I.
Một biểu hiện của xã hội gia trưởng, một hậu quả của chế độ nam quyền, một sản phẩm của thời bạo lực, một biến thái của đời sống quân ngũ. Lão già thụi quả đấm với tư thế đẹp mắt, đẹp mắt hơn những gì mà một ông già ở độ tuổi đó có thể làm được, vào giữa mặt của nhân viên thu ngân. Khung cảnh náo động. Cô gái trẻ xếp hàng sau chàng đưa bàn tay đang cầm một tuýp kem đánh răng cỡ lớn, một cây bàn chải, một gói bông tẩy trang loại 100 miếng và một thanh kitkat lên che khuôn miệng hốt hoảng, chắc là cô nghĩ bản thân có thể cầm hết đống đó bằng một tay nên đã không lấy giỏ. Bác gái lớn tuổi đứng sau cô thì ôm tim, gần như sắp xỉu vào lòng cậu trai trẻ đeo airpod, mặc quần nỉ, áo ba lỗ khoe cơ bắp, phía sau mình. Hai nhân viên đang xếp đồ lên quầy bên trong chạy đến, người nam đeo khuyên tai, kính cận, lúng túng, còn người nữ có vẻ chuyên nghiệp hơn, mặt lấm tấm tàn nhan và đang nhai kẹo cao su. Một tập hợp lạ lùng trong một cuộc náo loạn kỳ quặc.
“Ôi trời ơi!” Bà bác hét lên ngay khi ông lão hoàn thành trọng trách dạy-cho-đám-thanh-niên-hỗn-xược-một-bài-học của mình.
“Đồ láo lếu, mày dám nói chuyện với người bằng tuổi ông bà của mày như thế à? Ai dạy mày nói chuyện kiểu đó. Tụi tao khổ cực và hy sinh để tụi bây được sống sung sướng như ngày hôm nay. Tụi bây ăn ngon mặc đẹp rồi nên chẳng xem ai ra gì nữa.”
Một cựu chiến binh, một bóng ma thời chiến, một người lạc nhịp giữa cuộc sống hiện đại, nhạy cảm với quyền lực và không quyền lực. Hay một người nghĩ rằng mình nên được đối xử đặc biệt hơn những người khác. Tịnh đứng ngay sau lưng ông lão, chàng lùi lại - thay vì như người khác mong đợi chàng phải tiến lên để can thiệp - cố gắng bảo vệ bữa trưa của mình. Người nhân viên bị tấn công ngã ra sau, ôm lấy mũi, nước mắt sống chảy ra, tay còn lại chới với vịn lấy bàn bếp phía sau. Không biết cú đấm của một ông lão gần đất xa trời có thể đạt uy lực đến mức nào, song có vẻ không nhẹ.
Vụ việc xuất phát từ một lý do đơn giản là ông lão cựu chiến binh bị từ chối phiếu giảm giá, nó đã hết hạn để áp dụng khuyến mãi. Nhưng có lẽ lời giải thích của người nhân viên thu ngân khi đi vào màng nhĩ của ông đã biến thành nội dung khác, có lẽ ông nghĩ rằng cậu nhân viên không chỉ đang nói đến cái phiếu giảm giá hết hạn, mà là đang nói chính ông cũng đã hết hạn nốt, hoặc ông già tự suy ra như vậy. Ông già tội nghiệp xem sự sống của mình có liên kết với tờ phiếu giảm giá ấy, nên khi nó bị từ chối thì ông nghĩ rằng chính bản thân mình cũng bị từ chối. Phiếu giảm giá hết hạn, đó là cái tủi thứ nhất, nhưng rồi chuyện ấy nhắc ông nhìn lại chính ông, nó nhắc ông thứ gì tồn tại trên đời cũng đều sẽ đến lúc hết hạn, đó là cái tủi thứ hai, cái tủi thứ ba có lẽ đến từ việc người nói với ông điều đó lại là một chàng trai trẻ trông không mấy thân thiện. Ông luôn bất an về chính mình. Ai cũng có những lúc thấy bất an về chính mình.
