Hôm nay, mọi thứ đã thật sự rơi vào hỗn loạn.
Chàng cố gắng bình thản trước chúng, nhưng khó để mà giữ được như thế mãi.
Đầu tiên, chàng thấy một cô bé, có vẻ là học sinh tiểu học, đội một cuốn sách trên đầu. Cuốn sách được mở ra và úp lên mái tóc đen dài bóng loáng, như một mái nhà tí hon. Cô bé mặc váy hoa nhí, đứng trước ống cống của khu nhà máy đông lạnh, trên tay là một hộp cơm sườn còn ngút khói. Thân hình bé nhỏ đứng im như một pho tượng, hai tay nâng hộp cơm đã được mở, hướng vào trong lòng cống.
Cống thoát nước của khu công nghiệp to hơn cô bé. To hơn nhiều. Đủ để trở thành một chốn riêng tư của những đứa nhóc, để chơi trò gia đình chẳng hạn. Lòng cống tối tăm, không biết là sâu bao nhiêu, trông như thể một con đường đâm xuyên qua bên kia Trái Đất, hoặc đâm xuyên qua thế giới khác. Chàng tò mò nên đến hỏi:
“Em đang làm gì vậy?”
Cô bé quay qua nhìn chàng, cẩn thận cho cuốn sách trên đầu mình không rơi xuống, trả lời: “Em đem đồ ăn cho Mimi.”
Một con mèo. Chàng nghĩ. Sao những cô bé gái cứ thích kiếm chó mèo hoang để nuôi thế nhỉ? Chàng nhớ đến con mèo đen của đám nữ sinh phòng 803 và 804, nó cũng được nhặt ở đâu đó về. Sở thích nuôi chó mèo hoang của những đứa trẻ, sự thương hại của những cô cậu bé dành cho những con vật đáng thương.
“Cô ấy hơi sợ người lạ ạ.”
“À ừ…” Chàng biết ý lùi xa khỏi miệng cống. Cô ấy, một con mèo cái và hẳn đã lớn chứ không phải là những con mèo sơ sinh bị vứt bỏ hay mất mẹ.
Tiếng lục tục phát ra, con vật đang di chuyển, tiếng động biểu thị rằng nó không hề nhỏ nhắn chút nào. Không thể là mèo…
Một cánh tay khổng lồ thò ra khỏi miệng cống, nhận lấy hộp đồ ăn. Cánh tay ấy có phần cẳng tay dài đến mức kỳ quặc, có thể là dài đến cả mét, giống như một cái chân nhện. Lại còn gầy, ít thịt, màu xanh xám như nước da của người chết, móng tay trắng bệch vì không có máu. Cánh tay ấy nhận được thức ăn xong thì liền thu vào.
Tiếng nhai thức ăn rao ráo vang lên. Thứ đó đang ăn, ăn rất vội, một cách đáng sợ và thô tục. Cô bé vui vẻ nhìn ngắm nó.
“Ngon không Mimi, cô thấy phần cơm tôi mang đến thế nào?”
Dường như để trả lời, một tràng dài tiếng rên ư ử vọng ra từ lòng cống, nhỏ như tiếng vi vút của một ống sáo. Có lẽ là hài lòng. Tiếp đến, sinh vật ấy nhô một phần khuôn mặt của mình ra ngoài. Một cái môi trắng bệch khổng lồ và một cái mũi xanh xám. Một người khổng lồ thiếu máu sống trong cống thoát nước của khu nhà máy, được nuôi dưỡng bởi một cô bé tiểu học lén lút đem thức ăn đến. Hai cánh mũi thở phì phì, cảm giác đấy là một sinh vật không mang ác ý, chỉ là có hơi cô đơn. Phải chui rúc trong cống cả đời thì hẳn là cô đơn rồi.
Cô bé xoay mặt về phía chàng, nhìn chàng như muốn hỏi tại sao chàng vẫn còn đứng ở đây, tà áo hoa nhí động đậy. Đôi môi và cái mũi khổng lồ kia cũng xoay qua nhưng vì không gian không đủ nên chỉ hơi nghiêng nhẹ khuôn mặt một chút. Tiếng thở vẫn vang lên khe khẽ. Chàng ngay lập tức biết điều mà quay gót bỏ đi khỏi nơi ấy thật nhanh.
Thứ hai, đó là những sinh vật kỳ dị cứ xuất hiện rải rác ở khắp mọi nơi. Ban đầu chàng nghĩ chúng chỉ là những vết ố đen bình thường trên mặt đường hay tường nhà. Nhưng suy nghĩ ấy bị phản bác ngay khi chúng bắt đầu di chuyển. Những sinh vật nhớp nháp, màu đen, bò trên tường khu trọ, cứ như chúng được sinh ra từ nhựa đường vậy. Chúng bò lê lết như sên, nhưng nhanh hơn. Chàng nhìn thấy chúng ở khắp nơi, với đủ mọi kích cỡ, có khi là đang bò giữa đường phố (suýt nữa chàng đã vô tình giẫm trúng một con). Khi chúng di chuyển có thể nghe tiếng lẹp xẹp của một thứ chất lỏng dính nhớp. Nhưng rốt cuộc chúng là gì thì chàng không rõ. Có vẻ cũng vô hại.
