I.
Đại tiệc ầm ĩ cuối cùng cũng chịu tàn. Buổi tiệc được tổ chức như thể từ trước đến nay cả Hoàng cung này chưa bao giờ có tiệc nên phải làm một lần cho bõ hay sao. Channa vừa thấy mình là một phần của nó mà cũng vừa không. Vì cậu - cũng như những người nô lệ khác, sẽ được nhận một chút đãi ngộ sau khi tiệc tàn như một phần thưởng vì đã hết lòng chuẩn bị và phục vụ - có thể phần thưởng sẽ là những gì còn lại của bữa tiệc, nhưng chút “còn lại” ấy cũng đã quá giá trị với những người như cậu. Nhưng đãi ngộ sẽ đến sau khi tiệc tàn cơ. Tụi cậu là những kẻ làm trước ăn sau, phải phục vụ chủ rồi mới đến lượt tự phục vụ chính mình.
Channa còn chẳng được như thế. Trong lúc những người bạn của cậu đang chè chén say khướt dưới bếp, tụ tập ầm ĩ, hát hò huyên náo thì cậu lại phải cút cung tận tụy hầu hạ cho thái tử và công chúa. Cậu không thể để bản thân lơ là nhiệm vụ. Thế là giờ cậu đứng đây, nhìn ra những bụi hoa quỳnh trắng loá như phát sáng trong đêm, khoanh tay và dựa người vào cột, hai mắt chỉ chực chờ díp lại, đầu gật gà gật gù, để làm nhiệm vụ canh phòng và có mặt kịp thời khi thái tử hay vợ chàng cần sai khiến điều gì.
Thân tộc gia quyến trong hoàng thất đã lui cả về phòng, để lại một bình địa cho những người hầu thực hiện công việc dọn dẹp. Tiến trình là thế: hổ báo ăn trước, kền kền nhặt xương và kiến tha sạch những gì còn sót lại. Rồi những đoàn dọn dẹp cũng làm xong việc của mình. Đèn tắt. Bốn bề lặng ngắt như tờ. Còn Channa thì đứng đây, hồi tưởng đầy thèm khát về những cao lương mỹ vị đã được chứng kiến. Đời nào cậu được mó tay vào những thứ ấy, đời nào cậu được ăn chúng khi chúng còn nóng, khi mới vừa được dọn ra. Đó là một ước mơ quá phận. Rồi cậu nghĩ không biết đối với một đứa trẻ chỉ vừa chào đời được bảy ngày thì việc tổ chức một bữa tiệc thế này có phải là quá đáng không, sinh linh bé nhỏ ấy liệu có gánh nổi nó không? Lẽ ra họ phải kiêng khem chứ! Một đứa trẻ được đón nhận quá nồng nhiệt trước khi nó kịp hiểu mình là ai, mình là “thứ gì”, đã buộc phải trở nên vĩ đại khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Hay hớm gì cho nó? Có phải số phận mỗi người đều đã được sắp đặt từ trước bởi Thần Linh? Việc Channa đứng đây cũng đã được sắp đặt trước, việc cậu sắp ngủ gật cũng vậy?
Mà chuyện thái tử xuất cung đi dạo qua bốn cửa thành chắc hẳn cũng thuộc một sự sắp đặt sâu xa nào? Channa nghĩ ước gì lần ấy mình đã làm gì đó, ngăn cản cơn khao khát bốc đồng của thái tử, hay nói với đức vua Suddhodana đừng để chàng đi, chàng mà đi thì ngài khó mà giữ con mình lại được nữa. Nhưng Channa là ai mà tưởng mình có thể góp lời vào cái chuyện ấy. Chàng đi, vua cha cho phép, Channa dám ý kiến gì? Thế mà người phải chịu hậu quả lại là Channa chứ ai, khi công chúa Yasodhara một hôm chẳng hiểu đã nằm mộng thấy điều gì mà vừa tỉnh giấc liền kiếm cậu và giáng một bạt tay vào má cậu, rồi nàng hét lên như động rồ: “Tên hầu độc ác kia! Mi dám cắt tóc ta!”
Đấy! Channa làm gì mà phải chịu đựng một cái vạ như thế. Tất cả là đều vì thái tử cả, cậu sao lại rơi vào thân phận làm hầu cận thân thiết cho chàng. Và cũng tại cái nguyện vọng muốn bỏ cung điện để kiếm đường tu của chàng nữa. Thái tử ơi là thái tử! Chàng có hiểu cho người dắt ngựa của mình không? Khi Channa phải luôn chạy theo một người quá đỗi lớn lao và vĩ đại như chàng, cảm giác như mình đang đuổi theo mặt trời vậy, để rồi bị thiêu cháy hay sao? Channa đâu phải đồ ngốc, cậu biết thân phận của mình là thế, sinh ra đã là nô lệ thì chỉ có đến thế thôi. Nhưng chẳng phải là họ đã làm khó cậu hay sao? Đức vua bảo vì cậu không canh chừng cẩn thận mà thái tử sau đợt đi dạo chơi về mới càng ngày càng lún sâu vào mong muốn tu hành. Thái tử muốn là chuyện thái tử, Channa biết phải làm sao để không như thế cho được.
Đêm đã rất sâu. Bướm đêm đập cánh bên những đoá quỳnh. Channa mãi nhìn theo một cánh bướm mà lại rơi vào cơn mê man một lần nữa, nhưng khi cơ thể vừa trượt xuống thì cậu đã ngay lập tức sực tỉnh. Không, đợi lát nữa hẳn hay, giờ vẫn chưa thể ngủ được.
Gió đêm reo qua những ngõ ngách trong Hoàng cung, khi nãy nó đã náo nhiệt và hoa lệ bao nhiêu thì giờ lại lặng lẽ và câm bặt bấy nhiêu. Công chúa cùng đứa con đầu lòng của nàng đương say giấc bên trong, và thái tử có lẽ cũng đã đi ngủ cùng vợ và con mình. Bọn người hầu cũng đã tan cái tiệc đãi ngộ nho nhỏ của họ. Hôm nay ai cũng đều đã thấm mệt cả. Ừ, ngủ đi, để mình Channa thức cho các người, có mấy khi cậu được dịp lắng nghe tiếng thở của Hoàng cung trong đêm tối. Nhưng sao đêm nay nó im ắng quá thế! Phải chăng chính nó cũng đã thấm mệt. Bình thường ít nhất cũng phải có vài lính canh đi tuần gác, ấy thế mà bây giờ lại chẳng có ai. Ngủ hết rồi, sao ai cũng đi ngủ cả vậy?
Sương đêm nhỏ lách tách trên những chiếc lá bóng lưỡng căng mướt, con bướm lúc nãy đã bay đi, nhưng giờ thay vào đó là một con khác, đẹp hơn. Con lần này có màu xanh lam, hoa văn như đá quý, nó đang đập cánh trên một đoá quỳnh trắng, dập dờn không tiếng động. Channa ngắm nó và lại bị lơ là để cho giấc ngủ một lần nữa chiếm lấy mình, bây giờ thì cậu ngủ thật, không biết là bao lâu nhưng chắc cũng không quá lâu, có thể chưa tới một khắc. Cậu lại tỉnh dậy, lần này không phải tự mình tỉnh mà là do người khác đánh thức. Một bàn tay vỗ vỗ vào vai cậu.
Giật mình xoay qua, bên cạnh cậu là thái tử Siddhattha, trong tấm áo bào diễm lệ. Siddhattha nhìn Channa bằng đôi mắt tuyệt đẹp của chàng. Cái gì ở chàng mà chẳng là tuyệt đẹp!
“Thái tử?” Channa kêu lên.
Đức vua Suddhodana từng nảy ra một ý tưởng lớn lao: ngài sẽ tạo ra một không gian sống khép kín cho cậu con trai của mình. Siddhattha sẽ lớn lên mà chỉ biết đến những lạc thú ở đời, chàng sẽ không phải nhìn thấy những đau khổ bên ngoài chốn Hoàng cung. Như một chú chim bị nhốt trong chiếc lồng son. Mà dường như chính Siddhattha cũng thật xứng đáng với những điều đó.
Đêm nay, chàng bước đi rón rén, đầu đội khăn, áo bào choàng một bên vai, để lộ phần ngực vạm vỡ và cơ tay tráng kiện, với vô số vòng vàng trang sức. Mái tóc phía sau đen nhánh, xoăn đều khoẻ mạnh, mướt mồ hôi. Và Channa không nghĩ rằng mình còn có thể gặp ai đẹp như chàng. Thái tử như một hình hài được tạo tác từ những gì tốt nhất mà định mệnh có thể có. Lại thêm một người vợ xinh đẹp luôn yêu quý và kính trọng chồng. Tư chất chàng thì cũng chẳng thể tìm được điểm nào để mà chê bai. Chàng sinh ra với mọi thứ.
Chàng có tất cả.
Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là hoàn hảo! Hoàn hảo có nghĩa là gì? Có nghĩa đó là thứ mà Channa và tất cả mọi người đều ngưỡng mộ. Siddhattha là thái tử điện hạ. Channa rất vui lòng được hầu hạ một người chủ nhân là chàng - cậu nghĩ chàng đối xử với mình không bạc, có bao nhiêu nô lệ trên thế gian này được hưởng cái phước phần như thế.
Mà đó lại còn là Siddhattha, nghĩa là chỉ cần là chàng thì mọi thứ đều xứng đáng, mọi thứ đều có cái nghĩa lý riêng của nó khi được sinh ra và đặt bên cạnh chàng. Một người ôm theo tất cả sự ngưỡng mộ và hy vọng của mọi người. Chàng có và sẽ luôn có tất cả.
“Channa, đừng làm ồn! Hãy lẳng lặng mà dắt Kanthaka đến đây cho ta.”
Nhưng có phải thế không, khi chàng thốt lên câu ấy. Siddhattha muốn gì khi chàng đã có tất cả?
“Thưa thái tử, giờ đã trễ lắm rồi! Như chàng thấy, cả Hoàng cung đều đã đi ngủ cả, con Kanthaka có lẽ cũng vậy. Chàng muốn tôi dắt nó ra làm gì?” Channa hỏi.
“Thời khắc ấy đã tới!” Siddhattha trả lời, mắt hướng về những đoá quỳnh ngoài sân.
Channa phải hiểu cái lời giải thích này thế nào đây? Thời khắc ấy? Thời khắc nào? Trên đời có bao nhiêu loại thời khắc? Channa cũng biết, giống như thái tử, thời khắc của cậu cũng đã tới. Nhưng là thời khắc cậu sẽ chết.
“Ta phải đi xuất gia tầm đạo, ngươi đừng cản ta, cũng đừng làm trái ý ta. Mau, dắt Kanthaka đến đây!”
Channa có làm trái ý chàng bao giờ. Trước cái khối tác phẩm được tạo hoá điêu khắc tinh vi ấy, Channa là một tảng đá khác, không tinh vi và tất nhiên cũng không thể gọi là một tác phẩm. Vậy nếu Siddhattha đi rồi thì sao, một cái vạ mới lại đến với Channa, người ta sẽ chất vấn cậu tại sao lại để thái tử bỏ đi vào đêm tiệc bảy ngày tuổi của con chàng như thế, hay bất cứ khi nào, bất cứ thời điểm nào cũng không được để chàng đi. Huống hồ là bỏ đi một cách lén lút, đường hoàng thì sao, lén lút thì sao? Ôi những vị Thần tối cao thấu suốt mọi cõi, cậu phải làm thế nào, biết làm thế nào cho được!
Chuồng ngựa lúc này cũng đang say ngủ.
Những con tuấn mã được tuyển chọn gắt gao phục vụ cho các công tôn quý tộc đứng lặng lẽ phía sau những khung củi sạch sẽ và được quét dọn tinh tươm, chúng còn được phục vụ tốt hơn Channa, đặc biệt là con Kanthaka lừng lẫy. Channa nhớ lại cái hôm Siddhattha đã tranh tài và thuần phục con ngựa dũng mãnh này. Bao nhiêu người trèo lên yên nó cũng đều bị nó đá văng xuống đất, chỉ có riêng chàng, riêng Siddhattha là quy phục được nó. Con ngựa chọn chàng, và hơn thế, định mệnh chọn chàng.
Kanthaka đang ngủ say bên máng ăn đầy cỏ của mình, tiếng thở của nó phì phì, nặng nhọc trong đêm tối, hai cánh mũi phập phồng, cái tai lúc lắc và chiếc đuôi vô thức ve vẩy đuổi muỗi. Channa đến đánh thức nó, vuốt vuốt chiếc bờm bóng bẩy và lớp lông đẹp như phát sáng trong ánh trăng rọi vào qua vuông cửa thông gió của chuồng ngựa. Kanthaka giật mình, lắc đầu nguầy nguậy bất kham, nó phì một hơi và dậm chân thình thịch.
“Kanthaka ơi im lặng nào! Ta biết mi rất khó chịu khi bị đánh thức đột ngột giữa giấc ngủ say, nhưng Siddhattha điện hạ muốn ta dắt ngươi đến cho chàng, ta không còn cách nào khác! Ngươi hiểu không, chủ của ngươi đang có một quyết định quan trọng và ngươi đừng trở chứng vào lúc này, hãy ngoan ngoãn đi cùng ta. Đêm nay sẽ là một đêm dài, rất dài đấy Kanthaka ơi!” Cậu vỗ vỗ lưng con vật, gãi gãi bờm cho nó dịu lại.
Rồi cậu tháo xích, đóng yên cương tề chỉnh và dắt nó ra ngoài. Ánh trăng vằng vặc làm khung cảnh trở nên sáng rỡ ràng. Channa dắt Kanthaka đi, ban đầu chú ngựa còn dùng dằng, phải mất một lúc sau nó mới dần bình tĩnh lại. Nó có hiểu những gì đang diễn ra hay không? Hay nó cũng như Channa, cũng cảm thấy định mệnh là một điều gì đó kỳ quặc, phức tạp và như cái chuồng ngựa, chật hẹp chỉ vừa đủ để sống, bất kể là sống thế nào.
“Sao mi lại chọn Siddhattha, có phải bởi vì bất cứ ai cũng sẽ chọn Siddhattha hay không? Một người đáng ngưỡng mộ như thế! Ta nghĩ rồi đây ngươi sẽ buồn lắm, đêm nay là một đêm dài…” Channa rảo bước quay lại con đường vừa đi, một người một ngựa dắt nhau dưới ánh trăng, rờ rỡ và trắng như sữa. Đêm không tiếng động.
“Khi nãy mi có được thấy buổi tiệc đó không?” Channa lại nói với con vật, nhưng chính ra cậu chỉ đang tự độc thoại với bản thân mình, “Một đêm tiệc thật linh đình tương xứng với ý nghĩa của nó, chúc tụng Rahula bình an chào đời. Ôi Kanthaka, ngươi biết ta đã nghĩ gì không? Ta ước ao mình là một người trong đám thượng khách ấy, ta sẽ ăn cho thoả thê, sẽ thử hết tất cả các món được đem ra, bắt chuyện với mọi cô gái mà ta gặp. Không, ngươi đừng hiểu lầm, ta chẳng bao giờ thiếu ăn thiếu mặc khi ở bên cạnh Siddhattha cả, và điện hạ đối xử với ta tốt đến mức ta không thể mong cầu gì hơn. Nhưng ngươi biết không Kanthaka, làm người ai chẳng muốn được hưởng thụ những điều đó, ta tin rằng tất cả người hầu trong cung điện này đều muốn như thế, nhưng chỉ là tất cả đều giấu đi mà thôi. Mà ta đang nói gì thế nhỉ… Không phải, ta chỉ đang nghĩ đến những điều vô nghĩa thôi…” Cậu lắc lắc đầu, nhìn xuống đôi chân trần của mình đang dẫm lên bãi đá ướt buốt sương đêm.
