lớp rằng cậu bị bệnh gì đó “phổ biến” thôi.

Sang người thứ hai, tức giáo viên dạy thêm Toán, cậu thanh niên nhắn có phần dài dòng hơn chút.

“Thầy ơi, em đang phải nhập viện vì ngộ độc nên xin phép thầy cho em nghỉ cả tuần này nhé.”

Dường như giáo viên dạy thêm cũng cảm nhận được tình trạng hiện tại của Minh - như một điềm báo vậy, nên chỉ dám nhắn:

“Ừ, em cứ nghỉ đi.”

Gửi tin nhắn tới hai người kia xong, Minh để điện thoại lên nóc tủ cạnh đó rồi tạm thời chợp mắt. Dù đã có lý do chính đáng để xin nghỉ phép, song cậu vẫn luôn thường trực một nỗi sợ: Sợ bỏ lỡ mất kiến thức. Cho dù đã học xong hết chương trình cuối cấp, cũng như luyện thêm vài chục đề, nhưng chừng ấy theo Minh vẫn là chưa đủ cho kỳ thi đại học. Đã thế, cuối tuần này cậu còn phải dự thêm một kỳ thi về đánh giá năng lực nữa. Nói sơ bộ thì nó cũng là một kỳ kiểm tra kiến thức như thi kết thúc chương trình phổ thông, chỉ khác là bài thi này được tổ chức bởi trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đặt bản thân vào sự yên tĩnh, Minh chợt nhớ lại những gì đã đưa mình vào trong cái bệnh viện quái quỷ này.

Mọi chuyện vốn bắt đầu từ buổi sáng hôm nay.

Sáu giờ sáng, chiếc điện thoại reo lên hồi chuông báo thức vang khắp phòng Minh. Đối với những người luôn trong tình trạng thiếu ngủ như cậu, đây không khác nào hai cây kim chọc thủng màng nhĩ.

“Thôi được rồi, phải dậy thôi.”

Minh lồm cồm bò dậy. Hai chân cậu gồng lên hết sức để đưa nửa trên lên không trung. Rồi cậu bước vào phòng tắm, tay cầm bàn chải đánh răng thật lực. Cũng vì sự chủ quan ấy mà có vài giọt máu từ lợi đã tràn lên bề mặt, tạo ra cảm giác hơi rát. Minh biết mình đang đánh răng quá mạnh, nhưng lâu ngày cậu cũng kệ biểu hiện này.

Bước vào trong phòng, cậu lấy đống sách vở trên bàn, kiểm đếm từng quyển một trước khi cho chúng vào chiếc balo màu đen sọc trắng. Vẫn như mọi hôm, hôm nay bao gồm hai tiết toán, một tiết văn và hai tiết tiếng Anh. Ba môn này đã được nhà trường sắp xếp kể từ hồi cuối tháng Tư, tức ngay sau khi kết thúc bài thi cuối kỳ hai. Và không chỉ Minh, bốn mươi chín con người khác cũng đều phải tuân lệnh mà đến trường.

Sau khi cất hết sách vở vào trong balo, Minh ngờ ngợ ra rằng mình còn đang thiếu một thứ gì đó, nhưng không thể đoán ra được. May thay, vật ấy lại nằm ở góc trên cùng của bàn, báo hiệu cho cậu học sinh biết.

“Đây rồi, thuốc giảm đau đây rồi!”

Minh vui sướng khôn kể xiết. Nó - chiếc vỉ thuốc ghi nhãn hiệu Panadol đã theo cậu suốt một chặng đường dài. Cậu mau chóng cất nó vào ngăn sâu nhất của balo rồi rời khỏi nhà.

Con đường đến trường cấp ba Minh theo học trải đầy hoa phượng vĩ. Ngoài ra, còn có chút hoa sữa và quả bàng chín rụng xuống tạo thành tiếng rắc rắc đặc trưng. Trên chiếc xe máy cà tàng, Minh không nghĩ ngợi gì hơn. Bỗng nhiên…

“Ái da ui!”

Một cơn đau nhói lên trong đầu Minh. Đây hoàn toàn không phải chuyện hiếm gặp, nhất là trong thời điểm này. Gần như ngày cậu cũng uống từ hai đến bốn viên giảm đau, hôm nào trở nặng thì sáu viên. Tất cả tiền ăn sáng của cậu trai này cũng chỉ đem cúng cho hiệu thuốc Tây. Ban đầu, Minh thực sự cảm thấy khó chịu, nhưng sau dần thì vẫn phải quen. Không quen làm sao được khi ngày nào cũng phải cắm cúi luyện đề, cậu học sinh thầm nhủ. Nếu không có những viên thuốc này thì còn lâu cậu mới chịu đi học. Mà không đi học thì làm gì có tương lai! Lại thêm một ví dụ nữa để Minh phải sử dụng Acetaminophen.