Thứ ba, một đám mây kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời, nó quét một đường cong rộng và mỏng, như con mắt của một người đang nhắm lại. Mây thì tất nhiên sẽ có vô số hình dạng kỳ quặc và có thể hình dạng này cũng thuộc vào loại bình thường thôi, thế nhưng Tịnh để ý thấy rằng nó không có dấu hiệu tan đi. Nó cứ lơ lửng trên bầu trời, như một vệt màu trắng quệt ngang bức tranh một cách không có chủ đích và luôn nằm ở đó không bị xoá đi. Riêng bầu trời thì vẫn trong xanh, hôm nay lại là một ngày nắng đẹp. Ngọn lửa ở phía bên kia thành phố vẫn không ngừng lan rộng đến chỗ chàng.
Thứ tư, Tịnh đã nhận công việc đầu tiên kể từ lúc xuất viện. Chủ một quán cà phê muốn thuê chàng đến vẽ tranh tường cho họ. Đối tượng khách hàng của quán là những kẻ trông giống đám lông bông không nghề ngỗng - ý nói đến những tên có tâm hồn nghệ sĩ và thực sự làm nghệ sĩ, nghiệp dư, không chuyên, tuỳ hứng hay tất cả những tính từ đáng tự hào khác. Họ thường tụ tập và nhâm nhi những câu chuyện, những trang báo, những vấn đề thời sự từ sáng đến chiều. Chàng dự định sẽ vẽ một con đường nhìn giống thật nhất có thể, để mấy kẻ đó trong lúc cao hứng sẽ lao đến và rồi nhận ra thứ trước mặt chỉ là một bức tường. Hay ranh ma hơn, sẽ là một cô gái giống người thật.
Song lúc chàng nhận mẫu vẽ từ tay chủ quán thì mọi suy nghĩ ấy đều bị dập tắt. Hình mẫu là một cặp đùi phụ nữ đang dạng ra hai bên, đầy đặn và săn chắc như một cặp đùi ếch, ở giữa, lạy Trời, không phải là bộ phận sinh dục mà là những bông hoa chen chúc nhau, vẫn tạo thành hình dáng của bộ phận sinh dục nhưng ít ra chúng là hoa. Tất cả đều được thể hiện bằng những khuôn hình lập thể. Trường phái lập thể. Khoả thân. Tình dục. Ẩn ức. Ẩn dụ. Biểu tượng tính nữ. Sao cũng được! Chàng định từ chối nhưng nhớ ra mình vừa nhẵn túi vì mua một con gà chọi, và việc điện về nhà xin tiền tiêu vặt vì “lỡ dùng hết tiền để mua một con gà chọi” sẽ dễ dẫn đến một kết cục không được hay cho lắm. Chàng đành nhận lời, dù sao đây vẫn là mô phỏng lại mẫu, vẫn là hiện thực của chàng, thứ trừu tượng của người khác giờ là hiện thực của chàng. Tịnh nghĩ, dù là một quán cà phê dành cho dân nghệ sĩ đi chăng nữa nhưng có một bức tường với hình ảnh táo bạo như thế này thì cũng hơi quá đáng. Hy vọng khi vẽ xong chàng sẽ không bị ai đó xử phạt vì tác phẩm của mình. Nếu có ai bị phạt thì người đó nên là tay chủ quán đã thuê chàng.
“Anh muốn tôi vẽ lại tấm ảnh này, lên bức tường này.” Chàng nói, ngón trỏ di chuyển giữa tấm hình trong tay và bức tường thô trước mặt.
“Đúng rồi.” Chủ quán gật đầu, gã có một khuôn mặt giống những vị tướng được minh hoạ trong sách Tam quốc: hung hăng, râu ria, bặm trợn. Cả vai u thịt bắp, vẻ ngoài đồ sộ hơn so với tâm hồn gã - gã cũng chỉ là một kẻ hiền lành và có tâm hồn nhạy cảm thôi. Chẳng biết cái quán này là do gã dành dụm được mà dựng nên hay do gia đình bỏ vốn. Khi đứng cạnh chàng, gã trông như một con gấu, mà chàng thì còn chẳng được là một người thợ săn, chàng chỉ dừng ở mức là cây súng của người thợ săn đó thôi, mà còn không có đạn.
“Chỉ cần vẽ giống như vậy là được. Khoảng bao lâu thì xong? Cứ tranh thủ hoàn thành nhanh nhất có thể.”
“Hai ngày, hôm nay và mai.” Chàng trả lời.
Tay chủ quán chấp nhận cuộc thương lượng.
Chàng nheo mắt ngắm tấm ảnh mẫu một lần nữa, rồi nhìn lên bức tường. Có những người có sở thích thật khó hiểu.