Một người một vật đến chỗ thái tử Siddhattha đang đợi. Chàng đứng giữa bụi hoa quỳnh, đẹp huyền ảo như một vị Thánh, vẻ đẹp của chàng được màn đêm tôn vinh lên đến mức siêu phàm, những đoá hoa quỳnh như nở ra vì chàng, khoe sắc vì chàng, và sống vì chàng. Siddhattha bước đến vỗ về Kanthaka, xoa xoa chiếc mõm dài, vuốt ve đôi tai lúc lắc. Con vật dụi dụi đầu vào lòng chàng. Channa trao dây cương cho thái tử rồi đứng lùi lại.
Chiếc áo bào của Siddhattha lấp lánh những hạt cườm, chắc là từ lúc tiệc tùng đến giờ chàng chưa lần nào cởi nó ra, một chiếc áo bào thật đẹp và tương xứng với chàng, vừa lộng lẫy vừa vương giả. Chàng cũng đi chân trần, nhưng bàn chân ấy rất khác, cứng cáp nhưng không thô tục, như một đoá hoa, với những ngón dài, thanh thoát.
Đột nhiên, như có gì thúc bách Channa, cậu quỳ sụp xuống dưới chân Siddhattha, khẩn khoản: “Điện hạ! Người đừng đi có được không! Ở nơi này người có tất cả, có những thứ mà không ai có, và đối với những người ở đây, người cũng là tất cả của họ. Đức vua sẽ đau lòng đến mức nào, và công chúa Yasodhara cũng sẽ đau đớn đến mức nào! Phải rồi, Yasodhara, nàng ấy đâu đáng để phải chịu đựng những điều này, nàng đã sinh con cho người, hoàng nam Rahula, chỉ vừa mới đây thôi. Hai mẹ con ấy sẽ nghĩ gì, và cả tôi nữa, nếu không có Siddhattha điện hạ thì tôi là gì, giá trị của tôi là do người mà có, nếu không có người thì tôi còn biết mình là ai nữa. Chỉ có đi bên cạnh người thì tôi mới thấy mình là một thứ có giá trị. Giống như con Kanthaka, giống như mọi người, tôi cũng không muốn người đi theo con đường ấy!”
Siddhattha nhìn đỉnh đầu kẻ đang phủ phục trước mình, hàng mi dài đen tuyền rũ xuống. Chàng dùng biểu cảm nghiêm túc và lời lẽ quyết tâm để đối diện với Channa: “Channa, ngươi có giá trị của ngươi, ngươi không cần dựa vào ai để biết giá trị của mình, không cần dựa vào ta, hay ai khác! Channa, ngươi hãy hiểu cho ta, đừng lưu luyến ta như vậy. Ta tin tưởng ngươi nên mới nhờ cậy ngươi trong thời khắc quyết định này, ngươi đừng làm ta thất vọng.”
“Thần không dám!” Channa khép nép đứng lên, cúi đầu, lặng câm và thu vai lại. Có phải cậu đã để cho những chuyện này xảy ra hay không. Có phải chính những ngày mà Siddhattha rời cung để thưởng ngoạn, cậu đã đi bên cạnh để giới thiệu với chàng mọi thứ, để rồi chàng đã hạ một quyết tâm không thể nào lay chuyển được?
Channa ngước mắt lên để rồi nhận thấy Siddhattha đang nhìn mình. Ôi chao! Sao chàng lại dùng cái nhìn đó với cậu, cái nhìn hun hút, chọc vào tận sâu trong đáy tim Channa, như đang moi hết những điều gan ruột trong cậu ra để phơi bày và đánh giá từng thứ một. Channa luôn luôn bất an khi thái tử nhìn mình như thế, ngài đã hiểu ra điều gì, thấu suốt được điều gì trong cậu.
“Ngươi với ta chào đời cùng một lúc, cả con Kanthaka này nữa.” Thái tử nói.
“Ôi, tôi nào dám nhận một điều như thế! Đó chỉ là người ta kháo nhau đấy thôi, thiên hạ thường đồn đoán và việc của chúng ta không phải là để tin. Chẳng có gì chắc chắn cho chuyện ấy cả…”
“Đó chính là lý do.” Siddhattha cắt ngang lời cậu, “Tại sao đều là tồn tại mà mỗi số kiếp lại có sự khác nhau như thế, ta và Channa, hay Kanthaka, làm cách nào để hiểu được nó, cái quy luật cuộc đời này? Sinh, lão, bệnh, tử. Bệnh tật, đau khổ, đói nghèo, già nua, bất hạnh. Ta muốn tìm cách để giải thoát con người ra khỏi những điều đó. Vì thế mà ta quyết định rời bỏ Hoàng cung để đi tìm thứ chân lý ấy. Nó sẽ là câu trả lời cho tất cả.”
Những bông hoa quỳnh đung đưa trong gió đêm, bướm bay lượn lờ tìm mật ngọt, những cái đập cánh không thanh âm. Thế giới đang ngủ. Chỉ có ba thứ là đang thức.
Channa không thể hiểu. Sao mà hiểu nổi!
Rồi đó, Siddhattha gạt ánh trăng nhảy lên mình ngựa, chàng thúc dây cương, ngó lên bầu trời sao vằng vặc, lại ngó về cung điện nguy nga của chàng. Chàng đã từng có một đời sống như mộng như mơ trong chốn này, nhưng đó dường như không phải là điều chàng muốn. Con ngựa lồng lên sang sảng, nó quay đầu, cất vó định nhắm hướng cửa cung mà lao thẳng đi. Tấm áo bào no gió tung bay, Siddhattha giữ thăng bằng và ghì chặt dây cương. Những bông hoa quỳnh bị chấn động nghiêng ngả, sương đêm văng tứ tung. Channa vô thức nâng cánh tay lên che mặt.
Ngay lúc ấy, quả đất bên dưới họ rùng mình mấy cái, Channa đứng không vững, loạng choạng ngã ra, quáng quàng trờ tay nắm lấy đuôi con Kanthaka. Chưa kịp hiểu chuyện gì, Channa liền thấy mình bị nhất bổng lên khỏi mặt đất, con tuấn mã đang phi thăng lên bầu trời, bỏ lại những đoá hoa quỳnh mà tiến về phía ánh trăng lồng lộng trên cao. Cả ba như đang xông thẳng đến những vì tinh tú.
Tim Channa như muốn nhào ra khỏi lồng ngực, cậu nhận ra mình đang lơ lửng giữa tầng không, giữa cõi trời và đất, thấy mình chạm vào những đám mây còn thế gian thì đang ở bên dưới. Họ lướt qua những toà nhà, những đồng lúa, con đường, lướt qua vô số người đang ngủ say sưa. Con ngựa Kanthaka hí vang một tiếng, rồi phi nước đại giữa không trung.
Gió đập vào tai Channa ù đặc, cậu nhắm mắt lại cho đỡ sợ hãi, cảm thấy hai chân mình chơi vơi không điểm tựa, như chực rơi xuống bất cứ lúc nào. Cậu nín thở, cố sống cố chết bám lấy chiếc đuôi ngựa bóng mượt đang neo giữ mạng sống của mình. Đáng sợ thật! Cậu sợ mình sẽ tuột tay khỏi con Kanthaka và cảm giác là mình đang tuột tay khỏi nó thật, lòng bàn chân bình thường vẫn luôn cảm nhận được mặt đất rắn chắc giờ đã mất đi điểm an toàn đó, nó hụt hẫng trong không khí. Channa muốn hét lên nhưng cơ miệng đã trơ cứng như không thuộc về mình.
Siddhattha không quay đầu lại, không biết là chàng có để ý Channa đang bị kéo theo mình không. Channa thì đang quay cuồng giữa không trung nên cũng không thể biết Siddhattha đang cảm thấy thế nào, nhưng chắc là không thể kinh hãi bằng cậu.
Chẳng biết là đã qua bao lâu, cuối cùng con ngựa cũng chịu đáp đất. Channa bủn rủn cả tay chân, nằm thõng thượt ra đất, đôi chân cậu run lẩy bẩy, cánh tay cũng mất hết cảm giác, những ngón tay quắp lại trong thế cầm đuôi ngựa không sao trở về nguyên dạng được. Cậu loạng choạng đứng lên, để rồi vì đôi chân đã mất hết sức lực mà lại vật ra. Đầu óc choáng váng, cậu nôn thốc nôn tháo, nôn hết những gì mình đã ăn, trái tim vẫn không điều hoà lại nhịp đập mà cứ nổi trống thum thum, miệng thì ú ớ nói không ra lời.
Hỡi ôi, nếu thật sự đây là một thời khắc nhiệm mầu, huyền bí và vĩ đại, thì hẳn Channa là một cái vết bẩn bé tí bị tạo hoá lỡ tay trây trét vào. Một lỗi lầm, một vết ố bị thừa ra, nó bám đeo đẳng trong cái tổng thể tưởng chừng là quá hoàn hảo. Với Siddhattha, với Kanthaka, với những vì tinh tú lấp lánh và cái ánh sáng dung dị kín đáo của mặt trăng. Khi thiên hà lọt vào trong đáy mắt cậu, cậu tưởng như bản thân mình đã bị vỡ ra, nếu cậu rơi từ độ cao như vừa nãy xuống thì hẳn là vỡ thật, nhưng cậu không rơi mà vẫn vỡ, ấy mới buồn cười làm sao.
II.
Siddhattha ung dung bước xuống ngựa, vỗ vỗ nó như khen thưởng, rồi nhìn thấy Channa đã không còn ra hình người phía sau mình. Chàng bất ngờ vì không biết là Channa cũng bị kéo theo, nếu biết hẳn chàng đã để Channa ngồi sau mình cho cậu được thoải mái. Siddhattha đến nắm cánh tay nâng bạn đồng hành của mình đứng dậy, nhưng cơ thể Channa giờ chỉ như một tấm lụa nhàu, run cầm cập trong tay chàng.
Sau khi lấy lại được bình tĩnh, Channa bắt đầu nhìn dáo dác để xác định mình đang ở nơi nào. Cậu thấy một lòng sông rộng lớn, ánh trăng tráng bạc trên những lớp sóng khe khẽ, gió đêm thổi hơi lạnh luồn vào đám lau sậy. Cả cơ thể Channa đã đầm đìa mồ hôi vì sợ hãi nay lại bị thêm khí lạnh xâm chiếm nên cậu cảm thấy mình như sắp bệnh đến nơi. Nhưng đây là nơi nào?
“Ngươi có biết đây là nơi nào không?” Siddhattha hỏi cậu.
Người phi ngựa là Siddhattha, chàng không biết thì làm sao hỏi mà Channa có thể biết ngay được. Cậu cố lục tìm trong trí nhớ, nơi này cũng không hề nhỏ và có vẻ cậu đã từng biết đến rồi. Và cuối cùng cậu cũng nhớ ra.
“Đúng rồi! Đây là bờ bên kia của sông Anoma.” Rồi cái suy đoán ấy lại làm Channa càng thêm hốt hoảng, cậu hổn hển thốt lên. “Ấy nhưng mà… Sông Anoma cách thành Kapilavastu tận 36 dặm đường. Chúng ta đã đến được đây nhanh thế sao?”
“Đã đến Anoma rồi à, hẳn đây là nơi mà ta phải từ bỏ mọi thứ để tiến vào con đường tu tập của mình.”
Siddhattha nhìn về phía trước, Channa không thể biết là chàng đang nhìn gì, có điều gì ở hướng ấy. Rồi chàng thái tử xoã món tóc dài của mình ra, mái tóc đen và bóng, luôn được ủ ấp bằng những thứ nước hoa thơm ngào ngạt, của những loại tinh dầu và dưỡng chất quý giá. Chàng cuộn nó trong một tay, tay còn lại rút gươm, đưa lên xén một phát, và loáng lên, cả chỏm tóc đứt lìa dưới lưỡi gươm bén ngót.
Channa rền rĩ không còn một cái gì: “Thần Linh ơi! Thái tử sao lại làm vậy, mái tóc của người, mái tóc dài và đẹp như thế!”
Nắm tóc trong tay Siddhattha như con rắn đen lặt lìa, dài và rũ xuống, vì không thể cắt cho chuẩn nên sợi ngắn sợi dài, lỉa chỉa như một bó rơm. Chàng vẫn nắm chặt nó trong tay, đưa lên trước mặt mình và nhìn. Một phần cơ thể chàng, một phần của cái chỉnh thể tinh tuý mà ai cũng ao ước.
“Bởi vì nó đẹp nên ta mới cắt đi, nếu cứ để nó như thế thì ta sẽ mãi ý thức về nó. Tu hành thì không cần phải đẹp, càng đẹp thì sẽ chỉ càng gây thêm khó khăn. Ta cắt bỏ mớ tóc này để phát nguyện đoạn hết phiền não và tập chướng.” Nói đoạn, Siddhattha đưa món tóc cho Channa giữ lấy.
Chàng sẽ còn làm gì tiếp theo? Channa không hiểu nổi, những hành động của con người này làm cậu cảm thấy bất an, bất an vì không biết trong chàng sẽ tự động bật ra điều gì mà cậu không thể ngăn cản kịp, nếu đức vua và công chúa đã không thể ngăn chàng thì với sức của Channa làm sao cậu có thể ngăn chàng.
Chẳng còn biết làm gì, cậu quỳ sụp xuống chân của Siddhattha, giơ đoạn tóc của chàng lên cao quá đầu mình, như một thái độ tôn kính. Cậu thấy Siddhattha đưa lưỡi gươm kề vào cổ chàng. Cậu hét lên, gần như muốn ngã bổ ra sau ngất xỉu. Nếu chàng thật sự trở thành rồ dại mà tự giết mình thì Channa có chết mười lần cũng không hết được tội. Nhưng không, Siddhattha tất nhiên sẽ không đi đến cái nước tự giết mình, chàng chỉ miết lưỡi gươm lên cằm và các bên mép để cạo râu, những sợi râu quăng quăng rơi rụng lả chả. Channa vô thức sờ lại chỏm râu trên cằm mình, xuề xoà và lông lá, thứ mà Channa nghĩ nó là biểu trưng cho sự nam tính và vẻ đẹp của người đàn ông, để đàn ông là đàn ông chứ không phải là phụ nữ, Siddhattha cũng đã cạo bỏ chúng đi mất. Xử lý xong bộ râu, chàng còn cạo sát cả chân tóc, biến mình thành một tên đầu trọc kỳ quặc.
Suốt cả quá trình dài dằng dặc dành cho những việc ấy, Channa đã nghĩ gì? Trước nay cậu chưa từng nghe một nhà tu hành nào lại phải cạo sạch hết râu tóc, hẳn là Siddhattha làm vậy là muốn tỏ rõ quyết tâm cho người khác thấy. Sương đêm đánh đàn trên những tán lá, cái đập cánh của con chim nào từ bụi rậm đương lấy đà vụt lên, sông Anoma vỗ sóng bì bõm vào bờ đất ngai ngái mùi bùn, Channa tưởng như những âm thanh xung quanh mình đã bị khuếch đại lên hết mức. Cậu đang nhìn thấy một cái đẹp dần biến mất trước mắt mình, một cái đẹp đã từ giã, nó biến thành một cái khác, Siddhattha vẫn đẹp nhưng là đẹp theo một kiểu khác. Một kiểu hiền lành và chay tịnh hơn. Siddhattha với cái đầu trọc lốc như quả bưởi, thấy được từng chỗ nhô ra và hóp vào của dáng sọ, với phần da đầu bóng hới, với chiếc cằm trụi lủi, nhẵn nhụi như bãi cỏ trong hoàng cung sau một ngày thợ cắt cỏ bước vào và dùng kéo xén chúng đến tận gốc. Phải, chiếc cằm ấy như một bãi cỏ bị vặt sạch. Channa cảm thấy con người khi không có râu tóc thì không khác nào đang khoả thân, đang trần trùng trục trước mắt thiên hạ.
Rút trong người ra một chiếc khăn vuông, Channa gói đoạn tóc của thái tử lại. Cậu thấy trong lòng xốn xang một nỗi gì kỳ lạ.
“Tôi ước người biết được người đang huỷ hoại điều gì. Bao nhiêu kẻ yêu quý vẻ đẹp của người, tại sao người lại muốn phá nó đi, sao người lại đan tâm huỷ hoại hết những gì mình đang có? Hay vì sự yêu thương của chúng tôi dành cho người là không đủ?” Channa thổn thức, nhớ lại những gì mình đã từng nghe người khác nói về Siddhattha. Họ sẽ cảm thấy thế nào sau sự kiện này, họ có tin được không nếu một ngày thứ mà họ ngưỡng vọng bị mất đi?
“Ngươi không hiểu ta. Cái đẹp chỉ là hình tướng bên ngoài chứ không phải bản chất, nếu ta tốt đẹp thì đâu cần ta có vẻ ngoài lộng lẫy để được người khác yêu quý, nếu ta mất đi vẻ đẹp của mình và vì thế mà người khác không thích ta nữa thì rõ ràng họ cũng chẳng đặt ta vào lòng họ lắm đâu, chỗ của ta trong đời họ chẳng quan trọng như những gì họ nói đâu. Nếu yêu thương mà lại do vẻ ngoài quyết định vậy thì chúng ta là gì ngoài những mong ước mà người khác quàng lên vai mình? Ngươi hãy hiểu như thế và tin rằng việc làm này của ta là đúng đắn.” Siddhattha giải thích, đôi mi chàng tắm trong ánh trăng.
Cậu cứ khư khư đoạn tóc trong tay như đang cân xem nó nặng nhẹ thế nào. Khi nhận lấy bó tóc của Siddhattha, Channa có cảm giác tương tự như khi nãy cậu đã nắm lấy đuôi con Kanthaka, hai thứ không khác nhau là mấy.
Thái tử nâng hai cánh tay lên, xem xét những thứ đang được quàng, được thắt, được buộc, được trang trí trên người mình. Chàng chật lưỡi một tiếng, như nghĩ dù có cạo hết râu tóc thì bản thân vẫn chưa ra hình dáng chay tịnh của một bậc tu hành, cần hơn cả là phải thay đổi y phục. Không thể cứ mặc những thứ này mãi được, và cả tấm áo bào nữa, nó thật sang trọng và lộng lẫy, ước gì lúc này có một bộ khác phù hợp hơn để chàng được thay ra.
“Ước gì ta có một tấm áo mới sao cho phù hợp với dáng vẻ của người tu hành!” Siddhattha bảo với Channa.
Channa biết lấy những món đó ở đâu bây giờ. Cậu nhìn quanh. Và cầu được ước thấy, chẳng hiểu sao cậu bỗng nhiên phát hiện một người mặc áo cà sa vàng, trên người giắt cung tên đang từ xa đi tới. Người ấy dáng vẻ đường hoàng, uy nghiêm đến kỳ quặc, khuôn mặt hơi bạnh ra, tướng ngồi trên ngựa vững vàng và động tác nhanh nhẹn. Sao mà khéo thế, giống như từ đâu vừa nhảy ra, giống như một nhân vật đứng trong cánh gà, đợi đến lượt mình là sẽ liền có mặt, làm những gì cần làm và nói những gì cần nói.
Channa hét gọi người đàn ông. Ông ta quay lại, rồi giật giật dây cương, con ngựa quay đầu, lộc cộc về phía họ.
“Ông đi đâu giờ này thế? Đến đây cho chủ tôi hỏi chuyện.” Channa nói với người đang ngồi trên ngựa.
“Trời đã gần sáng, tôi tranh thủ vào rừng để săn thú, như cậu thấy.” Người đàn ông trả lời.
Thái tử nhìn con người kỳ lạ đó, nhìn cánh cung vắt ngang tấm thân bệ vệ, nhìn ống tên đầy ắp mà y đeo sau lưng. Bên bộ yên treo một con thỏ rừng, hẳn là chiến lợi phẩm y vừa săn được, con thỏ ngoặt đầu, chỗ trúng tên máu chảy ra thấm đẫm mảng lông xám.
Chàng hỏi: “Tại sao ông mặc áo của người tu hành mà lại làm ra hành động sát hại như vậy?”
Người đàn ông bất ngờ, nhìn tấm áo trên người mình, rồi lại nhìn con thỏ chết. Rồi như đã hiểu ra, y leo xuống ngựa, nhìn cả hai cười cười: “Thưa ngài, tôi mặc áo này để cho những con hươu, nai, thỏ nhìn mà tưởng tôi là người hiền, chúng sẽ không chạy. Có thế tôi mới săn được nhiều.”
Siddhattha thở dài, ta thán với Channa: “Ta vừa nói thì đã có ví dụ ngay đấy. Vẻ ngoài của con người đến cuối cùng cũng chỉ là một vở kịch mà người ta muốn kẻ khác nhìn thấy mình như thế, chứ chưa bao giờ là bản chất của họ. Nếu chỉ yêu quý và tin tưởng một người vì vẻ ngoài của họ thì sẽ dễ bị dụ dỗ, sẽ nhìn sai và hiểu sai.” Đoạn, chàng xoay qua người thợ săn, “Ông mặc áo thầy tu mà làm việc sát hại, tôi giờ đang muốn xuất gia cầu giải thoát mà không có y phục của tu sĩ. Thôi thì thiết nghĩ, chúng ta hãy nên đổi áo cho nhau là tốt nhất.”
Phải không, Channa nghĩ, khi mà cậu nhìn thấy Siddhattha cởi bỏ cân đai, áo bào, trang sức để thay lên mình chiếc áo thầy tu, khi cậu giúp chàng chỉnh sửa bộ y phục mới. Một bộ quần áo tu thật đẹp, thật sạch sẽ và thật hợp với chàng. Trông Siddhattha giờ đây không còn giống một vị thái tử nữa, với khuôn mặt nhẵn nhụi, cái đầu trơ trọc, trong chiếc cà sa vàng giản dị, dung mạo chàng lúc này thật lạ mắt. Từ giờ chàng đã không còn là thái tử của cậu, hay của bất kỳ ai. Chàng sẽ phải quên đi cung điện, quên đi mọi thứ.
“Trông ta bây giờ thật đúng là ra dáng một nhà tu hành.” Siddhattha nói và tạ từ người thợ săn.
Thợ săn lên ngựa với bộ trang phục của chàng, chỉ để lại tấm áo bào, rồi ông ta lại vòng chiếc cung qua người, đeo ống tên và cưỡi ngựa đi tiếp vào sâu trong rừng. Đằng đông, mặt trời đã ló rạng, Thái tử với thân hình thanh sạch, ngoái đầu nhìn bờ bên kia sông Anoma. Hít lấy một hơi, chàng hạ quyết tâm ra đi. Hoa quỳnh khép cánh. Ánh nắng buổi sớm xiên dài trên mặt đất, lan dần như nước đổ.
“Chúng ta phải chia tay ở đây thôi. Đoạn đường tiếp theo ta phải tự mình bước tiếp.” Thái tử Siddhattha đặt tay lên vai Channa, rồi xếp tấm áo bào của mình lại, “Ngươi đem tấm bào của ta về, dắt theo cả Kanthaka nữa, để mọi người tin rằng ta chỉ đi xuất gia tu hành. Họ nhìn thấy sẽ không phải lo lắng cho ta.”
Làm sao mà không lo lắng được. Channa run rẩy nhận lấy tấm áo rực rỡ.
Phải không, Channa nghĩ, khi mà người có được tất cả như Siddhattha lại luôn muốn phá huỷ cuộc đời hoàn hảo của chàng, luôn không thể cảm thấy hạnh phúc, luôn đau đáu về một điều gì đó mà Channa sẽ không bao giờ hiểu, chàng có thể từ bỏ tất cả những gì mình có để đi tìm thứ đó. Còn Channa thì sao? Cậu muốn được hưởng một chút ấy, một chút ít thôi cũng chẳng được, nên cậu không thể hiểu nổi. Con người ta liệu có thể cư xử như thế được chăng, hay liệu con người sẽ khác nhau nhiều đến thế chăng? Cậu tiếc cho ai? Có phải Channa tiếc cho những gì cậu ước mơ, Siddhattha là ước mơ của chính cậu, thế nên khi thấy chàng từ bỏ tất cả mọi thứ, Channa cũng hụt hẫng như đang nhìn thấy chính mình cũng khờ khạo giống chàng. Từ khi nào Channa xem Siddhattha như một phiên bản của chính cậu ở một cuộc đời khác, để rồi bối rối khi chàng hành động theo những lối mà cậu không thể hiểu. Channa đâu thể nào bảo rằng Siddhattha thật ngốc nghếch trong những quyết định ấy, cậu không có quyền, chẳng ai có quyền, nhưng trong lòng Channa vẫn ôm trăn trở không dứt. Bởi vì thứ mà mình không có được mà người khác lại có và vứt bỏ nó. Cậu có thể thế vào chỗ trống mà Siddhattha đã để lại được chăng, chen chân vào được chăng, vô nghĩa lý, nó có ý nghĩa gì? Cậu thấy mình ngờ vực về chính bản thân, khi đứng đây và bất lực nhìn mọi thứ diễn ra. Nhìn hình tượng mà mình luôn ngưỡng mộ tan vỡ trong cái tranh tối tranh sáng của thế gian. Ước mơ của Channa đã nát vụn ra, nát vụn trong tay cậu, trước mắt cậu, trong tấm áo bào, ngoài tấm áo bào, trong màu vàng của chiếc áo cà sa của một người đàn ông kỳ lạ chẳng biết đã chui ra từ xó xỉnh nào, trong dải tóc xoăn xoăn đẹp đẽ được gói lại trong một cái khăn vuông. Channa ứa nước mắt, như người ta ứa nước mắt khi thấy ước mơ của mình tan vỡ, hạnh phúc của mình tan vỡ và chính mình cũng chẳng còn được lành lặn từ giờ đến mãi sau.
Siddhattha nhìn khuôn mặt đầm đìa của Channa, chàng hỏi: “Ngươi có đang sợ không, nếu chốc nữa về Hoàng cung và đối diện với những câu hỏi cùng những lời trách mắng từ tất cả mọi người.”
Quệt nước mắt, hít hà, Channa lắc đầu: “Chỉ có việc phải trở về một mình là đáng sợ, còn việc mọi người trách mắng tôi ra sao thì không?”
“Tại sao việc về một mình lại đáng sợ.”
“Tôi không biết mình là ai nữa.”
“Ngươi là Channa.”
“Như thế thì nói làm gì.” Channa gục đầu xuống, rúm ró cả người, nước mắt rơi lã chã trên tấm áo bào.
“Con người xa nhau nhưng nếu tâm luôn hướng về nhau thì dẫu xa cách mấy cũng xem như là gần. Ngươi hãy về Hoàng cung, nói với vua cha rằng ta không quan tâm đến quyền thế hay bất kỳ sự tôn vinh lễ trọng nào, ta sinh ra trên đời không phải là mong cầu dục lạc, không khao khát lạc thú. Việc ta bỏ đi cũng không phải vì bất hiếu hay giận dỗi bất cứ ai, ta chỉ ra đi để tìm chân lý và lời giải cho chính mình. Mong vua cha đừng đau buồn vì ta.
“Nếu ngài nghĩ ta còn quá trẻ để xuất gia thì ngươi hãy bảo ngài rằng chẳng có thứ gì gọi là thời điểm thích hợp cả, mạng người là vô thường, chúng ta phải làm điều mà mình muốn ngay khi có cơ hội. Và nói với Yasodhara rằng người ta ân ái rồi cũng sẽ có ngày phải ly biệt, chỉ là sớm hay muộn, ta đi để tìm con đường giải thoát tất cả ra khỏi đau khổ trong đời. Thế nên nàng và mọi người đừng quá chìm đắm trong đau buồn, mà ngược lại nên cảm thấy vui cho ta, vui vì ta đã có thể làm theo những gì mình muốn.”
Lúc đó, đương lắng nghe những lời dặn dò của Siddhattha, Channa thấy một cánh chim bay vút lên từ trong bụi rậm, âm thanh xào xạc của bụi cây dại rớt lại phía sau. Channa thấy một phần của mình đã bay theo cánh chim ấy, chỉ bỏ lại cái thân xác đang loay hoay dưới mặt đất ngóng theo. Cậu nghĩ về cuộc đời đã qua và cuộc đời sắp tới, sẽ khác thế nào, đổi thay thế nào, khi chỉ có cậu đứng đây làm chứng cho chuyến ra đi của một người, mà chắc là phải lâu lắm mới có ngày hội ngộ. Một nỗi bất an chùng chình đưa đẩy Channa, cậu như kẻ đang đứng bấp bênh trên một khúc gỗ nổi giữa dòng Anoma.
Đã nói xong những điều cần nói, Siddhattha quay đầu, cất bước rời đi. Con Kanthaka hí vang, Channa kiềm cương ngựa, không để nó đuổi theo chủ. Người tu sĩ đi trong nắng sớm, khuất khỏi ngọn đồi, đi về đâu, không rõ là về đâu. Con vật lồng lên, hí từng tràng dài, nó rền rĩ như bị trúng lao giữa chiến trường. Bốn cái vó dậm thình thịch, rồi hai chi trước bất ngờ cất lên giữa không trung, nó chực nhào ra khỏi dây cương. Song hơn cả Channa ở đó, dường như có một thứ gì cũng ngăn cản Kanthaka, con ngựa không thể xông về trước. Channa kiềm nó đã đành, nhưng sức cậu bình thường làm gì đủ để ngăn Kanthaka, chắc là do một điều khác nữa mà cậu không nhìn thấy được đã giữ nó lại giúp cậu.
“Kanthaka, con vật bất kham này! Chẳng lẽ ngươi không nghe Siddhattha điện hạ vừa nói gì sao? Người từ giờ phải đi tiếp một mình, ta và mi không ai có thể đi theo được. Con vật tội nghiệp, ngươi đừng nghĩ rằng mình có thể thay đổi được gì, có thể mong muốn được gì và quyết định được gì. Hãy yên nào, đừng có lồng lên như bị dại thế, mi không hiểu sao, hay là không chịu hiểu? Chúng ta về thôi! Đêm qua đã là một đêm dài và chắc ngày hôm nay cũng sẽ dài lắm. Nhanh bốn cái chân của mi đi nào, cả Hoàng cung có lẽ đã náo động hết lên rồi!”
Gói tấm áo bào lại, cất vào tay nải buộc trên yên, Channa trèo lên lưng Kanthaka, thúc dây cương, ép hai chân vào thân con vật, cậu buộc nó quay đầu ngược hướng mà Siddhattha vừa rời khỏi. Những bắp thịt của Kanthaka căng cứng, lúc nào nó cũng hùng dũng như thế, như đá như đồng, lại khoẻ mạnh và đi được rất xa mà không mệt mỏi. Một con vật thật đẹp và thật đáng tự hào.
