“Chào buổi sáng em nhé, đến giờ lấy máu rồi.”
Đó là điều đầu tiên Minh nghe thấy vào buổi sáng ngày thứ ba. Trước mặt cậu, hai nữ điều dưỡng, một người bật đèn sáng choang, người còn lại thì dỗ ngọt bằng một giọng không thể nào dịu dàng hơn được nữa. Nhưng ngay cả trước khi cậu kịp trả lời, cô ấy đã lấy kim tiêm rồi. Mũi kim nhọn đâm vào da nam sinh, ghim trúng vào mạch máu của cậu ta. Kết hợp với bàn tay khéo léo của nữ điều dưỡng, một lượng máu trong cơ thể Minh đã được rút ra.
“Xong rồi đấy.”
Minh phải công nhận người này có tay nghề cao thật, chỉ có chút ít thời gian mà đã làm xong rồi. Đã vậy còn không đau nữa chứ.
“Thực ra thì cũng không hẳn là như vậy”, cậu trai tự phân trần. “Nó chỉ nhói ngay lúc kim đâm vào thôi, sau đó thì chẳng cảm nhận được gì nữa.”
Rồi bỗng nhiên, ánh mắt của Minh đã va vào chàng mập giường bên. Anh ta cũng giống như cậu vậy, không kêu đau chút nào cả. Chỉ có điều anh ta ăn hơi nhiều và không thích cái cảnh lấy ven ở chân. Nhưng riêng điều đó thì Minh có thể hiểu được. Mới hôm trước thôi, lúc lấy ven để thay kim bướm, một điều dưỡng khác còn trêu cậu toàn quá béo để lấy được ven, rồi làm quá lên thành “có khi phải lấy ở chân”. Nhưng điều đó chả sao cả, Minh vẫn cười trừ cho qua.
Nhưng buồn thay, chàng trai giường bên hầu như chẳng quan tâm gì tới cuộc sống này cho lắm. Ngoài việc ăn và đi vệ sinh ra thì phần lớn thời gian anh ta dùng để ngủ. Bởi vậy cho nên mỗi lần Minh cố bắt chuyện với chàng mập thì anh ấy lại tìm cách để ngủ thẳng cẳng. Và tất nhiên, sẽ là một thiếu sót nếu không nói về mẹ của anh ấy, người đã chăm anh lúc nhập viện. Bà ấy là một phụ nữ trung niên điển hình, với một khuôn mặt điểm những vết nhăn sau bao tháng năm vật lộn để kiếm sống. Nhưng bù lại, đôi mắt người phụ nữ ấy luôn luôn sáng ngời, ngay cả những lúc thằng con của bà làm nũng và muốn đủ thứ yêu cầu quỷ quái trên đời. Tuy chỉ mặc một bộ thường phục hàng Quảng Châu, song lúc nào Minh cũng có thể thấy chiếc ví đặt trong túi da của bà ấy dày cộm những tờ giấy bạc. Có thể nói, đó là điều hoàn toàn trái ngược với gia cảnh của nhà Minh.
Mới ngày hôm qua thôi, bố của Minh đã chủ động qua thăm hỏi bà ấy. Như thể đang tự hào vậy, ông ấy nói dõng dạc trước mặt người phụ nữ:
“Cháu này vào đây vì sao thế? Thằng cu nhà em nhập viện vì uống quá liều Panadol.”
“Ồ, thế là cháu nó uống quá liều thuốc à anh? Anh này uống thuốc trừ sâu, định tự tử nhưng lại bất thành đây này.”
Và tất nhiên, Minh đã kéo gấu áo bố để mong ông ấy không phun ra thêm lời nói đáng xấu hổ nào nữa. Nhưng dường như bố cậu có vẻ hợp cạ với người phụ nữ ấy cho nên đã ngồi tám chuyện một hồi lâu. Minh cũng bất lực, không biết làm gì thêm ngoài ngồi chịu trận. Nhưng thực tế thì cũng không quá tệ. Sau một hồi nghe thì Minh cũng nắm sơ sơ thông tin về gia đình nhà chàng mập này. Mẹ anh ấy là chủ một nhà hàng ở Mê Linh, mỗi ngày thu về mấy chục triệu, vả lại chàng ta cũng được cưng chiều nữa.