Thứ năm, ngoài những sinh vật nhớp nhúa màu đen như nhựa đường lảng vảng khắp mọi nơi ra thì còn có thêm một loại sinh vật khác. Đó là những con sứa. Chúng bơi lòng vòng trong không khí, co bóp để đẩy khí tiến về phía trước. Xem lớp không khí trên mặt đất như là nước, chúng thoả sức thả trôi mình, lơ lửng giữa đường phố, giữa các phương tiện giao thông và người đi bộ, như chính chúng cũng là một người đi bộ giống họ. Có những con sứa to bằng cả con người, với hệ thống tua rua dày đặc rủ xuống như một bộ tóc dài uốn lượn, có con màu trắng, có con màu đỏ hồng, đủ mọi dáng vẻ hình thù.
Chúng khiến chàng nhớ đến hình ảnh người ngoài hành tinh có đầu to đùng và thân là những chiếc xúc tua trên phim, nhưng ít ra trông chúng vẫn đẹp và có màu sắc bắt mắt hơn. Không đáng sợ bằng người ngoài hành tinh nhưng cũng gần gần như thế. Chẳng rõ nếu lỡ chạm vào chúng thì có bị ngứa không nên tốt hơn hết chàng nên cố tránh xa chúng nhất có thể. Thế giới này giờ là một đại dương với những con sứa lơ lửng như bóng bay.
Những thứ kỳ lạ ngày càng xuất hiện với tần số dày đặc hơn, khiến chàng không thể làm ngơ được nữa.
Cả một ngày chàng dành cho việc vẽ tường quán cà phê. Giờ này trời đã buông chiều, chàng phải về thay quần áo để kịp đến buổi triển lãm sẽ bắt đầu lúc sáu giờ tối nay và ghé cửa hàng tiện lợi để ăn gì đó. Lúc đi ngang nhà lão Sang, chàng trông thấy lão đang ngồi ngoài cửa lột mài ghẻ trên cánh tay. Lão đã lập nên một kỷ lục mới trong đời mình: tiêu một lúc hết mười hai triệu, và bây giờ lão trở về với trạng thái bản nguyên nhất của con người - không có tiền. Chàng để ý tìm con gà chọi của mình nhưng không biết nó đã đi đâu, có lẽ nó không chịu được những lời đe doạ của chàng ngày hôm qua. Chàng đã hù sẽ làm thịt nó, hoặc bán nó cho những người biết cách làm thịt nó. Trước một lời đe doạ kiểu ấy thì hẳn một con gà cũng sẽ biết sợ. Chàng soạn một bộ quần áo mới, chỉnh trang trước gương rồi lại ra ngoài.
Trời đã tối hẳn.
Những con sứa bay giữa không trung.
Vệt mây cong cong tắm trong ánh trăng.
Những con vật nhớp nhúa trốn vào các góc khuất bí mật.
Hôm nay chàng đã quyết định nghe theo lời con rắn sữa: đến buổi triển lãm và tìm kiếm những khách hàng tiềm năng, chào mời họ mua tranh, hoặc không thì cũng sẽ có một buổi ra mắt ra trò. Tối qua chàng nhận được điện thoại từ Hoàng, chủ tịch hội Táo Tợn. Hắn gần như muốn thét vào điện thoại khi thông báo các tác phẩm của chàng sẽ tham dự một buổi triển lãm cực kỳ lớn vào ngày mai, một sự kiện danh dự và quan trọng mà chưa ai trong hội từng có tranh tham gia. Lẽ ra số lượng tác phẩm được trưng bày đã chốt từ lâu rồi, nhưng người quản lý sự kiện vô tình nhìn thấy những bức tranh của chàng (đến đây lại phải cảm ơn Nhân vì đã cất công giới thiệu và đem các tác phẩm của chàng đến tận chỗ họ) và ngay lập tức ấn tượng với chúng. Quá mức ấn tượng. Không thể tin được. Một loạt những tác phẩm sẽ làm nên chuyện. Họ nói như vậy rồi vội vàng dọn một chỗ cho các bức tranh của chàng.
“Nghe tin xong tao liền đến xem thử, đúng là không thể tin được. Không ngờ có một ngày mày lại đổi phong cách. Những tác phẩm lần này thật sự rất khác.” Hoàng nói với sự cao hứng trong tông giọng khàn khàn như một người bị lao phổi.
“Vậy sao? Nhưng tao vẫn vẽ như trước nay luôn vẽ thôi.” Chàng trả lời.
“Mày đã vẽ khác.”
“Vẽ khác?” Và chàng nhận ra mọi thứ sắp tiêu rồi, thế giới đang lao dốc, chàng đang lao dốc, tất cả đang lao dốc.
Vẫn theo đuổi chủ trương sáng tác của mình, chàng đã vẽ những phong cảnh hiện thực, những con người thật, cuộc sống thật, chân xác nhất có thể, dùng hội hoạ để tái hiện thế giới. Thế giới của chàng, sự thật của chàng. Tất cả đang lao dốc.
“Thời gian nằm viện có lẽ đã cho mày nhiều linh cảm và chiêm nghiệm hơn nhỉ? Những tác phẩm này đúng là từ một con người khác hẳn. Thật sự làm nên chuyện rồi, khéo lại giật giải gì đó luôn.” Hoàng vẫn đang tiếp tục bài tụng ca của mình qua điện thoại.
Chàng chọn nghe lời con rắn, dù không biết con gà sẽ khuyên gì - chàng không tìm nó để hỏi, nhưng chàng không quan tâm. Chàng đã quyết định đi đến không gian trưng bày nghệ thuật của thành phố để xem các tác phẩm của mình, và xem cả cách mọi người đón nhận những tác phẩm đó ra sao.
Bước vào nơi mà Những người trong hội chưa ai tham dự được, Tịnh vô thức chỉnh lại chiếc áo sơ mi trên người, không quá cầu kỳ nhưng đủ lịch sự. Nơi này tất nhiên là được đầu tư hơn so với những triển lãm trước của chàng và đám bạn, hoa được gửi đến tặng nhiều hơn, khách tham quan đông hơn, không gian trung bày cũng ấn tượng và thu hút hơn. Chỉ có điều trong những bó hoa gửi tặng đang được đặt ở trên bàn nhận quà lại không có tên chàng - hội Táo Tợn nói khó mà chuẩn bị kịp, quyết định được thông báo quá gấp, nhưng cả đám sẽ cố gắng nhanh nhất có thể. Chàng giới thiệu mình với quầy lễ tân, họ nhanh chóng đối xử với chàng như một thượng khách, hiển nhiên thôi, chàng là một trong những nhân vật quan trọng của buổi tối hôm nay. Tuy so với những hoạ sĩ khác cũng trưng bày tác phẩm chung đợt này thì chàng hẳn là đang xếp chót, nhưng thứ hạng không có ý nghĩa gì nếu đều là những nghệ sĩ được chọn.
Chàng gặp mặt một số người, bắt tay với một số người, nhận lời khen của một số người. Nghe thấy chàng đến họ ra chào và chúc mừng, tuy chưa ai biết đến ai, nhưng một hoạ sĩ trẻ thế này lại được tham dự một sự kiện nghệ thuật uy tín của thành phố thì tất nhiên họ cũng sẽ dành một sự xem trọng xứng đáng đối với chàng. Chàng đi đến khu vực của mình.
Một người đàn ông mặc vest đang ngắm tranh rất chăm chú. Lão đội một chiếc mũ phớt đen, sạch bóng, chiếc tẩu ngút ngoắt giữa cặp môi, bộ râu muối tiêu xồm xoàm bò vào miệng, hai tay chắp sau mông, đôi mắt sau cặp kính gọng tròn kiểu cổ điển nghiền ngẫm. Khi bạn đi ngoài đường mà nhìn thấy một người như vừa xuyên không từ thập kỷ trước (hay thế kỷ trước) đến thời hiện đại, thì nếu hắn ta trẻ, hắn ta là một kẻ làm trong lĩnh vực thời trang hoặc nếu hắn ta già, hắn là một kẻ thích ngắm tranh. Lão đang nhìn bức tranh vẽ thành phố đang cháy của chàng.
Tên của bức tranh: Ai là người đã đốt thành phố?
Nó thể hiện cảnh tượng thành phố đang cháy hừng hực trong lửa, nhưng dải lửa ấy chỉ mà một vệt đỏ sinh động ở phía xa và một bức tường thành khói đen nghi ngút. Y hệt những gì chàng nhìn thấy về thành phố này. Chàng bước lại gần, đứng bên cạnh.
“Một bức tranh thật nhiều ẩn dụ!”
Lão huýt vai chàng, như những kẻ mộ điệu nổi hứng trò chuyện với người bên cạnh và bắt đầu nổ ra một cuộc tranh luận về nghệ thuật, liên tu bất tận những tên người và tên trường phái được liệt kê để mỗi bên bảo vệ cho luận điểm của mình. Đó là sứ mệnh của nghệ thuật: Những màn tranh luận.
“Đây là bức tranh vẽ hiện thực.” Chàng trả lời.
Chiếc tẩu chưng hửng né ra khỏi chàng. Cặp kính tròn quan sát chàng từ đầu đến chân, đầu tiên là dừng lại ở vết sẹo đáng sợ, tiếp theo là dừng lại ở cái bảng tên trên ngực. Vinicius. Chàng không thể giấu thân phận của mình và cũng không cần phải giấu, lộ mặt thì dễ mời gọi người mua tranh hơn.
“Phải rồi.” Chiếc tẩu già như chợt hiểu ra một điều cốt lõi nào đó, “Đây là hiện thực của cậu. Chàng hoạ sĩ trẻ. Tôi có lời khen…”
“Không phải, đây là hiện thực khách quan, chẳng có ẩn dụ nào cả. Tôi đã sao chép nguyên bản những gì mình nhìn thấy.” Chàng đưa tay hướng về phía bức tranh. Bức tranh vẽ thành phố đang cháy rừng rực. Không ẩn dụ, không biểu tượng, không sâu xa lắm mối. Chỉ là một thành phố, và nó đang cháy. Thế thôi.
“Phải phải, hẳn rồi.” Lão gật gù, lắc lắc ngón tay như đang muốn nói khá lắm chàng trai, khá lắm!
Chàng ước gì lão có thể hiểu chàng như Tâm Anh. Mà Tâm Anh nào?
Đương định đáp lời thì chất giọng dõng dạc của một phát thanh viên chắn ngang môi chàng. Cả hai nhìn về phía đó.
Một người đàn ông mặc vest, lịch lãm quá mức, khuôn mặt vuông quá mức, tóc chải chuốt quá mức và tỏ ra kịch tính quá mức đang đứng trước một bức tranh, đưa tay giới thiệu trước máy quay và trước những khán giả tại hiện trường. Cũng là một bức tranh do chàng vẽ. Tên của nó là Hai mươi ngàn đồng một giờ.
“Các bạn hãy quan sát bức tranh này, nó thú vị ở chỗ nào, có ai biết không?”
Chàng chen vào đám đông, lộn trái bảng tên và đứng lắng nghe. Lão già cũng mò mẫn đi theo và đứng bên cạnh.
Bộ vest cầm micro tiếp tục, vừa nói vừa chỉ cho mọi người thấy từng chi tiết: “Nó là tranh cực thực, nghĩa là hoạ sĩ này đã sử dụng những kỹ thuật và phong cách của trường phái cực thực để tạo nên người con trai trong bức tranh.”
Chàng gật gù, gã này nói đúng. Thứ chàng muốn thể hiện trong những bức tranh của mình chính là sự thực tế, sinh động, diễn tả lại hoàn hảo đời sống. Từng đường nét trên bức tranh, từng sợi tóc, nếp nhăn, những mảng da không đều màu, đôi mắt thăm thẳm, tất cả đều như đang sống.
“Nhưng…” Tên diễn giả khoa trương kéo dài giọng, “Các bạn có thấy gì đặc biệt không, chính là chi tiết chàng trai trong tranh bị chảy máu mũi. Nhưng thay vì là máu, đó lại là một dải chất lỏng trông như dải ngân hà. Chi tiết này phá vỡ tính cực thực của bức tranh, tác giả đã cất công vẽ nên một tác phẩm sinh động đến thế nhưng chỉ một chi tiết cực kỳ nhỏ đã đạp đổ tất cả, làm tăng sự hoài nghi trong lòng người xem. Rốt cuộc thì cái gì là thực? Bao nhiêu phần trăm là thực? Chúng ta loay hoay đi tìm sự thật giữa cuộc đời này, để cuối cùng nhận ra chỉ một chi tiết phi logic bé nhỏ đã phá vỡ hoàn toàn cấu trúc của hiện thực. Hiện thực quá đỗi mong manh, quá đỗi dễ vỡ, nó yếu ớt trước cái siêu thực, yếu ớt trước những điều vô lý và vô thường. Cuộc đời là thường biến, là một chuỗi những sự trồi sụt của đúng và sai, của nghĩa lý và vô nghĩa lý, của giả tạm và thường hằng.
“Nhưng đó chỉ là những lý giải cao siêu và quá vĩ mô thôi. Nhìn một cách đơn giản hơn, bức tranh này còn thể hiện một điều khác. Trong những giọt máu của chủ thể trong tranh là cả một vũ trụ của sự sống. Máu là căn nguyên của sự tồn tại. Bức tranh như muốn biểu đạt rằng trong mỗi con người nhỏ bé chúng ta đều chứa đựng một vũ trụ bao la. Và bức tranh này đã thể hiện cái giao điểm đó, vũ trụ và con người là một, cái vi mô và cái vĩ mô là một, trong một sự sống chứa cả thế giới và cả thế giới cũng chỉ vỏn vẹn là một sự sống. Đấy là ý nghĩa rõ ràng nhất của tác phẩm này.”
Những tiếng vỗ tay hào hứng nổ ra, mọi người xung quanh chàng phấn khích vì phần trình bày và phân tích quá tuyệt vời, trước một tác phẩm có thể gọi là sự giao thoa giữa hai trường phái cực thực và siêu thực, báo hiệu cho một tài năng mới, một tư duy nghệ thuật mới đang manh nha hình thành.
Chàng hoang mang.