Đại diện cho lịch sử hầm hầm lấy túi đồ, quăng tiền lên quầy rồi bỏ đi. Điều duy nhất làm Tịnh lo lắng là không biết việc này có ảnh hưởng gì đến bữa trưa của chàng không, ai sẽ là người quét giá hộp cơm trưa của chàng để chàng nhanh chóng được thưởng thức nó?
Những cái nhìn ái ngại. Cô gái với những ngón tay đang chật vật bấu chặt các thứ tủm mủn vì quyết không lấy giỏ nhịp nhịp chân bất an. Bác gái lớn tuổi vẫn chưa điều hoà được nhịp thở, miệng lẩm bẩm trời ơi đất ơi thánh thần ơi, thật tàn nhẫn quá, rồi cuốn quýt muốn xem tình hình của nạn nhân. Chàng trai lực lưỡng thì chực chờ khi nào bà bác xỉu để mình còn biết đường mà đỡ.
Với sự trợ giúp ồn ào của hai người đồng đội cùng ca làm, người nhân viên trẻ cuối cùng cũng đã đứng dậy, chưa định thần nhưng có vẻ vẫn còn làm việc được, một cú đấm của một lão già có vẻ không đến mức gây ra chấn thương nào quá khủng khiếp.
Hai chục ngàn một giờ, thật là không đáng. Chàng nhìn lại hộp cơm trên tay, hai mươi lăm ngàn, mà còn chẳng được ngon hay bổ béo gì cho lắm.
“Cậu trai, cậu ổn không?” Như một người mẹ, bác gái lại chồm người ra khỏi hàng, hỏi. “Thật khủng khiếp, sao người ta có thể đối xử với con trai của một người mẹ nào đó như thế này!”
Chắc bà đang nghĩ đến đứa con trai của mình và nhận ra người con trai nào sống trên đời này cũng sẽ bị đánh ít nhất một lần, con bà cũng sẽ như thế. Có phải loài người sinh ra là để đánh nhau?
Lấy trong bóp tiền hai mươi lăm ngàn, Tịnh đưa cho cậu nhân viên. Chàng ngước lên, thấy trong lỗ mũi cậu ấy một dải ngân hà chảy ra.
“Trời đất ơi! Cậu chảy máu rồi!” Người đàn bà lớn tuổi rền rĩ, nếp nhăn ở hai bên cánh mũi hằn sâu hơn một chút.
Đó là máu?
Tịnh nhìn dòng chất lỏng đang chảy, nhỏ xuống chiếc tạp dề in logo cửa hàng. Nó có màu đen, hơi ngả tím, không màu đen nào giống màu đen nào. Trong dòng chất lỏng ấy là vô số ngôi sao lung linh lấp lánh trong khoảng không vũ trụ, va chạm, nổ, tập hợp để trở thành một ngôi sao lớn hơn, chờ cuộc va chạm tiếp theo. Những hành tinh như những viên bi lơ lửng, lưu động, xoay, im lặng. Những giọt nhũ lấp lánh. Giọt máu vừa rơi xuống tạp dề bắt đầu loang ra, các hành tinh có sọc ngang trên người, các hành tinh có vành đai như một chiếc nhẫn, các hành tinh có bề mặt gồ ghề, các ngôi sao là vệ tinh của các ngôi sao khác. Một dải ngân hà chảy ra từ mũi.
Cô gái đứng sau Tịnh ngất lịm đi khi thấy máu. Cậu trai đeo airpod xông đến đỡ lấy cô, vô tình đưa cánh tay cơ bắp gạt người trước mặt qua một bên, một chiếc airpod rơi khỏi tai và lăn vào khe nhỏ dưới kệ tạp chí đầy hình những người mẫu trẻ và đẹp. Người đàn bà lớn tuổi - nạn nhân của cái gạt tay - chúi đầu vào quầy kẹo bạc hà, chiếc áo khoác mỏng mắc vào cạnh sắt, ôi trời ơi cái lưng tôi, cái áo khoác của tôi, cuộc đời tôi. Người nhân viên đeo khuyên tai tìm bông gòn - thứ rồi đây sẽ bị trừ vào lương của người nhân viên bị chảy máu mũi - trong một quầy hàng ở tít phía sau, vì nhiều loại nên cậu đang cố chọn ra loại rẻ tiền nhất. Người nhân viên nhai kẹo cao su đến giờ mới chịu nhè cái thứ giữa hai hàm răng vào sọt rác. Ngân hà nhỏ lên tờ bạc hai chục ngàn chàng vừa đưa. Chàng nghĩ nếu lỡ dải ngân hà ấy dây vào hộp cơm thì liệu chàng có dám ăn hay không.
Có nên cứ thế này mà bỏ đi không nhỉ? Đã thanh toán xong phần mình, nhưng chàng không rõ bản thân đã được phép rời khỏi đây chưa, hay có nên rời khỏi đây hay không. Một tập hợp bất ổn, một hậu quả của chiến tranh, có phải chúng ta đều có điểm nào đó liên kết với lịch sử. Chàng nhìn ba con người phía sau quầy, tổng cộng là sáu chục ngàn một giờ, hân hạnh chào đón quý khách, cảm ơn quý khách, chúc quý khách một ngày tốt lành, xin lỗi phiếu giảm giá của quý khách đã hết hạn rồi ạ (quý khách cũng thế) ...
Ngân hà lung linh với vô vàn tinh tú lưu động trong những giọt máu. Tịnh xách bữa cơm trưa của mình rời khỏi cửa hàng. Loa báo vang lên chất giọng đều đều và nữ tính: “Xin cảm ơn quý khách!”
II.
Tịnh vừa ngồi ăn phần cơm trưa trong phòng mình vừa ngắm đám cháy ở đằng xa. Chàng đã bớt cảm thấy sợ hãi khi nhận ra có vẻ nó chỉ đứng im một chỗ chứ không lan ra nữa. Chàng tìm kiếm bản đồ thành phố trên mạng, biết được rằng đám cháy ấy muốn đi đến chỗ chàng thì phải vượt qua một con sông khá lớn. Lửa thì không thể vượt qua sông, hoặc chỉ vượt qua được chút ít, người ta có thể lợi dụng lúc đó để dập tắt nó. Không những con sông mà còn cả cái bờ kè ô nhiễm mà chàng đã nhìn thấy cỗ xe tam mã lướt trên đó, bờ kè ấy, dù ô nhiễm nhưng vẫn là nước, cũng sẽ là một bức tường nước chắn ngang chỗ chàng và đám cháy. Song quan trọng hơn tất cả, chính là hôm nay đám cháy không lan ra nữa, nó vẫn như hôm qua, như một vệt màu chồng lên thành phố. Cảm giác như tất cả chỉ là do chàng tự tưởng tượng ra.
Lúc đi xuống lầu vứt rác, chàng lại chạm mặt với cô bé hàng xóm phòng đối diện. Thuỷ - giờ chàng mới nhớ ra tên cô, quãng thời gian ở viện quá dài khiến hôm qua chàng không thể nhớ ra tên cô bé nên chàng đã khéo léo tránh việc gọi tên, bây giờ thì ổn rồi.
“A, Thuỷ đấy à!” Chàng tự tin hơn hôm qua rất nhiều.
“Anh…”
Theo phép ứng xử, lúc này cô bé cũng phải gọi tên chàng để đáp lại, nhưng đôi mắt đen tròn hơi dao động, cái tên đã không được thốt lên. Chàng nhận ra cô hàng xóm cũng quên tên mình rồi, và xui hơn chàng, con bé không thể nhớ ra cái tên ấy được nữa.
“Anh đi vứt rác ạ?” Thản nhiên, bình tĩnh và biết mình phải xử lý tình huống này như thế nào.