“Nhưng mà khổ lắm cơ, nó chơi nhiều game quá nên phát bệnh trầm cảm. Em cũng chẳng buồn nói nó nữa. Rồi nó bắt đầu ngồi thu lu trong phòng, chẳng buồn làm gì cả, nấu cơm, dọn dẹp cũng không. Xong đùng một cái, tự dưng hôm trước nó tuyên bố uống thuốc trừ sâu tự sát, nhưng mới uống được chút đã nhổ ra rồi.”
Người mẹ của chàng béo kể bằng giọng trĩu nặng. Mặc dù có vẻ hơi buồn cười ở khúc cuối, nhưng tựu chung lại đó vẫn là một câu chuyện buồn đáng trách. Minh dù đã nghĩ đến cái chết nhiều lần song vẫn chưa bàn đến kế uống thuốc độc bao giờ.
Quay trở về với hiện tại.
Sau khi lấy máu xong thì Minh cũng chẳng thể ngủ được nữa. Cậu vớ lấy chiếc điện thoại rồi nằm đọc tin tức. Cũng đã phải hai ngày kể từ lần cuối nam sinh đọc báo mạng. Thường thì cậu sẽ đọc tin nóng trong ngày, sau đó đến mục pháp luật, rồi mới đến mục số hóa. Nhưng gần đây, do nhu cầu được tiếp cận thông tin tuyển sinh ngày một cấp thiết nên có khi trong một ngày Minh chỉ đọc chừng hai, ba mẩu tin ngắn rồi nhảy thẳng sang mục giáo dục luôn. Nhưng hôm nay cậu ta quyết định phá lệ xem sao, vì dù gì bản thân cũng chưa thể đi học được.
Hôm nay chẳng có gì mới mẻ cho lắm. Vẫn là những vụ án cướp giật, giết người hay gian lận trong kinh tế. Minh đã phát ngấy với chúng rồi. May mắn thay, ở ngay cạnh thanh tìm kiếm của trang báo có một mục tên là “góc nhìn”. Cảm thấy đây có thể là một chuyên mục giải ngấy hiệu quả, cậu liền bấm vào ngay. Và đập vào mắt cậu là một bài viết mà chỉ cần đọc tựa đề đã thấy vô lý rồi. “Tuyển y khoa bằng điểm Văn”, một điều không tưởng trong suốt hàng chục năm qua, nay lại trở thành sự thật. Tác giả bài viết mở đầu bằng câu chuyện hết sức dân dã, với bố của anh ta - một bác sĩ Đông y.
“Uy tín của bố tôi không chỉ đến từ việc chữa trị mà còn cả sự thấu hiểu từ bên trong. Mọi buổi khám, chữa bệnh luôn bắt đầu với khoảng mười lăm phút gợi chuyện. Ông sẽ đặt câu hỏi sao cho thật gần gũi sao cho bệnh nhân thoải mái, đưa ra các triệu chứng như thể kể lại bệnh trạng cho một người bạn.”
Nam sinh đọc thật to và rõ ràng. Hiếm khi nào cậu làm như vậy. Ngoài ra, đôi mắt Minh cũng sáng lên ánh hào quang. Một nụ cười cũng hé trên môi cậu. Dù chỉ mới đọc được đoạn đầu, nhưng bài viết như đang chạm đến điểm sâu nhất trong tim cậu trai này.
Đó là chuyện chọn nghề.
Mỗi lần nghĩ về chuyện này, Minh như lạc trong một mê cung vậy. Bài báo nào cũng nói ngành này thiếu nhân lực, ngành nọ cơ hội thăng tiến tốt, bờ la bờ lô… Nhưng thường thì những ngành ấy đều có tỷ lệ chọi rất cao, không chỉ ở điểm đầu vào mà còn cả sau này nữa. Minh trước đây cũng khá ham mê máy tính, đam mê vọc vạch những món đồ điện tử, nhưng trước bể nghề được gói trong chiếc hộp mang tên công nghệ thông tin, cậu đơn giản là không tìm thấy được mình trong đó. Điểm của trường nào cũng cao, từ Bưu chính Viễn thông cho tới Bách Khoa, chạy dài sang các học viện, trường đại học khác thì tất cả đều yêu cầu rất cao về học lực.
Còn những ngành khác thì sao?
Minh thở dài, đưa bàn tay của mình lên rồi vuốt mặt thật chậm rãi, để hơi ấm truyền tới toàn bộ ngóc ngách. Nam sinh đã thử rải học bạ ở một số chuyên ngành liên quan tới kỹ thuật hay nông nghiệp, nhưng thực sự khi nghiên cứu về chúng, cậu cảm thấy thật nhàm chán. Dù cả mười một ngành như điện lạnh, ngôn ngữ Anh, chăn nuôi thú y, Việt Nam học hay Hán Nôm đều đủ điều kiện để theo học, nhưng cậu chẳng buồn nhìn vào tin nhắn báo trúng tuyển.
Tạm dừng tại đây, Minh tra mạng thông tin về ngành tâm lý học. Không mất quá năm phút để cho ra hàng triệu kết quả. Lướt qua thêm một số trường có đào tạo ngành ấy nữa, cậu nhoẻn miệng cười.
“Có vẻ đây sẽ là bến đỗ cho bốn năm tiếp theo của mình.”
Đây là lần đầu tiên cậu cảm thấy một ngành nghề nào đó thú vị. Chưa kể nếu không muốn làm trong các bệnh viện thì có thể đá sang trường học, thậm chí nếu mạnh bạo hơn thì có thể ứng tuyển vào bộ phận marketing của các doanh nghiệp. Nhưng để mà nói thì Minh khoái làm trong bệnh viện hơn. Cậu muốn được nhìn thấy nụ cười trên môi những bệnh nhân tham gia khóa trị liệu của mình. Và như một nghĩa cử cao đẹp, Minh chợt thắp lên một ước mơ: Xóa sổ bệnh tâm lý nói chung và chứng rối loạn phân liệt cảm xúc nói riêng.
“Nhưng lương có vẻ thấp nhỉ?”
Minh băn khoăn. Song chỉ mười phút sau thì cậu đã nghĩ lại:
“Kệ đi, ra trường thì việc gì chẳng lương thấp, nói gì tới chuyên viên tâm lý.”
Sau khi đã xác định được tư tưởng rồi, Minh lại quay trở về bài báo khi nãy. Mất thêm một hồi đọc thêm, mắt cậu sáng lên như buồn ngủ vớ được chiếu manh. Tác giả nói rất đúng, những luận điểm của anh ta đúng đến mức khiến nam sinh phải gật đầu lia lịa:
“Coi y tế là ngành thuần túy ‘thân thể’ chứ không có tính tâm lý - xã hội là cách tiếp cận bảo thủ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, với sự đa dạng ngày càng lớn về giới, chủng tộc, tôn giáo, thu nhập… của bệnh nhân. Kỹ năng giao tiếp liên văn hóa trở thành năng lực thiết yếu của đội ngũ y bác sĩ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hệ thống y tế.”
Kết bài, người soạn ra bài viết này lấy ví dụ bằng truyện ngắn “Chuyến thăm bệnh”. Mặc dù chưa từng đọc tác phẩm kinh điển này bao giờ, nhưng qua một vài lời dẫn của tác giả bài góc nhìn, Minh cũng có thể mường tượng sơ qua về nó. Và cho dù những người đọc khác có phê phán, chỉ trích vì sự “mở” quá mức của tác giả, Minh vẫn tỏ ra hết sức ấn tượng với tay viết bài này.
Vừa hay đúng lúc bố mình quay trở lại, Minh vội ngồi dậy rồi trình bày ý tưởng của mình cho ông ấy xem:
“Bố, con tìm được ngành mình yêu thích rồi!”
“Ủa, sao nhanh thế? Mới mấy hôm trước con còn gọi điện cho bố, nói rằng phải thi xong mới tìm nghề chọn trường mà?”, ông cụ thân sinh ra Minh ngạc nhiên.
“Vâng, nhưng sáng nay con đã tìm được rồi. Ngành tâm lý học có vẻ hợp với con đấy”, Minh tiếp tục nói.
Bố Minh vắt tay lên trán suy nghĩ một hồi rồi thở dài:
“Tâm lý học à… Cũng được thôi, nhưng bố thích con học ngôn ngữ Nga hơn. Thế mạnh của con là ngoại ngữ mà, phải không?”
“Ơ, thế bố không thích con học ngành này ạ?”, Minh xìu mặt xuống. Nhưng rồi bố cậu đã vội gạt phăng cái lối suy nghĩ đó đi.
“Không, không đến mức vậy đâu. Con học gì cũng được, miễn là con thích.”
Ngập ngừng một lúc, ông bố tiếp tục nói với thằng quý tử nhà mình.
“Bố sẽ chi trả học phí cho con, nhưng con cần phải có sự đồng ý từ mẹ. À mà chiều nay mọi người sẽ đến thăm con đấy, liệu mà dọn dẹp chỗ nằm đi.”
“Vâng ạ”, Minh nói vậy rồi tiếp tục nằm đọc báo. Một lúc sau, cậu mới xếp bớt đồ đạc vào trong chiếc tủ cạnh mình.
Thời gian trôi qua thật nhanh làm sao, nhoắng cái đã gần buổi chiều rồi. Minh mở chiếc cặp lồng màu đỏ đun mà bố đã mang đến vào buổi sáng. Ngăn thứ nhất có cơm trắng được ép nhẹ để trông gọn hơn. Mùi của từng hạt gạo đã nấu chín thoang thoảng trong khoang mũi Minh, khiến cậu phải tuôn nước miếng. Ngăn thứ hai thì có vẻ đơn giản hơn sự mong đợi của nam sinh. Đó là tám miếng thịt chân giò luộc kèm theo một khay đựng nước mắm chuyên dụng. Và tất nhiên, cơm không rau như đau không thuốc, thứ nằm gọn trong ngăn thứ ba chính là rau muống luộc. Tuy không phải sơn hào hải vị, nhưng chúng đều là những món ưa thích của Minh. Cầm đôi đũa lên, cậu và một miếng cơm vào miệng, kế theo đó là vài cọng rau. Vị mặn lướt qua trên lưỡi Minh, cộng với kết cấu giòn của sợi rau đã quá đủ để thay thế mấy món đắt tiền rồi. Dù sao thì: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong hay đục ao nhà vẫn hơn”. Đồ ăn chẳng nhất thiết phải quá xa xỉ, chỉ cần no cái bụng thôi là đủ rồi.
Thế nhưng…
“Lạ nhỉ, thằng cháu mình nằm ở phòng nào thế, ông nó?”
Từ ngoài hành lang, Minh có thể nghe thấy chất giọng quen thuộc ấy. Nó không thể lẫn đi đâu được. Một lúc sau, có một giọng ông già nào đó chen ngang lại. Và chất giọng này cũng chẳng thể nhầm được. Phải, ông bà nội của Minh đã tới.
Từ lối vào, một cặp vợ chồng già lục tục bước tới giường Minh. Người ông tuy dáng đi có vẻ hơi tập tễnh, nhưng đôi mắt vẫn còn rất sáng. Tuy đã lão hóa qua thời gian, nhưng nếu nhìn kỹ lại thì có thể tưởng tượng được mức độ điển trai thời còn trẻ của ông ấy. Những nếp nhăn trên khuôn mặt đã cho thấy ông từng là một trong những tri thức thuộc thế hệ đầu tiên, khác hoàn toàn với bộ mặt của những người lính từng tham gia cứu quốc. Tất nhiên, ông cũng tham gia xây dựng đất nước, nhưng là bằng trí óc đã qua đào tạo ở Ukraine.
Người bà thì khác hoàn toàn. Trên trán bà ấy tuy cũng có nhiều nếp nhăn, song không thể so sánh được với chồng mình. Tuy thời còn trẻ cũng rất xinh xắn, nhưng sau bao năm tháng lam lũ thì vẻ đẹp ấy cũng chẳng còn hiện lên trên khuôn mặt bà nữa. Thay vào đó là những vết thâm trên đôi má vốn đã chảy xệ.
Minh đặt chiếc cặp lồng ở một góc trên giường, sau đó ngồi thật ngay ngắn, miệng chào thật to. Hai ông bà cũng mỉm cười rồi ngồi cạnh bố của cậu.
“Em bà thế nào rồi?”
Người bà mở đầu bằng một câu hỏi han. Minh vừa cười vừa đáp:
“Qua mấy ngày điều trị ở đây thì cháu cũng cảm thấy đỡ hơn rồi.”
“Cơm bà nấu có ngon không?”, bà hỏi tiếp.
“Dạ, ngon lắm ạ. Cháu ước gì bà nấu được cho cháu cả đời ấy chứ!”
Minh xuýt xoa khen. Bỗng nhiên, bố cậu trai chen vào.
“Giời ơi, thằng nào nghịch dại lắm ông bà ạ. Uống tận chừng ấy thuốc giảm đau, may mà chưa có đám tang đấy.”
Và rồi cả bốn người bắt đầu trò chuyện rôm rả. Ông bà liên tục hỏi han bố Minh về chuyện hôn nhân với người vợ mới.
“Thế mày với Hiền ấy, kết hôn cũng lâu rồi mà sao chưa thấy con cái gì? Cái nhà này cũng phải có con để nối dõi chứ!”
Nghe thấy những điều như thế này, Minh cũng không tránh khỏi chạnh lòng. Bao năm lo cúi đầu trước tổ tiên vẫn là chưa đủ sao? Phận duyên làm cháu đích tôn vốn đã chẳng hề dễ chịu rồi, nay còn bị ghẻ lạnh nữa. Thôi thì coi như mình là phế phẩm của một cuộc hôn nhân không trọn vẹn vậy, cậu nghĩ vậy. Rồi bố sẽ lại có con nối dõi và bỏ Minh đi để tập trung cho gia đình nhỏ thứ hai của mình.
Minh vẫn chưa quên những gì bố mình nói trước tòa khi kéo mẹ cậu ra cùng.
“Thưa quý tòa, tôi xin phép không chu cấp cho cháu Minh.”
Nghe lại lời đó thôi mà Minh cảm thấy đau đớn vô cùng. Hoá ra bố của cậu lại là một người đàn ông chuyên rũ bỏ trách nhiệm. Thật đáng hổ thẹn làm sao. Và rồi nam sinh nghiêng hẳn về phía mẹ mình, nhưng mọi chuyện cũng chẳng khá hơn. Cậu không còn được coi là một người con, người cháu nữa rồi. Chỉ vì bố mẹ mà cậu đã đánh mất danh phận của mình.
“Nếu chúng đều là sự thật thì đây cũng chỉ là một buổi thăm bệnh giả tạo mà thôi”, nam sinh thầm nghĩ.
Mặc dù chừng hai năm trở lại đây bố Minh đã bắt đầu chăm sóc cho thằng con bị bệnh tâm lý, nhưng những ấn tượng xấu thật khó để cậu có thể quên được. Ba năm, từ lớp Bảy cho tới hết lớp Mười thực sự là cơn ác mộng mà Minh không hề muốn nó lặp lại lần nữa. Cậu đã quá mỏi mệt vì thân phận hèn kém và bị bạn bè khinh thường rồi. Thậm chí, nếu được chết thì cậu cũng muốn.
Khi đang trò chuyện vui vẻ thì đột nhiên người bà quay ngoắt sang chủ đề học tập của Minh.
“Thế em bà đã định hướng nghề nghiệp chưa?”
“Dạ, cháu tìm được hướng đi rồi. Ngành tâm lý học, cả ông và bà thấy sao?”, Mình đáp lại đầy tự hào.
“Được, cái đó ông thích đấy”, người ông bất ngờ lên tiếng.
“Còn bà thì sao ạ?”
Minh hào hứng quay sang nhìn người bà.
“Cái ngành đó thì sau ra làm gì thế em bà?”, bà nội của Minh thắc mắc, nhưng đã bị chồng mình cản lại. Ông nói thầm vào tai bà, nhưng bằng cách nào đó mà Minh vẫn nghe thấy được.
“Cái này tôi có đọc báo rồi. Sau này cháu nó ra làm chuyên viên tâm lý. Hiện giờ nhu cầu được ‘chữa lành’ cũng đang cao nên khả năng là ra trường có việc làm luôn.”
Bà nội của Minh nghe xong thấy cũng hợp lý thì quay sang gật đầu lia lịa. Minh thầm cảm ơn người ông vì đã giải đáp. Một lúc sau, nhận thấy mình nên để cho con cháu nghỉ ngơi, cả hai ông bà lại lục tục ra về.
“Tạm biệt ông bà!”
Minh vẫy tay chào thay cho màn tiễn đưa, từ khi kim bướm vẫn còn nằm trên tay cậu. Nhìn vào cặp lồng còn chứa nhiều cơm và thức ăn, cậu lại tiếp tục cầm nó lên và ăn tiếp.
Vừa ăn xong cơm thì Minh cũng bắt đầu lướt điện thoại. Thực sự, trong bệnh viện quá chán và thiếu trò tiêu khiển. Mặc dù có tivi treo trước mặt, nhưng nó chưa hề được kết nối với cáp truyền hình. Thành ra nghe nhạc và đọc báo là hai phương thức giải trí tốt nhất đối với Minh. Nếu ai đó nói về game thì Minh sẽ lập tức chặn họng họ lại, đơn giản vì cả bố lẫn mẹ cậu cực kỳ ghét, thậm chí là cấm cậu chơi dù chỉ một phút. Và đương nhiên, sau lưng họ thì nam sinh vẫn chơi, nhưng khi đã đi cùng một trong hai người rồi thì cậu chẳng còn cách nào khác ngoài giả câm, giả điếc.
