“Vậy là anh ấy đã uống thuốc diệt cỏ?”
Từ đôi mắt tròn xoe, Minh nhìn hai mẹ con đang ôm nhau trên giường bệnh, trong lòng cảm thấy ái ngại vô cùng. Nhưng đã hỏi rồi thì phải hỏi cho chót, thành ra cậu cũng không muốn quay đầu lại nữa.
Nhìn sơ qua chàng trai ngộ độc thuốc diệt cỏ, ai cũng có thể nói rằng anh ta đã nằm nhầm khoa. Một tâm hồn sống lay lắt bằng trái tim khô khốc. Khuôn mặt trông đờ đẫn, mắt nửa khép nửa không. Còn tay chân thì… thật khó để diễn tả thành lời, đơn giản vì thỉnh thoảng chàng trai ấy sẽ co giật, tứ chi sẽ sắp xếp thành một hình thù quái dị nào đó. Họ nói không sai, đơn giản vì anh ấy là một người mắc chứng tâm thần phân liệt, tâm trí không bình thường. Thậm chí, để người này nói một câu hoàn chỉnh còn khó, nói gì đến việc tự khai bệnh. Ấy thế mà anh ta lại có gan uống hết chai Paraquat, đúng là đời thừa mà!
“Vâng. Sự thật là, cháu cũng mắc bệnh tâm lý nên cháu nghĩ là mình có thể hiểu đôi phần về hành động của anh ấy.”
Minh cúi gằm mặt xuống, cố tỏ vẻ sao cho đáng thương nhất. Đúng, cậu là một người mắc bệnh tâm lý, nhưng những gì cậu đang trải qua lúc này quả thực rất hấp dẫn và vui vẻ, chứ không phải đau đớn và khổ sở. Theo góc nhìn khác mà nói, đó cũng là một cái thiệt cho người “đặc biệt” như cậu. Minh nói tiếp:
“Với những người như anh ấy, mọi thứ thật chẳng khác nào một giấc mơ lẫn lộn. Vui có, buồn có, tươi đẹp có, âm u có.”
“Phải, cháu nói đúng. Có những đêm anh ấy không ngủ được, bác phải dậy dỗ dành mãi đến gần sáng rồi mới nhắm mắt được. Mà cháu học lớp mấy rồi thế?”
Minh đặt tay vào ngực mà đáp.
“Cháu á? Năm nay đánh dấu sự kết thúc mười hai năm đèn sách của cháu rồi.”
“Thế à… Anh con nhà bác năm nay hai mấy tuổi rồi mà… Thật tình, có lẽ nó cũng muốn đi tìm sự giải thoát, nhưng ngặt nỗi trái tim trong lòng bác như bị bóp nghẹt lại khi nhìn cảnh nó uống thuốc trừ sâu.”
Người phụ nữ rơm rớm nước mắt. Minh đáp lại bằng ánh mắt ái ngại. Thật khó để có thể chứng kiến cảnh một con người mò đường tới thế giới bên kia. Chắc chắn bất cứ ai khi nhìn thấy cảnh ấy ắt đều thấy đau khổ cực độ. Nhưng Minh cũng cảm thấy thật khó tin với sự xuất hiện của chế độ an tử tại châu Âu. Liệu người nhà sẽ thấy sao khi người thân của họ đang khoẻ mạnh lại sẵn lòng ra đi. Liệu những bác sĩ chịu trách nhiệm cho việc trợ tử có day dứt lương tâm không, khi vốn dĩ đạo đức của họ gắn liền với cứu người?
“Một bệnh nhân như cháu không nên quanh quẩn chỗ này”, người phụ nữ với vẻ mặt lam lũ nói. Hiểu được mình không nên soi mói hơn, Minh đơn giản là nói lời cảm ơn rồi quay lại giường của mình.
Móc cái chai truyền lên giàn treo, cậu học sinh nằm ngả ngớn trên giường, như thể không còn chút sức lực nào. Bệnh tâm thần nói riêng và tâm lý nói chung đã luôn là nỗi đau đầu của giới y khoa trên toàn thế giới. Bởi vì nó liên quan tới não, bộ phận mà chính con người còn chưa hiểu hết. Tất cả những gì con người biết trong hàng nghìn năm qua dường như vẫn chưa được cặn kẽ cho lắm. Những triệu chứng, hành vi và cách ứng xử của người bệnh luôn khiến xã hội phải tránh thật xa, khiến họ, những người vốn đã tuyệt vọng rồi, nay còn đau đớn gấp bội.
Bỗng dưng, hai hàng lệ chảy dài trên gò má Minh. Cậu cảm thấy mình vẫn còn may mắn chán. Nhưng để mà nói thì cậu hoàn toàn chưa hiểu được lý do đằng sau việc bản thân uống hết hai vỉ thuốc giảm đau. Liệu đó có phải một dấu hiệu cho thấy nam sinh này cần phải rời bỏ thế giới này không?
“Mình nghĩ là… có?”, nam sinh tự hỏi.
Minh chớp mắt rồi nhìn vào đôi bàn tay mình. Bất giác, chúng run lên, đi kèm theo là các hình ảnh chẳng mấy dễ chịu chút nào. Những hình ảnh về việc rạch tay, cứa cổ hay nhảy từ mặt đất xuống xuất hiện với mật độ ngày càng dày hơn. Nhưng cái đáng nói ở đây là cảm giác. Phải, chúng chân thực đến đáng sợ. Minh có thể cảm nhận được cảm giác lưỡi dao lướt qua lớp da, để rồi xé toạc nó ra và chảy máu. Hay dòng máu đỏ ối bị rút khỏi cơ thể qua vết rách trên động mạch, cũng như sự đau đớn khi bộ xương bị dập nát, nhất là phần hộp sọ.
“Làm ơn, ai đó hãy đưa tôi ra khỏi giấc mộng chết tiệt này với.”
Minh nghiến răng nghiến lợi, không ngừng rên rỉ. Hai tay cậu ôm chặt lấy đầu khiến mái tóc trở nên rũ rượi. Đây không hẳn là chuyện lạ, nhưng riêng lần này thì khác. Cậu trai không hiểu nổi vì sao cơ thể mình lại phản ứng như vậy. Thực sự, cậu cảm thấy rất buồn nôn.
Song hành với sự gớm ghiếc đó là sự khai mở của giác quan thứ sáu. Minh nhắm mắt lại và cảm thấy mình như đang tan chảy vậy. Đầu cậu bồng bềnh như trái bóng bay, thân thể thì rung lắc hệt tòa nhà trong cơn động đất. Đặc biệt, cả tay và chân Minh run lẩy bẩy. Tuy đã cố thử nhón chân xuống sàn nhà, nhưng tất cả những gì cậu ta nhận lại được chỉ là sự không chắc chắn.
Những giây tiếp theo, đầu óc của cậu học sinh phát ra một cảnh tượng quá đỗi đau khổ: cái chết. Đó là một đám tang nơi mà một Minh nằm trong áo quan, quần áo tươm tất đến lạ thường, mắt nhắm nghiền, da mặt tái xanh. Và ở đó, linh hồn của Minh nhìn thấy chính thi thể của mình được hạ xuống huyệt. Mặc dù cảm thấy hơi rợn người, nhưng thực sự thì Minh cũng đã không ít lần lý tưởng hóa chúng trong những bài thơ con cóc mà cậu viết ra.
Cơn loạn thần kéo dài chừng nửa tiếng thì hết. Khi đó, Minh đã lấy lại được một chút sự bình tĩnh, không còn phải chịu cơn làm khổ mình nữa. Từ một người hoạt bát, cậu trở thành ông cụ già mệt lử nghiêng mình trên giường bệnh. Biết rằng đây không phải điều tốt lành gì, nhưng nó vẫn cứ hành hạ Minh mỗi ngày. Cậu thực sự ám ảnh tới mức đã hai lần định làm chuyện đó thật. Lần thứ nhất, Minh cầm một con dao to rồi kề vào cổ, ngay chỗ động mạch cảnh, nhưng được mẹ phát hiện rồi giáo huấn cho một trận. Lần thứ hai, cậu trai lái xe đến trước cầu Long Biên rồi cởi giày dép ra ở đó. Tuy nhiên, khi làm được nửa chừng thì cậu nhận được tin nhắn nhắc nhở làm bài tập từ giáo viên chủ nhiệm. Và từ cái lý do tưởng chừng như ngớ ngẩn ấy, nam sinh lại được cứu một mạng.
Minh lại ngẩng cổ lên nhìn anh chàng uống thuốc diệt cỏ khi nãy. Anh ta thật đáng thương làm sao, khi không thể nhìn cuộc sống dưới một con mắt bình thường. Và đối với một người còn tỉnh táo như Minh, nhiệm vụ của cậu là phải tiếp tục sống, cho dù thế giới có ra sao. Con người nhất định sẽ được cứu khi tìm thấy người phù hợp.
“Cơ mà mình thấy ngớ ngẩn thật.”
Nhưng rồi một lần nữa, Minh tự lên tiếng với nhận định đó. Vì sao con người sẽ được cứu khi gặp người phù hợp? Chẳng phải đó là chuyện xưa tích cũ trong tuyển tập “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” hay sao? Ngày nay, một con người, nhất là đàn ông, chắc chắn phải có một công việc ổn định, nhà, xe và tính ga lăng với phụ nữ. Với một người như Minh thì đó gần như là chuyện bất khả thi. Cậu còn chẳng biết mình có nên thi đại học không, mù mờ trong câu chuyện vạch ra con đường cho tương lai thế nào, chứ đừng nói tới những điều xa vời đến thế.
Bất ngờ, một nữ điều dưỡng chạy đến bên Minh và nói.
“Chúng tôi đã sắp cho em một phòng mới rồi, hãy thu dọn đồ đạc đi.”
“Hể? Em cứ tưởng là mình sẽ nằm ở đây mãi chứ”, Minh mắt chữ A mồm chữ O đáp.
“Không, chỗ này chỉ dành cho những bệnh nhân cần được cấp cứu thôi. Em đã đỡ rồi nên sẽ tiếp tục điều trị ở tầng trên.”
Nữ điều dưỡng nọ nói rồi lại chạy lăng xăng. Trong khi đó, Minh mò trong tủ chiếc điện thoại rồi mau chóng gọi cho bố. Nhưng chưa kịp nhấn nút gọi thì một bất ngờ khác lại ập đến. Từ cửa khoa chống độc, một nữ bệnh nhân nằm thiêm thiếp được đưa vào bằng xe giường, đến ngay cạnh chỗ Minh đang nằm. Bên cạnh các bác sĩ, có một người phụ nữ khác vừa khóc nức nở vừa cầu trời khấn phật. Kỳ lạ thay, những thầy thuốc dường như rất bình tĩnh trong từng câu chữ.
“Chị có hình ảnh loại thuốc mà bệnh nhân đã uống không?”
Đáp lại các y bác sĩ, người phụ nữ nọ đưa chiếc điện thoại chứa hình ảnh của loại thuốc đó cho họ coi. Cảm nhận được sự gay cấn đó, Minh cũng phải ngồi dậy mà xem. Sau một hồi nhìn qua nhãn thuốc và thành phần biệt dược trong đó, một bác sĩ lắc đầu nói.
“Ái dà, đây là thuốc ngoại cơ à? Ca này lằng nhằng phết…”
Nghe xong câu đó, người phụ nữ lại bật khóc. Chỉ khi này, Minh mới thực sự chú ý đến vẻ ngoài của cô ta. Đó là một người đàn bà tầm ba lăm tuổi, ăn vận khá lịch sự, bên hông đeo một chiếc túi Hermes, khác hẳn với những người nhà bệnh nhân ở đây. Thậm chí, bố của Minh trọng phép lịch sự đến thế cũng chỉ bận áo polo với quần đùi. Tuy vậy, chừng đó cũng là đủ để biết gia thế của bà cô kia khủng tới mức nào.
“Bây giờ phải có người nhà thì mới ký giấy nhập viện được. Chị có phải người nhà của bệnh nhân không?”, một bác sĩ ra vẻ nghiêm nghị.
“Không, tôi chỉ là bạn thôi. Nhưng giờ bố mẹ cô ấy đang ở rất xa, làm sao để họ đến ký giấy nhập viện được?”, bà cô kia đáp.
Minh bị sốc nặng. Hóa ra đó chỉ là bạn của bệnh nhân, nhưng để phát hiện ra được bệnh nhân rồi đưa đến khoa chống độc thế này cũng là cả một kỳ tích.
Các bác sĩ không hỏi gì nữa. Thay vào đó, họ tập trung quan sát để nắm được tình trạng hiện tại. Minh chăm chú quan sát họ. Một người vạch mắt lên, trong khi những người còn lại thử bấm ngón chân, ngón tay hay đại loại là những gì cần để đánh giá mức độ tỉnh táo của một bệnh nhân.
“Tin tốt là bệnh nhân có thể chữa được. May là chị đưa kịp trong khung giờ vàng đấy. Nhưng từ khi bố mẹ của bệnh nhân không có ở đây, chúng tôi sẽ phải linh động hơn. Liệu chị có chịu trách nhiệm để đưa bệnh nhân nhập viện không?”, một bác sĩ chắp tay hỏi.
“Dạ được, được ạ”, người phụ nữ kia gật đầu liên tục. Trong khi đó, vị bác sĩ nọ chạy ra phía cửa khoa, bỏ lại cô ta cùng một số điều dưỡng.
Nhìn người phụ nữ nằm trên giường bệnh, Minh cứ ngỡ cô ta chỉ đang ngủ một giấc say nồng. Da cô ấy vẫn hồng hào, nhịp thở vẫn đều, chỉ là có gọi mãi thì cũng không dậy nổi mà thôi. Minh đoán già đoán non rằng người phụ nữ này cố tình uống quá liều để tự sát, chứ không phải như lý do ngớ ngẩn của cậu. Nhưng để khiến người ta phải bật khóc nức nở thế này thì cũng thật day dứt làm sao. Dù rằng trong đầu nam sinh lúc nào cũng nghĩ về cái chết và đám tang, song làm thế nào để người ta không phải tăng xông vì mình thì khó thực sự. Tuy mọi chuyện có thế nào đi nữa, những người tự sát chỉ muốn rời khỏi thế giới này một cách yên lặng, không ai biết mà thôi.
Cùng lúc đó, người bố của Minh cũng đã tới. Nhìn thấy thằng con của mình chỉ chăm chú vào xem người ta sống chết ra sao, ông cảm thấy đó là một sự vô phép. Ngay lập tức, ông chạy đến vào kéo áo Minh lại.
“Con không nên nhìn người ta như thế, xui lắm đó.”
Minh mắt tròn xoe trả lời:
“Không, chỉ là con có chút tò mò thôi.”
“Ừ, nếu là như thế thì cũng không sao cả, chỉ là con đừng nên làm thôi. Mà con có phòng riêng rồi đấy, liệu mà thu dọn đồ đạc đi”, ông bố thở dài.
“Ô, thế hóa ra là con có phòng riêng thật à, nãy con cứ tưởng cô điều dưỡng kia nói đùa thôi chứ”, Minh ngạc nhiên.
“Ai hơi đâu đi đùa với con. Vả lại, chỗ này cũng chỉ dành cho người cấp cứu thôi, như cái anh tóc vàng hoa mơ tối qua ấy.”
Đoạn Minh cùng bố của mình lục tục khăn gói đồ đạc.
0 Bình luận