Hai ngày chạm mặt liên tục là quá nhiều.
“Ừ.” Chàng gật đầu.
“Em hỏi lại rồi, con bé đó không phải tên Tâm Anh, là tên Tâm thôi, một chữ Tâm.”
Chả quan trọng! Chàng không hiểu tại sao mình lại bị cuốn vào vụ này.
“Vậy à!”
Một mẩu nhỏ bên má của Thuỷ rơi xuống đất. Tịnh ngạc nhiên, ban đầu còn tưởng do con bé dùng loại kem lột trắng bán đầy trên mạng dụ dỗ những cô gái ngây thơ, nhưng không phải, đó là một mẩu da, cứng và đầy đủ lớp biểu bì, lớp bì và lớp mỡ dưới da. Khuôn mặt mịn màng của Thuỷ đang có dấu hiệu bị gỉ ra, nó tạo thành một đốm màu nâu đỏ trên má phải của cô bé, cùng một vài đường nứt li ti nhìn rất hãi. Mặt của cô bé đang bị gỉ, giống như bề mặt của một thanh sắt dùng lâu năm, những mảng kim loại bong ra, đen lại và rệu rã thành từng mảnh vụn.
“Mặt em bị gì kìa.” Chàng nhắc, dù chẳng rõ đây là hiện tượng gì.
“Bị gì ạ?” Thuỷ bối rối lấy chiếc gương cầm tay trong túi của bộ váy dài, hình như cô bé lúc nào cũng đem theo cái gương đó.
Xoay trái. Xoay phải. Sẵn tiện chỉnh lại tóc mái.
“Em có thấy gì không, bên má phải?”
“Không thấy ạ.” Cô bé hướng phần má bên phải vào mặt gương, tỉ mỉ xem xét chính mình.
Khi nãy trước khi ra ngoài Thuỷ đã soi gương rất kỹ, khuôn mặt cô không có gì sai cả, son không đánh lệch, kem chống nắng không chênh quá nhiều so với tông da, không có nốt mụn bất thường nào. Nhưng biết đâu có thứ gì đó mà phải đứng ở một góc độ khác mới nhìn thấy được. Giống như người bạn thân của cô không tin rằng môi mình bị lệch. Thảo, để tao chỉ mày bí quyết đánh son để đôi môi nhìn không bị lệch. Đôi môi tao đã bao giờ lệch đâu. Mày không thấy thế à? Còn mày thấy thế à?
“Vậy thì thôi, khi nãy hình như có con muỗi, nó vừa bay mất rồi.”
“Thế ạ.”
Con muỗi được bịa ra vẫn không nhận được sự quan tâm xứng đáng.
Tại sao lại có vết gỉ đó nhỉ?
Chàng không dám tò mò tiếp theo mình sẽ còn thấy gì nữa.
Cả hai tạm biệt nhau. Tạm biệt cô bé gỉ sét.
III.
Bên cạnh ngôi nhà trọ mười một tầng bề thế và cũ kỹ là một ngôi nhà ba tầng nhỏ nhắn, như một đứa trẻ bị bắt nạt ngồi cạnh một đứa trẻ hung hăng và to lớn hay bắt nạt bạn của mình. Chủ của ngôi nhà ba tầng ấy là một người đàn ông, hơn năm mươi, chuyên nuôi gà đá, tên là Sang. Lão Sang lâu lâu lại qua Campuchia để đánh bạc, lão không thể không làm việc đó, nghĩa là trong khoảng tiền lão kiếm được (bằng một nghề nghiệp nào thì chẳng ai biết, chắc là từ việc nuôi gà đá) lão phải trích ra một phần không nhỏ cho việc đi đánh bạc, hoặc những vụ cá cược đá gà. Vợ lão, một lẽ hiển nhiên, đã ôm hai đứa con rời khỏi nhà hơn mười năm trước, họ còn gặp lại nhau kể từ ngày đó hay không cũng chẳng ai rõ. Có người bảo lão Sang có được số tiền tiêu dùng hàng tháng là do ngửa tay nhận trợ cấp từ vợ và các con.