Chưa bao giờ chàng nghĩ mình là một hoạ sĩ đi theo trường phái siêu thực - cách tân - nổi loạn - phá phách gì cả. Chàng chỉ thích vẽ lại cuộc sống hàng ngày của mình, vẽ những cái bình thường, lưu giữ cuộc sống bằng tranh và màu vẽ. Chàng muốn khi nhìn vào tranh chàng người ta sẽ thấy hiện thực chứ không phải thấy những thứ ngoài lề, trừu tượng, hay thấy những hiện thực khác. Hiện thực chỉ có một, không có hiện thực khác. Chàng muốn người xem tranh sẽ rung động vì nét vẽ của chàng, vì khung cảnh trong tranh chàng chứ không phải vì những ẩn dụ sâu xa hay những hàm nghĩa rắc rối. Chàng chẳng quan tâm gì đến cách tân - biểu hiện - tâm lý - lý tưởng. Chàng muốn vẽ những gì chàng thấy, và chấm hết.
Giờ thì chàng đã mang lên người mình những cái danh “hoạ sĩ cách tân”, “nghệ thuật thể nghiệm”, “phản ánh hiện thực tâm lý” mất rồi. Song, nghe những gì tên mặc vest phân tích thì lại thấy rất có lý. Không cãi được.
Rốt cuộc chàng đã làm sai ở đâu, ở bước nào?
“Và đây! Vinicius của mọi người đang đứng ngay đây! Bên cạnh tôi! Một hoạ sĩ thực trẻ và thực điển trai.” Lão già đội mũ phớt bỗng nhiên hét to rồi đẩy chàng lên trước. Vế sau chắc lão chỉ nói cho lịch sự. Vì thường người ta sẽ không khen một chàng trai trọc lốc và có vết sẹo to đùng trên đầu là điển trai.
Sợ rằng vẻ ngoài của chàng sẽ khiến mọi người đặt nghi vấn. Tay diễn giả chuyên nghiệp dẫn dắt: “Thưa các bạn, Vinicius đã phải vẽ những bức tranh này trong điều kiện ngặt nghèo, cậu ta chỉ vừa mới xuất viện sau một tai nạn giao thông khủng khiếp. Nhưng phượng hoàng đã tái sinh từ tro tàn, chính những biên cảnh ngặt nghèo ấy mới tạo nên được những tâm hồn vĩ đại, thứ nghệ thuật đích thực chỉ sản sinh từ những giây phút khó khăn và thách thức nhất. Chính cơn thập tử nhất sinh đã cho cậu ấy những nguồn linh cảm mới và tạo ra những tác phẩm tuyệt nhất trong đời mình, những tác phẩm như chúng ta vừa được chiêm ngưỡng!”
Lại tiếng vỗ tay, reo hò. Chàng bẽn lẽn như gái về nhà chồng buổi đầu, tất cả còn quá mới.
Khối vuông đưa micro cho chàng. Chàng phát biểu gì đó, cảm ơn ai đó, cảm thấy sao đó, vân vân. Sự rụt rè và ít nói của chàng tạo cho đám đông hình tượng của một hoạ sĩ chân chính, một nhân vật phi thường. Ai cũng tin rằng những nghệ sĩ thiên tài đều có cá tính đặc biệt, nên cách ứng xử khiêm cung, tay cầm micro bối rối và những câu phát biểu giật cụt của chàng làm đám đông vừa ý.
Như để cho tình hình càng thêm rối loạn, hội Táo Tợn ùa đến với những bó hoa. Nhân ôm lấy chàng, nhấc bổng chàng lên, hú hét: “Thấy chưa, mình đã nói chúng là những tuyệt tác! Cậu phải cảm ơn mình đó!” cùng khuôn mặt rạng rỡ. Hoàng cầm lấy thanh cũi đen trên tay chàng rồi phát biểu, vẫn với cái giọng như người bị lao phổi: “Thưa mọi người, Vinicius là một thành viên của hội chúng tôi, hội Táo Tợn.” đoạn đưa tay giới thiệu những người trong hội - đang bị che mặt bởi những bó hoa quá to, “Ban đầu nó - à không, Vinicius chẳng bao giờ chịu thay đổi tư duy của mình, cứ chăm chăm vẽ tranh cực thực và tôn vinh đó là phong cách hoàn hảo nhất trong hội hoạ. Gã luôn bè bỉu và chê bai những đồng nghiệp vẽ tranh trừu tượng - một cách cực đoan. Nhưng bây giờ gã thay đổi rồi, thời gian nằm viện và cơn bĩ cực bất ngờ trút xuống đầu gã đã khiến gã thay đổi. Gã đã nghĩ lại và bất ngờ chưa! Gã quyết định sẽ kết hợp giữa phong cách cực thực vốn có của mình và chút màu sắc siêu thực để tạo ra những tác phẩm như các bạn đã thấy. Một sự kết hợp thông minh và hoàn toàn bất ngờ. Hoá ra từ trước đến nay gã rèn luyện theo trường phái cực thực là để phục vụ cho ý đồ này. Thật sự là một cú hit làm chấn động tất cả mọi người.”
Tịnh huých vai bạn. “Mày nói nhảm cái gì đấy!”
Cuộc đời vô thường ở chỗ khi bạn đứng trước một buổi triển lãm tranh, với vô số những thành phần đam mê nghệ thuật quá khích, thì chỉ một lát nữa thôi nó sẽ biến thành một buổi buôn bán và đấu giá.
