• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

Ngày thứ hai: Người đàn ông đạo Thiên Chúa dùng dầu Phật Linh (1)

0 Bình luận - Độ dài: 4,149 từ - Cập nhật:

I.

Một gã mặc áo choàng trông như Thần Chết lúi húi lục tìm gì đó trong thùng rác, loại thùng rác màu xanh cỡ lớn. Cả cơ thể của gã gần như chui tọt vào bên trong, rác rến được moi ra và ném đầy đất. Đủ những thứ bỏ đi, và tất nhiên là bẩn thỉu. Tấm áo choàng đen cũ kỹ và rách rưới, che từ đầu đến chân gã, có cả mũ trùm. Hệt như Thần Chết, nhưng chắc chắn là không phải, trông gã có một cái gì đó bần tiện hơn, thô bỉ hơn, không như một vị thần, dù là Thần Chết cũng không.

Cái mũ trùm đầu nhìn thấy Tịnh, nó vội vã bỏ đi. Không biết tại sao gã lại bỏ đi, mà lại còn vội vã, ban đầu chàng chẳng hề có ý định để mắt đến gã. Song bây giờ bởi vì cái hành động trốn chạy bộc phát ấy mà chàng đã để mắt đến gã mất rồi. Chàng đuổi theo. Gã khoác áo choàng không chạy, chỉ đi một cách rất vội vàng, lách người qua vỉa hè chật cứng hàng quán. Nếu trên thực tế có một tên tội phạm xuất hiện và cố chạy thoát khỏi cảnh sát ở nơi đây thì chắc chắn tên đó sẽ không thể thoát nổi, vì gần như toàn bộ vỉa hè trong khu vực này đều đã bị lấn lướt bởi các hàng quán, chẳng còn chỗ cho người đi bộ, chứ nói gì đến một tên tội phạm.

Gã lách người, cố gắng để không bị ai chú ý. Tịnh bám theo gã, nhưng cũng giả vờ như mình không hề bám theo ai hết. Họ cứ đi bình thường, trông chỉ như hai con người đang gấp gáp đi đâu đó mà thôi. Tấm áo choàng dài như một cái áo mưa, có thể nó đúng là một loại áo đi mưa. Tịnh nghĩ lẽ ra lúc nãy chàng nên xem xét cái thùng rác kia, có thể thứ mà gã lạ mặt đang tìm kiếm vẫn chưa được tìm ra và còn nằm trong đó. Một người lục thùng rác cũng không phải chuyện gì đáng để tâm, có rất nhiều lý do để một người lục thùng rác, Tịnh đi theo gã đơn thuần là vì tò mò: tại sao tên đó lại vội bỏ đi khi nhìn thấy mình? Càng ngày, chàng càng đến gần gã hơn, bởi vì tốc độ di chuyển của gã dường như không thay đổi, chỉ cần chàng tăng tốc một chút là có thể thấy ngay sự khác biệt. Lúc này chàng đã ở ngay phía sau tấm áo choàng, chỉ cách gã khoảng ba bước chân, rất gần.

Đột ngột, gã ngoặt vào con hẻm trước mặt. Một động lực không biết từ đâu, như một phản xạ mà khi thực hiện xong người ta mới nhận ra mình vừa làm gì, chàng với tay nắm lấy áo người đằng trước. Chàng bắt được tấm áo choàng. Và chỉ bắt được mỗi tấm áo choàng.

Gã lạ mặt tựa hồ vừa mới bốc hơi khỏi lớp áo, ngay lúc chàng chạm tay vào thì tấm áo choàng liền rũ xuống. Gã biến mất. Không biết có thể so sánh với việc một con ve sầu thoát xác hay không, nhưng hiện tại thứ còn lại ở đây chỉ có tấm áo choàng da, cũ kỹ, nhưng có vẻ là loại khá bền và đắt tiền. Hoặc không phải do gã vừa bốc hơi mà bởi vì tấm áo choàng này quá rộng nên gã đã dễ dàng rút người khỏi nó và nhanh chóng quẹo vào con hẻm, lợi dụng khúc ngoặt để biến mất. Chàng cầm tấm áo trên tay, ngơ ngẩn mất mấy giây, không biết mình vừa chạm phải thứ gì.

Ngay sau đó, Nhân từ trong con hẻm bước ra. Tịnh không hiểu bằng cách nào Nhân có thể ở đây, vừa lúc gã Áo Choàng vừa biến mất, cứ như thể gã chính là Nhân, hay Nhân chính là gã. Điều ấy làm chàng phải nhìn người đối diện mình với vẻ mặt nghi hoặc. Tên đó cũng bị làm cho bất ngờ, cần vài giây để xác nhận, rồi y kêu lên:

“Ồ, cậu làm gì ở đây thế!”

Một cái bắt tay thiện chí đến cùng với câu chào hỏi. Lẽ ra Tịnh nên là người hỏi, nhưng câu hỏi đã bị cướp mất rồi, chàng vẫn chưa yên tâm khi chưa biết lý do tại sao mình lại gặp Nhân ở đây, vào lúc này.

“Mình đi dạo thôi! Còn cậu?”

“Mình ghé cửa hàng mua một chút đồ vẽ.”

Có vẻ Nhân không phải là tên vừa mới biến mất, y chỉ vô tình xuất hiện mà thôi. Không thể nào có chuyện một kẻ lén lút đã thoát được khỏi tay kẻ đang muốn theo dõi mình, mà còn đột ngột quay lại nói chuyện thân thiết như thế này, nếu là Nhân thì y phải thừa cơ trốn đi ngay mới phải. Tịnh vẫn cầm trong tay chiếc áo khoác dài cũ mèm. Nhân thấy nhưng không đưa ra bất kỳ đánh giá nào, y chỉ hỏi về vụ tai nạn:

“Vết thương sao rồi?”

Như một lẽ tự nhiên, y nhón gót và rướn cằm để nhìn cho rõ vết sẹo trên đầu Tịnh.

Y không hay biết gì cho đến khi chàng đã nhập viện được hơn một tuần. Suốt khoảng thời gian chàng ở bệnh viện, y có đến thăm một hai lần, cùng với hội Táo Tợn. Vì đã ở trong viện quá lâu, lại thêm trước đó chàng và y cũng không thân nhau mấy nên việc gặp nhau ở đây cũng có phần hơi bất ngờ cho cả hai.

“Giờ thì đã ổn, đã có thể nuôi lại tóc được, nhưng vết sẹo này tất nhiên vẫn sẽ ở đó.” Chàng trả lời, tay vẫn cầm khư khư tấm áo choàng chẳng biết cất vào đâu.

“Thế thì tốt quá rồi, vụ tai nạn nghe bảo là khủng khiếp lắm.” Nhân gật đầu.

Nhân không có mặt khi vụ tai nạn xảy ra. Y chỉ được nghe kể lại rằng Tịnh gần như đã chết khi được đưa vào viện, may mắn sống sót thế này có thể xem là một hiện tượng thần kỳ.

Nhân là một thành viên trong hội Táo Tợn, kiểu thành viên để cho có và chẳng mấy khi lộ diện nhưng mỗi dịp đi chơi hay tiệc tùng thì lại đột ngột xuất hiện và vô tư tham gia, riêng về khả năng hội hoạ thì cũng chẳng ai đánh giá cao - tất nhiên là theo những tiêu chí của hội. Y không đẹp nhưng trông lúc nào cũng lịch sự và tươm tất - lại thêm một biểu hiện không được đánh giá cao trong hội nữa. Vì ít xuất hiện và sống mờ nhạt nên đối với Tịnh y không phải là một người bạn quá thân thiết, họ chỉ biết nhau có tồn tại trên đời, vậy thôi. Đến giờ Nhân chỉ có duy nhất một cái triển lãm, số lượng khách đến xem cũng eo hẹp, không gây được tiếng tăm lắm, có thể xem là một thất bại nhưng điều đó không làm y nản chí. Chí của những người làm nghệ thuật thường không dễ gì mà nản. Một số tin đồn về y mà Tịnh biết là y từng đánh nhau với một người trong thời gian đi nghĩa vụ, và “cái ấy” của y cũng ngắn, không quá ngắn, nhưng đủ tiêu chuẩn để gọi là ngắn. Thất bại về nhiều mặt, nhưng nhìn chung vẫn là “một đứa chơi được” theo nhận xét của Hoàng - chủ tịch hội.

Chàng hỏi Nhân mua dụng cụ vẽ ở đâu, chỉ để xác nhận lại là người này nói sự thật. Y chỉ tay vào trong con hẻm, đúng là có một tiệm bán dụng cụ vẽ ở đằng đó, không lớn lắm, nhưng đúng là chỗ bán dụng cụ vẽ. Bên cạnh cửa hàng là một quán nước, la liệt những tên có vẻ là hoạ sĩ, hoặc cũng có thể là những tay bụi đời, hoạ sĩ và bụi đời trông không khác nhau là mấy. Họ ngồi trên những chiếc ghế thấp, mỗi người chọn một thứ rồi hí hoáy ký hoạ lên tập sổ tay, hoặc nói với nhau về tình hình bán tranh, tình hình triển lãm, tình hình của các hoạ sĩ khác, với điếu thuốc vung vẩy trên tay và cái miệng râu ria nhả khói, cố tình để trông thật nghệ. Chỉ bấy nhiêu đó là Tịnh đã hiểu lý do vì sao Nhân lại ở đây, cũng xác định được rằng tất cả chỉ là tình cờ.

“Hội cứ nhắc đến cậu hoài, khi nào thấy khoẻ hẳn nhớ ghé qua thăm bọn tớ.” Nhân nói, vỗ vỗ vai chàng, bên vai không giữ áo choàng.

Chàng nghĩ có khả năng gã Áo Choàng khi nãy là một hoạ sĩ, do một phút bốc đồng từ một cuộc khủng hoảng nghệ thuật và nhân sinh nào đã vứt tác phẩm của mình vào sọt rác, nhưng cuối cùng lại hối hận nên phải lục kiếm lại. Có thể gã đó quen biết Tịnh, thế nên vừa chạm mặt chàng thì gã thấy thẹn và vội vàng bỏ đi. Gã đi đến đây thì hoà vào những người hoạ sĩ đằng kia và biến mất. Suy luận nghe qua có vẻ hợp lý. Và cả tấm áo choàng này nữa, trông cũng khá hợp với một tay hoạ sĩ có nhiều trăn trở.

II.

Đám cháy đã lấn đến gần hơn hôm qua, tốc độ lan rộng không nhanh nhưng có thể quan sát được rõ ràng. Dẫu không biết chuyện gì đang xảy ra song Tịnh đã có thể yên tâm hơn khi xác nhận rằng ngoài chàng thì những người xung quanh hoàn toàn không nhìn thấy nó, có thể là một căn bệnh về mắt, hoặc một căn bệnh về não, không biết có phải là do di chứng của cuộc phẫu thuật hay không. Chàng bỏ ống nhòm xuống, chống tay lên bậu cửa sổ, nhìn bầu trời, nghĩ rằng nếu ngay lúc này có một cơn mưa tuôn xuống xối xả thì sẽ như thế nào, chắc đám cháy ấy sẽ bị dập tắt. Mọi chuyện thường không đơn giản như vậy, những đám cháy lớn tất nhiên sẽ bùng lên vào lúc chẳng có cơn mưa nào, người ta ước chi mưa có thể rơi xuống ngay lúc ấy nhưng không thể. Mùa này cũng không phải là thời điểm dễ dàng để trời đổ một cơn mưa.