Một người say mê đá gà tất nhiên cũng là một kẻ cuồng bạo lực, hứng thú với việc đá gà thì chắc chắn sẽ hứng thú với bạo lực, thỏa mãn khi nhìn hai con vật xông vào giết nhau thì tất nhiên cũng sẽ thoả mãn khi nhìn thấy ai đó đánh ai đó. Cái xấu này sẽ kéo theo cái xấu khác, tội lỗi này sẽ kéo theo tội lỗi khác, cái ác này sẽ kéo theo cái ác khác.
Giờ lão Sang đang sống một mình với những con gà của lão, những con gà cự phách, anh dũng, như những kiếm khách chuyên làm chuyện nghĩa hiệp, như Lục Vân Tiên trong xác những con gà - nếu lão đủ tin vào điều đó. Sân nhà lão hay có rác vứt từ căn trọ bên cạnh sang, không nhiều, nhưng lôi thôi và tất nhiên là một nỗi bất bình chính đáng. Lão Sang đích thân tìm gặp chủ trọ và hai người họ đã có một cuộc đàm phán, cuộc đàm phán đó dẫn đến việc lão bây giờ đã bình tĩnh giải quyết những thứ rác rưởi được quẳng qua cửa sổ khu trọ xuống sân nhà mình. Lại có tin đồn gã sống nhờ số tiền “bù đắp” cho đủ loại rác từ trên trời rơi xuống ấy. Quá nhiều hộ gia đình, đến mức chủ trọ không có cách nào kiểm soát được việc vứt rác qua cửa sổ, chuyện mà người chủ trọ có thể làm là an ủi nạn nhân, và không có cách an ủi nào tốt hơn là một khoảng tiền xứng đáng.
Chuồng gà của lão thường dao động trong khoảng ba đến bốn cá thể, tất nhiên là toàn con trống, lâu lâu lão bán được con này thì sẽ có một con khác bù vào, lão cứ mua rồi bán, rồi nuôi, rồi huấn luyện. Gà nuôi để chọi không rẻ tí nào, và những kẻ mua loại gà ấy cũng ham hố không cưỡng được mà vung tiền bất chấp vì sợ sẽ mất đi một báu vật quý giá vào tay kẻ khác. Lão nuôi gà bằng lươn, rắn, rắn mối, có khi còn có các loại vitamin, thuốc bổ cao cấp.
Một vụ náo loạn đã xảy ra trong khu trọ cũng vì việc này. Lần đó, chẳng biết lão mua được từ đâu rất nhiều rắn mối, chất đầy mười thùng và để nuôi ở trong sân nhà. Nhưng vì sơ hở mà tất cả chúng đều xổng chuồng, chúng bò vào khu trọ, sống trong những khu nhà dân, ăn sâu bọ đến béo ú và lâu lâu chường mặt ra để nhát gia chủ, có người còn thấy chúng trong bồn cầu. Có trời mới biết những loài động vật nào đang sống bên trong đường ống nhà vệ sinh của chúng ta. Và lão phải lãnh hậu quả cho chuyện ấy, một cuộc đàm phán nữa lại diễn ra. Chủ trọ mời một đoàn các chuyên gia về xử lý những ổ rắn mối ấy, họ làm việc chuyên nghiệp và nhanh chóng với các máy móc, các bình xịt, các loại thuốc và đồ bảo hộ của mình, nhưng không có gì là tận gốc cả. Lâu lâu vẫn có những con rắn mối béo ú xuất hiện, ở mức chấp nhận được, như thể nhắc rằng chúng vẫn ở đây và luôn luôn ở đây, chúng có thể nổi dậy bất cứ lúc nào và loài người hãy trông chừng vành tai của mình cho thật kỹ.
Bây giờ thì nỗi phiền phức từ những chú gà của lão Sang chỉ dừng lại ở việc chúng như những chiếc đồng hồ báo thức đúng giờ. Quá đúng giờ. Đúng giờ đến mức làm người khác bực mình, nó thông báo rằng một ngày mới đã bắt đầu, mà chẳng được bao nhiêu người vui vẻ với chuyện một ngày mới bắt đầu, không nhiều.
Tịnh và lão Sang không hay chạm mặt nhau, nhưng mỗi lần chàng thấy lão đều là lúc lão đang ôm một con gà, cổ trọc và dài, đỏ hỏn, phần cổ không lông khiến nó trông như một con rắn kết hợp với cái thân gà, một con khủng long cổ dài. Gầy nhưng săn chắc và cứng cáp, đôi mắt đáng sợ vì chỉ biết nhìn trừng trừng. Rồi chính lão Sang cũng dần biến mình thành một con gà, với đôi mắt lồi trợn trừng hết cỡ, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, ít khi chớp. Gà dùng để chọi thường sẽ được vặt kha khá lông, có khi là trụi lủi phần chân, lộ ra một đớp da đỏ hỏn, sần sùi đến nổi gai ốc. Một ngày nào đó lão cũng sẽ thành một con gà, cách cái đầu lão xoay ngoắt khi ai đó gọi lão, cách lão nhìn, cách lão đi, khiến người ta ngờ ngợ đến một con gà hình người. Và biết đâu lão cũng đã ăn những con rắn mối, những con lươn ấy, vào những ngày trong nhà không còn gì để ăn.
Tất cả những điều đó, và gì nữa. Những lần nướng hết tiền của mình vào các sòng bạc bên Campuchia, khi bạn thấy lão mà lão có vẻ phởn phơ thì chắc chắn lần đó lão đã ăn may, song những lần như thế không nhiều, bởi vì một khi lão đã vào sòng bạc thì sẽ chơi đến khi nhẵn túi mới chịu về, nghĩa là dù thắng đến mức nào đi nữa thì lão vẫn sẽ bám lại và chơi cho hết, thắng được bao nhiêu cũng mặc, thắng nhiều thì ở lại lâu. Sạch túi chính là mục tiêu của việc bước chân vào sòng bạc. Cái mà nó đem lại cho lão Sang chỉ là thú vui, chỉ để thoả mãn sự ngứa ngáy tay chân của mình, lão tự nhủ mình đang bỏ tiền ra để mua niềm vui, mua sự thoả mãn, chỉ vậy thôi, cuộc đời chỉ vậy thôi là đủ, con người không thể bị kết tội khi muốn đi kiếm niềm vui cho bản thân, không thể kết tội một người khi họ khao khát đi tìm hạnh phúc, dù là tìm trong những sòng bài.
Hôm nay, như nhiều hôm, Lão Sang không vui. Tịnh trông thấy lão đang đổ thêm thóc vào máng ăn cho một chú gà có vẻ tiềm năng. Chiếc lồng đặt trước nhà lão, đôi khi gây tắc đường, nhưng lão mặc kệ vì theo lão là “đường vẫn còn rộng chán” và “đường hẹp là vấn đề do quy hoạch đô thị”. Cởi trần, chiếc quần đùi với nhiều vết thâm kim, thấy được hai bên xương sườn nhô ra, hình thể không đẹp nhưng vẽ lên tranh chắc cũng sẽ mang một hiệu ứng nghệ thuật nào đó. Lão Sang đứng dậy, phủi mông rồi bước vào trong.
Tịnh bỏ rác vào những chiếc thùng lớn đặt bên vách của khu trọ, phía đó chỉ có một bãi đất trống nên người dân chiếm dụng biến nó thành chỗ đặt thùng rác luôn. Trong đầu chàng đang nghĩ không biết tối nay mình sẽ ăn gì, chàng luôn loay hoay với các bữa ăn trong ngày vì biết mình chẳng có nhiều lựa chọn.
“Chàng trai trẻ, giúp tôi với.”
Cảm thấy bản thân đã trải nghiệm quá đủ những chuyện kỳ lạ, chàng quyết định không quan tâm đến lời nhờ vả ấy. Lời nhờ vả mà nghe có cảm giác như nó sẽ mở ra vô số rắc rối kỳ quặc khác nếu chàng tò mò.
“Chàng trai trẻ, tôi gọi chàng đấy!” Giọng nói vẫn riết róng.
“Được rồi tôi chịu thua…” Chàng xoay qua nhìn cái lồng, “Lại chuyện gì đây? Một con gà biết nói?”
“Loài gì mà chẳng biết nói.” Con gà cãi lại.
“Ý tôi là biết nói tiếng người, tất nhiên.”
“Dù sao thì, làm ơn giúp tôi thoát ra khỏi đây với!” Con gà chọi vừa nói vừa cúi mỏ xuống gãi ngứa phần trong của cánh.
Bây giờ thì chàng đã đi đến bước nghe hiểu được tiếng động vật. Không thể tin được bản thân mình vẫn chưa phát điên vì những chuyện thế này.
“Tại sao tôi phải cứu cậu?”
“Vì tôi đang bị nhốt chứ sao. Chàng phải trả tiền để chuộc tôi ra!”
“Không, ý tôi là cứu cậu thì tôi được gì chứ! Mà còn phải tốn tiền nữa, mua một con gà chọi khoẻ khoắn như cậu thì chắc sẽ không rẻ đâu.” Nhận ra mình đang hành động không khác gì một tên điên, chàng vội đến gần và hạ âm lượng xuống chỉ đủ cho mình và con gà nghe thấy.
Con gà, hoặc giọng nói bí ẩn ngỡ như được phát ra từ con gà, trả lời chàng: “Tôi tượng trưng cho ban ngày, loài gà luôn tượng trưng cho ban ngày, cho ánh sáng. Tôi sẽ dạy chàng về những điều đúng đắn, sẽ khuyên chàng làm những việc đúng đắn. Chàng có biết việc có một người luôn bên cạnh khuyên mình nên làm gì sẽ mang lại lợi ích đến mức nào không. Đặc biệt là khi còn có một kẻ khác luôn khuyên chàng làm điều xấu xa. Tôi sẽ đối đầu với kẻ đó.”
“Chẳng ai khuyên tôi làm điều xấu xa cả.” Chàng trả lời, cảm giác hơi chột dạ.
“Chàng rồi sẽ gặp người đó thôi, người đó đang ở rất gần rồi.”
“Người sẽ khuyên tôi làm những điều xấu xa ấy à?” Chàng nghi hoặc.
“Phải, để thoát khỏi những lời khuyên của kẻ đó và chọn lấy con đường đúng đắn thì chàng cần phải có tôi.” Con gà gật đầu - hay chàng tự tưởng tượng ra thế.
“Nhưng tại sao… Nhưng tại sao người khuyên tôi làm điều xấu lại từ tìm đến tôi, trong khi người có thể khuyên tôi điều tốt thì tôi phải bỏ tiền ra mới có được.”
“Điều đó là tất nhiên, làm việc xấu lúc nào cũng dễ hơn làm việc tốt.”
“Lại còn cả thế nữa!” Chàng muốn hét lên để giải toả bức xúc của mình.
“Nói chung là…”
Chú gà vừa nói đến đó thì cổng nhà mở ra, lão Sang một tay cầm lon thóc, một tay cầm con rắn mối đã chết ngoẹo đầu qua một bên, nhìn Tịnh lom lom. Không phải vì sợ chàng sẽ lấy cắp gà của lão, chỉ là lão thắc mắc tại sao chàng lại đứng trước lồng gà của mình để làm gì. Lão nghĩ đến một cuộc mua bán và đúng là nó có cơ sở.
“Tôi muốn mua con gà này. Ông bán giá bao nhiêu?” Tịnh vừa nói vừa chỉ tay vào con vật trong lồng.
“Cậu định mua nó làm gì? Nếu là để làm thịt nhậu thì tôi không bán đâu. Như thế thì thật phí của trời.” Lão Sang nói với tất cả danh dự của một dân chuyên nuôi gà nòi.
Chàng lắc đầu: “Không phải để làm thịt, tôi không thích ăn thịt gà đá lắm. Không biết phải giải thích thế nào nhưng chắc chắn không phải để làm thịt.”
“Cũng không dùng nó để đá?”
“Chắc cũng không.” Chàng chưa từng chơi đá gà bao giờ, cũng chẳng biết trò đó ra sao, đến việc nhìn chúng đá nhau thôi chàng cũng chẳng có cơ hội, trừ vài dịp khi còn nhỏ sống ở dưới quê. Chàng nhớ là trò đó cũng không vui gì lắm.
“Con này không rẻ đâu.” Lão Sang nhắc nhở, môi dưới hơi trề ra, không biết là đang khinh người đối diện hay khinh toàn bộ những kẻ không biết chơi đá gà.
“Ông cứ nói giá.”
“Nhìn đây này, gà chọi mà da dẻ hồng hào, mắt tinh nhạy, dáng vòng kiềng, ngực nở, lườn thẳng như thế là của hiếm, nuôi cũng rất tốn sức, toàn được tẩm bổ bằng đồ ăn hảo hạng thôi.” Lão già càng nêu lên những đặc điểm đáng đồng tiền của món đồ, một chiêu bài mà các dân tiếp thị sản phẩm hay dùng để thao túng tâm lý khách hàng.
“Cho giá đi.” Chàng tất nhiên là chẳng hiểu gì những thứ đó hết.
“Hừm…” Lão xoa cằm, vờ nghĩ ngợi, lại nhìn con gà, rồi nhìn chính mình (chính cuộc đời mình), cuối cùng là chật lưỡi như muốn thể hiện rằng mình cũng không muốn bán đâu mà tại vì chàng ép quá nên đành vậy. “Mười triệu, lấy giá này là rẻ lắm rồi. Bán chịu lỗ cho cậu vậy chứ con gà này là giống vô giá, giá trị của nó chẳng thể đo đếm được.”
“Tôi mua.” Chàng gật đầu.
Dễ vậy sao? Lão Sang giật mình, lão đã nghĩ rằng cậu thanh niên trước mặt mình có khi còn không có nổi mười triệu để sống chứ nói gì đến việc vung số tiền đó để mua vui. Lão nghe mùi kiếm chác dễ dàng.
“Không, phải mười một triệu, à khoan, mười hai triệu, trời ơi tôi dẫn cậu vào trong cho cậu xem nó ra đòn với mấy con khác để biết cái giống này tinh khôn đến mức nào, với cái lườn đó, cái ngực đó…”
“Chốt mười hai triệu, không đòi thêm nữa.” Chàng chấm dứt những lời luyên thuyên của lão già lại.
Lão Sang như muốn nhảy cẫng lên vì vui sướng, con rắn mối đã chết lắc qua lắc lại rồi tuột xuống đất. Lão đâu có ngờ con gà mình chỉ mới mang về hôm trước mà nay đã bán được với giá hơn gấp đôi, chẳng biết chàng trai quái dị kia mua nó để làm gì, đã nhận ra được gì từ con vật này. Lão nghĩ nếu cuộc thương lượng nào cũng dễ dàng như vậy thì thật đỡ cho lão quá. Trong đầu lão nghĩ đến cái sòng bạc bên Campuchia, với những người bạn có chung đam mê với lão, cùng tiếng phỉnh lách tách mỗi lần lão rải chúng lên mặt bàn, hay cánh tay mướt mát của một cô em phục vụ đồ uống vô tình chạm vào lưng, nhắc lão rằng lão vẫn còn sống.
0 Bình luận