Một người đàn ông phốt pháp hét lên với sự sung sướng tột độ: “Tôi mua bức này, bức Hai mươi ngàn đồng một giờ, với giá hai trăm triệu. Cậu có muốn bán không?”
Nó đã mở ra một thế giới rất khác.
Nếu một bức tranh của chàng được đôn giá lên hai trăm triệu, thì các bức tranh khác cũng sẽ tăng giá trị theo, sẽ không có bức nào được bán với giá dưới một trăm triệu nữa. Giá tranh của chàng đã tăng vọt từ vài triệu lên vài trăm triệu. Chỉ đơn giản là vì chúng đã được gắn cho vô số những ý nghĩa mà phải tinh tế lắm người ta mới thấy được. Chàng từ một kẻ bán hiện thực trở thành một kẻ bán ý nghĩa. Và đó mới là vấn đề.
Họ trả tiền cho chàng để mua một thứ mà chàng không hề tạo ra, chàng được trả tiền cho một thứ mà chàng chẳng can hệ gì đến nó. Chàng sợ mình sẽ phải lãnh hậu quả, sẽ bị vạch trần, sẽ bị phát giác. Người ta sẽ nhận ra khả năng của chàng không phải là như thế - khả năng của chàng là một cái khác không liên quan. Chàng không thể bán thứ mà mình không có. Nếu ông ta mua bức tranh này vì những ý nghĩa sâu xa của nó thì hai trăm triệu ấy phải thuộc về tên mặt vuông kia, chính tên mặt vuông mới là tác giả của những thứ ông ta muốn mua. Không phải chàng. Tất nhiên nếu bán được chàng sẽ chia phần cho hắn, nhưng vấn đề không phải ở đó.
Chàng choáng váng ngã vào Hoàng đứng bên cạnh. Chủ tịch hội Táo Tợn vội vàng đỡ chàng dậy. Chàng lắc lắc đầu, số tiền ấy khiến chàng thấy váng vất. Phải mất khoảng thời gian bao lâu để một người nhân viên cửa hàng tiện lợi, làm công ăn lương hai mươi nghìn đồng một giờ, kiếm được hai trăm triệu?
“Khoan đã mọi người, từ từ đã!”
Lúc chàng nhận ra thì đám người vây xung quanh mình đã chìm vào thứ im lặng cần có của một buổi đánh giá các tác phẩm nghệ thuật - sự im lặng trầm mặc. Chàng quay ra sau, nhìn anh chàng đang chảy máu mũi. Những dải ngân hà, những tinh tú lưu động, thiên thể xoay tròn.
“Chúng tôi hiểu mà…” Chiếc tẩu già gật gù.
Họ nghĩ chàng đang phân vân trước đứa con tinh thần, như sự phân vân của một nhà nghệ sĩ mang đầy cái tôi cao ngạo đối với tác phẩm do mình tạo ra. Việc thương lượng buôn bán một sự vĩ đại không bao giờ là dễ dàng, và không phải ngay lập tức, phải có một thời khắc lưỡng lự như gia vị trong gói mì tôm, nó khiến cho cuộc sống đậm đà hơn.
“Tôi cần phải nghĩ đã.” Chàng trả lời. Tim đập thình thịch. Vết sẹo nóng lên và co giật. Hai chân không còn sức chống đỡ. Lòng bàn tay tê rần. Hai bên má bị nhuộm đỏ vì hồi hộp.
Tịnh lịch sự xin được một chút yên tĩnh. Chàng nhờ hội Táo Tợn trả lời các câu hỏi và phỏng vấn giúp mình, tán hươu tán vượn gì cũng được. Chàng cần được ngồi nghỉ. Mọi người cảm thông, cho rằng đó là một biểu hiện rất nghệ sĩ khi đứng trước một tình huống bất ngờ, trước sự nổi tiếng đột ngột.
Chọn một phòng trống, phòng dùng để làm tiệc và không có bức tranh nào, chàng ngồi xuống đệm của bộ bàn ghế đặt trong góc, gần như là thả người ngã vật lên đó. Trên bàn là một bữa tiệc kiểu vương giả, tất nhiên là chỉ mô phỏng chứ không phải là thật. Tịnh thở lấy hơi, nhìn trần nhà. Rồi chàng vùi đầu vào lòng bàn tay, xoa xoa mặt để tỉnh táo hơn. Phải tỉnh táo, thật sự tỉnh táo. Hiện thực của chàng. Chàng không thể để mất hiện thực của mình.
Vào lúc đó, gã xuất hiện. Gã Áo Choàng.
Gã bước vào phòng một cách lặng lẽ, tuy ở đây chỉ có hai người họ nhưng gã cũng không muốn làm ồn. Gã là chiếc áo choàng. Nghĩa là chàng chỉ thấy một chiếc áo choàng đang di chuyển, vì thế không chắc có thật sự là có một-người-nào-đó trong tấm áo ấy hay không. Cũ kỹ, giống hệt cái lần trước chàng giật được từ gã. Chiếc áo choàng bước đến gần. Chàng nhìn lên nó.