Lúc Minh đến được lớp cũng là giờ vào tiết. Dù chỉ khởi phát với một cơn đau nhói, nhưng dường như nó đã lan ra khắp đỉnh đầu cậu. Minh quyết tâm dùng hai tay day nhẹ thái dương, nhưng nó không có kết quả. Chuyển qua vuốt gáy, xoa cằm các kiểu cũng vẫn không hết. Xem ra cơn đau này không có dấu hiệu buông tha cho cậu học sinh cuối cấp này. Hết cách, Định bèn lấy ra hai viên thuốc rồi tọng thẳng vào trong họng, kèm theo một ngụm nước xin được từ bạn cùng bàn.

Ba tiết dần trôi qua, song cơn đau của Minh chưa hề thuyên giảm. Cậu nằm song song với mặt bàn, mắt liếc nhìn quanh căn phòng học rộng năm mươi mét vuông này. Trên tường lớp dán đầy những khẩu hiệu cổ vũ học tập. Sàn nhà thì la liệt rác. Hình như không chỉ mỗi mình cậu, mà ai cũng mệt hết. Sau hai tiết giải đề toán, cộng thêm một tiết giảng về phân tích tác phẩm văn học, ai nấy cũng đều tỏ ra vô cảm, chỉ biết đánh sượt cho qua. Những tờ giấy trắng nằm la liệt trên bàn, trên ghế và dưới mặt đất. Năm mươi con người ấy đã bị đánh gục theo cách dễ nhất có thể.

Mặc kệ tiếng chuông vào tiết réo liên hồi, Minh vẫn muốn dành chút thời gian để ngủ bù. Nhưng rồi sớm thôi, cô giáo dạy tiếng Anh đã bước vào, buộc tất cả phải đứng chào. Lần này thì Minh không thèm mở mắt ra nữa, mà cứ thế ngồi xuống như vậy.

Soạt.

Tiếng giấy sượt qua gò má Minh. Theo phản xạ, cậu lập tức mở mắt, tay nhận lấy tờ giấy đó. Lại là một đề thi thử khác, nam sinh nửa mừng nửa tức. Nhưng cũng còn thời gian cho cậu vấn vương nữa. Trên bục giảng, cô giáo hô lớn.

“Bắt đầu làm bài!”

Nước dãi chảy thòng lòng từ một bên mép của Minh. Rõ ràng là cậu đang không muốn làm bài chút nào cả. Nhưng bằng tất cả sức lực còn lại của mình, cậu mở to đôi mắt ra, to đến mức phải khiến người ta hoảng sợ vì độ lồi của nó.

Bắt đầu với hai mươi câu. Bằng năng lực vốn có trong môn tiếng Anh, Minh làm hết chúng chỉ trong một chốc. Rồi đến hai mươi câu cuối cùng. Đây mới thực sự là thử thách. Cậu học sinh phải căng mắt ra tìm đáp án trong bài đọc, rồi lại đối chiếu để đảm bảo chúng đúng. Nhưng tình thế có vẻ đã bị đảo lộn. Ở những bài liên quan tới câu phức, giả định hoặc thể bị động, Minh lại kiểm tra đáp án bằng phương thức nặng tính hên xui - “đọc thuận mồm thì khoanh”. Và chỉ có thế thôi cũng đã tiêu tốn cho nam sinh đang đổ bệnh này hơn nửa tiếng.

“Phù, xem ra cũng phải đúng được tám, chín phần đấy.”

Minh cảm thấy tự hào về bài làm của mình. Dù đầu đang đau như búa bổ, miệng cậu vẫn mỉm một nụ cười rất tươi, đi kèm ánh mắt trìu mến như để cảm ơn giáo viên vì đã cho một đề bài làm nhanh tới vậy.

Chẳng mấy chốc mà buổi trưa đã đến. Như dự đoán, Minh là người ra về sớm nhất lớp, với một chiếc bụng đói và cái đầu đau khủng khiếp. Nhưng trước khi lấy xe dưới bãi gửi, cậu cũng đã kịp xuống căng tin mua một chai nước suối, rồi lại tiếp tục tống bốn viên giảm đau vào trong bụng mình.

“Quá đã.”, Minh thốt lên đầy phấn khích. “Xem ra mình phải kiếm cái gì đó ăn rồi.”

Vậy là trên đường trở về, Minh lại ghé một quán bún bò gần nhà. Lúc này cũng đã quá Ngọ, thành ra ai cũng đua nhau vào nhằm thưởng cho mình một bữa ăn ngon. Không biết may mắn thế nào mà cậu học sinh đây cũng đã kịp xí cho bản thân một bàn riêng.