“Mi tưởng chỉ có mình mi biết buồn hay sao, hỡi con vật tinh khôn! Ta cũng không hiểu đâu, chúng ta sẽ không thể hiểu đâu. Những điều ấy có lẽ nằm ngoài chúng ta, nằm ngoài sự tiên liệu của tất cả mọi người. Ta cũng như mi thôi, ba người chúng ta đều được hạ sinh cùng một lúc - ấy là mọi người nói thế - nhưng đến giờ chúng ta lại chẳng làm được gì cho nhau, chẳng thể hiểu được nhau và có lẽ mãi mãi cũng vẫn vậy. Về đã rồi tính, thật thích khi làm một con ngựa, ngươi sẽ không phải chịu trách nhiệm gì về việc này.”
Tuy trời đã sáng nhưng bóng trăng vẫn còn treo trên đầu, nó sẽ biến mất khi mặt trời toả rạng và chiếm lĩnh mọi thứ, bóng trăng cũng như Channa, nó là thứ nương nhờ ánh sáng của mặt trời để chính mình có thể được người khác biết đến sự tồn tại, không ai có thể thấy mặt trăng nếu không có chút ánh hào quang được san sẻ bớt từ mặt trời.
Channa đột nhiên thấy bên má mình bỏng rát, cậu nhớ lại cái tát lúc trước của Yasodhara đã tặng cho mình. Nàng đã không sai khi đánh Channa, bởi vì những gì nàng mơ thấy khi đó đã ứng nghiệm, Channa và tất cả mọi người đã đi vào con đường mà số phận đã sắp đặt. Và cậu phải chuẩn bị cho một trận đánh nữa khi về đến Hoàng cung, biết đâu. Ai cũng đoán trước được chuyện sẽ xảy ra nhưng họ vẫn không thể tránh khỏi đau khổ và trút nó lên người khác. Người khác ở đây là Channa.
Con ngựa dẫu bình thường sung sức là thế nhưng giờ nó lại rũ rượi, bịn rịn cố lê từng bước chậm chạp theo con đường đất, trông nó tiều tuỵ, mệt mỏi và như đang bất mãn với điều gì. Đấy, chính nó cũng đang trách Channa, nó còn trách ai được nữa. Cứ trách đi, rồi cũng chẳng thay đổi được gì. Mi không thể thay đổi một điều mà mi không hiểu. Còn Channa thì sao? Giờ chỉ có cậu một mình, cũng chậm chạp nhúc nhắc tìm thuyền để qua sông, trở về cung điện.
Con đường này thật dài, thật dài, tận 36 dặm cách Kapilavastu. Channa đưa tiễn Siddhattha mà tưởng như đã đưa tiễn cuộc đời mình, biết đâu.
“Mi nghĩ mi được Siddhattha cưỡi thì mi cũng trở nên oai phong như chàng sao? Mi nghĩ mình hơn những con ngựa khác à? Phải rồi, chính mi đã chọn chàng mà nhỉ, khi người khác chỉ vừa mới leo lên lưng mi thì liền bị mi hất xuống. Mi chỉ chịu trao vinh hạnh ấy cho một mình chàng. Mi cũng biết tính toán cho thân phận của mi lắm. Mi tin rằng khi mình kề cận Siddhattha - một người đặc biệt trong mọi người, thì mi cũng sẽ trở thành một con ngựa đặc biệt trong mọi con ngựa. Chứ gì? Mi đừng quên bản thân cũng chỉ là giống súc vật, súc vật thì khác, súc vật thì dù có đặc biệt cách mấy cũng vẫn luôn là súc vật. Kanthaka đáng thương! Rồi đây mi sẽ là gì nếu không là thú cưỡi của Siddhattha điện hạ? Mi đã lỡ làm trò không chịu dung người khác, mi đặt điện hạ ở vị trí độc tôn thì khi điện hạ rời đi, mi sẽ thành ai?” Channa vẫn lèm bèm nói với con vật, bất chấp là nó có hiểu những gì cậu đang nói hay không.
Người cậu lắc lư qua lại. Cuối cùng họ cũng đã qua được sông Anoma, bây giờ chỉ cần thong thả rảo bước về cung nữa mà thôi. Mặt trời đã ló dạng hoàn toàn, ánh sáng của nó toả ra che mờ hết trăng sao, chỉ độc tôn mình nó.
III.
Nhìn những tấm lưng gù gù bên dưới ruộng lúa, nhìn những đôi vai quàng gánh ra phiên, nhìn những con người nhộn nhịp trong bình minh, tất tả chuẩn bị cho một ngày lao động. Cái lúc mà thái tử Siddhattha lên đường đi tìm chân lý, cuộc sống vẫn đang diễn ra, người nào vẫn lo chuyện người nấy. Có đúng thế không, khi những sự kiện trọng đại của thế gian diễn ra với những con người vĩ đại, thì những con người khác (không hoặc ít vĩ đại hơn) vẫn đang làm những công việc của mình, vẫn đang tiếp tục cuộc sống như không có gì đặc biệt. Họ có biết không? Làm sao biết được, Channa nghĩ.
Cậu nhớ về cái ngày mình được đưa vào Hoàng cung để hầu hạ những công tôn quý tộc. Cậu đã choáng ngợp trước sự lộng lẫy nguy nga của nó, choáng ngợp trước những gì mà người ta có thể tạo ra, và trước những con người tôn quý mà xa lạ, họ ngồi đó như những bức tượng được dát vàng và đính đá. Channa không nghĩ đến một ngày mình sẽ là người có được vinh hạnh hầu hạ bên thái tử Siddhattha, con người mà cậu hiếm hoi đôi lần chỉ dám ghé mắt nhìn một chút khi chàng và đoàn tuỳ tùng của chàng đi qua trước mặt. Để rồi giờ đây Channa đã thành một chàng trai, cũng xứng đáng với vị trí của mình, cũng là một người tin cẩn, làm việc có trách nhiệm, không bao giờ để xảy ra sai sót. Con Kanthaka còn biết chọn lựa số phận của nó, cậu đã chọn lựa điều gì? Và Siddhattha cũng đã chọn lựa số phận của chàng, tuy lựa chọn ấy đã làm cho Channa hụt hẫng, nhưng Channa thì khác, không giống, không thể giống, Channa chỉ việc cưỡi Kanthaka quay về và đó là tất cả.
Ánh mặt trời ấm áp đã nhô cao, da thịt của Channa sau một đêm đẫm sương và bị gió trên sông Anoma làm cho nhiễm lạnh giờ đây đang dần được hong khô và hồng hào trở lại. Con ngựa cũng khô ráo, rạng rỡ hơn dù cho nó hẳn vẫn còn rất buồn, và sẽ còn buồn lâu lắm.
Channa sắp xếp lại suy nghĩ của mình. Cậu sẽ nói gì khi về đến Hoàng cung, và mọi người sẽ ra đón cậu như thế nào? Đặc biệt là Yasodhara, người mẹ của đứa con chỉ vừa mới ra đời được bảy ngày, nói dại, lỡ như công chúa phát điên lên rồi làm gì đó tổn hại đến bản thân, hay tổn hại đến đứa con, hay tổn hại đến chính Channa, thì cuộc đời hẳn sẽ khác đi nhiều lắm. Channa xua đi suy nghĩ đó, chẳng có đâu, sẽ không có một kết cục như vậy. Siddhattha điện hạ biết là sẽ không như vậy nên chàng mới an tâm mà rời đi chứ. Nên sẽ không thể nào như vậy đâu!