“Chàng giữ áo của tôi.” Gã nói, một thứ giọng kỳ quặc, như được phát ra từ một chiếc loa bị rè. Hoặc gã đang dùng máy đổi giọng, có thể gã gắn nó trên ngực bên trong lớp áo dày phủ bên ngoài.
“Ông là người lần trước?” Chàng hỏi.
Cái áo choàng gật đầu (nghĩa là chàng thấy phần mũ nâng lên hạ xuống).
“Đúng, tôi đang giữ nó, nhưng tôi để nó ở nhà rồi. Xin lỗi nhé!” Chàng phất tay, đoạn nhìn gã từ trên xuống dưới, “Mà có vẻ ông đã kiếm được một cái mới. Trong thùng rác à?”
“Hóm hỉnh đấy chàng trai.” Được thứ ấy khen làm chàng cảm thấy kỳ quặc.
Chàng hỏi gã đến đây làm gì nhưng gã không trả lời, chỉ ung dung ngồi xuống chiếc ghế đối diện, nhìn chàng qua phần tối bị cái mũ che khuất. Chàng đang trò chuyện với bóng tối bên trong cái áo chứ không phải con người.
“Chàng nên ra ngoài đó, mọi người đang chờ được nghe quyết định từ chàng.”
“Ông đừng đột nhiên xuất hiện rồi bảo tôi phải làm này làm nọ.” Chàng nhăn mặt. Dạo gần đây có quá nhiều người bảo chàng phải làm này làm nọ, như thế là quá đủ rồi.
“Chỉ là một lời gợi ý thôi, chàng có thể không làm theo nếu không thích, điều chàng thích mới là điều tốt nhất cho chàng.” Giọng nói rè rè trả treo, song nghe khá nghiêm túc.
“Tôi có vẽ cả ông.”
“Tôi thấy rồi, khuyên thật lòng, bức đó nên treo giá ba trăm triệu.” Lần này thì là bỡn cợt thật.
Bức tranh ấy có tên Gã Áo Choàng, vẽ một tấm áo choàng đi trên đường giữa những hàng quán và người qua lại tấp nập. Hẳn nếu qua lời của tay diễn giả, nó sẽ trở thành một ẩn dụ cho những con người vô danh, đã đánh mất bản sắc và căn cước trong xã hội hiện đại, họ vẫn sống giữa chốn phố xá tấp nập những người và người nhưng hoàn toàn lạc lõng, xa cách với mọi thứ. Nếu được như thế thì có khi nó sẽ xứng đáng với ba trăm triệu thật.
“Dù sao thì cậu cũng đã nổi tiếng, điều đó rất tốt, những thứ cậu vẽ sẽ được vô số người mong đợi và đánh giá. Không phải ai cũng có được cái may mắn đó.”
“Ông nói gì cũng được. Thế ông có định mua tranh không?” Chàng tìm cách làm gã mất mặt để tống khứ gã ra chỗ khác, “Tôi đang cần được yên tĩnh nên nếu ông không mua tranh thì xin thứ lỗi cho tôi…”
“Tôi không có tiền, tất nhiên, nhìn tôi đâu giống kẻ sẽ bỏ ra ba trăm triệu mua bức tranh vẽ chính mình.” Hai bên vai của tấm áo choàng nâng lên hạ xuống - gã đang nhún vai.
Chàng đật đầu, đoạn đưa tay hướng về phía cửa, không nói lời nào. Tiễn khách.
“Chàng nên nghĩ lại, hãy nhìn vào Tâm Anh, sống như Tâm Anh, học tập cách cư xử của Tâm Anh. Nếu cứ thế này chàng sẽ khiến nhiều người mếch lòng!” Tấm áo choàng lắc lắc đầu, chép miệng.
“Tâm Anh nào?”
“Nếu chàng đã hỏi thế thì tôi xin kể chàng nghe một câu chuyện.”
“Câu chuyện nào?”
“Làm ơn đừng thắc mắc nữa, hãy giữ trật tự nghe tôi kể một câu chuyện.” Lần đầu tiên, cái loa rè tỏ thái độ khó chịu.
Đột nhiên, cả cơ thể chàng bị đông cứng lại. Tứ chi không thể di chuyển, răng lưỡi không thể động đậy, tròng mắt cũng không thể láo liên. Chàng không thể cử động, như thể đang trong một cơn bóng đè.
Tấm áo choàng chồm qua bàn. Giờ thì chàng chắc chắn là chẳng có con người nào bên trong nó cả, chỉ có một thứ bóng-tối đang trò chuyện, và tấm áo choàng chỉ là một đại diện. Quá nhiều thứ đại diện cho những thứ phía sau chúng.
Gã ghé sát tai chàng, bắt đầu kể…
0 Bình luận