Tịnh cầm cọ và vẽ cả ngày. Ít nhất là cho đến lúc nhận ra bụng mình đang sôi réo lên thì chàng mới dừng lại. Có một câu chuyện về những người chỉ được phép ăn những thứ liên quan đến đam mê của họ để sống, nhà văn ăn con chữ trên những trang sách, nhạc sĩ ăn các mảnh giấy kẻ các khung nhạc, nhà báo ăn mực in, đào kép ăn đèn, hoạ sĩ ăn màu vẽ. Chàng không phải họ, nhưng có lẽ màu vẽ còn mắc hơn một bữa ăn của chàng, nên chàng cũng không hy vọng gì vào điều ấy. Nói tóm lại, đó là một câu chuyện quái dị về những người sống với đam mê của mình, đang chui rúc một cách khổ sở vì cái đam mê đó, thứ mà lẽ ra họ có thể sống vui nếu không có nó. Nhưng đó lại là một câu chuyện dài.

Cánh cửa phòng trọ mở ra, con mèo cào cửa lại chạy biến đi, hoặc từ nãy đến giờ chẳng có thứ gì cào cửa cả, chỉ đơn giản là mỗi khi nhìn thấy cánh cửa phòng mình là chàng lại tưởng tượng ra thứ tiếng động ấy. Vừa đúng lúc cô bé ở phòng đối diện cũng mở cửa, hai người chạm mặt nhau. Tuy là hàng xóm nhưng cả hai ít khi chạm mặt. Những ngày đầu dọn đến đây họ còn không hề nói với nhau bất kỳ câu gì, thứ ngôn ngữ giao tiếp của họ là những cái chạm mắt vô tình, và gật đầu một cách hờ hững, gật mà không chắc mình đã gật hay chưa.

Một điều thú vị hơn, mỗi lần cô gái trẻ mở cửa đúng lúc chàng ở phía bên này cũng mở cửa thì ngay lập tức cô sẽ vội vàng đóng cửa lại, giả cách như cánh cửa chưa hề được mở ra. Không phải bởi vì cô sợ chàng, mà chỉ đơn giản bởi vì họ là hàng xóm của nhau, mà hàng xóm của nhau thì phải chào hỏi nhau mỗi khi chạm mặt, dù không muốn. Nghĩa là có những quy tắc buộc lòng người ta phải tuân thủ, gặp hàng xóm thì phải chào nhau là một trong số đó. Vì vậy cô bé đã chọn cách né tránh tình huống chạm mặt với chàng để khỏi phải mở ra một cuộc nói chuyện sượng ngắt, mà kết thúc là lời tạm biệt - phải canh để thốt lên thật đúng lúc và tự nhiên nhất có thể - cũng sượng ngắt. Đáng sợ hơn, lỡ như trong lúc chào nhau mà một trong hai người lại cao hứng nhắc đến một chủ đề gì đó, kéo câu chuyện đi xa tít tắp và sẽ rất khó khăn để kết thúc nó, bởi vì một câu chuyện sẽ mở ra vô số câu chuyện, một câu hỏi sẽ mở ra vô số câu hỏi. Nên tốt nhất là tránh mặt nhau ngay từ đầu, như thế sẽ không có thứ gì dư thừa, thứ gì vô thưởng vô phạt, tốn thời gian và năng lượng của đôi bên, được phép diễn ra.

Song lúc này không phải là tình huống đó, hai người đã chạm mặt nhau, không thể chối cãi hay giả vờ, bởi vì giả vờ không thấy nhau cũng là một điều vi phạm quy tắc ứng xử.

