I.
Đến hôm nay chàng vẫn chưa thể thoát khỏi những cảm giác kinh hoàng mà ngày hôm qua mang đến. Bên dưới da chàng vẫn còn phản ứng nhộn nhạo, có thể nổi da gà và run lên bất cứ lúc nào chàng nhớ về nó, giống như một phần linh hồn của chàng đã bị mất đi mà đến giờ vẫn chưa chịu quay về. Cả trong suy nghĩ, chàng cũng không thoát khỏi việc cứ trăn trở, bất an nối tiếp bất an, mọi thứ đều mờ mịt và khó đoán. Lẽ ra chàng không nên nghe lời con gà chọi mà đi đến gần đám cháy làm gì.
Con gà đậu trên bậu cửa sổ, chốc chốc lại nghiêng đầu quan sát chàng, cái đầu lắc lắc giật cục. Phía sau nó, đám cháy vẫn còn ở đằng xa xa, có vẻ như nó đã lan ra được khá nhiều. Ăn mòn từ từ. Từng chút một. Nhâm nhi. Loài gà không thể bay được như chim nhưng cũng biết chút chút, chú gà chàng mua đã bay từ dưới đất lên đây để quan sát chàng, tầng tám, có vẻ là một thử thách đối với loài gà nhưng chú gà của chàng làm được. Có thể gà thần thì đặc biệt hơn gà thường.
“Sao cậu lại bảo tôi đi đến gần nó, thật kinh khủng, tôi tưởng đâu mình đã chết rồi. Cậu có biết chết cháy là một trong những cái chết kinh khủng nhất không? Đằng này lại còn cháy từ từ từng chút một.” Chàng gắt gỏng.
“Đó là một điều tốt, có như thế thì chàng mới biết lo, đúng chứ! Nếu chỉ nhìn thấy nó ở xa và nghĩ rằng có khả năng nó không có thật và không ảnh hưởng đến mình thì chàng sẽ chẳng thể nào cảm thấy lo lắng vì nó. Sự vô tư sẽ giết chết chàng.” Con gà phân bua ý tốt của mình.
“Nhưng bây giờ dù đã biết rồi tôi cũng có thể làm được gì đâu.” Chàng vùng vằng, nỗi bất an khiến chàng không giữ được bình tĩnh. “Thà rằng không biết để vô tư mà sống, còn hơn biết rồi mà chẳng thể làm gì để thay đổi được nó.”
“Biết và khao khát muốn biết sự thật là bản chất của con người. Tôi chỉ đang chỉ chàng cách tốt nhất cho chàng thôi, cách tốt nhất đôi khi sẽ không hợp với ý chàng, và hợp với ý chàng đôi khi không phải là cách tốt nhất. Chàng muốn làm điều mình muốn hay làm điều tốt nhất cho mình?”
“Cái tôi muốn chính là cái tốt nhất cho tôi.”
“Chàng nói như một thanh niên đang cố gắng thuyết phục gia đình ủng hộ việc mình theo đuổi đam mê vậy.” Giọng nói bật cười, nhưng con gà thì không, gà chỉ có duy nhất một kiểu cảm, chúng không thể hiện cảm xúc lên mặt. “Dù sao thì, nếu lời khuyên của tôi nghe không có lý thì chàng đã chẳng làm theo rồi.”
Quả thật là vậy, ngày hôm qua lúc chàng nghe con gà khuyên mình hãy đến xem tận mắt đám cháy, chàng đã nghĩ việc đó thật đúng đắn và hợp lý. Và nó vẫn đúng, cho đến khi chiếc xe cứ chạy mãi về phía ngọn lửa. Lỗi không phải tại con gà, một con gà thì làm sao ngăn cản việc ấy cho được. Mọi chuyện không thể được kiểm soát bởi một con gà.
Trước khi chàng kịp trả lời rằng dù có là thế nào thì con gà cũng đã đưa ra một ý kiến tồi, thì trong khoảng giữa bàn làm việc và bức tường, một con rắn sặc sỡ bò ra. Tuy không phải là người sợ rắn nhưng chàng vẫn giật thót mình. Con rắn không lớn lắm, đầu bo tròn, đôi mắt đỏ hồng. Trên người nó đan xen những sọc màu đỏ, trắng và đen, rực rỡ như màu sắc của một chiếc áo hoa văn thổ cẩm. Nhưng cũng bởi vì vẻ ngoài đó mà trông nó vô cùng đáng sợ và nguy hiểm. Chàng với lấy cán chổi, định hất nó xuống lầu qua cửa sổ, thật cẩn thận và không gây tiếng động. Song, ngay lúc đó, một giọng nói khác cất lên khiến chàng phải ngừng tay lại.
“Hai người đang tranh cãi chuyện gì vậy?” Con rắn hỏi.
Một giọng nữ, trẻ và đẹp.
“Ồ! Cuối cùng cô cũng đến rồi.” Con gà của chàng lên tiếng chào hỏi, như một quý ông.
“Tôi không bỏ lỡ gì chứ!”
“Không hẳn.” Có cảm giác con gà đang nhún vai khi nói câu ấy.
“Lại xuất hiện thêm một con vật biết nói nữa.” Chàng nhíu mày, nhưng không quá bất ngờ, tay lơ là cán chổi.
Con rắn điêu luyện quay đầu qua nhìn chàng, cơ thể cuốn thành từng vòng để bám chặt lấy chân bàn. Đôi mắt đỏ hồng của loài động vật máu lạnh như đang quan sát chàng từ trên xuống dưới.
“Chàng định dùng cây chổi đó để giết tôi sao?” Con rắn hỏi.
“Nếu cô có độc.” Chàng trả lời.
“May cho chàng - hoặc cho tôi - rắn sữa không có độc.” Nói rồi, con vật thè lưỡi ra, cái lưỡi run liên hồi trong không khí, như một thứ giác quan quan trọng.
“Cô thật sặc sỡ, vẻ sặc sỡ này khiến cô trông nguy hiểm.” Chàng giải thích, bàn tay chỉa vào cái cán chổi đang cầm, ý bảo việc mình vội vàng lấy chổi cũng là phản ứng bình thường và không liên quan gì đến tính thô lỗ hay lịch thiệp.
Nhưng tại sao mình lại đi giải thích với con rắn này nhỉ? Chàng tự cảm thấy mình cũng bắt đầu trở thành một kẻ điên.
“Không sao.” Giọng nói bật cười, nhưng con rắn không cười, rắn không biết cười. “Chàng nên nhớ có những thứ không giống như vẻ ngoài của nó. Bởi vì tôi không có độc nên phải có vẻ ngoài trông nguy hiểm để hù doạ kẻ thù. Tôi không có vũ khí nào ngoài việc khiến người khác nghĩ rằng mình rất đáng sợ.”
“Cô là rắn cái?”
“Vâng, tôi là con cái.”
Chàng hất cằm về phía con gà: “Hai người có quen nhau?”
“Chà, không hẳn.” Con rắn trả lời, vẫn đệm thêm vào cái kiểu cười khó hiểu ấy.
“Cô ta là người mà tôi đã nói trước với chàng.” Chú gà trên bậu cửa sổ giải thích, “Là người đến để dụ dỗ chàng làm những việc sai trái.”
Rắn và gà, đực và cái, đúng và sai, tốt và xấu. Có phải tất cả mọi thứ trên đời đều như thế không, hình thành và tồn tại bằng hai hình thức trái ngược và đối kháng nhau, như hai mặt của đồng xu, như âm và dương, ban ngày và ban đêm, sống và chết.
Chàng nhìn con rắn: “Có phải vậy không?”
“Đúng là thế.”
Vậy là rõ, người mà con gà nói đến ngày hôm qua đã xuất hiện, đó là một con rắn. Rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra và chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
“Nhưng nếu tôi biết cô sẽ đưa ra những lời khuyên sai lầm và chú gà này sẽ đưa ra những lời khuyên đúng đắn thì vai trò của cô đâu còn ý nghĩa gì nữa? Tôi đã biết trước nên sẽ nghe lời khuyên của gà và không làm theo lời khuyên của cô. Vậy thì cô mãi mãi cũng không thể thực hiện được mục tiêu của mình - dù nó đem lại lợi ích gì cho cô thì chẳng rõ. Nếu tôi biết được cái gì là tốt và cái gì là xấu thì mọi chuyện chẳng phải là quá dễ dàng hay sao? Hoặc trong chuyện này có vấn đề gì đó, thật ra cả hai đang tráo đổi vị trí cho nhau chăng, cô mới thật là người đưa ra lời khuyên đúng đắn còn con gà kia chính là người sẽ đưa ra lời khuyên sai lầm. Liệu có âm mưu gì chăng?”
Chất giọng phụ nữ lại cười: “Trên đời này làm gì có nhiều âm mưu đến thế.”
“Vậy thì tại sao?”
“Có những chuyện anh biết nó đúng nhưng vẫn không làm, còn có những chuyện anh đã biết rành rành là nó sai nhưng vẫn nhất quyết làm. Phải không?”
Chàng cảm thấy hơi chột dạ, cơn bồn chồn chạy lên cổ họng, trong câu hỏi này liệu có chứa ý tứ sâu xa gì chăng?
“Thì quả là như thế!”
“Đấy! Chuyện là như vậy, con người thật ra có thể biết được lời khuyên nào là đúng đắn và lời khuyên nào là sai lầm mà chẳng cần một con gà hay con rắn làm đại diện, họ chỉ cần nghe thì sẽ biết. Nhưng đến cuối cùng họ vẫn lựa chọn theo ý mình. Gà hay rắn, chẳng quan trọng. Như khi nãy chàng đã nói: không cần biết đúng sai, cái chàng muốn chính là cái tốt nhất cho chàng!”
Phải thú nhận là chàng vừa nói thế với con gà.
Con gà lúc này đã đứng thẳng lên bằng đôi chân xương xẩu, đập cánh bồn bộp tỏ vẻ bất mãn: “Phụ nữ đúng là đáng sợ, chưa gì mà trông chàng ấy đã xiêu xiêu với những lời cô nói rồi, tôi cảm thấy mình sắp phải chịu thua đến nơi!”
“Đây là một cuộc chơi công bằng.” Con rắn uốn éo người, quay đầu qua nhìn đối thủ.
“Sẽ công bằng… Nếu không xảy ra việc một lúc nào đó vì quá đói mà tôi sẽ mổ chết cô và nuốt gọn cô vào bụng.” Chất giọng vừa đe doạ vừa trêu ghẹo.
“Thật đáng sợ, tôi quên mất việc chúng ta là thiên địch của nhau.” Con rắn cuộn mình lùi lại.
“Nhưng cô lại không có độc, sẽ không gây chút tổn hại nào đến tôi, hãy nhớ điều đó!”
Con gà mổ con rắn, con rắn cắn con gà. Thiên địch. Nội dung tranh cãi bắt đầu trở nên quái dị.
“Được rồi tôi xin can hai người!” Chàng chấm dứt trò léo nhéo ấy lại, cả hai con vật xuất hiện ở đây chẳng hề giúp ích gì cho chàng ngoài việc gây ồn ào. “Vậy thì hôm nay thế nào, tôi nên làm gì?”
“Lời khuyên cho ngày hôm nay!” Con gà đang dùng mỏ gãi phần bên trong cánh, liền ngẩng cổ lên, “Đến gặp ngài Petronius, việc kết thân với ngài ấy sẽ giúp ích cho chàng rất nhiều.”
Đây là điều mà chàng chẳng muốn tí nào.
“Trái chuối ấy thì có thể giúp gì cho tôi?”
“Ngài Petronius biết rất nhiều chuyện.” Con gà trả lời, chân trái của nó quắp lên, nó đang đứng bằng một chân.
“Không, đừng đi gặp tên đó.” Giọng phụ nữ xen vào, “Tôi biết là cậu rất ghét Petronius vì những lời nhảm nhí mà hắn đã nói, cả tên béo nồng nặc mùi dầu Phật Linh làm trợ lý của hắn nữa. Nên tốt nhất là chàng đừng đi, trái chuối ấy chẳng nói được điều gì ngoài những lời tiêu cực về cuộc sống, khiến cho chàng hoài nghi tất cả.”
Nhận xét của con rắn sữa hoàn toàn giống những gì chàng nghĩ về Ngài Chuối. Lần gặp trước chàng đã phải nghe những điều thật kinh khủng và tin chắc rằng mình không muốn nghe thêm bất kỳ điều gì xuất phát từ trong căn phòng ấy nữa.
“Đấy, giờ thì chàng chọn đi! Lời khuyên của tôi là đúng đắn, nhưng không hợp ý chàng, còn lời khuyên của cô ta thì rất hợp ý chàng nhưng lại sai lầm. Chàng sẽ chọn gì?” Con gà trống nói.
Ra cơ chế của nó là như thế này, đúng thật không hề dễ chịu một chút nào.
“Chàng phải đến chỗ ngài Petronius, lần trước vì bỏ đi quá vội vàng nên chàng vẫn chưa được biết ai là người đã đốt thành phố. Lần này chàng nên đến xin lỗi và tham gia vào cuộc gặp-mặt-ấm-cúng của ngài. Sẽ phải chịu đựng sự dông dài và tính cà kê của ngài ấy - tất nhiên, nhưng là tốt cho chàng thôi.” Con gà ra sức thuyết phục.
“Chàng sẽ không đi gặp ngài ấy, bởi một lý do đơn giản. Nó đến ngay đây.” Con rắn bây giờ đã nằm gọn trên mặt bàn.
Ngay sau khi sợi dây đủ màu ấy nói dứt câu, điện thoại trong túi Tịnh bất ngờ reo lên. Một tin nhắn được gửi đến. Là tin nhắn của bạn gái Tịnh, hỏi rằng một lát nữa cô ấy có thể đến gặp chàng được không.
“Đã nói mà.” Giọng nữ mang chút đắc ý.
“Từ chối cô ta đi. Việc với ngài Petronius quan trọng hơn.” Con gà nhảy từ bậu cửa sổ xuống sàn nhà trải cao su lót, bước đến gần chàng.
Tịnh vô cùng bối rối, là do hai con vật khiến chàng bối rối. Chúng cứ làm như thể đây sẽ là quyết định có tầm ảnh hưởng đến kết cục của một điều gì đó vậy. Chàng nghĩ dù mình có chọn gì thì cũng chẳng quan trọng đến thế.
“Cô ấy có khả năng sẽ giận chàng đấy, cô ấy đang quan tâm đến chàng, đừng từ chối sự chủ động của phụ nữ. Chàng sẽ hối hận cho xem!”
“Lấy lý do rằng chàng có chuyện cần phải giải quyết, đi gặp khách mua tranh chẳng hạn.”
“Cứ chờ đến lúc cô ấy phát hiện ra lời nói dối, xem chàng sẽ giải thích thế nào.”
“Thôi được rồi.” Chàng lại là người phải đứng ra ngăn hai con vật lại, “Tôi chọn đi đến chỗ của quả chuối đó, vậy là kết thúc nhé, đừng tranh cãi nữa!”
Con gà ăn mừng bằng cách lấy móng cào cào sàn nhà, khiến tấm thảm cao su bị sần lên thành từng vệt, Tịnh phải nhấc nó và đặt lại trên bậu cửa sổ. Con rắn thở dài.
“Một lựa chọn đáng buồn.” Nó quay đầu, uốn éo cơ thể loằng ngoằng của mình chui lại vào kẹt và biến mất, như một diễn viên lui về sau cánh gà khi đã hết vai.
“Chàng sẽ không phải hối hận vì quyết định của mình đâu.” Con gà khẳng định chắc nịch.
“Để tôi trả lời người yêu mình đã.” Chàng soạn một tin nhắn báo mình bận và gửi đi, sau đó chỉnh trang quần áo chuẩn bị ra ngoài. Lòng thầm hy vọng rằng hôm nay mọi thứ sẽ suôn sẻ.
II.
Vụ tai nạn làm Tịnh nảy sinh một nỗi ám ảnh với giao thông, thật ra cả cha mẹ chàng cũng bị ám ảnh nốt. Có thể từ giờ trở đi chàng sẽ không thể tự mình chạy xe máy đi bất cứ đâu nữa. Có thể đi bộ, đi bus, taxi, hoặc mọi phương tiện miễn là có người chở, nhưng không thể tự mình cầm lái một chiếc xe máy, ít nhất là cho đến khi dư chấn của vụ tai nạn thuyên giảm bớt và chàng có thể quay lại cuộc sống bình thường - nghĩa là tóc dài ra, chỗ vết sẹo chắc sẽ không thể mọc tóc, nó sẽ tạo thành một kiểu đầu kỳ quặc, nhưng ít nhất tóc vẫn có thể dài ra. Chàng đang phân vân nếu vết sẹo cứ nằm đó thì có nên giữ kiểu đầu trọc như hiện tại đến cuối đời không, vì hẳn sẽ không thể có một kiểu đầu đẹp - hoặc kiểu đầu như người bình thường - được khi mang vết sẹo lớn như thế. Dù sao thì hôm nay chàng cũng quyết định sẽ đi bộ đến tiệm in thiệp cưới Chân Quê, giống như hôm kia. Con gà lẽo đẽo theo bên cạnh.
“Ồ, xem ai đang đến kìa!” Con gà đột nhiên dừng bước, thông báo với chàng.
Đó là Nhân của hội Táo Tợn, lại là Nhân, Tịnh có cảm giác số người mình gặp mặt dạo gần đây cứ lặp đi lặp lại, lòng vòng trong bao nhiêu đó người, cứ như là một vòng tròn, từng người sẽ xếp hàng để gặp chàng rồi sau khi đã gặp và nói xong điều cần nói sẽ vòng về cuối hàng, tiếp tục đợi đến lượt mình.
“Trùng hợp quá nhỉ!” Nhân đưa tay chào chàng.
“Đúng là trùng hợp thật.” Chàng gật đầu, họ đang đứng trên vỉa hè, trước một tiệm bán bánh ngọt, “Cậu làm gì ở tận đây thế?”
“Mình mua đồ vẽ.” Nói đoạn, Nhân đưa cái túi trong tay mình lên trước mặt, đúng là hoạ cụ. Nhưng mới hôm kia y vừa mua hoạ cụ xong bây giờ lại phải mua tiếp. Việc gì mà cần nhiều như vậy?
Như nhìn ra được thắc mắc của chàng, y cười cười: “Đang chạy vài bức cho kịp triển lãm.”
“Vậy sao? Cậu sắp mở thêm triển lãm? Tốt quá rồi, chúc thành công nhé!” Tịnh thật lòng cảm thấy mừng, một đợt triển lãm đối với người hoạ sĩ chẳng khác nào một cuốn sách được phát hành của nhà văn cả, đều là chuyện đáng mừng.
“Triển lãm của cả hội mới đúng.” Nhân phất phất tay, rồi y đổi tay cầm túi đồ, “Cả đám định nhắn với cậu góp tác phẩm vào đợt này, nhưng nghĩ lại cậu vừa mới xuất viện, hẳn chưa thể cầm cọ vẽ nên chắc không có tác phẩm để đóng góp. Mà sợ nếu nói cho biết thì cậu lại cố sức vẽ để có cái nhập hội thì cũng không hay, nên mới không dám thông báo sớm.”
“Ừ… nhưng thật ra dạo này mình vẽ được nhiều lắm!”
Từ lúc quyết định sẽ quay lại công việc đến giờ chỉ mới vài ngày, cũng gặp nhiều chuyện không hay ho, song thật sự chàng đã vẽ được rất nhiều, nhiều đến mức hẳn người khác cũng phải bất ngờ về số lượng các tác phẩm ấy.
“Thật sao? Có thể cho mình xem không?” Nhân cũng ngạc nhiên.
“Cần gì, cậu cứ đến trọ mình xem rồi nhân tiện chuyển chúng đến hội luôn. Cẩn thận giúp mình là được.” Tịnh lục túi quần tìm chìa khoá.
“Vậy để mình gọi thêm vài đứa nữa đến phụ. Chắc tụi nó sẽ mừng lắm, cả đám tưởng đâu cậu không tham gia được lần này nên ai cũng tiếc hùi hụi.” Nhân nhận lấy chìa khoá.
Vụ chuyển giao chìa khoá phòng diễn ra rất vô tư. Vấn đề không phải là ai tin tưởng ai, mà là vì trong phòng Tịnh cũng chẳng có gì quý giá ngoài những bức tranh. Ai muốn ra vào cũng được.
“À mà...” Chợt nhớ ra một điều, chàng hỏi, “Gần chỗ này có bán hoạ cụ sao?”
“Có chứ!” Nhân gật đầu, rồi trỏ tay đến tiệm hoạ cụ cách chỗ họ không xa lắm.
Chàng không hề nhớ chỗ ấy trước đây là tiệm hoạ cụ, giống như Nhân vừa đưa tay về phía đó thì ngay lập tức có một cửa hàng bán đồ vẽ mọc lên, lần trước cũng thế. Như thể y muốn chỗ nào có tiệm hoạ cụ thì chỗ đó sẽ có.
“Mình không nhớ gần đây có bán.”
“Hơn một năm rưỡi nay mọi thứ đã thay đổi nhiều lắm rồi.” Y nhìn chàng với vẻ cảm thông, lại chuyền túi đồ từ tay này qua tay kia.
III.
Tịnh bước vào tiệm in thiệp cưới Chân Quê, vẫn là khung cảnh cũ và hai nhân viên cũ. Chẳng biết đây có đúng là một tiệm in thiệp cưới không, hay nó chỉ lấy vỏ bọc như thế thôi còn ở đằng sau là cả một mạng lưới phức tạp nào đó. Tại sao một tiệm thiệp cưới lại cho ngài Petronius thuê phòng để hội họp, tổ chức những buổi gặp-mặt-ấm-cúng của hắn? Hai chiếc máy in vẫn chạy ro ro, giấy in bừa phứa dưới đất. Chàng bước vào, chào nhân viên ngồi sau bàn giấy như cách Ngài Ếch số 3 đã làm lần trước.
“Tôi muốn gặp Petronius.”
Nhân viên ngẩng đầu lên: “Có hẹn trước không?”
“Không, nhưng tôi được một người đưa lời.” Ý chàng là con gà đang đi theo chàng. Nó đang đứng mổ giấy bên cạnh, nhưng người nhân viên chẳng thèm chồm ra khỏi bàn để nhìn nó.
“Vậy thì phải điện thoại cho ngài ấy xem ngài nói thế nào, chúng tôi không thể cho bất kỳ ai vào nếu không có hẹn trước. Nơi này cũng có phép tắc của nó.”
“Tôi không có số điện thoại của trái chuối đó.” Chàng bối rối.
“Chúng tôi rất tiếc.” Người nhân viên vẫn bảo vệ cái quầy của mình như những lính gác giữ cổng một cung điện nơi nàng công chúa dễ bị tổn thương sống bên trong. Tuy nói là tiếc nhưng khuôn mặt tên đó có vẻ cũng không tiếc lắm.
“Sao có thể như thế được?” Chàng nhìn xuống con gà, nó vẫn đăm chiêu mổ mổ, làm xấp giấy bị mẻ hết một góc.
“Này, chàng Vinicius!”
Còn ai ngoài Ngài Ếch số 3, gã ló một nửa khuôn mặt bóng dầu của mình ra khỏi lối đi phía trong.
“Các anh ơi, ngài Petronius đã cho phép chàng ấy lên gặp ngài rồi.” Gã nói với mấy tay nhân viên.
“Vậy sao!” Người nhân viên bàn giấy nhún vai, rồi hất đầu ra hiệu cho chàng vào trong.
Chàng bước qua những chồng giấy la liệt, mắt liếc nhìn vào màn hình máy tính, tay nhân viên còn lại - trong khi đồng nghiệp của mình đóng vai một chiến binh quyết tử bảo vệ công chúa - đang chơi trò nối những con Pokemon giống nhau trên màn hình.
“Thật xin lỗi chàng, vì Chúa, họ cũng chỉ là những người làm công ăn lương thôi. Đừng trách họ!” Cái Hamburger xoắn xuýt hai bàn tay với nhau, khúm núm như một thằng hầu.
“Không sao.” Chàng trả lời, nhớ lại hội Hai Chục Ngàn Một Giờ và di sản của chiến tranh, chuyện chỉ mới vừa xảy ra ngày hôm qua.
“Ngài Petronius vẫn luôn đợi chàng, ơn Chúa, dù chàng đã cư xử khiếm nhã đến mức nào vào lần gặp trước, ngài ấy vẫn không hề để bụng và luôn hy vọng rằng chàng sẽ quay lại. Ngài là một người tốt, bất chấp suy nghĩ của người khác về ngài. Vinicius, chàng hãy luôn nhớ điều đó.”
Ngài Ếch số 3, một cách quái dị, đang đi lên cầu thang bằng những bước lùi, một màn trình diễn độc đáo, gã vừa đối mặt nói chuyện với chàng, vừa đưa chân ra sau giẫm đúng lên bậc cầu thang tiếp theo, đi lùi lên cầu thang, từng bước mượt mà không vấp váp, đây có phải là một thứ tài lẻ của gã, một kiểu tài lẻ vô dụng.
“Tôi được con vật này khuyên đến đây!” Chàng đưa tay giới thiệu chú gà chọi của mình, “Ông có thể cảm ơn nó.”
“Phải rồi, anh bạn nhỏ, thật tốt khi anh bạn có thể thành công khuyên bảo chàng đến đây, bất chấp công việc ấy khó khăn đến mức nào, một Trương Nghi thời hiện đại, một Tôn Tử tái sinh.” Gã nhìn chú gà trìu mến.
Giờ thì đến những ám chỉ của phương Đông. Cứ như một tour du lịch văn hoá với những cái tên và biểu tượng có thể đột ngột nhảy ra, vào bất cứ lúc nào hành khách lơ là cảnh giác. Ngài Ếch số 3 chốc chốc lại đưa ống tay áo quệt lớp mồ hôi rịn ra trên trán, miệng vẫn thì thầm những lời tôn vinh vị Chúa nào đó của gã.
0 Bình luận