Chừng hai giờ chiều, Minh lại nghe được tiếng lạch cạch từ ngoài hành lang vọng vào. Đó là một người đàn ông độ bảy mươi lăm tuổi, nét mặt mang một vẻ hiền hậu. Khác với những người già ngoài kia, ông ta có một mái đầu xanh với màu đen bóng. Minh cứ ngỡ ông ấy là một người đến thăm bệnh nhân ở phòng nào đó, cho tới khi thấy khoảng cách giữa ông và phòng mình ngày một gần.
“Chào Vinh.”
Người đàn ông đó vẫy tay chào, trông hiền khô như cục bột. Minh sững người lại, quay sang nhìn ông bố có vẻ bình thản.
“Đây là ai thế bố?”
“Là bố của cô Hiền đấy, con nên chào hỏi một tiếng đi chứ”, đoạn người bố rút bao thuốc ra kiểm tra số điếu còn lại.
“Dạ, cháu chào ông ạ”, Minh nhanh nhảu đáp lại.
“Chà, trông cháu lớn quá nhỉ? Đúng con bố Nam có khác.”
Người đàn ông cười rồi ngồi xuống bên chiếc ghế được dựng cạnh giường tự bao giờ. Ông hỏi tiếp.
“Thế làm sao mà cháu ra nông nỗi này?”
Minh trong lòng đã có sẵn câu trả lời, nhưng lại bị bố chặn lại bằng một câu khách sáo.
“Chỉ là cháu nó uống quá nhiều thuốc giảm đau thôi, nhưng sau chuyến này thì chắc không còn nữa đâu, ha ha.”
Ông bố vợ cũng cười phá lên. Rồi ông lại quay sang hỏi bố Minh những câu hỏi về cuộc hôn nhân thứ hai. “Hai đứa vẫn quyết định ở lại Vũng Tàu đúng không?”, “Sau này có định sinh thêm con cho bố bồng không?”, “Khi nào chuyển lên Hà Nội thì nhớ sắp xếp lớp cho thằng cu con nhé?”. Những câu hỏi cứ bật lên liên tục như vậy, nhưng rất may là bố Minh trả lời được hết, đã thế còn cực kỳ trơn tru và đi vào đúng trọng tâm nữa chứ. Minh cảm thấy thật ghen tị với bố. Từ bé đến giờ, cậu vốn chỉ là một thằng nhóc ít nói, thậm chí theo nhận xét của nhiều người thì có phần hơi tự kỷ. Nhưng thực tâm, Minh chỉ muốn trả lời những câu hỏi cần phải được trả lời mà thôi.
Và một lần nữa, Minh cảm thấy sự thật hiện ra trước mắt thật phũ phàng làm sao. Rõ ràng mọi người coi việc đến đây thăm bệnh chỉ là một cái cớ hoàn hảo cho những cuộc tán gẫu. Nhưng ít nhất thì mọi người cũng phải hỏi cậu thêm một chút nữa chứ, bởi dù gì cũng đã mất công đến đây rồi cơ mà!
May mắn cho nam sinh, dường như bố vợ hai cũng nghe được lời than thở ấy. Ông ấy liền quay sang hỏi cậu:
“Thế năm nay là cháu thi đại học rồi nhỉ? Đã định được ngành chưa?”
“Dạ, cháu định thi vào ngành tâm lý học ạ”, Minh ngượng nghịu, gãi đầu đáp.
“Ồ, nghe có vẻ thú vị đấy. Nè, ông cho năm trăm tiền ăn quà, nhớ cố gắng học tốt nhé!”
Đột nhiên, ông già ấy cao hứng rút ra từ trong chiếc ví da cá sấu từ giấy bạc năm trăm bóng loáng và đưa cho Minh. Cậu còn chưa kịp cảm ơn thì ông ấy lại đứng dậy rồi ra về.
“Con chào bố ạ!”, bố Minh cũng đứng dậy cúi chào bố vợ hai rồi tiễn ông ấy ra về.