Cô bé có đôi mắt tròn xoe, đeo một cái kính gọng vuông màu trắng bạc, đang là sinh viên đại học, thuần khiết vì được dạy dỗ quá tốt, không có cá tính hoặc “không có cá tính” chính là cá tính của cô. Đáy mắt tròn động đậy khi nhận ra mình đang rơi vào tình huống gì. Chiếc váy dài với những chú cá voi đáng yêu muốn thụt vào sau cánh cửa. Hơn một năm rưỡi qua Tịnh phải nằm điều trị trong bệnh viện, chừng ấy thời gian hai người không gặp nhau, chàng lại vừa qua cơn thập tử nhất sinh. Cả hai tuần chàng về trọ cũng không thấy cô bé lần nào, dù họ sống ở hai phòng đối diện nhau. Một tình huống không thể tránh né. Cô bé buộc lòng phải chào hỏi, phải quan tâm đến tình hình người hàng xóm đáng thương của mình, ít nhất cũng phải có một câu thăm hỏi, nếu không như vậy thì mọi thứ về sau sẽ càng ngượng ngùng hơn nữa.

“Lâu quá không thấy anh! Em nghe nói anh bị tai nạn. Có sao không anh?”

“Suýt nữa thì toi mạng, cũng may là cứu sống được.” Tịnh cúi đầu xuống và chỉ vào vết sẹo cho người đối diện xem, chàng còn chẳng biết tại sao mình lại làm vậy.

“Không sao thì tốt quá!” Cô sinh viên cũng vô thức nhìn vết sẹo để rồi hối hận vì độ kinh khủng của nó, đoạn đưa tay nâng kính.

Cuộc trò chuyện lẽ ra có thể kết thúc ở đó, miễn là một trong hai biết nắm bắt thời cơ nói ra lời tạm biệt.

“Gần hai năm qua có gì mới không em?”

Chàng vô tình hỏi một câu. Cô bé hàng xóm rụt vai lại. Những con cá voi lắc lư. Câu hỏi này đã mở ra vô số chủ đề, rộng đến vô biên. Họ sẽ phải đứng ở đây thêm một lúc lâu nữa, trên hành lang hẹp chỉ đủ cho hai người (mà nếu có ai đi qua thì một trong hai hoặc cả hai phải nép vào phòng mình). Cô hàng xóm tất nhiên là đang vô cùng khổ sở.

Chứng ngại giao tiếp. Tâm lý hướng nội. Không giỏi kết giao. Cảm thấy phiền phức với các mối quan hệ xã hội. Nỗi sợ các cuộc trò chuyện. Cạn kiệt năng lượng khi buộc phải hòa nhập. Lối sống thu mình. Tất cả.

“Cũng không có gì đặc biệt ạ!” Vô-Cùng-Khổ-Sở trả lời.

“Bây giờ em là sinh viên năm mấy rồi nhỉ?”

Như quả bóng được bơm mỗi lúc một căng lên, nội dung câu chuyện ngày càng được thổi phồng, dường như sắp vỡ tung, nhưng nó không vỡ, chỉ căng đến vô hạn.

“Em năm ba rồi ạ.”

“Năm ba thì cực đấy!”

“Dạ.”

“Con mèo kia có làm phiền em không?”

“Con mèo nào ạ?”

“Con mèo của đám nữ sinh phòng 803 và 804. Nghe bảo là được nhặt về hồi tháng trước. Lúc đó anh còn ở viện.”

“À, Tâm Anh ấy ạ?”

Tâm Anh nào?

Ngờ vực, chàng hỏi lại: “Con mèo tên là Tâm Anh à? Tên mèo mà cứ như tên người nhỉ!”

“Dạ không.” Mái tóc đen lắc lắc. “Tâm Anh là tên một bé trong phòng 803. Bé ấy là người đã tìm thấy con mèo!”

“Vậy à!”

Mái tóc đen đột nhiên lúng túng: “Không, em cũng không chắc nữa. Hình như con bé không phải tên Tâm Anh. Chắc em lộn với một người khác tên Tâm Anh.”