Ực. Hai viên thuốc nữa lại được Minh đưa vào dạ dày, như một biện pháp để trấn áp cơn đau ngày càng tồi tệ hơn của mình. Dù có thể lái được xe, song những bước chân của cậu lại cà nhắc, thân thể cậu lại xoay mòng mòng như một cái đu quay. Cảm thấy mình không thể chịu đựng được lâu hơn nữa, Minh buộc phải bỏ bát bún ăn dở, trả tiền cho chủ quán rồi quay về nhà.

Trên chiếc giường đơn được lót manh chiếu mỏng, Minh kêu hừ hừ một cách thật đáng thương làm sao. Ngay cả mẹ cậu, người vừa mới đi làm về không lâu, cũng chẳng biết làm gì ngoài để con trai mình nằm trong phòng. Cơn đau cứ tăng dần theo thời gian, chứ chẳng hề có tiên lượng tốt chút nào.

Hai giờ chiều, Minh lại dậy và uống bốn viên thuốc nữa. Một vỉ thuốc đã được dùng hết.

Ba tiếng sau, cậu học sinh lại tiếp tục lặp lại chu kỳ uống thuốc. Cứ mỗi mười lăm phút, hai viên thuốc lại được dùng.

Vào bảy giờ tối, thêm một vỉ thuốc nữa được dùng hết.

Giờ mới là lúc cơn ác mộng chính thức bắt đầu. Mặc dù không ăn gì trong suốt buổi tối nên vào lúc tám giờ, song cơ bụng của Minh vẫn co thắt, hối thúc cậu phải vào trong nhà vệ sinh.

“Ọe.”

Từ miệng của cậu, thứ dung dịch màu vàng chảy ồng ộc xuống toa lét. Vị của nó đắng và nhớt vô cùng, hơn cả thứ dung dịch được phủ lên thẻ game của máy Nintendo Switch. Phải mất tới ba, bốn lần ói thì Minh mới cảm thấy tạm ổn.

“Mẹ ơi, con cảm thấy tệ quá.”

Minh chạy sang phòng của mẹ, vốn nằm ngay bên cạnh. Tuy nhiên, do đang bận bán hàng qua mạng nên người mẹ đã không thể trả lời. Và Minh cũng đã sớm đoán được kịch bản tồi tệ này sẽ xảy ra, nên cậu quay vào trong bếp. Mở chiếc chạn cao, nam sinh lấy cho mình một chiếc bát lớn và hai gói bù điện giải. Nhưng vị lờ lợ, lạ miệng của nó lại càng khiến Minh trở nên buồn nôn hơn. Cảm giác không thể tin tưởng trực quan “tốt đẹp” của mình nữa, cậu liền lấy điện thoại ra tra nhanh triệu chứng.

“Thôi xong rồi…”

Chân tay nam sinh run lẩy bẩy khi lướt điện thoại. Theo như thông tin trên mạng thì trăm phần trăm là Minh bị ngộ độc thuốc giảm đau, một chứng bệnh mà lần đầu tiên trên đời cậu nghe thấy.

“Mẹ thì bận bán hàng, chân tay thì không lái xe nổi, phải làm sao bây giờ?”

Khi này, sự lạc quan từ ban sáng đã biến mất, nhường chỗ trống cho một nỗi sợ đến tột cùng. Thậm chí, Minh còn chả dám đứng lên, cứ thế mà ngồi thụp xuống, nơm nớp lo tử thần tới gõ cửa nhà mình.

Và rồi trong đầu cậu chợt lóe lên một ý nghĩ.

“Phải rồi, là xe cứu thương! Mình nên gọi xe cứu thương vào lúc này chứ nhỉ?”

Quay trở về với thực tại.

Bất chấp những lời khuyên đi ngủ của ông bố, Minh vẫn trằn trọc nằm trên giường bệnh. Từ phía tay trái của cậu, một ống truyền nước đã được dẫn vào qua kim bướm từ bao giờ. Điều Minh lo sợ lúc này không phải là cái chết, cũng chẳng phải chuyện nghỉ học, mà là kỳ thi sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Liệu cậu có thể hồi phục kịp không, hay là mất luôn năm trăm nghìn?

“Uầy, thế mà mãi đến bây giờ đầu mình mới bớt nhức.”

Minh bất giác đưa tay lên trán. Nhưng dường như giờ này chẳng còn gì có thể thỏa mãn được cậu nữa. Tất nhiên rồi, vào viện thì có gì mà vui, cậu trai tự nhủ. Rồi đột nhiên, cậu nhổm dậy rồi nhìn thật rõ vào mọi thứ chung quanh.

“Chúng ta có hai ông lão, một nằm bên cạnh mình, một nằm phía xa kia. Ngoài ra còn có cả một thanh niên ngáo ngơ nào nữa kìa.”

Tất cả những chi tiết ấy đều được Minh ghi nhớ bằng hết. Có lẽ sáng mai cậu sẽ đi gặp gỡ từng người, phải không?

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận