Xin lỗi, nhưng bạn cảm thấy thế nào khi cụm từ ‘Hội đồng học sinh’ hay ‘Chủ tịch hội đồng học sinh’ xuất hiện trong những tác phẩm mình đọc?
Gì cơ? Vì sao tự dưng tôi lại hỏi như vậy á? Bởi vì câu hỏi ấy liên quan đến câu chuyện của chúng ta lần này.
Như tôi đã nói ở cuối chương trước, giang hồ chứa đầy những kì nhân dị sĩ. Nhân vật mà tôi muốn giới thiệu ngày hôm nay cũng là một ‘kì nhân’ tương tự như Hầu Tước Kiếm. Nói cách khác, họ cũng là một trong số các tên tuổi thuộc hàng ngũ ‘Những vĩ nhân đã soi sáng Bán đảo Triều Tiên’.
Ở một quá khứ xa vời, Hàn Quốc từng tự hào là nơi xuất thân của các cầu thủ bóng đá hay thần tượng. Thậm chí ngay cả khi nền văn minh sụp đổ, lịch sử ấy vẫn được nối tiếp. Giờ đây, niềm tự hào dân tộc của mỗi quốc gia lại được so đo dựa trên số lượng Thức tỉnh giả tài giỏi mà họ có. Và ở bộ môn mới này, Hàn Quốc chưa từng bị bỏ lại.
Từ ‘Đại Phù Thủy bắt cấp dưới đội mũ nhọn và ở trên tàu hỏa 365 ngày một năm’ đến ‘Hầu Tước Điện hạ biến Hoa Sơn (華山) thành Hoa Sơn (花山)’, thật là một đội hình không khỏi khiến con tim người ta rạo rực. Bán đảo Triều Tiên là đây sao? Vùng đất này—vốn có thể coi là hang ổ của những kẻ lập dị, à nhầm, những vĩ nhân—quả thực không ngừng được ban phước. Và trong số đó, vẫn còn một người nữa tôi chưa có dịp giới thiệu.
Tên, Cheon Yo-hwa. Một cá nhân tung hứng nhiều công việc cùng một lúc, phản ánh thực trạng khó kiếm sống chỉ với một công việc duy nhất của xã hội thời nay.
Nghề nghiệp thứ nhất, học sinh trung học phổ thông.
Khi các quốc gia sụp đổ, hệ thống giáo dục công lập cũng theo đó mà sụp đổ theo. Trẻ con bỗng nhiên trở thành đám thất nghiệp và không còn có thể chọn ‘học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông’ làm nghề nghiệp khi muốn đăng kí tài khoản thành viên trên những cộng đồng Internet. Theo nghĩa ấy, Cheon Yo-hwa là một trong những học sinh trung học cuối cùng của Bán đảo Triều Tiên. Về bậc học, thì cô sẽ tương đương với năm thứ 6 trung học phổ thông[note62590]. Chỉ xét riêng việc này, thì đây cũng đã là một nghề nghiệp có độ hiếm cỡ SSR trong game rồi, nhưng công việc còn lại của cô thậm chí còn độc đáo hơn.
Nghề nghiệp thứ hai, chiêu hồn sư.
Cheon Yo-hwa là chiêu hồn sư duy nhất trên toàn bộ lãnh thổ Bán đảo Triều Tiên.
∗ ∗ ∗
Nhân tiện chúng ta đang nói về trung học, Bán đảo Triều Tiên không còn tồn tại khái niệm ‘quan hệ học đường’[note62591]. Đây cũng là điều không thể tránh khỏi. Việc một người tốt nghiệp từ một đại học tốt đến đâu cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Quái vật đâu có chọn người để ăn thịt dựa vào bằng cấp? Tuy nhiên, xã hội con người không thay đổi dễ dàng như vậy. Nếu không có bánh mì, thì hãy ăn bánh ngọt, và nếu không còn các siêu sao bóng đá, thì hãy thể hiện lòng tự tôn dân tộc của mình thông qua những Thức tỉnh giả. Một mối quan hệ kiểu mới ngay lập tức được thiết lập, để thế chỗ cho quan hệ học đường trong quá khứ.
“Hửm?”
Một ngày nọ, trong khi đang đi dạo vòng quanh bang hội, tôi chứng kiến một cảnh tượng gây sốc.
“Oa, thật sao?”
“Phải, thật đó. A ha ha.”
Là Seo Gyu và Sim Ah-ryeon (Kẻ phản diện Goryeojang) đang cười nói với nhau trong lúc ăn trưa tại một nhà hàng. Như mọi người đã biết, Seo Gyu có vấn đề về kiểm soát cơn giận, còn Sim Ah-ryeon lại là một con nghiện mạng xã hội giai đoạn cuối. DNA của cả hai người họ đều bị khiếm khuyết nhẹ, gây khó khăn cho việc xây dựng một mối quan hệ thân mật với những cá thể Homo Sapiens khác. Một cảnh tượng trông như thể một con hà mã và một con cá sấu đang cùng nhau uống nước trên ốc đảo. Cũng như bao người bình thường khác khi chứng kiến một phép màu, tâm trí tôi không khỏi tràn ngập tò mò.
“Từ khi nào mà hai người thân với nhau thế?”
Chớp, chớp. Trước câu hỏi tới từ người Hội Trưởng đáng kính như trời, hai người liếc nhìn nhau.
“Ờm. Bọn em á?”
“Chúng tôi chỉ là bạn thôi…”
Họ đang hẹn hò với nhau à? Hai nửa trong tôi như đang đấu đá lẫn nhau. Một mặt là thái độ cổ hủ vốn kì thị các mối quan hệ không lành mạnh chốn công sở. Mặt khác là niềm vui của một lão già khi nhìn thấy tình yêu tuổi thanh xuân.
“Không đâu hyung. Em không biết anh đang nghĩ gì, nhưng chắc chắn không phải như thế…”
“Vậy thì sao hai người có vẻ thân thiết với nhau thế?”
“Ý anh là tại sao bọn em lại làm bạn với nhau à?”
Seo Gyu nói như thể đó là điều hiển nhiên.
“Bởi vì bọn em cùng tới từ ‘Ga Busan’.”
“Hả?”
Thật vậy. Thời buổi này, thay vì những mối quan hệ học đường, thì các Thức tỉnh giả lập nhóm dựa trên ‘Hư Vô ban đầu’ của họ nằm ở đâu. Nếu phải đặt tên cho kiểu quan hệ này, chắc tôi sẽ gọi nó là ‘quan hệ Hư Vô’? Vì vẫn liên quan đến một địa điểm, nên đây vẫn có thể coi là một kiểu mối quan hệ. Seo Gyu, Sim Ah-ryeon, và tôi, chúng tôi cùng thức tỉnh ở Ga Busan. Thậm chí cả cái người không thể gọi tên, Bậc Thầy Thôi Miên ‘G’, cũng tới từ Ga Busan này. Trong tương lai, đến vòng lặp thứ 555, Oh Dok-seo cũng sẽ gia nhập đại gia đình Thức tỉnh giả Ga Busan.
“Chắc là… các Thức tỉnh giả không coi Ga Busan như một trường đại học danh tiếng đâu, đúng không?”
“Tại sao không ạ? Chúng ta xứng đáng được coi như vậy mà. Hyung, chúng ta là số một ở trong Hư Vô.”
“...”
Tôi bị sốc. Làm gì có chuyện đó chứ? Nếu không có tôi thì chưa đầy ba tuần, mấy tên nhãi các cậu đã bị lạc ở Ga Busan hoặc nằm gọn trong bụng quái vật rồi! Mà trên thực tế, cho đến vòng lặp thứ ba thì tất cả mọi người ở Ga Busan vẫn chết hết. Thậm chí Seo Gyu, người đàn ông nhanh hơn bất cứ ai, cũng phải mất tận 50 vòng lặp mới thoát được, và đây chính là người giữ kỉ lục về việc đăng xuất nhanh nhất thế giới. Hai đứa ngốc này… Đại học danh tiếng gì chứ?
“Mấy đứa nhóc vắt mũi chưa sạch này. Cái kiểu quan hệ Hư Vô lố bịch gì thế hả! Nếu có thời gian để lo lắng mấy chuyện vớ vẩn như thế, thì tốt nhất là đi luyện tập aura thêm đi. Đúng là tầm phào.”
“Hyung, rõ ràng trông anh còn rất trẻ, mà sao mọi từ anh nói ra đều nghe già thế…?”
“Đúng rồi, kì lạ quá đó. Nếu không vì như vậy, Hội Trưởng chắc hẳn đã rất nổi tiếng…”
Ngay cả khi người Hội Trưởng đáng kính như trời này thuyết giáo họ, sắc mặt hai người vẫn không đổi. Trên mặt họ mang biểu cảm trông như thể đang nghĩ ‘A, lão già lại bắt đầu rồi kìa.’ Đầu tôi quay như chong chóng và hơi thở cũng bắt đầu loạn lên. Tôi là một vô tận hồi quy giả. Định mệnh của tôi chính là giải cứu thế giới này (hoặc không). Tôi thật sự đáng bị đối xử như thế này sao?
“Xin lỗi, Hội Trưởng… Nhưng tôi nghĩ rằng cân nhắc về quan hệ Hư Vô cũng điều đương nhiên.”
“Cô nói gì thế, Ah-ryeon[note62592]?”
“...”
Biểu cảm của Ah-ryeon chuyển sang ‘A, lão già lại cố bắt chước mấy câu nói kiểu cũ nữa rồi,’ nhưng cô nhanh chóng co rúm lại khi gặp ánh mắt của tôi.
“Ờ thì, chẳng phải lần đầu bị rơi vào trong Hư Vô rất đáng sợ sao…? Điện thoại không hoạt động, những sinh vật quỷ dị cứ liên tục xuất hiện, người chết ở khắp nơi… Quan hệ Hư Vô là về những người đồng chí đã trải qua cùng một địa ngục, nếm trải đau khổ cùng nhau. Vậy nên, giữa những người đó chắc chắn sẽ có một mối đồng cảm sâu sắc, phải không…?”
“Hừm.”
“Tôi nghĩ không chỉ bang hội của chúng ta, mà tất cả các bang hội khác cũng sẽ cảm thấy như vậy…”
Sau khi nghe lại lần nữa, tôi nhận ra lập luận của Sim Ah-ryeon cũng không vô lí đến thế.
“Nhưng tôi có nếm trải đau khổ đâu?”
“...”
“Sao? Cô có ý kiến gì à, Ah-ryeon?”
“Không, thưa Hội Trưởng…”
Dù vừa nói câu đó với giọng đùa cợt, nhưng trên thực tế tôi hoàn toàn nghiêm túc. Đây chính là lí do mấu chốt tại sao tôi không thể đồng cảm với xu hướng ‘quan hệ Hư Vô’ thời nay.
Đúng thế. Tôi thấy như mình không hứng chịu đau khổ ở cùng một địa điểm và cùng một thời gian với những người này. Người đã cùng tôi nếm trải khó khăn chỉ có Lão Scho. Với tôi, Hư Vô không phải là ‘Ga Busan’ mà là cả ‘thế giới’—một hầm ngục mà tôi cố gắng qua màn bằng cách lặp lại vô số lần chuỗi hành động: thách thức, tử vong, hồi quy, rồi lại thách thức. Bởi vậy, tôi không thể không cảm thấy gắn bó với Lão Scho, kẻ có chung kĩ năng hồi quy với mình. Tất nhiên, bây giờ không còn cái gì gọi là tình đồng chí nữa. Lúc nào thì cái lão già mắc dịch kia mới hết nghỉ phép mà quay lại chứ? Tôi thật lòng muốn đấm một phát vào mặt lão.
“Chỉ là tôi tò mò thôi, nhưng địa điểm gắn kết ‘quan hệ Hư Vô’ nổi tiếng nhất với các Thức tỉnh giả là gì?”
“Hả? Là Ga Busan.”
“Trừ nó ra.”
“Trừ Ga Busan ạ? Ừm…”
Sim Ah-ryeon ậm ừ trước khi đáp lại tôi.
“...Thế thì có lẽ, là Trường Trung học Nữ sinh Bạch Hoa[note62593]?”
“À.”
Trung học Nữ sinh Bạch Hoa. Tồn tại một ngôi trường tư thục mang cái tên ấy.
Có thể một vài người trong số các bạn đã nghe về ngôi trường này. Mỗi khi mấy bài đăng lá cải kiểu như ‘Những ngôi trường với đồng phục xinh nhất Hàn Quốc’ xuất hiện trên mấy diễn đàn Internet, Trung học Nữ sinh Bạch Hoa thường được nhắc tới.
Khách quan mà nói, tôi không rõ những đồng phục này có xinh thật hay không. Tôi không hứng thú với đồng phục. Nhưng tôi vẫn phải thừa nhận, đồng phục ở đây, nếu nhận xét khách quan thì khá độc đáo. Chúng là những bộ đồng phục thủy thủ kiểu cũ, vốn hiếm thấy ở Hàn Quốc.
- Dải ruy băng trên đồng phục của chúng ta là niềm tự hào của Bạch Hoa.
Câu khẩu hiệu lố bịch ấy được truyền lại giữa các học sinh của Bạch Hoa từ thế hệ này sang thế hệ khác—một truyền thống thực sự kì lạ. Ở đất nước láng giềng Nhật Bản, thì kiểu trang phục này vẫn còn thịnh hành, nhưng xu hướng đồng phục thủy thủ, vốn ban đầu là đồng phục hải quân, chưa từng lan truyền vượt qua Eo biển Triều Tiên. Dù vậy, lí do Trung học Nữ sinh Bạch Hoa mặc những bộ đồng phục phong cách Nhật Bản này (nói chính xác thì, phong cách ăn mặc này bắt nguồn từ Anh Quốc) thực chất đơn giản đến bất ngờ. Bản thân ngôi trường được xây dựng dưới thời thuộc địa Nhật Bản vào những năm 1920.
Trung học Nữ sinh Bạch Hoa là một ngôi trường có bề dày lịch sử ấn tượng. Và giống như đa số các ngôi trường khác, Bạch Hoa được nâng niu và coi như một ‘ngôi trường danh giá’ đối với những cựu học sinh, nhưng lại chỉ tạo được ấn tượng ‘Ừm, vậy thôi à?’ đối với người ngoài. Tóm lại, ngoại trừ bộ đồng phục thủy thủ và hệ thống kí túc xá, thì đây chỉ là một trường trung học A bình thường chuyên về nhân văn có thể tìm thấy bất cứ đâu trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Trong một ngôi trường bình thường như này vẫn có kí túc xá, nhưng các anh chị khóa trên lại khuyên đàn em không nên ở tại kí túc trừ trường hợp bất khả kháng. Số lượng học sinh ở đây đỗ vào các trường đại học danh giá tương đối nhỏ so với bề dày lịch sử, đến mức trong mùa thi đầu vào đại học, trên cổng trường làm bằng đá hoa cương rầm rộ treo đầy những banner ghi dòng chữ “Chúc mừng em này em kia đỗ vào Đại học Quốc gia Seoul”.
- Hả? Tại sao cổng trưởng lại không mở?
- Cũng không thấy bác bảo vệ đâu. Gọi thầy cô đến đây xem sao.
Nhưng rồi Hư Vô ập tới.
- Hả?
- Khoan đã. Các thầy cô đâu hết rồi?
- Chuyện gì đang xảy ra thế…?
Cánh cổng trường đóng lại. Một Hư Vô dạng đóng kín thông thường. Tuy vậy, bản thân thời gian đóng kín lại không hề bình thường: Cổng trường Trung học Nữ sinh Bạch Hoa không mở ra trong suốt 11 tháng.
Năm đó, Trung học Nữ sinh Bách Hoa không sản sinh ra bất kì một học sinh đỗ đại học nào.
∗ ∗ ∗
Trong gần một năm ròng bị đóng kín, tôi không biết các học sinh của Trung học Nữ sinh Bách Hoa đã trải qua những bi kịch nào. Dù sao, tôi cũng chỉ là người ngoài cuộc. Thông tin duy nhất tôi có là ‘con số’ quan sát được từ bên ngoài.
Có khoảng 750 học sinh trong trường. Sau 11 tháng, còn 19 người sống sót. Sau 12 tháng, còn 17 người sống sót, 2 người đã tự sát.
“Ồ, không hẳn là 11 tháng đâu, mà lâu hơn một chút cơ!”
Chỉ đến sau này, tôi mới có cơ hội trò chuyện với một trong số những người sống sót, và tôi xin được trình bày lại ở đây chính xác những gì họ kể.
“Lâu hơn?”
“Vâng vâng. Tốc độ của dòng chảy thời gian trong Hư Vô đôi lúc bị thay đổi mà, đúng không? Không gian cũng biến động ngẫu nhiên nữa. A ha ha. Chắc trường của bọn em cũng thuộc dạng như thế!”
Trong lúc nói chuyện, gương mặt của người sống sót kia dường như không hề có một vết nhăn. Tôi đã từng nghe đâu đó rằng, khi con người ta chấp nhận bất hạnh, thì họ sẽ chấp nhận nó bằng khuôn mặt hoặc trái tim của mình.
“Vậy thì từ góc nhìn của em… Bọn em đã bị nhốt trong trường bao lâu rồi?”
“A, là bốn năm ạ!”
Một số người sẽ gọi đây là bi kịch. Trong số 750 người bị nhốt, chỉ có 19 người sống sót trở ra, và hai trong số họ tự sát. Nhưng dù vậy tôi phải nói, đây vẫn là cả một ‘kì tích’. Ở vòng lặp thứ ba, khi tôi thoát khỏi Ga Busan lần đầu, thì tôi là người sống sót duy nhất. Tồn tại nhiều trường hợp mà toàn bộ những người mắc kẹt trong Hư Vô đều bị quét sạch. Vậy mà nhóm học sinh trung học bình thường này lại sống sót tận 11 tháng, hay đúng hơn là bốn năm, trong một cái bình đóng kín, hoàn toàn cô lập khỏi thế giới bên ngoài, và số người trở ra còn thuộc hàng hai chữ số—chẳng phải đây gần như một phép màu sao?
“Eh, phép màu? Người Đưa Tang-sunbae à, anh đang nói hơi quá rồi—”
Và ở trung tâm của những phép màu, luôn tồn tại một nhân vật chính. Trong trường hợp này, nhân vật chính là chiêu hồn sư duy nhất của Bán đảo Triều Tiên và cũng là số một thế giới, đồng thời là Thức tỉnh giả mà câu chuyện của chúng ta sẽ tập trung vào ngày hôm nay, Cheon Yo-hwa.
“Cố lên, cố lên! Trung học Nữ sinh Bạch Hoa! Fighting!”
“Fighting—!”
Cả 17 người sống sót đều quấn lấy Cheon Yo-hwa.
…Không, để khách quan và chính xác hơn thì tôi phải sửa lại câu văn trên. Cheon Yo-hwa khiến 17 người sống sót quấn lấy cô.
Tôi sẽ nhắc lại chuyện này vào dịp khác, nhưng Cheon Yo-hwa thực sự sở hữu loại tài năng đó. Kĩ năng đối nhân xử thế. Kĩ năng thành lập tổ chức. Kĩ năng phá bỏ rào cản trái tim của một người. Kĩ năng chọn đúng nơi đúng chỗ. Kĩ năng hòa giải. Kĩ năng giải quyết mâu thuẫn trong một tổ chức và điều hướng những mâu thuẫn chưa giải quyết được ra bên ngoài. Cheon Yo-hwa sử dụng tất cả những kĩ năng ấy một cách thành thạo, như thể trong một khắc, cô đã được thần thánh ban tặng năng lực ấy.
Kết quả là.
“Chủ tịch.”
“Chủ tịch Hội đồng học sinh.”
“Chủ tịch Cheon Yo-hwa.”
Đối với những người sống sót của Trung học Nữ sinh Bạch Hoa, ‘Bạch Hoa’ không còn chỉ là tên của một ngôi trường cũ nữa. Một mối quan hệ học đường được gắn kết bởi cùng một địa điểm. Theo xu hướng thời nay, thì đây được gọi là ‘quan hệ Hư Vô’, thậm chí có khi còn sâu đậm hơn máu mủ ruột thịt. Trong khoảng thời gian bốn năm, Cheon Yo-hwa đã thu về 17 Thức tỉnh giả sẵn sàng hy sinh mạng sống bản thân vì cô.
Và cùng với họ, cô bước ra ngoài thế giới lần nữa.
12 Bình luận