Nhưng sao mà khó chịu thế nhỉ! Channa có cảm giác người đi đường ai cũng đang soi mói mình, những ánh nhìn của họ như đang xoáy vào mình. Rồi cậu để ý thấy, hình như đó không còn là cảm giác nữa mà đúng là vậy thật, ai cũng đang nhìn mình. Cậu thắc mắc, và vỡ lẽ. À! Ra vậy! Con Kanthaka, một con ngựa đẹp và vương giả, một con ngựa mà chỉ cần nhìn bề ngoài cũng thấy được rằng nó không tầm thường. Hẳn người ta đang thắc mắc một kẻ trông như Channa tại sao lại cưỡi một con ngựa đẹp như thế. Có khi họ còn đang nghĩ chắc cậu vừa mới lấy cắp nó từ đâu. Trông có giống vậy không?
“Chà! Mi xem này Kanthaka, mi là một con thú thực đẹp, thực đáng tự hào. Nên là mi đi nhanh lên giùm ta. Mi hãy tranh thủ mà về cung điện. Mi cứ rề rà đến là sốt ruột, ta cũng chẳng yên tâm khi đi cùng với ngươi đâu, trước ánh mắt của bao nhiêu kẻ lạ mặt không hiểu gì! Nên là mi làm ơn vội lên giúp ta với, phi nước đại đi, tung vó của mình đi chứ!”
Thay vì thúc dây cương, Channo lại cúi xuống, thì thầm vào tai con ngựa, tay xoa xoa bờm và cổ nó. Nhưng con Kanthaka lúc này lại chẳng nghe lời cậu, nó vẫn ê a từng bước, như thể sau một đêm vừa qua nó đã đuối sức lắm rồi.
“Tối qua mi còn phi thăng lên trời được cơ mà, đừng có tỏ vẻ lề mề như vậy chứ!” Channa cũng đành bó tay. Một người một ngựa cứ nhấm nhẳng mà bước về phía trước.
Channa tò mò không biết Siddhattha điện hạ sẽ đi về đâu, ngoài cung điện ra chàng còn biết nơi chốn nào nữa trên đời? Có lẽ chàng sẽ gia nhập vào đoàn tông đồ nào đó, cùng tu tập với bọn họ, con đường ấy cầm chắc rằng không dễ dàng. Nhưng Channa lại không nghĩ đến trường hợp thái tử sẽ bỏ cuộc, không, Siddhattha không cho người khác cảm giác là chàng sẽ bỏ cuộc điều gì, một khi chàng đã quyết tâm.
Cả hai ghé lại bên đường để nghỉ ngơi. Channa để cho Kanthaka mặc sức gặm cỏ, còn mình tìm một bóng râm để ngồi xuống, lấy túi nước ra tu ừng ực. Cậu nhìn con ngựa rồi lại nhìn tay nải cắp theo bên người, trong đó là búi tóc của Siddhattha và áo bào của chàng.
Và Channa nhớ đến ánh mắt của những người đi đường nhìn vào mình khi mình ngồi trên lưng Kanthaka. Ánh mắt của họ. Cậu ngước lên bầu trời, một chú chim cất cánh rời tổ, nó đập đập, rồi lấy đà vụt bay lên, chao liệng. Con ngựa hí vang. Cậu nhớ lại người thợ săn đã đổi áo với Siddhattha, ông ta cũng có con ngựa rất đẹp, cung của ông ta cũng rất đẹp, ông ta là ai mà xuất hiện ở đó vào lúc đó? Những đoá hoa quỳnh trôi ngang tâm trí Channa, cánh con bướm xanh như đá quý.
Cậu bất giác rùng mình.
Máu nóng dồn lên mặt, lan cả tứ chi, Channa đứng phắt dậy như người vừa ngồi trúng lò lửa. Cậu hết xoay hướng này rồi lại xoay hướng kia, nhìn nhìn ngó ngó. Nơi này không có ai, chỉ một con đường mòn băng thẳng qua cánh đồng, chỉ có cậu và Kanthaka.
Xác nhận được điều ấy xong. Hơi thở cậu đột nhiên trở nên gấp gáp, hốc mắt nóng bừng, khuôn mặt thì đỏ ửng lên. Cậu thò tay lấy chiếc áo bào của Siddhattha ra, tung nó lên để ngắm nghía cả hai mặt. Rồi dường như có một ý định táo bạo, táo bạo nhất đời mình bỗng khởi sự bùng lên trong Channa.
Cậu chầm chậm khoác nó qua vai. Một tấm áo dày và thật đẹp, đính hạt lấp lánh, màu sắc rực rỡ, đỏ au, vàng rực, trắng sáng. Nó vẫn còn ấm và tất nhiên là ấm.
Channa chạy về phía Kanthaka: “Kanthaka! Mi xem, ta mặc áo bào của thái tử điện hạ trông thế nào?”
Cậu xoắn xuýt như trẻ được quà, xoay qua xoay lại, bung tấm áo ra rồi lại quấn siết nó vào người mình, khoe khoang nó với con vật.
Nhưng Kanthaka vẫn thờ ơ gặm cỏ, con vật luôn thờ ơ như thế, chẳng có biểu hiện gì. Nó chỉ ngẩng cổ lên nhìn Channa, đôi mắt to tròn xác nhận hình ảnh trước mặt xong rồi thôi. Giống như ai kêu nó thì nó ngẩng lên cho biết vậy, rồi thấy chẳng có gì thì nó lại cúi xuống tiếp tục bữa ăn của mình.
Gật đầu, Channa cởi tấm áo choàng ra vắt lên cánh tay, xoa xoa lưng con vật, “Phải rồi, Kanthaka! Chẳng có gì đặc biệt đúng không!”
Cậu im lặng cất tấm bào vào tay nải, xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Rồi nhảy lên lưng ngựa. Hai kẻ ấy lại tiếp tục hành trình.
Phải một khoảng thời gian dài sau họ mới về đến vương đô. Từ xa, Channa đã thấy những hàng binh lính đông đảo tụ tập trước cung điện, vô số lính gác, hầu cận được triệu tập ra, vô số tuấn mã đứng xếp hàng, giáo mác chỉa lên trời. Và khuất ở một góc, quốc vương Suddhodana và hoàng hậu cùng các phi tần, cả công chúa Yasodhara ôm theo Rahula, tất cả đều đang chộn rộn, hoảng loạn, lo lắng.
Nhác thấy bóng Channa đến gần, tất cả họ ùa cả ra. Hẳn đây là lần duy nhất trong đời mình cậu được đón tiếp khi về cung một cách hoành tráng như thế này, tất cả là nhờ Siddhattha, nhờ ánh sáng của chàng. Nhưng ánh sáng ấy giờ đã không còn nữa.
Họ nhìn thấy gì? Channa càng đến gần, họ càng nhận ra được cái điều cốt lõi: thứ họ lo sợ đã xảy ra. Yasodhara ngã vật ra đất. Quốc vương Suddhodana chỉ trỏ, hét hò cái gì đó với bọn quân lính. Hoàng hậu và những phi tần xinh đẹp của ngài thì nhốn nháo loạn xị.
Channa chẳng nghe thấy gì, chỉ quan sát được những hình ảnh đó, nhưng cậu cũng đoán ra được ít nhiều nội dung. Cậu nhìn thấy bên cạnh họ là những bông hoa quỳnh trắng đã khép cánh, rũ xuống, những bông hoa nở căng tràn rực rỡ vào tối qua giờ chỉ còn là những nụ trắng bé tẹo và buồn bã, nép sau lần lá xanh.
Channa, trên lưng con Kanthaka, di chuyển chầm chậm về phía Hoàng cung, tiến về phía bọn họ. Sau một đêm tiệc tùng và một giấc ngủ dài, giờ đây, tất cả đã tỉnh giấc.
Họ tỉnh giấc để đón Channa, dù cậu biết thừa là bản chất không phải vậy, nhưng nhìn thì đúng là họ đang túa ra để đón cậu thật. Channa dừng lại trước họ, cậu chậm rãi bước xuống ngựa, đối diện với vô số ánh mắt đang hướng vào mình.
Tất cả đã tỉnh giấc.
3 Bình luận
🙏🙇