Một lúc sau, bố Minh quay trở về phòng bệnh, nhưng lần này theo sau ông lại là một người phụ nữ khác. Mái tóc suôn mượt ấy, khuôn mặt đẹp đẽ ấy, cặp mắt nai ấy, chỉ cần dựa trên ba điểm ấy thôi là Minh đã biết người đó là ai rồi.
“Mẹ chào Minh.”
Người phụ nữ với thân phận là mẹ ruột của Minh đứng gần cậu. Rồi bà ấy quay sang hỏi chồng cũ.
“Nó có chơi game không đấy anh?”
Bố của Minh ngạc nhiên đôi chút rồi đáp “không”. Ngay cả Minh cũng phải sững sờ. Thay vì hỏi sức khỏe của thằng con mình, bà ấy lại chọn một câu chẳng liên quan tí nào. Nam sinh vội nắm lấy tay mẹ rồi hỏi.
“Ô, thế mẹ không hỏi sức khỏe của con à?”
“À ừ nhỉ, mẹ quên mất, xin lỗi nhé”, mẹ Minh đáp lại bằng nụ cười giả tạo. Dù đã chung sống với bà ấy từ năm lớp Bảy, nhưng thực sự Minh không thể nuốt nổi được kiểu nói chuyện ấy.
“Thế nằm viện trong này thì chắc con không học được đâu nhỉ?”
Lại là một câu hỏi như đâm xuyên thấu trái tim Minh. Cậu thực sự sôi máu với câu hỏi theo kiểu mỉa mai và châm chọc như thế này, nhưng ngoài mặt thì vẫn phải tươi cười đáp.
“Làm gì đến nỗi thế mẹ, con vẫn ôn tập bình thường mà. Hôm trước thằng Quân nó còn thăm rồi ngồi làm bài cùng con nữa cơ.”
Mẹ Minh nghe vậy thì cũng cảm thấy được. Nhưng qua nét mặt của bà thì Minh thừa hiểu đó vẫn chưa phải là một dấu hiệu tốt cho lắm. Phải, vì cậu đã bỏ lỡ gần một tuần chỉ để nằm viện - hoạt động đốt tiền nhanh nhất quả đất này. Thông thường lịch trình ở nhà của cậu sẽ là đi học buổi sáng, buổi chiều tự học rồi buổi tối đến lớp dạy thêm. Và từ mười giờ đêm trở đi sẽ là giờ Minh giải đề ở trên lớp để mai còn có cái nộp. Một bảng lịch trình khá là dày, nam sinh tự nhận xét như vậy.
“Hừm, mẹ không tin!”
Rồi đột nhiên, mẹ Minh lắc đầu nguây nguẩy. Một cảnh tượng thật khó chịu làm sao, nhất là với một bệnh nhân như nam sinh tên Minh này. Nhưng cậu vẫn cố lấy lòng mẹ:
“Không tin mẹ cũng phải tin. Chính con đã ngồi làm bài mà, lúc nào nghỉ thì lại nghiên cứu các môn khác.”
“Thế cơ đấy”, mẹ cậu nam sinh bĩu môi như thể đây là lần đầu tiên bà thấy con trai học. Nhưng Minh vẫn chưa hết cách. Cậu lập tức bẻ lái sang vấn đề chọn ngành nghề yêu thích.
“Mà mẹ ơi, con tìm được ngành học yêu thích rồi. Đó là ngành tâm lý học!”
Nhưng trái với kỳ vọng của Minh, khuôn mặt của mẹ cậu lại ỉu xìu như cái bánh đa thiu. Bà mắm môi, mắm lợi một lúc rồi thẳng thừng nói luôn:
“Riêng ngành đó thì không được.”
“Tại sao vậy, hỡi mẹ thân yêu của con?”, Minh vẫn hết lời ngọt nhạt với bà. Nhưng câu nói tiếp theo của mẹ lại như vả thẳng vào mặt của cậu vậy.
“Mẹ thấy con không phù hợp với ngành đó. Có ba lý do. Thứ nhất, con không thể đủ năng lực mà đậu được đâu. Mà kể cả có đậu đi chăng nữa thì ngành này học cũng rộng lắm, chắc gì con đã có sức mà vượt qua bốn năm? Hơn nữa, con còn đang mắc bệnh liên quan tới tâm thần kia kìa, mai sau ra trường nói ai tin?”
Bà lại nói tiếp:
“Tốt nhất ấy, con nên theo học ngành gì liên quan tới nông nghiệp, vừa nhàn mà sau lại dễ được tuyển dụng. Mình không nên học những thứ gì mà nghe quá hứa hẹn, con à.”
Câu nói này như chạm vào lòng tự trọng của Minh. Cậu tức lắm chứ, nhưng nghe mẹ nói thế thì cũng không biết chê vào đâu. Phải, cậu chỉ thấy nó thú vị thôi, chứ chưa hề biết tí gì về khái niệm tâm lý học. Nhưng kể cả có đá sang khối ngành nông nghiệp thì nam sinh này cũng chẳng biết mô tê gì. Và như thường lệ, cậu vẫn dành cho mẹ những lời cầu khiến ngọt ngào nhất.
“Thôi nào, kể cả con có học theo ý mẹ… nhưng không cảm thấy thú vị thì học làm gì? Con nghĩ mẹ nên thay đổi tư duy đi. Phải mất mấy ngày trời thì con mới tìm được ngành học yêu thích đấy, chứ có phải ngẫu hứng đâu?”
“Không là không. Con không hiểu được tấm lòng của mẹ đâu. Hãy học đi, rồi con sẽ thấy hối tiếc thôi.”
Dường như Minh càng ngày càng bị đẩy vào thế bí. Bố cậu - người đã ủng hộ cậu theo học ngành tâm lý cũng tham gia thuyết phục cùng. Nhưng tiếc thay, lớp vỏ mang tên bảo thủ của mẹ Minh quá cứng, đến mức chỉ cần nghe một câu từ nào thôi thì bà sẽ gạt phăng nó ra. Hay nói ngắn gọn là cố chấp. Sức chịu đựng của Minh dần đạt tới ngưỡng giới hạn.
Con giun xéo lắm cũng quằn, nhưng ít ai lại làm trái lời cha mẹ. Ấy thế mà trong một phút nóng giận, cậu lại buột miệng nói ra câu từ vô cùng xúc phạm.
“Mẹ chỉ biết nghĩ về mẹ thôi đúng không? Đó mới là bản chất của mẹ!”
“Hỗn xược!”
Ngay lập tức, một cú đấm phi thẳng vào bộ nhá của Minh. Vừa đau vừa choáng, Minh cảm thấy vậy. Cậu đưa tay lên môi thì thấy nó đã bị chảy máu đôi chút, nhưng không đến nỗi quá tệ. Thấy cậu còn lành lặn được như vậy, bà mẹ lại bồi thêm đòn bằng ba cú tát trời giáng. Ngay lập tức, bố Minh đứng phắt dậy rồi khóa chặt cổ tay vợ cũ. Song bà mẹ của nam sinh cũng không phải dạng vừa. Bà ta hét toáng lên.
“Bớ người ta, chồng cũ của tôi bạo hành tôi nè!”
Bố Minh sững người rồi buông tay khỏi vợ cũ. Nhìn Minh bằng ánh mắt hình viên đạn, mẹ cậu gằn giọng:
“Cứ dưỡng bệnh cho mập cái thây đi, lúc về tao tính sổ sau.”
Rồi dứt khoát bước ra khỏi phòng bệnh mà về.
Thật đáng tiếc làm sao, Minh thở dài. Cũng lâu lắm rồi cả hai người họ mới gặp nhau, vậy mà lại xảy ra chuyện như thế này. Mẹ ơi, phải chăng mẹ vẫn còn mối hận năm xưa ấy? Minh bưng mặt rồi bắt đầu sụt sịt. Chàng mập ngồi bên khi nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng phải thốt lên: “sao mà mạnh tay thế”?
Khi mặt trời đã lặn, ánh sao chiếu rọi vào sàn nhà, Minh ngồi dậy rồi nhìn về phía mảnh trăng hình lưỡi liềm. Thật lẻ loi làm sao, cậu thầm nghĩ. Nhưng làm sao từ một con người có đầy đủ gia đình, Minh lại phải chịu cái cảnh khốn khổ tới mức này? Những hình ảnh liên quan tới cái chết lại hiện lên trong đầu cậu. Và rồi các giọng nói lại xuất hiện thêm. Nó thì thầm vào tai nam sinh, vỗ về cậu bằng khúc thánh ca của tử thần. Minh đứng dậy, tay cầm theo chai truyền rồi rảo bước quanh hành lang bệnh viện. Và rồi cậu trai đứng trước cầu thang, nơi tưởng chừng như có thể đưa cậu chuyển sinh đến thế giới khác.
Nước mắt em rơi, trò chơi kết thúc.
0 Bình luận