Tâm Anh nào?

Dù biết trước cuộc trò chuyện này sẽ rất ngượng, song cả hai không ngờ rằng nó sẽ ngượng đến mức này. Có vẻ như không có ai đang hiểu ý ai cả.

“À, tại vì mấy hôm nay nó cứ đến cào cửa phòng anh mãi, không biết các phòng khác có bị vậy không. Anh đi hỏi thì ai cũng bảo không có, chỉ có em là anh chưa hỏi thử.”

“Tâm Anh ấy ạ?” Cặp mắt kính hỏi lại.

“Tâm Anh nào?”

“Thì cái người cào cửa phòng anh.”

“Không, là con mèo cào cửa chứ không phải cái bạn tên Tâm Anh.”

“Em không chắc con bé ấy có phải tên là Tâm Anh không.”

Tâm Anh nào?

Cuộc nói chuyện của họ lại rối như mớ bòng bong. Chàng nghĩ cả hai nên buông tha cho nhau.

“Thôi chuyện cũng chẳng có gì! Anh đi trước nhé!” Tịnh vừa nói vừa đưa tay lên, chào mà không biết có phải là chào hay không.

“Dạ.”

Chàng cố gắng bỏ đi thật nhanh, cô bé hàng xóm cũng muốn đi nhưng vì thấy chàng đi trước nên đợi cho chàng đi thật xa rồi mới đi. Cô bé sẽ đợi chàng bước vào thang máy và xuống dưới xong mới bắt đầu vào thang máy để đi chuyến sau, để tránh không chạm mặt nhau sau khi một trong hai đã nói lời tạm biệt. Nếu vừa nói tạm biệt mà lại đi cùng nhau hoặc chạm mặt nhau thì sẽ rất kỳ quặc. Tạm biệt cá voi.

III.

Giống như những pho tượng chú lùn được trang trí trong vườn của các khu biệt thự, hay một cái hamburger được nhét quá nhiều thứ, cái gã trông như bảo vệ nhà hàng đứng nép về một bên cổng trọ, cạnh ba cái thùng rác, dường như gã đã thành cái thùng rác thứ tư. Gã muốn bản thân mình trông ít nổi bật nhất có thể nhưng sự cố gắng đó lại phản tác dụng và khiến cho gã càng nổi bật hơn, với làn da đầy dầu, tái xanh, như một cái hamburger di động, với bộ quần áo như đồng phục bảo vệ của một nhà hàng nào đó trong thành phố.

Gã thở hồng hộc, hai bên nách của cái sơ mi đóng mồ hôi thành bệt. Khi nhác thấy chàng ra khỏi trọ thì gã hét lên, vẫy vẫy cái khăn mùi xoa đang được dùng để lau trán.

“Chúa tôi! Vinicius! Chàng Vinicius!”

Vinicius nào?

Tịnh có cảm giác là gã ấy đang gọi chàng, nhưng chàng không phải Vinicius, càng không phải là một người ngoại quốc có một cái tên ngoại quốc. Vinicius. Phải mất vài giây để chàng nhớ ra cái tên này.

“Ông gọi tôi à?” Chàng hỏi chiếc Hamburger.

“Phải, Lạy Chúa! Còn ai ở đây là Vinicius nữa!” Hamburger không biết vì sao lại tiếp tục thở hồng hộc, như thể gã cần nhiều oxi hơn người bình thường để vận hành cái cơ thể chứa quá nhiều chất béo ấy. Cũng có thể là gã đang khó thở thật, vì giọng gã nghe léo nhéo như bị bóp nghẹt trước khi phát ra khỏi miệng

“Không ai gọi tôi bằng cái tên đó cả.” Chàng trả lời.

Hamburger tỏ ra rất biết bản thân đang làm gì: “Nhưng chàng đúng là Vinicius?”

“Vâng, thì tôi là Vinicius.”

Hơi buồn cười, nhưng Vinicius là nghệ danh của chàng. Chàng dùng nó để ký lên những tác phẩm hội hoạ của mình. Vinicius. Cái tên do người bạn hồi đại học từng làm mẫu cho chàng vẽ đã nghĩ ra, chính là người đã chết vì bị chồng bạo hành. Tại sao lại là Vinicius? Chàng đã dùng cái nghệ danh này từ khi bước vào hoạt động nghệ thuật chính thức cho đến nay mà vẫn không hiểu ý nghĩa của nó.

Quo Vadis.” Chiếc Hamburger lẩm bẩm.

“Gì cơ?”

“Của Henryk Sienkiewicz.”

“Henryk Sienkiewicz nào?”

Gã có vẻ thất vọng: “Lạy Chúa tôi! Chàng chọn tên Vinicius mà không biết Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz?”

Thằng cha này ở đâu ra vậy?

Chàng quét mắt đánh giá gã từ đầu đến chân. Một tên bảo vệ nhà hàng, giọng móp méo khó nghe, cổ đeo một sợi dây chuyền có mặt Thánh giá, đồng tính hoặc không, nhưng sùng đạo. Khi nói chuyện, gã cứ lặp đi lặp lại việc gọi danh Chúa của gã. Chúa nào thì không chắc, trên đời có nhiều Chúa, nhưng Thánh giá thì rõ. Cánh tay trái béo núc cũng quấn một sợi dây có treo những hình Thánh giá nho nhỏ. Người gã nồng nặc mùi dầu Phật Linh, trộn với mùi mồ hôi và quần áo mới tạo thành một hỗn hợp mùi đặc trưng, nồng hăng, như mùi của một chiếc xe đò cũ, nếu có thêm mùi thuốc lá nữa là sẽ y hệt. Chàng bật ra một câu hỏi: Người đạo Thiên Chúa có được phép dùng dầu Phật Linh hay không?

“Ông là một người thích hội hoạ?” Chàng hỏi.

Thật rõ ràng, phải là một người trong giới hội hoạ thì mới biết đến cái tên Vinicius của chàng và dùng nó để gọi chàng. Nếu như gã là một thương gia, tài phiệt, trọc phú, cá mập nào đó thì tốt, có khả năng gã đến để mua tranh của chàng, hoặc đặt hàng một bức tranh, hoặc liên hệ để tài trợ, hoặc những viễn cảnh tốt đẹp khác mà một nghệ sĩ có thể mơ đến. Song với vẻ ngoài này thì Tịnh không hy vọng lắm.

“Xin chàng hãy đi theo tôi.” Chiếc Hamburger đưa ra yêu cầu cùng một chút thái độ kính cẩn, như thể đang xin chàng một ân huệ.

“Có chuyện gì thế?” Hai hàng lông mày nhíu lại, chàng có cảm giác vết sẹo trên đỉnh đầu mình đang đập, như vị trí của một mạch máu.

“Lạy Chúa tôi! Nhanh lên nào!” Hamburger thúc bách, gã vòng ra sau lưng chàng và đẩy chàng đi, như đang cố sức di dời một bức tượng.

“Nhưng nhanh lên chuyện gì?” Chàng bị gã đẩy đến mức muốn lộn nhào.

“Chúa ơi! Còn là gì nữa? Thành phố đang cháy!”

Chàng nhảy cẫng lên, bất ngờ hơn những gì chàng đã nghĩ, tin tức mà cái gã trông như một tay bảo vệ đưa ra làm chàng kích động. Người đầu tiên ngoài chàng nhìn thấy thành phố đang cháy.

“Kẻ đốt thành phố sắp trốn rồi!” Tên sùng đạo dùng dầu Phật Linh gần như hét lên với chất giọng như bị ai bóp cổ, rồi chạy đi, thở hồng hộc.

Tất nhiên là chàng vội vàng chạy theo.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận